Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Phần Mười Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thiên Tức Tai, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI THỪA TRANG NGHIÊM BẢO VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thiên Tức Tai, Đời Tống
PHẦN MƯỜI MỘT
Thiện nam tử! Lại có lỗ chân lông tên là Đại Dược Mahoṣadhī. Ở trong ấy có vô số trăm ngàn vạn câu chi na dữu đa Bồ Tát mới phát tâm Pramathacittotpādadika bodhisattva.
Thiện nam tử! Ở lỗ chân lông ấy có chín vạn chín ngàn ngọn núi Parvata. Ở trong núi này có hang báu Kim Cương Vajra mayāṃ, hang báu vàng Suvarṇamayāṃ, hang báu bạc Rūpya mayāṃ, hang báu Đế Thanh Indra nīla mayāṃ, hang báu màu hoa sen Padma rāga mayāṃ, hang báu màu xanh lục Marakatamayāṃ, hang màu Pha Chi Ca Sphaṭika mayāṃ.
Núi Vua Sơn Vương như vậy có tám vạn đỉnh núi, mọi loại Ma Ni thích ý với các báu màu nhiệm khác trang nghiêm trên ấy. Ở trong đỉnh núi ấy có chúng Ngạn Đạt Phộc Gandharva thường tấu âm nhạc.
Bồ Tát mới phát tâm ấy suy nghĩ: Không Śūnyatā, Vô Tướng Animitta, Vô Ngã Anattā, nỗi khổ do sinh, nỗi khổ do già, nỗi khổ do bệnh khổ, nỗi khổ bị chết, nỗi khổ vì yêu thương mà phải xa lìa, nỗi khổ vì ghét nhau mà phải gặp gỡ, nỗi khổ vì bị đọa vào địa ngục A tỳ, nỗi khổ của các hữu tình bị đọa vào địa ngục hắc thằng, nỗi khổ của các hữu tình bị đọa vào nẻo quỷ đói.
Lúc tác suy nghĩ đó thời ngồi Kiết Già mà nhập vào tam muội, trụ ở trong ngọn núi ấy.
Thiện nam tử! Lại có một lỗ chân lông tên là Hội Họa Vương Citta rāja: Tâm Vương. Trong đó có vô số trăm ngàn vạn câu chi na dữu đa chúng Duyên Giác Pratyeka buddha hiện ra hào quang rực lửa nóng Hỏa Diệm Quang.
Ở lỗ chân lông ấy có trăm ngàn vạn núi Vua Parvata rāja: Sơn vương, các núi Vua được trang nghiêm bằng bảy báu. Lại có mọi loại cây Kiếp Thọ Kalpa vṛkṣa có lá cây bằng vàng bạc với vô số trăm thứ báu, mọi loại trang nghiêm. Bên trên trên treo mão báu, vòng đeo tai, quần áo, mọi loại Anh Lạc, treo các chuông báu, áo lễ Kiều Thi Ca.
Lại có chuông báu bằng vàng bạc khi chấn động vang ra tiếng leng keng. Cây Kiếp Thụ như vậy tràn đầy trong núi. Vô số Duyên Giác an trụ ở đó thường nói Khế Kinh, Ứng Tụng, Thọ Ký, Phúng Tụng, Thí Dụ, Bản Sinh, Phương Quảng, Hy Pháp, Luận Nghị… các pháp như thế.
Trừ Cái Chướng! Khi ấy các Duyên Giác ra khỏi lỗ lông ấy, cuối cùng có một lỗ chân lông tên là Phan Vương Dhvajāgra, rộng khoảng tám vạn du thiện na Joyana, ở trong có tám vạn ngọn núi được trang sức bằng mọi loại báu màu nhiệm với Ma Ni thích ý.
Trong núi Vua ấy có vô số cây Kiếp Thọ, có vô so trăm ngàn vạn cây Chiên Đàn Hương Candana vṛkṣa, vô số trăm ngàn vạn cây lớn. Lại có đất báu Kim Cương báu. Lại có chín mươi chín lầu gác, bên trên treo trăm ngàn vạn vàng, báu, Chân Châu, Anh Lạc, quần áo. Ở trong lỗ chân lông ấy hiện ra như thế.
Bản Phạn của Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kāraṇḍa vyūha có ghi nhận thêm phần sau mà Kinh bản tiếng Hán không có, là: Maheśvara Đại Tự Tại Thiên đến gặp Đức Phật Thích Ca, sau khi đỉnh lễ xong thì cầu mong được Thọ Ký thành Phật Vyākaraṇa. Đức Phật Thích Ca nhận lời thỉnh cầu của Maheśvara và hướng dẫn ông nhận sự Thọ Ký từ Đức Thánh Quán Tự Tại.
Maheśvara đi đến đỉnh lễ Quán Tự Tại Bồ Tát, sau đó phát ra lời khen ngợi là: Namo stva lokiteśvarāya, maheśvarāya, padma dharāya, padmāsanāya, padma priyāya, śubha padma hastāya, padma śriye, parivṛtāya, jagad āsvādana karāya, pṛthivī vara locana karāya, prahlā dana karāya.
Namo: Quy mệnh.
Stva: Khen ngợi, tán thán.
Lokiteśvarāya: Thế Tự Tại đẳng.
Maheśvarāya: Đại Tự Tại đẳng.
Padma dharāya: Liên Hoa Trì đẳng.
Padmāsanāya: Liên Hoa Tòa đẳng.
Padma priyāya: Liên Hoa viên mãn đẳng.
Śubha padma hastāya : Thiện Liên Hoa Thủ đẳng.
Padma śriye: Liên Hoa Cát Tường đẳng.
Parivṛtāya: Vòng khắp, vây quanh.
Jagad āsvā dana karāya: Tác làm ban bố cho chúng sinh an ổn.
Pṛthivī vara locana karāya: Tác làm Địa Thắng Diệu Nhãn.
Prahlā dana karāya: Tác làm ban bố sự vui vẻ khoái lạc.
Quán Tự Tại Bồ Tát tiên đoán rằng trong tương lai Maheśvara sẽ thành Đức Phật, tên là Bhasmeśvaro ở trong Thế Giới tên là Vivṛta.
Sau khi Śiva nhận sự Thọ Ký thì Uma Devi Thiên nữ Uma, vợ của Đại Tự Tại Thiên hiện ra trước mặt Đức Quán Tự Tại Bồ Tát, đỉnh lễ và ca ngợi Ngài như sau: Namo stva lokiteśvarāya, meheśvarāya, prāṇaṁdadāya, pṛthivī vara locanakarāya, śubha padma śriye, parivṛtāya, nirvāṇa bhūmi saṁprasthitāya, sucetana karāya, dharma dharāya.
Namo: Quy mệnh.
Stva: Khen ngợi, tán thán.
Lokiteśvarāya: Thế Tự Tại đẳng.
Maheśvarāya: Đại Tự Tại đẳng.
Prāṇaṁdadāya: Bậc ban bố sinh lực, khí lực.
Pṛthivī vara locana karāya: Tác làm Địa Thắng Diệu Nhãn śubha padma śriye: Thiện Liên Hoa Cát Tường đẳng.
Parivṛtāya: Vòng khắp, vây quanh.
Nirvāṇa bhūmi saṁprasthitāya: Chính trụ Niết Bàn Địa đẳng.
Sucetana karāya: Tác làm ân huệ, biểu hiện ý tốt.
Dharma dharāya: Pháp Trì đẳng.
Bồ Tát Quán Tự Tại tiên đoán rằng Uma Devi trong tương lai sẽ chứng đạt Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề và trở thành Đức Phật, tên là Umeśvara ở Thế Giới tại phía Nam núi Hīmalāya.
Đức Phật Thích Ca nói với Trừ Cái Chướng Bồ Tát rằng, ngay sau khi Đức Quán Tự Tại chuyển hóa Uma devi thì Ngài cũng sẽ chuyển hóa cho tất cả chúng sinh.
Đức Thế Tôn vì Trừ Cái Chướng nói xong.
Bấy giờ Đức Phật bảo A Nan Đa Ānanda: Nếu có người chẳng biết nghiệp báo, ở trong Tịnh Xá mà khạc nhổ với đại tiểu tiện … nay ta vì ông mà nói.
Nếu ở đất Thường Trụ mà khạc nhổ thì người đó sinh ở trong cây Sa La, làm con trùng có miệng như cây kim, trải qua mười hai năm.
Nếu ở đất Thường Trụ mà đại tiểu tiện thì người đó sinh làm con trùng dơ uế trong chỗ đại tiểu tiện nơi Đại Thành Ba La Nại.
Nếu dùng riêng vật xỉ mộc tăm xỉa răng của chốn Thường Trụ thì sinh ở trong loài rùa, cá với cá Ma Kiệt.
Nếu trộm lấy dầu, mè, gạo, đậu…của chốn Thường Trụ thì bị đọa vào trong nẻo quỷ đói, đầu tóc rối tung, lông trên thân dựng đứng, bụng to như ngọn núi, cổ họng nhỏ như cây kim, thiêu đốt héo khô chỉ còn lại hài cốt. Người đó chịu khổ báo này.
Nếu khinh mạn Chúng Tăng, người ấy sẽ bị sinh vào nhà nghèo hèn, tùy nơi sinh ra chẳng đủ các căn, lưng gù, lùn xấu. Bỏ thân đó xong, rồi lại sanh chỗ khác bị nhiều bệnh hoạn, khô gầy, tay chân cong queo mà thân ấy tuôn chảy máu mủ, rơi rụng thịt trên thân trải qua trăm ngàn vạn tuổi chịu khổ báo này.
Nếu trộm dùng đất của chốn Thường Trụ thì bị đọa trong địa ngục đại hiệu Khiếu Raurava miệng nuốt hòn sắt nóng làm cho môi răng cắn đứt vòm miệng với cổ họng bị thiêu cháy nát, tim gan ruột bụng khắp mình rực cháy.
Thời có vị Bật Sô nói: Gió nghiệp Karma vāyuthổi kẻ ấy chết đi sống lại. Khi ấy Diêm Ma Ngục Tốt Mṛta purūṣa lôi cổ tội nhân, tự nghiệp cảm của người ấy sinh vào địa ngục đại thiệt Mahā jihva có trăm ngàn vạn lưỡi cày sắt cày trên cái lưỡi ấy, chịu khổ báo đó trải qua nhiều ngàn vạn năm.
Khi ra khỏi địa ngục ấy rồi, lại vào địa ngục đại hỏa hoạch, nơi ấy có Diêm Ma Ngục Tốt lôi cổ tội nhân, dùng trăm ngàn vạn cây kim châm chích trên cái lưỡi đó, vì Nghiệp Lực cho nên vẫn sống lại. Rồi bi lôi đi, ném vào địa ngục Hỏa Khanh Agnighaṭe, rồi lại lôi đến ném vào trong Nại Hà mà cũng chẳng chết.
Như vậy chuyển dần vào địa ngục khác. Trải qua ba kiếp, người đó lại sinh vào nhà nghèo hèn ở cõi Nam Thiệm Bộ Châu, thân ấy đui mù chịu khổ báo này. Hãy cẩn thận, đừng trom cắp tài vật của nơi Thường Trụ.
Nếu Bật Sô giữ Giới, nên nhận giữ ba áo Cīvara. Khi vào Vương Cung cần phải mặc giữ Đại Y thứ nhất Ekaṃ cīvara. Nếu thường trong chúng, cần phải mặc giữ y thứ hai Dvitīyaṃ cīvara. Nếu làm công vụ hoặc vào làng xóm, hoặc vào thành hoàng cái thành có hào không có nước, hoặc lúc đi đường thì cần phải mặc giữ áo thứ ba.
Tṛtīyāṃ cīvara. Bật Sô nên như vậy nhận giữ ba cái áo. Nếu được giới, được công đức, được trí tuệ.
Ta nói Bật Sô nên giữ giới đó, chẳng được trộm cắp tài vật của nơi Thường Trụ. Giống như hầm lửa thường trụ, như thuốc độc thường trụ. Như nhận lấy thuốc độc thì có thể cứu chữa, còn nếu trộm cắp tài vật của chốn Thường Trụ, thì không thể nào cứu giúp được.
Bấy giờ Cụ Thọ A Nan Đà bạch với Đức Thế Tôn rằng: Như Đức Phật dạy dổ răn bảo, chúng con sẽ thực hành tu học đầy đủ. Nếu Bật Sô thọ trì Biệt Giải Thoát Pratimokṣa, nên khéo an trụ thủ hộ chỗ học học xứ của Đức Thế Tôn.
Thời Cụ Thọ A Nan Đà đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, nhiễu quanh rồi lui ra. Khi ấy các vị Đại Thanh Văn mỗi mỗi đều lui trở về chỗ của mình bản xứ.
Tất cả hàng Trời, Rồng, Dược Xoa, Ngạn Đạt Phộc, A Tô La, Nghiệt Lỗ Noa, Khẩn Na La, Ma Hộ La Già, Người, Phi Nhân trong thế gian nghe Đức Phật nói xong đều vui vẻ tin nhận, lễ Phật rồi lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một