Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Như Lai Chẳng Thể Nghĩ Bàn - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BỐN

PHẨM NHƯ LAI CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN  

TẬP BA  

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là giới định viên man chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, Bồ Tát trụ tín tin hiểu thanh tịnh, vượt lên mọi phân biệt lìa mọi nghi hối, sau lại biểu hiện thân tướng vui, tâm vui và khởi ý tưởng hy hữu?

Này Xá Lợi Tử! Lời nói chân thật của Như Lai nói ra như vậy: Tất cả chúng sinh ở thế gian, nếu giới uẩn thanh tịnh, thân nghiệp thanh tịnh, ngữ nghiệp thanh tịnh, ý nghiệp thanh tịnh, thì các chúng sinh ấy đối với thế gian sinh, đối với thế gian già không nhiễm pháp thế gian, được pháp lìa tội của Bà La Môn, được pháp quán tưởng Tam Ma Địa tịch tĩnh của Sa Môn, sẽ được Ba la mật đa tối thượng.

Như Lai lại dùng lời nói chân thật nói ra như vậy: Ta không thấy thế gian tất cả Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, Trời, Người, A Tu La… mà có thể được giới uẩn, định uẩn thanh tịnh đồng với giới, định uẩn thanh tịnh vô lượng của Như Lai.

Vì sao?

Vì Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác đã được Ba la mật đa tối thượng, đã được Giới định Ba la mật đa.

Này Xá Lợi Tử! Nay ta lại nói thí dụ để làm sáng tỏ nghĩa này, vậy ông có thích nghe không?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay đã đúng lúc xin Thế Tôn nói, nếu các Bí Sô có ai được nghe giới, định thanh tịnh Ba la mật đa của Như Lai rồi thì sẽ tín thọ phụng hành.

Đức Phật lại hỏi Xá Lợi Tử: Ý ông nghĩ sao?

Địa giới cùng với chúng sinh giới, giới nào nhiều?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng sinh giới nhiều hơn địa giới.

Đức Phật khen: Này Xá Lợi Tử! Đúng vậy, đúng vậy, chúng sinh giới nhiều hơn.

Này Xá Lợi Tử! Giả sử tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới, hoặc noãn sinh, hoặc thai sinh, hoặc thấp sinh, hoặc hóa sinh, hoặc co sắc, hoặc không sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc không phải có tưởng, hoặc không phải không tưởng.

Cho đến hết cả hữu tình giới trong một sát na, một lạp phược, một khoảnh khắc, không trước, không sau, đều được thân người. Tất cả loài chúng sinh trên đều được thân người trong một sát na, một lạp phược, một khoảnh khắc đều chứng quả Chánh Đẳng, Chánh Giác, tất cả đều thành Chư Phật Như Lai.

Mỗi một Đức Như Lai hóa ra ngàn đầu, mỗi một đầu có ngàn mặt, mỗi một mặt đều có ngàn lưỡi, các Đức Như Lai này đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, vô ngại biện tài của Như Lai.

Này Xá Lợi Tử! Các Đức Như Lai này trải qua câu chi na do đa kiếp đồng xưng tán giới Ba la mật đa và công đức giới uẩn của Như Lai cũng không thể hết được.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Công đức giới uẩn của một Đức Phật Như Lai không có biên tế. Như vậy công đức giới uẩn của Chư Phật Như Lai, biện tài trí tuệ hiểu rõ vô thượng, cho đến nhập đại Niết Bàn, trong khoảng thời gian đó đều bằng nhau.

Vì sao?

Vì trong cái không tánh mà khởi lên suy nghĩ có tánh. Thế nên công đức giới uẩn của Như Lai đại tuệ vô thượng, biện tài tối thắng vô lượng vô số không có biên tế, bằng với hư không.

Này Xá Lợi Tử! Như trên đã nói, tam thiên đại thiên Thế Giới, cho đến Đông, Tây, Nam, Bắc bốn phía trên dưới khắp tất cả mười phương hằng hà sa số các Thế Giới, tất cả chúng sinh trong một sátna, một lạp phược, trong khoảnh khắc đều được thân người, cho đến chứng quả Chánh Đẳng, Chánh Giác, nói hẹp nói rộng cho đến ở trong tánh không mà khởi lên tánh có có thể nghĩ bàn.

Thế nên, công đức giới uẩn của Như Lai, đại tuệ tối thắng, biện tài tối thượng, vô lượng vô số không có cùng tận, ngang bằng với hư không.

Vì sao?

Vì Như Lai đã được tối thượng Ba la mật đa, giới thanh tịnh viên mãn Ba la mật đa.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nay ta lại làm sáng tỏ sự tướng, tuyên nói định Ba la mật đa của Như Lai, vậy ông có muốn nghe không?

Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Nay đã đúng lúc, cúi xin Thế Tôn chỉ dạy, khiến cho các Bí Sô nghe những lời chỉ dạy ấy rồi, tin theo thọ trì.

Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Về sau sẽ có bảy mặt trời xuất hiện ở thế gian, lúc đó tam thiên đại thiên Thế Giới đều bị lửa cháy, cháy bùng lên, cháy rực lên và cháy tràn lan cả, kết thành một khối lửa lớn.

Khi ấy, Đức Như Lai hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, có đủ mười pháp hy hữu hiện ra nơi đó:

1. Đất bằng phẳng như lòng bàn tay. Đó là pháp hy hữu thứ nhất.

2. Trong lúc đó tam thiên đại thiên Thế Giới lửa cháy, cháy bùng lên, cháy lan tràn kết thành một khối. Lúc đó, Như Lai hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, nơi ấy đất không có gai gốc, trái lại, có vàng báu vọt lên. Đó là pháp hy hữu thứ hai.

3. Trong tam thiên đại thiên Thế Giới lửa cháy, cháy bùng lên, cháy rực lên, cháy lan tràn kết thành một khối lớn. Lúc đó, Như Lai hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, đất ấy rộng rãi, Như Lai thọ dụng. Đó là pháp hy hữu thứ ba.

4. Lúc ấy, tam thiên đại thiên Thế Giới lửa cháy, cháy bùng lên, cháy hừng hực, cháy lan tràn kết thành một khối lớn. Lúc đó, Như Lai hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, đất nơi ấy tự nhiên mọc lên loại cỏ lạ xanh tươi, mượt mà, mềm mại đều quay qua phía bên phải, như là Bảo ca tức lân na, có hương thơm vi diệu. Đó là pháp hy hữu thứ tư.

5. Lúc ấy tam thiên đại thiên Thế Giới bị lửa cháy, cháy bùng lên, cháy hừng hực, cháy lan tràn kết thành một khối lớn.

Lúc đó, Như Lai hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, đất nơi ấy tự nhiên phun lên nước tám công đức: Một là lạnh, hai là nhẹ, ba là mịn, bốn là thơm, năm là đẹp, sáu là sạch, bảy là uống không chán, tám là uống nhiều không bệnh hoạn, nên gọi là đầy đủ tám thứ nước công đức. Đó là pháp hy hữu thứ năm.

6. Lúc ấy tam thiên đại thiên Thế Giới bị lửa cháy, cháy bùng lên, cháy hừng hực, cháy lan tràn kết thành một khối lớn. Lúc đó, Như Lai hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, nơi ấy có gió mát mẻ tự nhiên thổi đến.

Này Xá Lợi Tử! Ví như tháng mùa hạ nóng bức, ai nấy cũng mệt mỏi, hoặc có người đến bên sông Khắc Già bơi vào dòng nước mát, tắm rửa thân thể, bớt đi sự nóng bức, dần dần được nhẹ nhàng khoái thích, tắm xong lên bờ kinh hành.

Cách sông không xa có một cây lớn mát mẻ, cành nhánh xum xuê che mát cả một vùng, cây ấy đẹp đẽ lạ thường giống như châu báu trang nghiêm xen nhau. Thấy thế, anh ta đến dưới cây ấy ngoi nghỉ thoải mái, bốn phía có gió mát thổi đến.

Này Xá Lợi Tử! Như Lai cũng như vậy, nhờ quả báo thiện nghiệp đời trước thanh tịnh sáng suốt, gió mát tự nhiên thổi đến. Đó là pháp hy hữu thứ sáu.

7. Lúc đó, tam thiên đại thiên Thế Giới bị lửa cháy, cháy bùng lên, cháy hừng hực, cháy lan tràn kết thành một khối lớn.

Lúc đó, Như Lai hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, đất nơi ấy tự nhiên trong nước mọc lên các loại hoa như: Hoa Ưu Bát La, Hoa Bát Nột Ma, Hoa Câu Mẫu Đà, Hoa Bôn Noa Lợi Ca đây là pháp hy hữu thứ bảy.

8. Lúc đó tam thiên đại thiên Thế Giới bị lửa cháy, cháy bùng lên, cháy hừng hực, cháy lan tràn kết thành một khối lớn. Lúc đó, Như Lai hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, đất nơi ấy tự nhiên có các loại hoa mọc trên đất liền như Hoa A Đế Mục Ngật Đa, Hoa Chiêm Ba Ca, Hoa Tô Ma Na, Hoa Phược Lợi Thi Ca, Hoa A Du Ca, Hoa Ba Sất La, Hoa Ca Lan Ni Ca, Hoa La Ni, các loại hoa này đầy đủ sắc hương. Đó là pháp hy hữu thứ tám.

9. Lúc đó tam thiên đại thiên Thế Giới bị lửa cháy, cháy bùng lên, cháy dữ dội, cháy lan tràn kết thành một khối lớn. Lúc đó, Thế Tôn hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, đất nơi ấy như là kim cang kiên cố chắc thật, không thể phá hoại. Đó là pháp hy hữu thứ chín.

10. Lúc đó tam thiên đại thiên Thế Giới bị lửa cháy, cháy bùng lên, cháy dữ dội, cháy lan tràn kết thành một khối lớn. Lúc đó, Như Lai hoặc đi, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, nơi ấy thấy có tháp báu vi diệu xuất hiẹn, tất cả Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn đến chiêm ngưỡng đảnh lễ cúng dường, đó là pháp hy hữu thứ mười.

Này Xá Lợi Tử! Mười pháp hy hữu này lần lượt xuất hiện ở nơi ấy. Do Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác biết rõ được tánh của Pháp Giới, tùy theo sắc tướng mà nhập Tam Ma Địa, tâm trụ vào thiền định hưởng vui pháp lạc, trải qua hằng hà sa số kiếp như khoảng bữa ăn, Như Lai ở trong Tam Ma Địa không bị hại mất.

Này Xá Lợi Tử!Như Lai tại định, trải qua một kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, trăm ngàn kiếp, một câu chi kiếp, trăm câu chi kiếp, ngàn câu chi kiếp, trăm ngàn câu chi kiếp, trăm ngàn câu chi na dođa kiếp, sau đó xả định.

Vì sao?

Vì Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác đã được Ba la mật đa tối thượng. Ba la mật đa tối thượng ấy đầy đủ thần thông, có đại oai đức, được đại tự tại, thế nên Như Lai viên mãn đầy đủ.

Này Xá Lợi Tử! Như Thiên Tử trong Phi tưởng, Phi phi tưởng Thiên, sinh rồi duyên vào một cảnh, đó là thức sở duyên, trải qua tám vạn bốn ngàn kiếp, thức ấy không bị các thức khác chuyển, cho đến lúc tuổi thọ hết liền diệt.

Này Xá Lợi Tử! Đầu đêm Như Lai chứng quả Chánh Đẳng, Chánh Giác. Về sau, nửa đêm nhập đại Niết Bàn, trong khoảng thời gian đó không hoai diệt pháp Tam Ma Địa. Như Lai tại định không tâm có thể chuyển, không tâm sở hành, không tâm tìm xét, không tâm biến hành.

Không tâm có thể tăng, không tâm có thể giảm, không tâm tán loạn, không có tâm cao, không co tâm thấp, không có tâm nhiếp hộ, không tâm ẩn mật, không tâm tùy thuận, không tâm trái nghịch, không tâm chìm đắm, không tâm động chuyển, không tâm vui thích, không tâm ái trước, không tâm phân biệt, không tâm lìa phân biệt, không tâm tính toán, không tâm theo thức lưu chuyển, không tâm nương vào tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý.

Không tâm nương vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Không tâm hành theo pháp ấy, không tâm hành theo trí ấy, không tâm quán sát quá khứ, không tâm quán sát vị lai, không tâm quán sát hiện tại.

Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác an trụ trong Tam Ma Địa như vậy, tâm không sinh khởi một pháp nhỏ nào, nhưng đối với tất cả pháp dung tri kiến vô ngại để tùy chuyển, mà không có chấp trước. Như Lai lìa tâm ý thức, ở trong định cũng không bị giảm mất, lại thường làm các Phật sự, nhưng không có chấp trước.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền nói kệ rằng:

Phật trong vô lượng trăm ngàn kiếp

Khắp cả Ba Cõi tu đạo hạnh

Giới văn định nhẫn tâm không tán

Viên thành quả bồ đề vô thượng

Quả báo thiện nghiệp Phật như vậy

Thoát khỏi thế gian giới thanh tịnh

Không cấu hý luận tịnh như không

Mười lực tịnh giới bằng hư không

Đầu đêm Như Lai thành Chánh Giác

Về sau, nửa đêm vào Niết Bàn

Phật không tâm hành, không biến hành

Đối các tịch định không giảm mất

Mười lực giới uẩn cũng không giảm

Thần lực giải thoát cũng như thế

Trong trăm ngàn kiếp trụ nhất tâm

Phật không phân biệt, lìa phân biệt

Phật đối cảnh giới định như không

Phật trí vô ngại chuyển ba nghĩa

Tâm ý suy xét không dời đổi

Phật tử tin hiểu mười lực Phật.

Này Xá Lợi Tử! Các pháp như vậy, Bồ Tát trụ tín đối với giới định của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, không còn phân biệt, lìa mọi nghi hoi, sau lại biểu hiện thân tướng vui, tâm vui sinh khởi ý tưởng hy hữu.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là Bồ Tát trụ tín đối với sức thần túc thông của Như Lai, tin hiểu thanh tịnh, cho đến khởi ý tưởng hy hữu.

Này Xá Lợi Tử! Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác thường nói: Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất trong chúng Bí Sô Thanh Văn, nhưng đem thần thông ấy so với thần thông của Bồ Tát, ta không thấy có thần thông Thanh Văn bằng với thần thông của Bồ Tát.

Nếu đem thần thông của Bồ Tát so lường thần thông của Đức Phật, ta không thấy có thần thông của Bồ Tát nào ngang bằng với thần thông của Phật.

Các Bồ Tát thường nghĩ như vậy: Thần thông của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn, chúng con phát tâm siêng năng tinh tấn quyết cầu thành tựu thần lực của Như Lai.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nay ta lại dùng thí dụ để làm sáng tỏ trí lực thần thông của Như Lai, vậy ông có muốn nghe không?

Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Nay đã đúng lúc, xin Thế Tôn nói, khiến cho các Bí Sô sau khi nghe rồi, tin hiểu thọ trì.

Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Ý ông nghĩ sao, Đại Mục Kiền Liên có đại thần thông không?

Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Con đích thân nghe Thế Tôn nói và đích thân ghi nhận Đại Mục Kiền Liên là thần thông đệ nhất trong chúng Bí Sô.

Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Tử! Giả sử khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới, tất cả thần lực của các Thanh Văn đều ngang bằng với thần lực của Đại Mục Kiền Liên, cũng như lúa, mè, tre, lau, mía, rừng, bằng nhau như vậy.

Sắc tướng như vậy, tất cả công đức, oai thế và sức tinh tấn, thần thông biến hóa của Thanh Văn tùy theo xứ sở mà thị hiện, nhưng so với Như Lai trăm phần không bằng một, ngàn phần không bằng một, trăm ngàn phần khong bằng một.

Một câu chi phần không bằng một, trăm câu chi phần không bằng một, ngàn câu chi phần không bằng một, trăm ngàn câu chi phần không bằng một, toán phần, số phần và thí dụ phần, cho đến ô ba ni sát đàm phần đều không bằng một.

Vì sao?

Vì Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác đã được Ba la mật đa tối thượng.

Này Xá Lợi Tử! Như Lai dùng sức thần thông, đặt hạt cải lên mặt đất, do sức gia trì của Như Lai, nên các Thanh Văn dùng tất cả oai thần, nhưng không thể nâng hạt cải lên được, lại cũng không thể lay động, dù chỉ bằng đầu sợi lông.

Vì sao?

Vì Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác đã được Ba la mật đa tối thượng và thần thông Ba la mật đa.

Này Xá Lợi Tử! Như trên đã nói, tam thiên đại thiên Thế Giới này, cho đến Đông, Tây, Nam, Bắc bốn phía trên dưới, khắp cả mười phương hằng hà sa số tất cả Thế Giới, có tất cả loài chúng sinh, hoặc noãn sinh, hoặc thai sinh, hoặc thấp sinh.

Hoặc hóa sinh, hoặc có sắc, hoặc không sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc không phải có tưởng, không phải không tưởng, các chúng sinh ấy, cùng lúc đều được quả Thanh Văn, đầy đủ đại thần thông bằng với Đại Mục Kiền Liên. Các Thanh Văn ấy cùng dùng thần thông, oai lực thần thông biến hóa, nhưng không thể nâng hạt cải dù chỉ bằng đầu sợi lông.

Vì sao?

Vì Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng, Chánh Giác đã được Ba la mật đa tối thượng và thần thông Ba la mật đa, đầy đủ đại oai đức, đại thần thông, được đại tự tại.

Đức Phật hỏi: Này Xá Lợi Tử! Xưa ngươi đã từng nghe kiếp phong tai có gió lớn nổi lên tên là Tỳ Lam Bà, gió ấy thổi dữ dội, làm cho tam thiên đại thiên Thế Giới, núi chúa Tu Di, các núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, bốn đại châu, đến tám vạn châu, kể cả biển lớn, gió thổi sóng dâng cao, nước chảy lan tràn đến một do tuần?

Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xưa con đích thân nghe Thế Tôn nói các việc như vậy.

Đức Phật bảo: Này Xá Lợi Tử! Lúc kiếp phong tai, gió lớn thổi cuộn lên, làm cho tam thiên đại thiên Thế Giới, núi chúa Tu Di và các núi khác, biển cả nước dâng lên vỡ tan lan tràn khắp tất cả, cho đến vô số trăm ngàn do tuần, địa cư Chư Thiên cũng đều bị gió thổi bay khắp tất cả, thổi đến nổi mảy trần còn không thấy huống là núi đá.

Các cung điện của Dạ Ma Thiên bị gió thổi tan nát bay khắp tất cả, thổi đến nổi mảy trần còn không thấy huống là cung điện.

Đến cả Đâu Suất Thiên, Hóa Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Phạm Hội Thiên, Đại Phạm Thiên, Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Quang Âm Thiên, Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên, các cung điện của các Cõi Trời ấy đều bị gió thổi tan nát, bay tán khắp cả, thổi đến noi mảy trần còn không thấy huống là cung điện.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần