Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bảy - Phẩm Trì Giới Ba La Mật đa - Tập Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM BẢY
PHẨM TRÌ GIỚI BA LA MẬT ĐA
TẬP SÁU
Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Tử bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn!
Người tu hạnh Bồ Tát trồng bao nhiêu căn lành thì mới có thể đầy đủ trí không chướng ngại của Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác?
Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Người tu hạnh Bồ Tát nếu có thể điều phục tâm, khởi ý tưởng tôn trọng, từ nơi pháp phát sinh tưởng Thánh dược vi diệu, tưởng đại trân báu, tưởng rất khó được, tưởng thiện căn thù thắng, tưởng như điều đã dạy, tưởng rất tôn trọng, tưởng nhiếp thọ chánh pháp, phải nên siêng năng tinh tấn dũng mãnh như vậy.
Này Xá Lợi Tử! Trí Như Lai rộng lớn tối thượng, trí không đoạn tối thượng tối thắng, vô lượng vô số không thể nghĩ bàn, không thể so sánh, không thể nói. Trong khoảng khảy móng tay tất cả mười phương hằng hà sa số các Cõi Phật, hoặc tới hoặc lui, hoặc đi hoặc đứng đều được giải thoát.
Này Xá Lợi Tử! Ta đã giải thoát từ văn trì cho nên mau chóng được giải thoát, mau chóng giải thoát gọi là thiện giải thoát.
Sao gọi là giải thoát?
Nghĩa là giải thoát tất cả khổ.
Này Xá Lợi Tử! Nếu người nào nghe lời này khởi tâm tôn trọng, trong khoảng thời gian nghe đó liền phát tâm tin thanh tịnh, nếu như nghe sở trụ thì không bao giờ xa lìa chánh pháp của Chư Phật, tùy theo các tướng nào, danh, cú, văn, nghĩa đều có thể thọ trì các chánh pháp ấy.
Nhờ sức thiện căn thù thắng này cho nên được bốn pháp tuệ thù thắng:
1. Được đại tuệ.
2. Nhờ tuệ thù thắng này cho nên được thấy Đức Phật thân cận nhiếp thọ.
3. Nhờ tuệ thù thắng này cho nên phát lòng tin thanh tịnh xuất gia.
4. Nhờ tuệ thù thắng này cho nên chứng quả Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Đây là bốn pháp tuệ thù thắng.
Lại nữa, được bốn pháp không chướng ngại:
1. Được sinh trong loài người không bị chướng ngại.
2. Gặp Phật ra đời thân cận tín phụng không bị chướng ngại.
3. Phát lòng tin thanh tịnh xuất gia không bị chướng ngại.
4. Thành Chánh Đẳng, Chánh Giác không chướng ngại.
Đây là bốn pháp không chướng ngại.
Lại nữa, được bốn Thánh pháp phần:
1. Được làm Chuyển Luân Vương đầy đủ kim luân thù thắng.
2. Được làm Phạm Vương thống lãnh Phạm thế.
3. Được làm chủ Trời Đế Thích.
4. Được chứng quả Chánh Đẳng, Chánh Giác, được cảnh giới thần thông liễu tri đầy đủ, được mắt chân thật trong hàng Trời, Người.
Trong văn này nêu lên bốn pháp, nhưng chỉ có pháp một và hai, còn pháp ba và bốn nguyên bản Phạm không có.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói nghĩa này rồi, lại dạy thêm cho các Đại Bồ Tát bằng kệ rằng:
Nên quán thế gian hay cứu hộ
Tất cả hữu tình nhân tối thắng
Các trí vô biên đều biết rõ
Đạt được Niết Bàn vui vô lượng
Đến đi thù thắng được diệu quả
Đoạn hẳn các nhân khổ thế gian
Khéo hay điều phục sinh Cõi Trời
Sát na xa lìa các đường ác
Ta nay chóng được thấy Chư Phật
Xa lìa tất cả nhân khổ nạn
Phục tạng thế gian không giới hạn
Tùy ý tự tại đều đạt được
Tất cả tiền tài và trân báu
Tùy niệm hiện ra ở thế gian
Nước tám công đức cũng như vậy
Sông, suối, ao, hồ đều lặng yên
Tránh khỏi tất cả nhân xấu xa
Tất cả không sinh các khổ não
Đui điếc bệnh ghẻ các nhân duyên
Người nghèo điều phục được diệu quả
Tất cả hoạn nạn ở thế gian
Chúng sinh toàn diện hay khuyết tật
Lưng gù chân quẹo thân hình xấu
Các nhiễm trước thảy đều giảm mất
Xa lìa tất cả tướng dị loại
Nên được quả tối thắng tối thượng
Diện mạo tròn đầy và đẹp đẽ
Người khéo điều phục được quả tốt
Sắc tướng đoan nghiêm danh tiếng lớn
Chư Thiên đều đến xin cúng dường
Tám bộ đều sinh tâm cung kính
Tất cả hữu tình cũng như vậy.
Lại nữa, người khéo điều phục được quả lợi này, trừ diệt tất cả các đường ác rồi sau đó được sinh lên các Cõi Trời, mau chóng thành tựu quả đại bồ đề.
Người khéo điều phục được quả lợi này, hiểu rõ tâm của tất cả hữu tình, có thể thông đạt các hành nghiệp của hữu tình, bước đi bảy bước rồi, ở giữa thế gian cất tiếng nói lớn, trong các thức đạt được đại trí tuệ giải thoát tối thắng đều được thành tựu trí tuệ tối thượng.
Cùng với các hữu tình thảy đều biết rõ, đối với trí tuệ có thể an lập trí tuệ tối thắng thảy đều thanh tịnh, ở chỗ Chư Phật đều thành tựu, đối với thể tánh trí tuệ hiểu rõ, đối với tự tha thảy đều thành tựu. Nếu các hữu tình đầy đủ năng lực trí tuệ, thì đối với các tác dụng thảy đều thành tựu, có thể tuyên nói nghĩa như vậy.
Hữu tình thiểu dục đều không có nguyện lực, hữu tình nhiều tham đều bị si mê chấp trước, nhân duyên tội nghiệp càng ngày càng tăng, tích tập ác nghiệp vô lượng vô biên, đối với chánh pháp không thể tín thọ.
Nếu có hữu tình ít dục, không sinh tôn trọng chánh pháp, đối với các hữu tình không sinh cung kính, nổi tướng sân giận, sinh tâm nhiễm trước, tự cho mình đắc quả A La Hán, mỗi tướng suy, già, bệnh các khổ não lớn ở thế gian đều tích tập trong thân.
Người ấy bị quả báo như vậy rồi, tất cả các tướng bất thiện, luống dối thọ nhận các món cúng dường như đồ ăn thức uống tạo nghiệp bất thiện, sẽ đọa vào địa ngục, đến lúc đó không thể trì giới hạnh thanh tịnh, thì có đâu đến chứng quả A La Hán. Nếu sinh lòng tin hiểu, tạo dựng các tháp miếu, phát tâm cung kính, được sinh vào chỗ thiện, tu trì tịnh giới hành các thiện nghiệp.
Này Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát cầu chánh pháp tạng đại thừa, nên thân cận các bậc mô phạm thì thường được vô lượng thiện pháp, tán thán công đức như vậy, như vậy, đều được các quả báo thiện. Sau đó công đức càng tăng thêm vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn, không thể so lường không thể tính đếm, thành tựu như vậy.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát an trụ tạng Bồ Tát khéo điều phục thanh tịnh, giới hạnh viên mãn và được thành tựu các hạnh Bồ Tát.
Sao gọi giới hạnh thanh tịnh đều được viên mãn?
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát có mười tướng hạnh:
1. Tất cả hữu tình ở chỗ Bồ Tát không sinh nhiễu hại.
2. Bồ Tát ở chỗ hữu tình có của cải châu báu không sinh tham trước.
3. Bồ Tát xa lìa tất cả quyến thuộc của hữu tình.
4. Bồ Tát không sinh dối gạt khinh khi hữu tình.
5. Bồ Tát đối với các hữu tình và quyến thuộc của mình không khởi ly gián và nói các lời ác.
6. Trong vô lượng kiếp, Bồ Tát luôn dùng lời nhu nhuyến hóa độ lợi ích hữu tình.
7. Bồ Tát không nói lời thêu dệt đối với các hữu tình.
8. Bồ Tát không sinh tham ái đối với các hữu tình có đời sống vật chất đầy đủ.
9. Bồ Tát không sinh sân nhuế đối với các hữu tình và có thể kham nhẫn lời phỉ báng.
10. Bồ Tát xa lìa tà kiến cũng không quy y các Cõi Trời.
Này Xá Lợi Tử! Mười pháp này đều là tướng giới hạnh thanh tịnh đầy đủ của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát có mười giới hạnh thanh tịnh:
1. Bồ Tát kiên trì giới hạnh không hủy phạm, không bị vô minh xâm nhập quấy nhiễu.
2. Bồ Tát kiên trì giới hạnh dứt các tỳ vết đối với các hiểm nạn lại không sinh.
3. Bồ Tát kiên trì cấm giới, xa lìa mọi phiền não tạp nhiễm.
4. Bồ Tát trì giới hạnh thanh tịnh, không xa lìa bạch pháp.
5. Bồ Tát trì cấm giới, thường hành bình đẳng, tùy tâm tự tại.
6. Bồ Tát kiên trì cấm giới, không sinh hủy báng các người trí, nhờ thế càng thêm an ổn.
7. Bồ Tát kiên trì cấm giới, xa lìa mọi lỗi lầm.
8. Bồ Tát kiên trì cấm giơi, mật hộ các căn làm cho nó không khởi.
9. Bồ Tát kiên trì cấm giới, phòng hộ các căn, đầu, giữa, cuối đều thành tựu.
10. Bồ Tát kiên trì cấm giới, luôn trong chánh niệm, nhiếp hết tất cả đều viên mãn.
Này Xá Lợi Tử! Mười pháp này Bồ Tát đều thành tựu.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát lại có mười tướng trì giới hạnh:
1. Bồ Tát trì cấm giới luôn biết thiểu dục tri túc đối với các thứ ăn uống.
2. Bồ Tát kiên trì cấm giới, đoạn trừ thâm, sân, si, sinh tâm hoan hỷ.
3. Bồ Tát kiên trì cấm giới không sinh tham ái đối với thân tâm.
4. Bồ Tát kiên trì cấm giới xa lìa tất cả người nữ, đi, đứng, nằm, ngồi trong đồng hoang.
5. Bồ Tát kiên trì cấm giới, thực hành hạnh đầu đà, thường không quên mất các công đức.
6. Bồ Tát kiên trì cấm giới, thành tựu các thiện căn tự tại.
7. Các Bồ Tát kiên trì cấm giới, thường sinh hoan hỷ đối với chủng tộc thu thắng, cũng không nhìn thẳng vào các tướng đẹp khác.
8. Bồ Tát kiên trì cấm giới, ngôn hạnh tương ưng, không sinh khi dối đối với Trời người.
9. Bồ Tát kiên trì cấm giới, luôn suy xét đối với tự thân, tự tâm quyết định, không sinh lỗi lầm, cũng không chê trách lỗi lầm của người khác, mà phải che chở bảo hộ.
10. Bồ Tát kiên trì cấm giới, dùng tứ nhiếp pháp hóa độ lợi ích hữu tình không có xả bỏ.
Này Xá Lợi Tử! Mười pháp này, Đại Bồ tat đều viên mãn, giới hạnh thanh tịnh.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát lại có mười tướng giới hạnh viên mãn thanh tịnh:
1. Đại Bồ Tát kiên trì cấm giới, đối với tín giải của Đức Phật không sinh tâm thoái lui.
2. Bồ Tát kiên trì cấm giới, thường hay ủng hộ chánh pháp.
3. Bồ Tát kiên trì cấm giới thường sinh tôn trọng đại chúng.
4. Bồ Tát kiên trì cấm giới, hướng đến cầu bồ đề, chú ý nhu hòa, tâm không tạm xả quả vô thượng.
5. Bồ Tát kiên trì cấm giới, thường hay thân cận các bạn tốt, lại hay tích tập các công đức thiện căn.
6. Bồ Tát kiên trì cấm giới, luôn xa lìa các kẻ ác và xả bỏ các pháp bất thiện.
7. Bồ Tát kiên trì cấm giới, luôn khởi tâm từ và niềm thương xót đối với các hữu tình.
8. Bồ Tát kiên trì cấm giới, thường khởi bi tâm, cứu các hữu tình ra khỏi hiểm nạn.
9. Bồ Tát kiên trì cấm giới, ham thích chánh pháp như ham thích đi du ngoạn vườn cảnh đẹp.
10. Bo tát kiên trì cấm giới, đối với cảnh nghịch thuận, tâm luôn xả ly thảy đều bình đẳng.
Này Xá Lợi Tử! Mười tướng giới hạnh này, Đại Bồ Tát đều có khả năng thanh tịnh viên mãn.
Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát lai có mười tướng hạnh thanh tịnh:
1. Bồ Tát kiên trì cấm giới, đối với thí độ có thể điều phục tất cả hữu tình.
2. Bồ Tát kiên trì cấm giới, thường hành nhẫn nhục đối với tự thân và tâm luôn phòng hộ.
3. Bồ Tát kiên trì cấm giới, đối với các thiện pháp luôn tinh tấn, không lui sụt.
4. Bồ Tát kiên trì cấm giới, đối với các định tụ thường luôn gia hạnh không sinh tán loạn.
5. Bồ Tát kiên trì cấm giới, thường vui đa văn, đối với tuệ thù thắng không biết nhàm chán.
6. Bồ Tát kiên trì cấm giới, thường cầu chánh pháp Bồ Tát tạng, thường tu văn tuệ kiên cố không biếng nhác.
7. Bồ Tát kiên trì cấm giới, thường hay nghiên cứu truy xét các pháp vô thường, chí cầu bồ đề không tiếc thân mạng.
8. Bồ Tát kiên trì cấm giới, thường quán xét thọ mạng như mộng, như huyễn, sinh diệt sát na.
9. Bồ Tát kiên trì cấm giới, đối với ý nguyện của chính mình và các hữu tình, viên mãn thanh tịnh tất cả thiện pháp.
10. Bồ Tát kiên trì cấm giới, dùng sức trì giới, nguyện đời đương lai sinh vào trong hội Phật và các hữu tình đều viên mãn thanh tịnh giới hạnh.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát đều có thể viên mãn mười giới tướng thanh tịnh như vậy.
Này Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát viên mãn giới hạnh thanh tịnh như vậy, sẽ được các quả thù thắng vi diệu tốt đẹp ở Cõi Trời và cõi người.
Bồ Tát tuy biết rõ các sự nghiệp thế gian và ban cho các dục vi diệu thế gian, nhưng lại không đắm trước tất cả hữu tình. Khi Bồ Tát hành hạnh từ cùng với các hữu tình hành hạnh từ, thương xót lẫn nhau, không làm tổn hại nhau.
Khi Bồ Tát thực hành hạnh Bồ Tát, tin chánh pháp sâu xa không có hư vọng, lại đối với tất cả hữu tình đều sinh tưởng như cha mẹ, lại tùy thuận sinh lòng tin yêu đối với tất cả hữu tình, đối với pháp hữu vi niệm niệm sinh tưởng vô thường, đối với hạnh hữu vi đều sinh giác ngộ, đối với thân mạng của chính mình thường hay xả bỏ, đạt được giới hạnh thanh tịnh viên mãn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Phân Mạn đà Ni Phất
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Như Thật Tri - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Chín Mươi - Phật Thuyết Kinh A Ly Niệm Di
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Niệm Xứ - Phần Sáu - Kết Luận
Phật Thuyết Kinh Pháp Luân Không Thoái Chuyển - Phẩm Hai - Phẩm Tín Hành - Tập Hai