Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Hai Mươi Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH LỤC TẬP ĐỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN HAI MƯƠI SÁU  

Thuở xưa, Bồ Tát tu hạnh Sa Môn, thường ở nơi núi rừng, lòng từ thương xót nghĩ tới chúng sinh bị luân chuyển trong ba cõi chịu khổ lâu dài mãi, lấy gì để cứu độ họ?

Đang tĩnh tâm suy nghĩ, tìm ra nguồn đạo lớn để cứu vớt họ, thì trong áo lại có rận làm thân ngứa ngáy, lòng bực bội, chí đạo không định. Bèn lấy tay lần tìm, bắt được con rận, lòng thương xót, muốn tìm cách làm cho nó yên sông, vừa thấy có xương thú, nên đem nó đặt vào đấy.

Con rận được ăn bảy ngày, hết rồi bỏ đi nơi khác, cuộc sinh tử đắp đổi lại qua... còn Bồ Tát thì tu thành Phật, lui tới khắp chốn giáo hóa. Một hôm Trời đổ tuyết nhiều lấp hết đường đi lại.

Trong nước có một người nhà giàu thỉnh Phật cùng vài ngàn Tỳ Kheo về nhà cúng dường, trong bảy ngày, hết lòng cung kính cả gia đình đều thế. Bảy ngày qua rồi mà tuyết vẫn chưa tạnh ráo, Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan báo tin cho các Tỳ Kheo lui về tinh xá.

Tôn Giả A Nan thưa: Chủ nhân vẫn cung kính, lòng chưa biểu hiện điều thiếu sót, lơ là. Hơn nữa, ngoài Trời tuyết nhiều chưa dứt, không có nơi đi khất thực được.

Đức Thế Tôn nói: Ý chủ nhân đã hết, không còn cúng dường nữa!

Rồi Đức Phật dẫn các Sa Môn trở về tinh xá. Sáng hôm sau, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan đến nhà người chủ đó khất thực. Tôn Giả A Nan vâng lời dạy, đi đến nhà người chủ kia. Người nhà ra nhìn thấy mà không hỏi han gì cả.

Chờ đợi một lúc, Tôn Giả A Nan trở về quỳ xuống cúi đầu thưa trình hết sự việc, lại hỏi nguyên do về lòng dạ bất thường của người chủ kia, sao lại thay đổi chóng vậy?

Đức Phật liền vì Tôn Giả mà nói đầy đủ về chuyện quá khứ như trên.

Đức Phật lai bảo: Này A Nan, ta đem lòng từ, cứu giúp cái mạng nhỏ nhoi của con rận, cho nó nắm xương mục ăn được bảy ngày, nên nay được nhận sự cúng dường các món ăn ngon nhất đời. Kiếp trước ta làm ân, ân đó tương đương với bảy ngày cúng dường, vì đã đủ nên ý người ấy ngưng lại, không cúng dường như trước nữa.

Huống chi đem lòng từ hướng về Đức Phật cùng chúng Sa Môn, những người hạnh cao, trì giới thanh tịnh, vô dục, nội tâm đoan chánh, ngoại hiện từ hóa. Cung kính cúng dường một vị hạnh cao đó thì phước báo vượt xa sự tận tình bố thí cho người thường trải qua nhiều kiếp.

Sở dĩ như thế nên các Tỳ Kheo phải luôn nhớ giữ. Kinh Phật có giới, có định, có huệ, có giải thoát và giải thoát tri kiến. Các vị ấy đã dùng năm đức đó thương xót chúng sinh, khiến họ xa lìa cái họa muôn khổ trong ba cõi.

Tôn Giả A Nan nói: Lý gia ấy may mắn thay!

Đích thân được thương nuôi cúng dường Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác, Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư cùng các vị Sa Môn, hoặc đã chứng các bậc Câu Cảng, Tần Lai, Bất Hoàn, Ứng chân Tu Đà Hoàn, Tu Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán hoặc có vị là bậc Khai Sĩ, mở lòng từ rộng lớn dẫn đường cho chúng sinh, phước ấy khó lường, chẳng khác gì biển cả, phước ấy khó sánh, chẳng khác gì đất.

Đức Phật nói: Hay thay! Này A Nan, thật đúng như Tôn Giả đã nói. Khó gặp Phật ra đời, đạo pháp khó được nghe, Tỳ Kheo Tăng khó được cúng dường, như hoa Ưu Đàm chỉ một lần nở.

Đức Phật nói như vậy, các vị Tỳ Kheo đều hoan hỷ cúi đầu vâng làm.

Bồ Tát từ bi thi ân, tu hạnh độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần