Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Năm - Thiên đại Phẩm - Chương Ba - Tương ưng Niệm Xứ - Phẩm Ambapali - Phần Mười - Trú Xứ Tỳ Kheo Ni

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP NĂM

THIÊN ĐẠI PHẨM  

CHƯƠNG BA

TƯƠNG ƯNG NIỆM XỨ  

PHẨM ABAPÀLI  

PHẦN MƯỜI

TRÚ XỨ TỲ KHEO NI  

Tại Sàvatthi,

Rồi Tôn Giả Ananda, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi đến một trú xứ của Tỳ Kheo Ni. Sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi một số đông Tỳ Kheo Ni đến Tôn Giả Ananda sau khi đến, đảnh lễ Tôn Giả Ananda rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi một bên, các Tỳ Kheo Ni ấy thưa với Tôn Giả Ananda: Ở đây, bạch Thượng Tọa Ananda, một số đông Tỳ Kheo Ni sống khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, đạt được sự rõ biết sampajànanti quảng đại, trước sau thù thắng.

Như vậy là phải, này các Ðại Tỷ!

Như vậy là phải, này các Ðại Tỷ!

Này các Ðại Tỷ, Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni nào sống với tâm khéo an trú trong bốn niệm xứ, vị ấy được chờ đợi sẽ đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng.

Rồi Tôn Giả Ananda với bài pháp thoại, sau khi tuyên thuyết cho các Tỳ Kheo Ni ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Rồi Tôn Giả Ananda sau khi đi khất thực ở Sàvatthi, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi một bên, Tôn Giả Ananda bạch Thế Tôn: Ở đây, bạch Thế Tôn, con, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát đi đến một trú xứ của Tỳ Kheo Ni, sau khi đến, con ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi, bạch Thế Tôn, một số đông Tỳ Kheo Ni đi đến con, sau khi đến, đảnh lễ con rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi một bên, bạch Thế Tôn, các Tỳ Kheo Ni ấy thưa với con: Ở đây, bạch Thượng Tọa Ananda, một số đông Tỳ Kheo Ni sống khéo an trú tâm trên bốn niệm xứ, đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng.

Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với các Tỳ Kheo Ni ấy:

Như vậy là phải, này các Ðại Tỷ!

Như vậy là phải, này các Ðại Tỷ!

Này các Ðại Tỷ, Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni nào sống với tâm khéo an trú trong bốn niệm xứ, vị ấy được chờ đợi sẽ đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng.

Như vậy là phải, này Ananda!

Như vậy là phải, này Ananda! Này Ananda, Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni nào sống với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ, vị ấy được chờ đợi sẽ đạt được sự rõ biết quảng đại, trước sau thù thắng.

Thế nào là bốn?

Ở đây, này Ananda, Tỳ Kheo sống, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Vị ấy trú, quán thân trên thân, hoặc thân sở duyên kàyàrammano khởi lên, hoặc thân nhiệt não kàyasmin parilàho, hoặc tâm thụ động, hoặc tâm phân tán hướng ngoại bahiddha va cittam vikkhipati.

Do vậy, này Ananda, Tỳ Kheo cần phải hướng tâm đến một tướng tịnh tín pasàdaniyenimitta. Do vị ấy hướng tâm đến một tướng tịnh tín, hân hoan pàmujjam: Thắng hỷ sanh.

Người có tâm hân hoan, hỷ sanh. Người có tâm hỷ, thân được khinh an. Người có tâm khinh an, lạc thọ sanh. Người có tâm lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Vị ấy tư sát như sau: Mục đích mà ta hướng tâm đến, mục đích ấy đã đạt được. Nay ta rút lui patisamharàmi khỏi đối tượng tịnh tín. Vị ấy rút lui, không tầm, không tứ.

Vị ấy rõ biết: Không tầm, không tứ, nội tâm chánh niệm, ta được an lạc.

Lại nữa, này Ananda, Tỳ Kheo sống, quán thọ trên các thọ, sống, quán tâm trên tâm. Vị ấy sống, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời.

Vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, hoặc thân sở duyên khởi lên, hoặc thân nhiệt não, hoặc tâm thụ động, hoặc tâm phân tán, hướng ngoại. Do vậy, này Ananda, Tỳ Kheo cần phải hướng tâm đến một tướng tịnh tín.

Do vị ấy hướng tâm đến một tướng tịnh tín, hân hoan sanh. Người có hân hoan, hỷ sanh. Người có tâm hỷ, thân được khinh an. Người có thân khinh an, lạc thọ sanh. Người có lạc thọ, tâm được định tĩnh.

Vị ấy tư sát như sau: Mục đích mà ta hướng tâm đến, mục đích ấy đã đạt được. Nay ta rút lui khỏi đối tượng tướng tịnh tín. Vị ấy rút lui, không tầm, không tứ.

Vị ấy rõ biết: Không tầm, không tứ, nội tâm chánh niệm, ta được an lạc. Như vậy, này Ananda, là sự tu tập về hướng tâm.

Và này Ananda, thế nào là sự tu tập không có hướng tâm?

Này Ananda, Tỳ Kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: Tâm ta không hướng ngoại.

Rồi vị ấy rõ biết: Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước, hay cái gì ở sau pacchàpure, nhưng được giải thoát, không có hướng tâm.

Rồi vị ấy rõ biết: Ta trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc.

Này Ananda, Tỳ Kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: Tâm ta không hướng ngoại.

Rồi vị ấy rõ biết: Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước, hay cái gì ở sau, nhưng được giải thoát, không có hướng tâm.

Rồi vị ấy rõ biết: Ta trú, quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc.

Này Ananda, Tỳ Kheo tâm không hướng ngoại, rõ biết: Tâm ta không hướng ngoại.

Rồi vị ấy rõ biết: Tâm ta không chấp thủ đối với cái gì ở trước.

Rồi vị ấy rõ biết: Ta trú, quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc.

Này Ananda, Tỳ Kheo tâm không hướng ngoại.

Rồi vị ấy rõ biết: Ta trú, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, ta được an lạc. Như vậy, này Ananda, là tu tập không có hướng tâm. Như vậy, này Ananda, ta thuyết tu tập có hướng tâm. Ta thuyết tu tập không có hướng tâm.

Những gì, này Ananda, một bậc Ðạo Sư cần phải làm vì hạnh phúc, vì lòng thương tưởng đối với các đệ tử, vì lòng từ mẫn khởi lên, những việc ấy, ta đã làm cho các ông.

Này Ananda, đây là những gốc cây. Ðây là những nhà trống. Hãy tu Thiền, này Ananda. Chớ có phóng dật. Chớ có hối hận về sau. Ðây là lời giáo giới của ta cho các ông.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy, Tôn Giả Ananda hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần