Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Chín - Phẩm Thiền định Ba La Mật đa - Tập Một
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA LÝ THÚ LỤC BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư
Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường
PHẨM CHÍN
PHẨM THIỀN ĐỊNH BA LA MẬT ĐA
TẬP MỘT
Lúc ấy, Đức Thế Tôn ngồi Tòa Sư Tử Vương, được trang sức bằng các loại châu báu ma ni, có vô lượng vô số chúng Đại Bồ Tát vây quanh.
Các vị Bồ Tát ấy hiện thân Trời thì có chúng Trời vây quanh, hiện thân rồng thì có chúng rồng vây quanh, cho đến hiện thân phi nhân thì có chúng phi nhân vây quanh, hiện thân Bồ Tát thì có chúng Bồ Tát vây quanh, ánh sáng rực rỡ chiếu khắp cả đại hội không một chỗ nào mà không có.
Đại Bồ Tát Từ Thị đứng dậy, trịch áo bày vai phải, quỳ gối chắp tay cung kính thưa: Bạch Đại Thánh Thế Tôn! Thế Tôn đã đem đại từ, đại bi làm lợi ích an lạc cho chúng Bồ Tát nên đã nói tinh tấn Ba la mật đa.
Cúi xin Ngài rủ lòng thương xót tuyên nói thiền định Ba la mật đa để các hữu tình phát sinh hạnh đại thừa, phải tư duy thế nào và tu tập như thế nào để thiền định Ba la mật được viên mãn?
Chúng con rất muốn được nghe, cúi xin Ngài hãy tuyên nói.
Đức Thế Tôn dạy Đại Bồ Tát Từ Thị: Lành thay, lành thay! Này thiện nam! Nay ông hỏi về nghĩa thâm sâu như vậy là để làm an lạc lợi ích cho tất cả chúng sinh. Ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ, ta sẽ vì ông mà phân biệt giải nói.
Thiện nam, thiện nữ nào phát tâm vô thượng bồ đề thì nên suy nghĩ thật kỹ như vậy: Phật đạo rất thâm sâu, không ai có thể đạt đến được, chỉ có một pháp làm lợi cho hữu tình, đó là chánh định. Bồ Tát nào chưa đạt được định này thì tâm chưa được thanh tịnh bất động, chưa thấy sinh tử và Niết Bàn không có hai tướng.
Do nghĩa này, nên độ chúng sinh dùng phương tiện khéo léo và tinh tấn tu tập tương ứng với thiền định vô tướng chánh trí, giống như hư không thanh tịnh, không dơ cấu, thường trụ bất biến.
Lại quán định này giống như trăng rằm, tất cả vọng tưởng như mây nổi, chánh định này như gió mát xua tan tất cả mây che trên hư không, làm xán lạn thanh tịnh, ánh sáng chiếu rực rỡ khắp cả mọi nơi, tất cả hữu tình nhìn thấy đều vui mừng.
Ánh sáng của trăng rằm trang nghiêm, đem đến mát mẻ, vui thích cho chúng sinh. Gió mát thiền định xua tan mây vọng tưởng che tánh không, để cho trăng rằm chánh định xuất hiện ở thế gian. Ánh sáng đại bi có thể diệt trừ các phiền não nóng bức cho hữu tình để được thanh tịnh Niết Bàn an lạc.
Đức Thế Tôn nói kệ:
Thiền định sinh trí tuệ
Trí tuệ lại sinh định
Quả Phật đại bồ đề
Định tuệ là căn bản.
Cúng dường, đọc tụng, trì
Thí, giới và nhẫn nhục
Chánh trí thấy không hai
Không hai sao thể đắc.
Thiền định là bạn thân
Không bao giờ rời nhau
Các pháp trong thế gian
Chết rồi đều rời bỏ.
Đời sau không bạn lành
Cha mẹ không cứu được
Huống gì quyến thuộc khác
Chỉ thiền định cứu được.
Khi xả bỏ thân này
Như quăng bỏ đất, gỗ
Thân thuộc đều rời xa
Chỉ thiền định đi bên.
Thân này là vô thường
Tán loạn tạo nghiệp ác
Nếu không tu thiền định
Chết đọa ba đường ác.
Như người làm việc nhà
Xong việc liền đi nghỉ
Như trâu lúc dẫm lúa
Bị đánh vẫn cứ nhai
Như mù về nhà cũ
Đã quen không lạc đường
Ai thích tu chánh định
Phải về nhà không tịch.
Tâm chúng sinh vọng khởi
Mắt nhặm thấy không hoa
Chỉ định tuệ chữa hết
Chư Phật nói như vậy:
Tâm chúng sinh tháo động
Như vòng lửa xoay tròn
Nếu muốn nó dừng lại
Chỉ phải tu thiền định.
Nếu ở trong một niệm
Tu thiền, tâm bất động
Như người gặp giặc cướp
Khó bảo toàn thân mạng.
Bỏ định, tu nghiệp khác
Chỉ được quả báo lớn
Như thuốc pha chất độc
Người trí không nên uống.
Tài sản như bụi dơ
Sắc đẹp sẽ trôi nhanh
Không siêng năng tu định
Khó mở cửa cam lồ.
Như củi bị lửa đốt
Già trẻ bị bức bách
Ngu si không tu thiền
Bị ái dục làm hại.
Bị vô thường tiêu diệt
Đều do tham năm dục
Bỏ thiền định không tu
Làm sao được thường trú.
Như người nấu ít gạo
Tiếc củi đốt chiên đàn
Bỏ định không chịu tu
Tán loạn cũng như vậy.
Người ngu ham ngủ nghỉ
Luân hồi biển sinh tử
Như trâu thích đuôi mình
Tham tiếc mất thân mạng.
Khi Luân Vương qua đời
Bảy báu đều phân tán
Đại Thần và hậu phi
Không người nào đi theo,
Chỉ có tu thiền định
Theo bên mình không rời
Người có trí tu hành
Ắt đến bờ Niết Bàn.
Này Từ Thị! Đại Bồ Tát muốn tu tập thiền định Ba la mật đa, trước tiên phải gần gũi đại thiện tri thức, lánh xa bạn ác. Những điều ác và tiếng xấu ở đời đều do bạn ác gây ra. Các điều lành và tiếng khen phước đức đều nhờ bạn lành mà có. Nương vào bạn lành giữ gìn giới thanh tịnh để trang nghiêm pháp thân.
Người phá giới như rang lúa giống, làm cho tất cả pháp lành không sao mọc được, huống gì tăng trưởng định sâu vô lậu. Biết vậy rồi nên nhất tâm giữ gìn giới thanh tịnh, cho đến một tội nhỏ cũng phải lo sợ. Thà tan thân nát thịt cũng không phá hủy giới cấm, như trong phần Giới Ba la mật đa đã phân biệt rõ ràng.
Đại Bồ Tát muốn tu thiền định Ba la mật đa nên lìa bỏ tất cả mưu sinh buôn bán, trồng trọt.
Vì sao?
Vì nếu không lìa bỏ thì chính nó làm rối loạn tâm trí ta, lúc đó ta làm sao an trụ trong thiền định thâm sâu được. Do đó, Đại Bồ Tát trong bốn oai nghi luôn khéo nhiếp tâm diệt trừ vọng tưởng, nếu có nghe tiếng ồn cũng không loạn động.
Ví như bắt rắn độc bỏ vào trong ống trúc thì thân nó tự thẳng ra, Bồ Tát cũng vậy, vọng tưởng uốn cong nếu bỏ trong thiền định thì sẽ được chánh kiến chân chánh, không trụ vào sinh tử, không nhập vào Niết Bàn, lìa xa các tà vạy. Nếu khéo nhiếp sáu căn như vậy, không để cho nó buông lung thì mắt tuy thấy sắc nhưng không nắm lấy tướng, an trụ trong thiền định giải thoát.
Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng đều như vậy, luôn dùng chánh trí quán sát và tư duy. Những căn lành do ba nghiệp tạo ra đều vì tự lợi và lợi tha, vì lợi ích cho hiện tại và vị lai. Nếu không có những việc lợi ích như vậy thì Bồ Tát quán sát nhất định không làm.
Như ở thế gian dựng tượng đá, thân, miệng, ý nghiệp bất động cũng vậy, nếu bị người sân mắng chửi nên sinh lòng từ bi, hoặc bị xâm đoạt lợi dưỡng thì không nên tức giận, bị đánh mắng thì nên bỏ đi, tìm chỗ thanh vắng không có hoạn nạn, ngồi kiết già giữ chánh niệm và quán sát, lấy tâm đại bi làm nhà cửa, lấy trí tuệ làm trống, lấy giác ngộ làm dùi đánh.
Nói với các phiền não rằng: Này các giặc phiền não nên biết rằng, các người do vọng tưởng mà sinh ra, nhà Pháp Thân của ta để làm việc thiện, đó chẳng phải là việc làm của các người. Các người hãy mau cút khỏi, nếu không ta sẽ lấy mạng đó. Nói như vậy rồi thì các phiền não liền tự thoái lui và tan biến.
Tiếp đến, tự thân phải đề phòng, canh giữ một cách khéo léo, không để buông lung, lấy chân ngôn đại bi làm cho sở cầu các hữu tình được toại nguyện, lấy tuệ phương tiện làm đại tướng, dùng bốn niệm xứ để thủ hộ, đem tâm vương bản giác trụ trong cung điện thiền định Đệ nhất nghĩa, an ổn bất động như Kim Cang, lấy kiếm trí tuệ chặt đứt giặc phiền não, phá quân sinh tử, chiến thắng quân ma, gánh vác tất cả để chúng sinh được giải thoát.
Khi ấy, Bồ Tát nói với tâm của mình rằng: Khi xưa ngươi đã phát thệ nguyện rồi, bây giờ phải cố gắng để nó viên mãn. Như Lai quá khứ đã thọ ký cho ngươi sẽ chứng bồ đề, độ khắp tất cả.
Lúc đó, đứng trước Chư Phật mười phương, Hiền Thánh trong ba thừa, ngươi đã thệ nguyện cứu vớt tất cả chúng sinh trong năm đường được giải thoát. Nay hữu tình không có chỗ dựa, không nơi nương cậy, không người cứu giúp, không chỗ quay về, nếu ngươi nhập Niết Bàn, bỏ sinh tử thì trái với lời nguyện xưa.
Ở thế gian, nhà Nho hành trung tín không nói hai lời, huống gì xưa kia ngươi đã nguyện rồi mà nay không y theo đó để làm. Ngươi hãy giữ chánh niệm, nhất tâm bất động để cứu vớt hữu tình ra khỏi ngục sinh tử, đặt an ổn nơi Vô thượng đại Bát Niết Bàn.
Suy nghĩ như vậy rồi, trụ vào thiền định thâm sâu của đại thừa. Đó là Đại Bồ Tát tu tập thiền định Ba la mật đa.
Đức Phật dạy Từ Thị:
Có mười sáu loại thiền định Ba la mật đa mà tất cả Thanh Văn, Độc Giác không thể biết được:
1. Thông suốt sinh tử mà không bị sinh tử là thiền định của Bồ Tát an trụ trong thiền thanh tịnh của Như Lai.
2. Không tham đắm mùi vị của thiền định, là thiền định của Bồ Tát không trụ vào các định loạn tướng.
3. Có lòng đại bi, là thiền định của Bồ Tát diệt trừ những chướng nạn của hữu tình.
4. Làm tăng trưởng chánh định là thiền định của Bồ Tát vì thấy rõ ba cõi mà không như ba cõi.
5. Thành tựu thần thông là thiền định của Bồ Tát hiểu rõ các tâm hành của hữu tình.
6. Khéo điều phục tâm là thiền định của Bồ Tát không trụ vào pháp điều phục hay không điều phục.
7. Nương vào trí vô tướng mà được giải thoát thanh tịnh, vượt các thiền định khác, đó là thiền định của Bồ Tát đối với Sắc giới và Vô Sắc Giới đều được tự tại.
8. Tịch tĩnh, tối tịch tĩnh là thiền định của Bồ Tát thù thắng hơn các thiền định của Thanh Văn, Độc Giác.
9. Không ai có thể làm nhiễu loạn được là thiền định của Bồtát hiểu rõ tâm thanh tịnh vốn không lay động.
10. Đối trị với sự phá hủy giới cấm là thiền định của Bồ Tát trừ những tập khí phiền não của chúng sinh.
11. Vào cửa trí tuệ là thiền định của Bồ Tát thông đạt hoàn toàn thế gian như huyễn mộng.
12. Biết tâm chúng sinh là thiền định của Bồ Tát hiểu rõ các hữu tình vốn tánh không.
13. Kế thừa Tam Bảo là thiền định của Bồ Tát thấy Như Lai xuất hiện ở thế gian.
14. Được pháp tự tại là thiền định của Bồ Tát hiểu rõ tất cả pháp đều là Phật Pháp.
15. Thường trụ không hoại là thiền định của Bồ Tát thị hiện khắp nơi, luôn luôn tịch tĩnh.
16. Chiếu khắp tất cả là thiền định của Bồ Tát thấy pháp giới bình đẳng.
Từ Thị nên biết! Đó là mười sáu loại thiền định Ba la mật đa của Đại Bồ Tát mà Thanh Văn, Độc Giác không thể có. Đối với chánh định thù thắng này, Đại Bồ Tát nên phát khởi như vậy. Như người cần lửa, lấy cây làm mồi, tay cầm hai thanh gỗ luôn làm cho cọ xát mãi mới phát lửa, nếu cứ dừng nghỉ thì khó được lửa.
Đại Bồ Tát cũng vậy, tìm lửa chủng trí thì lấy định làm mồi, tay nhẫn nhục kiên trì siêng năng không dừng nghỉ mới có thể sinh lửa nhất thiết trí. Lửa ấy sinh rồi sẽ thiêu đốt củi phiền não, khi ấy lấy nước bố thí tắm rửa cho sạch sẽ, lấy hương thơm trì giới xoa thân thể, ngồi tòa đại bi, nhận ngôi vị Pháp Vương, mưa pháp vũ lớn để làm lợi lạc hữu tình, đạt đến Đại Niết Bàn an lạc giải thoát.
Này Từ Thị! Tâm các Đại Bồ Tát chưa thuần thục nên trong chánh định bị lay động, giống như ngựa dữ khó điều phục. Nên biết người đó đã thoái lui, làm mất thiền định, cho nên trong bốn oai nghi luôn ở trong chánh định thù thắng ấy, không buông bỏ một thời gian ngắn nào.
Bồ Tát có ba loại tâm:
1. Biếng nhác.
2. Tinh tấn.
3. Không biếng nhác, không tinh tấn.
Biết vậy rồi, Bồ Tát khéo điều phục tâm và càng tinh tấn để trừ giải đãi biếng nhác, tham ngủ và duyên sự mưu sinh gian nan ở đời. Nếu lìa bỏ siêng năng, biếng nhác đó thì tâm chánh trực, tròn đầy vắng lặng giống như người đi xa, mau quá thì sẽ mệt, còn chậm quá thì không đến.
Trung dung giữa sự nhanh và chậm thì tuần tự sẽ tới nơi. Đại Bồ Tát cũng vậy, nên lấy trung đạo để an định tâm mình, giả như thân bị lửa đốt cũng an trú bất động, trụ trong chánh định mà không đắm trước mùi vị của định. Dùng sức đại trí thường trụ trong tịch tĩnh, cứu vớt chúng sinh ra khỏi biển sinh tử để được giải thoát.
Phải dùng mười sáu món định ấn ký riêng vào tâm, nếu trong một sát na có chút động niệm nào, nên dùng móc câu chánh trí để quán sát, kềm chế dừng lại, trụ trong tinh tấn không dừng nghỉ mà tu hành thiền định Ba la mật đa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết đương Lai Biến Kinh
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Năm - Phẩm Súc Sinh - Tập Chín
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Sáu - Phẩm đại - Kinh ưu Ba Ly
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đoạn - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Bi Phân đà Lợi - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Bố Thí Thân Mạng
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Một - Phẩm Sa Môn - Tập Hai