Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Hai - Phẩm Diệu Thân Sinh - Tập Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA MẬT NGHIÊM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Địa Bà Ha La, Đời Đường
PHẨM HAI
PHẨM DIỆU THÂN SINH
TẬP BỐN
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Phổ Hiền phát ra ánh sáng lớn nhiều màu sắc cùng với các vị Bồ Tát: Bồ Tát Trì Thế, Bồ Tát Trì Tấn, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Thần Thông Vương, Bồ Tát Đắc Đại Thế, Bồ Tát Thánh Giả Nguyệt, Bồ Tát Kim Cang Tề, Bồ Tát Đại Thọ Vương, Bồ Tát Hư Không Tạng cho đến vô lượng Chư Thiên ở cung điện ngọc ma ni các chúng Bồ Tát trong cõi mật nghiêm và những người trong Cõi Phật khác đến nghe pháp.
Nghe thuyết pháp vi diệu ở cõi mật nghiêm được công đức lớn quyết định chuyển y thường ở cõi này không sinh ở cõi khác, tự nhiên đều nhớ nghĩ đến chúng sinh đời vị lai, vì muốn làm lợi ích khắp chúng sinh nên các vị Bồ Tát ấy thưa với Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng: Xin Tôn Giả vì chúng tôi mà giảng nói tất cả thế gian có bao nhiêu hình sắc, do ai làm ra?
Như người thợ gốm nhồi đất dính lại làm nên cái bình, những hình tượng của thế gian cũng làm nên như vậy chăng?
Như người tạo âm nhạc kết hợp các loại dây, ống trúc, gỗ thành âm thanh.
Tất cả thế gian cũng vậy chăng?
Như một vật có ba tự tánh, các vật thế gian đã thành tướng, thể, nếu chưa thành thì đều ở trong một vật chăng?
Cõi Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất Đà, Trời Tha Hóa Tự Tại, Trời Đại Thọ Khẩn Na La, Trời Thiện Hiện, Trời Sắc Cứu Cánh, Phạm Thiên Vương, Cõi Vô Sắc là do tất cả Thiên Chủ đồng tâm hợp lực mà tạo ra chăng?
Chư Phật Bồ Tát ở phương này và phương khác dùng sức biến hóa tạo ra hình tượng của thế gian, chúng sinh ở trong đó khởi lên các mê hoặc, sự mê hoặc này xem như sóng nắng, như bình và vỏ, sự tạo ra công đức, tất cả những người trong thế trụ vào đó, người chẳng tạo các công đức mà bị lệ thuộc vào công đức, cũng chẳng phải đó là công đức mà nương vào công đức, cho nên lần lượt tích tập các công đức.
Như vậy, thế gian có bao nhiêu hình sắc chỉ là mê hoặc mà có chăng?
Hoặc cho rằng Trời Đại Phạm, Phạm Thiên Vương, Cõi Trời Tự Tại đều tự tạo ra. Hoặc cho rằng Tiên Sa Ca Noa Đề Na Kiếp Tỳ La tự tạo ra năng lực. Hoặc có lúc vọng chấp từ tánh tự nhiên, do nghiệp vô minh, ái mà sinh khởi.
Tất cả Chư Thiên, Tiên và những người tu định ở thế gian đều hoài nghi mê hoặc vì không có thể tánh, như huyễn như mộng. Như sóng nắng, như thành Càn Thát Bà đều do vô thi phân biệt chấp có năng, sở. Như rắng hai đầu, như thây chết biết đi. Như người gỗ nhờ máy mà chuyển động.
Như vòng lửa, tóc rũ xuống giữa hư không chăng?
Lúc ấy, Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng dùng kệ đáp:
Các hình sắc thế gian
Không từ đâu sinh ra
Chẳng phải Ca Tỳ La
Nhân Tỳ La tạo ra
Cũng không do phước quả
Bố thí hay cúng dường
Do Phệ đà giảng thuyết
Nghĩa cùng, khác không định
Cũng chẳng phải có không
Hay chấp giữ thế gian
Gọi là A lại da
Thức thứ tám thù thắng
Tất cả đều vận chuyển
Như nhiều bình lăn tròn
Như dầu lẫn trong mè
Trong muối có vị mặn
Cũng như tánh vô thường
Ở khắp trong các sắc
Trầm, xạ đều có hương
Ánh nhật, nguyệt cũng thế
Chẳng năng tác, sở tác
Chẳng hữu cũng chẳng vô
Xa lìa các ngoại đạo
Các kiến chấp đồng dị
Chẳng phải trí tìm cầu
Không thể phân biệt được
Người định tâm không ngại
Chứng được trí bên trong
Nếu lìa A lại da
Tức không có thức khác
Như sóng trong biển cả
Tuy cùng biển không khác
Biển lặng sóng mất đi
Cũng không thể nói một
Ví như người tu định
Trong định tâm thanh tịnh
Người thần thông tự tại
Đạt được các thông tuệ
Quán hành có thể thấy
Chẳng ngoài sự hiểu biết
Tạng thức cũng như vậy
Cùng thức đồng hành chuyển
Phật và các Bồ Tát
Người định thường quán thấy
Tàng thức chấp thế gian
Giống như tìm ngọc báu
Cũng như xe có bánh
Theo gió nghiệp lưu chuyển
Thợ gốm quay bánh xe
Tạo thành vật cần dùng
Tạng thức cùng các giới
Hợp sức lại mới thành
Trong ngoài các thế gian
Bày ra khắp mọi nơi
Ví như các vì sao
Xuất hiện khắp hư không
Nương theo sức của gió
Vận hành luôn không dừng
Như vết chim trong không
Tìm kiếm không thể được
Nhưng chim chẳng lìa không
Mà bay lượn lên xuống
Tạng thức cũng như vậy
Không lìa thân tự, tha
Như biển cả dậy sóng
Hư không trùm vạn vật
Tàng thức cũng như vậy
Che lấp các tập khí
Ví như trăng trong nước
Và như các hoa sen
Không xa lìa khỏi nước
Cũng không dính vào nước.
Tạng thức cũng như vậy
Không bị nhiễm tập khí
Như mắt có con ngươi
Mắt không tự thấy được
Tạng thức ở nơi thân
Thâu giữ các chủng tử
Duy trì mãi thức ấm
Như mây che thế gian
Nghiệp dụng tăng không dừng
Chúng sinh không thể thấy
Thế gian vọng phân biệt
Thấy trâu, bò có sừng
Không rõ sừng chẳng có
Nên nói thỏ không sừng
Phân tích đến hạt bụi
Tìm sừng thật không có
Do nương vào pháp có
Mà thấy có pháp không
Pháp có vốn tự không
Không thấy gì đối đãi
Hoặc pháp có, pháp không
Lần lượt hỗ tương nhau
Trong hai pháp có không
Không nên khởi phân biệt
Nếu xa lìa sở giác
Năng giác tức không sinh
Ví như vòng lửa quay
Che lấp các việc huyễn
Đều do ít kiến chấp
Mà sinh các giác này
Nếu là khỏi nhân đó
Giác này tức không có
Danh tướng hỗ tương nhau
Tập khí không giới hạn
Tất cả các phân biệt
Cùng ý mà sinh khởi
Chứng được cảnh chân thật
Tập khí tâm không sinh
Từ vô thủy đến nay
Mê theo các vọng cảnh
Hý luận và huân tập
Sinh khởi vô số tâm
Năng chấp và sở chấp
Tâm chúng sinh tự tại
Các tướng như bình vỏ
Lìa tâm không thật có
Tất cả chỉ có giác
Nghĩa sở giác đều không
Tánh năng giác, sở giác
Chuyển tự nhiên như vậy
Tập khí tâm ô trược
Phàm phu không thể thấy
Như biển bị gió động
Sóng dậy không thể dừng
Tâm là cảnh gió động
Gió thức sinh cũng vậy
Vô số các phân biệt
Từ bên trong chấp thủ
Như đất không phân biệt
Vạn vật nhờ đó sinh
Tạng thức cũng như vậy
Chỗ nương của các cảnh
Như người dùng tay mình
Trở lại giữ lấy thân
Cũng như voi dùng vòi
Lấy nước thấm gội mình
Lại như những đứa trẻ
Đưa tay vào miệng ngậm
Như vậy trong tâm mình
Hiện cảnh lại tự duyên
Cảnh giới của tâm này
Hiện khắp cả ba cõi
Người tu quán hạnh lâu
Mới khéo thông đạt được
Các thế gian trong ngoài
Tất cả chỉ tâm hiện.
Lúc ấy, Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng nói lời này rồi, im lặng ngồi xuống, an trụ vào thiền định vi diệu, ở cửa pháp giới nhập vào cảnh giới của Chư Phật, thấy có vô lượng Chư Thiên sắp đến cõi này để an trú tu tập, liền từ chỗ ngồi đứng dậy phóng ra ánh sáng lớn.
Ánh sáng ấy chiếu đến Cõi Dục, Cõi Sắc, Vô Sắc, Vô Tưởng, Thiên Cung, từ trong ánh sáng này lại hiện ra vô lượng Cõi Phật thù thắng, có vô lượng Đức Phật tướng tốt đẹp trang nghiêm, tùy theo sự mong muốn của các thế gian mà làm việc lợi ích, đều khiến cho thọ trì danh hiệu mật nghiêm.
Các vị Bồ Tát ấy cùng nhau quán sát và bảo rằng: Cõi mật nghiêm của Phật có thể làm thanh tịnh các phước đức, diệt trừ tất cả tội, những người tu pháp quán hành trong cõi ấy thì các Cõi Phật tối thượng khác không thể sánh bằng. Chúng ta nghe danh hiệu cõi nước này trong tâm vui mừng, hãy cùng nhau đi đến đó.
Bấy giờ, Chư Thiên từ chỗ ở của mình đi đến cõi này.
Chư Thiên Cõi Tịnh Cư, Sắc Cứu Cánh và Phạm Thiên Vương cùng tụ hội, đối với Phật và các Bồ Tát ở cõi này đều sinh ý nghĩ mong cầu hiếm có nên thưa Phạm Vương: Thưa Thiên Chủ!
Chúng tôi cùng có ý niệm: Lúc nào được theo Thiên Chủ đi đến cõi mật nghiêm.
Phạm vương nghe lời này rồi, cùng với Chư Thiên vội vàng đi.
Giữa đường, đi chậm lại vì không biết chỗ đến, Phạm Vương liền suy nghĩ: Cõi mật nghiêm của Phật là cảnh giới để tu pháp quán hành, chẳng phải người nào cũng có thể đến đó được, chẳng phải là chỗ đến của Chư Thiên ở Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc và các ngoại đạo có thần thông.
Nay, chúng ta làm sao đến?
Lại nghĩ rằng: Giả sử ta có được oai lực của Phật hộ trì thì đến đó. Nghĩ rồi nói lời đảnh lễ, ngay lúc đó, Phạm Thiên thấy có vô lượng Chư Phật ở giữa hào quang uy nghiêm chiếu sáng.
Phạm Vương bạch: Bạch Thế Tôn! Chúng con làm sao có thể đi đến Cõi Phật mật nghiêm?
Đức Phật bảo: Ông nên trở lui.
Vì sao?
Vì Cõi Phật mật nghiêm là cảnh giới quán hành, là chỗ an trụ của bậc đắc chánh định, các Cõi Phật khác tối thắng cũng không thể sánh bằng: Chẳng phải là chỗ đến của người có hình sắc.
Phạm thiên vương nghe Phật bảo rồi, liền cùng với Chư Thiên trở về Thiên Cung.
Bấy giờ Chư Thiên Cõi Tịnh Cư cùng suy nghĩ: Phạm Thiên Vương có oai lực lớn mà không thể đến được, nên biết cõi ấy rất là thù thắng, đó là cảnh giới của những bậc tu pháp quán hành chứng đắc tam muội như huyễn. Họ tán thán công đức của cõi mật nghiêm như vậy, âm thanh ấy liên tục truyền đi, khắp nơi cùng nghe.
Các Bồ Tát trong hội nghe lời này rồi càng thêm vui mừng cung kính, bạch Đại Bồ Tát Kim Cang Tạng: Chúng tôi hằng khát ngưỡng mến mộ pháp thâm sâu vi diệu, xin bậc đại trí giảng nói cho chúng tôi.
Bồ Tát Kim Cang Tạng đáp: Pháp của Đức Phật thuyết không ai có thể diễn thuyết đầy đủ, chỉ trừ được sự hộ niệm của Như Lai, vì Như Lai là bậc giải thoát tối thắng đối với pháp quán hành, có cảnh giới không thể nghĩ bàn, làm thế nào đối với người không tu pháp quán hành mà khai thị giảng thuyết được.
Lúc ấy, Bồ Tát Trì Tấn, Tu Dạ Ma và các Bồ Tát liền đồng thanh thỉnh.
Bồ Tát Thần Thông Vương, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Từ Thị, Bồ Tát Khẩn Na La và vô lượng các Bồ Tát khác lại thưa: Lành thay! Nhân Giả! Hãy mau thuyết giảng, lại có vô lượng Chư Thiên trổi nhạc Trời giữa hư không đồng tâm khuyến thỉnh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Ba - Kinh Phật Tự Thuyết - Chương Ba - Phẩm Nanda
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Chín - Pháp Hội Hư Không Mục - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Già Da Sơn đỉnh
Phật Thuyết Những Kinh Do Tăng Già La Sát Tập Thành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Chín - Chín Pháp- Phẩm Sáu - Phẩm An ổn - Phần Bảy - Khinh An