Phật Thuyết Kinh đại Thừa đảnh Vương - Phần Bốn
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA ĐẢNH VƯƠNG
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư
Nguyệt Bà Thủ Na, Đời Trần
PHẦN BỐN
Nghe nói pháp sâu xa
Người không sinh sợ hãi
Nên biết chúng sinh ấy
Phật nói là Bồ Tát.
Bấy giờ, Đồng Tử Thiện Tư Duy dùng kệ bạch Phật:
Thế Tôn Vô Thượng Sư
Vì con hiện ra đời
Ở trong pháp này nêu
Tướng khác chỉ tên gọi.
Mâu Ni hiện nơi đời
Phật sinh không nghĩ bàn
Đoạn sạch các lưới ma
Để hiện lưới chánh pháp.
Con đoạn hết sinh tử
Không lâu đến Đạo Tràng
Nếu người có tưởng khác
Vì tướng mà giảng thuyết.
Thế Tôn nói, nên cầu
Thấy rồi, nhập Niết Bàn
Độ thoát cả muôn loài
Dứt hẳn mọi nghi lầm.
Đức Thế Tôn bảo Đồng Tử Thiện Tư Duy: Hạnh không nghi lầm là hạnh Bồ Tát. Hạnh giúp đỡ là hạnh Bồ Tát. Hạnh không phân biệt, xa lìa tất cả lỗi lầm, dùng hạnh sâu xa thương yêu tất cả chúng sinh là hạnh Bồ Tát.
Này Đồng Tử Thiện Tư Duy! Hành theo tướng hành theo hư dối là tướng của dục. Xả bỏ hành của dục, xa lìa các sân hận, tâm bình đẳng với tất cả chúng sinh, vì tâm không thể nắm bắt. Hành theo hạnh đại Từ để cầu pháp. Thực hành hạnh đại bố thí để không xả bỏ chúng sinh.
Thực hành hạnh không nghi ngờ để không theo kiến giải của kẻ khác. Thực hành hạnh không bị phiền não bức bách để được an lành. Thực hành hạnh tinh tấn để không còn lười biếng. Thực hành hạnh tam muội để tâm được rộng mở.
Thực hành hạnh trí tuệ để biết tất cả tướng của pháp. Thực hành hạnh vô úy để không còn khiếp nhược. Thực hành hạnh không chướng ngại để thành tựu hạnh thù thắng là ảnh tượng của Như Lai. Quán xét Thế Giới chung sinh khắp mười phương để đạt được hạnh không vướng mắc.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:
Nói các hạnh Bồ Tát
Xa lìa những nghi lầm
Hạnh cùng với ngu si
Cả hai không thủ đắc.
Phi hạnh dùng làm hạnh
Đó là hạnh Bồ Tát
Nếu người biết hạnh này
Người ấy hành vô ngại.
Nói các bậc Bồ Tát
Luôn gìn giữ các pháp
Để cầu vô sở đắc
Đấy là hành vô thượng.
Nếu nói ta tu hành
Tức trụ trong điên đảo
Do trụ trong điên đảo
Không thể được vô úy.
Đây là hành ngôn thuyết
Ngôn thuyết không nắm bắt
Nếu biết được như vậy
Là hành thừa vô thượng.
Đại thừa thừa vô thượng
Thừa này không lo sợ
Lo sợ và không sợ
Tất cả đều hý luận.
Ta nói tất cả hành
Hết thảy hành đều không
Nếu các hành đều không
Đó là hành vô thượng.
Hành này là sâu xa
Giữ gìn tất cả pháp
Giữ gìn và thâm diệu
Đây phân biệt tất cả.
Sâu xa cùng với hành
Trong đấy cả hai không
Nếu biết ở cõi này
Không phân biệt các pháp.
Không pháp để chấp giữ
Không pháp, không thủ đắc
Đây là tánh các pháp
Không tánh để diễn thuyết.
Không bền chắc, không dục
Vì cầu nên hiện bày
Văn tự không chấp giư
Đấy là câu vô thượng.
Ta dùng phương tiện nói
Người nghe chớ sinh sợ
Vì cầu không thể được
Cũng không hủy hoại tướng.
Các hạnh chúng sinh này
Thật lý không thể chứng
Nếu biết được như vậy
Gọi là khéo tu học.
Các chúng sinh là không
Nên ta nói chúng sinh
Pháp chúng sinh như vậy
Đạo ấy là vô thượng.
Hoặc tâm, hoặc chúng sinh
Hoàn toàn không thủ đắc
Đây là nghĩa đệ nhất
Bậc đại từ đã thuyết.
Các vị Đại Bồ Tát
Đại thí chủ thế gian
Vì thường tu bố thí
Nên gọi là thí chủ.
Nếu pháp không thủ đắc
Nên các pháp đều không
Khi ấy tu bố thí
Là Bồ Tát không trí.
Nếu pháp không thủ đắc
Ở trong pháp cao thấp
Do chẳng còn kinh sợ
Nên gọi chân thí chủ
Nếu pháp không thủ đắc
Thì pháp không nghĩ bàn
Đây gọi chân trì giới
Các pháp không chỗ nương.
Cõi Phật không nghĩ bàn
Vì các Bồ Tát nói
Kẻ ngu không hiểu biết
Giới cấm không thanh tịnh.
Nhẫn nhục với chúng sinh
Chúng sinh không chấp giữ
Đây là Nhẫn vô thượng
Nên ở trong pháp nêu.
Nếu tâm không chấp giữ
Cũng không có phân biệt
Đây là nhẫn vô thượng
Vì pháp không thủ đắc.
Nếu khi sinh mệt mỏi
Bồ Tát nên xa lìa
Là tinh tấn vô thượng
Theo tên gọi mà nêu.
Thân tâm luôn tinh tấn
Không nương vào các pháp
Đây là tinh tấn nhất
Vì các Bồ Tát nói.
Bồ Tát trong các pháp
Nếu không sinh mệt mỏi
Không dụng công, tinh tấn
Là tinh tấn vô thượng.
Nơi các pháp trong, ngoài
Tâm tánh không thủ đắc
Tâm ấy khéo điều hòa
Vì tâm không chấp giữ.
Duyên dựa cũng do tâm
Tự tánh không thật có
Không tâm Tam Ma Đề
Nên gọi là tam muội.
Thiện Thệ là ta nói
Tam ma bạt đề này
Nếu không lìa pháp ấy
Ta nói khéo điều phục.
Không dùng trí tuệ biết
Pháp có ít tự tánh
Tự tánh cùng với pháp
Cả hai hoàn toàn không.
Không chấp tất cả pháp
Cảnh giới của tâm thức
Không dùng trí biết pháp
Tự tánh rốt ráo không.
Nếu biết được như vậy
Là niệm lực Bồ Tát
Hành trong nghĩa đệ nhất
Phi cảnh giới thế gian.
Tất cả chúng không thật
Mà vì nói chánh pháp
Ở trong đại chúng kia
Không khởi tưởng chúng sinh.
Chúng sinh ấy như huyễn
Huyễn này thảy đều không
Khi nghe nói như vậy
Không sinh tưởng chướng ngại.
Hoặc các pháp ta, người
Cả hai đều là không
Nghe nói pháp như vậy
Không sinh tưởng chướng ngại
Hai pháp trong và ngoài
Nẻo hành của bậc trí
Tâm không có cao, thấp
Cùng tất cả thế gian.
Hết thảy pháp vô ngại
Như dấu giữa hư không
Tự tánh pháp cũng thế
Như dấu giữa hư không.
Bồ Tát biết như vậy
Gọi là khéo thông suốt
Hiểu rõ tất cả pháp
Biết nẻo hành chúng sinh.
Chúng sinh không nắm bắt
Cầu pháp cũng như thế
Trí biết rõ các cõi
Cõi ấy hoàn toàn không.
Ta nói nhập môn này
Hành nơi đạo vô thượng
Chứng đạo như vậy rồi
Rõ các hành chúng sinh.
Cõi nước và muôn loài
Cả hai đều không thật
Trí bậc nhất như vậy
Biết tất cả các pháp.
Ở các pháp trong ngoài
Trí tuệ không chỗ chấp
Xa lìa, không chấp pháp
Đó gọi là cõi thật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười Sáu - Phẩm Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Bảy - Phẩm Thái Tử Tu Xà đề
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đại Tế Tự - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đạo Thần Túc Vô Cức Biến Hóa - Phần Tám