Phật Thuyết Kinh đại Thừa Tạo Tượng Công đức - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đề Cù Trí, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA TẠO TƯỢNG CÔNG ĐỨC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng
Pháp Sư Đề Cù Trí, Đời Đường
PHẦN HAI
Bấy giờ, Thiên Đế Thích bạch: Bạch Thế Tôn! Hôm nay, con còn nghi ngờ, có điều muốn thưa hỏi. Làm thế nào gọi là ganh ghét.
Lại thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh thấy người khác hơn mình thì sinh tâm suy nghĩ: Làm thế nào khiến cho ta đạt được điều như của người ấy?
Tâm như vậy gọi là ganh ghét chăng?
Phật bảo: Không phải. Đây gọi là tâm tham, không phải tâm ganh ghét.
Này Thiên Chủ! Ganh ghét là do mình cầu danh lợi, không muốn người khác có. Đối với người đã có lại sinh tâm oán hận thì gọi là ganh ghét.
Lúc ấy, chúng chư Tiên từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, quỳ gối chắp tay hướng về Đức Phật đảnh lễ, thưa: Thưa Thế Tôn! Đức Phật đã chỉ dạy, Chư Thiên Chúng con đều phụng hành.
Như Lai, Thế Tôn là bậc cha, là vị chủ, là bậc tôn trọng, là bậc tối thắng, có tâm từ bi đối với chúng con nên mới đến nơi này. Hôm nay, Chư Thiên Chúng con đều đạt được lợi ích nhưng sở nguyện của chúng con vẫn chưa viên mãn. Có một việc muốn thưa thỉnh Đức Như Lai.
Bạch Thế Tôn! Người ở thế gian đối với Chư Thiên Chúng con có nhiều khinh mạn.
Vì sao?
Vì Chư Phật, Như Lai sinh trong loài người, lại thành Chánh Giác trong loài người, ở trong loài người có nhiều vị chứng đắc các quả vị A La Hán. Các vị có oai đức lớn như Bích Chi Phật, lại xuất hiện trong nhân gian.
Hôm nay, Như Lai nếu không ở lại nơi đây mà trở về cõi Diêm Phù Đề, người ở nhân gian cho là Chư Thiên Chúng con không biết Như Lai có oai đức lớn đáng được Chư Thiên cúng dường như pháp.
Họ lại cho Chư Thiên Chúng con không thể cúng dường Chư Phật Thế Tôn. Nguyện xin Như Lai ở lại thời gian ngắn thọ nhận sự cúng dường nhỏ mọn của chúng con, làm cho nhân gian biết sự cúng dường Chư Thiên Chúng con đối với Đức Phật.
Lúc đó Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.
Bấy giờ, Đức Phật bảo Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên: Ông có thể trở về cõi Diêm Phù Đề trước, thăm hỏi bốn chúng, nói như vậy: Tất cả chúng sinh chớ nghĩ đến ta đều nên tập hợp ở nước Tăng Ca Thi, sau bảy ngày sẽ gặp ta.
Bấy giờ, Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên đảnh lễ nơi chân Phật, đảnh lễ nơi chân Phật rồi, trong khoảnh khắc đến cõi Diêm Phù Đề, đem lời Đức Phật dặn bảo cho bốn chúng. Lúc ấy, Vua Ưu Đà Diên và tất cả chúng sinh nghe Đức Phật nói lời này, thân tâm hết sức vui mừng, đều hết trừ các sầu não, được thanh tịnh.
Bấy giờ, bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều cùng nhau đi đến nước Tăng Ca Thi.
Trước hết họ đều vâng tập trong thành Vương Xá, bàn với nhau: Như Lai Thế Tôn trở về cõi Diêm Phù Đề, ai có thể được phép cung kính lễ bái trước?
Đến đời vị lai giáo pháp diệt tận thường làm vị Thượng Thủ. Bấy giờ, Đại Ca Chiên Diên nghe lời nói này rồi, tâm không vui, sợ Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni làm bậc Thượng Thủ.
Vì sao?
Vì trong chúng ấy có hai vị Tỳ Kheo Ni là Ưu Ba Nan Đà và Liên Hoa Sắc có thể thông đạt hoàn hảo tạng pháp của Chư Phật. Vì cả hai đã đạt được thần thông, chỉ trừ Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên ra không ai sánh bằng. Nghĩ như vậy rồi, họ dùng nhiều lời chê trách chúng Tỳ Kheo Ni.
Lúc đó, Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc bảo với chư ni rằng: Chư vị chúng ta đối với thế tục thường được tôn trọng, dù là người thuộc dòng họ thấp kém nhưng vẫn được người đàn ông cung kính, tôn trọng, phục vụ, cúng dường.
Các Tỳ Kheo Ni ở trong giáo pháp của Chư Phật thì phần nhiều cha mẹ, quyến thuộc đều thuộc dòng họ Vua chúa, siêng năng giữ giới, không phạm oai nghi, đầy đủ các công đức nhưng vẫn lễ kính Tỳ Kheo mới thọ giới, mà nay lại bị Tôn Giả Ca Chiên Diên dùng nhiều lời trách mắng. Vì các ngươi, ta bày các phương tiện, làm cho các Tỳ Kheo Ni vượt hơn ấy, nói lời này rồi, cùng bốn chúng liền đi đến thành Tăng Ca Thi.
Bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc, Vua A Xà Thế và Vua Nghiêm Xí… nước Tỳ Xá Ly đều dẫn bốn binh lính đi theo trước sau, dùng xe voi, xe ngựa có sức lực mạnh mẽ. Dùng vô số vật báu trang nghiêm, phướn, lọng, hoa thơm và các âm nhạc, oai nghi, dung mạo trang nghiêm giống như Chư Thiên, đều cũng đến thành Tăng Ca Thi.
Bấy giờ, Vua Ưu Đà Diên chuẩn bị bốn binh lính đi theo hầu, xe voi trắng lớn trang hoàng bằng châu báu tự mình cỡi voi trắng lớn trang sức vật báu và đội Tượng Phật vừa làm ra với hoa, phướn, âm nhạc đem theo cúng dường từ nước của mình hướng về thành Tăng Ca Thi.
Bấy giờ, Trời Tỳ Thủ Yết Ma và chúng Chư Thiên biết Đức Phật sắp trở về cõi Diêm Phù Đề nên làm ba con đường báu nối từ thành Tăng Ca Thi cho đến Cõi Trời Đao Lợi. Con đường ở giữa được làm bằng ngọc lưu ly. Đường hai bên đều làm bằng vàng ròng, dưới bước chân đi thì trải bằng bạc trắng, bảy báu của Chư Thiên thì trang trí ở khoảng giữa.
Bấy giờ, Đế Thích sai sứ giả đi đến các Trời Dạ Ma, Đâu Suất Đà, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại và đến cõi Phạm thế báo rằng: Như Lai chẳng bao lâu nữa sẽ trở về cõi Diêm Phù Đề, ai muốn cúng dường thì đem đến đây.
Đế Thích lại sai sứ giả đến chỗ Tứ Đại Thiên Vương và những vị như Vua rồng trong biển lớn, Càn Thát Bà, Khẩn Na La, Dạ Xoa… nói rằng: Hôm nay Đức Thế Tôn sắp trở lại Cõi Diêm Phù Đề. Ai có thể đem các vật của mình đến đây cúng dường.
Lúc ấy, Chư Thiên sắp sửa trở về, tất cả Chư Thiên trước sau vây quanh oai đức mạnh mẽ, ánh sáng rực rỡ, giống như trăng tròn giữa bầu Trời có các vì sao bao quanh, giống như ánh sáng mặt trời mới mọc phát ra rực rỡ. Khi ấy, chúng hội của Phật cũng như vậy.
Bấy giờ, trong cõi Diêm Phù Đề, nhờ oai thần của Đức Phật, có năm việc hy hữu:
1. Làm cho Chư Thiên không thấy đồ vật bất tịnh trong nhân gian.
2. Làm cho các người nữ thấy Thiên Nam thì không có dục tưởng.
3. Cũng làm cho người nam thấy các Thiên Nữ cũng không sinh tâm đắm nhiễm.
4. Làm cho nhân gian từ xa nhìn thấy các loại cúng dường của Chư Thiên.
5. Thân của Chư Thiên có ánh sáng trong suốt vi diệu mà người thường không nhìn thấy được nhưng nhờ thần lực của Đức Phật hiển bày rõ ràng đều có thể thấy được.
Khi Đức Thế Tôn từ Cõi Trời bắt đầu bước xuống bậc thềm báu thì Phạm Vương ở bên tay phải cầm lọng trắng, Đế Thích bên tay trái cầm phất trần trắng, các Chư Thiên khác đều nương vào hư không đi theo Đức Phật xuống.
Cùng một lúc họ tấu lên vô số âm nhạc. Mỗi một người tự cầm cờ, phướn, lọng báu, rải hoa cúng dường, còn các vị Trời ở Cõi Tịnh Cư đứng đầy hư không, có vô lượng trăm ngàn Chư Thiên, thể nữ cầm chuỗi ngọc báu, tán thán công đức của Phật.
Lại có Chư Thiên ở giữa hư không mưa xuống vô số hương và vô số hoa, các rồng phun nước ra nước mưa nhỏ thơm. Lúc ấy, ở giữa hư không trong suốt sáng rực không có mây, vang lên tiếng sấm vi diệu người nghe đều ưa thích, thần Càn Thát Bà, Thần Khẩn Na La tấu lên những khúc nhạc vi diệu của Đề Bà Na Ca, ca ngợi sự ra đời của Đức Như Lai.
Lúc ấy, trong cõi Diêm Phù Đề, Vua và thần dân cùng bốn chúng… vây quanh khắp thành Tăng Ca Thi, hoặc rải hoa thơm, hoặc cầm phướn lọng, thổi ốc tù và, vô số âm nhạc hướng về hư không để cúng dường chắp tay chiêm ngưỡng Đức Phật.
Các loài hoa Cõi Trời, cõi người chen nhau rơi xuống, ngập đến đầu gối. Các chúng ngoại đạo thấy việc này đều phát tâm quy y đảnh lễ cung kính.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bước đi trên thềm báu dần dần đi xuống được nửa đường, có bốn chúng Thiên Vương bày đồ cúng dường, lần cúng dường này rất thù thắng, từ trước đến nay chưa từng có.
Khi ấy, Đức Như Lai thọ nhận sự cúng dường của Thiên vương xong, cùng với đại chúng từ trên thềm báu bước xuống. Khi đến nơi bậc cuối sắp bước xuống mặt đất thì Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc liền biến thân hình mình làm Chuyển Luân Thánh Vương thống lãnh bốn binh chủng, cầm bảy báu dẫn đường đi trước, từ hư không hạ xuống, nhanh chóng đến chỗ Đức Phật.
Các quốc vương đều sinh ý nghĩ vị Chuyển Luân Vương này từ chỗ nào đến đây?
Khi ấy, Tôn Giả Tu Bồ Đề đang ở trong phòng của mình, thấy Đức Thế Tôn đi xuống, liền sửa y phục chỉnh tề, từ xa cúi mình đảnh lễ cung kính. Lúc ấy, Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc bỏ thân Chuyển Luân Vương trở lại thân hình như cũ, vôi vàng đảnh lễ nơi chân Đức Thế Tôn.
Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng vô số lời trách mắng, nói rằng: Hôm nay ngươi có biết không?
Tu Bồ Đề đã đảnh lễ ta trước. Ngươi nghe lời ai chỉ dạy mà biến thành Chuyển Luân Vương dù ngươi xuất gia thọ giới Cụ Túc, phần ấy đối với ngươi đã nhiều rồi nhưng trí tuệ thấp kém của ngươi thì giả dối vô biên, lòng từ bi báo ân như một giọt sương móc, làm sao có thể ở trong giáo pháp của ta mà làm bậc thượng thủ.
Lúc ấy, Tỳ Kheo Ni Liên Hoa Sắc nghe Đức Phật dạy sinh tâm hổ thẹn, thưa: Kính bạch Thế Tôn! Hôm nay, con biết lỗi của mình không phải là ít. Từ nay trở về sau con không dám tái phạm biến hiện thần thông.
Bấy giờ, trong cõi Diêm Phù Đề có quốc vương, Đại Thần và bốn chúng đều đã đem vô số đồ vật đến cúng dường lên Đức Thế Tôn. Lúc ấy trên đỉnh đầu Vua Ưu Đà Diên đội một Tượng Phật và các vật châu báu quý giá đến chỗ Đức Như Lai để cúng dường.
Thân hình Phật tướng hảo đầy đủ trang nghiêm, sáng rực rỡ, ở giữa Chư Thiên ví như Mặt Trăng tròn xa lìa các áng mây. Tượng Phật tạo đối với Đức Phật giống như đống cát lớn so với núi Tu Di không thể dụ được, nhưng có bối tóc xoắn ốc và viên ngọc ở giữa đôi chặng mày có hơi giống Đức Phật nên làm cho bốn chúng biết là Tượng Phật.
Bấy giờ, Vua Ưu Đà Diên bạch: Bạch Thế Tôn! Quá khứ của Như Lai đã ở trong sinh tử, vì mong cầu đạo bồ đề cho nên tu hành vô lượng, vô biên khổ hạnh khó làm, đạt được thân vi diệu tối thượng này không ai sánh bằng. Con đã tạo hình tượng không giống Đức Phật, tự mình suy nghĩ là tội lỗi rất nặng.
Đức Thế Tôn bảo nhà Vua: Chẳng phải là tội lỗi. Hôm nay, ngươi đã tạo hình tượng được vô lượng công đức, không ai sánh bằng ngươi, hôm nay ngươi đối với ta là người đầu tiên làm phép tắc trong Phật pháp. Do nhân duyên này cho nên làm vô lượng chúng sinh được lợi ích lớn, hôm nay ngươi đã đạt được vô lượng phước đức căn lành rộng lớn.
Lúc ấy, Trời Đế Thích lại bảo nhà Vua: Hôm nay, nhà Vua đối với việc này chớ có lo sợ. Đức Như Lai, trước đây khi ở Cõi Trời, nay ở nhân gian này, đều khen ngợi công đức tạo hình tượng của nhà Vua, các Chư Thiên cũng đều hoan hỷ. Trong đời vị lai có người nào tin hiểu, nhờ nhà Vua nên tạo Hình Tượng Phật thì nên đạt được phước báo. Hôm nay, nhà Vua hết sức vui mừng.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngồi trên Tòa Sư Tử nơi Đạo Tràng thuộc thành Tăng Ca Thi.
Lúc ấy tâm của bốn chúng đều suy nghĩ: Chúng con nguyện Đức Như Lai diễn thuyết về công đức tạo hình tượng.
Nếu có chúng sinh tạo Hình Tượng Phật, dù cho không giống thì được bao nhiêu phước?
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Di Lặc biết được tâm niệm ấy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy sửa áo bày vai bên phải, quỳ gối chắp tay bạch: Bạch Thế Tôn! Hôm nay Vua Ưu Đà Diên làm Hình Tượng Phật, nếu Phật ở đời hoặc đã Niết Bàn, người có lòng tin có thể tạo theo tượng như vậy thì đạt được công đức. Nguyện xin Thế Tôn Giảng nói rõ ràng về tướng ấy.
Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Này Bồ Tát Di Lặc! Hãy lắng nghe, lắng nghe! Ghi nhớ kỹ, ta sẽ giảng nói cho ông! Nếu thiện nam, thiện nữ nào có lòng tin thanh tịnh, đối với công đức của Phật chuyên cần buộc niệm.
Luôn quan sát công đức tự tại của Như Lai, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, đại từ đại bi, trí của nhất thiết trí, đủ ba mươi hai tướng đại nhân, tám mươi vẻ đẹp, mỗi mỗi lỗ chân lông đều có vô lượng màu ánh sáng sai khác.
Có trăm ngàn ức thứ công đức thành tựu trang nghiêm thù thắng, có vô lượng trí tuệ thông đạt sáng suốt, có vô lượng tam muội, vô lượng pháp nhẫn, vô lượng Đà La Ni, vô lượng thần thông, có tất cả công đức như vậy đều không thể lường hết, xa lìa lỗi lầm không ai sánh bằng.
Người này suy nghĩ kỹ như thế phát sinh lòng tin sâu xa, nương vào các tướng tốt để làm Tượng Phật, công đức rộng lớn vô lượng, vô biên không thể kể xiết.
Này Bồ Tát Di Lặc! Nếu có người đem các màu sắc trang sức vẽ trên tấm lụa, hoặc đúc bằng các loại vàng, bạc, đồng, sắc, chì, thiết, hoặc còn điêu khắc gỗ thơm chiên đàn.
Hoặc bằng ngọc trân châu thêu dệt vào lụa trắng đủ năm màu, hoặc bằng đất đỏ, tro trắng, hoặc bùn hoặc gỗ, các vật như thế tùy theo năng lực của mình để làm Tượng Phật, thậm chí nhỏ như một ngón tay cái, có thể làm cho người khác thấy biết là tôn dung Phật, thì phước báo của người ấy, ta sẽ giảng nói.
Này Bồ Tát Di Lặc! Người như vậy trong sinh tử tuy còn luân hồi, nhưng hoàn toàn không sinh vào nhà nghèo khổ thiếu thốn, không sinh vào nhà cõi biên địa thấp kém, gia đình cô quạnh.
Lại cũng không sinh vào những nhà làm nghề hung ác, buôn bán đắc giá, làm nghề mổ heo, cho đến không sinh vào nhà bần tiện làm nghề hèn hạ, giòng họ không trong sạch, ngoại đạo tà kiến khổ hạnh, ngoại trừ do năng lực phát nguyện ra đều không sinh vào nơi ấy.
Người này luôn sinh ra nơi nhà Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc dòng họ có thế lực lớn, hoặc sinh vào nhà của Bà La Môn tu hạnh thanh tịnh, hoặc nhà giàu có tự tại không có lỗi lầm, đã sinh vào những nơi ấy luôn gặp Đức Phật phụng sự cúng dường.
Hoặc được làm Vua, có thể giữ gìn chánh pháp, đem chánh pháp giáo hóa cho người, không thực hành trái với đạo, hoặc cho Chuyển Luân Thánh Vương, thành tựu bảy báu đầy đủ ngàn đứa con, như con chim đại bàng đi khắp bốn thiên hạ, đời sống tự do ưa thích vui cho đến khi qua đời.
Hoặc làm Đế Thích, Vua Dạ Ma Thiên, Vua Đâu Suất Thiên, Vua Hóa Lạc Thiên, Vua Tha Hóa Tự Tại Thiên, đều thọ nhận sự vui sướng của Trời, Người, phước báo như vậy nối nhau không gián đoạn, sinh ở nơi nào luôn làm bậc Trượng phu không thọ nhận thân người nữ.
Cũng không thọ thân Huỳnh môn nửa nam nửa nữ ty tiện, thọ nhận không có các điều xấu ác, mắt không mù lòa, chột, tai không điếc, mũi không cong quẹo, miệng không méo lệch, môi không trề ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bát Sành
Phật Thuyết Kinh Thủ Hộ đại Thiên Quốc Thổ - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Quán Thế âm Bồ Tát, đắc đại Thế Bồ Tát Thọ Ký - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Hai Mươi Chín - Duyên Giác
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Sáu Mươi Sáu - Phẩm Chúc Lụy