Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Chín - Tam Tai

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TRƯỜNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

KINH THẾ KÝ  

PHẨM CHÍN

TAM TAI  

Phật bảo Tỳ Kheo: Có bốn sự kiện trường cửu, không lường, không giới hạn, không thể dùng năm, tháng, ngày để mà tính kể được.

Bốn sự kiện, đó là: 

Một, ở thế gian có những thứ tai nạn khởi lên từ từ. Khi Thế Giới này tan hoại, trung gian là một khoảng thời gian trường cửu, không lường, không giới hạn, không thể dùng năm, tháng, ngày để mà tính kể được.

Hai, sau khi Thế Giới này tan hoại rồi, thì trung gian là một khoảng trống vắng mênh mông, không có Thế Giới. Thời gian này là mịt mù trường cửu, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được.

Ba, khi Trời đất mới bắt đầu khởi hướng nhắm đến sự hình thành tựu, thì khoảng thời gian này là trường cửu, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được.

Bốn, sau khi Trời đất đã hoàn thành rồi, tồn tại lâu dài không hoại, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để mà tính được.

Ðó là bốn sự kiện trường cửu, không lường, không có giới hạn, không thể dùng số lượng năm, tháng, ngày để tính toán được.

Phật bảo Tỳ Kheo: Ở thế gian có ba thứ tai kiếp.

Đó là:

Một, tai kiếp lửa.

Hai, tai kiếp nước.

Ba, tai kiếp gió.

Có giới hạn phía trên của ba tai kiếp.

Thế nào là ba?

Ðó là:

Một, Quang Âm Thiên.

Hai, Biến Tịnh Thiên.

Ba, Quả Thật Thiên.

Khi tai kiếp lửa khởi lên, cháy lên cho đến Quang Âm Thiên, thì Quang Âm Thiên là giới hạn. Khi tai kiếp nước khởi lên, ngập cho đến Biến Tịnh Thiên, thì Biến Tịnh Thiên là giới hạn. Khi tai kiếp gió khởi lên, thổi cho đến Quả Thật Thiên, thì Quả Thật Thiên là giới hạn.

Thế nào là tai kiếp lửa?

Khi tai kiếp lửa bắt đầu sắp sửa khởi, thì con người thế gian này lúc đó đều thực hành chánh pháp, đều chánh kiến không điên đảo, đều tu Thập Thiện hành.

Khi thực hành pháp này, có người đạt được Nhị Thiền, liền có thể cất mình bay lên ở giữa hư không, trụ vào Thánh Nhân Đạo, Thiên Đạo, Phạm Đạo và lớn tiếng xướng lên rằng: Các Hiền Giả! Sung sướng thay, đệ Nhị Thiền không giác không quán. Sung sướng thay, đệ Nhị Thiền.

Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên Trời nói với họ rằng: Lành thay! Lành thay!

Xin vì tôi mà nói đạo của đệ Nhị Thiền không giác, không quán. Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của Nhị Thiền không giác, không quán.

Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của Nhị Thiền không giác, không quán, nên khi thân hoại mạng chung được sinh về Quang Âm Thiên.

Lúc ấy, những chúng sanh có tội trong địa ngục, sau khi mạng chung lại được sinh vào cõi người và tu tập pháp của đệ Nhị Thiền không giác, không quán, nên sau khi thân hoại mạng chung được sinh về Quang Âm Thiên.

Những chúng sanh ở trong các loài súc sanh, ngạ quỷ, A tu la, Tứ Thiên Vương, Đao Lợi Thiên, Diệm Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Tự Tại Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, Phạm Thiên, sau khi thân hoại mạng chung sanh lại cõi nhân gian.

Sau đó tu tập Nhị Thiền không giác, không quán, thì sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh về Quang Âm Thiên. Vì những nhân duyên này nên đường địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, A tu la, cho đến Phạm Thiên tất cả đều diệt. Ngay lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục diệt, sau đó súc sanh diệt.

Súc sanh diệt rồi thì ngạ quỷ diệt.

Ngạ quỷ diệt rồi thì A tu la diệt.

A tu la diệt rồi thì Tứ Thiên Vương diệt.

Tứ Thiên Vương diệt rồi thì Đao Lợi Thiên diệt.

Đao Lợi Thiên diệt rồi thì Diệm Ma Thiên diệt.

Diệm Ma Thiên diệt rồi thì Đâu Suất Thiên diệt.

Đâu Suất Thiên diệt rồi thì Hóa Tự Tại Thiên diệt.

Hóa Tự Tại Thiên diệt rồi thì Tha Hóa Tự Tại Thiên diệt.

Tha Hóa Tự Tại Thiên diệt rồi thì Phạm Thiên diệt.

Phạm Thiên diệt rồi thì sau đó con người diệt, không còn sót gì lại sau này. Khi con người đã diệt, không còn gì nữa, thì thế gian này sẽ hủy hoại cho đến thành là tai nạn. Sau đó Trời không mưa, trăm thứ lúa thóc, cỏ cây tự nhiên chết khô.

Phật bảo Tỳ Kheo: Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát, vượt qua thế gian.

Sau đó, qua một thời gian rất lâu, có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do tuần, bị tách làm hai. Mang cung điện mặt trời đem đặt lưng chừng núi Tu Di. Cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do tuần, đặt làm quỹ đạo của mặt trời.

Do nhân duyên này mà thế gian có hai mặt trời xuất hiện. Sau khi hai mặt trời xuất hiện, thì những giòng sông, ngòi, kênh, rạch nhỏ có được trên thế gian này, đều khô kiệt.

Phật bảo Tỳ Kheo: Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

Sau đó một thời gian rất lâu có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do tuần, bị tách làm hai. Mang cung điện mặt trời, đem đặt lưng chừng núi Tu Di. Cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do tuần, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có ba mặt trời xuất hiện.

Sau khi ba mặt trời xuất hiện, thì những nơi có nước nhiều như: Sông Hằng, sông Da  Bà Na, sông Bà La, sông A Di La Bà Đề, sông A Ma Khiếp, sông Tân Đà, sông Cố Xá tất cả đều khô cạn, không còn một giọt.

Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ, các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

Sau đó một thời gian rất lâu có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do tuần, bị tách làm hai. Mang cung điện mặt trời, đem đặt lưng chừng núi Tu Di. Cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do tuần, an trí quỹ đạo mặt trời.

Do nhân duyên này mà thế gian có bốn mặt trời xuất hiện. Sau khi bốn mặt trời xuất hiện, thì những con suối, nguồn nước, hồ, vực, trong thế gian như ao lớn Thiện kiến, ao lớn A Nậu Đạt, ao Tứ phương Đà Diên, ao Ưu Bát La, ao Câu Vật Đầu, ao Phân Đà Lỵ, ao Ly, dọc ngang rộng năm mươi do tuần, thảy đều khô cạn hết.

Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

Sau đó, một thời gian lâu dài, có một trận bão lớn bạo khởi, thổi nước biển lớn, làm cho nước biển, sâu tám vạn bốn ngàn do tuần, bị tách làm hai. Mang cung điện mặt trời, đem đặt lưng chừng núi Tu Di. Cách mặt đất bốn vạn hai ngàn do tuần, an trí quỹ đạo mặt trời.

Do nhân duyên này mà thế gian có năm mặt trời xuất hiện. Sau khi năm mặt trời xuất hiện, thì nước trong biển lớn bị vơi dần từ một trăm do tuần cho đến bảy trăm do tuần.

Vì vậy nên biết rằng: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

Bấy giờ, nước biển lớn vơi dần hết chỉ còn có từ bảy trăm do tuần, rồi sáu trăm do tuần, rồi năm trăm do tuần, rồi bốn trăm do tuần, và cho đến chỉ tồn tại một trăm do tuần.

Vì vậy nên biết rằng: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

Bấy giờ, nước biển lớn từ từ vơi dần chỉ còn từ bảy do tuần, rồi sáu do tuần, rồi năm do tuần và và. Cho đến chỉ còn tồn tại một do tuần.

Phật bảo Tỳ Kheo: Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian. Sau đó nước biển vơi dần chỉ còn từ bảy cây Đa La, rồi sáu cây Đa La, và cho đến chỉ còn bằng một cây Đa La.

Phật bảo Tỳ Kheo: Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy, nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

Sau đó nước biển chuyển cạn dần từ bảy người, rồi sáu người, rồi năm người, rồi bốn người, rồi ba người, rồi hai người, rồi một người, cho đến chỉ còn từ thắt lưng, rồi đầu gối, rồi đến. Mắt cá chân người.

Phật bảo Tỳ Kheo: Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng để cho con người chán nản và lo sợ, nên tìm đạo giải thoát độ thế gian.

Sau đó, nước biển chỉ còn giống như sau cơn mưa xuân. Cũng giống như nước trong dấu chân trâu, từ từ cạn hết, không đủ thấm ướt ngón tay người.

Phật bảo Tỳ Kheo: Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

Sau đó, qua một thời gian lâu dài, có trận bão lớn bạo khởi, thổi cát đáy biển, độ sâu tám vạn bốn ngàn do tuần, dạt lên hai bờ. Mang cung điện mặt trời đem đặt lưng chừng núi Tu Di, an trí quỹ đạo mặt trời.

Do nhân duyên này mà thế gian có sáu mặt trời xuất hiện. Sau khi sáu mặt trời xuất hiện, thì bốn châu thiên hạ, cùng tám vạn núi trong thiên hạ, núi lớn, Tu Di Sơn Vương. Đều bốc khói cháy xém, giống như thợ gốm khi bắt đầu đun đồ gốm, thì lúc sáu mặt trời xuất hiện lại cũng như vậy.

Phật bảo Tỳ Kheo: Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

Sau đó, qua một thời gian lâu dài, có trận bão lớn bạo khởi, thổi cát đáy biển, độ sâu tám vạn bốn ngàn do tuần, dạt lên hai bờ. Mang cung điện mặt trời đem đặt lưng chừng núi Tu Di, an trí quỹ đạo mặt trời. Do nhân duyên này mà thế gian có bảy mặt trời xuất hiện.

Sau khi bảy mặt trời xuất hiện, thì bốn châu thiên hạ này, cùng tám vạn núi trong thiên hạ, các núi lớn, Tu Di Sơn Vương. Tất cả đều rực lửa.

Cũng như thợ gốm khi đốt to, ngọn lửa bốc lên, lúc bảy mặt trời xuất hiện lại cũng như vậy.

Phật bảo Tỳ Kheo: Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm.

Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian. Bốn châu thiên hạ này, cùng tám vạn núi trong thiên hạ, các núi lớn, Tu Di Sơn Vương.

Tất cả đều rực lửa. Cùng lúc, cung điện Tứ Thiên Vương, cung điện Đao Lợi Thiên, cung điện Diệm Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Tự Tại Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, cung điện Phạm Thiên cũng đều rực lửa.

Phật bảo Tỳ Kheo: Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

Sau khi bốn châu thiên hạ này. Cho đến Phạm Thiên, thảy đều rực lửa, gió thổi ngọn lửa đến cõi Quang Âm Thiên.

Các Thiên Tử sơ sinh khi thấy ngọn lửa này đều sanh lòng sợ hãi, nói rằng: Ối! Vật gì đây?

Chư Thiên sinh trước nói với Chư Thiên sinh sau rằng: Chớ sợ hãi. Lửa kia đã từng đến và dừng lại ngang đó. Vì nghĩ đến ánh lửa trước nên gọi là Quang Niệm Thiên.

Khi bốn thiên hạ này, cho đến Phạm Thiên, bốc lửa, thì Tu Di Sơn Vương dần dần sụp lở, từ một trăm do tuần, hai trăm do tuần, cho đến bảy trăm do tuần.

Phật bảo Tỳ Kheo: Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

Sau khi bốn châu thiên hạ này, cho đến Phạm Thiên  đều bị lửa đốt sạch, sau đó Đại Địa cùng Tu Di Sơn không còn chút tro tàn nào hết.

Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

Sau khi Đại Địa bị lửa đốt cháy sạch rồi, thì nước ở bên dưới đất cũng hết. Gió ở bên dưới nước cũng hết.

Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.

Phật bảo Tỳ Kheo: Khi tai kiếp lửa khởi lên, thì Trời không mưa xuống, trăm thứ lúa, cỏ, cây tự nhiên bị khô chết.

Ai sẽ tin?

Chỉ có ai đã thấy thì sẽ tự biết mà thôi. Cũng vậy, cho đến, nước ở bên dưới đất hết, gió ở bên dưới nước cũng hết.

Ai sẽ tin?

Chỉ có ai đã thấy thì sẽ tự biết mà thôi. Ðó là tai kiếp lửa.

Thế nào là sự phục hồi của kiếp lửa?

Sau đó rất lâu, rất lâu, có đám mây đen lớn ở giữa hư không, cho đến cõi Quang Âm Thiên. Mưa đổ xuống khắp nơi, giọt mưa như bánh xe.

Mưa như vậy trải qua vô số trăm ngàn năm, nước mưa lớn dần, cao đến vô số trăm ngàn do tuần, cho đến Cõi Quang Âm Thiên.

Bấy giờ, có bốn trận gió lớn nổi lên, giữ nước này trụ lại.

Những gì là bốn?

Một là Trụ phong, hai là Trì phong, ba là Bất động, bốn là Kiên cố. Sau đó nước này vơi bớt một trăm ngàn do tuần, rồi vô số trăm ngàn vạn do tuần. Bốn mặt của nước này khởi lên trận gió lớn tên gió là Tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại.

Đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên Cung. Thiên Cung trang sức bằng bảy báu.

Do nhân duyên này mà có Thiên Cung Phạm Ca Di. Khi nước kia vơi mãi cho đến vô số trăm ngàn vạn do tuần, thì bốn mặt của nước này lại nổi lên gió lớn, được gọi là Tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại.

Đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên Cung. Thiên Cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có Thiên Cung Tha Hóa Tự Tại.

Khi nước kia vơi bớt mãi cho đến vô số ngàn vạn do tuần, thì bốn mặt nước này nổi lên gió lớn, có gió tên là Tăng Già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại.

Đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên Cung. Thiên Cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có Thiên Cung Hóa Tự Tại.

Khi nước kia rút xuống vô số trăm ngàn do tuần, thì có gió tên là Tăng Già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại.

Đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên Cung. Thiên Cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có Thiên Cung Đâu Suất.

Khi nước kia rút xuống vô số trăm ngàn do tuần, thì có gió tên là Tăng Già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại.

Đám bọt nước tích tụ này bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng rắn chắc, biến thành Thiên Cung. Thiên Cung này trang sức bằng bảy báu. Do nhân duyên này mà có Thiên Cung Diệm Ma.

Khi nước kia rút xuống vô số trăm ngàn do tuần, thì trên nước có bọt và sâu sáu mươi vạn tám ngàn do tuần, các biên của nó không có bờ mé. Cũng như dòng nước, suối, nguồn, hang, động ở thế gian này, trên nước của nó có bọt, thì kia cũng như vậy.

Vì nhân duyên gì mà có núi Tu Di?

Vì có cuồng phong nổi dậy, nên thổi bọt nước này tạo thành núi Tu Di, cao sáu mươi vạn tám ngàn do tuần, dọc ngang tám vạn bốn ngàn do tuần và do bốn báu tạo thành: Vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly.

Vì nhân duyên gì mà có bốn cung điện A Tu Luân?

Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn, ở tại bốn mặt của núi Tu Di nổi lên cung điện lớn. Mỗi cung điện dọc ngang tám vạn do tuần, tự nhiên biến thành cung điện bảy báu.

Lại vì nhân duyên gì mà có cung điện của Tứ Thiên Vương?

Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên lưng chừng nửa núi Tu Di, độ bốn vạn hai ngàn do tuần, tự nhiên biến thành cung điện bảy báu. Vì vậy cho nên gọi là cung điện Tứ Thiên Vương.

Vì nhân duyên gì có cung điện Đao Lợi Thiên?

Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên tới đỉnh núi Tu Di, tự nhiên biến thành cung điện bảy báu.

Lại vì nhân duyên gì mà có núi Già Đà La?

Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Tu Di không xa, tự nhiên hóa thành núi báu, chân núi ăn sâu vào trong đất bốn vạn hai ngàn do tuần, dọc ngang bốn vạn hai ngàn do tuần, biên ngoài thì không hạn, sắc tạp bên cạnh do bảy báu mà thành, vì nhân duyên này nên có núi Già Đà La.

Lại vì nhân duyên gì mà có núi Y sa?

Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Già Đà La không xa, tự nhiên hóa thành núi Y Sa, cao hai vạn một ngàn do tuần, dọc ngang hai vạn một ngàn do tuần, ngoài biên thì không hạn, nhiều màu sắc xen nhau, do bảy báu mà thành.

Vì nhân duyên này nên có núi Y Sa. Sau khi cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Y Sa không xa, tự nhiên hóa thành núi thọ thần Đà La, cao một vạn hai ngàn do tuần, dọc ngang một vạn hai ngàn do tuần, ngoài biên thì không hạn, nhiều màu xen nhau, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi thọ thần Đà La.

Về sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi thọ thần Đà La không xa, tự nhiên hóa thành núi A Bát Ni Lâu, cao sáu ngàn do tuần, dọc ngang sáu ngàn do tuần, biên ngoài thì không hạn, nhiều sắc xen nhau, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi A Bát Ni Lâu.

Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi A Bát Ni Lâu không xa, tự nhiên hóa thành núi Ni Lân Đà La, cao ba ngàn do tuần, dọc ngang ba ngàn do tuần, biên ngoài thì không hạn, nhiều sắc tạp xen, do bảy báu mà thành. Vì nhân duyên này nên có núi Ni Lân Đà La.

Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Ni Lân Đà La không xa, tự nhiên hóa thành núi Tỳ Ni Đà, cao một ngàn hai trăm do tuần, dọc ngang một ngàn hai trăm do tuần, biên ngoài thì không hạn, sắc tạp xen nhau, do bảy báu mà thành, vì nhân duyên này nên có núi Tỳ Ni Đà.

Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn lên cách núi Tỳ Ni Đà không xa, tự nhiên hóa thành núi Kim cương luân, cao ba trăm do tuần, dọc ngang ba trăm do tuần, biên ngoài thì không hạn, sắc tạp xen nhau, do bảy báu mà thành, vì nhân duyên này nên có núi Kim Cương Luân.

Vì sao có một cung điện mặt trăng, bảy cung điện mặt trời?

Một thời gian sau, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn, thì tự nhiên biến thành một cung điện mặt trăng, bảy cung điện mặt trời, sắc tạp xen nhau, do bảy báu mà thành, vì bị bão thổi ngược trở lại chỗ cũ nên vì nhân duyên này mà có cung điện mặt trời và cung điện mặt trăng.

Sau đó, cuồng phong thổi đám bọt nước lớn, thì tự nhiên biến thành bốn châu thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ. Vì nhân duyên này nên có bốn châu thiên hạ cùng tám vạn thiên hạ.

Sau đó, cuồng phong thổi bọt nước lớn, thì tại tứ thiên hạ cùng tám vạn thiên hạ, tự nhiên biến thành núi Ðại Kim Cương Luân, cao mười sáu vạn tám ngàn do tuần, dọc ngang rộng mười sáu vạn tám ngàn do tuần, biên giới của nó thì không có hạn. Kim cương rắn chắc không thể hủy hoại. Vì nhân duyên này nên có núi Ðại Kim Cương Luân.

Sau đó một thời gian rất lâu, rất lâu, có mây tự nhiên phủ đầy không trung và mưa lớn khắp nơi, những giọt nước mưa như bánh xe. Nước này tràn đầy khắp nơi dìm bốn châu thiên hạ cùng núi Tu Di v.v...

Sau đó, cuồng phong thổi đất làm thành hầm hố lớn, nước khe suối đều chảy vào hết trong đó, nhân đây mà làm thành biển. Vì nhân duyên này nên có bốn biển nước lớn. Nước biển mặn đắng có ba nhân duyên.

Những gì là ba?

Một, mây tự nhiên giăng khắp hư không cho đến Quang Âm Thiên, mưa khắp mọi nơi, tẩy rửa Cung Trời, rửa sạch thiên hạ.

Từ Cung Trời Phạm Ca Di, Cung Trời Tha Hóa Tự Tại xuống đến Cung Trời Diệm Ma, bốn thiên hạ, tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu Di Sơn Vương, thảy đều được tẩy rửa sạch sẽ.

Trong những nơi này, tất cả các thứ nước dịch bất tịnh, dơ dáy và mặn, đều trôi xuôi xuống mà vào trong biển cả hợp thành một vị, nên nước biển có vị mặn.

Hai, vì xưa kia có vị Ðại Tiên trì cấm chú vào nước biển, muốn cho lúc nào nó cũng mặn đắng, người không uống được, cho nên chúng mặn đắng.

Ba, vì trong nước biển lớn này có nhiều loại chúng sanh cư trú, thân hình chúng to dài đến, hoặc trăm do tuần, hai trăm do tuần. Cho đến bảy trăm do tuần, thở hít, ăn vào mửa ra, đại tiểu tiện đều ở trong đó, nên nước biển mặn. Ðó là tai kiếp lửa.

Phật bảo Tỳ Kheo: Thế nào là tai kiếp nước?

Khi tai kiếp nước bắt đầu, con người trong thế gian này đều phụng hành chánh pháp, đều chánh kiến, không theo tà kiến, mà tu tập mười thiện nghiệp.

Sau khi tu tập thiện hành, có người đạt được đệ Tam Thiền không có hỷ, thân họ có thể cất lên ở giữa hư không, an trụ Thánh Nhân Đạo, Thiên Đạo, Phạm Đạo và lớn tiếng xướng lên rằng: Các Hiền Giả! Sung sướng thay, đệ Tam Thiền không có hỷ.

Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên Trời nói với họ rằng: Lành thay! Lành thay! Xin vì tôi mà nói đạo của Tam Thiền không có hỷ. Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của Tam Thiền không có hỷ.

Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của Tam Thiền không có hỷ, nên khi thân hoại mạng chung họ được sinh về Biến Tịnh Thiên.

Bấy giờ, những chúng sanh ở trong địa ngục, sau khi tội nghiệp của họ đã mãn, thân hoại mạng chung tái sinh vào nhân gian. Rồi cũng tu tập đạo của đệ Tam Thiền. Sau khi tu tập đạo thiền, thân hoại mạng chung, được sinh về Biến Tịnh Thiên.

Những chúng sanh của các loài súc sanh, ngạ quỷ, A Tu Luân, Tứ Thiên Vương, Đao Lợi Thiên, Diệm Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Hóa Tự Tại Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, Phạm Thiên, Quang Âm Thiên sau khi thân hoại mạng chung cũng tái sinh vào cõi nhân gian.

Nếu họ cũng tu tập đạo của đệ Tam Thiền, khi thân hoại mạng chung họ cũng sẽ được sinh về Biến Tịnh Thiên. Vì nhân duyên này nên đạo địa ngục bị diệt tận và súc sanh, ngạ quỷ, A Tu Luân, Tứ Thiên Vương. Cho đến Cõi Quang Âm Thiên cũng đều diệt tận.

Vào lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục biến mất, sau đó súc sanh biến mất. Súc sanh biến mất rồi, thì ngạ quỷ biến mất.

Ngạ quỷ biến mất rồi, thì A Tu Luân biến mất. Khi A Tu Luân biến mất rồi, thì Tứ Thiên Vương biến mất. Khi Tứ Thiên Vương biến mất rồi, thì Đao Lợi Thiên biến mất, khi Đao Lợi Thiên biến mất rồi, thì Diệm Ma Thiên biến mất.

Diệm Ma Thiên biến mất rồi, thì Đâu Suất Thiên biến mất. Khi Đâu Suất Thiên biến mất rồi, thì Hóa Tự Tại Thiên biến mất.

Khi Hóa Tự Tại Thiên biến mất rồi, thì Tha Hóa Tự Tại Thiên biến mất. Khi Tha Hóa Tự Tại Thiên biến mất rồi, thì Phạm Thiên biến mất. Khi Phạm Thiên biến mất rồi, thì Quang Âm Thiên biến mất.

Khi Quang Âm Thiên biến mất, sau đó thì loài người hoàn toàn biến mất. Sau khi loài người hoàn toàn biến mất, thế gian này hủy diệt. Như thế là hoàn thành tai kiếp.

Rất lâu sau đó, rất lâu, có đám mây đen lớn bạo khởi, trên cho đến Biến Tịnh Thiên, mưa khắp mọi nơi, mưa xuống hoàn toàn là nước nóng.

Thứ nước này sôi sục, đun nấu thiên hạ, làm cho các cung điện Cõi Trời thảy đều bị tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như đặt chất béo váng sữa vào trong lửa, đều bị chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, thì cung điện Quang Âm Thiên cũng lại như vậy.

Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.

Sau đó, mưa này lại xâm phạm đến cung điện Cõi Trời Phạm Ca Di, cũng đun chảy tiêu hết, không sót thứ gì, giống như chất béo váng sữa đem đặt vào trong lửa, không còn sót thứ gì, thì cung điện Phạm Ca Di Lại cũng như vậy.

Sau đó, nước mưa này lại xâm phạm đến các cung điện Tha Hóa Tự Tại Thiên, Hóa Tự Tại Thiên, Đâu Suất Thiên, Diệm Ma Thiên, cũng bị đun chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như chất béo váng sữa đem đặt vào trong lửa, không còn sót thứ gì, thì các cung điện Chư Thiên lại cũng như vậy.

Sau đó, nước mưa này lại xâm phạm đến bốn châu thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu Di Sơn Vương cũng đều bị đun nấu tiêu hết, không còn sót thứ gì, giống như chất béo váng sữa đem đặt vào trong lửa, đều bị nung chảy tiêu hết, không còn sót thứ gì, thì những thứ này lại cũng như vậy.

Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian. Sau đó, nước này đã đun nấu Đại Địa không còn sót gì nữa rồi, thì nước bên dưới đất cũng hết, gió bên dưới nước cũng hết.

Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm đạo giải thoát vượt khỏi thế gian.

Phật bảo Tỳ Kheo: Sự nung chảy, tiến tận ngang đến cung điện Biến Tịnh Thiên này, ai là người có thể tin?

Chỉ có ai thấy mới có thể biết mà thôi. Từ cung điện Phạm Ca Di bị nung chảy tiêu hết.

Cho đến, nước bên dưới đất cũng hết, gió bên dưới nước cũng hết, ai là người có thể tin?

Chỉ có ai thấy, mới có thể biết mà thôi. Ðó là tai họa do nước.

Thế nào là sự hồi phục của tai kiếp nước?

Sau đó một thời gian rất lâu, rất lâu, xuất hiện đám mây đen lớn bao phủ khắp hư không, lên đến cõi Biến Tịnh Thiên, mưa khắp nơi, những giọt nước mưa như bánh xe. Mưa kéo dài vô số trăm ngàn vạn năm như vậy, nước mưa này lớn dần dần cho đến Cõi Biến Tịnh Thiên.

Có bốn loại gió lớn giữ nước này lại một chỗ đó là: 

Một là trụ phong.

Hai là trì phong.

Ba là bất động.

Bốn là kiên cố.

Sau đó, nước này vơi giảm vô số trăm ngàn do tuần, bốn mặt gió lớn nổi dậy gọi là Tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, rồi bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng biến thành cung điện Quang Âm Thiên, trang sức bằng bảy báu.

Vì nhân duyên này mà có cung điện Quang Âm Thiên. Khi nước kia vơi giảm dần cho đến vô số trăm ngàn do tuần, thì gió tăng già thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, rồi bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng biến thành cung điện Phạm Ca Di, trang sức bằng bảy báu.

Như đã kể, cho đến, nước biển có cùng một vị mặn đắng, cũng như lúc tai họa do lửa phục hồi, đó là tai kiếp nước.

Phật bảo Tỳ Kheo: Thế nào là tai kiếp gió?

Khi tai kiếp gió bắt đầu khởi, con người trong thế gian này đều phụng hành chánh pháp, đều chánh kiến, không theo tà kiến, mà tu tập mười thiện nghiệp.

Khi tu tập hành vi thiện, thì có người đạt được đệ Tứ Thiền với xả và niệm thanh tịnh, họ ở giữa hư không, trụ vào Thánh Nhân Đạo, Thiên Đạo, Phạm Đạo và lớn tiếng xướng lên rằng: Các Hiền Giả! Nên biết, sung sướng thay, đệ Tứ Thiền với xả và niệm thanh tịnh. Sung sướng thay, đệ Tứ Thiền với xả và niệm thanh tịnh.

Lúc ấy, người thế gian nghe những lời này rồi, liền ngửa mặt lên Trời nói với họ rằng: Lành thay! Lành thay! Xin vì tôi mà nói về đạo của Tứ Thiền với xả và niệm thanh tịnh. Lúc này, người ở giữa hư không nghe những lời của người kia rồi liền nói về đạo của Tứ Thiền. Sau khi người thế gian nghe nói rồi, liền tu đạo của Tứ Thiền, nên khi thân hoại mạng chung được sinh về Quả Thật Thiên.

Bấy giờ, những chúng sanh ở trong địa ngục, sau khi tội nghiệp đã mãn, thân hoại mạng chung, tái sinh vào nhân gian. Rồi cũng tu tập đạo của đệ Tứ Thiền. Sau khi tu tập đạo Thiền, thân hoại mạng chung, tái sinh về Quả Thật Thiên.

Còn những chúng sanh của các loài súc sanh, ngạ quỷ, A tu luân, Tứ Thiên Vương, cho đến Biến Tịnh Thiên, sau khi thân hoại mạng chung cũng sẽ tái sinh vào cõi nhân gian. Nếu cũng tu tập đạo của đệ Tứ Thiền, khi thân hoại mạng chung cũng sẽ tái sinh về Quả Thật Thiên.

Vì nhân duyên này nên đạo địa ngục được diệt tận và súc sanh, ngạ quỷ, A Tu Luân, Tứ Thiên Vương. Cho đến Cõi Biến Tịnh Thiên cũng đều diệt tận.

Vào lúc bấy giờ, trước tiên là địa ngục diệt tận, sau đó súc sanh diệt tận.

Súc sanh diệt tận rồi, thì ngạ quỷ diệt tận.

Khi ngạ quỷ diệt tận rồi, thì A Tu Luân diệt tận.

Khi A Tu Luân diệt tận rồi, thì Tứ Thiên Vương diệt tận.

Khi Tứ Thiên Vương diệt tận rồi. Như vậy lần lượt cho đến Biến Tịnh Thiên diệt tận.

Khi Biến Tịnh Thiên diệt tận rồi, thì sau đó, con người bị diệt tận không còn sót.

Khi con người đã bị diệt tận không còn sót, thì thế gian này bị tan hoại, thế là hoàn thành tai kiếp.

Rất lâu, rất lâu sau đó, có gió lớn nổi lên, tên là Đại Tăng Già, cho đến Quả Thật Thiên.

Gió lan khắp mọi nơi, thổi cung điện Biến Tịnh Thiên, Quang Âm Thiên, khiến cho các cung điện va chạm nhau tan vỡ ra thành phấn bụi, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ vụn không còn gì hết, thì hai cung điện va chạm nhau cũng lại như vậy.

Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm đạo giải thoát vượt khỏi thế gian.

Sau đó, gió này thổi cung điện Phạm Ca Di Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, các cung điện va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi không còn gì hết, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ không còn gì hết, thì hai cung điện va chạm nhau cũng lại như vậy.

Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm đạo giải thoát vượt thế gian.

Sau đó, gió này thổi cung điện Hóa Tự Tại Thiên, Đâu Suất Thiên, Diệm Ma Thiên, các cung điện này va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi không còn lại gì hết, giống như lực sĩ cầm hai cái chày đồng, làm cho chúng va chạm nhau, cả hai đều vỡ vụn không còn gì hết, thì những cung điện này va chạm nhau không còn gì hết cũng lại như vậy.

Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.

Sau đó, gió này thổi bốn thiên hạ, cùng tám vạn thiên hạ, các núi, núi lớn, Tu Di Sơn Vương đem đặt giữa hư không, cao trăm ngàn do tuần, những ngọn núi này va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi, giống như lực sĩ tay cầm vỏ trấu nhẹ rải vào không trung, thì tứ châu thiên hạ, Tu Di, các núi này vỡ vụn, phân tán ra, cũng lại như vậy.

Vì vậy nên biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian. Sau đó, gió thổi Đại Địa. Nước bên dưới đất hết, gió bên dưới nước hết.

Cho nên phải biết: Tất cả hành là vô thường, là pháp biến dịch, không đáng tin cậy, phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm nên tìm con đường giải thoát vượt khỏi thế gian.

Phật bảo Tỳ Kheo: Khi hai cung điện Biến Tịnh Thiên và Quang Âm Thiên va chạm nhau, tan vỡ ra thành phấn bụi, ai là người có thể tin?

Chỉ có độc nhất người thấy mới có thể biết mà thôi.

Như vậy cho đến nước bên dưới đất hết, gió bên dưới nước hết, ai là người sẽ tin?

Chỉ có độc nhất người thấy mới có thể biết mà thôi. Ðó là tai kiếp gió.

Thế nào là sự hồi phục của tai kiếp?

Sau một thời gian rất lâu xuất hiện đám mây đen lớn bao phủ khắp hư không, lên đến cõi Quả Thật Thiên. Rồi mưa xuống khắp nơi. Những giọt nước mưa như bánh xe, mưa kéo dài vô số trăm ngàn vạn năm, nước này lớn dần, cho đến Quả Thật Thiên. Lúc bấy giờ, có bốn loại gió lớn giữ nước này lại một chỗ.

Những gì là bốn?

Một là trụ phong, hai là trì phong, ba là bất động, bốn là kiên cố.

Sau đó, nước này dần dần rút xuống vô số trăm ngàn do tuần. Bốn phía mặt nước gió lớn nổi dậy, gọi là tăng già, thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng biến thành cung điện Biến Tịnh Thiên, được trang sức bằng bảy báu, xen lẫn các loại tạp sắc. Vì nhân duyên này mà có cung điện Biến Tịnh Thiên.

Khi nước kia rút dần cho đến vô số trăm ngàn do tuần, thì gió Tăng già kia thổi nước khiến chúng dao động, nổi dậy ba đào, tạo thành bọt nước mà tích tụ lại, bị gió thổi lìa khỏi mặt nước bắn lên không trung và tự nhiên chúng biến thành cung điện Quang Âm Thiên, được trang sức bằng bảy báu, xen lẫn các loại tạp sắc.

Cho đến nước biển có cùng một vị mặn đắng, cũng như đã nói về tai kiếp lửa. Ðó là tai kiếp gió. Ðó là ba tai kiếp và là ba lần phục hồi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường