Phật Thuyết Kinh đẳng Tập Chúng đức Tam Muội - Phần Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẲNG TẬP CHÚNG ĐỨC TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN TÁM  

Lại nữa, Bồ Tát nào nghe bốn câu kệ tụng, hoan hỷ vui mừng không mong cầu phước đức làm Chuyển Luân Vương, thà dùng bốn câu kệ khiến người được nghe vui vẻ, không thích quả vị Đế Thích, thà giáo hóa loài cầm thú, long thần, không muốn sinh Phạm Thiên, ưa thích các thông tuệ.

Không tham vướng bảy báu trong ba ngàn đại thiên Thế Giới, chí hoan hỷ, phát nguyện gieo trồng công đức, không mong cầu lợi dưỡng của chúng sinh cúng dường. Bồ Tát tu tập như vậy nên quán về sự thành tựu rốt ráo của các pháp.

Bồ Tát Thường Kiên Tinh Tấn nói với Bồ Tát Văn Thù: Có Bồ Tát luôn kiên tâm tinh tấn mong cầu học rộng nghe nhiều, nên suy nghĩ thế này: Giả sử có người cắt thân thể mình ra từng mảnh, phải phát tâm hoan hỷ cố gắng chịu đựng, ấy là đạt đến pháp thế tục, phải nhất tâm tu hành nhớ nghĩ Phật đạo, thà mất thân mạng, không phạm giới, không bỏ đại thừa.

Không vì tâm ngu, không sinh tâm tà, cho đến nhẫn nhục, miệng không nói lời thô ác, đều có thể làm được, không biếng trễ, tu hành tinh tấn, làm trang nghiêm Cõi Phật, cứu độ chúng sinh, không dùng phi pháp.

Mong cầu các pháp Ba la mật, không thân bạn ác, không cầu chúng sinh, trụ vững nơi trí tuệ, không đoạn pháp Phật, chí tánh kiên cường, tất cả việc làm đều thành tựu, ý chí nhân từ, trừ bỏ dua nịnh, không còn tham luyến, không tiếc thân mạng, hiểu rõ phương tiện, không bao lâu sẽ phụng hành giới thanh tịnh.

Đối với người hỏi, nói lời nhu hòa, không dùng lời hoa mỹ. Ví như mặt đất, xa lìa sự mong cầu, không chỗ mong cầu, không chỗ nương tựa để hành động, tâm tánh thuần thiện, trả lời an ổn, thuyết giảng vui vẻ, cung kính nhận lời can gián, trừ bỏ cao ngạo, thường khiêm tốn.

Lời nói chí thành không có giận dữ, lời nói như thật không có quanh co, nói làm như nhau, tâm luôn bình đẳng, thường có tâm từ, thương yêu chúng sinh, bằng tâm đại bi hướng đến muôn loài, không có lỗi lầm đối với chúng sinh, tạo lập tất cả gốc công đức mà luôn vui vẻ.

Tất cả vật sở hữu đem bố thí mà không luyến tiếc, thường dùng tâm hỷ cứu độ chúng sinh tham dục, có được sản nghiệp thì hành bố thí, xả bỏ tất cả các vật ưa thích, không có ngã sở, không dựa vào vật sở hữu, hoàn toàn không tự tại, trừ bỏ ba cấu.

Chỉ mong cầu giải thoát, xa lìa tưởng niệm, những điều suy nghĩ không rơi vào ác kiến, không có sáu mươi hai kiến chấp, thường thực hành theo pháp, học rộng nghe nhiều, đầy đủ bảy báu, tâm thường dũng mãnh, đã nghe hiểu rõ, chưa từng chán nản, thường học trí tuệ có chỗ kiến lập, ở trong dũng mãnh chế phục phiền não, xa lìa dục nhiễm, trị lành bệnh tất cả chúng sinh, thường gần gũi Thế Tôn.

Thành tựu phước đức và các thông tuệ, khiến cho chúng sinh đều mang ân hạnh như hoa sen ở trong thế gian không bị đắm nhiễm, giống như thuyền sư độ thoát muôn người đang mắc bốn thứ bệnh, chí như Vua người, trong dân gian không được khinh mạn.

Như sông ngòi ao hồ, Kinh Điển đã giảng cũng không cùng tận, hành như biển cả, trí tuệ bao trùm không ranh giới, phước đức đã tích tập nhiều vô lượng, tánh như núi Tu Di, hiện ở thế gian cao lớn vô cùng, thường ưa tinh tấn, chí tánh kiên cường tâm không khiếp nhược, tâm như điểm then chốt.

Chí nguyện kiên cố, ý như lông chim hạc, điều hòa tâm tánh, tâm thường tôn trọng, cứu độ chúng sinh, tu tập đạt được tự tại, giữ gìn tâm tánh ý chí mẫu mực, tự tại như trời Đế Thích, được chúng sinh tôn trọng như Phạm Thiên, hiểu rõ quyền biến.

Hành động thanh tịnh, đối với tất cả pháp luôn được tự tại, thường thực hành từ bi để đạt đến diệt độ, hành như người chết nếu có xúc phạm, tạo tác không tạo tác, đều có thể nhẫn chịu, tâm như người cha nghiêm khắc, gánh vác trọng trách, chí như bè bạn tạo các công đức không bị lệ thuộc, ý không nương tựa nơi các cảnh giới.

Hành không tổn hại tu tập tâm từ, được sinh ra ở chỗ an lành làm việc bố thí, đó là pháp thí, đoạn trừ tất cả các pháp bất thiện, vâng lãnh tất cả các pháp thiện, không buông lung, trừ diệt sự kiêu mạn, tinh tấn học giới, thực hành kiên cố, tu hạnh Bồ Tát không buông lung mới có thể đạt được đạo quả chánh chân vô thượng thành Tối Chánh Giác.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ Tát Thường Kiên Tinh Tấn: Lành thay! Lành thay! Này Thiện Nam! Ông đã thuyết giảng về hạnh Bồ Tát mới đạt được phước đức như vậy. Nếu có Bồ Tát muốn đạt được tam muội đẳng tập chúng đức thì nên hiểu rõ tất cả các công đức, xa lìa các tội lỗi.

Bấy giờ, Bồ Tát Câu Tỏa bạch Phật: Nếu có Bồ Tát đạt được tam muội đẳng tập chúng đức này thì công đức ấy như thế nào?

Đức Phật dạy: Bồ Tát Đại sĩ đạt được tam muội đẳng tập chúng đức này thì có thể xa lìa cõi ác, không có tám nạn, dứt hẳn sự bần cùng, được cúng dường đầy đủ, tự nhiên an lạc, các căn trọn vẹn, liền có thể thành tựu ba mươi hai tướng tốt của bậc Đại sĩ. Đối với giáo pháp không cùng tận đều đạt được biện tài.

Đạt được tổng trì, thường không quên mất, tự tại đối với tất cả phước đức, thành Chuyển Luân Vương không gì ngăn ngại, được các chúng sinh phụng sự, được Đế Thích tán thán, được Phạm Thiên cúi đầu làm lễ, thành tựu thần thông, thấu suốt tất cả, phát sinh bản nguyện, tự tại, thực hành theo phương tiện thiện xảo, đạt đến trí tuệ.

Không lệ thuộc vào thiền định, siêng tu tập trí tuệ, lìa tất cả các kiến chấp, được tôn trọng bậc nhất, Thanh Văn, Duyên Giác không thể sánh bằng, xa lìa sự lo sợ và trí tuệ phân biệt của Thanh Văn, Duyên Giác.

Các căn lanh lợi, hiểu rõ tất cả chúng sinh xưa nay thường có kiến chấp, chỉ ở thiền định giải thoát, trụ không chỗ trụ, thường hành bố thí, kiến lập giới luật, hộ trì thanh tịnh ba nghiệp, phân biệt nhẫn nhục hoàn toàn không có hình tướng, xa lìa vọng tưởng dối trá, tinh tấn giảng thuyết không biếng nhác, hiểu rõ thiền định thường đạt đến tịch diệt.

Tuyên dương trí tuệ, mắt thường nhìn thấy để phân biệt, mắt không đắm chấp mà thường dứt bỏ, trừ bỏ sáu trần, thường gặp Chư Phật, ưa thích nghe pháp, phụng sự Thánh chúng, siêng năng tu hành, không lìa không, vô tướng, vô nguyện, đã nghe Kinh Điển thì tán thán tất cả công đức nơi Chư Phật, vâng lời Phật dạy, hoàn toàn vì chúng sinh nên giải thoát rõ ràng.

Ở Cõi Trời Đâu suất chưa từng xa lìa pháp Bất thoái chuyển. Hoặc muốn du hành nơi tất cả Cõi Phật đều không bị ngăn ngại, đều thấy Chư Phật thu phục ma oán, không có bốn ma, thấy rõ pháp nhẫn, ở pháp Bất thoái chuyển trụ nơi đạo nghiệp thông suốt thần thông, thông suốt các pháp, tịch nhiên vắng lặng, thực hành đầy đủ pháp Phật, hướng đến Bất thoái chuyển, trừ diệt tất cả sự vướng mắc trở ngại.

Thấy sắc của Ta và người ấy cũng như huyễn hóa, quan sát thấy tất cả thân không thể làm chủ, giảng cho ngoại đạo biết được chánh pháp và Kinh Điển Chư Phật.

Không tiếc thân mạng thực hành tinh tấn, được thành chánh giác, hiện cảnh giới Phật thường không đoạn tuyệt, tuy đã Niết Bàn mà không diệt độ, được vô sở úy tự tại trong chúng hội, không có sợ hãi, thông minh sáng suốt, tạo các việc thiện, trừ bỏ tất cả kiêu ngạo tự đại, tu tập tam muội đại trang nghiêm như huyễn có sự cảm ứng.

Nếu phóng ánh sáng thì che khuất Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao, được lực kiên cố, thân dứt xiềng xích, hành như kim cang, vượt qua các nẻo ác, hướng đến Đạo Tràng thanh tịnh, dạo khắp vô lượng Cõi Phật, lắng nghe chánh pháp, nuôi dưỡng thân, khẩu, ý thanh tịnh, thu phục chúng ma.

Thần thông biến hóa độ vô số chúng sinh làm chấn động tất cả Cõi Phật, được trí tuệ thông tỏ phân biệt các pháp, biết được chỗ hướng đến, đầy đủ biện tài, trí tuệ không ngăn ngại, vì các chúng sinh mà tu hành tinh tấn, làm hưng thịnh pháp Phật, không buông lung. Đối với các thông tuệ hiển bày cảnh giới Phật.

Này Câu Tỏa! Nếu có Bồ Tát đạt được tam muội đẳng tập chúng đức này thì Bồ Tát ấy là nhân duyên tạo điềm lành của Thế Tôn, danh tiếng phước đức cao vời như vậy.

Bồ Tát Câu Tỏa bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn ban cho tất cả chúng sinh đều được tam muội đẳng tập chúng đức này.

Vì sao?

Bạch Thế Tôn! Nếu có người đạt được tam muội ấy, thì danh tiếng công đức rõ ràng như vậy, Thanh Văn, Duyên Giác không thể sánh bằng. Nếu có người nghe tam muội này mà không tin theo thì nên biết người ấy bị ma nhiễu loạn.

Đức Phật dạy: Đúng vậy! Đúng vậy! Này Câu Tỏa! Đúng như lời ông nói. Nếu có người tin tam muội này thì danh tiếng công đức không thể nghĩ bàn, được Phật hộ trì.

Lúc ấy, Bồ Tát Câu Tỏa lại hỏi Bồ Tát Văn Thù: Nếu có Bồ Tát mong muốn đạt được pháp tam muội đẳng tập chúng đức này thì nên thực hành pháp gì?

Bồ Tát Văn Thù đáp: Nếu có Bồ Tát muốn đạt được tam muội đẳng tập chúng đức, chưa từng hủy hoại pháp phàm phu, thì nên tu hành như vậy. Người thực hành đối với pháp Phật cũng không thủ đắc. Hoặc muốn thực hành thì nên thực hành hạnh này, không pháp, không thấy, cũng không chỗ lo buồn.

Lại nữa, này Bồ Tát Câu Tỏa! Nếu có Bồ Tát muốn đạt được định này, thệ nguyện trọn đời không vì việc sinh tử mà bị nhiễm ô, mong cầu đạt được vô vi, không đối với thừa Thanh Văn, Duyên Giác mà cầu diệt độ.

Lại nữa, này Bồ Tát Câu Tỏa! Bồ Tát muốn đạt được định này, đầy đủ các đức thì nên học, hành trì giới cấm, cũng không nhớ nghĩ về phước hữu lậu, đức vô lậu, không tội, chẳng tội, không có, không không, không chấp, không xả, không đi.

Không đến, ở đời không độ đời, chưa từng nhớ nghĩ các pháp như vậy, bình đẳng nơi pháp giới, tin yêu các đức, có phước không phước, có thường không thường, có niệm không niệm, hoàn toàn không hội nhập vọng tưởng chấp trước.

Vì tất cả mọi người mà hội nhập vào các đức, không vì một người mà tạo lập phước đức, vì đức của một người mà hội nhập khắp chúng sinh, có phước hữu lậu, vô lậu, lại không phân biệt, không dùng giáo pháp này. Đức của tất cả Như Lai là đức của một Như Lai.

Nên suy nghĩ như vậy mới có thể giáo hóa, thuyết giảng pháp Chư Phật không có sai biệt. Nên tin hiểu như vậy, phước của bậc Hữu học, phước của bậc Vô học, phước của Thanh Văn, phước của Bồ Tát, phước của Đức Phật đều vô thường, không có hình sắc nên tin hiểu tất cả các phước đức đều là sự tụ họp.

Này Bồ Tát Câu Tỏa! Ví như các hình sắc đều có bốn đại, như vậy pháp của Bồ Tát đều độ chúng sinh đạt được giải thoát, phụng hành như vậy, làm hưng thịnh pháp vô thượng, vô tận.

Lại nữa, này Bồ Tát Câu Tỏa! Nếu có Bồ Tát muốn đạt được định ấy thì đối với bốn vô lượng không sợ hãi.

Thế nào là bốn?

Thế gian vô lượng, Cõi Phật vô lượng, trí tuệ Phật vô biên, việc làm của chúng sinh không có hạn lượng.

Lại nữa, này Bồ Tát Câu Tỏa! Bồ Tát muốn đạt được định này, thường nên khuyến khích trợ giúp bốn sự không thể nghĩ bàn, đó là: Tội phước báo ứng không thể nghĩ bàn, việc làm của chúng sinh không thể nghĩ bàn, nơi chỗ hướng đến không có sai khác, trí tuệ của Bồ Tát không thể nghĩ bàn, lực thần túc, môn giải thoát, chỗ hướng đến của Bồ Tát là không thể nghĩ bàn, chỗ sinh thanh tịnh, đó là bốn.

Này Bồ Tát Câu Tỏa! Bồ Tát nào đối với tam muội này thấy cùng tận nên thực hành bốn pháp, đó là: Đối với sự kiến lập ấy, Bồ Tát đạt được phước đức không cùng tận, đầy đủ các hạnh cũng không cùng tận, biện tài không ngăn ngại cũng không cùng tận, trí tuệ thông suốt cũng không cùng tận, đó là bốn.

Lại có bốn việc, đó là: Đối với giáo pháp siêng năng tích tập công đức không nhàm chán. Siêng năng thực hành, lắng nghe nhớ nghĩ, thuyết giảng Kinh Điển không nhàm chán. Siêng năng thực hành khuyến khích chúng sinh đạt được vô biên phước đức, quán thấy các Cõi Phật trang nghiêm hội nhập vào cõi ấy mà được thanh tịnh. Đó là bốn.

Bồ Tát Câu Tỏa hỏi Bồ Tát Văn Thù: Ví như lưu ly, ngọc báu minh nguyệt đặt vào trong các đồ dùng, hoặc để ở đồ dùng bằng vàng, bạc, thủy tinh, xa cừ thì tính chất của lưu ly, minh nguyệt bảo châu không mất tự nhiên.

Này Văn Thù! Nếu có Bồ Tát trụ nơi tam muội này, hoặc ở tại gia hoặc xuất gia, hoặc làm Sa Môn thì đối với pháp giới các hạnh tự nhiên không mất ba môn giải thoát.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần