Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bồ Tát Tạng Chánh Pháp - Phẩm Bốn - Phẩm Như Lai Chẳng Thể Nghĩ Bàn - Tập Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA BỒ TÁT TẠNG CHÁNH PHÁP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BỐN

PHẨM NHƯ LAI CHẲNG THỂ NGHĨ BÀN  

TẬP NĂM  

Lại nữa, Phi Xứ là nếu Chư Phật mà còn có các lỗi lầm, thì không thể có. Chư Phật lìa các lỗi lầm thì đó là lẽ đương nhiên.

Này Xá Lợi Tử! Như vậy là ta đã nói rộng các pháp bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Chư Phật Như Lai ở trong đời hiện tại hoặc biết, hoặc thấy mà còn có sự chướng ngại, thì không thể có. Nếu Chư Phật Như Lai ở trong hiện tại hoặc biết, hoặc thấy không bị chướng ngại thì đó là lẽ đương nhiên.

Này Xá Lợi Tử! Như vậy là ta đã nói về trí lực Xứ phi xứ không biến tế của Như Lai. Nếu ai muốn biết được biên tế ấy, cũng giống như hư không, thì làm sao biết được.

Nếu không biết được biên tế của hư không, thì cái biên tế trí lực Xứ phi xứ của Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng lại như vậy. Các Bồ Tát trụ tín nghe được trí lực Xứ phi xứ chẳng nghĩ bàn của Như Lai rồi, sinh lòng tin thanh tịnh vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, sau lại biểu hiện thân tướng vui, tâm vui, sinh ý tưởng hy hữu.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Mười phương hư không không cùng tận

Trí lực Xứ phi xứ cũng thế

Trí lực chân thật khắp thế gian

Nói rộng pháp chân thật tối thượng

Nếu người đầy đủ nhân giải thoát

Biết được sở hành vì nói pháp

Các chúng sinh, viên mãn pháp khí

Biết Xứ phi xứ hạnh trụ xả

Hư không đại địa còn thể động

Phật nói quả báo không hư dối

Trí Xứ phi xứ nếu viên thành

Thì đủ mười lực thế xuất thế.

Này Xá Lợi Tử! Đây là trí lực thứ nhất của Như Lai. Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác do đầy đủ trí lực thù thắng như vậy, cho nên biết rõ thắng xứ, ở trong đại chúng rống lên tiếng rống Sư Tử, chuyển phạm âm vi diệu, thế gian không có pháp nào bằng với pháp Như Lai.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là trí lực Nghiệp báo của Như Lai?

Đức Như Lai dùng trí vô thượng biết rõ tất cả chúng sinh, tạo ra các nghiệp, tích tập nhân xứ trong quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nhân thân căn thông phần vị nhãn căn, như vậy nhân các căn và phần vị, Như Lai đều biết một cách như thật.

Nếu các chúng sinh có căn tánh bố thí, tu trì giới hạnh, Như Lai biết rõ căn của mình và người khác, liền tuyên nói pháp bố thí. Nếu các chúng sinh có căn tánh trì giới, tu hạnh bố thí, Như Lai biết rõ căn tánh mình và người khác, liền vì tuyên nói pháp trì giới.

Nếu các chúng sinh có căn tánh nhan nhục, tu hạnh tinh tấn, Như Lai biết rõ căn tánh mình và người khác, liền vì nói pháp nhẫn nhục. Nếu các chúng sinh có căn tánh tinh tấn, tu hạnh nhẫn nhục, Như Lai biết rõ căn tánh mình và người khác, liền vì nói pháp tinh tấn.

Nếu các chúng sinh có căn tánh thiền định, tu hạnh tuệ thù thắng, Như Lai biết rõ căn của mình và người khác, liền vì nói pháp thiền định. Nếu các chúng sinh có căn tánh tuệ thù thắng, tu hạnh thiền định, Như Lai biết rõ căn của mình và người khác, liền vì nói pháp tuệ thù thắng.

Tóm lại, cho đến các pháp bồ đề phần cũng như vậy. Nếu các chúng sinh đủ căn tánh Thanh Văn, tu hạnh Duyên Giác Thừa, Như Lai biết rõ căn của mình và người khác, liền vì tuyên nói pháp Thanh Văn thừa. Nếu các chúng sinh đầy đủ tánh Duyên Giác, tu hạnh Thanh Văn thừa, Như Lai biết rõ căn của mình và người khác, liền vì tuyên nói pháp Duyên Giác Thừa.

Nếu các chúng sinh đầy đủ căn tánh Đại Thừa, mà tu hạnh Thanh Văn, Duyên Giác thừa, Như Lai biết rõ căn của mình và người khác, liền vì tuyên nói pháp Đại Thừa. Nếu các chúng sinh đầy đủ căn tánh tối thượng thừa, tu hạnh Đại Thừa, Như Lai biết rõ, biết rõ như thật.

Nếu các chúng sinh tích tập nhân vui trong đời hiện tại, mà đời vị lai lại chịu quả khổ, Như Lai nhất định biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh tích tập nhân khổ trong đời hiện tại, vị lai, chịu quả khổ, Như Lai nhất định biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh tích tập nhân vui trong đời hiện tại, vị lai hưởng quả báo vui, Như Lai nhất định biết rõ như thật.

Này Xá Lợi Tử! Như Lai biết rõ tất cả chúng sinh có các nghiệp, hoặc nhân hoặc quả trong quá khứ, vị lai, hiện tại, Như Lai chân thật không sai không khác, mỗi mỗi quyết định biết rõ như thật. Biết rồi, Như Lai tùy theo căn tánh đó mà vì nói pháp.

Này Xá Lợi Tử! Như Lai Ứng Cung Chánh Đẳng Chánh Giác, biết rõ như thật về các nghiệp quả báo của tất cả chúng sinh tích tập nhân xứ trong quá khứ, vị lai và hiện tại. Trí lực của Như Lai không có cùng tận.

Nếu ai muốn biết cái cùng tận đó, thì cũng như hư không liệu có thể biết được chăng?

Nếu không biết được cái cùng tận của hư không, thì trí lực nghiệp báo của Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng lại như vậy. Các Bồ Tát trụ tín được nghe trí lực nghiệp báo chẳng nghĩ bàn của Như Lai rồi, phát lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, sau lại biểu hiện thân tướng vui, tâm vui và sinh ý tưởng hy hữu.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Phật khéo biết rõ các nhân quả

Mắt trí hay quán về nghiệp pháp

Trí vô ngại khắp trong ba đời

Thấu rõ các nghiệp của chúng sinh

Các nhân khổ vui và sở nguyện

Các chúng sinh ở trong năm nẻo

Tất cả luân chuyển các nhân khổ

Nhất định Thiện Thệ đều biết rõ

Tất cả các nghiệp báo hắc bạch

Nhân quả nguyện cầu cũng như vậy

Năng nhân đều biết rõ chân thật

Như xem báu như ý trong tay

Nếu các nghiệp báo tu nhân ít

Quả báo đương lai được vô lượng

Nếu nhân vô lượng quả lại nhỏ

Thiện Thệ chân thật đều hiểu rõ

Tu hạnh Thanh Văn quả như nguyện

Duyên Giác Bồ Đề nhân nguyện đồng

Trí vô thượng quả nguyện cũng vậy

Thiện Thệ đều hiểu rõ như thật

Nếu nghiệp đời trước tu nhân khổ

Đời sau chiêu cảm quả báo vui

Đối với các nghiệp tu nhân vui

Đời sau chiêu cảm quả báo khổ

Nhân khổ quả khổ pháp như vậy

Nhân vui quả vui cũng như thế

Tự nghiệp tự quả nhân hòa hợp

Thiện Thệ đều hiểu rõ như thật

Pháp khổ các cõi chuyển ba đời

Các chúng sinh khắp trong năm nẻo

Môn chân thật không đoạn không khác

Phật trí vô thượng đều hiểu rõ.

Này Xá Lợi Tử! Đây là trí lực thứ hai của Như Lai. Như Lai do đầy đủ trí lực thù thắng, cho nên biết rõ thắng xứ, ở trong đại chúng rống tiếng rống Sư Tử, chuyển phạm luân vi diệu, tất cả thế gian, Trời, Người, Ma, Phạm đều không thể chuyển, cho đến không có pháp nào bằng pháp Như Lai.

Các quả báo khác Như Lai cũng đều biết rõ như thật.

Sao gọi là biết rõ?

Này Xá Lợi Tử! Nghĩa là các Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác biết rõ như thật về các nghiệp quá khứ và tích tập nhân lành, lìa các bất thiện được quả báo thiện trong đời vị lai của các chúng sinh. Nếu các chúng sinh tạo nghiệp bất thiện, tích tập nhân bất thiện, lìa các thiện pháp, đến đời vị lai chịu quả bất thiện, mỗi mỗi Như Lai đều biết rõ như thật.

Nếu các chúng sinh tích tập nghiệp nhân, đến đời vị lai chiêu cảm quả hạ liệt, nhất định Như Lai biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh tích tập nghiệp nhân, đời hiện tại chiêu cảm quả thù thắng, đến đời vị lai cũng chiêu cảm quả thù thắng, nhất định Như Lai đều biết rõ như thật.

Nếu các chúng sinh tích tập nghiệp nhân, ở đời quá khứ làm hạnh hạ liệt, đến đời vị lai khởi lên đại hạnh, nhất định Như Lai đều biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh tích tập nghiệp nhân ít, sẽ chiêu cảm quả to lớn thù thắng, nhất định Như Lai đều biết như thật. Nếu các chúng sinh tích tập nghiệp nhân to lớn, sẽ chiêu cảm quả ít thù thắng, nhất định Như Lai đều biết như thật.

Nếu các chúng sinh tu hạnh Thanh Văn, cảm quả Thanh Văn, nhất định Như Lai biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh tu hạnh Duyên Giác, cảm quả Duyên Giác, nhất định Như Lai biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh tu nhân Phật trí, cảm quả Phật trí, nhất định Như Lai biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh tích tập nhân khổ trong đời hiện tại, đến đời vị lai chiêu cảm quả vui nhất định Như Lai biết rõ như thật.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là trí lực mỗi mỗi tin hiểu của Như Lai?

Nghĩa là, Chư Phật Như Lai đối với các chúng sinh, các Bổ Đặc Già La, mỗi mỗi tin hiểu sai khác, Như Lai biết rõ mỗi mỗi như thật.

Nếu các chúng sinh vốn có lòng tham ái, đối với sân khởi lên hiểu biết, như trong Kinh đã nói rộng. Nếu các chúng sinh vốn là si mê, đối với sân khởi lên hiểu biết, Như Lai mỗi mỗi biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh vốn tạo pháp bất thiện, đối với pháp bất thiện khởi lên hiểu biết, mỗi mỗi Như Lai đều biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh vốn tạo thiện pháp, hiểu rõ thiện pháp, mỗi mỗi Như Lai đều biết rõ như thật.

Nếu các chúng sinh tu hạnh thấp kém, đối với pháp thù thắng khởi lên sự tin hiểu, Như Lai đều biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh tu hạnh thù thắng, nhưng lại hiểu rõ pháp hạ liệt, Như Lai đều biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh tu hạnh thấp kém, nhưng lại tin hiểu phần vị thù thắng, Như Lai đều biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh tu hạnh thù thắng, mà lại tin hiểu thấp kém, Như Lai đều biết rõ như thật.

Nếu các chúng sinh tin hiểu tà định, rồi chấp vào pháp định ấy, Như Lai đều biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh tin hiểu chánh định và tham khảo thực hành pháp định ấy, Như Lai đều biết rõ như thật. Nếu các chúng sinh tu giải thoát về môn chánh định, Như Lai đều biết như thật.

Nếu các chúng sinh tin hiểu định pháp của Dục Giới rồi vào Dục Giới ấy, Như Lai đều biết như thật. Nếu các chúng sinh tin hiểu định pháp của Sắc Giới, rồi vào Sắc Giới ấy, Như Lai đều biết như thật. Nếu các chúng sinh tin hiểu định pháp của Vô Sắc Giới, rồi nhập vào Vô Sắc Giới ấy, Như Lai đều biết như thật. Nếu các chúng sinh tin hiểu định pháp ba cõi, rồi vào khắp ba cõi, Như Lai đều biết như thật.

Nếu các chúng sinh vốn trụ phần vị thấp kém, mà lại được pháp thù thắng, Như Lai đều biết như thật. Nếu các chúng sinh vốn trụ phần vị thù thắng mà lại được pháp thấp kém, Như Lai đều biết như thật. Nếu các chúng sinh khởi lên mỗi mỗi tin hiểu, mỗi mỗi sắc tướng, mỗi mỗi thọ dụng, mỗi mỗi lãnh nạp, Như Lai đều biết như thật.

Nếu các chúng sinh tin hiểu nghiệp đời trước, nên chiêu cảm đọa lạc, Như Lai đều biết như thật. Nếu các chúng sinh tin hiểu pháp giải thoát, rồi hành trì pháp giải thoát ấy, Như Lai đều biết như thật. Như Lai biết như thật rồi, tùy theo căn cơ thích ứng mà nói pháp.

Này Xá Lợi Tử!Trí lực tin hiểu của Như Lai không có biên tế, ngang bằng với hư không. Các Bồ Tát trụ tín đối với trí lực tin hiểu tối thắng của Như Lai, nghe rồi phát lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, sau lại biểu hiện thân tướng vui, tâm vui và sinh ý tưởng hy hữu.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ nghĩa trên, liền lập lại bằng kệ rằng:

Thế gian mỗi mỗi pháp tin hiểu

Quá, vị, hiện tại không hạn lượng

Rồi lại suy nghĩ theo tin hiểu

Phật Nhân Trung Tôn đều hiểu rõ

Nếu đối pháp tham khởi tin hiểu

Mà vốn trụ vào bản chất sân

Hoặc sân hoặc si nghĩa cũng thế

Phật tùy tín giải đều hiểu rõ

Trụ tham trụ si và các pháp

Tùy tâm sở trì khó đo lường

Nghiệp hành liên tục không gián đoạn

Thắng Trí Năng Nhân đều biết rõ

Nếu các chúng sinh hạnh thấp kém

Trở lại tin hiểu pháp rộng lớn

Hạnh lớn hiểu thấp nghĩa cũng thế

Phật Điều Ngự Tôn đều hiểu rõ

Nếu các chúng sinh chấp tà định

Trở lại khởi lên cũng như thế

Môn giải thoát khắp trong ba cõi

Phật tùy tin hiểu đều biết rõ

Chỗ sinh sắc tướng mỗi mỗi khác

Thọ dụng sai biệt cũng như thế

Tùy theo nghiệp trước quả không sai

Lưỡng Túc Thắng Tôn đều hiểu rõ

Tùy theo tin hiểu biết rõ rồi

Hợp với căn cơ mà nói pháp

Môn thắng giải trí lực thứ ba

Phật tử nên sinh tin thanh tịnh.

Này Xá Lợi Tử! Trí lực tin hiểu thứ ba của Như Lai như vậy. Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác do đầy đủ trí lực thù thắng, cho nên biết rõ thắng xứ. Ở trong đại chúng rống tiếng rống Sư Tử, chuyển phạm luân vi diệu. Tất cả thế gian, Trời, Người, Ma, Phạm đều không thể chuyển, không có pháp nào ngang bằng với pháp Như Lai.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Sao gọi là trí lực mỗi mỗi giới của Như Lai?

Nghĩa là, Như Lai biết rõ như thật về mỗi mỗi giới. Nếu các chúng sinh ở trong các thế gian, trưởng dưỡng bằng các phước hạnh, Như Lai đều biết như thật. Nếu các chúng sinh trưởng dưỡng không phải bằng phước hạnh, Như Lai đều biết như thật. Nếu các chúng sinh trưởng dưỡng bằng hạnh bất động, Như Lai đều biết như thật. Nếu các chúng sinh tu hạnh xuất ly, Như Lai đều biết như thật.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Như Lai biết rõ nhãn giới, Sắc Giới, nhãn thức giới như thật.

Sao gọi là năng tri?

Nghĩa là Phật biết rõ trong không, ngoài không và trong ngoài đều không, cho đến biết rõ như thật về ý giới, pháp giới và ý thức giới.

Sao gọi là năng tri?

Nghĩa là Phật biết rõ trong không, ngoài không và trong ngoài đều không.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Như Lai biết rõ như thật về địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới và hư không giới.

Sao gọi là năng tri?

Vì như hư không, cho nên biết rõ cũng như vậy. Như Lai biết rõ Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới phân biệt khởi lên. Biết hữu vi giới là tướng tạo tác, biết vô vi giới là tướng không tạo tác. Biết tạp nhiễm giới là tướng khách trần phiền não, biết thanh tịnh giới là tướng tự tánh xan lạn. Biết cảnh giới các hành là tướng vô minh tác ý không như lý, biết cảnh giới Niết Bàn là tướng sáng suốt tác ý như lý.

Lại nữa, này Xá Lợi Tử! Nếu các giới nương vào các giới an trụ, các giới tùy thuận, các giới kiến lập, các giới tác dụng, các giới ý thú, các giới tịch định, các giới trụ trước, mỗi mỗi Như Lai đều biết như thật, tùy theo cái hiểu biết đó mà vì nói pháp.

Này Xá Lợi Tử! Đây là trí lực mỗi mỗi giới của Như Lai, trí lực thù thắng như vậy không có biên tế. Nếu các Bồ Tát trụ tín đối với trí lực của Như Lai, nghe rồi phát lòng tin thanh tịnh, vượt lên sự phân biệt, lìa mọi nghi hoặc, sau lại biểu hiện thân tướng vui, tâm vui và sinh ý tưởng hy hữu.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần