Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Bốn - Phẩm Hiển Thị Tự Tác
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA MẬT NGHIÊM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Địa Bà Ha La, Đời Đường
PHẨM BỐN
PHẨM HIỂN THỊ TỰ TÁC
Lúc ấy, Đại Bồ Tát Hư Không Tạng lại bảo Phạm Thiên Vương: Này Thiên Chủ! Tâm có tám hoặc chín loại cùng vô minh sinh khởi làm nhân cho thế gian.
Thế gian đều do tâm và tâm pháp biến hiện. Tâm, tâm pháp này và các căn, sinh diệt lưu chuyển, bị vô minh làm biến đổi, nhưng tâm căn bản kiên cố không động.
Này Thiên Chủ! Nhân duyên thế gian có mười hai phần, hoặc có căn, hoặc cảnh, sinh, sự sinh chỉ trong sát na hoại diệt.
Từ cõi Phạm Thiên, thế gian cho đến Phi tưởng, Phi phi tưởng đều do nhân duyên sinh khởi, chỉ có Như Lai mới xa lìa các nhân duyên.
Này Thiên Chủ! Pháp thế gian trong ngoài, động và bất động đều như tánh hoại diệt của cái bình.
Này Thiên Chủ! Các thức vi thế biến chuyển nhanh chóng là cảnh giới của Phật còn thế gian, Tiên, Nhân, ngoại đạo không thể thấy biết. Các Tiên Nhân, ngoại đạo bị ái ràng buộc không thể biết tướng sai biệt của tâm.
Này Thiên Chủ! Giả sử có người thường làm những việc ca múa, tán thán, tế tự pháp Tỳ Đa cúng tế trời, trải qua một tháng hoặc bốn tháng, một năm cho đến một ngàn năm, được sinh về cõi Phạm Thiên rồi cuối cùng cũng bị trở lại cõi dưới.
Này Thiên Chủ! Ông biết chăng?
Thực hành ba pháp Tỳ đà được kết quả giống như tánh chất của cây chuối không chắc thật.
Này Thiên Chủ! Sự giải thoát của chư Như Lai ở Cõi Phật mật nghiêm từ trí định mà được, nếu người nào muốn giải thoát thì cần phải tu hành đầy đủ.
Thiên Chủ! Người trong cõi mật nghiêm không có nạn quyến thuộc, sinh tử, tâm của họ không bị các tập khí làm ô nhiễm, như hoa sen vươn lên khởi mặt nước, như hư không, không có bụi trần như mặt trời lên cao xua tan hết mây mù, được tất cả Chư Phật hộ trì, tắm trong dòng giới thanh tịnh, uống nước trí tuệ, vượt qua bờ sinh tử, được giải thoát chân thật.
Này Thiên Chủ! Thân của chúng sinh ở trong các giới, năm uẩn, thức và các pháp đều không thật có. Mắt duyên sắc sinh ra thức, ví như do củi mà có lửa cháy. Tất cả cảnh giới theo vọng thức mà chuyển, như sắt bị hút theo đá nam châm, như sóng nắng, thành Càn Thát Bà, những con nai ngu muội chạy theo vào cảnh huyễn.
Trong cõi này không có chủ thể tạo ra các vật, chỉ do tâm biến đổi của phàm phu.
Này Thiên Chủ! Như thấy nhũng người qua lại nhanh chóng trong thành Càn Thát Bà, nhưng không có thật, thân của chúng sinh lui tới cũng như vậy. Như thấy trong mộng, tỉnh dậy chẳng có. Người thế gian thấy có các uẩn, pháp. Người giác ngộ tâm sáng suốt thì biết các pháp ấy xưa nay vốn tịch tĩnh.
Này Thiên Chủ! Các Thế Giới do vi trần hòa hợp mà thành. Nếu lìa tâm thì không thật có, các vật thế gian có thể tồn tại đều do tứ đại hợp thành. Ví như bệnh phong đàm, vì mê man nên thấy các vật rối loạn. Lại như làm cho thây chết đứng dậy không có người nào tạo ra cả, các pháp thế gian cũng vậy. Các ông nên siêng năng quán sát.
Này Thiên Chủ! Tất cả vật thế gian thường chuyển động như bọt nước tụ lại thành hình, như chiếc bình… tưởng giống như sóng nắng, các thọ khổ, vui giống như bong bóng nước, hành như cây chuối bên trong không có lõi, thức như việc huyễn thuật, giả dối không thật.
Này Thiên Chủ! Pháp động và bất động trong ba cõi đồng với cảnh mộng lúc tâm mê thì hiện, cũng như việc huyễn thuật, thành Càn Thát Bà, chỉ làm mê hoặc phàm phu. Nếu các ông đối với pháp này tâm không sợ hãi, thấy biết chân chánh, dùng lửa trí tuệ thiêu đốt tất cả các nhân duyên hoạn nạn thì liền sinh vào cõi mật nghiêm vi diệu an lạc.
Này Thiên Chủ! Tất cả thế gian đều không có tướng, chấp có tướng là bị ràng buộc, không tướng là được giải thoát. Tướng là cảnh của tâm, cảnh của tâm thì không thật, cảnh giới trí tuệ là pháp chân thật, xa lìa các tướng, ngoài hoạt động của tâm.
Tất cả các tướng là pháp của tam giới, sắc, thanh… pháp đều gọi là tướng, các căn, cảnh, giới là nhân trói buộc tất cả chúng sinh. Nếu đối với các tướng không tham chấp thì dứt trừ các phiền não được an lạc giải thoát.
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Bảo Kế ngồi trên tòa báu ở giữa đại chúng, hướng về Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng thưa: Tôn Giả là bậc đứng đầu trong chúng Bồ Tát ở các ức Cõi Phật.
Thành tựu trí tuệ tối thượng hiểu rõ các pháp, đều đã thấy rõ vô lượng Tất Đàn, đối với các pháp quán hành có thể dứt hết những đều nghi ngờ cho họ, khéo biết nguồn gốc sinh khởi của thân chúng sinh, có thể ở trong một kiếp hay hơn một kiếp dùng âm thanh vi diệu diễn nói các pháp mà không mỏi mệt.
Vì sao ông không vì các Nhân Giả giảng nói các nhân xa lìa những sự giống như thuận nghịch mà chẳng phải thuận nghịch, thuyết pháp chân thật khiến cho các bậc trí tuệ tâm được thanh tịnh không còn nghi ngờ, xa lìa các nhân duyên, uẩn, chóng được giải thoát. Pháp cùng phi pháp là nhân duyên sinh ra thân này và thân sau, bậc trí có thể thoát khỏi khổ của ái ràng buộc.
Thưa Tôn Giả! Tâm của chúng sinh nhân nơi sắc và ánh sáng mà tác ý duyên theo các cảnh, tâm ấy rất nhanh khó nhận biết được, vì vô minh ái nghiệp làm tán loạn nhiễm ô.
Thưa Tôn Giả! Vô số các pháp trong thân chúng sinh ý là dẫn đầu, là nhanh nhất, là thù thắng, ý cùng tương ưng với pháp hiện đang có, pháp ấy đều lấy ý làm tánh như ngọc ma ni hiện rõ ánh sáng rực rỡ.
Vì sao Nhân Giả không thuyết nghĩa như vậy?
Lại như màu sắc của ngọc ma ni tùy theo mỗi chỗ mà hiện rõ. Nhân Giả cũng như vậy, có đủ hình tướng Như Lai ở trong cung Trời Tự Tại có Chư Thiên vây quanh cũng nên tùy theo đó mà thuyết pháp như vậy.
Khi ấy, Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng bảo: Cõi Phật mật nghiêm là tối thắng, tịch tĩnh là trí tuệ và thần thông, là chỗ an trụ của các bậc tu pháp quán hành, xưa nay thường trụ không hoại diệt. Nước không thể thấm ướt, gió không thể làm khô, cũng chẳng phải như cái bình do cố công để làm thành lại bị phá hoại, chẳng phải giống các nhân và không sự thành lập do giống các nhân.
Vì sao?
Vì tông và các phần khác là pháp bất định, các tông và nhân, đều sai khác. Cõi Phật mật nghiêm là thức chuyển y vượt khỏi tâm phân biệt, chẳng phải cảnh hoạt động của các vọng tình.
Cõi Phật mật nghiêm là chỗ của Như Lai chẳng phải do vi trần sinh không có đầu mối, kết thúc, chẳng phải tự tánh sinh, chẳng phải dục lạc sinh, không từ Cõi Trời Ma Hê Thủ La sinh, cũng chẳng phải do vô minh, ái nghiệp sinh, mà là chỗ sinh khởi của trí vô công dụng, vượt qua khỏi lưới tối tăm của Trời, Dục, Sắc, Vô Sắc, Vô Tưởng.
Cõi Phật mật nghiêm A nhã Tất đàn, chẳng phải nhân nơi cảnh giới hiện lượng của bậc trí tuệ, cũng chẳng phải tánh thù thắng tự tại, chỗ hiểm bày của các tông phái Thanh Luận, Tỳ Đà cho đến năng lực trí tuệ của tư lương vi cũng không thể soi tỏ, chỉ là cảnh trí tu hành thanh tịnh của mười phương Như Lai.
Này các Nhân Giả! Tất cả phàm phu mê muội ở thế gian vì nghiệp hay chẳng phải vì nghiệp. Nay ta sẽ giảng nói về nghĩa của nghiệp hay chẳng phải nghiệp khiến cho những người tu thiền định được an lạc.
Vị ấy nói kệ:
Tất cả vật trong ngoài
Thấy được do tự tâm
Tâm chúng sinh hai tánh
Chấp và chấp đối tượng
Tâm thể có hai pháp
Tức tâm thấy các vật
Tánh phàm phu mê hoặc
Tự mình không thể rõ
Các cảnh giới được thấy
Đều là tự mình tạo
Tướng những bình đáng có
Tìm không có thể tánh
Các vị tiên trí kém
Không thể biết rõ ràng
Xa lìa lý chân thật
Theo con đường phân biệt
Tâm này có hai tánh
Như các hình trong gương
Như trăng hiện trong nước
Người nhặm thấy vòng lòa
Vòng lòa, chuỗi anh lạc
Đều là không thật có
Nhưng do bệnh nhặm mắt
Lại thấy có hiện rõ
Bình, vỏ đều do thức
Chúng sinh cũng như vậy
Người hư vọng phân biệt
Không biết luôn chấp thủ
Nhũng chúng sinh và bình
Vô số các hình tướng
Trong ngoài không giống nhau
Tất cả từ tâm sinh
Định mật nghiêm vi diệu
Ngoài các pháp hiện hữu
Nếu có thể tu hành
Ở đó sinh các phước
Được giải thoát Cõi Dục
Và Cõi Trời Sắc Giới
Cho đến Trời Vô Tưởng
Cùng Trời Sắc cánh cung
Cõi không, thức vô biên
Phi tưởng, Phi phi tưởng
Trong các cõi như vậy
Lần tượt trừ tham dục
Ở đó chẳng rốt ráo
Tìm đến cõi mật nghiêm
Các Bồ Tát vây quanh
Giải thoát và tự tại
Ông nên tu định này
Sao còn chấp quyến thuộc
Tướng thân thuộc trói buộc
Nhân sinh tử luân hồi
Tướng nam nữ tham ái
Tinh huyết cùng hòa hợp
Như trùng ở bùn nhơ
Ở trong đó cũng vậy
Chính tháng hoặc mười tháng
Các căn dần thành tựu
Lúc ra khỏi thai mẹ
Như con trùng cựa quậy
Từ đây mà lớn lên
Đến khi tâm hiểu biết
Ta thấy các chúng sinh
Sinh ra cũng như vậy
Cha mẹ có vô số
Vợ con cũng như vậy
Có mặt khắp mọi nơi
Trong tất cả thế gian
Ví như đàn bà đá
Vừa mộng thấy sinh con
Được bồng con vui thích
Tìm lại thấy mất con
Thương khóc không ngừng lại
Bỗng nhiên tỉnh thức dậy
Không thấy có con mình.
Lúc sinh và lúc chết
Lại mộng thấy núi, sông
Đồng trống, thôn, xóm làng
Mọi người đều đông đủ
Cùng nhau làm các việc
Người này giúp người kia
Như Thế Giới có thật
Và từ lúc tỉnh dậy
Tất cả đều chẳng có
Có người nhiều tham dục
Nằm mộng thấy nữ sắc
Hình dáng rất đẹp đẽ
Trang sức đồ quý báu
Ở trong mộng rất vui
Tỉnh giấc thì không thấy
Tất cả pháp thế gian
Nên biết đều như vậy
Ngôi Vua và dân chúng
Cha mẹ cùng thân quyến
Thể tánh đều không thật
Do phàm phu điên đảo.
Ông đối với định này
Sao không siêng tu tập
Vô lượng hàng Thanh Văn
Độc giác và Bồ Tát
Ở nơi chốn vắng lặng
Núi rừng thường tịch tĩnh
Hoặc ở trong biển sữa
Cùng với Ma La Diêm
Tu Di cùng Tẫn Đà
Ma Hê, Nhân Đà La
Kê La Bà Lợi Sư
Cho đến ở núi Tuyết
Hoặc nơi cây Kiếp Ba
Ba Lợi Da Đa La
Dưới cây Câu Tỳ La
Hoặc trên cây Bà La
Ăn vị quả xà phù
Và thức ăn bất tử
Đầy đủ các thần thông
Thường tu pháp quán này
Đời quá khứ, vị lai
Thường ngồi trên hoa sen
Kiết già thân bất động
Chánh định luôn quán sát
Khéo điều phục các căn
Không tán loạn theo cảnh
Như voi bị giam giữ
Lìa dục được tam muội
Nếu ra khỏi thế gian
Trong tất cả các định
Định Phật tịnh không cấu
Tham, ái đều trừ bỏ
Trụ trong định Vô Sắc
Và các Thiền Vô Tưởng
Thấy Trời, Trăng, hoa sen
Tướng nước, lửa, hư không
Nếu lìa các phân biệt
Tâm không còn dao động
Lìa ở trong tam muội
Thấy vô lượng Chư Phật
Một lúc đưa cánh tay
Lấy nước rưới trên đầu
Vào Cõi Phật như vậy
Tất cả đều sáng suốt
Đầy đủ các sắc thân
Tùy nghi mà ứng hiện
Những thần thông tự tại
Tam muội Đà La Ni
Các công đức như vậy
Tất cả đều thành tựu
Phân tích về các sắc
Cho đến quán vi trần
Tự tánh không có thật
Ví như sừng thỏ, hổ
Đều hoàn toàn không có
Các uẩn cũng như thế.
Giống như tạo việc huyễn
Tất cả đều như vậy
Ở đây không nghiệp quả
Cũng không người tạo nghiệp
Thế gian không chủ thể
Dù có chẳng thể tạo
Chủ thể và đối tượng
Sao gọi là chủ thể?
Lời nói này thành sai
Người nói chẳng thanh tịnh
Vì sao lại bảo có
Thủy luân cùng Địa luân
Và chúng sinh, thế gian
Lần lượt mà bày ra
Các nẻo đều khác nhau
Qua lại lẫn đó đây
Ai tạo ra các căn
Vọng tình chấp lấy cảnh
Cảnh này đều phân biệt
Liên tiếp mà biến đổi
Giống như sữa, lạc, tô
Trụ sinh diệt như vậy
Hoặc nghiệp, chẳng phải nghiệp
Đây do vọng chấp sinh
Người định thường xem đây
Như mộng, thành Thát Bà
Chúng sinh xưa đến nay
Bị huân tập hý luận
Sinh khởi các phân biệt
Vô số các lỗi lầm
Các căn giống như huyễn
Cảnh giới đồng như mộng
Chủ thể và nghiệp tạo
Người định không phân biệt
Vọng sinh các ác kiến
Chấp có các chủ thể
Tạo tất cả thế gian
Hoặc ngọc báu ma ni
Và các mỏ vàng bạc
Cầm thú sắc khác nhau
Đầu mũi gai bén nhọn
Nhũng thứ này ai làm
Nên biết không người tạo
Vượt ngoài tánh thế gian
Các duyên tạo vi trần
Chẳng phải không có nhân
Tự nhiên mà có được
Người tâm mê chấp ngã
Không biết thể tánh này
Là nghiệp chẳng phải nghiệp
Như vậy mà phân biệt
Như độc ở trong sữa
Cùng tương ứng biến đổi
Các pháp cũng như vậy
Thường sinh khởi phân biệt
Pháp tánh chẳng phải sinh
Cũng chẳng phải hoại diệt
Người mê không hiểu rõ
Phân biệt đủ các thứ
Người định nên quán sát
Thế gian chỉ tích tụ
Hoặc nghiệp chẳng phải nghiệp
Ở đây chớ tư duy
Các cõi cùng qua lại
Như mặt trời, mặt trăng
Không nương dựa hư không
Theo gió mà vận chuyển
Tánh nghiệp rất sâu kín
Mật Nghiêm có thể thấy
Người tu tập quán hành
Không bị nghiệp ràng buộc
Ví như lửa đốt cây
Chốc lát thành tro tàn
Lửa trí đốt củi nghiệp
Nên biết cũng như vậy
Như đèn sáng phá tối
Một niệm đều dứt hết
Các nghiệp chướng tối tăm
Nhiều kiếp đã huân tập
Đèn trí tuệ Phật chiếu
Sát na đều trừ diệt.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một