Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Du Hành - Phần Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TRƯỜNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

KINH DU HÀNH  

PHẦN BỐN  

Ta nhớ xưa kia, ta từng qua lại trong chúng Sát Lỵ, cùng họ nói năng, ngồi đứng, chẳng biết đã bao nhiêu lần. Nhờ sức thiền định tinh tấn mà nơi nào ta hiện đến, hễ họ có sắc đẹp thì sắc ta đẹp hơn.

Họ có tiếng hay thì tiếng ta hay hơn. Họ từ giã ta mà đi, nhưng ta không từ giã họ. Điều họ nói được, ta cũng nói được.

Điều họ không thể nói được, ta cũng nói được. Ta thường thuyết pháp cho họ, chỉ bày, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ, rồi biến mất khỏi nơi đó, mà họ không biết ta là Trời hay là người.

Như thế cho đến, ta từng qua lại trong chúng Phạm Thiên không biết là bao nhiêu lần để Thuyết Pháp cho họ, mà họ cũng đều chẳng biết ta là ai.

A Nan bạch Phật: Thế Tôn, thật là kỳ diệu, chưa từng có, mới có thể thành tựu được như thế.

Phật nói: Pháp vi diệu chưa từng có như vậy, này A Nan, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu, duy chỉ Như Lai mới thành tựu được.

Phật lại bảo A Nan: Như Lai có thể biết rõ sự sanh khởi, tồn tại và biến mất của thọ. Biết rõ sự sanh khởi, tồn tại và biến mất của tưởng, sự sanh khởi, tồn tại và biến mất của quán. Đó mới thật là pháp kỳ diệu chưa từng có của Như Lai, ngươi nên ghi nhớ.

Bấy giờ Ðức Thế Tôn lại bảo A Nan cùng đi đến Hương Tháp, rồi tới một gốc cây trải tọa ngồi và bảo A Nan nhóm hết các Tỳ Kheo hiện có mặt chung quanh Hương Tháp lại giảng đường.

A Nan vâng lời Phật dạy, tập họp tất cả, rồi bạch Phật: Đại chúng đã tụ tập. Cúi xin Đức Thánh biết thời. Thế Tôn bèn đi đến giảng đường, ngồi trên chỗ dọn sẵn.

Rồi Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Các ngươi nên biết, ta do những pháp sau đây mà tự thân tác chứng, thành Tối Chánh Giác. Đó là bốn niệm xứ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, bốn thiền định, năm căn, năm lực, bảy giác ý và tám Thánh đạo. Các ngươi hãy nên cùng nhau tu tập ở trong pháp đó, cùng nhau hòa đồng kính thuận, chớ sinh tranh tụng.

Cùng đồng một thầy học hãy cùng đồng hòa hợp như nước với sữa. Ở trong pháp ta, hãy tinh cần tu học, cùng soi sáng cho nhau, cùng nhau hoan hỷ.

Này các Tỳ Kheo, các ngươi nên biết, ta từ các pháp này mà tự mình chứng ngộ, rồi công bố ra nơi đây. Tức là, Khế Kinh, Kỳ dạ Kinh, Thọ ký Kinh, Kệ Kinh, Pháp Cú Kinh, Tương Ưng Kinh, Bản Duyên Kinh, Thiên Bản Kinh, Quảng Kinh, Vị Tằng Hữu Kinh, Chứng Dụ Kinh, Đại Giáo Kinh.

Các ngươi hãy ghi nhớ kỹ, tùy khả năng mà phân tích, tùy sự mà tu hành.

Vì sao vậy?

Như Lai không bao lâu nữa, sau ba tháng nữa, sẽ vào Niết Bàn.

Các Tỳ Kheo sau khi nghe lời ấy, rất đỗi kinh ngạc, sửng sốt hoang mang, vật mình xuống đất, cất tiếng kêu than: Nhanh chóng làm sao, Thế Tôn diệt độ. Đau đớn làm sao, con mắt của thế gian sắp tắt. Chúng ta từ nay mãi mãi mất mát.

Hoặc có Tỳ Kheo vật vã buồn khóc, lăn lộn kêu ca, không tự kềm chế được, khác nào như rắn bị đứt làm hai khúc, lăn lộn ngắc ngoải, không biết đi về đâu.

Phật bảo: Này các Tỳ Kheo, các ngươi chớ ôm lòng ưu bi như vậy. Từ Trời Đất đến người vật, không có cái gì sanh ra mà không kết thúc. Muốn các pháp hữu vi không bị biến dịch, thì không thể nào được.

Trước đây ta đã từng dạy ân ái là vô thường, có hội hợp tất có chia ly. Thân này không phải của mình, mạng này không ở lâu được.

Bấy giờ Thế Tôn nói bài kệ:

Ta nay tự tại

Đến chỗ an ổn,

Nói rõ nghĩa này

Cho chúng hòa hợp.

Ta nay già rồi,

Việc làm đã xong,

Nay nên xả thọ.

Niệm không buông lung,

Tỳ Kheo giới đủ.

Thâu nhiếp định ý,

Thủ hộ tâm mình.

Ở trong pháp ta,

Ai không buông lung,

Sẽ dứt gốc khổ,

Khỏi sanh già chết.

Phật lại bảo các Tỳ Kheo: Ta nay sở dĩ khuyên dạy các ông như thế, vì Thiên Ma Ba Tuần, vừa rồi đến thỉnh cầu ta, nói: Ý Phật chưa muốn vào Niết Bàn sớm. Nay đã phải thời rồi, xin Ngài mau diệt độ.

Ta bảo Ma Ba Tuần: Hãy thôi! Hãy thôi! Ta tự biết thời.

Ta còn đợi Chúng Tỳ Kheo của ta hội đủ. Cho đến, khiến cho Chư Thiên và loài người thảy đều thấy được sự thần diệu.

Bấy giờ Ma Ba Tuần lại nói với ta rằng: Thuở xưa, ở Uất Bệ La, bên dòng sông Ni Liên Thuyền, dưới gốc cây A Du Ba Ni Câu luật, Phật khi mới thành Chánh Giác, tôi đã thưa Ngài rằng: Ý Phật không muốn Niết Bàn sớm. Nay thật là đúng lúc. Ngài hãy nhanh chóng nhập Niết Bàn.

Khi ấy Như Lai trả lời tôi rằng: Hãy thôi đi, này Ba Tuần. ta tự biết thời.

Như Lai nay chưa nhập Niết Bàn, vì còn đợi đệ tử ta tụ hội đông đủ v.v... cho đến, Chư Thiên và loài người thấy được sự thần thông biến hóa, khi ấy ta mới nhập Niết Bàn.

Nay đây, đệ tử của Như Lai đã hội đủ, cho đến, Chư Thiên và loài người đều thấy được sự thần thông biến hóa.

Nay chính là lúc, sao Ngài không nhập Niết Bàn?

Ta nói: Hãy thôi đi, này Ba Tuần. Phật tự biết thời. ta không trụ thế bao lâu nữa. Sau ba tháng nữa, ta sẽ diệt độ. Lúc ấy Ma Ba Tuần nghĩ rằng Phật tất không nói dối, bèn vui mừng phấn khởi, hốt nhiên biến mất. Ma đi chưa bao lâu, ở nơi Tháp Giá Bà La, bằng định ý Tam Muội Tam Muội, ta xả thọ hành.

Ngay lúc đó, Đại Địa chấn động. Trời người thảy đều kinh sợ, lông tóc dựng ngược.

Phật phóng ánh sáng rọi suốt vô cùng, nơi chỗ tối tăm cũng được soi sáng, thảy đều trông thấy nhau.

Bấy giờ ta nói kệ tụng rằng:

Trong hai hành hữu vô,

Ta nay xả hữu vi.

Nội chuyên tam muội định

Như chim ra khỏi trứng.

Bấy giờ, Hiền Giả A Nan đứng dậy, trịch áo bày vai hữu, quỳ gối phải sát đất, chắp tay bạch Phật: Cúi mong Ðức Thế Tôn, lưu trú một kiếp, chớ vội diệt độ, vì lòng thương tưởng chúng sanh, để làm ích lợi cho Trời, người.

Ðức Thế Tôn yên lặng không đáp. A Nan thưa thỉnh đến ba lần.

Phật bảo: A Nan! Ngươi có tin đạo Chánh Giác của Như Lai không?

A Nan đáp: Thưa vâng, con tin chắc thật lời Phật nói.

Phật nói: Nếu ngươi có tin, sao ba lần quấy rầy ta?

Ngươi đã trực tiếp nghe từ Phật, trực tiếp lãnh thọ từ Phật rằng, những ai đã tu tập bốn thần túc, tu tập nhiều lần, chuyên niệm không quên, thì có thể tùy ý muốn mà kéo dài tuổi thọ trong một kiếp hoặc một kiếp hơn.

Phật đã tu tập bốn thần túc, tu tập nhiều lần, chuyên niệm không quên, tùy theo ý muốn có thể sống hơn một kiếp, để trừ sự tối tăm cho đời, làm lợi ích nhiều người, cho Trời và người được an lạc.

Tại sao lúc đó ngươi không thỉnh cầu Như Lai chớ diệt độ?

Nghe lần thứ hai, còn khả thứ. Cho đến lần thứ ba, ngươi cũng không khuyến thỉnh Như Lai sống thêm một kiếp hoặc một kiếp hơn, để trừ tối tăm cho đời, đem lại lợi ích an lạc cho hàng Thiên Nhân.

Nay ngươi mới nói, há chẳng muộn lắm ư?

Ta ba lần hiện tướng, ngươi ba lần im lặng.

Sao lúc ấy ngươi không nói với ta rằng Như Lai hãy sống thêm một kiếp hoặc một kiếp hơn, để trừ sự tối tăm cho đời, vì lợi ích cho nhiều người, để cho Trời người được an lạc?

Hãy thôi, A Nan, nay ta đã xả tuổi thọ, đã bỏ, đã nhổ rồi. Muốn Như Lai trái với lời đã nói ra, thì không bao giờ có trường hợp đó.

Ví như một người hào quý đã nhổ đồ ăn xuống đất, họ còn lấy ăn trở lại được không?

A Nan đáp: Không.

Nay Như Lai cũng vậy, đã bỏ, đã nhổ rồi đâu còn tự mình ăn lại nữa.

Phật lại bảo A Nan cùng đi đến thôn Am Bà La. A Nan xếp y ôm bát, cùng với đại chúng đi theo Thế Tôn, do theo đường từ Bạt Kỳ đến Am Bà La.

Khi đến thôn Am Bà La, tới một đồi cây, Phật dạy các Tỳ Kheo về giới, định, tuệ.

Tu giới đắc định, được quả báo lớn.

Tu định đắc trí, được quả báo lớn.

Tu trí tâm tịnh, được giải thoát hoàn toàn, dứt hết ba thứ lậu hoặc là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.

Sau khi đã giải thoát liền phát sanh trí về sự giải thoát, sanh tử dứt hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn phải tái sinh nữa.

Bấy giờ, sau khi tùy nghi an trú ở thôn Am Bà La, Ðức Thế Tôn lại bảo A Nan: Hãy sửa soạn để đi thôn Chiêm Bà, thôn Kiền Đồ, thôn Bà Lê Bà và thành Phụ Di.

A Nan đáp: Thưa vâng!

Rồi xếp y ôm bát, cùng đại chúng theo hầu Thế Tôn, theo con đường từ Bạt Kỳ đi lần đến các thành khác, đến phía Bắc thành Phụ Di, nghỉ lại trong rừng Thi Xá Bà.

Phật nói với các Tỳ Kheo: Ta sẽ nói cho các ngươi nghe Bốn đại giáo pháp. Hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ.

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Kính vâng, bạch Thế Tôn! Chúng con muốn nghe.

Phật nói: Bốn pháp ấy là gì?

Nếu có vị Tỳ Kheo nào nói như vậy: Này Chư Hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân theo Phật được nghe, được lãnh thọ giáo pháp này. Nghe như vậy thì các ngươi cũng không nên vội tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo Kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn.

Nếu thấy lời nói ấy không đúng Kinh, không đúng luật, không đúng pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: Phật không nói như thế, ngươi đã nhớ lầm chăng?

Bởi vì chúng tôi nương Kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói trái với chánh pháp. Vậy này Hiền Sĩ, ngươi chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ nó đi.

Trái lại nếu xét thấy lời kia đúng Kinh, đúng luật, đúng pháp thì hãy nói với người kia rằng: Lời ngươi vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi nương Kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói phù hợp với chánh pháp.

Vậy Hiền Sĩ. Hãy cẩn thận thọ trì và rộng nói cho người nghe, chớ có từ bỏ. Đó là đại pháp thứ nhất.

Lại nữa, nếu có Tỳ Kheo nào nói như vậy: Này Chư Hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân nghe từ Chúng Tăng hòa hợp với các vị kỳ cựu đa văn, được lãnh thọ pháp này, luật này, giáo này.

Nghe như vậy thì các ngươi cũng không nên vội tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo Kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn.

Nếu thấy lời nói ấy không đúng Kinh, không đúng luật, không đúng pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: Phật không nói như thế, ngươi đã nghe, nhớ lầm chăng?

Bởi vì chúng tôi nương Kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói trái với chánh pháp. Vậy này Hiền Sĩ, ngươi chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ nó đi.

Trái lại nếu xét thấy lời kia đúng Kinh, đúng luật, đúng pháp thì hãy nói với người kia rằng: Lời ngươi vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi nương Kinh, nương luật, nương pháp.

Mà lời ngươi vừa nói phù hợp với chánh pháp.

Vậy Hiền Sĩ. Hãy cẩn thận thọ trì và rộng nói cho người nghe, chớ có từ bỏ. Đó là đại pháp thứ hai.

Lại nữa, nếu có Tỳ Kheo nào đến nói như vậy: Này Chư Hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân nghe từ nhiều vị Tỳ Kheo, là những người trì pháp, trì luật, trì luật nghi, được lãnh thọ pháp này, luật này, giáo này. Nghe như vậy thì các ngươi cũng không nên tin, cũng không nên bài bác.

Hãy nương theo Kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn.

Nếu thấy lời nói ấy không đúng Kinh, không đúng luật, không đúng pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: Phật không nói như thế, ngươi đã nghe, nhớ lầm chăng?

Bởi vì chúng tôi nương Kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói trái với chánh pháp. Vậy này Hiền Sĩ, ngươi chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ nó đi.

Trái lại nếu xét thấy lời kia đúng Kinh, đúng luật, đúng pháp thì hãy nói với người kia rằng: Lời ngươi vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi nương Kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói phù hợp với chánh pháp. Vậy Hiền Sĩ. Hãy cẩn thận thọ trì và rộng nói cho người nghe, chớ có từ bỏ. Đó là đại pháp thứ ba.

Lại nữa, nếu có Tỳ Kheo nào đến nói như vậy: Này Chư Hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân từ một vị Tỳ Kheo kia, là người trì pháp, trì luật, trì luật nghi, được lãnh thọ giáo pháp này. Nghe như vậy thì các ngươi cũng không tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo Kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn.

Nếu thấy lời nói ấy không đúng Kinh, không đúng luật, không đúng pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: Phật không nói như thế, ngươi đã nhớ lầm chăng?

Bởi vì chúng tôi nương Kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói trái với chánh pháp. Vậy này Hiền Sĩ, ngươi chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ nó đi.

Trái lại nếu xét thấy lời kia đúng Kinh, đúng luật, đúng pháp thì hãy nói với người kia rằng: Lời ngươi vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi nương Kinh, nương luật, nương pháp. Mà lời ngươi vừa nói phù hợp với chánh pháp.

Vậy Hiền Sĩ. Hãy cẩn thận thọ trì và rộng nói cho người nghe, chớ có từ bỏ. Đó là đại pháp thứ tư.

Bấy giờ, Ðức Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở thành Phụ Di lại bảo A Nan cùng đi đến thành Ba Bà.

A Nan đáp: Kính vâng, rồi xếp y ôm bát, với đại chúng đi theo Thế Tôn, theo con đường Mạt La đi vườn Xà Đầu, thành Ba Bà. Nơi đây có con trai của một người thợ tên là Châu Na nghe Phật từ Mạt La kia đến thành này, liền y phục chỉnh tề tìm đến chỗ Phật, đầu mặt lễ chân Phật, rồi ngồi lại một bên.

Phật theo thứ lớp Thuyết Pháp cho Châu Na, chỉ bày, giáo huấn, khiến cho lợi ích hoan hỷ.

Châu Na sau khi nghe phát tín tâm hoan hỷ, bèn thỉnh Phật ngày mai đến nhà cúng dường.

Phật làm thinh nhận lời. Châu Na biết Phật đã nhận lời, liền đứng dậy lễ Phật, rồi lui về.

Ngay đêm đó ông sửa soạn thức ăn. Ngày mai, vào thời gian thích hợp, ông trở lại thỉnh Phật.

Bấy giờ, Thế Tôn khoác y cầm bát cùng với đại chúng tùy tùng đến nhà ông, ngồi lên chỗ ngồi dọn sẵn. Sau khi Phật và đại chúng đã an tọa, Châu Na đem món ăn dâng Phật và Chúng Tăng.

Ông lại nấu riêng một thứ nấm Chiên Đàn là thức ăn trân quý kỳ lạ ít thấy, đem dâng riêng cho Phật. Phật bảo Châu Na chớ đem thứ nấm ấy cho Chúng Tăng ăn. Châu Na vâng lời, không dám dọn cho Chúng Tăng.

Lúc bấy giờ, trong đại chúng Tỳ Kheo có một Tỳ Kheo già, xuất gia lúc tuổi xế chiều, ngay trên mâm ăn, dùng đồ đựng dư để lấy.

Châu Na, sau khi thấy Chúng Tăng thọ trai xong, cất bình bát và dùng nước rửa xong, liền đến trước Phật mà hỏi bằng bài kệ rằng:

Xin hỏi Đại Thánh Trí,

Đấng Chánh Giác Chí Tôn:

Đời có mấy Sa Môn,

Khéo huấn luyện điều phục?

Phật đáp bằng bài kệ:

Theo như ngươi vừa hỏi,

Có bốn hạng Sa Môn,

Chí hướng không đồng nhau,

Ngươi hãy nhận thức rõ:

Một, hành đạo thù thắng,

Hai, khéo giảng đạo nghĩa,

Ba, y đạo sinh sống,

Bốn, làm ô uế đạo.

Sao gọi đạo thù thắng?

Sao khéo nói đạo nghĩa?

Sao y đạo sinh hoạt?

Sao làm đạo ô uế?

Bẻ gai nhọn ân ái,

Quyết chắc vào Niết Bàn,

Vượt khỏi đường Thiên Nhân,

Là hành đạo thù thắng.

Khéo hiểu đệ nhất nghĩa

Giảng đạo không cấu uế,

Nhân từ giải nghi ngờ,

Là hạng khéo thuyết đạo.

Khéo trình bày pháp cú

Nương đạo mà nuôi sống,

Xa mong cõi vô cấu,

Là hạng sống y đạo.

Trong ôm lòng gian tà,

Ngoài như tuồng thanh bạch.

Hư dối không thành thật,

Là hạng làm nhơ đạo.

Sao gọi gồm thiện ác,

Tịnh, bất tịnh xen lẫn.

Mặt ngoài hiện tốt đẹp,

Như chất đồng mạ vàng,

Người tục thấy liền bảo:

Đó là Thánh đệ tử,

Các vị khác không bằng,

Ta chớ bỏ lòng tin.

Người gìn giữ đại chúng,

Trong trược giả ngoài thanh.

Che giấu điều gian tà,

Kỳ thật lòng phóng đãng.

Chớ trông dáng bề ngoài,

Đã vội đến thân kính.

Che giấu điều gian tà,

Kỳ thật lòng phóng đãng.

Rồi Châu Na lấy một cái giường nhỏ đặt ngồi trước Phật. Phật lần lượt thuyết pháp, chỉ bày, khuyến khích, khiến cho lợi ích, hoan hỷ. Sau đó, với đại chúng theo hầu, Phật trở về.

Vừa đến giữa đường, Phật dừng lại dưới một gốc cây và bảo A Nan: Ta đau lưng, ngươi hãy trải chỗ ngồi. A Nan đáp vâng, rồi trải chỗ ngồi. Phật nghỉ ngơi. Bấy giờ, A Nan lại trải một chỗ ngồi thấp hơn và ngồi trước Phật.

Phật hỏi A Nan: Vừa rồi ông thấy Châu Na có ý gì hối hận không?

Nếu có hối hận là tự đâu?

A Nan đáp: Châu Na vừa cúng dường Phật như vậy không được phúc lợi gì cả.

Vì sao?

Tại vì sau khi Đức Như Lai thọ trai ở nhà ông thì Ngài vào Niết Bàn.

Phật nói: A Nan chớ nói như vậy, chớ nói như vậy.

Hiện nay Châu Na được nhiều lợi lớn, được sống lâu, được sắc đẹp, được sức lực, được tiếng tốt, được nhiều tài lợi, chết được lên Trời, cầu điều gì đều được.

Tại sao vậy?

Vì người cúng dường cho Phật lúc mới thành đạo với người cúng dường cho Phật lúc sắp Niết Bàn, công đức hai bên ngang nhau không khác.

Ngươi hãy đến nói với Châu Na rằng: Tôi trực tiếp nghe từ Phật, trực tiếp lãnh thọ từ Phật, rằng Châu Na nhờ công đức cúng dường Phật mà được lợi lớn, quả báo lớn.

A Nan vâng lời, đi đến chỗ Châu Na, nói rằng: Tôi trực tiếp nghe từ Phật, trực tiếp lãnh thọ từ Phật, rằng ông Châu Na nhờ công đức cúng dường Phật mà được lợi lớn, quả báo lớn.

Tại sao vậy?

Vì người cúng dường Phật lúc mới thành đạo với người cúng dường Phật lúc sắp Niết Bàn, công đức hai bên ngang nhau không khác.

Thọ trai nhà Châu Na,

Mới nghe lời nói này:

Bệnh Như Lai thêm nặng,

Thọ mạng đã sắp tàn,

Tuy ăn nấm Chiên Đàn,

Mà bệnh vẫn càng tăng.

Ôm bệnh mà lên đường,

Lần đến thành Câu Thi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường