Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bí Mật Chẳng Nghĩ Bàn Của Như Lai - Phẩm Tám - Phẩm Mật Ngữ Chẳng Nghĩ Bàn Của Như Lai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT
CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM TÁM
PHẨM MẬT NGỮ CHẲNG
NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI
Đại Bí Mật Chủ Đại Bồ Tát Kim Cang Thủ bảo Đại Bồ Tát Tịch Tuệ: Sao gọi là mật ngữ nghiệp ngữ thanh tịnh của Như Lai?
Từ đêm Như Lai chứng quả vị giác ngộ cao tột cho đến đêm Như Lai vào đại Niết Bàn, trong khoảng thời gian đó, Đức Như Lai chưa từng nói một chữ, cũng không có nêu ra.
Vì sao?
Vì Đức Như Lai luôn ở trong chánh định, Như Lai cũng không thở ra hay thở vào, hoặc tầm hoặc tứ. Do không tầm tứ cho nên lời nói ra lìa các tà vọng. Đức Như Lai không có tầm, không có tứ, không có phân biệt, không có rộng phân biệt, không có nói, không có hiển thị, lại không nêu bày. Nhưng các chúng sinh lại nghe Như Lai tuyên nói, thật ra Như Lai luôn ở trong định.
Đối với tất cả loại, tất cả thời, cũng dùng văn tự để nêu ra, nhưng lại không nêu ra. Chỉ vì có chúng sinh do dùng văn tự sinh lòng tin tôn trọng, từ đó họ cho rằng Đức Như Lai vì họ mà nói pháp. Nhưng tâm Phật Như Lai thường an trụ xả, không có phân biệt.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Không phải từ môi, răng, lưỡi, cổ và mặt của Như Lai phát ra âm thanh, mà âm thanh của Như Lai phát ra là từ hư không, nhưng chúng sinh lại cho rằng âm thanh từ miệng Phật Như Lai phát ra.
Tịch Tuệ nên biết! Lời nói của Như Lai có đầy đủ sáu mươi bốn tướng, thù thắng vi diệu:
Một là lời nói trôi chảy.
Hai là nhu nhuyến.
Ba là ý vui.
Bốn là đáng mừng.
Năm là thanh tịnh.
Sáu là ly cấu.
Bảy là trong sáng rõ ràng.
Tám là ngọt ngào.
Chín là khiến muốn nghe.
Mười là không yếu kém.
Mười một là tròn đầy.
Mười hai là điều thuận.
Mười ba là không thô rít.
Mười bốn là không ác.
Mười lăm là thiện nhu.
Mười sáu là thích nghe.
Mười bảy là thân khoái thích.
Mười tám là tâm sinh dũng mãnh.
Mười chín là tâm vui.
Hai mươi là vui thích.
Hai mươi mốt là không nhiệt não.
Hai mươi hai là như những lời dạy.
Hai mươi ba là khéo biết rõ.
Hai mươi bốn là phân biệt rõ ràng.
Hai mươi lăm là thiện ái.
Hai mươi sáu là khiến sinh hoan hỷ.
Hai mươi bảy là khiến người khác theo lời dạy.
Hai mươi tám là làm cho người khác biết rõ.
Hai mươi chín là như lý.
Ba mươi là lợi ích.
Ba mươi mốt là lìa điều lỗi lầm tái phát trở lại.
Ba mươi hai là âm thanh như Sư Tử.
Ba mươi ba là âm thanh như rồng.
Ba mươi bốn là tiếng như sấm chớp.
Ba mươi lăm là tiếng như rồng chúa.
Ba mươi sáu là như tiếng ca hay của Khẩn Na La.
Ba mươi bảy là tiếng như Ca Lăng Tần Già.
Ba mươi tám là tiếng như Phạm Vương.
Ba mươi chín là tiếng như chim Cộng Mạng.
Bốn mươi là như tiếng hay của Trời Đế Thích.
Bốn mươi mốt là như tiếng trống sấm.
Bốn mươi hai là không cao.
Bốn mươi ba là không thấp.
Bốn mươi bốn là hòa nhập vào tất cả âm thanh.
Bốn mươi lăm là không khuyết giảm.
Bốn mươi sáu là không phá hoại.
Bốn mươi bảy là không nhiễm ô.
Bốn mươi tám là không chấp thủ.
Bốn mươi chín là đầy đủ.
Năm mươi là trang nghiêm.
Năm mươi mốt là biểu thị rõ ràng.
Năm mươi hai là viên mãn tất cả âm thanh.
Năm mươi ba là các căn khoái thích.
Năm mươi bốn là không hủy báng.
Năm mươi lăm là không khinh khi.
Năm mươi sáu là không lay động.
Năm mươi bảy là hòa nhập vào tất cả chúng hội.
Năm mươi tám là các tướng đầy đủ.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Năm mươi chín là Như Lai nói ra khiến cho tất cả chúng sinh khắp mười phương Thế Giới sinh tâm hoan hỷ, nhưng Phật Thế Tôn không có ý nghĩ như vậy: Ta tuyên nói các pháp như Khế Kinh, Ứng Tụng, Ký Biệt, Phúng Tụng, Tự Thuyết, Duyên Khởi, Bản Sự, Bản Sinh, Phương Quảng, Hy Pháp, Luận Nghị, Thí Dụ.
Lại còn pháp bí mật đi trước, nói pháp bản duyên, nói pháp về nhân đời trước, nói gần, nói nhiều, nói rộng, chỉ bày, an lập, phần vị, phân biệt giải thích rõ ràng về những điều Như Lai nói.
Các pháp như vậy đối với tất cả đại chúng trong hội như: Chúng hội Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di.
Hoặc các chúng hội như: Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già… Đức Phật có khả năng tùy theo căn tánh tinh tấn, trình độ của mỗi chúng sinh mà ban pháp. Tất cả chúng hội nghe pháp rồi đều cho rằng pháp từ miệng Phật nói ra. Nhưng pháp mà Đức Như Lai nói ra đó không có những lời trùng lập lẫn nhau, mà các chúng hội đều tùy theo âm thanh hiểu rõ các pháp.
Tịch Tuệ! Đây gọi là mật ngữ của Như Lai.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Sáu mươi là tất cả số lượng chúng sinh ấy thật vô lượng, hạnh của tất cả chúng sinh cũng vô lượng. Đức Như Lai dạy tâm hạnh của chúng sinh lược nói có tám vạn bốn ngàn chủng loại, chỉ vì chúng sinh căn tánh thấp kém mà khiến cho chúng hiểu rõ lời nói của Như Lai.
Tịch Tuệ nên biết! Tâm hạnh của chúng sinh không có hạn lượng, trong thế gian lại có chúng sinh tham, có chúng sinh sân, có chúng sinh si, có chúng sinh đẳng phần. Tâm hạnh của mỗi mỗi chúng sinh có sự sai biệt. Nếu Đức Như Lai ở trong một kiếp hoặc hơn một kiếp, cho đến Như Lai trụ ở đời trăm ngàn kiếp, dù cho có thọ đến cùng tột đi chăng nữa cũng không thể nói hết tâm hạnh vô cùng của chúng sinh.
Nếu Phật chỉ nói tâm hạnh vô biên của chúng sinh thì các chúng sinh không thể hiểu nỗi mà trái lại sinh si mê. Vì thế Đức Như Lai khéo dùng phương tiện trong vô lượng hạnh của chúng sinh lược nói có tám vạn bốn ngàn. Lại nữa, Như Lai đã nói các pháp, tùy theo tâm hạnh sai biệt của chúng sinh mà khiến cho họ được hiểu rõ.
Tịch Tuệ! Đây gọi là mật ngữ của Như Lai.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Sáu mươi mốt là ngữ bí mật trí của Như Lai, hòa nhập vào tất cả tâm ý của chúng sinh, nhưng lời nói ấy không từ miệng Như Lai nói ra, chỉ từ hư không mà phát ra. Nếu có chúng sinh nào cho rằng lời nói từ miệng của Như Lai nói ra, thì chớ có ý nghĩ như vậy.
Vì sao?
Có chúng sinh hoặc thấy lời nói của Như Lai phát ra từ nhục kế, hoặc phát ra từ đảnh, hoặc phát ra từ rẽ tóc ngang trán, hoặc phát ra từ lông mày, hoặc phát ra từ trán, hoặc phát ra từ giữa chặng mày, hoặc từ lông trắng giữa mày, hoặc từ mắt phát ra, hoặc từ tai phát ra, hoặc từ mũi phát ra, hoặc từ má phát ra, hoặc từ miệng phát ra, hoặc từ cổ phát ra, hoặc từ cánh tay phát ra, hoặc từ tay phát ra.
Hoặc từ ngón tay phát ra, hoặc từ hai bên xương sườn phát ra, hoặc trước ngực phát ra, hoặc sau lưng phát ra, hoặc từ rún phát ra, hoặc từ âm tàng phát ra, hoặc từ đùi phát ra, hoặc từ đầu gối phát ra, hoặc từ ống chân phát ra, hoặc từ mắt cá chân phát ra, hoặc từ chân phát ra, hoặc từ tướng tốt phát ra, hoặc từ các lỗ chân lông phát ra. Các chúng sinh như vậy, hiểu biết khác nhau.
Tịch Tuệ! Đây gọi là mật ngữ của Như Lai.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Sáu mươi hai là lời Như Lai nói ra tùy theo đó các chúng sinh mỗi mỗi tin hiểu, tùy theo các tâm ý của chúng sinh mà thành thục, tùy theo sự thích ứng mà khiến cho tất cả được hiểu rõ, nhưng Phật Như Lai luôn thường trụ xả, không có phân biệt. Ví như thế gian mượn các pháp mà tạo thành các âm nhạc, tùy theo người làm mà thành ra sắc sảo đẹp đẽ.
Nhạc cụ này tay không rờ vào cũng không nhờ sức người mà chỉ cần gió thổi nhẹ qua là phát ra tiếng hay, tiếng phát ra đó đều là do gió nghiệp sai biệt đời trước thổi động vào. Lời nói của Như Lai cũng lại như vậy, tùy theo ý vui muốn của tất cả chúng sinh, gió trí thổi kích động vào, cũng chẳng phải Như Lai dụng lực mà phát ra.
Như Lai tùy thuận tất cả nghiệp sai biệt đời trước và cảnh giới của chúng sinh, tùy theo sự thích ứng mà nói.
Tịch Tuệ! Ví như tiếng vang tùy chỗ phát ra, chỗ phát ra tiếng ấy không phải ở trong, không phải ở ngoài, không phải ở giữa.
Lời nói của Như Lai cũng lại như vậy, nói ra là vì biểu hiện tâm ý của chúng sinh, nhưng tiếng của Như Lai không phải ở trong, không phải ở ngoài, cũng không phải ở giữa. Lại như trong biển cả có bảo châu như ý, gọi là viên mãn tất cả ý vui, đem nó treo lên cây tràng cao, tự nhiên phát ra tiếng. Châu này có khả năng làm cho ý của tất cả chúng sinh vui.
Tuy vậy, nhưng châu này không có phân biệt. Như Lai cũng lại như vậy, nói ra lời quý báu, thân tâm thanh tịnh, treo trên tràng đại bi, tùy theo ý muốn của các chúng sinh, mà Như Lai phát ra lời nói vi diệu khiến cho họ được hiểu rõ, nhưng Phật Như Lai thường trụ xả, không phân biệt.
Tịch Tuệ! Đây gọi là mật ngữ của Như Lai.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Sáu mươi ba là âm thanh của Phật Như Lai không có mức độ. Ta không thấy các hàng Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn ở thế gian mà có thể biết được ngằn mé và mức độ âm thanh của Như Lai.
Vì sao vậy?
Ta nhớ thuở nọ Đức Phật đang ở tại núi Thứu Phong, Thành Vương Xá, các chúng Bồ Tát cùng nhau vây quanh tuyên nói pháp môn, âm thanh luôn thanh tịnh, rộng vì chúng sinh diễn bày rõ ràng.
Sau đó nhờ lực gia trì của Đại Bồ Tát Từ Thị nên Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên nghĩ như vậy: Mức độ âm thanh thanh tịnh của Như Lai vang được bao xa?
Nghĩ như vậy rồi liền ngay nơi tòa ẩn mất không hiện, tự dùng thần lực đến đảnh núi Tu Di để nghe thử âm thanh của Phật vang xa hay gần.
Lại vận thần lực bay đến tam thiên đại thiên Thế Giới, lại quá hơn phía Tây của núi Tu Di, lại quá hơn bốn đại châu Thế Giới, lại quá hơn núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, cho đến tận Thế Giới, rồi trở lại đứng trên đảnh núi Thiết Vi lắng nghe mức độ âm thanh của Như Lai nhưng âm thanh của Như Lai vẫn bình đẳng không có tăng giảm.
Khi ấy Đức Thế Tôn biết việc này rồi liền nghĩ như vậy: Đại Mục Kiền Liên ý muốn thử xem mức độ âm thanh của ta, nay ta nên nhiếp thần lực.
Đức Thế Tôn nhiếp thần lực xong, Đại Mục kiềnliên nương vào oai thần gia trì của Phật, tự dùng thần thông ở một phần phía Tây của Thế Giới này, quá chín mươi chín hằng hà sa số Cõi Phật, đến một Thế Giới tên Quang minh tràng, nước ấy có Đức Như Lai hiệu là Quang Minh Vương, hiện đang nói pháp giáo hóa chúng sinh.
Khi Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên đến Thế Giới ấy rồi, lắng nghe mức độ âm thanh của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai, cũng như nghe tiếng người kia nói cách mười khuỷu tay, Đại Mục Kiền Liên ở Thế Giới kia nghe tiếng của Phật cũng lại như vậy, tiếng ấy bình đẳng không có tăng giảm.
Thân của Đức Phật Quang Minh Vương Như Lai cao một trăm do tuần, thân của các Bồ Tát cao năm mươi do tuần. Lúc đó Đại Mục Kiền Liên tự dùng thần lực đi vòng trên bình bát mà các chúng Bồ Tát kia đang dùng.
Các chúng Bồ Tát thấy hình tướng của Mục Kiền Liên như vậy liền chê cười bạch với Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn có một con trùng nhỏ hình tướng của nó sao rất giống Sa Môn, đang đi vòng quanh trên bát.
Đức Phật Quang Minh Vương bảo: Này các Thiện Nam! Các ông chớ sinh tâm khinh mạn.
Vì sao?
Vì người đang đi trên bình bát này chính là đệ tử bậc nhất trong hàng Thanh Văn của Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai và cũng là người thần thông bậc nhất trong chúng đại Thanh Văn.
Lúc đó Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên đến trước Phật Quang Minh Vương Như Lai đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh bên phải bảy vòng rồi đứng trước Phật.
Đức Phật Quang Minh Vương bảo: Này Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên! Các Bồ Tát ở đây khinh ông đó, vậy nay ông hãy nương vào sự gia trì của Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, mà tự dùng thần lực hiện thần thông biến hóa.
Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên thưa rằng: Nay con vâng lời Phật dạy.
Nói xong, Tôn Giả liền ngồi kiết già, ở nơi bảo châu này biến hóa các việc.
Đức Phật ấy bảo: Nay đã đúng lúc.
Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên liền bay lên hư không cao bằng bảy ức cây Đa La, biến hóa các việc, ở ngang chỗ ngồi hiện ra trăm ngàn ức chân châu, anh lạc trang nghiêm khắp tất cả. Các thứ anh lạc ấy phát ra trăm ngàn ức tia sáng, mỗi mỗi tia sáng đều có hoa sen, trên các đài hoa sen đều có tượng của Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni ngồi. Tượng Như Lai ấy tuyên nói chánh pháp âm thanh thanh tịnh.
Đại Mục Kiền Liên bạch với Đức Phật Quang Minh Vương rằng: Thưa Thế Tôn! Nay con ngồi kiết già, ở tất cả Thế Giới trong bốn đại châu này, cũng có thể khởi các thần thông biến hóa, cho đến tiểu thiên Thế Giới, trung thiên Thế Giới, tam thiên đại thiên Thế Giới này đều có thể khởi thần thông biến hóa.
Đức Phật Quang Minh Vương bảo: Nay đã đúng lúc. Khi ấy Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên ứng hiện thần thông biến hóa rồi thâu nhiếp thần lực trở lại đứng trước Phật.
Lúc đó các Bồ Tát ấy đều sinh tâm hy hữu, đến trước Phật bạch: Bạch Thế Tôn! Nay Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên này vì lý do gì mà đến Thế Giới này.
Đức Phật ấy đáp: Này các Thiện Nam! Đại Mục Kiền Liên này vì muốn thử xem mức độ âm thanh của Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai nên mới đến Thế Giới này.
Thế Tôn Quang Minh Vương Như Lai bảo Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên: Từ nay trở đi, ông chớ có khởi tâm muốn thử xem mức độ âm thanh của Như Lai.
Vì âm thanh thanh tịnh của Như Lai không có ngằn mé, không có mức độ. Giả sử có người dùng oai thế thần lực bay qua phía Tây hằng hà sa số kiếp, rốt cuộc rồi cũng không thể biết được ngằn mé âm thanh diệu luân của Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Vì âm thanh diệu luân của Như Lai không có ngằn mé.
Khi ấy Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên lễ sát chân Phật Quang Minh Vương rồi thưa: Bạch Thế Tôn! Nay con xin sám hối tội, nay con xin sám hối tội, con muốn thử xem âm thanh vô lượng thanh tịnh diệu luân của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai thật là tội nặng.
Lại nữa, Thưa Thế Tôn! Con đến đây đã cách bao xa?
Đức Phật Quang Minh Vương đáp: Này Đại Mục Kiền Liên! Ông đã vượt qua chín mươi chín hằng hà sa số các Thế Giới rồi mới đến cõi này.
Đại Mục Kiền Liên thưa: Con từ đó đến đây thật xa, thân sức đã mệt mỏi, không thể trở về cõi Ta Bà được nữa rồi!
Đức Phật Quang Minh Vương bảo: Này Đại Mục Kiền Liên! Ý ông nghĩ sao?
Ông chớ có khởi lên sự nhận thức rằng ông đã tự dùng thần lực để đến cõi này.
Vì sao?
Vì nhờ vào lực gia trì của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai nên ông mới đến được đây. Nay ông muốn trở về cõi Ta Bà thì nên hướng về cõi ấy chí thành đảnh lễ Đức Thích Ca Như Lai.
Này Đại Mục Kiền Liên! Nay ông nên biết! Nếu ông tự dùng thần lực để trở về cõi Ta Bà, thì dù có trải qua một kiếp cũng không thể đến, hoặc trong khoảng thời gian chưa đến đó, ta e rằng ông đã vào Niết Bàn rồi.
Này Đại Mục Kiền Liên! Nay ông đến đây trong bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, vậy đây là phương nào?
Đại Mục Kiền Liên thưa: Tâm con mê muội, không biết hiện nay đang ở tại phương nào?
Đức Phật Quang Minh Vương nói: Vì lẽ đó, cho nên ông nay nên biết nếu ông tự dùng thần lực trải qua một kiếp, cuối cùng rồi cũng không thể đến cõi Ta Bà.
Đại Mục Kiền Liên thưa: Nay Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đang ở tại phương nào?
Đức Phật Quang Minh Vương đáp: Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni đang ở tại phương Đông.
Khi ấy, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên liền hướng về phương Đông đảnh lễ năm vóc sát đất, chí thành đảnh lễ Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Như Lai mà nói kệ rằng:
Lưỡng Túc Thế Tôn nhiếp thọ con
Trời, Người cúng dường đại oai đức
Trí tuệ vô biên, tiếng vô biên
Con nay muốn trở về cõi ấy.
Này Tịch Tuệ! Lúc đó tất cả chúng hội tại núi Thứu Phong, Thành Vương Xá nhờ sức oai Thần Của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai, nên đều nghe tiếng than khóc của Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên.
Khi ấy Tôn Giả A Nan đến trước Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Tiếng đang khóc đó là tiếng của ai?
Đức Phật bảo A Nan: Đó là tiếng của Tỳ Kheo Mục Kiền Liên đã đến phương Tây cách Thế Giới này hơn chín mươi chín hằng hà sa số Cõi Phật, đến Thế Giới Quang minh tràng, Thế Tôn cõi ấy hiệu là Quang Minh Vương Như Lai. Hiện nay Mục Kiền Liên đang ở cõi ấy muốn trở về cõi Ta Bà này, do vậy mà có tiếng khóc đó.
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì lý do gì mà Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên đến Thế Giới ấy?
Phật đáp: Đại Mục Kiền Liên sắp trở về cõi này, việc ấy rồi ông sẽ tự biết.
Khi ấy, tất cả chúng hội trên núi Thứu phong đều chắp tay cung kính bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con muốn thấy Thế Giới Quang Minh Tràng, chiêm ngưỡng Thế Tôn Quang Minh Vương Như Lai và muốn thấy chúng Bồ Tát ở cõi ấy, cùng Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên.
Đức Thế Tôn nhận lời khuyến thỉnh rồi, tức thời giữa chặng mày phát ra ánh sáng lớn tên nhất thiết xứ thông đạt. Ánh sáng ấy chiếu khắp chín mươi chín hằng hà sa số Cõi Phật, liên tục không gián đoạn và chiếu sáng cả Thế Giới Quang minh tràng.
Lúc đó tất cả đại chúng trong hội đều thấy Thế Giới Quang minh tràng, chiêm ngưỡng Thế Tôn Quang Minh Vương Như Lai và thấy các Bồ Tát cùng Đại Mục Kiền Liên than khóc năm vóc gieo sát đất hướng đến Phật đảnh lễ.
Lúc đó, Đức Thế Tôn Thích Ca Như Lai bảo Tôn Giả Đại Mụckiền liên: Nay ông nên theo ánh sáng của ta mà trở về cõi này.
Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên nương vào ánh sáng của Phật Thế Tôn trong khoảng một niệm liền trở về cõi Ta Bà, đứng phía trước hướng lên Phật đảnh lễ sát chân và nhiễu quanh bên phải bảy vòng, lại một lần nữa chí thành gieo năm vóc sát đất thưa: Bạch Thế Tôn! Con nay xin sám hối tội, con nay xin sám hối tội!
Con đã muốn thử xem âm thanh vô lượng thanh tịnh diệu luân của Thế Tôn, thật là tội nặng. Con đã đến Thế Giới xa khác để nghe tiếng của Phật, khi con đến cõi kia rồi nghe tiếng Phật cùng với cái nghe ở đây không khác.
Đức Phật bảo Mục Kiền Liên: Theo như lời ông nói, âm thanh của Như Lai không có hạn lượng, cũng như hư không không có hạn lượng, không có ngằn mé, không thể lường được. Nếu hư không kia có thể lường được thì âm thanh của Như Lai cũng có thể lường được.
Vì sao?
Vì hư không rộng lớn. Âm thanh của Đức Như Lai cũng rộng lớn như vậy.
Khi xưa, ở Thành Vương Xá nói về việc đi về của Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên có mười ngàn người phát tâm đạt đến quả vị giác ngộ cao tột.
Bồ Tát Kim Cang Thủ bảo Bồ Tát Tịch Tuệ: Này Tịch Tuệ! Đây là mật ngữ của Như Lai.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Sáu mươi tư là tất cả tâm, tâm sở của chúng sinh chuyển, mà một tâm của một chúng sinh lại nhiều hơn kia.
Bồ Tát Tịch Tuệ hỏi: Thưa Đại Bí Mật Chủ! Nếu tâm, tâm sở của một chúng sinh chuyển, giả sử tất cả chúng sinh khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới đều chứng Duyên Giác trải qua một kiếp để suy nghĩ tính đếm, so lường, tìm xét còn không được thay, huống nữa là tìm tất cả chúng sinh.
Bồ Tát Kim Cang Thủ nói: Tịch Tuệ! Ta nay bảo ông, để ông hiểu rõ là tâm, tâm sở của tất cả chúng sinh chuyển tức là âm thanh diệu luân của Như Lai phát ra các âm thanh để tuyên nói chánh pháp, khiến cho các chúng sinh đều hoan hỷ, nhưng Phật Thế Tôn thường trụ xả, không phân biệt.
Lúc đó Bồ Tát Kim Cang Thủ nói kệ rằng:
Chúng sinh trong ba ngàn Thế Giới
Tất cả đều chứng quả Duyên Giác
Trải qua một kiếp để so lường
Cũng không hiểu tâm một chúng sinh.
Một chúng sinh trong thế gian này
Chỉ Phật mới hiểu tâm ý ấy
Tuy đã biết rõ tâm chúng sinh
Nhưng Phật không tìm hiểu phân biệt,
Cho đến tất cả loại chúng sinh
Suy nghĩ nói chung có ba thứ
Thế Tôn tùy loại mà đáp ứng
Tuyên nói chánh pháp tiếng vi diệu.
Trong pháp tự tại diễn diệu âm
Tất cả người nghe đều vui thích
Tùy chỗ tuyên nói gọi tướng sinh
Dùng các pháp gọi khéo khai thị,
Hễ có tất cả loại chúng sinh
Sắc tướng, danh tự và tư duy
Một lỗ chân lông phóng hào quang
Như Lai tùy ứng khéo phân biệt.
Nơi mà Thế Tôn đại từ hóa
Tất cả chân lông phóng ánh sáng
Ánh sáng siêu xuất hơn thế gian
Trong âm thanh luân nói diệu pháp.
Giả sử Thế Tôn trải một kiếp
Dùng các thí dụ khéo tuyên bày
Nhưng Phật ngữ và âm thanh luân
Rốt cuộc không biết được ngằn mé.
Tất cả phiền não không sắc tướng
Tất cả lời nói cũng không tướng
Bởi do lời nói kia không tướng
Phiền não không tướng tự tiêu diệt,
Thế nên ngôn ngữ các sắc tướng
Dù ở tại đâu cũng không được
Do vậy rốt cuộc không thể được
Phiền não sắc tướng cũng như trên.
Bởi do ngôn ngữ là không thật
Lời nói không trong cũng không ngoài
Phiền não không thật cũng như vậy
Tánh nhiễm chẳng trong cũng chẳng ngoài,
Dùng một ít pháp không thể được
Lời Phật nói ra khắp mười phương
Phiền não không được cũng như thế
Vì thế Đức Phật đã nói rõ.
Tất cả lời nói của chúng sinh
Phân chia ba bậc thượng, trung, hạ
Ngữ ngôn không thân cũng không tâm
Trong đó không trụ, chẳng không trụ,
Ví như mượn pháp tạo nhạc cụ
Gió thổi kích vào các tiếng vang
Âm thanh phát ra không từ đâu
Trong đó không có người tạo tác,
Bởi do tánh thiện nơi đời trước
Tất cả chúng sinh gió ý thổi
Nên Phật Thế Tôn nói diệu âm
Nhưng Ngài không có phân biệt tưởng.
Ví như tiếng vang vọng trở lại
Âm thanh không trong cũng không ngoài
Thế Tôn nói ra tiếng vi diệu
Không trong, không ngoài cũng như thế.
Lại như châu báu không phân biệt
Khiến các chúng sinh sinh vui thích
Phật không phân biệt cũng như vậy
Tất cả âm thanh đều viên mãn.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Ngữ bí mật trí của Như Lai hòa nhập vào tất cả chúng sinh tuyên nói các pháp. Tùy theo mỗi chỗ sinh của tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới, Như Lai tùy theo tất cả ngôn ngữ âm thanh của các chúng sinh mà hòa nhập, dùng mỗi mỗi danh tự mà an lập Tứ Đế.
Này Tịch Tuệ! Đức Như Lai dạy về khổ, về nguyên nhân của khổ, về cái khổ đã được diệt, về con đường dẫn đến khổ diệt ấy.
Đối với Chư Thiên Địa Cư, Như Lai nói như vậy: Kha phệ, kha phược mâu lê, khâu phược na duệ, kha phược độ lỗ.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Đối với Chư Thiên Không Cư, thì nói như vậy: Đa rị đế, a phược rị đế, a phược rị đa vĩ nga di, a phược rị đa nĩ tát Đa La ni.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Đối với Tứ Đại Thiên Vương, nói như vậy: Y ni, di ni, nại bì, nại la bì.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với chúng Trời Đao Lợi nói như vậy: A phược rị đa nĩ, a tây phược đế, xoa dã phược đế, xoa dã nậu nga di.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với chúng Trời Dạ Ma nói như vậy: Thâu lê, thâu la tây phược nĩ, thâu la xoa duệ, thâu la xoa dã bà phược nĩ.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với chúng Trời Đâu Suất nói như vậy: Ô kha lê, mục kha lê, vĩ phược nỗ, tán tả rị.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với chúng Trời Hóa Lạc nói như vậy: Đa La đa, tán Đa La đa, Đa La xoa dã Đa La mục kha.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với chúng Trời Tha hóa tự tại nói như vậy: Ha ha hô, ha ha vĩ na duệ, ha ha vĩ nga di, kha la nĩ nga di.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với chúng Thiên Ma nói như vậy: Áng nga lãm, áng nga la mẫu lam, áng nga la bá độ tang, áng nga la nĩ, tất đế la hát.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với Phạm Chúng Thiên nói như vậy: Thuật tỳ, thuật tỳ cát rị, thuật tỳ vĩ xá na, thuật bà phược rị đa na.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với Phạm Phụ Thiên nói như vậy: Di ha rị, tăng ha rị, sa la rị, sa la sa la ni.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với Phạm Hội Thiên nói như vậy: Một la noa, một la noa tán đề, một la noa, một lỗ ha noa một lỗ ha nỗ ba xá ma.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với Đại Phạm Thiên nói như vậy: Đa La nột rị, Đa La tả câu rị, đa tát bộ rị, câu la phược ha nĩ.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với Thiểu Quang Thiên nói như vậy: Hý hý, hộ hý, hô hộ, ha la nô tán đề.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Đoạn kế tiếp gồm có Vô Lượng Quang Thiên, Quang Âm Thiên nói Tứ Đế, bản tiếng Phạm vốn thiếu.
Với Thiểu Tịnh Thiên nói như vậy: Ô hý đa, nĩ phược hý đa, nỉ nga sất đa, nĩ nga ma nĩ.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với Vô Lượng Tịnh Thiên nói như vậy: Tây phược nĩ, tán tây phược nĩ, sát dã tây phược nĩ, a tây phược nĩ.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với Biến Tịnh Thiên nói như vậy: Ba rị thế nĩ, ba rị thế nõ nại duệ, a phược na câu lê, bồ đà vĩ thuật đề.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với Quảng Quả Thiên nói như vậy: A ngật rị đa, a ca la ni, a la noa vĩ nga đế, ca la noa nĩ sắt sĩ.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Ở chín Cõi Trời trong đệ Tứ Thiền cùng có Vô Vân, Phước Sinh, Vô Tưởng, ba cõi Trời đó trong bản văn Phạm còn thiếu.
Với Vô Phiền Thiên nói như vậy: A nậu nga ma na, a na nga ma na, a nậu tán đề, a nậu tán đề nga ma na.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với Vô Nhiệt Thiên nói như vậy: Thuật đề, thuật đà phược đế, thuật đà ba rị thuật đà, đà đà nga ma nỉ.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với Thiện Kiến Thiên nói như vậy: Hàm ma na, hàm ma di, ma na nậu nga ma dã, ma na nậu nga ma.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với Thiện Hiện Thiên nói như vậy: Mục ngật để, mục ngật đa phược để, mục ngật đa mẫu lê, mục ngật đa ma đa nậu tán đề.
Lời nói này tức là khổ, là nguyên nhân của khổ, là cái khổ đã diệt, là con đường dẫn đến khổ diệt.
Với Sắc Cứu Cánh Thiên nói như vậy: Nĩ sắt sỉ, a điên đa nĩ sắt sỉ, a yết lạp ba nĩ, a bát la để tán đề.
Tịch Tuệ nên biết! Các Cõi Trời như thế mỗi mỗi đều tùy theo ngôn ngữ của từng cõi mà được an lập Tứ Đế. Cùng với chúng Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già và chúng Kiên Thân Dạ Xoa, chúng Trì Man Dạ Xoa v.v… mỗi chúng đều tùy theo ngôn ngữ của mình mà được an lập Tứ Đế.
Này Tịch Tuệ! Các quốc độ trong Châu Diêm Phù Đề này lược nói gồm một ngàn quốc độ, cho đến tất cả dân chúng trong mười sáu nước lớn, tùy theo mỗi địa phương, mỗi mỗi ngôn ngữ, mỗi mỗi âm thanh, mỗi mỗi tâm tưởng, Đức Như Lai đều hòa nhập vào tất cả ngôn ngữ âm thanh đó mà lập ra danh tự diễn nói Tứ Đế khiến cho họ hiểu rõ.
Từ người nước Thi ca cho đến người ở tận biên giới, như vậy trong Diêm Phù Đề gồm một ngàn quốc độ, tất cả dân chúng đủ loại ngôn ngữ, đủ loại âm thanh, đủ loại tâm tưởng, cũng lập ra danh tự để nói Tứ Đế. Như Lai tùy đó mà hòa nhập vào tất cả ngôn ngữ âm thanh, thảy đều hiểu rõ. Như vậy không phải tâm thức ngôn ngữ của Như Lai trải đều ra cả.
Tịch Tuệ! Trong tiểu thiên Thế Giới này có chín mươi bốn ức triệu trăm ngàn thứ ngôn ngữ danh tự, tất cả đều nói Tứ Đế, thâu nhiếp tất cả âm thanh nói ra đều cùng quy về một nghĩa Tứ Đế. Đó là Thắng nghĩa đế, là vô sinh đế, là như thật đế, là bất động đế.
Tịch Tuệ! đây là mật ngữ của Như Lai.
Lại nữa, này Tịch Tuệ! Lời nói của Như Lai có thể đoạn trừ tất cả nghi hoặc, không quyết định của chúng sinh, bao nhiếp tất cả chúng sinh trong mười phương vô lượng A tăng kỳ Thế Giới, dùng Phật trí biết được chúng sinh giới nhiều hơn địa giới.
Tịch Tuệ! Muốn khiến cho tất cả chúng sinh đều được trí tuệ đầy đủ, ngang bằng với Tôn Giả Xá Lợi Tử không khác.
Vì lý do đó cho nên tất cả chúng sinh mỗi mỗi đều dùng trí tuệ như Xá Lợi Tử, đem việc nghi hoặc trong một kiếp, hoặc hơn một kiếp ra để cùng hỏi nhau suy nghĩ tính đếm, dò xét, như một chúng sinh lại hơn một. Từ đó các chúng sinh này mới đem việc nghi ngờ cùng suy nghĩ với nhau rồi đem hỏi Thế Tôn, chỉ trong một khảy móng tay Đức Thế Tôn đều trả lời hết cả.
Thế nên Đức Thế Tôn hiểu rõ tâm niệm khởi lên của một chúng sinh mà rộng nhiếp tất cả chúng sinh. Đức Thế Tôn chỉ dùng một âm thanh tuyên nói cho các chúng sinh, khiến chúng đoạn trừ các lưới nghi, khiến họ đã đoạn nghi hoặc, đều sinh hoan hỷ.
Này Tịch Tuệ! Đấy là ngôn ngữ của Như Lai có khả năng đoạn trừ tất cả nghi hoặc, không dứt khoát của chúng sinh, nhưng tâm và ngôn ngữ của Như Lai không có lay động, tất cả đều như thật mà nói.
Tịch Tuệ nên biết! Những lời như vậy đều là lời hy hữu bí mật của Như Lai. Đó gọi là ngữ nghiệp thanh tịnh.
Khi Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ nói bí mật ngữ của Như Lai, trong hội có ba vạn hai ngàn chúng sinh phát tâm đạt đến quả vị giác ngộ cao tột. Các Bồ Tát ở hiền kiếp trong mười phương tất cả Cõi Phật, đều tu hành phạm hạnh.
Ở Cõi Phật ấy các Bồ Tát đều cúng dường Phật và Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ, rủ các bảo cái, rải các hoa đẹp, hoa cúng dường đó xoay tròn trong hội rồi tung ra trên thân Phật và Bồ Tát Kim Cang Thủ, rồi mới tung ra khắp tất cả chúng hội. Bảo cái ấy xoay tròn trên không rồi trụ che trên đảnh Phật.
Các bảo cái này phát ra tiếng vi diệu như vậy: Trong hiền kiếp, Bồ Tát chúng con đem bảo cái này dâng cúng Thế Tôn và Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ, cúi xin nạp thọ. Nơi nào mà Đức Như Lai hướng đến tuyên nói pháp chưa từng có, tất cả chúng hội nghe rồi tâm hy hữu càng thêm tăng.
Nói rồi tất cả đều hướng đến Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ chí thành đảnh lễ, sinh ý tưởng tôn trọng tối thượng, tất cả đều nói lên như vậy: Thưa Đại Bí Mật Chủ, hôm nay chúng tôi quyết chắc được thiện lợi, được nghe Bồ Tát Kim Cang Thủ tuyên nói pháp mật ngữ chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai.
Nếu các chúng sinh nghe rồi tin hiểu không còn nghi ngờ, thì các chúng sinh ấy sẽ được thân người, không luống uổng công và được Như Lai hóa độ, không còn thoái chuyển nơi quả vị giác ngộ cao tột.
Khi ấy Đức Thế Tôn khen tất cả chúng hội: Hay thay, hay thay!
Rồi lại bảo Bồ Tát Tịch Tuệ: Tịch Tuệ nên biết! Lý chân thật của Như Lai, chánh pháp của Như Lai và sự hành hóa của Như Lai tất cả thế gian thật khó tin hiểu. Nhưng chánh pháp này Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ có thể khéo tuyên thuyết.
Không bao lâu nữa, nếu các chúng sinh được đầy đủ pháp này thì chánh pháp được tuyên thuyết. Chúng sinh nghe rồi sinh lòng tin hiểu, sinh tin hiểu rồi thọ trì không có kinh sợ và hiểu được nghĩa thú, rõ tánh chân thật, người ấy sẽ được thọ ký quả vị giác ngộ cao tột.
Lúc Phật Như Lai khen ngợi Đại Bí Mật Chủ Bồ Tát Kim Cang Thủ khéo nói chánh pháp, mười phương vô lượng A tăng kỳ Thế Giới sáu điệu chấn động.
Lại có ánh sáng lớn chiếu sáng khắp cả, trên hư không tự nhiên mưa xuống các hoa đẹp, trống kèn ca hát tất cả đều trổi lên, có vô lượng chúng sinh phát tâm bồ đề, vô lượng Bồ Tát được nhẫn tùy thuận, vô lượng Bồ Tát được vô sinh pháp nhẫn, vô lượng Bồ Tát căn lành được thành thục và được nhất sinh bổ xứ.
Đồng thời trong đại chúng hội, trước Phật Thế Tôn, đại thủy trong sáu vạn tám ngàn do tuần địa giới bỗng nhiên vỡ ra, vọt lên như là ác xoa, tụ cao đến không trung, thấu tận Phạm giới. Lúc đó tất cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới hương thơm ngát cả.
Khi ấy Phật bảo Đại Bồ Tát Tịch Tuệ: Này Tịch Tuệ! Ông có thấy nước vọt lên đó không?
Bồ Tát Tịch Tuệ thưa: Có thấy, thưa Thế Tôn! Vậy đó là tướng gì?
Phật bảo Tịch Tuệ: Nay đại địa bỗng nhiên nứt ra, nước vọt lên đó không phải là điều để suy nghĩ.
Nếu có người nào thọ trì chánh pháp này, các chúng sinh kia cũng như vậy, đối với chánh pháp hiểu lý như thật bỗng nhiên khai ngộ, tất cả vô minh kiến v.v… các tội nghiệp của các chúng sinh đều bừng sáng. Pháp quang vô tận tuệ biện tài thù thắng, giáo lý đã nói ra thảy đều xuất hiện. Đó chính là Bồ Tát Kim Cang Thủ vì các chúng sinh mà tuyên nói chánh pháp, khiến cho các chúng sinh sinh tâm hoan hỷ.
Tịch Tuệ nên biết! chánh pháp này đều là tướng bất cộng thù thắng của Như Lai.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tam Mạn đà Bạt đà La Bồ Tát - Phẩm Một - Phẩm Năm Sự Che Lấp
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - phẩm Mười Năm - Phẩm Nhị Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh điều Tương Sĩ
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Công đức Thâm Sâu - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - phẩm Bốn - Phẩm Vãng Sanh
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Hai - Phẩm Hai Kệ - Phẩm Hai
Phật Thuyết Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật đa - Phẩm Bốn - Phẩm Nhị đế