Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Ba - Phẩm Hành Không - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH QUANG TÁN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BA

PHẨM HÀNH KHÔNG  

TẬP HAI  

Này Xá Lợi Phất! Đó là Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, như thế mới nên hành.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật thì không chẳng chống trái với không, không chẳng cùng hành với không. Chống trái với vô tướng, vô tướng không cùng hành với vô tướng.

Vô nguyện không chống trái với vô nguyện, vô nguyện không cùng hành với vô nguyện. Không chẳng tương ưng với không, vô tướng chẳng tương ưng với vô tướng, vô nguyện chẳng tương ưng với vô nguyện.

Vì sao?

Vì Không thì không có hành nào mà không hành, vô tướng thì không có hành nào mà không hành, vô nguyện thì không có hành nào mà không hành. Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật có thể hành như thế mới gọi là hành.

Đức Phật nói với Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật thì tướng tự nhiên của các pháp đều đắc không, đã đắc không rồi không tranh với sắc, cũng không chỗ hành, không tranh với thọ, tưởng, hành, thức, cũng không chỗ hành. Không tranh với sắc quá khứ, cũng không thấy sắc quá khứ.

Không tranh với sắc vị lai, cũng không thấy sắc vị lai. Không tranh với sắc hiện tại, cũng không thấy sắc hiện tại. Không tranh với thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, cũng không tranh với thọ, tưởng, hành, thức vị lai và hiện tại, thì cũng không thấy thọ, tưởng, hành, thức quá khứ, vị lai và hiện tại.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật không tranh với quá khứ, vị lai. Không tranh với vị lai, quá khứ. Không tranh với hiện tại, quá khứ, vị lai. Không tranh với quá khứ, vị lai, hiện tại, không thấy ba đời cùng với không hành bát nhã Ba la mật. Hành như thế mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật nên hành như đã hành như thế, không hành sự tranh tụng với trí nhất thiết quá khứ, cũng không thấy trí nhất thiết quá khứ ở đâu thì đâu có hành sự tranh tụng với trí nhất thiết quá khứ?

Không hành sự tranh tụng với trí nhất thiết vị lai, cũng không có chỗ hành, cũng không thấy trí nhất thiết vị lai thì đâu có hành sự tranh tụng với trí nhất thiết vị lai?

Cũng không hành sự tranh tụng với trí nhất thiết hiện tại, cũng không thấy trí nhất thiết hiện tại thì đâu có hành sự tranh tụng với trí nhất thiết hiện tại?

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, không hành trí nhất thiết của sắc, cũng không thấy trí nhất thiết của sắc. Không hành trí nhất thiết của thọ, tưởng, hành, thức, cũng không thấy trí nhất thiết của thọ, tưởng, hành, thức.

Không hành trí nhất thiết của nhãn, cũng không thấy trí nhất thiết của nhãn. Không hành trí nhất thiết của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng không thấy trí nhất thiết của nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Không hành trí nhất thiết của sắc, cũng không thấy sắc, cũng không hành trí nhất thiết của thanh, hương, vị, xúc, pháp, cũng không hiện khởi.

Đức Phật nói với Xá Lợi Phất: Hành bát nhã Ba la mật như thế mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật cũng không tuân theo trí nhất thiết của thí Ba la mật, cũng không thấy thí Ba la mật. Giới Ba la mật, nhẫn Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền Ba la mật cũng lại như thế.

Cũng không hành trí nhất thiết của bát nhã Ba la mật, cũng không thấy trí nhất thiết của bát nhã Ba la mật. Cũng không tuân theo trí nhất thiết của bốn ý chỉ, cũng không thấy trí nhất thiết của bốn ý chỉ.

Cũng không tuân theo trí nhất thiết của bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo, cũng không tuân theo trí nhất thiết của mười loại phương tiện, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện.

Mười tám pháp Bất cộng của Phật, cũng không thấy trí nhất thiết của bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám Thánh Đạo, mười loại phương tiện, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, cũng không thấy các pháp lực trí nhất thiết của Như Lai. Hành bát nhã Ba la mật như thế mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật không hành trí nhất thiết của Phật, Phật cũng không hành trí nhất thiết. Không hành trí nhất thiết của đạo, đạo cũng không hành trí nhất thiết.

Vì sao?

Vì Phật tức là trí nhất thiết, trí nhất thiết tức là Phật. Đạo tức là trí nhất thiết, trí nhất thiết tức là đạo. Mười lực, bốn vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của Phật cũng lại như thế.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Hành bát nhã Ba la mật, có thể hành như thế mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật không hành cái có của sắc, cũng không hành cái không có của sắc. Không hành cái có của thọ, tưởng, hành, thức, cũng không hành cái không có của thọ, tưởng, hành, thức. Không chấp cái thường của sắc, cũng không chấp cái vô thường của sắc.

Không chấp cái khổ của sắc, không chấp cái vui của sắc. Không chấp cái ngã của sắc, không chấp cái vô ngã của sắc. Năm ấm, sáu suy, cũng lại như vậy. Không chấp năm ấm là không hay chẳng không, không chấp năm ấm là có tướng hay vô tướng, không chấp năm ấm là hữu nguyện hay vô nguyện.

Khi hành bát nhã Ba la mật, Bồ Tát nghĩ: Việc tu hành của ta hôm nay cũng không có sự lãnh thọ, cũng không có cái để hành, cũng không có đối tượng nắm bắt, không có tu hành, cũng không không tu hành, không có thọ, cũng không phải không thọ, không có nắm bắt, cũng không phải không nắm bắt.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật mà có thể hành như thế mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, không dùng thí Ba la mật, giới Ba la mật, nhẫn Ba la mật, tinh tấn Ba la mật, thiền Ba la mật mà hành bát nhã Ba la mật. Không dùng địa vị không thoái chuyển để giáo hóa chúng sinh mà hành bát nhã Ba la mật.

Không dùng việc làm thanh tịnh Cõi Phật mà hành bát nhã Ba la mật. Không dùng mười Lực của Như Lai mà hành bát nhã Ba la mật. Không dùng bốn Vô sở úy, bốn phân biệt biện, mười tám pháp Bất cộng của Phật mà hành bát nhã Ba la mật.

Không dùng pháp cứu cánh không, không dùng pháp nội không, không dùng pháp ngoại không, không dùng pháp nội ngoại không, không dùng pháp không không, không dùng pháp đại không, không dùng pháp chân không, không dùng pháp hữu vi không, không dùng pháp vô vi không, không dùng pháp cứu cánh không.

Không dùng pháp không phẩm không, không dùng pháp bản tịnh không, không dùng pháp tự nhiên tướng không, không dùng pháp nhất thiết pháp không, không dùng pháp không không khởi, không dùng pháp không không diệt, không dùng pháp không vô hình, không dùng pháp không tự nhiên, không dùng pháp không hữu hình vô hình, không dùng vô bổn, không dùng pháp giới, không dùng bản tế mà hành bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Vì khi Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, đối với các pháp không có sự phá hoại cũng không có sở kiến.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, không dùng thần túc mà hành bát nhã Ba la mật, không dùng thiên nhãn, không dùng thiên nhĩ, không dùng tha tâm thông, không dùng túc mạng thông mà hành bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Vì khi hành bát nhã Ba la mật cũng không thấy bát nhã Ba la mật, huống là thấy các thần thông của Bồ Tát! Hành bát nhã Ba la mật mà hành được như thế mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Khi Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, tâm không nghĩ: Ta sẽ dùng thần túc đi đến hằng hà sa Thế Giới ở phương Đông để yết kiến lễ bái chư Như Lai.

Cũng không tự nghĩ: Đến tám phương, trên, dưới, cũng giống như vậy, không có gì sai khác. Hành bát nhã Ba la mật mà có thể hành như vậy mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, không tự nghĩ: Pháp mà Chư Phật Thế Tôn Giảng thuyết, ta sẽ dùng thiên nhĩ nghe hết, ta sẽ quán sát thấy những điều mà tâm chúng sinh nghĩ, sẽ nhớ đời sống trong quá khứ. Ta dùng Thiên Nhãn thấy các chúng sinh ngay nơi họ ở.

Đức Phật dạy: Hành bát nhã Ba la mật mà có thể hành như thế mới là hành.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Người hành như vậy thì độ thoát được vô số các loài chúng sinh không thể kể xiết. Đại Bồ Tát có thể như thế thì ma và quyến thuộc không thể thuận tiện. Lại nữa, nhân dân các Thế Giới khác nhìn thấy và xa nghe đức của Bồ Tát đều làm lễ.

Lại nữa, Thế Tôn ở hằng hà sa Thế Giới Chư Phật ở phương Đông, Thế Giới Chư Phật tám phương, trên, dưới đều ủng hộ Bồ Tát ấy, không bao giờ để rơi vào địa Thanh Văn, Bích Chi Phật. Bốn vị Thiên vương cho đến Trời A Ca Nị Tra đều ủng hộ vị Đại Bồ Tát ấy, không cần phải cầu tìm mà được sự thuận tiện. Khởi phát làm việc gì sẽ làm được, được phước hiện tại.

Vì sao?

Vì dùng tâm từ hướng đến chúng sinh.

Như vậy, này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật mà có thể hành như thế mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật dùng chút ít lao nhọc đắc môn tổng trì và môn Tam Muội, mau chóng gần gũi Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác này, sinh ra bất cứ ở đâu cũng thường gặp Phật, không rời Chư Phật, cho đến khi thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Đức Phật dạy: Hành bát nhã Ba la mật mà có thể hành như thế mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, không tự nghĩ: Chắc chắn là có các pháp. Đã gọi là pháp thì tất cả là ứng hợp hoặc không ứng hợp, là bình đẳng hay không bình đẳng.

Vì sao?

Vì khi ấy hành giả không thấy các pháp nên hoặc không nên hành hoặc không hành, bình đẳng hoặc không bình đẳng!

Đức Phật dạy: Hành bát nhã Ba la mật mà có thể hành như thế mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, không tự nghĩ: Ta sẽ mau chóng hiểu rõ cảnh giới các pháp, cho đến thành Phật, cũng không thành Phật.

Vì sao?

Vì đạt đến cảnh giới của pháp cũng không có cái giác. Hành bát nhã Ba la mật mà có thể hành như vậy mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật không thấy các pháp và pháp giới có các tật bệnh cùng rỗng lặng. Hành bát nhã Ba la mật mà có thể như thế mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, không tự nghĩ các pháp và pháp giới có biết bao sự khác biệt, không thể kể xiết. Hành bát nhã Ba la mật mà có thể hành như vậy mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, không tự nghĩ đây là các pháp và cùng với pháp giới, quán cùng chẳng quán, thấy cùng chẳng thấy.

Vì sao?

Vì vị ấy không quán thấy các pháp sở hữu có thể giữ gìn, các pháp có thể phân biệt vậy. Hành bát nhã Ba la mật mà có thể hành như thế mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, không nghĩ pháp giới lo hành việc không, việc không không lo pháp giới. Hành bát nhã Ba la mật mà có thể hành như thế mới là hành.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật, không nghĩ nhãn giới là không của không, cũng không lo nhãn giới. Sắc không lo không, không không lo sắc. Sắc Giới không lo không, không giới không lo sắc. Nhãn thức giới không lo không, thức giới không lo không của nhãn thức.

Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng vậy. Tâm giới không lo không, không giới không lo tâm. Pháp giới không lo không, không giới không lo pháp. Thức giới không lo không, không giới không lo thức.

Đức Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Đó là đệ nhất hành, gọi là hành không.

Đại Bồ Tát có thể hành không thì không rơi vào địa Thanh Văn, Bích Chi Phật, có thể làm thanh tịnh Cõi Phật, khai hóa chúng sinh, mau chóng đạt quả Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Kể các hành về bát nhã Ba la mật thì hành bát nhã Ba la mật là hành tôn quý hơn hết, là lâu dài, là trên hết, là không đáy, là không sánh bằng.

Vì sao?

Vì hành bát nhã Ba la mật là hành vô thượng, là hành không, vô tướng, vô nguyện. Đại Bồ Tát nên hành như thế, nên giữ gìn như thế thì mau được đến gần chỗ thọ ký. Đại Bồ Tát mà hành hạnh này thì khai hóa cứu độ làm lợi ích cho vô số chúng sinh chẳng thể kể xiết.

Nếu không nghĩ là ta hành bát nhã Ba la mật thì Chư Phật Thế Tôn sẽ thọ ký. Cũng không nghĩ là ta gần được thọ ký, ta sẽ làm thanh tịnh Cõi Phật và sẽ được thành Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, sẽ chuyển pháp luân.

Vì sao?

Vì vị hành giả ấy không chấp trước pháp giới, cũng không ở trong tịch tĩnh, không thấy pháp nào khác, chỉ hành bát nhã Ba la mật. Không chấp trước là Chư Phật Thiên Trung Thiên thọ ký cho ta chứng đắc quả Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật không khởi tưởng nhân, không khởi tưởng ngã, không khởi tưởng thọ, không khởi tưởng chúng sinh, không khởi tưởng tri kiến.

Vì sao?

Vì nói về ngã, chúng sinh thì không khởi, không diệt, lại nói về nhân thì vốn không khởi, không diệt.

Với cái không khởi không diệt ấy, chỗ nào hành bát nhã Ba la mật?

Đại Bồ Tát là người có thể hành như thế, không khởi sở thuộc, là hành bát nhã Ba la mật. Chúng sinh là không, chúng sinh không đắc, chúng sinh tĩnh lặng là hành bát nhã Ba la mật.

Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tu theo không là hạnh đệ nhất.

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật mà có thể hành như thế thì có thể siêu vượt tất cả các hành, đặt mình vào chỗ đáng làm theo là hành đại từ, hành đại bi. Đại Bồ Tát hành pháp này thì không bao giờ khởi tâm tham lam, ganh ghét, không có tâm hủy giới, không có tâm sân hận, không có tâm lười biếng, không có tâm tán loạn, không có tâm tà trí.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần