Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Sáu - Pháp Hội Thiện Trụ ý Thiên Tử - Phẩm Thứ Bốn - Phẩm Phá Ma
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ BA MƯƠI SÁU
PHÁP HỘI THIỆN TRỤ Ý THIÊN TỬ
PHẨM THỨ BỐN
PHẨM PHÁ MA
Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nay thoại tướng này do ai làm mà có thể khiến đại thiên Thế Giới đại địa chấn động sáu cách, lại còn nhà báu tòa Liên Hoa Chư Hóa Bồ Tát phóng quang minh lớn soi sáng chúng hội diễn nói thâm pháp vi diệu, khiến vô lượng ức số Chư Thiên Tử đều đến tập họp và ức số Chư Bồ Tát cũng vân tập đến?
Đức Phật phán dạy: Này Xá Lợi Phất! Đây là thần lực của Văn Thù Sư Lợi hiện ra những sự vi diệu trang nghiêm như vậy, cũng khiến Chư Bồ Tát và Chư Thiên vân tập.
Này Xá Lợi Phất! Văn Thù Sư Lợi cùng Thiện Trụ. Ý Thiên Tử dắt đại chúng muốn đến chỗ Phật thỉnh hỏi về pháp môn Phá Tán Chư Ma tam muội để thành tựu đầy đủ các Phật Pháp thậm thâm bất tư nghị.
Tôn Giả Xá Lợi Phất lại bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu như vậy sao tôi xem khắp đại chúng mà trọn chẳng thấy Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát?
Đức Phật phán dạy: Này Xá Lợi Phất! Ông chờ một chút, nay Văn Thù Sư Lợi cùng tất cả Ma Vương tất cả ma chúng tất cả ma cung mà làm sự suy hao lớn, đó là thần biến cực vi diệu trang nghiêm sắp đến chỗ ta, ông sẽ tự thấy.
Lúc này Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát nhập phá tán chư ma tam muội, do sức tam muội làm cho trong đại thiên Thế Giới trăm ức cung điện ma cũ mục tối tăm như sắp rã hư, không còn oai quang khiến tất cả ma chẳng thích chỗ mình ở, họ đều thấy thân hình mình già suy ốm gầy chống gậy mà đi, hàng thiên nữ biến thành bà già. Thấy sự như vậy, tất cả ma rất ưu sầu.
Cả mình rởn ốc hãi sợ suy nghĩ rằng: Đây là biến quái gì mà khiến cho trong ngoài của ta đầy những bất tường, phải chăng là sắp chết mất đến lúc bị quả báo suy tán ư?
Hay là thế gian sắp bị hoại kiếp ư?
Lúc chúng ma lo sợ suy nghĩ như trên, Văn Thù Sư Lợi bồ Tát dùng thần lực hiện ra trăm ức Thiên Tử đứng trước chúng ma bảo rằng: Mọi người chớ lo sợ, đây chẳng phải tai họa của các người cũng chẳng phải kiếp hoại. Nay có Bồ Tát Đại Sĩ trụ bất thối chuyển tên là Văn Thù Sư Lợi có đại oai thần đạo đức siêu thế đang nhập phá tán chư ma tam muội, do sức tam muội ấy mà có sự việc như thế này chớ chẳng phải có chi khác.
Chư Ma Vương và Ma Chúng nghe Hóa Thiên Tử nói đến tên Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát họ càng tăng thêm kinh sợ run rẩy chẳng an, tất cả cung điện ma đều chấn động dữ dội.
Chư Ma Vương thưa với Hóa Thiên Tử: Xin Ngài đại từ cứu tai ách cho chúng tôi.
Chư Hóa Thiên Tử nói: Chớ sợ chớ sợ, các người mau đến chỗ Đức Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tại sao?
Vì Đức Phật Như Lai ấy có đại từ bi, nếu có chúng sanh quá lo sợ thì chỉ đến quy y với Phật đều liền được an lạc trừ hết lo khổ. Nói xong, Chư Hóa Thiên Tử bỗng ẩn mất.
Chư Ma Vương và Ma Chúng nghe lời chỉ trên tất cả đều vui mừng cùng nhau chống gậy trong khoảnh khắc đến chỗ Thích Ca Mâu Ni Phật đồng thanh bạch rằng: Đại Đức Thế Tôn xin được cứu hộ, xin được cứu hộ khỏi tai quái khốn khổ đại họa này.
Bạch Thế Tôn! Thà chúng tôi thọ danh hiệu của muôn ngàn vạn ức Chư Phật chứ chẳng mong nghe một tên Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
Tại sao?
Vì khi chúng tôi một lần nghe đến tên Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thì rất kinh sợ như bị táng mạng.
Đức Phật phán dạy: Này Ba Tuần! Nay sao các ông bỗng thốt lên lời như vậy.
Tại sao?
Vì Văn Thù Sư Lợi Đại Sĩ phàm hể khai đạo thì đều làm lợi ích cho chúng sanh. Ức trăm ngàn Phật trước kia hiện nay và sau này đều không có làm sự ấy.
Chỉ có Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thuở quá khứ hiện tại vị lai thường vì chúng sanh mà kiến lập đại sự như vậy, lúc chúng sanh thành thục rồi thì Ngài đặt vào trong giải thoát, do đó mà các ông dầu nghe danh hiệu trăm ngàn Phật mà chẳng sanh lòng khổ não cũng chẳng kinh sợ. Sao các ông lại nói chúng tôi nghe tên một Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thì đều rất kinh sợ.
Chư ma bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi thiệt hổ thẹn với thân hình già xấu này thêm quá kinh sợ nên nói như vậy.
Bạch Đức Thế Tôn! Từ nay chúng tôi Quy Y Đấng Chánh Giác, ngưỡng mong thương xót hoàn phục thân hình cho.
Đức Phật phán dạy: Các ông chờ giây lát, Văn Thù Sư Lợi đến đây rồi sẽ trừ hết sự xấu hổ cho các ông. Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát từ tam muội dậy cùng vô lượng trăm ngàn thiên chúng, vô lượng trăm ngàn Đại Bồ Tát và vô lượng trăm ngàn Chư Long Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già trước sau vây quanh, lại trỗi vô lượng trăm ngàn âm nhạc, lại mưa vô lượng hoa Trời vi diệu, đủ đại trang nhiêm có đại thần thông oai đức vô cực đồng đến chỗ Đức Phật đảnh lễ chân Phật hữu nhiễu ba vòng rồi lui ở một bên.
Đức Phật phán dạy: Này Văn Thù Sư Lợi! Có phải ông đã nhập Phá tán chư ma tam muội chăng?
Văn Thù Sư Lợi bồ Tát bạch rằng: Vâng, bạch Đức Thế Tôn! Tôi đã có nhập.
Đức Phật phán dạy: Này Văn Thù Sư Lợi! Từ Đức Phật nào mà ông được nghe dạy tam muội ấy và ông tu bao lâu được thành mãn?
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Lúc tôi chưa Phát Tâm Bồ Đề, được nghe tam muội ấy nơi Đức Phật.
Đức Phật phán dạy: Đức Phật ấy danh hiệu là gì?
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tôi nhớ thuở quá khứ vô lượng vô biên bất khả tư nghị A tăng kỳ kiếp, thuở ấy có Đức Phật Hiệu Mạn Đà La Hoa Hương Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác, xuất hiện thế gian tuyên nói phá tán chư ma tam muội ấy, lúc ấy tôi sơ khởi được lắng nghe.
Đức Phật phán dạy: Này Văn Thù Sư Lợi! Tam muội như vậy tu thế nào để được?
Văn Thù Sư Lợi bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát thành tựu đủ hai mươi pháp thì được phá ma tam muội ấy.
Một là quở trách tham dục phá hoại lòng tham.
Hai là quở trách sân nộ phá hoại lòng sân.
Ba là quở trách ngu si phá hoại lòng si.
Bốn là quở trách tật đố phá hoại lòng đố.
Năm là quở trách kiêu mạn phá hoại lòng mạn.
Sáu là quở trách ngũ cái phá hoại lòng cái.
Bảy là quở trách nhiệt não phá hoại lòng não.
Tám là quở trách tưởng niệm phá hoại lòng tưởng.
Chín là quở trách các kiến phá hoại lòng kiến.
Mười là quở trách phân biệt phá hoại lòng phân biệt.
Mười một là quở trách thủ sự phá hoại lòng thủ.
Mười hai là quở trách chấp trước phá hoại lòng chấp.
Mười ba là quở trách các tướng phá hoại tâm tướng.
Mười bốn là quở trách pháp có phá hoại lòng có.
Mười năm là quở trách pháp thường phá hoại lòng thường.
Mười sáu là quở trách pháp đoạn phá hoại lòng đoạn.
Mười bảy là quở trách các ấm phá hoại lòng ấm.
Mười tám là quở trách các nhập phá hoại lòng nhập.
Mười chín là quở trách các giới phá hoại lòng giới.
Hai mươi là quở trách Tam Giới phá hoại lòng Tam Giới.
Đại Bồ Tát đủ hai mươi pháp này thì thành tựu tam muội ấy.
Bạch Đức Thế Tôn!
Lại có bốn pháp, Bồ Tát tu hành đầy đủ thì thành tựu phá ma tam muội ấy.
Một là kiến lập tâm hành thanh tịnh điều nhu.
Hai là tâm tánh thuần trực không có các siểm khúc.
Ba là tâm không phan duyên nhập thâm pháp nhẫn.
Bốn là nội ngoại sở hữu hay xả thí tất cả.
Bạch Đức Thế Tôn!
Đại Bồ Tát còn có bốn pháp hay được tam muội ấy: Những là cứu cánh thâm tín, thành tựu thiệt ngữ, thường thích không nhàn và chẳng nắm lấy các tướng.
Đại Bồ Tát còn có bốn pháp hay được tam muội ấy: Những là gần gũi thiện hữu, thường biết chỉ túc, ngồi một mình tư duy và chẳng thích ồn ào.
Đại Bồ Tát còn có bốn pháp hay được tam muội ấy: Những là giới chẳng phá hoại, giới chẳng khuyết phạm, giới vô sở y và giới chẳng vọng báo.
Đại Bồ Tát còn có bốn pháp hay được tam muội ấy: Những là bỏ tâm Thanh Văn, lìa tâm Duyên Giác, an trụ Bồ Tát nhẫn và chẳng bỏ chúng sanh.
Đại Bồ Tát còn có bốn pháp hay được tam muội ấy: Những là tu không trừ ngã, lìa tướng không có tướng, vô nguyện trừ nguyện và xả bỏ các sở hữu.
Bạch Đức Thế Tôn! Thuở ấy Đức Mạn Đà La Hoa Hương Như Lai tuyên nói pháp môn Phá tán chư ma ấy tôi được nghe và bắt đầu tu tập. Kế lại có Phật Hiệu Nhất Thiết Bảo Điện Tế Nhật Nguyệt Quang Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác, bấy giờ ở nơi tam muội ấy tôi thành tựu đầy đủ.
Đức Thế Tôn ấy tuyên nói pháp môn này trong chúng hội ấy có mười ngàn Bồ Tát thành tựu pháp môn Phá tán chư ma tam muội.
Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Đức Phật: Hy hữu Thế Tôn! Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát này có thể từ thuở xa xưa thành tựu phá ma tam muội, do nơi lực tam muội khìến Ba Tuần và Ma Chúng tóc bạc già nua hình chí đều suy đến đỗi thế này.
Đức Phật phán dạy: Này Xá Lợi Phất! Nay ông cho rằng Văn Thù Sư Lợi riêng một đại thiên Thế Giới này biến chúng ma làm cho già suy thôi ư!
Ông chớ quan niệm như vậy.
Tại sao?
Vì hiện nay trong mười phương hằng sa Phật độ tất cả chúng ma đều biến hoại như vậy cả, đều do oai lực của Văn Thù Sư Lợi làm ra vậy.
Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: Nay ông nên nhiếp thần lực của ông lại khiến tất cả chúng ma hoàn phục bổn hình.
Tuân lời Đức Phật, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo chúng ma rằng: Các Ngài có thiệt chán sợ thân hình này chăng?
Chúng ma bạch rằng: Vâng, bạch Đại Sĩ.
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo: Nếu như vậy thì các Ngài cũng nên chán sợ tham dục chớ luyến Tam Giới.
Chúng ma bạch rằng: Lành thay Đại Sĩ! Kính nghe lời dạy tốt há dám sai trái, mong Đại Sĩ cho chút oai thần trừ sự khổ xấu hổ này.
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát liền nhiếp thần lực khiến chúng ma hoàn phục thân hình Chư Thiên trang nghiêm như cũ rồi bảo chúng ma rằng: Này Ba Tuần! Như nhãn sở hữu của Ngài, gì là nhãn?
Gì là nhãn tưởng?
Như vậy chỗ nào là nhãn trước, là nhãn tướng, là nhãn phan duyên, là nhãn chướng ngại, là nhãn tư, là nhãn ngã, là nhãn y chỉ, là nhãn hỷ lạc, là nhãn hý luận, là nhãn ngã sở, là nhãn hộ, là nhãn niệm, là nhãn thủ, là nhãn xả, là nhãn phân biệt, là nhãn tư lương, là nhãn thành tựu, là nhãn sanh, là nhãn diệt, là nhãn lai khứ?
Các pháp như vậy là cảnh giới của Ngài, ma nghiệp chướng ngại. Như nhãn, với nhĩ tỉ thiệt thân và ý cũng như vậy. Lại như sắc, thanh hương vị xúc và pháp cũng như vậy. Các Ngài đều phải nên biết rõ như thiệt.
Lúc Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thuyết pháp ấy trong chúng có một vạn Ma Vương Ba Tuần đều phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. Tám vạn bốn ngàn các ma quyến thuộc xa lìa trần cấu được pháp nhãn thanh tịnh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh ương Quật Ma La - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Sáu - Nhân Duyên Sanh
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Bánh Xe - Phần Năm - Vassakàr
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Quán Tự Tại Tùy Tâm Chú - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Niệm Tử Tướng
Phật Thuyết Kinh Bát đại Nhân Giác
Phật Thuyết Kinh Thương Chủ Thiên Tử Sở Vấn - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười - Phẩm Lâm - Kinh Chư Pháp Bổn