Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Mười - Phẩm Bát Nhã Ba La Mật đa - Tập Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA LÝ THÚ LỤC BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường  

PHẨM MƯỜI

PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA  

TẬP NĂM  

Lại nữa, Đại Bồ Tát biết rõ khổ thọ vốn là không, không có tự tánh, chánh trí năng quán cũng không, đó gọi là trí khổ trong khổ. Quán tập là do duyên khởi theo duyên huyễn hóa mà có, chánh trí năng quán cũng đều không, đó gọi là trí tập trong tập.

Biết tham ái nên diệt trừ, bản tánh vốn không, chánh trí hiện tiền, thanh tịnh bình đẳng, đó gọi là trí diệt trong diệt. Biết rõ con đường thoát khổ không thể đắc, dùng chánh trí quán sát tự tánh đều không, đó gọi là trí đạo trong đạo. Dùng chánh trí như vậy thì xa lìa các phân biệt, đó gọi là trí thiện xảo về đế của Đại Bồ Tát.

Lại biết sự sinh ra khổ, thể nó vô sinh, gọi là chân trí trong khổ. Biết sinh tập, khởi tập không hòa hợp, gọi là chân trí trong tập. Biết sự sinh vốn không nên không có diệt, gọi là chân trí trong diệt. Biết con đường thoát khổ, lìa hữu lìa vô, gọi là chân trí trong đạo. Đại Bồ Tát như thật liễu tri như vậy gọi là thiện xảo về đế.

Lại có thiện xảo về đế, nghĩa là ba đế: Thế tục đế, thắng nghĩa đế.

Thật tướng đế: Thế tục đế là tất cả ngôn ngữ văn tự và sự thấy nghe hay biết của thế gian.

Thắng nghĩa đế là diệt hết sự hoạt động của tâm, không còn văn tự, xa lìa tất cả thấy nghe hay biết.

Thật tướng đế, tất cả tướng là vô tướng, vô tướng ấy là thật tướng.

Với thế tục, Đại Bồ Tát không bị ô nhiễm, quán sát chân bình đẳng không trú vào một tướng nào cả. Đó gọi là trí thiện xảo về đế của Đại Bồ Tát.

Lại có hai đế là Thế Đế và Chân Đế. Thế Đế là đối với tất cả pháp sắc, tâm… thấy như thật, biết như thật. Chân Đế là lý nhị không, thanh tịnh y nhiên, hoàn toàn tịch diệt, giáo hóa không biết chán, biết rõ mà không nắm bắt, không có pháp nào có thể đắc. Đó gọi là trí thiện xảo về đế của Đại Bồ Tát.

Lại có một đế, đó là pháp giới chân như thanh tịnh, không sinh không diệt, không thường, không đoạn, xa lìa hai bên an lạc cứu cánh. Với sinh hay vô sinh, tâm không hai tướng. Đó gọi là trí thiện xảo về đế của Đại Bồ Tát.

Thế nào là thiện xảo về duyên khởi?

Nghĩa là Đại Bồ Tát quán duyên khởi lưu chuyển không gián đoạn: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên già, bệnh, chết, lo buồn khổ não.

Bồ Tát dùng chánh trí như thật liễu tri về duyên khởi không có tánh, không sinh không diệt, tánh pháp hiện tiền không có tâm, không tạo tác, không chủ tể, không lệ thuộc. Đó gọi là trí thiện xảo về duyên khởi của Đại Bồ Tát.

Lại có nhân thiện, nhân ác, nhân động, nhân bất động, nhân sinh tử, nhân Niết Bàn. Tất cả nhân như vậy đều biết như thật. Tất cả chúng sinh lợi căn hoặc độn căn, những căn tánh như vậy, nhân như vậy, duyên như vậy, quả báo như vậy, gốc ngọn như vậy, đều biết như thật. Theo nhân duyên sinh đó mà khéo tu tập không để hao mất, đó gọi là trí thiện xảo về duyên khởi của Đại Bồ Tát.

Lại nữa, khi vọng tưởng diệt thì vô minh diệt, vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão tử, sầu khổ, ưu bi diệt.

Đại Bồ Tát dùng chánh trí tuệ biết rõ duyên khởi không sinh không diệt, không chủ, không lệ thuộc, cho nên gọi là trí thiện xảo về duyên khởi của Đại Bồ Tát.

Này Từ Thị! Tất cả nhân duyên đều là giả hợp, không có tự tánh, không phải do ta, người, chúng sinh hay thọ mạng mà được sinh trưởng. Vì các hữu tình mà nói pháp như vậy, vô lượng, vô biên không cùng tận, biết rõ như thật gọi là trí thiện xảo về duyên khởi của Đại Bồ Tát.

Đại Bồ Tát liễu tri tất cả pháp duyên sinh không sinh không diệt là tướng vô tận, tướng vô tận này tức là tướng bồ đề. Đó gọi là trí thiện xảo về duyên khởi của Đại Bồ Tát.

Sao gọi là thiện xảo về ba đời?

Nghĩa là nhớ biết tất cả pháp lành ở quá khứ mà như thật tu hành, luôn xa lìa pháp bất thiện. Biết như thật rồi hồi hướng cho tất cả hữu tình. Đây gọi là trí thiện xảo về quá khứ của Đại Bồ Tát.

Lại nhớ biết tất cả tư lương căn lành bồ đề ở vị lai rồi đều hồi hướng về trí nhất thiết trí. Đây gọi là trí thiện xảo về vị lai của Đại Bồ Tát.

Tất cả chánh niệm tương ưng với pháp lành, không sinh tà niệm tương ưng với pháp bất thiện. Đây gọi là trí thiện xảo về hiện tại của Đại Bồ Tát.

Lại quá khứ tất cả đều không, hiện tại, vị lai cũng đều không. Ba đời bình đẳng trụ vào đệ nhất nghĩa, là chân thật giải thoát.

Lại quán phước đức và trí tuệ của tất cả Chư Phật trong ba đời: Quá khứ, hiện tại và vị lai mà sinh tâm tùy hỷ. Đây gọi là trí thiện xảo về ba đời của Đại Bồ Tát.

Quán quá khứ đã diệt, vị lai chưa sinh, hiện tại không dừng, đem thắng hạnh tu học về thiện pháp trong ba đời hồi hướng lên vô thượng bồ đề. Hiện tại pháp lành trong một sát na cũng không dừng, mà luôn phát tâm bồ đề. Đây gọi là trí thiện xảo về ba đời của Đại Bồ Tát.

Quá khứ đã diệt, vị lai chưa sinh, hiện tại không dừng. Mỗi niệm, mỗi niệm sinh diệt như vậy không ngừng, tâm luôn giác tỉnh. Đây gọi là trí thiện xảo về ba đời của Đại Bồ Tát.

Bồ Tát có thần thông tự tại chẳng nghĩ bàn, có thể nhớ biết tất cả căn lành đã gieo trồng trong quá khứ, các pháp lành đã tu trong hiện tại và sẽ nguyện tâm giác ngộ ở vị lai được viên mãn, tất cả đều nguyện hồi hướng lên vô thượng bồ đề. Đây gọi là trí thiện xảo về ba đời của Đại Bồ Tát.

Vì muốn các hữu tình được thành thục mà nhớ lại tất cả căn lành đời quá khứ của tất cả hữu tình, tùy theo căn cơ của từng chúng sinh đó mà được thành tựu y theo lời nguyện. Tất cả hữu tình cúng dường Chư Phật vị lai cũng tùy theo căn cơ của mỗi người sẽ được thành tựu.

Tất cả hữu tình đời hiện tại, Đại Bồ Tát dùng thần thông thuyết pháp giáo hóa đủ cách, tùy thuận theo căn cơ của mỗi người mà thành tựu. Làm lợi ích cho mình và người trong ba đời như vậy tròn đầy diệu hạnh bồ đề thù thắng. Đây gọi là trí thiện xảo về ba đời của Đại Bồ Tát.

Thế nào gọi là thiện xảo ba thừa?

Nghĩa là nương vào ba thừa mà cầu pháp xuất ly.

Thế nào là trí thiện xảo về Thanh Văn thừa của Đại Bồ Tát?

Nghĩa là gặp Phật ra đời, được nghe pháp Tứ đế. Nhờ nghe mà ngộ lý, sinh chánh kiến, cho nên gọi là Thanh Văn.

Do giữ giới thanh tịnh nên viên mãn giới thân, đạt được thiền định nên viên mãn định thân. Vì thấy chân lý chắc thật nên được thân trí tuệ giải thoát, giải thoát tri kiến. Đây gọi là trí thiện xảo về Thanh Văn của Đại Bồ Tát. Thiện xảo về Thanh Văn thừa nghĩa là sinh tưởng nhàm chán đối với ba cõi, quán thật kỹ về pháp hữu vi là vô thường, thấy tất cả pháp đều vô ngã, vui thích hoan hỷ Niết Bàn tịch tĩnh.

Lại quán năm uẩn như giặc thù, quán các giới như rắn độc, quán mười hai xứ như làng bỏ không. Luôn nguyện cầu pháp xuất ly, ưa thích Niết Bàn và nghĩ tưởng nương tựa vào Niết Bàn. Đây gọi trí thiện xảo về Thanh Văn thừa của Đại Bồ Tát.

Thế nào gọi là trí thiện xảo về Độc Giác thừa của Đại Bồ Tát?

Nghĩa là nhàm chán hữu vi, thích pháp xuất ly, ít ham muốn, biết đủ, tránh xa các hý ác luận, thích ở nơi yên tịnh, tự nhiên giác ngộ các nhân duyên, thấy các pháp vô thường, nhờ đó mà được giải thoát. Đây gọi là trí thiện xảo về Độc Giác thừa của Đại Bồ Tát.

Thế nào là trí thiện xảo về pháp đại thừa của Đại Bồ Tát?

Nghĩa là công đức của đại thừa vô lượng, vô biên, làm cho hữu tình đều ngộ nhập vào tối thượng thừa mà không bị chướng ngại, không sinh không diệt, đạt được đại trí tuệ, tích lũy tất cả phước đức căn lành, là chỗ tất cả hữu tình thọ dụng, thành tựu các Ba la mật đa, điều phục hoàn toàn các tâm hành, tăng trưởng Vô Thượng Đại bồ đề, có oai lực lớn, đến Đạo Tràng, ngồi dưới cây bồ đề.

Đem lòng đại bi quán các căn cơ chúng sinh không lìa bỏ, không bị chướng ngại, thương xót tất cả đều bình đẳng như con một. Có thể vượt qua các sợ hãi về những cảnh giới ác, làm Phật Pháp đều được hiện tiền, chiến thắng ngoại đạo ma oán, dựng cờ thắng pháp bồ đề, đoạn trừ các kết sử, đạt trí vô ngại của Phật Như Lai, làm tăng trưởng lợi ích trân bảo Phật Pháp, tùy theo căn cơ mà làm lợi sinh không có sai lầm.

Nuôi dưỡng hữu tình với lòng đại bi rộng lớn, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, tướng tốt, công đức, anh lạc trang nghiêm, không có lầm lỗi. Tất cả thiện xảo như vậy gọi là trí thiện xảo về đại thừa của Đại Bồ Tát.

Lại có một thừa của Chư Phật đầy đủ bảy pháp Phật làm đại thừa giống như Vua Chuyển Luân có đầy đủ bảy báu:

1. Đại quán sát.

2. Đại tùy thuận.

3. Đại trí tuệ.

4. Đại tinh tấn.

5. Đại giác ngộ.

6. Đại phương tiện.

7. Đại sự nghiệp.

Đại quán sát nghĩa là Đại Bồ Tát gần gũi bạn lành nghe chánh pháp, trong một sát na ngộ thật tướng hiện tiền của tất cả pháp.

Đại tùy thuận nghĩa là Đại Bồ Tát thành tựu đại trí, đại định, đại bi, làm lợi ích cho mình và người.

Đại trí tuệ nghĩa là Đại Bồ Tát thấy tướng chân thật, ngã, pháp đều không.

Đại tinh tấn nghĩa là Đại Bồ Tát trải qua vô lượng A tăng kỳ kiếp luôn thành tựu đại bi vạn hạnh.

Đại phương tiện nghĩa là Đại Bồ Tát được nhẫn bình đẳng, không trụ trong sinh tử, không chứng Niết Bàn.

Đại giác ngộ nghĩa là Đại Bồ Tát chứng mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, được vô lượng, vô biên công đức.

Đại sự nghiệp là Đại Bồ Tát ở trong sinh tử chứng Đại bồ đề, thành tựu viên mãn hằng hà sa ức sự nghiệp của Phật.

Đầy đủ bảy pháp thù thắng như vậy là làm Pháp Vương. Đây gọi là trí thiện xảo về đại thừa của Đại Bồ Tát.

Thế nào là thiện xảo về tất cả pháp của Đại Bồ Tát?

Nghĩa là với pháp hữu vi, vô vi, Đại Bồ Tát đều thông thạo rốt ráo. Thân, khẩu, ý làm việc thiện, thanh tịnh tăng trưởng, hồi hướng lên vô thượng bồ đề. Đó gọi là trí thiện xảo về hữu vi.

Bồ Tát không tạo thân, khẩu, ý nghiệp, đầy đủ tam vô tác thanh tịnh bình đẳng, hồi hướng lên vô thượng bồ đề. Đó gọi là trí thiện xảo về vô vi.

Lại có thiện xảo là đối với bố thí, trì giới… cho đến thiền định. Đại Bồ Tát tu tập dũng mãnh hồi hướng lên vô thượng bồ đề. Đây gọi là trí thiện xảo về hữu vi của Đại Bồ Tát.

Lại dùng bát nhã Ba la mật đa lìa tất cả tướng, tu các Ba la mật đa hồi hướng lên vô thượng bồ đề. Đây gọi trí thiện xảo về vô vi của Đại Bồ Tát.

Lại có thiện xảo là dùng trí phương tiện hành bốn nhiếp pháp để giáo hóa chúng sinh. Đây gọi là trí thiện xảo về hữu vi của Đại Bồ Tát.

Lại có thiện xảo trụ trong đệ nhất nghĩa, tuy làm lợi ích chúng sinh nhưng không chấp thủ, hồi hướng lên vô thượng bồ đề. Đây gọi là trí thiện xảo về vô vi của Đại Bồ Tát.

Lại có thiện xảo: Liễu tri phiền não làm tăng trưởng sinh tử, liễu tri pháp bồ đề phần, chấm dứt sinh tử. Đây gọi là trí thiện xảo về hữu vi của Đại Bồ Tát.

Lại biết ba Pháp Môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, đối với vô thượng bồ đề có lòng tin kiên cố nhất định không bao giờ thoái chuyển, bình đẳng không hai không khác. Đây gọi là trí thiện xảo về vô vi của Đại Bồ Tát.

Lại có thiện xảo hữu vi, nghĩa là hoạt động trong ba cõi mà không vướng mắc ba cõi. Đây gọi là trí thiện xảo về hữu vi của Đại Bồ Tát. Liễu tri tánh ba cõi là không, như huyễn như hóa mà không chấp giữ. Đây gọi là trí thiện xảo về vô vi của Đại Bồ Tát.

Như vậy liễu tri tánh của các pháp thanh tịnh không tướng, không tên, đầy đủ nhất thiết trí gọi là thật trí. Vì cứu hộ tất cả chúng sinh mà phương tiện giả lập, phân biệt như vậy gọi là quyền trí.

Đối với tám pháp này, Đại Bồ Tát dùng nhị trí một cách tự tại gọi là bát nhã Ba la mật đa. Lại liễu tri tất cả pháp tánh gọi là trí tuệ. Quán tất cả các pháp thiện ác là phương tiện. Tùy thuận giải thoát, xa lìa các phân biệt, Thánh trí được hiện tiền gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Lại có thể phân biệt một cách khéo léo về các kiến và kết sử, dùng pháp quán và chỉ đoạn trừ tất cả chúng gọi là phương tiện. Nhưng làm viên mãn đại nguyện vô thượng gọi là trí tuệ.

Diệt trừ các phiền não để được tươi mát giải thoát gọi là phương tiện. Có thể giải tỏa các phiền não vì tánh không thể đắc, là trí tuệ.

Đoạn diệt khổ của thân tâm, được nhẹ nhàng an vui là phương tiện, dạo chơi vườn pháp được niệm Tổng trì, lý trí hiện tiền là trí tuệ.

Làm chỗ nương tựa cho các hữu tình là phương tiện. Không trụ không chấp vào năng y, sở y là trí tuệ.

Đạt được ba mươi bảy pháp phần bồ đề là phương tiện. Thường ly niệm mà tương ưng với thật tướng trí tuệ, được pháp lạc lớn là trí tuệ.

Hay làm tăng trưởng năm Độ là phương tiện. Tùy theo sở thích của thừa nào mà đồng đưa về Phật tuệ, tự tánh chiếu sáng là trí tuệ.

Có thể cứu tất cả chúng sinh ra khỏi dòng thác dữ sinh tử là phương tiện. Thật không có chúng sinh nào diệt độ là trí tuệ.

Xây dựng chánh hạnh là phương tiện, thấy bản tánh là không, là trí tuệ.

Trừ khách phiền não là phương tiện, giác ngộ hoàn toàn về tánh trí không nhiễm là trí tuệ.

Làm mà không thấy làm là phương tiện, giác ngộ các pháp không là trí tuệ.

Không chấp trước ba cõi là phương tiện, khiến các Bồ Tát hiểu rõ đệ nhất nghĩa là trí tuệ.

Giáo hóa chúng sinh tu hành các việc lành là phương tiện. Tất cả Hiền Thánh cùng một pháp giới là trí tuệ.

Tùy theo căn tánh của chúng sinh mà diệt trừ các phân biệt hư vọng là phương tiện. Thấy xưa nay vốn thanh tịnh, tịch diệt, không sinh là trí tuệ.

Thường dùng mọi cách để đoạn diệt si ám là phương tiện. Đi sâu vào thiền định nhưng không trụ vào thiền định là trí tuệ.

Giáo hóa dẫn dắt hàng nhị thừa là phương tiện, đoạn trừ pháp chấp, nhập Phật tri kiến là trí tuệ.

Theo căn tánh của chúng sinh mà làm cho họ được sự thắng giải là phương tiện. Hiểu rõ căn tánh đều không là trí tuệ.

Vượt qua cảnh giới hư vọng là phương tiện. Khai mở thắng nghĩa đế là trí tuệ.

Quyền xảo tuyên thuyết bốn đế là phương tiện. Biết rõ những việc tu hành không thể đắc là trí tuệ.

Siêng cầu công đức với bi nguyện vô tận là phương tiện. Biết rõ chân ngụy, không đến không đi, pháp giới bình đẳng là trí tuệ.

Tùy theo duyên mà giáo hóa chỉ dạy cho chúng sinh là phương tiện, hiểu rõ tánh phiền não xưa nay là giải thoát, đó là trí tuệ.

Biết kết sử do phân biệt hư vọng là phương tiện. Biết rõ tâm chúng sinh xưa nay tịch tĩnh là trí tuệ.

Siêng năng tu tập đoạn trừ những tập khí tùy miên là phương tiện, tâm hành sai biệt của tất cả chúng sinh, tám vạn bốn ngàn cửa trần lao là cửa Phật tuệ, gọi là trí tuệ.

Khéo léo siêng tu Thanh Văn, Duyên Giác để dần dần đi vào Phật đạo là phương tiện. Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa như vậy, mau chứng vô thượng bồ đề. Đó gọi là bát nhã Ba la mật đa.

Khi Đức Phật nói bát nhã Ba la mật đa này, trong hội có ba mươi hai ức Đại Bồ Tát chứng vô sinh pháp nhẫn, bảy vạn tám ngàn chúng sinh phát tâm vô thượng bồ đề.

Đại chúng trong hội này dùng đủ loại hoa thơm đẹp lạ, tàn lọng, cờ xí, đầy đủ các đồ trang sức hương thơm hoa Chiêm Bặc để cúng dường bát nhã Ba la mật đa, đại chúng rải cúng Như Lai, Đại Bồ Tát Từ Thị và các Bồ Tát. Trên hư không Chư Thiên trổi nhạc Trời ca tụng, khen ngợi Như Lai trong vô lượng kiếp thành tựu bồ đề, được vô lượng công đức.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần