Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Ly Thế Gian - Phần Mười
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHƯƠNG
QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM BA MƯƠI TÁM
PHẨM LY THẾ GIAN
PHẦN MƯỜI
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười điều tịnh tu ngữ nghiệp:
Tịnh tu ngữ nghiệp, thích lắng nghe âm thanh của Đức Như Lai.
Tịnh tu ngữ nghiệp, thích nghe nói công đức của Bồ Tát.
Tịnh tu ngữ nghiệp, chẳng nói những lời mà tất cả chúng sanh chẳng thích nghe.
Tịnh tu ngữ nghiệp, chân thiệt xa lìa bốn lỗi lầm của lời nói.
Tịnh tu ngữ nghiệp, hoan hỷ hớn hở tán thán Như Lai.
Tịnh tu ngữ nghiệp, ở chỗ Tháp Như Lai to tiếng khen ngợi công đức như thiệt của Chư Phật.
Tịnh tu ngữ nghiệp, dùng tâm thâm tịnh ban bố chánh pháp cho chúng sanh.
Tịnh tu ngữ nghiệp, âm nhạc ca tụng tán thán Đức Như Lai.
Tịnh tu ngữ nghiệp, ở chỗ Chư Phật lắng nghe chánh pháp chẳng tiếc thân mạng.
Tịnh tu ngữ nghiệp, xả thân thừa sự tất cả Bồ Tát và các Pháp Sư để lãnh thọ diệu pháp.
Nếu Đại Bồ Tát đem mười việc này để tịnh tu ngữ nghiệp thời được mười điều thủ hộ:
Ðược Thiên Vương cầm đầu cùng tất cả Thiên chúng thủ hộ.
Ðược Thiên Vương cầm đầu cùng tất cả Long chúng thủ hộ.
Ðược Dạ Xoa Vương cầm đầu cùng tất cả chúng Dạ Xoa thủ hộ.
Ðược Càn Thát Bà Vương cầm đầu cùng tất cả chúng Càn Thát Bà thủ hộ.
Ðược A Tu La Vương cầm đầu, Ca Lâu La Vương cầm đầu, Khẩn Na La Vương cầm đầu, Ma Hầu La Già Vương cầm đầu, Phạm Vương cầm đầu. Mỗi Vương đều cùng chúng của mình để thủ hộ Bồ Tát này.
Ðược Như Lai Pháp Vương cầm đầu, tất cả Pháp Sư thảy đều thủ hộ.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát được sự thủ hộ này rồi thời có thể thành tựu mười đại sự:
Tất cả chúng sanh đều làm cho hoan hỷ.
Tất cả Thế Giới đều có thể qua đến.
Tất cả căn tánh đều có thể rõ biết.
Tất cả thắng giải đều làm cho thanh tịnh.
Tất cả phiền não đều làm cho đoạn trừ.
Tất cả tập khí đều làm cho xả ly.
Tất cả dục lạc đều làm cho sáng sạch.
Tất cả thâm tâm đều làm cho tăng trưởng.
Tất cả pháp giới đều làm cho cùng khắp.
Tất cả Niết Bàn khắp làm cho thấy rõ.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười tâm:
Tâm như đại địa, vì có thể gìn có thể lớn những thiện căn của tất cả chúng sanh.
Tâm như đại hải, vì tất cả Chư Phật vô lượng vô biên đại trí pháp thủy đều chảy vào.
Tâm như Tu Di Sơn Vương, vì đặt tất cả chúng sanh nơi chỗ thiện căn xuất thế gian vô lượng.
Tâm như Ma Ni bửu vương, vì lạc dục thanh tịnh không tạp nhiễm.
Tâm như Kim Cang, vì quyết định thâm nhập tất cả pháp.
Tâm như Kim Cang vi sơn, vì chư ma ngoại đạo chẳng có thể động.
Tâm như Liên Hoa, vì tất cả thế pháp chẳng nhiễm được.
Tâm như hoa ưu đàm bát, vì trong tất cả kiếp khó gặp gỡ.
Tâm như tịnh nhật, vì có thể phá trừ chướng tối tăm.
Tâm như hư không, vì chẳng lường được.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được tâm đại thanh tịnh vô thượng của Như Lai.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thứ phát tâm:
Phát tâm: Tôi sẽ độ thoát tất cả chúng sanh.
Phát tâm: Tôi sẽ làm cho tất cả chúng sanh dứt trừ phiền não.
Phát tâm: Tôi sẽ làm cho tất cả chúng sanh tiêu diệt tập khí.
Phát tâm: Tôi sẽ dứt trừ tất cả tâm nghi hoặc.
Phát tâm: Tôi sẽ diệt trừ khổ não cho tất cả chúng sanh.
Phát tâm: Tôi sẽ trừ diệt tất cả ác đạo chư nạn.
Phát tâm: Tôi sẽ kính thuận tất cả Như Lai.
Phát tâm:Tôi sẽ khéo học tất cả sở học của Bồ Tát.
Phát tâm: Tôi sẽ ở chỗ mỗi đầu lông trong tất cả thế gian thị hiện tất cả Phật thành Chánh Giác.
Phát tâm: Tôi sẽ ở nơi tất cả Thế Giới đánh đại pháp cổ làm cho các chúng sanh tùy theo căn dục của họ đều được ngộ hiểu.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được tâm đại phát khởi năng sự vô thượng của Như Lai.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười tâm cùng khắp:
Tâm cùng khắp tất cả hư không, vì phát ý rộng lớn.
Tâm cùng khắp tất cả pháp giới, vì thâm nhập vô biên.
Tâm cùng khắp tất cả Tam Thế, vì một niệm đều biết rõ.
Tâm cùng khắp tất cả Phật xuất hiện, vì đều biết rõ nơi nhập thai, giáng sanh, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết Bàn.
Tâm cùng khắp tất cả chúng sanh, vì biết rõ căn dục tập khí.
Tâm cùng khắp tất cả trí huệ, vì tùy thuận biết rõ pháp giới.
Tâm cùng khắp tất cả vô biên, vì biết những huyễn vọng sai biệt.
Tâm cùng khắp tất cả vô sanh, vì các pháp tự tánh bất khả đắc.
Tâm cùng khắp tất cả vô ngại, vì chẳng trụ tự tâm tha tâm.
Tâm cùng khắp tất cả tự tại, vì một niệm khắp hiện thành Phật.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được vô lượng Phật Pháp vô thượng cùng khắp trang nghiêm.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười căn:
Hoan hỷ căn, vì thấy tất cả Phật lòng tin chẳng hư hoại.
Hy vọng căn, vì những Phật Pháp đã nghe đều tỏ ngộ tất cả.
Bất thối căn, vì tất cả tác sự đều rốt ráo.
An trụ căn, vì chẳng dứt tất cả Bồ Tát hạnh.
Vi tế căn, vì nhập lý vi diệu bát nhã Ba la mật.
Bất hưu tức căn, vì rốt ráo sự việc tất cả chúng sanh.
Như Kim Cang căn, vì chứng biết tất cả những pháp tánh.
Kim Cang quang diệm căn, vì chiếu khắp tất cả Phật cảnh giới.
Vô sai biệt căn, vì tất cả Như Lai đồng một thân.
Vô ngại tế căn, vì thâm nhập mười trí lực của Như Lai.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được căn đại trí viên mãn vô thượng của Như Lai.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thâm tâm:
Thâm tâm chẳng nhiễm tất cả pháp thế gian.
Thâm tâm chẳng tạp tất cả đạo nhị thừa.
Thâm tâm thấu rõ tất cả Phật bồ đề.
Thâm tâm tùy thuận đạo nhất thiết chủng trí.
Thâm tâm chẳng bị tất cả chúng ma ngoại đạo làm động.
Thâm tâm tịnh tu trí viên mãn của tất cả Như Lai.
Thâm tâm thọ trì tất cả pháp đã được nghe.
Thâm tâm chẳng nhiễm trước tất cả chỗ thọ sanh.
Thâm tâm đầy đủ tất cả trí vi tế.
Thâm tâm tu tất cả Phật Pháp.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được thâm tâm thanh tịnh nhất thiết trí vô thượng.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thâm tâm tăng thượng:
Thâm tâm tăng thượng bất thối chuyển, vì chứa nhóm tất cả thiện căn.
Thâm tâm tăng thượng rời nghi hoặc, vì hiểu mật ngữ của tất cả Như Lai.
Thâm tâm tăng thượng chánh trì, vì đại nguyện đại hạnh lưu xuất.
Thâm tâm tăng thượng tối thắng, vì thâm nhập tất cả Phật Pháp.
Thâm tâm tăng thượng làm chủ, vì tất cả Phật Pháp đều tự tại.
Thâm tâm tăng thượng quảng đại, vì vào khắp tất cả pháp môn.
Thâm tâm tăng thượng thượng thủ, vì tất cả việc làm đều thành tựu.
Thâm tâm tăng thượng tự tại, vì tất cả tam muội thần thông biến hóa trang nghiêm.
Thâm tâm tăng thượng an trụ, vì nhiếp thọ bổn nguyện.
Thâm tâm tăng thượng không thôi nghỉ, vì thành thục tất cả chúng sanh.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được thâm tâm tăng thượng thanh tịnh vô thượng của tất cả Chư Phật.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười điều siêng tu:
Siêng tu bố thí, vì đều xả thí tất cả mà không cầu báo đáp.
Siêng tu trì giới, vì đầu đà khổ hạnh thiểu dục tri túc không khi dối.
Siêng tu nhẫn nhục, vì rời quan niệm tự tha, nhẫn chịu tất cả điều khổ não trọn không sanh lòng sân hại.
Siêng tu tinh tất, vì thân ngữ ý ba nghiệp chưa từng tán loạn, tất cả việc làm đều chẳng thối chuyển mãi đến rốt ráo.
Siêng tu thiền định, vì giải thoát tam muội xuất hiện thần thông, rời lìa tất cả quyến thuộc dục lạc phiền não đấu tránh.
Siêng tu trí huệ, vì tu tập chứa nhóm tất cả công đức không mỏi nhàm.
Siêng tu đại từ, vì biết các chúng sanh không tự tánh.
Siêng tu đại bi, vì biết các pháp không, thay thế khắp tất cả chúng sanh thọ khổ không mỏi nhàm.
Siêng tu giác ngộ Thập lực của Như Lai, vì rõ thấu vô ngại chỉ bày cho chúng sanh.
Siêng tu pháp luân bất thối, vì chuyển đến tâm của tất cả chúng sanh.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời được siêng tu đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thứ quyết định giải:
Quyết định giải tối thượng, vì gieo trồng tôn trọng thiện căn.
Quyết định giải trang nghiêm, vì xuất sanh những thứ trang nghiêm.
Quyết định giải quảng đại, vì tâm chưa từng hèn kém.
Quyết định giải tịch diệt, vì hay nhập pháp tánh thậm thâm.
Quyết định giải phổ biến, vì phát tâm không chỗ nào chẳng đến.
Quyết định giải kham nhiệm, vì hay thọ Phật lực gia trì.
Quyết định giải kiên cố, vì dẹp phá tất cả nghiệp ma.
Quyết định giải minh đoán, vì biết rõ tất cả nghiệp báo.
Quyết định giải hiện tiền, vì tùy ý hay hiện thần thông.
Quyết định giải thiệu long, vì ở chỗ tất cả Phật được thọ ký.
Quyết định giải tự tại, vì tùy ý tùy thời thành Phật.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời được quyết định giải vô thượng của Như Lai.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười quyết định giải biết tất cả Thế Giới:
Biết tất cả Thế Giới vào một Thế Giới.
Biết một Thế Giới vào tất cả Thế Giới.
Biết tất cả Thế Giới, một thân Như Lai, một tòa Liên Hoa thảy đều cùng khắp.
Biết tất cả Thế Giới đều như hư không.
Biết tất cả Thế Giới đủ Phật trang nghiêm.
Biết tất cả Thế Giới Bồ Tát đầy khắp.
Biết tất cả Thế Giới vào một lỗ lông.
Biết tất cả Thế Giới vào một thân chúng sanh.
Biết tất cả Thế Giới, một cây Phật Bồ Đề, một Phật đạo Tràng thảy đều cùng khắp.
Biết tất cả Thế Giới, một âm thanh cùng khắp làm cho các chúng sanh đều riêng hiểu biết lòng sanh hoan hỷ.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ pháp này thời được quyết định giải Phật Độ quảng đại vô thượng của Như Lai.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười quyết định giải biết chúng sanh giới:
Biết tất cả chúng sanh giới bổn tánh không thiệt.
Biết tất cả chúng sanh giới đều vào thân một chúng sanh.
Biết tất cả chúng sanh giới đều vào thân Bồ Tát.
Biết tất cả chúng sanh giới đều vào Như Lai tạng.
Biết một thân chúng sanh vào khắp tất cả chúng sanh giới.
Biết tất cả chúng sanh giới đều kham làm pháp khí của Chư Phật.
Biết tất cả chúng sanh giới tùy theo sở thích của họ mà vì họ hiện thân Ðế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương.
Biết tất cả chúng sanh giới tùy theo sở thích của họ mà hiện oai nghi tịch tịnh của Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Biết tất cả chúng sanh giới vì họ mà hiện thân công đức trang nghiêm của Bồ Tát.
Biết tất cả chúng sanh giới vì họ mà hiện thân tướng hảo oai nghi tịch tịnh của Như Lai để khai ngộ họ.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời được quyết định giải đại oai lực vô thượng của Như Lai.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười thứ tập khí:
Tập khí của Bồ Đề tâm.
Tập khí của thiện căn.
Tập khí giáo hóa chúng sanh.
Tập khí thấy Phật.
Tập khí thọ sanh nơi Thế Giới thanh tịnh.
Tập khí của công hạnh.
Tập khí của thệ nguyện.
Tập khí của Ba La Mật.
Tập khí tư duy pháp bình đẳng.
Tập khí của những cảnh giới sai biệt.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời lìa hẳn tất cả tập khí phiền não, được trí đại trí tập khí phi tập khí của Như Lai.
Chư Phật Tử! Đại Bồ Tát có mười điều thủ lấy, do đây nên không dứt hạnh Bồ Tát:
Thủ tất cả chúng sanh giới, vì rốt ráo giáo hoá.
Thủ tất cả Thế Giới, vì rốt ráo nghiêm tịnh.
Thủ Như Lai, vì tu hạnh Bồ Tát để cúng dường.
Thủ thiện căn, vì chứa nhóm tướng hảo công đức của Chư Phật.
Thủ đại bi, vì diệt khổ cho tất cả chúng sanh.
Thủ đại từ, vì cho tất cả chúng sanh những trí lạc.
Thủ Ba La Mật, vì tích tập những trang nghiêm của Bồ Tát.
Thủ thiện xảo phương tiện, vì đều thị hiện ở tất cả chỗ.
Thủ Bồ Đề, vì được trí vô ngại.
Thủ tất cả pháp, vì ở tất cả chỗ đều dùng minh trí để hiện rõ.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ nơi mười điều thủ lấy này thời có thể chẳng dứt Bồ Tát hạnh, được pháp vô sở thủ vô thượng của tất cả Như Lai.
Chư Phật Tử! Ðại Bồ Tát có mười điều tu:
Tu các môn Ba La Mật.
Tu học.
Tu huệ.
Tu nghĩa.
Tu pháp.
Tu xuất ly.
Tu thị hiện.
Tu siêng thật hành chẳng lười.
Tu thành Ðẳng Chánh Giác.
Tu chuyển chánh pháp Luân.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong đây thời được tu vô thượng tu tất cả pháp.
Ðại Bồ Tát có mười điều thành tựu Phật Pháp:
Chẳng rời thiện tri thức, thành tựu Phật Pháp.
Thâm tín Phật ngữ thành tựu Phật Pháp.
Chẳng hủy báng chánh pháp, thành tựu Phật Pháp.
Dùng vô lượng vô tận thiện căn hồi hướng, thành tựu Phật Pháp.
Tin hiểu cảnh giới của Đức Như Lai vô biên tế, thành tựu Phật Pháp.
Biết cảnh giới của tất cả Thế Giới, thành tựu Phật Pháp.
Chẳng bỏ cảnh giới pháp giới, thành tựu Phật Pháp.
Xa rời những cảnh giới ma, thành tựu Phật Pháp.
Chánh niệm cảnh giới của tất cả Phật, thành tựu Phật Pháp.
Thích cầu cảnh giới thập lực của Như Lai, thành tựu Phật Pháp.
Nếu Chư Bồ Tát an trụ trong pháp này thời được thành tựu đại trí huệ vô thượng của Như Lai.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Tám - Pháp Hội đại Thừa Phương Tiện - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cứu đầu Nhiên Thí
“Thầy an cư tại Tu viện, con an cư ở đâu?”
Phật Thuyết Kinh Tuệ ấn Tam Muội - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Sáu - Phẩm Danh Tự Công đức