Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Năm - Vô Thường - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Quán Vô Úy

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHÁP TẬP YẾU

Giảng giải: Tôn Giả Quán Vô Úy

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nhật Xứng, Đời Triệu Tống  

PHẨM NĂM

VÔ THƯỜNG  

TẬP BA  

Địa ngục hay ngạ quỷ

Súc sanh hoặc loài người

Kẻ giải đãi, dũng mãnh

Bị vô thường chế phục.

Chư Thiên ở Cõi Dục

Hoặc sống trong Cõi Sắc

Vì không có năng lực

Bị vô thường chế phục.

Chúng Trời Cõi Vô Sắc

Trụ Tam Ma Bát Đề

Đều không có năng lực

Bị vô thường chế phục.

Các pháp do duyên sinh

Nhất định bị tan hoại

Chưa thấy một pháp nào

Có khả năng thường trụ.

Tội lỗi của năm dục

Sức buông bỏ, đoạn trừ

Lìa các tham ái đó

Ra khỏi biển ba cõi.

Hữu tình hay vô tình

Chung cuộc đến chỗ diệt

Hiểu tướng thế gian ấy

Tâm nên thích tịch tĩnh.

Vườn rừng, các núi báu

Cung điện rất nguy nga

Kiếp tận lửa đốt sạch

Chư Thiên đều phải chết.

Ngu si tâm phóng dật

Cảnh giới nào thỏa mãn

Dây ái trói thật chặt

Từ đó bị đọa lạc.

Thọ mạng và dục lạc

Hãy lập tức bỏ đi

Kẻ đui mù không thấy

Lạc mất con đường chánh.

Tất cả các chúng sinh

Mạng sống như bọt nổi

Bị sóng dục ngã nghiêng

Sắc đẹp nào bền chắc!

Chúng Trời Cõi Đâu Suất

Lửa vô thường thiêu đốt

Dầu hết đèn không sáng

Mau chóng cũng như vậy.

Nghiệp quả như bánh xe

Mười hai chi như tăm

Đều làm nhân dắt dẫn

Sinh diệt cứ xoay tròn.

Bỏ khoái lạc Cõi Trời

Cảnh giới đẹp trang nghiêm

Lại phải chịu luân hồi

Bị hoại diệt hàng phục.

Vì bị diệt hàng phục

Nên thêm nhiều gốc khổ

Xoay vần trong ba cõi

Không thoát khỏi khổ đau.

Vị Trời này đọa lạc

Các Trời khác vui mừng

Vì thế sinh sân giận

Lưu chuyển mãi không ngừng.

Phước hết bị đọa lạc

Trôi nổi trong biển hữu

Dù nhân khổ, nhân vui

Tự chịu chẳng sai lầm.

Do xưa tu nghiệp thiện

Được sinh lên Cõi Trời

Tham vui bỏ nhân tịnh

Dần dần bị tiêu hết

Nhân tịnh không tăng trưởng

Phước đức nào lâu bền!

Tất cả là vô thường

Đều phải bị hư tán

Các sắc tướng hữu vi

Đều hư giả vô thường.

Chúng sinh tham vọng tưởng

Không thích nương chánh pháp

Chư Thiên đam mê lạc

Mau chóng như thác đổ.

Mạng sống trong giây lát

Ngu si không tỏ ngộ

Tự tạo nghiệp bất thiện

Mà phải bị già chết.

Chư Thiên hiểu sai lầm

Thường tìm cầu cảnh dục

Ba cõi có gì vui

Tất cả đều vô thường.

Bị ngu si che lấp

Không thể tìm dường thoát

Ví như trong hư không

Rơi những trận mưa lớn.

Thế mưa nhanh không ngừng

Khoái lạc cũng như vậy

Như gió thổi cát bụi

Tạm dừng ở hư không.

Hoặc nghiệp vừa hình thành

Không biết đọa chỗ nào?

Chúng sinh không thường còn

Khoái lạc cũng mau chóng.

Kẻ ngu không chánh tư

Khoái lạc đâu thể được

Ham thích nhiều dục lạc

Là nhân của luân hồi.

Nếu không khéo hiểu rõ

Sẽ bị chúng hủy hoại

Những khổ, vui như thế

Nương nhau mà tồn tại.

Giống như vòng hoa đẹp

Phủ che con rắn độc

Như thức ăn có độc

Ăn vào sẽ bị chết.

Kẻ tham mê dục lạc

Chìm đắm trong cõi ác

Tất cả tướng hữu vi

Nằm trong sinh, trụ, diệt.

Khoái lạc cũng như vậy

Vọng tâm sinh ưa thích

Do hư vọng sinh dục

Phúc chốc bị lưu luyến.

Khoái lạc và thọ mạng

Không bao lâu bị diệt

Người thích làm việc lành

Trước, sau, giữa không lười.

Vì tâm ý tịch tĩnh

Khi chết không lo sợ

Thân hình sẽ tiêu diệt

Ân ái cũng chia lìa.

Kẻ ngu không suy xét

Thường tham cảnh dục giới

Già chết như xe lăn

Mau chóng khó phòng giữ.

Chúng sinh không mất trí

Nên bị chúng cán nát

Chư Thiên khi đọa lạc

Căn thức đều hôn mê.

Bà con phải lìa bỏ

Chịu khổ không ai cứu

Hưởng thụ các dục lạc

Tham đắm, tâm không nhàn.

Nên đến lúc lâm chung

Phải chịu nhiều khổ não

Người tạo các nghiệp lành

Khỏi đọa trong đường ác.

Về sau khi lâm chung

Không có những lo sợ

Lúc chưa bị tan hoại

Đầy đủ các phước báo.

Tự được thiện lợi lớn

Là bậc an ổn nhất

Chư Thiên thì đọa lạc

Người đời là chết yểu.

Đã biết chúng vô thường

Sao còn tạo nghiệp ác?

Ví như dầu, tim hết

Biết đèn sẽ bị tắt.

Nếu phước nghiệp tiêu tan

Sẽ mất cung điện Trời

Như tường được tô vẽ

Tường hư, tranh còn sao?

Vui hết, phước suy vi

Nhất định phải đọa lạc

Chư Thiên mất cảnh đẹp

Vì tham đắm dục lạc.

Tất cả các hữu tình

Hãy ngộ pháp vô thường

Sống bị thần chết nuốt

Trẻ bị già lấn áp.

Tứ đại chợt tăng giảm

Sao tránh khỏi bệnh khổ?

Nếu sinh đã có nhiều

Diệt cũng không hạn lượng.

Diệt rồi lại sinh ra

Sinh sẽ phải già suy

Trong sát na, tích tắc

Lo sợ đã đến gần.

Thay đổi mãi không ngừng

Sao mọi người không biết?

Tất cả các chúng sinh

Tuổi trẻ mau thay đổi

Mạng sống bị vô thường

Sao mọi người không biết?

Cứ ngày ngày suy giảm

Phút chốc sẽ hoại diệt

Bị nghiệp lực dắt dẫn

Sao mọi người không biết?

Muôn ngàn ức Chư Thiên

Tự tại sống vui chơi

Còn phải bị đọa lạc

Sao mọi người không biết?

Chư Thiên sáu Cõi Dục

Tham đắm những hoan lạc

Do đó mà hoại diệt

Sao mọi người không biết?

Khoái lạc như mộng huyễn

Lại cũng như bọt bóng

Tạm có lại hoàn không

Sao mọi người không biết?

Lại như bóng, dợn nắng

Do vọng tưởng sinh khởi

Kẻ ngu bị luân hồi

Sao không sinh nhàm chán?

Thần chết thật đáng sợ

Không cách nào thoát khỏi

Nhà cửa cung điện Trời

Có gì tồn tại mãi!

Khoái lạc đều chấm dứt

Vô lượng khổ bức bách

Bà con sẽ chia lìa

Đó chính là thần chết.

Ngu si lấp chánh tuệ

Hướng đến nơi lo sợ

Biển khổ rất rộng sâu

Đó chính là thần chết.

Các căn đều yếu kém

Giây lát mạng sắp dứt

Bỏ hết danh tiếng tốt

Đó chính là thần chết.

Cảnh giới được thọ hưởng

Danh dự và lợi dưỡng

Do đây mà tiêu tán

Đó chính là thần chết.

Chân thật chắc chắn rằng

Cảnh giới và chúng sinh

Tất cả đều bị hoại

Đó chính là thần chết.

Chư Thiên, Long, Dạ Xoa

Và các loại quỷ thần

Đến lúc phải tiêu diệt

Đó chính là thần chết.

Như ngựa chứng vọt chạy

Như lửa dữ đốt thiêu

Tất cả không chịu được

Đó chính là thần chết.

Bỏ hết thọ, noãn, thức

Uẩn, xứ đều tan hoại

Pháp ấy bình đẳng nhất

Đó chính là thần chết.

Các loài hữu tình này

Thay đổi mãi không ngừng

Hãy bỏ tâm phóng dật

Siêng tu các nghiệp lành.

Như gió thổi, chim bay

Bản tánh rất nhanh lẹ

Thọ mạng của chúng sinh

Còn nhanh hơn chim, gió.

Thế gió có xoay tròn

Chim bay còn trở lại

Chúng sinh hết mạng sống

Mến tiếc cũng chẳng còn.

Hình sắc đều hư hoại

Phước nghiệp lại tiêu tan

Bị Vua Diêm Ma ấy

Dùng sức mạnh trói buộc.

Khổ chết thật hiểm ác

Hủy hoại các chúng sinh

Mau chóng không ngừng nghỉ

Sao không tự giác tri?

Chư Thiên vì buông lung

Tham lạc lại ngu si

Không biết khổ não lớn

Nhất định phải tự chịu.

Gọi các pháp hữu vi

Thể tánh không thường còn

Lo sợ sẽ sinh ra

Dần dần bị phá hoại.

Tuổi trẻ bị già suy

Thần chết nuốt mạng sống

Do trụ nhân hủy hoại

Nên sinh các tai ương.

Chư Thiên vì phóng dật

Tâm tham dục cuồng loạn

Lại không sinh lo sợ

Các nghiệp ác như thế.

Mắt tuệ thấy rất rõ

Các quả khổ vị lai

Người trí khéo suy xét

Kẻ ngu khởi đảo điên.

Do tâm tạo nghiệp ác

Tự lừa dối chính mình

Phước giảm, mạng chấm dứt

Như dầu hết, đèn tắt.

Hưởng thụ không nhàm chán

Những khoái lạc thượng diệu

Vườn rừng, cảnh giới đẹp

Do đó mà đọa lạc.

Thọ mạng chẳng bền chắc

Ví như bọt nước nổi

Đã có tức thành không

Kẻ ngu cũng như thế.

Như gió thổi bọt tụ

Chỉ dừng lại phút giây

Chư Thiên khi hết phước

Nháy mắt không thể ngừng.

Người tham đắm dục lạc

Bị tham dục sai khiến

Cứ thế mong cầu mãi

Chẳng biết chết gần kề.

Do trôi theo tham ái

Niệm niệm càng trưởng tăng

Nào biết thọ mạng mình

Dần dần bị tổn giảm!

Khỏe mạnh chợt khô gầy

Cũng giống như gậy đánh

Khinh an bệnh xâm lấn

Tổn hại cũng như thế.

Ba loại tội ác này

Phá hoại Thiên, Phi thiên

Phàm phu càng ngu muội

Thấy vậy chẳng lo sợ.

Nhìn mình, người, bà con

Như mũi dãi không bỏ

Do những si ái ấy

Nên trói buộc với nhau.

Nếu người tham dòng dõi

Con cháu kế thừa hoài

Như tằm tự trói mình

Rốt cuộc có được gì?

Mạng sống khó bảo tồn

Giặc chết có sức mạnh

Nhanh chóng không ngừng nghỉ

Tích tắc đã gần kề.

Chẳng phải Trời, Tu La

Người, Quỷ Thần, các loại

Chỉ trừ Phật, Thế Tôn

Không sức nào điều phục.

Biết rõ sức, không sức

Chỉ bày pháp chân thật

Không tạo nhân các tội

Vĩnh viễn lìa đường ác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần