Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phần Một - Phẩm Tựa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Mạn Đà La Tiên, Đời Lương  

PHẨM MỘT

PHẨM TỰA  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật Bà già bàn trụ tại đỉnh núi Già Da, nước Già Da, cùng đại Chúng Tăng Bảy vạn người.

Các vị ấy đều là A La Hán, các lậu đã dứt, không còn phiền não, tâm được tự tại, tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải thoát, là bậc Đại Long Tượng mọi người đều biết, việc làm đã xong, không còn thọ thân sau, lìa bỏ gánh nặng, sớm được tự lợi, dứt các trói buộc.

Khéo được giải thoát, tự tại nơi tấc cả, thông đạt pháp tánh, tuyệt đối giải thoát, khéo đạt pháp tánh, là con của đấng Pháp Vương, tâm được điều phục, kiên cố bất thoái, tám thức gió của thế gian chẳng thể lay động, chúng đức vẹn toàn, nguyện đã viên mãn, trụ nẻo Niết Bàn. Chỉ trừ một người, đó là Trưởng Lão A Nan còn ở bậc Hữu học.

Lại có các chúng Đại Bồ Tát, gồm mười sáu vạn Đại Sĩ, tất cả đều là Nhất sinh đại bổ xứ, hướng đến nhất thiết trí, kính trọng nhất thiết trí, tiến tới nhất thiết trí, thành tựu nhất thiết trí, đắc Tam Muội Vô Ngại Đà La Ni, trụ Tam Muội Thủ Lăng Nghiêm, có khả năng hiện bày diệu dụng các đại thần thông, luôn luôn hóa độ, thành tựu đầy đủ cho chúng sinh không có ngừng nghỉ.

Không còn các phiền não chướng ngại, tâm đại từ rải khắp tất cả Quốc Độ trong mười phương, khéo giỏi qua lại vô lượng Cõi Phật, dùng cảnh giới không trụ vào vô tướng, nhất cử nhất động đều tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Hành thiện ở tất cả cảnh giới của Chư Phật, trí tuệ vô biên đồng với hư không, tam muội vi diệu sâu rộng như biển, tâm không dao động như núi Tu Di, thanh tịnh không nhơ giống như hoa sen, tâm thiện trong sáng như báu ma ni, tâm ấy tinh khiết như vàng ròng đã luyện.

Tên của các vị này là Đại Bồ Tát Bảo Tướng, Bồ Tát Bảo Chưởng, Bồ Tát Bảo Ấn Chưởng, Bồ Tát Bảo Quan, Bồ Tát Bảo Đảnh, Bồ Tát Bảo Thủ, Bồ Tát Bảo Tích, Bồ Tát Bảo Kế, Bồ Tát Bảo Tràng, Bồ Tát Kim Tạng, Bồ Tát Kim Cang Tạng, Bồ Tát Bảo Tạng, Bồ Tát Cát Tạng, Bồ Tát Trang Nghiêm Tạng.

Bồ Tát Như Lai Tạng, Bồ Tát Trí Tuệ Tạng, Bồ Tát Nhật Nguyệt Tạng, Bồ Tát Tam Muội Tạng, Bồ Tát Liên Hoa Tạng, Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt, Bồ Tát Phổ Nguyệt, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế Chí, Bồ Tát Quán Sát Tự Tại, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Phổ Nhãn, Bồ Tát Liên Hoa Nhãn, Bồ Tát Quảng Nhãn.

Bồ Tát Phổ Oai Nghi, Bồ Tát Phổ Tề Chỉnh, Bồ Tát Phổ Duyệt Ý, Bồ Tát Phổ Lễ, Bồ Tát Trí Ý, Bồ Tát Pháp Ý, Bồ Tát Thắng Ý, Bồ Tát Thượng Ý, Bồ Tát Kim Cang Ý, Bồ Tát Sư Tử Phấn Tấn, Bồ Tát Đại Lôi Thanh Vương, Bồ Tát Sư Tử Hống, Bồ Tát Thâm Hưởng Âm, Bồ Tát Vô Ô.

Bồ Tát Vô Cấu, Bồ Tát Kim Cang Minh, Bồ Tát Nhật Quang, Bồ Tát Trí Quang, Bồ Tát Trí Cát, Bồ Tát Nguyệt Cát, Bồ Tát Phù Dung Cát, Bồ Tát Bảo Cát, Bồ Tát Đồng tử Văn Thù Sư Lợi cùng mười sáu vị Đại sĩ, do Bồ Tát Hiền Hộ làm Thượng Thủ.

Các Đại Bồ Tát trong Hiền kiếp, do Bồ Tát Di Lặc làm Thượng Thủ. Tứ Đại Thiên Vương làm Thượng Thủ Cõi Trời Tứ Thiên Vương. Thiên Chủ Đế Thích làm Thượng Thủ Cõi Trời Tam Thập Tam. Thiên Tử Dạ Ma làm Thượng Thủ Cõi Trời Tu Dạ Ma.

San Đâu Suất Đà Thiên Chủ làm Thượng Thủ Chư Thiên Cõi Trời Đâu Suất. Hóa Lạc Thiên Chủ làm Thượng Thủ Chư Thiên Cõi Trời Hóa Lạc. Tự Tại Thiên Chủ làm Thượng Thủ Chư Thiên Cõi Tha Hóa Tự Tại. Đại Phạm Vương làm Thượng Thủ tất cả chúng Phạm Thiên. Những Phạm chúng này đều phò giúp các Phạm Vương.

Đại Tự Tại Thiên làm Thượng Thủ tất cả Chư Thiên Cõi Trời Tịnh Cư. A Tu La Vương Tỳ Ma Chất Đa làm Thượng Thủ vô lượng trăm ngàn A Tu La Vương. Các Long Vương A Nậu Đạt, Long Vương Ma Na Tư, Long Vương Sa Kiệt La, Long Vương Bà Tu Cát… trong vô lượng trăm ngàn Long Vương như vậy, Long Vương Cát Oai Đức làm Thượng Thủ.

Lại có vô lượng trăm ngàn các long nữ, tám bộ chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân… tất cả đại chúng vây quanh đảnh núi Già da rộng bốn do tuần, nhiều như vi trần, trên mặt đất cũng như trong hư không, không còn chỗ khuyết trống.

Đại chúng tụ hội an tọa về một bên, chiêm ngưỡng tôn nhan Đức Như Lai. Chính giữa chúng hội là bảo Tòa Sư Tử, cao một do tuần. Bảo tòa chung quanh chạy dài hai mươi dặm.Vô lượng tơ lụa năm ngủ sắc giăng bày trên ấy. Linh bảy báo cùng các lưỡi báu và trăm ngàn cờ hoa treo lơ lửng giữa không trung.

Tất cả địa giới xung quanh tòa cao đều được tạo thành do kim cương bảy báu. Mọi người vui vẻ sửa sang cho đất bằng phẳng, quét dọn rưới nước sạch sẽ, đốt các loại hương, vô lượng hoa trời tung lên trên đó. Vô lượng trăm ngàn hoa sen lớn như bánh xe từ đất vọt lên, đều là sắc vàng rồng, lưu ly dùng làm đài, ngọc châu Nhân đà ni la làm tua hương thơm phảng phất, thanh thoát, khả ái nhằm cúng dường Đức Thế Tôn.

Cách bốn góc tòa cao, không xa cũng không gần, có bốn cây báu tự nhiên xuất hiện cao sáu mươi lý, tàng của mỗi cây tre phủ xung quanh mười lăm lý.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngồi trên Tòa Sư Tử, dùng tâm bình đẳng chuyển bánh xe pháp, hàng phục ma oán. Tám thức gió thế gian chẳng thể làm lay động.

Như Sư Tử Vương không còn tư tưởng khiếp nhược sợ hãi, như nước đủ tám công đức ở A nậu đạt tràn đầy vắng lặng. Như biển lớn sâu thẳm không đáy, như núi Tu Di an ổn bất động, như Mặt Trời soi rõ tất cả thế gian, như Mặt Trăng làm mát dịu mọi vật, như đại Long Vương biển tuôn mưa pháp khắp chốn, như đại Phạm Vương ra ngoài ba cõi.

Khi ấy, nơi đỉnh đầu Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng lớn chiếu soi tất cả đại chúng đệ tử điều thuận đang vây quanh cùng vô lượng trăm ngàn Chư Thiên, Thích, Phạm, Hộ thế cung kính lễ bái, tâm chẳng cao thấp. Đó gọi là ánh sáng phổ chiếu.

Vô lượng tia sáng ấy từ đỉnh phóng ra chiếu khắp vô biên tất cả Thế Giới, nơi mười phương, sau đó ánh sáng được thu về, nhiễu quanh Thế Tôn ba vòng rồi nhập vào diện môn, nhưng toàn bộ ánh sáng vẫn không tăng giảm. Giống như lấy nước bơ dầu vẽ trên cát, không tăng không giảm, ánh sáng của Như Lai cũng lại như vậy.

Bấy giờ, về phương Đông trải qua vô lượng hằng hà sa Thế Giới, có Thế Giới tên la Phù dung hoa.

Đức Phật trong Thế Giới ấy tên là Phù Dung Nhãn, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn đang diễn thuyết pháp yếu cho chúng Đại Bồ Tát. Đó là pháp Nhất Đại Thừa đạo.

Cõi Phật này không có tên của hàng Nhị Thừa là Bích Chi Phật và Thanh Văn.

Tất cả chúng sinh trong Thế Giới này đều là Bồ Tát, đối với đạo quả Bồ Đề Vô Thượng ở vào ngôi vị bất thoái.

Hết thảy Bồ Tát trên Thế Giới ấy không dùng tạp thực, chỉ lấy thiền duyệt làm thức ăn, lấy pháp lạc làm thức ăn.

Nơi Thế Giới này không có ánh sáng của Mặt Trời, Mặt Trăng, tinh tú, tất cả chỉ dùng ánh sáng chiếu tỏa của Như Lai.

Thế Giới ấy cõi đất bằng phẳng như bàn tay, không có cỏ dại, cấu uế, bụi rậm, sỏi đá và các núi đen.

Nơi Cõi Phật này có Đại Bồ Tát tên là Tát bà ni bật xa cảm tỳtrân quốc, cũng gọi là Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại. Nếu có chúng sinh nào nghe danh hiệu của Bồ Tát này, chỉ trong giây lát thì liền phát tâm thiện, có khả năng trừ được tất cả chướng ngại.

Khi ấy, Đại Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại gặp được ánh sáng từ thân của Đức Thế Tôn chiếu qua, liền từ trú xứ của mình đi đến chỗ Đức Phật Phù Dung, cung kính lễ bái sát chân rồi ngồi qua một bên. Cùng lúc cũng có vô lượng đại chúng Bồ Tát cảm nhận được ánh sáng này, liền từ trú xứ của mình cùng đến chỗ Phật, cung kính lễ bái, lui ngồi một bên.

Lúc này, Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai phải, gối phải chạm nền liên hoa đài thượng, chắp tay đứng về Đức Phật, thưa: Kính bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà có ánh sáng chiếu khắp, sắc màu rực rỡ đủ loại, bất khả tư nghì, thanh tịnh vô cấu, làm cho thân tâm tất cả Bồ Tát vui thích?

Đức Phật Phù Dung Nhãn liền bảo Bồ Tát: Này thiện nam! Từ đây đi về phương Tây, hơn hằng hà sa số Thế Giới có Cõi Phật tên là Sa ha, Phật trong Thế Giới ấy tên là Thích Ca Mâu Ni gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Nếu có chúng sinh nghe được danh hiệu của Phật Thích Ca Mâu Ni, thì đối với đạo quả Bồ Đề Vô Thượng, chúng sinh đó không còn thoái chuyển. Ánh sáng mà các vị thấy ở đây chính là ánh sáng của Đức Thích Ca Như Lai phóng ra. Ánh sáng đó thanh tịnh, vô cấu, vi diệu đệ nhất, làm an vui tất cả thân tâm Bồ Tát.

Bồ Tát lại thưa: Kính bạch Thế Tôn! Có những chúng sinh nghe được danh hiệu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì đối với đạo quả bồ đề vô thượng họ không còn thoái chuyển.

Nghĩa này như thế nào?

Phật Phù Dung Nhãn bảo Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại: Này thiện nam! 

Trong đời quá khứ, lúc Đức Thích Ca Như Lai hành Bồ Tát đạo đã phát thệ nguyện: Khi ta thành Phật, nếu có chúng sinh nào được nghe danh hiệu ta thì đối với đạo quả bồ đề vô thượng liền được không thoái chuyển.

Bồ Tát lại thưa: Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh trong Thế Giới ấy nghe danh hiệu Phật, đều được không thoái chuyển hết chăng?

Phật nói: Chẳng phải vậy.

Bồ Tát hỏi: Bạch Thế Tôn! Vậy chúng sinh nơi cõi đó chẳng được nghe danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni chăng?

Phật bảo: Này thiện nam! Tất cả đều nghe được.

Bồ Tát thưa: Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh ở cõi đó đều được nghe danh hiệu của Phật, tại sao có người được không thoái chuyển, người không được không thoái chuyển?

Phật đáp: Này thiện nam! Những chúng sinh nhờ nghe danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni, họ được không thoái chuyển là do đã gieo trồng nhân không thoái chuyển. Như Lai đã thấy việc này nên mới nói chúng sinh đó không thoái chuyển. Chẳng phải chỉ có nghe danh hiệu mà được không thoái chuyển.

Này thiện nam! Nay ta vì ông mà nói thí dụ làm cho nghĩa này được sáng tỏ.

Này thiện nam! Như hạt giống của cây, hoặc lớn, hoặc nhỏ, nếu gặp ngoại duyên đầy đủ, không có gì ngăn ngại thì cây nẩy mầm, phát triển nhanh.

Này thiện nam! Thế nào gọi là chủng tử?

Bồ Tát thưa: Vì không có gì ngăn ngại nên gọi là chủng tử.

Phật bảo: Đúng vậy! Này thiện nam! Nghe danh hiệu Như Lai tức là gieo chủng tử không thoái chuyển. Chính các chúng sinh đầy đủ các duyên, nghe danh Như Lai, đối với đạo quả Bồ Đề Vô Thượng được gọi là không thoái chuyển.

Bồ Tát lại thưa: Nay con muốn qua Thế Giới Sa Ha, mong thấy Đức Phật Thích Ca Ứng Cúng Chánh Biến Tri để hầu hạ, lễ bái, cung kính cúng dường.

Thế Tôn Phù Dung Nhãn bảo Đại Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại: Này thiện nam! Lành thay! Thật tốt thay! Khi qua đến đó, ông sẽ biết rõ những điều ấy.

Lúc ấy, lại có vô lượng chư Đại Bồ Tát đến chỗ Phật Phù Dung Nhãn thưa: Kính bạch Thế Tôn! Chúng con rất muốn đến Thế Giới Sa Ha mong được gặp Phật Thích Ca Mâu Ni để hầu hạ, cung kính, tôn trọng cúng đường.

Phật Phù Dung Nhãn bảo chúng Bồ Tát: Này các thiện nam! Nay đúng là lúc các ông được tùy ý đến đó. Đến Thế Giới ấy, các ông thận trọng thu nhiếp các căn, chớ có buông thả.

Vì sao?

Vì chúng sinh ở Thế Giới ấy có quá nhiều tham dục, sân hận, ngu si, chẳng giữ phạm hạnh thanh tịnh của Sa Môn, vui theo phi pháp, vu khống, gian trá, thô xấu, nói lời gièm pha quanh co sai trái, nói lời ác độc nguyền rủa, buông lung, phóng túng, cao ngạo, giọng điệu châm biếm, dua nịnh, diện mạo thô xấu, biếng nhác, phá giới, ám độn, siêng làm việc ác, đố kỵ, keo kiệt, bị vô lượng phiền não trói buộc. Chúng sinh trong Thế Giới đó tánh tình như vậy, đang được Đức Thích Ca Như Lai thuyết pháp, hóa độ.

Khi ấy, đại chúng Bồ Tát thưa: Kính bạch Thế Tôn! Việc Đức Thích Ca Như Lai vì chúng sinh đó mà thuyết pháp, thật là khó! Thật là khó!

Phật bảo: Đúng vậy! Đúng vậy! Này thiện nam! Thích Ca Như Lai vì chúng sinh đó mà diễn thuyết pháp yếu, là rất khó! Khó thật!

Này thiện nam! Chúng sinh nơi cõi đó xấu ác như thế, khởi một niệm thiện là rất khó!

Vì sao?

Vì nếu ở cõi nước thanh tịnh, chúng sinh thanh tịnh, tu hành pháp thiện chẳng có gì gọi là khó.

Còn ở Thế Giới Sa Ha uế trược như vậy, trong giây lát mà chúng sinh khởi được tâm thiện thật là hiếm có. Chỉ trong sát na, chúng sinh nơi cõi đó quy y Phật, quy y chánh pháp, quy y Thánh Tăng, thật là hiếm có.

Chỉ trong sát na, chúng sinh nơi cỏi ấy thọ trì tịnh giới, thật là hiếm có!

Trong một sát na, chúng sinh nơi cõi đó khởi tâm lìa dục, thật là hiếm có. Trong một sát na, chúng sinh nơi cõi đó khởi lòng đại bi, phát tâm bồ đề vô thượng, thật là hiếm có.

Khi ấy các vị Bồ Tát thưa: Việc này thật hiếm có, bạch Thế Tôn! Thật hiếm có, thưa Thiện Thệ!

Tất cả các Đại Bồ Tát nói: Cao cả thay, bạch Thế Tôn! Như lời Phật dạy, chúng con vâng giữ phụng hành, thuận theo chánh pháp. Thưa như vậy xong, các vi đảnh lễ sát chân Phật rồi lui ra.

Các vị Bồ Tát này muốn cúng dường Đức Thích Ca Như Lai nên biến hóa ra đủ loại: Có vị hóa làm cây báu tướng hảo trang nghiêm, hoa trái đầy đủ. Có vị hóa thành cây Tỳ Lưu Ly, hóa làm cây Pha lê báu, hóa làm cây Kim Ngân, cây hoa quả và cây Như ý. Lại có vị hóa làm mây y phục, mây trang nghiêm, mây hương, mây tóc mượt, mây long, mây kỹ nhạc… các mây biên hóa như vậy hợp thành một mảng lớn.

Các Bồ Tát cùng Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại đi đến Thế Giới Sa Ha.

Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại nói với chư Bồ Tát: Này các Nhân Giả! Chúng sinh nơi Cõi Sa Ha ấy luôn bị các khổ não hại, bức bách.

Đúng rồi! Này các Nhân Giả! Chúng ta phải nên vì các chúng sinh mà hiện bày, đại thần thông. Dùng sức thần thông này, khiến cho chúng sinh đó xa lìa các khổ, thọ hưởng an vui.

Các Bồ Tát đáp: Hay thay! Thật hay thay! Kính vâng Nhân Giả! Lúc này, Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại liền dùng thần thông phóng ra các loại ánh sáng làm cho thân tâm an lạc, mát mẻ vi diệu, không còn nhơ nhớp.

Bồ Tát chiếu ánh sáng này khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, khiến cho các loài ngạ quỷ, súc sanh, chúng sinh trong tất cả địa ngục cùng Diêm La Vương gặp ánh sáng ấy đều lìa được các khổ, thọ hưởng an vui, không còn tâm tướng sát hại, tâm không phẫn nộ, tâm không sân hận, tất cả đều cung kính nhau, tưởng như cha mẹ.

Khoảng giữa của tam thiên đại thiên Thế Giới là những nơi chốn tối tăm, ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đạo lực thần thông chẳng thể chiếu đến, chỉ có ánh sáng của Bồ Tát là chiếu rõ tất cả, giúp cho các chúng sinh nơi ấy được thấy nhau. Các núi Thiết Vi, núi Mục Châu Lân, núi Đại Mục Châu Lân, cùng vô lượng núi đen trong tam thiên đại thiên Thế Giới, tất cả đều được ánh sáng của Bồ Tát chiếu rõ.

Ánh sáng ấy, trên chiếu đến tất cả Cõi Phạm Thiên, lên đến Trời Hữu Đảnh, dưới chiếu tới các địa ngục: địa ngục Hoạt hoạt, địa ngục Hắc thằng, địa ngục Hiệp phá, địa ngục Khiếu hoán, địa ngục Đại khiếu hoán, địa ngục Thiêu chử, địa ngục Đại thiêu chử, địa ngục A tỳ và một trăm ba mươi sáu các địa ngục lớn. Các địa ngục băng giá không có phương chốn, cùng tất cả các địa ngục, ánh sáng mặt trời chẳng thể chiếu tới. Nay được ánh sáng chiếu tới nên tất cả đều vui mừng dứt các thống khổ.

Có các chúng sinh nhờ thần thông này, cầu ăn được ăn, cầu uống được uống, cầu y phục, xe cộ, tiền tài, vàng bạc, châu báu… khởi niệm liền được. Người mắt tối được sáng, người điếc nghe được, người câm nói được, người tâm loạn điên cuồng liền được chánh niệm, người khổ được vui, người mang thai sinh con được an ổn không có đau đớn.

Khi tất cả chúng Đại Bồ Tát nơi cõi kia đến đỉnh núi Già Da còn chẳng bao xa, các vị bèn dùng lưới bảy báu giăng che khắp tam thiên đại thiên Thế Giới này.

Ở giữa hư không, tự nhiên hiện bày tuôn mưa hoa sen lớn, cùng các loại hoa mây của Chư Thiên: Mây quả, mây tóc mượt, mây hương, mây phục, mây hương bột, mây các loại tơ lụa, mây cờ phướn, mây lọng… các chúng sinh xúc phạm với các thứ mưa mây này được an vui.

Cõi đất xung quanh đều rất thanh tịnh. Các loại cây tạp lớn nhỏ trên đỉnh núi Già Da đều không xuất hiện, chỉ có các thứ cây báu, cây ý, cây hoa, cây quả, cây chiên đàn, cây trầm hương lan tỏa khắp chốn ấy.

Vô lượng Thiên Nữ ở giữa hư không tấu kỹ nhạc trời để cúng dường Thế Tôn.

Những âm thanh này phát ra, tạo thành kệ tụng ca ngợi công đức của Phật:

Thác sinh vườn rừng, đời kỳ vĩ

Thanh tịnh vô cấu không gì bằng

Nguyện lễ tướng hư không bình đẳng

Nên chúng con đến cõi nước này.

Nơi gốc cây thành đạo Đẳng Giác

Phá trừ tất cả các oán ma

Nguyện lễ đấng oai thần tột bậc

Nên chúng con đến Thế Giới này.

Chuyển pháp Luân vi diệu giữa chúng

Giảng pháp như huyễn, trăng trong nước

Nguyện lễ cây như ý vi diệu

Nên chúng con đến Thế Giới này.

Biết rõ thế gian như ảo mộng

Các loại sắc tượng tợ vòng lửa

Nguyện lễ phước tuệ tu bất động

Nên chúng con đến Thế Giới này.

Trong vô lượng kiếp tu song hạnh

Nhờ đại bi, phước tuệ viên thành

Nguyện lễ mặt trăng tròn thanh tịnh

Nên chúng con đến Thế Giới này.

Vô lượng chúng Trời, Người, Bồ Tát

Cúi đầu lễ, cung kính cúng dường

Nguyện lễ đấng ánh sáng tuyệt vời

Nên chúng con đến Thế Giới này.

Nhiều kiếp khổ hạnh được pháp báu

từ bi thí muôn loài chẳng tiếc

Nguyện lễ đấng tự lợi, lợi tha

Nên chúng con đến Thế Giới này.

Tâm tịnh vắng lặng ướp từ bi

Chẳng nhiễm bụi cấu, như hoa sen

Nguyện lễ vô lượng công đức tụ

Nên chúng con đến Thế Giới này.

Bản tánh vô vi, chẳng sinh diệt

Đạo lực thần thông hiện ba tướng

Nguyện lễ tự tại chẳng nghĩ bàn

Nên chúng con đến Thế Giới này.

Thân tướng trang nghiêm, đẹp phân minh

Đấng cứu hộ, thế gian quy ngưỡng

Nguyện lễ cây báu vô lượng cành

Chúng con xin cúng dường đầy đủ.

Bài kệ ca ngợi công đức Phật phát ra chưa được bao lâu thì Trưởng Lão Mục Liên từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai phải, gối phải chấm đất, chắp tay cung kính đảnh lễ Phật, thưa: Kính bạch Thế Tôn! Tướng đoan nghiêm này do ai tạo ra?

từ xưa đến nay con chưa từng thấy nghe như vậy.

Phật đáp: Này Tôn Giả Mục Kiền Liên, đi về phương Đông, cách đây hằng hà sa số Thế Giới, có Thế Giới tên là Phù dung hoa, trong cõi ấy có Phật tên là Phù Dung Nhãn, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri… hiện giờ đang thuyết pháp yếu.

từ Cõi Phật đó, Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại cùng vô lượng trăm ngàn ức na do tha chư Đại Sĩ đi đến Thế Giới Sa Ha này nên hiện tướng đoan nghiêm như thế.

Phật vừa dứt lời thì Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại cùng trăm ngàn ức na do tha chư Bồ Tát dùng đại thần thông đã đến Cõi Phật.

Các vị cúi đầu kính lễ sát chân Đức Thế Tôn rồi đi nhiễu ngàn vòng, đứng trước Đức Phật dùng kệ, đồng thanh tán thán:

Xin quy mạng Thế Tôn

Đấng Đại dũng vang lừng

Đại trí, Đại Tiên tôn

Vượt qua mọi nguy hiểm!

Kính lễ đấng tối thượng

Soi sáng tất cả chỗ

Biết rõ tánh chúng sinh

Thương xót cứu độ khắp.

Cúi đầu lễ Pháp Vương

Bất động như Tu Di

Như biển sâu không đáy

Hàng phục các ngoại đạo.

Kính lễ đấng chuyển pháp

Sư tử gầm trong chúng

Thể pháp tánh tự nhiên

Xưa nay không sinh diệt.

Nói chánh đạo đúng thời

Khiến đạt được chân như

Làm cho nhập Niết Bàn

Hoặc là được thọ ký.

Khéo đạt tánh ba tụ

Thấu suốt mọi thời, cơ

Hóa độ các chúng sinh

Bủa lưới pháp như y.

Dâm, nộ, si, các uế

Cùng vô lượng mê hoặc

Ngồi nơi cội Bồ Đề

Dùng lửa trí thiêu tận.

Tự độ mình, độ người

Mình cùng đời giải thoát

Mê muội chìm ba cõi

Chỉ có Phật vớt lên.

Vô minh che chúng sinh

Trong lao ngục ba cõi

Nay giác ngộ đèn pháp

Cùng nhau xin đảnh lễ.

Chư Bồ Tát chúng con

Đều từ Phật hóa sinh

Rất thích nghe chánh pháp

Mong Thế Tôn Giảng nói.

Sau khi Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại cùng chư Đại Bồ Tát dùng kệ tán thán Đức Phật xong, Đức Thế Tôn thương mến, khen ngợi, mời tất cả Bồ Tát ngồi trên đài hoa sen.

Bấy giờ, Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại, từ tòa đứng dậy, bày vai hữu, quỳ gối phải trên đài hoa sen, chắp tay hướng về Đức Phật, thưa: Kính bạch Thế Tôn! Nay con có một vài điều muốn hỏi Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Cúi xin Thế Tôn thương xót giải đáp cho.

Phật bảo: Đại Sĩ cứ hỏi, Như Lai, Thế Tôn thường lắng nghe những điều nghi vấn, Như Lai sẽ phân biệt giải đáp.

Được Phật cho phép hỏi, Bồ Tát hàng phục nhất thiết chướng ngại liền thưa:

Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát đầy đủ bố thí Ba la mật?

Thế nào là Đại Bồ Tát đầy đủ trì giới Ba la mật?

Thế nào là Đại Bồ Tát đầy đủ nhẫn nhục Ba la mật?

Thế nào là Đại Bồ Tát đầy đủ tinh tấn Ba la mật?

Thế nào là Đại Bồ Tát đầy đủ thiền na Ba la mật?

Thế nào là Đại Bồ Tát đầy đủ bát nhã Ba la mật?

Thế nào là Đại Bồ Tát đầy đủ Ưu Hòa Câu Xa Sa Ba la mật?

Thế nào là Đại Bồ Tát đầy đủ Ba Ni Lao Na Ba la mật?

Thế nào là Đại Bồ Tát đầy đủ Bà La Ba la mật?

Thế nào là Đại Bồ Tát đầy đủ Xà Na Ba la mật?

Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ Tát cùng với đất bình đẳng?

Thế nào là Bồ Tát cùng với nước bình đẳng?

Thế nào là Bồ Tát cùng với lửa bình đẳng?

Thế nào là Bồ Tát cùng với gió bình đẳng?

Thế nào là Bồ Tát cùng với hư không bình đẳng?

Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát như mặt trời, mặt trăng?

Thế nào là Bồ Tát như Sư Tử Vương?

Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát có khả năng giỏi điều phục?

Thế nào là Bồ Tát là tri thức của thế gian?

Thế nào là Bồ Tát dụ như hoa sen?

Thế nào là Bồ Tát phát tâm rộng lớn?

Thế nào là Bồ Tát được tâm thanh tịnh?

Thế nào là Bồ Tát tâm không nghi hoặc?

Thế nào là Bồ Tát ý như biển lớn?

Kính bạch Thế Tôn!

Thế nào là Bồ Tát tâm hiểu rõ điều vi tế?

Thế nào là Bồ Tát biện tài hợp lý?

Thế nào là Bồ Tát biện tài rõ ràng?

Thế nào là Bồ Tát biện tài thanh tịnh?

Thế nào là Bồ Tát có thể tạo an vui tất cả chúng sinh?

Thế nào là Bồ Tát hội nhập hủy hoại ngôn ngữ?

Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát nói pháp lợi ích?

Thế nào là Bồ Tát luôn tùy thuận?

Thế nào là Bồ Tát thấu triệt pháp giới?

Thế nào là Bồ Tát hành nơi cảnh giới không?

Thế nào là Bồ Tát trụ vào vô tướng?

Thế nào là Bồ Tát xa lìa tất cả tâm nguyện?

Thế nào là Bồ Tát dùng từ làm thân?

Thế nào là Bồ Tát dùng bi làm thân?

Thế nào là Bồ Tát thường trụ nơi hoan hỷ?

Thế nào là Bồ Tát an trụ trong xả?

Thế nào là Bồ Tát hiện bày thần thông diệu dụng?

Thế nào là Bồ Tát vĩnh viễn lìa xa tám nạn?

Thế nào là Bồ Tát không quên mất tâm bồ đề?

Thế nào là Bồ Tát đạt được trí túc mạng?

Thế nào là Bồ Tát thân cận tri thức thiện?

Thế nào là Bồ Tát xa lìa tri thức ác?

Thế nào là Bồ Tát chứng đắc pháp thân Như Lai?

Thế nào là Bồ Tát được thân Kim Cang bất hoại?

Thế nào là làm Đại Cát bạc chủ?

Thế nào là Bồ Tát làm đại Đạo Sư?

Thế nào là Bồ Tát chỉ rõ đạo không điên đảo?

Thế nào là Bồ Tát thường nhớ nghĩ chân chánh?

Thế nào là Bồ Tát mặc y phấn tảo?

Thế nào là Bồ Tát thọ trì ba y?

Thế nào là Bồ Tát hành động chẳng luồng cúi, vênh váo?

Thế nào là Bồ Tát khất thực như pháp?

Thế nào là Bồ Tát chỉ ăn một lần?

Thế nào là Bồ Tát không ăn uống nhiều lần?

Thế nào là Bồ Tát trụ nơi A Lan Nhã?

Thế nào là Bồ Tát nương tựa nơi gốc cây?

Thế nào là Bồ Tát quen ngồi nơi khoảng đất trống?

Thế nào là Bồ Tát trụ nơi rừng Thi Đà?

Thế nào là Bồ Tát ngồi yên không ngủ?

Thế nào là Bồ Tát tùy nghi trải đồ ngồi?

Thế nào là Bồ Tát thâu nhiếp tâm đúng pháp?

Thế nào là Bồ Tát dụng tâm cùng lý tương ưng?

Thế nào là Bồ Tát thọ trì Tu Đa La Kinh?

Thế nào là Bồ Tát thọ trì Tỳ Ni Luật?

Thế nào là Bồ Tát đầy đủ oai nghi, hành động như pháp?

Thế nào là Bồ Tát tâm không keo kiệt, ganh ghét?

Thế nào là Bồ Tát sinh tâm bình đẳng đối với tấc cả chúng sinh?

Thế nào là Bồ Tát ân cần cúng dường, cung kính Chư Phật?

Thế nào là Bồ Tát đoạn trừ kiêu mạn?

Thế nào là Bồ Tát tâm hằng thanh tịnh?

Thế nào là Bồ Tát rõ biết về thế đế?

Thế nào là Bồ Tát thông đạt về đệ nhất nghĩa đế?

Thế nào là Bồ Tát thông suốt mười hai nhân duyên?

Thế nào là Bồ Tát biết rõ mọi sự ở thế gian?

Thế nào là Bồ Tát sinh ở Cõi Phật thanh tịnh?

Thế nào là Bồ Tát chẳng thọ thai sinh ô nhiễm?

Thế nào là Bồ Tát xuất ly gia cư?

Thế nào là Bồ Tát thọ mạng thanh tịnh?

Thế nào là Bồ Tát tâm không mỏi mệt?

Thế nào là Bồ Tát thực hành đúng pháp Phật chế?

Thế nào là Bồ Tát dung mạo luôn vui vẻ, không hề chau mày?

Thế nào là Bồ Tát đầy đủ đa văn?

Thế nào là Bồ Tát giữ gìn chánh pháp?

Thế nào là Bồ Tát sinh ra làm Pháp Vương Tử?

Thế nào là Bồ Tát được Thích, Phạm, Hộ Thế, Chư Thiên nghênh tiếp?

Thế nào là Bồ Tát biết rõ căn tánh của chúng sinh?

Thế nào là Bồ Tát thành tựu đầy đủ cho chúng sinh?

Thế nào là Bồ Tát có khả năng nhận lãnh ngôi chánh vị?

Thế nào là Bồ Tát cùng an trú nơi an lạc?

Thế nào là Bồ Tát khéo hành cách nhiếp pháp?

Thế nào là Bồ Tát được thân tướng đoan nghiêm?

Thế nào là Bồ Tát là chỗ nương tựa?

Thế nào là Bồ Tát dụ như đại Dược Thọ Vương?

Thế nào là Bồ Tát tương ưng phước nghiệp?

Thế nào là Bồ Tát có khả năng biến hóa giỏi?

Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát sớm thành tựu đạo quả bồ đề vô thượng?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần