Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Chín - Phẩm Thiền định Ba La Mật đa - Tập Ba
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA LÝ THÚ LỤC BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư
Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường
PHẨM CHÍN
PHẨM THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT ĐA
TẬP BA
Này Từ Thị! Sao gọi là Đại Bồ Tát tu hành thiền định mà đạt được túc trụ tùy niệm trí chứng thông?
Nghĩa là trụ vào Bất động địa, chứng pháp bình đẳng, hoàn toàn hiểu rõ thật tánh của các pháp, với trí tuệ thanh tịnh an trú vào Xa Ma Tha, Tỳ Bát Xá Na tương ưng chỉ và quán, không bao giờ quên mất bất cứ một việc gì.
Trí là người dẫn đầu làm cho ba nghiệp được thanh tịnh, được trang nghiêm bằng phước đức và trí tuệ, tự nhiên giác ngộ không nhờ thầy dạy bảo, có thể đạt đến bờ kia Niết Bàn an lạc. Với trí tuệ như vậy, Đại Bồ Tát nhớ tất cả đời trong quá khứ, từ một đời, hai đời, mười, hai mươi đến một kiếp, trăm ngàn vạn na do tha kiếp.
Trong cả số kiếp ấy, thành hay hoại Bồ Tát đều nhớ biết. Trong những số kiếp đó, Đại Bồ Tát đều nhớ biết rõ ràng hữu tình sinh trong nhà như vậy, cha mẹ như vậy, dòng họ như vậy, tên tuổi như vậy, tướng mạo như vậy, sức lực như vậy, tuổi thọ như vậy và tất cả khổ vui như vậy.
Nhớ biết tất cả hữu tình chết đây sinh kia, những loại chủng tộc của thân mình, thân người trong vô lượng đời. Tất cả căn lành cho đến khuyên bảo nhau, Bồ Tát nhớ nghĩ biết rõ và đem hồi hướng tất cả lên vô thượng bồ đề.
Lại quán thân sinh tử trong quá khứ là vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Biết vậy rồi, đối với các sắc tướng, thọ mạng dài ngắn, phú quý quyền lực, Bồ Tát đều không sinh ngã mạn, không mong cầu quả báo Đế Thích, Phạm Thiên, Hộ Thế Tứ Thiên Vương, Trời, Người, chỉ đem đại bi làm lợi lạc cho hữu tình, tùy theo nguyện lực mà thọ sinh.
Lại biết những nghiệp ác đã tạo trong vô số kiếp quá khứ nên rất hối hận, trong đời này thà bỏ thân mạng cũng không dám tạo ác nghiệp nữa. Bồ Tát đem tất cả nghiệp lành đã tạo trong vô lượng đời hồi hướng lên vô thượng bồ đề, bố thí khắp cho tất cả hữu tình trong pháp giới mà không cầu quả báo tối thượng trong thế gian, kế thừa Tam Bảo cho đến tận cùng vị lai không bao giờ dứt bỏ, không bao giờ dừng nghỉ.
Từ Thị nên biết! Đây gọi là Đại Bồ Tát tu hành thiền định mà đạt được túc trụ trí thông thanh tịnh.
Này Từ Thị! Sao gọi là Đại Bồ Tát tu hành thiền định Ba la mật đa đạt được thần cảnh trí thông làm lợi lạc vô cùng?
Nghĩa là Bồ Tát trụ trong địa vị Bất động địa chứng được chân tịch tĩnh, trừ khử đi tất cả lo khổ, tâm tư hỷ lạc, hít vào thở ra… không sinh không diệt, trụ vào chân pháp giới, có thể hiện đủ thần thông biến hóa. Hoặc làm thân như đống lửa, phóng ánh sáng lớn khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới. Hoặc trên thân phun nước chảy như mưa lớn, rờ tới mặt trời, mặt trăng… oai quang tự tại.
Hoặc hiện thân lớn đến Trời Phạm Thiên, hoặc hiện thân nhỏ như hạt cải, hoặc chấn động đại địa như sóng biển, hoặc một thân mà hiện nhiều thân, hoặc nhiều thân mà hiện thành một thân, hoặc ẩn hoặc hiện nói vô lượng pháp.
Hoặc vào sâu trong núi đá, hoặc vượt xuyên qua hoặc lên hoặc xuống như điện dẫn ánh sáng, qua lại tự tại, đi ngồi trên không giống như chim bay lượn, hoặc lặn xuống đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất, ẩn hiện tự do không bị chướng ngại.
Những thần lực như vậy đều vì làm lợi lạc cho tất cả hữu tình.
Lại đem lòng đại bi Phổ môn mà thị hiện vô số thân: Hoặc hiện thân Phật, thân Bồ Tát, thân Thanh Văn, thân Độc Giác, Đế Thích, Phạm Thiên… và nhiều loại thân khác tùy theo căn tánh, tùy theo dục lạc của từng loài, từng cõi mà hiện thân. Hoặc các hữu tình ỷ mình có thế lực mà cống cao, tùy theo chỗ thích ứng của họ mà Bồ Tát hiện thân nói pháp để điều phục họ.
Hoặc làm Đế Thích, Phạm Thiên, Hộ Thế Tứ Thiên Vương, Đại Lực Sĩ Na La Diên… vì muốn chiến thắng họ nên bưng núi Diệu Cao quăng bỏ nơi vô lượng Thế Giới khác, giống như ném trái xoài về lại chỗ cũ, mà các Trời, Người không biết mình có tướng qua lại và thần lực của Bồ Tát cũng không bị giảm tổn.
Lại trong tam thiên đại thiên Thế Giới, trên đến Cõi Trời Sắc Cứu Cánh, dưới đến Thủy Cung, Bồ Tát dùng tay phải nắm Thế Giới này trải qua một kiếp, dù đi, đứng, nằm, ngồi cũng không bị chướng ngại. Sau đó để lại chỗ cũ, nhưng các hữu tình thuộc loài thủy tộc không bị tổn hại, tất cả đều không biết mình có tướng qua lại. Bồ Tát thị hiện có thần thông tự tại như vậy khiến cho các hữu tình có tâm kiêu mạn đều được điều phục để nghe pháp.
Bồ Tát dùng sức thần thông, tùy theo ý muốn của mình mà được tự tại, giống như bảo châu như ý, cầu gì được nấy, hoặc biến biển lớn thành dấu chân trâu, hoặc biến dấu chân trâu thành biển lớn, hoặc hiện hỏa tai lên đến Sơ Thiền, hoặc hiện thủy tai lên đến Nhị Thiền.
Hoặc hiện phong tai lên đến Tam Thiền, hoặc biến nước thành lửa, biến lửa thành nước. Dùng đủ mọi cách thượng, trung, hạ tùy ý biến hóa đều được tự tại, không ai có thể chuyển động được. Ngoài Phật Thế Tôn, không ai có thể phá hoại.
Bồ Tát dùng thần thông biến hóa rộng lớn này, tùy theo căn duyên của chúng sinh mà nói pháp rộng hay hẹp để các chúng sinh được giải thoát. Thần lực tự tại của Bồ Tát như vậy, với tất cả Thiên Ma và phiền não ma không thể làm chướng ngại được.
Do đó, Bồ Tát vượt qua Thiên Ma và phiền não ma, đi vào cảnh giới Phật. Sau đó tùy theo căn duyên của hữu tình mà cứu vớt họ được giải thoát, không bao giờ gián đoạn, không thể nào động chuyển.
Từ Thị nên biết! Đây gọi là Đại Bồ Tát tu tập thiền định mà đạt được Thần cảnh trí thông biến hóa tự tại.
Năm thần thông trên chỉ gọi là thiền định chứ không được gọi là Ba la mật đa.
Từ Thị! Các vị Bồ Tát đã đạt được năm thần thông này rồi nên tinh tấn tu tập thiền định Ba la mật đa với vô thượng bồ đề, chứng đắc quả vị không thoái chuyển. Ví như người nghèo mới bắt đầu đào kho báu, chưa thấy gì lạ nên vẫn biếng nhác.
Càng đào sâu xuống không dừng nghỉ thì dần dần thấy chút ít tướng lạ, lúc đó mạnh mẽ tinh tấn không thôi, do không dừng nghỉ nên được kho báu. Đại Bồ Tát cũng vậy, chưa chứng vô thượng bồ đề thì ngày đêm hãy tinh tấn siêng năng tu tập thiền định không dừng nghỉ, cho đến khi chứng đắc vô thượng bồ đề.
Này Từ Thị! Nếu tất cả hữu tình phát tâm thiền định như vậy thì chẳng khó nhưng theo đó tu tập không bao giờ biếng nhác cho đến khi nào thành tựu, đó mới là khó. Ví như quân nước mạnh xâm lăng chiếm lấy nước khác thì không khó, nhưng chiếm lấy được rồi canh giữ cho cẩn thận, đó mới là khó.
Tà sư ngoại đạo tu định cũng vậy, không gần gũi bạn lành, không nghe chánh pháp, cầu tà giải thoát để đạt được định Vô Sắc mà nói là chứng Niết Bàn. Khi qua đời, bọn người này đọa vào địa ngục. Như người ngu si nuôi rắn độc, thường cho uống sữa bò.
Vì sao?
Vì tất cả thầy thuốc ở đời đều nói sữa bò trừ độc. Rắn uống sữa bò thì khí độc càng phát triển, người ngu si ấy nói là chất độc của rắn đã tiêu hết rồi nên tiếp xúc và dạy bảo, bị nó cắn chết. Tất cả chúng sinh cũng vậy, ngày đêm nuôi dưỡng thân độc này, vì cầu an ổn khoái lạc cho nên luôn cung cấp thức ăn uống vô độ. Khi vô thường ập đến, độc ma chết phát sinh, làm mất hết các pháp lành rồi đi vào ba đường khổ.
Này Từ Thị! thiền định mà Thanh Văn, Độc Giác đạt được chỉ đoạn trừ phiền não chướng, không có lòng đại bi, chỉ nhập vào Niết Bàn thì chẳng phải là chân thiền định.
Còn phàm phu hữu tình vì thân, khẩu, ý nghiệp luôn bị tám vạn bốn ngàn phiền não trói buộc nên không được tự tại. Ví như có người luôn cúng dường cho kẻ thù La Sát, ác quỷ để từ từ điều phục nó. Nhưng phiền não oan gia La Sát, ác quỷ thì không như vậy, được cung cấp sắc hương làm cho phiền não ngày càng phừng phực, khó điều phục được.
Như vậy làm sao tu tập thiền định để giải thoát?
Nếu không thiền định thì làm sao có trí tuệ?
Không chánh trí thì cũng không có mười điều thiện, sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Do đó Đại Bồ Tát nên tu phạm hạnh bốn tâm vô lượng, khởi lòng từ hóa đạo vô duyên bao trùm khắp cả pháp giới.
Vì sao vậy?
Vì lòng từ bi của Bồ Tát không có giới hạn, không thể nghĩ bàn, không có bờ bến, vì hữu tình khắp cả mười phương Thế Giới nên lòng từ bi của Bồ Tát cũng rộng lớn như vậy. Ví như hư không không có giới hạn, lòng từ bi của Bồ Tát cũng vậy. Do đó nên biết, hữu tình vô tận, lòng từ bi của Bồ Tát cũng vô tận. Chân không vô tận, lòng từ bi cũng vô tận. Thế nên lòng từ bi của Bồ Tát chân thật không cùng tận.
Bồ Tát Từ Thị bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đối với hữu tình, Bồ Tát có lòng từ bi rộng lớn như vậy, nếu có gì để thí dụ tuyên nói, con xin Ngài hãy dạy bảo cho chúng con.
Đức Thế Tôn dạy: Này thiện nam! Không thể lấy một việc nhỏ nào để thí dụ nói hết được.
Từ Thị nên biết! Ví như phương Đông có hằng hà sa Thế Giới, phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc, trên dưới cũng nhiều như vậy. Hằng hà sa Thế Giới như vậy trong mười phương hợp lại thành một biển nước đầy.
Các Thế Giới nhiều như cát sông Hằng trong mười phương đều có khắp đầy hữu tình. Mỗi hữu tình lần lượt cầm một sợi lông nhúng nước biển ấy rồi nhỏ qua nơi khác, cho đến đủ một kiếp. Như vậy, nước biển dù có khô cạn nhưng các hữu tình kia vẫn không cùng tận.
Này thiện nam! Hữu tình khắp cả mười phương Thế Giới nhiều như cát sông Hằng trong mười phương như vậy, Bồ Tát đều có lòng từ bi rộng lớn với mỗi hữu tình ấy.
Này thiện nam! Ý ông thế nào?
Lòng từ bi ấy có giới hạn không?
Bồ Tát Từ Thị thưa: Bạch Thế Tôn! Giả sử hư không, còn có thể lường được, nhưng lòng từ bi này không thể cùng tận.
Đức Phật dạy: Nếu Đại Bồ Tát nghe lòng từ bi ấy không có giới hạn mà không kinh nghi, sợ sệt, nên biết rằng vị ấy cũng có lòng từ bi vô tận như vậy. Tâm từ bi ấy có thể giữ gìn cho mình và người, diệt trừ tất cả điều ác, kiện tụng, tranh cãi, có thể ngăn ngừa tội lỗi cho hữu tình để ba nghiệp điều phục thường được an lạc, lìa xa các oán thù.
Người nào nhiều sân hận thì khiến cho họ nhẫn nhục, từ bi, chấm dứt các khổ chinh chiến, binh đao… cứu hộ tất cả hữu tình xa lìa các sự lừa gạt để tiếng tốt đồn xa, được Đế Thích, Phạm Thiên, Tứ Thiên Vương cung kính cúng dường, lấy chuỗi anh lạc từ tâm trang nghiêm thân.
Vị ấy làm người đi đầu hướng dẫn đường giải thoát cho hữu tình để ai có tâm nhị thừa quay về với đại thừa, tích lũy chứa nhóm tất cả tư lương bồ đề, không chịu làm nô lệ phước báo thế gian, luôn lấy tướng tốt để trang nghiêm thân, các căn đều đầy đủ, trọn vẹn, xả bỏ tám nạn, được sinh lên Trời, thực hành tám chánh đạo để đến bờ kia Niết Bàn.
Bồ Tát tu từ bi không tham đắm năm dục, đem tâm bình đẳng đối với các hữu tình. Khi hành hạnh bố thí, tâm không phân biệt, giữ giới thanh tịnh, cứu giúp người phạm giới, chỉ rõ năng lực nhẫn nhục để họ không còn sân hận, tu hành tinh tấn.
Đều thuận theo chánh pháp, trụ trong chánh định, đem lòng từ bi cứu vớt chúng sinh, được trí tuệ rộng lớn, ra khỏi thế gian. Lúc đó phiền não và bồ đề không còn hai tướng, đem lòng đại từ lưu xuất từ tự tánh mà chiến thắng quân ma, làm an lạc cho tất cả hữu tình, đời này đời sau không từ bỏ họ.
Trong lúc đi. Đứng, nằm, ngồi luôn luôn tu tập hành trì, diệt trừ ngã mạn, xa rời phóng dật. Người có lòng từ bi mặc áo tàm quý, xoa hương thơm giới thanh tịnh, đoạn trừ tập khí phiền não ở thế gian, làm lợi ích và đem an vui cho tất cả hữu tình. Lòng từ bi của Thanh Văn chỉ cầu lợi cho riêng mình, còn lòng từ bi của Bồ Tát cứu hộ cho tất cả chúng sinh.
Này Từ Thị! Từ có ba loại:
1. Chúng sinh duyên từ.
2. Pháp duyên từ.
3. Vô duyên từ.
Thế nào là chúng sinh duyên từ?
Nghĩa là mới phát tâm, quán khắp hữu tình sinh lòng đại bi.
Thế nào pháp duyên từ?
Nghĩa là khi tu hành quán tất cả pháp, gọi là pháp duyên từ.
Thế nào là vô duyên từ?
Nghĩa là chứng đắc vô sinh pháp nhẫn, không có hai tướng.
Từ Thị nên biết! Đây là tâm đại bi của Đại Bồ Tát trú trong chân pháp giới.
Đức Phật dạy Từ Thị: Đại Bồ Tát tu hành thiền định Ba la mật cần phải tu tập đại bi vô lượng, vì đại bi là pháp dẫn đầu của các nghiệp lành. Ví như đối với mạng căn thì hơi thở ra vào là trên hết. Trong bảy báu của Luân vương thì bánh xe báu là trên hết. Trong vạn hạnh đại thừa thì đại bi là trên hết. Như trưởng giả có một đứa con, cha mẹ yêu thương thấu tận xương tủy, đại bi của Bồ Tát cũng vậy, yêu thương các hữu tình như con một.
Sao gọi là đại bi?
Đại gọi là Ma hạ. Ma gọi là ngã. Ngã đem đại bi làm lợi lạc cho hữu tình nên gọi là đại bi.
Hạ gọi là tánh, tự tánh đại bi có thể cứu vớt hữu tình, vì không do người khác dạy bảo nên gọi là đại bi.
Lại gọi là Sa phạ, Sa phạ là thuộc về phần của ta. Ta phải cứu hộ tất cả hữu tình nên gọi là đại bi. Ca là phòng hộ, không để cho người khác làm hại nên gọi là đại bi. Đại bi có thể làm phương tiện để hoàn thành tất cả pháp trợ bồ đề. Đại bi có thể tự giác ngộ, không nhờ thầy dạy mà trí tự nhiên phát. đại bi có thể diệt tâm lo buồn, tùy thuận mà làm lợi ích cho chúng sinh.
Này Từ Thị! Tâm đại bi này có năm mươi loại:
1. Không dua nịnh.
2. Thân, khẩu, tương ứng.
3. Không hư dối.
4. Luôn luôn chân thật.
5. Không thoái lui.
6. Liễu ngộ bản giác.
7. Không dối trá.
8. Tự tánh thanh tịnh.
9. Hành dụng ngay thẳng.
10. Trú nơi chánh tánh.
11. Cầu thân Phật.
12. Cầu tuổi thọ Phật.
13. Không tạo tất cả lỗi lầm.
14. Bảo vệ hữu tình.
15. Độ hữu tình không có hạn lượng.
16. Đồng với hư không.
17. Không từ bỏ chúng sinh nghèo khổ.
18. Nhổ bỏ các khổ.
19. Tự tánh bất động, gánh vác tất cả.
20. Hành hạnh thanh tịnh, không lừa gạt mình và người.
21. Có thể làm tự lợi bằng các thiện nghiệp.
22. Làm cho tất cả chúng sinh được an vui.
23. Không mệt mỏi.
24. Trừ bỏ gánh nặng, khai mở thắng nghĩa.
25. Kiên trì thực hành bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn.
26. Nhẫn nhục khi bị người hạ liệt khinh mạn mình.
27. Không ôm thù hận xưa.
28. Làm thầy thuốc vô thượng.
29. Dùng trí đại thừa giáo hóa những thừa dưới bình đẳng không hai.
30. Khéo giấu đức của mình, khen ngợi điều tốt của người.
31. Có thể sánh bằng với chân pháp lạc vô lậu.
32. Có thể xả bỏ những gì yêu thích mà không tiếc rẻ.
33. Vì hữu tình, không hối hận.
34. Khéo giữ gìn giới thanh tịnh, luôn cứu hộ người hủy phạm cấm giới.
35. Chịu khổ để hữu tình được an vui.
36. Làm hữu tình thành thục, trụ vào Pháp Thân.
37. Xả bỏ các bộ phận trong thân thể mà không tiếc thân mạng.
38. Thích tu công đức, không cầu quả báo.
39. Có thể điều phục hữu tình để tu tập thiền định.
40. Hiểu rõ ba cõi là không, không đắm trước.
41. Tích lũy căn lành, xa lìa điều bất thiện.
42. Làm toại nguyện tất cả chúng sinh.
43. Không bỏ nguyện xưa, trụ trong vô vi.
44. Bỏ pháp hữu vi.
45. Hữu tình xan tham thì dạy họ hành xả.
46. Có thể làm cho hữu tình sống trong giới luật nhà Phật.
47. Hữu tình đa sân, khiến họ nhẫn nhục.
48. Hữu tình giải đãi, khiến họ tinh tấn.
49. Hữu tình tán loạn, khiến họ thiền định.
50. Hữu tình ngu si, khiến họ có trí tuệ.
Phật dạy Từ Thị: Như vậy đại bi làm cho tất cả căn lành của mình và người được thành tựu. Đó là đại bi vô lượng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Lực - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Mười - Chuyển Công đức Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Chín - Phẩm đẳng Pháp - Phần Ba
Phật Thuyết Muôn Pháp Hội Trổ Một Hoa Vô Tướng - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bản Sự