Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Ba - Phẩm Vô Thường - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA NHẬP LĂNG GIÀ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường   

PHẨM BA

PHẨM VÔ THƯỜNG  

PHẦN BA  

Lúc bấy giờ Đại Huệ Bồ Tát đại hữu tình lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có lần Như Lai dạy rằng Lô Ca Gia Đà Lokàyatika. Thế luận nói các chú thuật mantrapratibhàna chỉ thu được tài lợi chứ không được pháp lợi, vì không được pháp lợi nên không đáng gần gũi thừa sự cúng dường.

Vì sao Thế Tôn dạy như vậy?

Phật dạy: Đại Huệ! Các luận văn của Lô Ca Gia Đà chỉ tô điểm lời văn làm mê cuồng kẻ phàm ngu, tùy thuận thế gian mà hư vọng nói, không đúng nghĩa, không xứng lý, không thể chứng nhập cảnh giới chân thật, không thể hiểu rõ hết thảy các pháp, thường sa vào nhị biên, tự mình đã mất chính đạo, lại còn khiến người khác mất, luân hồi qua các đường tà mãi mãi không ra được.

Vì sao?

Vì không hiểu các pháp do tâm hiện, chấp vào cảnh ngoài Tăng thêm phân biệt. Cho nên ta nói thế luận trau dồi câu, lời, lý lẽ, thí dụ, chỉ lừa bịp kẻ ngu, không thể giải thoát được các hoạn nạn sinh, già, bệnh, chết, sầu khổ.

Này Đại Huệ! Thích Đề Hoàn Nhân Indra rộng giải thích các luận, và chính ông cũng tạo nhiều bộ luận.

Kẻ Thế luận kia có một đệ tử hóa hiện làm thân con rồng đi đến cung Trời Đế Thích, rồi lập một luận tôn mệnh đề và thách Đế Thích rằng: Này Kiều Thi Ca, tôi cùng ông tranh luận, nếu ông thua, tôi sẽ phá xe một ngàn căm của ông, nếu tôi thua, tôi sẽ cắt hết những cái đầu của tôi để chịu phục. Nói xong, bèn dùng phương pháp biện luận đánh bại Đế Thích, phá xe một ngàn căm. Đế Thích phải trở xuống lại cõi thế.

Đại Huệ! Ngôn luận thế gian lokàyatika có đầy đủ nhân, dụ, đến có thể hiện hình làm rồng, dùng văn từ đẹp mà mê hoặc loài Trời cùng A Tu La, khiến họ chấp trước vào các kiến sinh, diệt v.v... huống chi là loài người. Bởi thế Đại Huệ, ông không nên thân cận thừa sự cúng dường, vì những kẻ kia có thể làm sinh nhân khổ.

Đại Huệ! Thế luận chỉ nói cảnh giới do thân chứng biết.

Này Đại Huệ! Thế luận có trăm ngàn câu lời, trong đời vị lai ác kiến trái nhau, tà chúng phân tán, tách ra thành nhiều bộ, mỗi bộ một lý thuyết riêng.

Đại Huệ! Không phải các ngoại đạo khác có thể lập giáo, chỉ có Lô Ca Gia dùng trăm ngàn câu, rộng nói vô lượng luận cứ reasonings sai biệt, không phải lý như thật. Lại chính họ cũng không biết đấy là Pháp làm mê hoặc thế nhân.

Khi ấy Đại Huệ Bồ Tát nói: Bạch Thế Tôn! Nếu các luận do Lô Ca Gia tạo đủ các văn tự nguyên nhân, thí dụ trau chuốt không phải là pháp như thật, chỉ do Lô Ca Gia chấp trước vào lý thuyết của mình, nếu luận ấy gọi là ngoại đạo thì Thế Tôn cũng có nói các sự việc thế gian.

Nghĩa là có dùng các món văn, câu, ngôn từ mà rộng nói cho chúng hội Trời, người ở khắp các cõi nước trong mười phương tụ đến, không phải là pháp của tự trí đã chứng được. Vậy thì Thế Tôn cũng nói đồng như ngoại đạo chăng.

Phật dạy: Đại Huệ Ta không dạy thế luận lokàyata cũng không dạy đến, đi. Ta nói các pháp không đến không đi.

Này Đại Huệ! Đến, ấy là nhóm tụ, sinh trưởng. Đi, ấy là diệt, không đến không đi, ấy tức là không sinh không diệt.

Vì sao?

Vì ta không chấp vào hữu vô của ngoại pháp, vì biết chỉ do tự tâm, không thấy hai thủ, không sinh phân biệt cảnh giới của các tướng, nhập vào pháp môn không, vô tướng, vô nguyện mà được giải thoát.

Đại Huệ! Ta nhớ có lần ta ở lại một nơi nào đó, có kẻ thế luận Bà La Môn đến, thốt nhiên hỏi ta: Cồ Đàm! Có phải hết thảy đều được tạo nên chăng?

Ta đáp: Này Bà La Môn, nếu hết thảy được tạo ấy là thế luận materialism đầu tiên.

Người ấy lại hỏi: Tất cả đều không được tạo chăng?

Ta đáp: Tất cả đều không được tạo, đây là thế luận thứ hai.

Người kia lại hỏi: Tất cả là thường chăng?

Vô thường chăng?

Sinh chăng?

Không sinh chăng?

Ta đáp: Đấy là thế luận thứ sáu.

Người kia lại hỏi: Tất cả là một chăng?

Là khác chăng?

Là cùng câu chăng?

Không cùng bất câu chăng?

Tất cả đều do các nhân duyên mà sinh chăng?

Ta đáp: Đó là thế luận thứ mười một.

Người kia hỏi nữa: Hết thảy đều có thể giải thích hữu ký Vyàktra chăng?

Có linh hồn chăng?

Có Thế Giới này chăng?

Không có Thế Giới này chăng?

Có giải thoát chăng?

Không có giải thoát chăng?

Tất cả đều là Sát Na chóng qua momentary chăng?

Không Sát Na chăng?

Hư Không, Niết Bàn cùng phi trạch diệt Aprati samkhyànirodha là được tạo tác chăng?

Không được tạo tác chăng?

Có trung hữu antãàbhava chăng?

Không có trung hữu chăng?

Ta đáp rằng: Này Bà La Môn, tất cả đó đều là thế luận của ông, không phải thuyết của ta.

Bà La Môn! Ta nói do các tập khí hý luận từ vô thỉ mà sinh ba cõi, không hiểu rõ chỉ do tự tâm thấy, còn ngoại pháp bị chấp thủ đó thật không thể nắm bắt bất khả đắc.

Theo thuyết ngoại đạo, thì linh hồn ngã, căn, cảnh cả ba hòa hiệp sinh. Ta không nói có nhân, cũng không nói không nhân, chỉ y theo năng thủ sở thủ của vọng tâm mà nói duyên khởi, không phải cái mà ông cùng những người thủ trước nơi linh hồn có thể hiểu thấu.

Đại Huệ! Hư không, Niết Bàn cùng phi trạch diệt chỉ có con số ba, vốn không có thể tính, huống nữa là nói tác cùng phi tác được tạo hay không được tạo.

Đại Huệ! Khi ấy người thế luận Bà La Môn lại hỏi ta rằng: Do vô minh, ái nghiệp làm nhân duyên mà có tam giới chăng?

Hay là không nhân chăng?

Ta đáp: Đấy hai câu ấy cũng là thế luận.

Này Bà La Môn! Cho đến có một chút gì động lưu phân biệt của tâm thức đối với ngoại cảnh đều là thế luận.

Này Đại Huệ! Khi ấy người Bà La Môn lại hỏi ta rằng: Có gì không phải là thế luận chăng?

Tất cả những luận từ các thứ văn, câu, nhân, dụ trau chuốt của ngoại đạo, không có gì là không do từ trong pháp của ta mà ra.

Ta đáp: Có. Không phải là những gì ông tin vào, chứ không phải là mọi người không chấp nhận. Không phải không nói tương tưng với các thứ văn các nghĩa lý, cũng không phải không tương ưng.

Người kia lại hỏi: Có một luận nào không phải là thế luận mà được thế gian chấp thuận chăng?

Ta nói: Có. Nhưng không phải là cái mà ông cùng hết thảy ngoại đạo có thể biết.

Vì sao?

Vì các ông hư vọng phân biệt, chấp trước sự vật bên ngoài. Nếu hiểu được các pháp hữu, vô đều do tự tâm thấy, không sinh phân biệt, không ôm giữ ngoại cảnh, an trú trong cảnh tự xứ, tự xứ trú thì không khởi phân biệt. Đấy là pháp ta, không thuộc về ngươi.

Này Bà La Môn! Nói tóm lại bất cứ chỗ nào tâm thức có qua, lại, diệt, sinh, có cầu mong, bám víu, đối với sự vật có tham ái, đối với quan điểm có chấp trước, đều là thế luận của ông, không phải pháp ta.

Này Đại Huệ! Kẻ thế luận Bà La Môn đã hỏi như thế, ta đã đáp như thế.

Người kia không hỏi ta về thật pháp của ta, mà im lặng bỏ đi, nghĩ như vậy: Sa Môn Cù Đàm không có gì đáng tôn trọng, nói hết thảy pháp không sinh không tướng không nhân không duyên, chỉ do tự tâm phân biệt thấy, nếu hiểu được như thế thì không sinh phân biệt.

Đại Huệ! Ông nay cũng hỏi ta nghĩa ấy: Vì sao một người gần gũi thế luận chỉ được tài lợi, không được pháp lợi Dharmasamgraha.

Đại Huệ bạch: Bạch Thế Tôn, tài và pháp mà Thế Tôn dạy ấy có nghĩa là gì?

Phật đáp: Hay lắm! Ông vì chúng sinh đời sau mà suy nghĩ nghĩa ấy. Ông hãy lắng nghe, lắng nghe. Ta sẽ nói cho ông. 

Đại Huệ này, tài là cái gì có thể sờ được, nhận được, cầm nắm ôm giữ được, nếm được, khiến người ta bám víu ngoại cảnh, sa vào nhị nguyên, Tăng trưởng tham ái, sinh lão bệnh tử buồn lo khổ não. Ta và Chư Phật gọi đó là tài lợi, do gần gũi thế luận mà thâm nhập.

Sao gọi là pháp lợi?

Ấy là hiểu rõ pháp chỉ là tâm, thấy được hai vô ngã, không nắm giữ tướng, không phân biệt. Biết rõ các giai đoạn tu hành, lìa tâm, ý, thức, được Chư Phật lấy nước Cam Lộ rưới đầu, nhận và làm đầy đủ mười nguyện vô tận, được tự tại đối với tất cả pháp, đấy gọi là pháp lợi, vì không sa vào kiến chấp, hý luận, phân biệt nhị nguyên.

Này Đại Huệ! Thế luận của ngoại đạo khiến kẻ ngu sa vào hai bên là thường và đoạn.

Chấp nhận thuyết vô nhân Ahetuvàda là thường kiến Sàsvatadrsti.

Cho rằng các nhân đều hoại diệt là đoạn kiến ucchedadrsti. Không thấy có sinh trú diệt, ta gọi là được pháp lợi.

Đấy là sự khác nhau giữa tài và pháp. Ông cùng các Bồ Tát đại hữu tình hãy siêng quán sát.

Thế Tôn lại nói bài tụng:

Điều phục, nhiếp chúng sinh

Lấy giới hàng phục ác

Trí tuệ diệt kiến chấp

Giải thoát được tăng trưởng

Các tà thuyết ngoại đạo

Đều là luận thế gian

Vọng chấp tác, sở tác

Không thể tự chứng thành

Chỉ có thuyết của ta

Không chấp trước năng, sở

Nói ra cho đệ tử

Để chúng lìa thế luận

Pháp năng thủ, sở thủ

Ngoài tâm không thể có

Cả hai do tâm hiện

Đoạn, thường bất khả đắc

Chỉ một mảy động tâm

Đó đều là thế luận

Người không khởi phân biệt

Mới thấy rõ tự tâm

Đến là do thấy có

Đi là do thấy không

Hiểu thấu rõ đến, đi

Không khởi sinh phân biệt

Hữu thường cùng vô thường

Được tạo, không được tạo

Cõi này và cõi khác

Đều là pháp thế gian.

Đại Huệ Bồ Tát đại hữu tình lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn, những pháp gì là Niết Bàn mà các ngoại đạo phân biệt?

Phật dạy: Đại Huệ! Niết Bàn theo các ngoại đạo phân biệt đều không phù hợp với tướng của Niết Bàn. Ông hãy lắng nghe, ta sẽ nói.

Đại Huệ! Hoặc có ngoại đạo nói: Thấy các pháp vô thường nên không tham cảnh giới, uẩn giới xứ đều diệt, tâm tâm sở không hiện ra, không nhớ nghĩ cảnh quá, hiện, vị lai, như ngọn đèn tắt, như hạt giống hoại, như lửa đã tàn, không ôm giữ không dính mắc, không sinh các phân biệt... cho đó là Niết Bàn.

Này Đại Huệ! Không phải vì thấy hoại mà gọi là Niết Bàn. Có người cho rằng Niết Bàn là đi đến một nơi khác, chỗ lìa cái tưởng về cảnh giới, như gió ngừng lại.

Có người cho rằng Niết Bàn là không thấy có người biết và pháp bị biết. Có người cho rằng Niết Bàn là không khởi kiến chấp phân biệt thường, vô thường.

Có người lại bảo: Phân biệt các tướng làm phát sinh ra khổ, mà không biết tướng do tự tâm hiện. Vì không biết nên sợ hãi tướng, cầu cái vô tướng, sinh ham thích sâu xa cái vô tướng, chấp đó là Niết Bàn.

Có người biết rõ các pháp nội, ngoại tự tướng cọng tướng trong quá khứ, hiện tại, vị lai đều có tự tính không hoại diệt, tưởng đó là Niết Bàn.

Có người chấp rằng ta, người, chúng sinh và thọ mạng cùng hết thảy pháp không có gì hoại diệt, tưởng đấy là Niết Bàn.

Lại có hàng ngoại đạo không trí tuệ, chấp có thần ngã Prakti, primary substance, sĩ phu supreme soul, thật, câu na guna xoay vần biến hóa làm ra muôn vật. Cho đó là Niết Bàn. Lại có ngoại đạo cho Niết Bàn là chấm dứt phước cùng phi phước.

Có kẻ chấp không do trí tuệ mà các phiền não dứt. Có kẻ chấp tự tại Isvara là đấng tác giả chân thật, là Niết Bàn.

Có kẻ chấp chúng sinh xoay vần sinh lẫn nhau, cho đó là nhân, ngoài ra không có nhân khác.Vì những kẻ ngu không hiểu rõ nên chấp đấy là Niết Bàn. Có kẻ chấp rằng đạt đến đúng đường ấy là Niết Bàn.

Có kẻ chấp Niết Bàn là khi có sự hòa hiệp giữa Câu na và chủ tể của câu na, giữa tính một và khác, cùng và không cùng. Có kẻ chấp mọi vật do tự nhiên sinh Suz.

Dịch: Có kẻ cho Niết Bàn là thấy mọi vật đều tồn tại do bản chất của riêng chúng.

Như sắc lông sặc sỡ của chim khổng tước, hay cái bén nhọn của gai góc, hay chỗ sinh báu vật thì có các thứ báu, những vật như vậy do ai tạo đâu?

Liền chấp tự nhiên sinh, lấy đó làm Niết Bàn. Hoặc chấp hiểu rõ hai năm đế tattvas là được Niết Bàn. Lại có kẻ nói giữ được sáu hạnh gìn giữ chúng sinh là được Niết Bàn.

Lại có người cho rằng thời sinh ra thế gian, vậy thời tức là Niết Bàn. Hoặc chấp các vật có là Niết Bàn, hoặc chấp không vật là Niết Bàn, lại có kẻ chấp mọi vật hữu, vô đều là Niết Bàn, hoặc chấp các vật và Niết Bàn không khác nhau, đấy là Niết Bàn.

Này Đại Huệ! Lại có những người nói khác với những gì ngoại đạo nói, dùng nhất thiết trí và âm thanh của sư tử rống mà nói, hiểu thấu được cảnh duy tâm, không giữ cảnh ngoài, xa lìa bốn cú àtuskotika, an trú nơi như thật yathàbhùta.

Không sa vào nhị nguyên, lìa năng thủ sở thủ, không rơi vào các lượng đo lường, không bám trước chân thật, an trú nơi pháp hiện chứng của Thánh trí, ngộ hai vô ngã.

Lìa hai phiền não, sạch hai chướng, lần lượt tu các địa Bồ Tát, nhập vào Phật địa, được các định như huyễn v.v... vĩnh viễn siêu việt tâm, ý, ý thức gọi là được Niết Bàn.

Này Đại Huệ! Những ngoại đạo kia chấp trước hư vọng, không đúng lý, chấp những điều mà bậc trí lìa bỏ, đều là đọa vào hai bên mà tưởng Niết Bàn.

Nơi đây không ở không ra, ngoại đạo kia đều do thuyết của mình mà sinh vọng giác, trái ngược với lý, không thành cái gì. Chỉ khiến tâm ý dong ruỗi qua lại tán loạn, rốt ráo không được Niết Bàn. Ông và các Bồ Tát nên xa lìa.

Thế Tôn nói bài tụng:

Ngoại đạo nói Niết Bàn

Mỗi mỗi đều sai biệt

Đấy chỉ là vọng tưởng

Không phải phương giải thoát

Xa lìa các phương tiện

Không đến cảnh vô phược

Vọng sinh tưởng giải thoát

Mà thật không giải thoát

Các thuyết của ngoại đạo

Đều chấp thủ khác nhau

Họ không được giải thoát

Ngu si vọng phân biệt

Hết thảy ngoại đạo si

Vọng thấy tác, sở tác

Chấp trước luận hữu vô

Nên không được giải thoát

Phàm ngu ưa phân biệt

Không sinh trí chân thật

Ngôn thuyết gốc ba cõi

Chân thật nhân diệt khổ

Thí như bóng trong gương

Chỉ hiện mà không thực

Trong tập khí, gương tâm

Phàm ngu thấy có hai

Không hiểu duy tâm hiện

Nên khởi hai phân biệt

Nếu biết chỉ là tâm

Thì phân biệt không sinh

Tâm tức là các tướng

Nhưng lìa tướng, sở tướng

Như kẻ ngu phân biệt

Tuy thấy mà không thấy

Ba cõi do phân biệt

Ngoại cảnh toàn không có

Vọng tưởng hiện các thứ

Kẻ phàm ngu không biết

Các Kinh nói khác nhau

Chỉ khác trên danh tự

Nhưng lìa nơi ngữ ngôn

Thì không thể nắm nghĩa.

Bấy giờ Đại Huệ Bồ Tát đại hữu tình lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn giảng cho con tính tự giác của Như Lai Tathàgata, Ứng Chánh Đẳng Giác, khiến con cùng các Bồ Tát đại hữu tình hiểu rành rẽ rồi tự giác ngộ, giúp người giác ngộ.

Phật dạy: Đại Huệ! Như ông hỏi, ta sẽ nói cho ông.

Đại Huệ nói: Vâng, bạch Thế Tôn! Đấng Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác là được tạo thành hay không được tạo thành, là quả hay nhân, là tướng predicating hay là sở tướng predicated.

Là thuyết hay sở thuyết, là giác hay sở giác... tất cả những điều ấy, Như Lai đều như thế hay đều không như thế?

Phật dạy: Đại Huệ! Đấng Như Lai ứng Chánh Đẳng Giác không phải tác created cũng không phải phi tác, không phải quả không phải nhân, không phải tướng không phải sở tướng, không phải thuyết không phải sở thuyết, không phải giác không phải sở giác.

Vì sao?

Vì những điều như thế đều bị mắc vào lỗi nhị nguyên.

Này Đại Huệ! Nếu Như Lai là được tạo thành tác tức là vô thường, nếu vô thường thì hết thảy pháp được tạo tác đều là Như Lai cả, điều ấy ta cùng Chư Phật không chấp nhận.

Nếu Như Lai không được tạo tác tức là không có thể tính, thì hóa ra tất cả những phương tiện tu hành để chứng quả thành không, vô ích, giống như sừng thỏ, con của thạch nữ, vì không do nhân tạo thành.

Nếu không phải nhân không phải quả tức không có không không. Nếu không có không không tức vượt ngoài tứ cú. Nói tứ cú nghĩa là chỉ thuận theo thế gian mà có ngôn thuyết. Nếu vượt ngoài tứ cú, chỉ có ngôn thuyết mà thôi thì khác nào con của thạch nữ.

Đại Huệ! Con của thạch nữ chỉ có ngôn thuyết không ở trong tứ cú, vì không ở trong tứ cú nên không thể suy lường. Những người có trí tuệ nên biết như vậy đối với nghĩa của tất cả những lập luận về Như Lai.

Này Đại Huệ! Như Lai có nói các pháp là vô ngã niràtmànah sarvadharmàh, vì trong các pháp không có tính ngã nên nói là vô ngã, chứ không phải là không có tự tính các pháp. Nên biết những cú nghĩa về Như Lai cũng thế.

Này Đại Huệ! Thí như trâu không có tính ngựa, ngựa không có tính trâu, chứ không phải là không có tự tính. Hết thảy các pháp cũng vậy. Không có tự tướng, không có mà có phi phi hữu tức hữu, không phải là chỗ phàm phu có thể biết.

Vì sao không biết?

Vì phân biệt vậy. Hết thảy pháp không sinh, hết thảy pháp không tự tính, tất cũng như vậy.

Này Đại Huệ! Như Lai và uẩn không khác, không không khác. Nếu không khác tức vô thường, vì các uẩn là được tạo. Nếu khác thì như hai sừng trâu có chỗ khác và cũng có chỗ không khác vậy. Vì hai sừng trông giống nhau nên không khác, cái ngắn cái dài nên có khác.

Như sừng bên phải khác sừng bên trái, sừng trái khác sừng phải, ngắn dài không đồng sắc tướng cũng khác, nhưng cũng không khác. Uẩn, giới xứ v.v... cũng vậy, hết thảy pháp đều như vậy.

Đại Huệ! Như Lai ấy là y chỗ giải thoát mà nói, Như Lai và giải thoát không khác cũng không không khác. Nếu khác, thì Như Lai tức tương ưng với sắc tướng, mà tương ưng sắc tướng tức là vô thường.

Nếu không khác, thì lẽ ra không thấy các sai biệt trong những người tu hành nhưng thật thì có sai biệt, nên không phải là không khác.

Trí và sở tri cái biết và pháp được biết cũng thế, không khác cũng không không khác. Nếu không khác không không khác tức là không phải thường cũng không phải vô thường, không phải tác, không sở tác, không phải hữu vi cũng không phải vô vi, không phải giác không phải sở giác.

Không phải tướng không phải sở tướng, không phải uẩn không phải khác uẩn, không phải thuyết không phải sở thuyết, không phải một không phải khác, không phải cùng nhau không phải không cùng nhau.

Vì nghĩa ấy nên siêu việt hết thảy suy lường. Vì siêu việt suy lường nên chỉ có trên danh tự, vì chỉ có trên danh tự nên không có sinh, vì không có sinh nên không có diệt, vì không có diệt nên như hư không.

Này Đại Huệ! Hư không không phải tác nhân cũng không phải sở tác quả. Vì không phải nhân không phải quả nên xa lìa phan duyên Niràlambya, vì xa lìa phan duyên nên vượt ra ngoài hết thảy những pháp hí luận.

Vượt ngoài hết thảy pháp hý luận ấy là Như Lai. Như Lai chính là thể Chánh Đẳng Giác. Chánh Đẳng Giác ấy là viễn ly tất cả căn, cảnh giới.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần