Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Như Lai Chẳng Thể Nghĩ Bàn - Tập Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BỐN

PHẨM NHƯ LAI CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN  

TẬP CHÍN  

Này Xá Lợi Tử! Các pháp như trên hay chướng Thánh đạo, cho đến tác ý không như lý, tương ưng sinh ra kết sử, pháp này vô vị, không nên quán, không nên làm. Do tham lam và điên đảo, cho nên không xuất ly, sinh khởi mọi ái kiến, chấp trước vào thân, miệng, ý nghiệp, ái trước càng tăng.

Như Lai biết rõ các pháp chướng Thánh đạo, biết như thật rồi, vì các chúng sinh nói rõ pháp chướng đạo, khiến các chúng sinh tịch chỉ, cận chỉ, nói pháp trừ đoạn, chỉ dạy tất cả, khiến các chúng hội đều được hoan hỷ, thân được vui vẻ, tâm rất tín thuận, lại khiến chúng hội khoái thích.

Như Lai đại bi tương ưng chân thật đầy đủ, tánh bình đẳng, tánh như thật, tánh không khác, tánh không chủng loại, tánh không sở quán, tánh không sinh, tánh không lìa, tánh không chấp thủ. Tuy Như Lai đầy đủ pháp vô úy, nhưng lại không dính mắc một pháp nhỏ nào, cũng không phải không dính mắc.

Pháp Vô sở úy của Như Lai không có dối gạt, vì bình đẳng như thật, pháp giới bình đẳng, pháp bình đẳng ấy bao trùm tất cả Thế Giới, thênh thang vô ngại. chánh pháp thậm thâm này chẳng thể nghĩ bàn, vô lượng vô số. Như Lai đầy đủ pháp đó rồi, tâm đại bi thôi thúc vì các chúng sinh nói pháp đoạn trừ chướng đạo, khiến tất cả được tịch chỉ cận chỉ.

Này Xá Lợi Tử! Pháp Vô sở úy của Như Lai vô biên vô tận, bằng với hư không. Nếu ai biết cái cùng tận của hư không, thì biết được cái cùng tận vô úy của Như Lai. Các Bồ Tát trụ tín nghe pháp này rồi, sinh lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, cho đến sinh ý tưởng hy hữu. Đây là pháp vô úy thứ ba của Như Lai. Như Lai do đầy đủ vô úy cho nên tất cả Trời, Người, thế gian không có pháp nào bằng pháp của Như Lai.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Bốn là, vô úy dứt trừ con đường khổ.

Phật Như Lai đầy đủ trí thù thắng vô thượng, ở trong đại chúng nói như vậy: Ta nói pháp xuất ly của Bậc Thánh, nó có khả năng dứt sạch đường khổ, cho đến tất cả Trời, Người, thế gian không có pháp nào bằng pháp Phật nói.

Sao gọi là pháp xuất ly của Bậc Thánh hay chấm dứt con đường khổ?

Pháp ấy có một, là con đường xuất ly của Bậc Thánh.

Những gì là một?

Là tâm của các chúng sinh đều thanh tịnh.

Hai pháp xuất ly của Bậc Thánh là Xa Ma Tha và Tỳ Bát Xá Na.

Ba pháp xuất ly của Bậc Thánh là không, vô tướng và vô nguyện.

Bốn pháp xuất ly cua Bậc Thánh là thân niệm xứ, thọ niệm xứ, tâm niệm xứ và pháp niệm xứ.

Năm pháp xuất ly của Bậc Thánh là tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn.

Sáu pháp xuất ly của Bậc Thánh là niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên.

Bảy pháp xuất ly của Bậc Thánh là trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, xả giác chi, niệm giác chi, định giác chi.

Tám pháp xuất ly của Bậc Thánh là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

Chín pháp hoan hỷ căn bản là con đường xuất ly của Bậc Thánh là hoan hỷ, khoái thích, khinh an, vui vẻ, đẳng trì, tri kiến, như thật, tịch tĩnh, ly nhiễm.

Mười pháp xuất ly của Bậc Thánh là xa lìa sát sinh, xa lìa trộm cắp, xa lìa tà nhiễm, xa lìa nói dối, xa lìa nói thêu dệt, xa lìa nói hai lưỡi, xa lìa ác khẩu, xa lìa tham dục, xa lìa sân nhuế, đầy đủ chánh kiến.

Này Xá Lợi Tử! Như vậy là ta đã nói các pháp xuất ly của Bậc Thánh. Pháp ấy có khả năng chấm dứt con đường khổ, cho đến các thiện pháp Bồ Đề phần, tương ưng giới uẩn, tương ưng định uẩn, tương ưng tuệ uẩn, tương ưng giải thoát uẩn, tương ưng giải thoát tri kiến uẩn, tương ưng bốn pháp Thánh đế. Các pháp này đều là con đường xuất ly của Bậc Thánh.

Lại có con đường xuất ly của Bậc Thánh, đó là sở hành chân chánh. Sở hành chân chánh này không có pháp nào có thể hành, cũng không phải không hành, không vào, không ra, không lấy, không bỏ.

Vì sao?

Vì nếu đã hành hoặc sẽ hành, cả hai đều lìa. Tất cả các pháp không hai cũng vậy. Điều này nên thấy biết như thật vì đó là con đường xuất ly của Bậc Thánh Như Lai biết rõ con đường xuất ly của Bậc Thánh rồi, đem triển khai thuyết giảng cho các chúng sinh, khiến các chúng hội đều sinh hoan hỷ. Do thân vui cho nên tâm rất tín thuận, lại khiến chúng hội vui vẻ thích thú.

Đại bi Như Lai tương ưng chân thật đầy đủ, là vì tánh bình đẳng, tánh như thật, tánh không khác, tánh không chủng loại, tánh không sở quán, tánh không sinh, tánh không lìa, tánh không sở thủ. Tuy Như Lai đầy đủ pháp vô úy như vậy, nhưng không dính mắc vào một pháp nhỏ nào, cũng không phải không dính mắc. Pháp Vô sở úy của Như Lai không có dối gạt, là vì bình đẳng như thật.

Pháp Giới bình đẳng, pháp bình đẳng ấy bao trùm tất cả Thế Giới, thênh thang vô ngại. Chánh pháp thậm thâm này vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn. Như Lai đầy đủ pháp ấy rồi, với tâm đại bi thôi thúc, vì các chúng sinh khai triển tuyên nói pháp xuất ly của Bậc Thánh, khiến các chúng sinh đều giác ngộ, dứt sạch tận gốc khổ.

Này Xá Lợi Tử! Đây là pháp vô sở úy thứ tư của Như Lai. Do Như Lai đầy đủ bốn vô sở úy, cho nên biết rõ thắng xứ, ở trong đại chúng rống tiếng rống Sư Tử, chuyển phạm luân vi diệu. Các Sa Môn, Bà La Môn khác không thể chuyển được. Cho đến tất cả thế gian Trời, Người, Ma, Phạm không có pháp nào bằng với pháp của Như Lai.

Này Xá Lợi Tử! Bốn pháp Vô sở úy của Như Lai vô biên vô tận, bằng với hư không. Nếu ai biết cái cùng tận của hư không thì là biết được cái cùng tận vô úy của Như Lai. Các Bồ Tát trụ tín nghe được pháp vô úy chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, sinh lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, biểu hiện thân tướng vui, tâm vui và sinh ý tưởng hy hữu.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Tất cả các pháp đều bình đẳng

Trí Tự Nhiên Phật tùy biết rõ

Do vậy hiện chứng Phật Bồ Đề

Như Lai bình đẳng quán sát khắp

Thế gian tất cả pháp dị sinh

Cùng pháp Chư Phật đều bình đẳng

Hữu học, vô học các pháp môn

Và pháp Duyên Giác cũng như vậy

Tất cả các pháp ở thế gian

Và pháp môn tối thắng xuất thế

Pháp thiện ác không động cũng vậy

Cùng đạo Niết Bàn đều bằng nhau

Kể cả pháp không, pháp không tướng

Pháp vô nguyện ấy cũng như vậy

Trong các pháp vô sinh vô tác

Như Lai bình đẳng đồng quán chiếu

Biết rõ pháp bình đẳng này rồi

Phật vì chúng sinh rộng tuyên nói

Giáo hóa chúng sinh về giải thoát

Vô úy đệ nhất của Mâu Ni

Ba pháp giải thoát ở thế gian

Nói môn giải thoát cho chúng sinh

Phật đại vô úy Nhân Trung Tôn

Đây là pháp vô úy thứ hai

Tuy biết Chư Phật diễn chánh pháp

Cớ gì thân cận không giải thoát

Tâm không thanh tịnh, không tàm quý

Bởi các nghiệp này làm chướng ngại

Lại do ba nghiệp thân, miệng, ý

Không tuân giới pháp lại làm ác

Tham, sân, si, bố khởi bốn tội

Năm tội giết hại và trộm cắp

Tà nhiễm, vọng ngôn cùng uống rượu

Sáu không tôn trọng, bảy mạn sinh

Tám thứ tà pháp bùng nổi lên

Chín thứ não xứ nhiều lỗi lầm

Sau khởi mười thứ nghiệp bất thiện

Nó làm chướng ngại đạo giải thoát

Tác ý quá lắm không biết rõ

Vì bị si ám nó che lấp

Chấp trước hư vọng và say mê

Siêng làm điên đảo biết rõ rồi

Rồi lại thân cận với chánh pháp

Đây là pháp vô úy thứ ba

Pháp môn thanh tịnh, không hạn lượng

Vì gần chánh pháp chứng bồ đề

Chỉ trí của Phật biết tịch tĩnh

Biết rồi rộng thí pháp cam lồ

Phật rất khen ngợi bồ đề phần

Cho đến rất nhiều thiện pháp khác

Quen gần là pháp môn giải thoát

Phật, Đấng Thập Lực khéo tuyên nói

Siêng năng kiên cố lìa các nhiễm

Đối với thiện pháp đều tương ưng

Pháp này phi pháp tâm không chấp

Tịch tĩnh giải thoát lìa sợ hãi

Biết rõ như thật các thiện pháp

Như hư không thênh thang không ngại

Không chấp trước pháp cũng như vậy

Có thể xuất ly biển ba cõi

Trong biển ba cõi người mê đắm

Đấng Thập Lực Tôn nói nghiệp ấy

hật khiến giải thoát tâm thương xót

Bốn pháp vô úy bằng hư không.

Này Xá Lợi Tử! Ta đã nói bốn pháp vô úy chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai. Các Bồ Tát trụ tín nghe pháp này rồi, nên sinh lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, cho đến sinh ý tưởng hy hữu.

Vô sinh tức là vô tận, ở trong cái rốt ráo tận không có cái để đối trị, đây gọi là tận. Như đã nói tận, cũng lại không có pháp tận có thể tận. Đó là vô vi. Vô vi tức là không diệt, không trụ. Nếu nói có sinh thì Như Lai không sinh, pháp tánh thường trụ, pháp giới thường trụ, các pháp cũng lại tùy theo trí sở hành.

Nhưng sở hành đó đều không sở hành, cũng không phải không sở hành, cũng có thể được pháp vô lậu. Tuy lại như vậy, Như Lai an trụ tâm đại bi cũng vì chúng sinh tuyên nói rộng rãi, đoạn trừ các pháp lậu. Như Lai ở trong đại chúng được sự không sợ sệt, rồi đem pháp này chỉ dạy chúng hội, khiến các chúng hội đều được hoan hỷ.

Do thân được hoan hỷ cho nên tâm rất tín thuận, lại khiến chúng hội vui vẻ khoái thích. Như Lai đại bi tương ưng đầy đủ chân thật, là tánh bình đẳng, tánh như thật, tánh không sai khác, tánh không chủng loại, tánh không sở quán, tánh không sinh, tánh không lìa, tánh không sở thủ. Tuy Như Lai đầy đủ pháp vô úy như vậy, nhưng không dính mắc một pháp nhỏ nào, cũng không phải không dính mắc.

Pháp vô úy của Như Lai không có hư dối, vì là bình đẳng như thật, pháp giới bình đẳng. Pháp bình đẳng ấy bao trùm cả Thế Giới, thênh thang vô ngại.

Chánh Pháp thậm thâm này vô lượng, vô số chẳng thể nghĩ bàn. Như Lai đầy đủ pháp vô úy rồi, với tâm đại bi thôi thúc, truyền đạt rộng rãi pháp này cho các chúng sinh.

Này Xá Lợi Tử! Pháp vô úy của Như Lai vô biên vô tận bằng với hư không. Nếu ai biết cái cùng tận của hư không thì là biết được cái cùng tận vô úy của Như Lai.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là tâm đại bi chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, các các Bồ Tát trụ tín nghe nói pháp này rồi, thì nên sinh lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, cho đến sinh ý tưởng hy hữu?

Này Xá Lợi Tử! Tâm đại bi của Như Lai là không bỏ tất cả chúng sinh, thường hành bi mẫn là vì thành thục, do chuyển hóa với tâm đại bi cho nên không chỗ nào là không chuyển. Vì thế nên biết, tâm đại bi của Như Lai không có hạn lượng, chẳng thể nghĩ bàn, không thể so sánh, cũng không có số lượng, không thể nói hết, thật là thậm thâm, như vậy ngữ nghiệp không thể tuyên nói.

Vì sao?

Vì tùy theo sở chứng của Như Lai nên bồ đề cũng vậy. Như vậy khởi tâm đại bi là vì các chúng sinh, tùy theo Bồ Đề như vậy nên đại bi cũng như vậy.

Này Xá Lợi Tử! Sao gọi là Như Lai chứng đắc bồ đề?

Vì Như Lai không có căn bản, không có chỗ trụ, cho nên mới chứng bồ đề.

Sao gọi là căn bản?

Sao gọi là trụ?

Nghĩa là, có thân kiến làm căn bản, nương vào phân biệt hư vọng mà trụ. Do bồ đề của Như Lai bình đẳng cho nên hiểu biết bình đẳng, cả hai pháp cũng đều bình đẳng.

Đây gọi là không trụ, không căn bản. Nhờ đó mà Như Lai hiện thành Chánh Đẳng Bồ Đề. Nhưng các chúng sinh đối với pháp không trụ, không căn bản đó không thể biết được. Vì muốn khiến tất cả chúng sinh biết rõ, cho nên Như Lai mới chuyển tâm đại bi.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Bồ đề là tịch tĩnh cận tịch, do vậy nên ta thành Chánh Giác.

Sao gọi là tịch tĩnh?

Sao gọi là cận tịch?

Bên trong gọi là tịch tĩnh, bên ngoài gọi là cận tịch.

Vì sao?

Vì mắt vốn không, cho nên ngã và ngã sở đều không có tự tánh. Đây gọi là tịch tĩnh. Như vậy, vì tai, mũi, lưỡi, thân, ý vốn không, nên ngã và ngã sở đều không có tự tánh. Đây gọi là cận tịch. Biết mắt vốn không rồi, nên sắc không sơ thủ. Đây gọi là tịch tĩnh.

Cho đến biết ý vốn không rồi, thì pháp không sở thủ. Đây gọi là cận tịch. Nhưng các chúng sinh đối với pháp bồ đề tịch tĩnh này không thể hiểu nổi. Vì muốn tất cả chúng sinh đều giác ngộ, nen Như Lai mới chuyển tâm đại bi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần