Phật Thuyết Kinh đại Thừa Tạo Tượng Công đức - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đề Cù Trí, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA TẠO TƯỢNG CÔNG ĐỨC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Đề Cù Trí, Đời Đường  

PHẦN BỐN  

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Di Lặc bạch: Bạch Thế Tôn! Có những người nữ, ý chí nhỏ hẹp, phần nhiều ôm lòng ganh ghét, sân giận, xem nhẹ, dua nịnh, còn ân hận không xả bỏ, nhận biết ân mà không báo đáp, dù mong cầu bồ đề những không thể bền chắc, luôn tham muốn, mê hoặc tất cả chúng sinh, cũng làm mê hoặc người khác.

Bạch Thế Tôn! Nếu người nữ này tạo Hình Tượng Phật, các nghiệp như vậy có được tiêu trừ không?

Đời vị lai có được làm người nam mạnh mẽ mong cầu quả Phật không?

Đối với pháp sinh tử có thể nhàm chán xa lìa không?

Nếu không vì duyên nguyện lực thì sẽ không thọ thân người nữ như Cù Đàm Di và phu nhân Ma Gia mẹ của Phật không?

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Này Bồ Tát Di Lặc! Nếu có người nữ nào có thể tạo hình tượng của Phật thì vĩnh viễn không còn thọ thân người nữ nữa, giả sử có thọ thân ấy, thì làm người nữ báu tôn quý đệ nhất. Các người nữ có năm thứ đức, nhưng người nữ này thì vượt hơn những người nữ kia.

Những gì là năm?

1. Mang thai sinh con.

2. Dòng họ giàu có.

3. Bản tánh lương thiện.

4. Thân hình thể chất đặc biệt.

5. Dáng dấp xinh đẹp.

Này Bồ Tát Di Lặc! Tất cả người nữ có loại nhân duyên nên luôn làm thân người nữ.

Những gì là tám?

1. Ưa thích thân người nữ.

2. Tham muốn về dục của người nữ.

3. Miệng luôn khen ngợi dung mạo đẹp đẽ của người nữ.

4. Tâm không chánh trực che giấu các hành động.

5. Chán thân chồng mình.

6. Nhớ đến người khác.

7. Biết người có ân với mình nhưng mình vẫn phản bội.

8. Tà ngụy trau chuốt nhằm mê hoặc người khác.

Nếu ai có thể vĩnh viễn đọa dứt tám việc này mà tạo Hình Tượng Phật thì cho đến thành Phật, luôn được làm Bậc Trượng Phu, nếu thọ lại thân nữ thì điều ấy không thật có.

Này Di Lặc! Có bốn loại nhân duyên làm cho người nam thọ thân người nữ.

Những gì là bốn?

1. Giả tiếng người nữ, cười cợt gọi Chư Phật, các Bồ Tát và tất cả Thánh Nhân.

2. Đối với người nữ giữ giới thanh tịnh đem tâm chê bai nói là phạm giới.

3. Ưa thích việc dua nịnh làm dối trá mọi người.

4. Thấy người khác hơn mình sinh tâm ganh ghét.

Nếu có người nam làm bốn việc này thì sau khi mạng chung chắc chắn thọ thân người nữ, lại còn trải qua vô lượng các đường ác khổ đau. Nếu họ phát tâm tin hiểu sâu xa, bày tỏ ăn năn những gì trước đây đã làm, mà tạo Hình Tượng Phật thì tội ấy đều được tiêu diệt, nhất định không thọ quả báo người nữ.

Này Di Lặc! Có bốn loại nhân duyên, khiến cho các người nam thọ thân huỳnh môn.

Những gì là bốn?

1. Giết hại người khác, cho đến loài súc sinh.

2. Giữ giới Sa Môn mà giận dữ, cười chê, hủy báng.

3. Tâm tánh phần nhiều là tham dục, cho nên tâm phạm giới.

4. Gần gũi với người phạm giới còn bảo người khác phạm giới.

Có người nam nào đời trước đã làm việc này, sau đó phát tâm tin hiểu tạo Hình Tượng Phật, cho đến khi thành Phật, không thọ quả báo này, luôn làm bậc Trượng phu các căn đều đủ.

Này Di Lặc! Có bốn loại nghiệp có thể làm cho người nam thọ thân hai hình trong tất cả loài người, làm người thấp hèn nhất.

Những gì là bốn?

1. Đối với nơi tôn trọng cung kính gây nhơ uế.

2. Đối với thân người nam, đắm nhiễm nơi phi xứ.

3. Đối với thân mình làm việc dâm dục.

4. Buôn bán gái cho người khác.

Nếu những chúng sinh đã từng làm việc này, tự mình hối hận tỏ bày ăn năn trước đây đã sai phạm, khởi tâm tin thanh tịnh tạo Hình Tượng Phật và đến khi thành Phật, không thọ thân này.

Này Di Lặc! Lại có bốn duyên làm cho tâm của những người nam, luôn sinh tâm ưa muốn sự ái dục như người nữ, ưa thích người khác đối với mình làm việc của người nam.

Những gì là bốn?

1. Hoặc hiềm khích, hoặc giễu cợt, hủy báng đối với người khác.

2. Thích làm người nữ mặc quần áo lộng lẫy.

3. Gần gũi với người nữ bà con mà làm điều dâm dật.

4. Quả thật không có phước đức mà nhận người lễ bái.

Vì nhân duyên này làm cho các người nam khởi lên phiền não khác biệt như vậy, nếu tỏ bày ăn năn những tội trước đây đã phạm, không dám tạo tội mới, sinh tâm tin thích tạo Hình Tượng Phật, tội ấy đã diệt thì tâm này cũng chấm dứt.

Này Bồ Tát Di Lặc! Có năm thứ keo kiết có thể làm hủy hoại chúng sinh.

Những gì là năm?

1. Keo kiết đối với chỗ ở làng xóm, do đó sinh vào chốn hoang vắng.

2. Keo kiết chỗ ở, nhà cửa, nên phải làm côn trùng luôn ở trong phân nhơ.

3. Tham tiếc sắc đẹp đoan trang, phải cảm nhận thân hình xấu xí, vô tri.

4. Keo kiết của cải giàu có, sẽ thọ nhận sự bần cùng, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc.

5. Keo kiết đối với pháp đã hiểu biết, sẽ thọ nhận quả báo ngu đần của loài súc sinh, nếu tỏ bày ăn năn nghiệp đời trước của mình mà tạo Hình Tượng Phật, thì vĩnh viễn xa lìa tâm keo kiết trước đây đã có.

Này Bồ Tát Di Lặc! Lại có năm loại duyên, làm cho các chúng sinh sinh vào nơi biên địa và chỗ không có Phật Pháp.

Những gì là năm?

1. Đối với Tam Bảo là ruộng phước lành không tin thanh tịnh.

2. Trái với sự thật, ngược với lý lẽ, thực hành sai lầm theo lời dạy.

3. Sự không đúng như lý mà đem trao truyền.

4. Phá sự hòa hợp của Chúng Tăng làm cho thành hai bộ.

5. Thậm chí ít nhất làm cho hai Tỳ Kheo, không hòa hợp.

Nếu vĩnh viễn đoạn dứt nghiệp này, tạo Hình Tượng Phật thì luôn gặp Đức Phật và thường nghe chánh pháp.

Này Bồ Tát Di Lặc! Chúng sinh có năm loại nhân duyên, thường bị người chán ghét, xua đuổi, thậm chí người chí thân cũng không thích gặp.

Những gì là năm?

1. Hai lưỡi.

2. Ác khẩu.

3. Nhiều tranh cãi.

4. Nhiều giận dữ.

5. Lời nói khéo léo nhưng để hủy báng.

Sau đó, nếu phát tâm tạo Hình Tượng Phật, ăn năn hối cãi nghiệp ác đời trước, thề không dám làm những tội đã tạo thì được trừ diệt, làm cho tất cả mọi người ưa thích cung kính.

Vì sao?

Vì Chư Phật có vô lượng, vô biên phước đức thù thắng, vô lượng, vô biên đại trí tuệ, vô lượng, vô biên tam muội giải thoát, vô số pháp công đức hiếm có.

Này thiện nam! Giả sử có người mang tam thiên đại thiên cõi nước nghiền thành vi trần, lại đập vụn từng hạt vi trần ấy.

Vi trần của tam thiên đại thiên cõi nước và có số vi trần của tam thiên đại thiên cõi nước như vậy, nếu như có người lấy một hạt vi trần ấy, bằng diệu lực thần thông đi đến phương Đông, trong khoảng một sát na vượt qua hai lần, ba lần số tam thiên đại thiên cõi nước nhiều như số vi trần ấy, mỗi sát na sau đó cũng đều như vậy, cho đến tận cùng kiếp số như số vi trần ấy.

Trong những kiếp đó, có bao nhiêu sát na, mỗi một sát na đều là một kiếp, trải qua nhiều kiếp sát na sát na như vậy, đều vượt qua như trước, vượt qua bằng số vi trần của tam thiên đại thiên cõi nước, mới thả một vi trần người này trở lại lấy một hạt vi trần.

Rồi đi đến phương Đông vượt qua gấp đôi lần trước, thả hạt vi trần đó trở lại, cho đến vi trần của lần thứ ba thì nhiều hơn lần thứ hai, lần lượt như vậy nhiều gấp bội số lần trước, cho đến hết số vi trần nghiền nát này.

Như nói phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc cũng đều như vậy những chỗ mà người này đã trải qua trong bốn phương, tất cả cõi nước nhiều như số vi trần.

Các vi trần này tất cả chúng sinh cùng nhau tính toán đo lường cũng có thể biết hết. Nhưng với thân của Như Lai, công đức ở mỗi một lỗ chân lông thì không thể biết hết.

Vì sao?

Vì công đức của Chư Phật Như Lai không có hạn lượng, không thể nghĩ bàn.

Này thiện nam! Giả sử trí tuệ của Xá Lợi Phất nhiều như những số vi trần như trước, nhưng vẫn không bằng trí trong một niệm của Như Lai.

Vì sao?

Vì Như Lai ở trong mỗi niệm có thể phóng ra tam muội, giải thoát, tổng trì… hơn số vi trần như trước, vô số, vô lượng công đức thù thắng.

Công đức của Chư Phật đối với tất cả Thanh Văn và Bích Chi Phật cũng không thể biết được danh tự ấy cho nên nếu có lòng tin thanh tịnh tạo Hình Tượng Phật thì tất cả nghiệp chướng đều tiêu trừ, đạt được công đức vô lượng, vô biên, thậm chí sẽ thành tựu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nhổ sạch tất cả khổ não của chúng sinh.

Đức Phật giảng nói Kinh này rồi, Bồ Tát Di Lặc, Chư Thiên Cõi Tam Thập Tam, Vua Ưu Đà Diên, tất cả Thế Gian, Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà… nghe Đức Phật đã giảng nói, đều hết sức vui mừng tin hiểu phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần