Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trí ấn - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trí Cát Tường

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI THỪA TRÍ ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trí Cát Tường  

PHẦN BỐN  

Phật bảo các Bồ tát: Lành thay, lành thay! Từ nay, trải qua ba mươi ức kiếp về sau, các ngươi đều ở cõi nước của Chư Phật, tu tập đầy đủ sáu pháp Ba la mật, đạt được hạnh nguyện tối thắng khó thực hành, tất cả đều có khả năng thành tựu tròn đầy, các tập khí đều dứt sạch, đạt đại Bồ Đề, sẽ thành Phật và đồng một hiệu là Vô Úy Như Lai.

Đức Phật lại bảo chúng Trời, người: Này các Thiện Nam! Chúng Trời, người các vị, trong quá khứ đã ở chỗ vô lượng các Đức Phật, trồng các căn lành, thích tu đại thừa. Hôm nay, ở trong hội này, được nghe pháp sâu xa nhiệm mầu, ít có như thế, hãy vui vẻ mà lãnh nhận gìn giữ.

Này các thiện nam! Các vị từ nay trải qua ức ngàn kiếp sẽ cùng được thành Phật và đồng là Trí Ấn Như Lai.

Khi Đức Phật thọ ký cho các vị Bồ Tát và chúng Trời, người, về sau sẽ thành Phật xong, Phật nhìn khắp chúng hội, dùng âm thanh dịu dàng, nói với đồng chân Bồ Tát Diệu Cát Tường: Ta xem những Bồ Tát, Trời, người ở trong hội này, tuy họ ở nơi bồ đề tối thượng, phát tâm dũng mãnh, vững chắc không thoái lui.

Nhưng vào đời mạt pháp, tà kiến, họ chưa đủ khả năng ở trong đạo, để tạo dựng nên chánh pháp. Chỉ có mình ông, ở đời ác năm trược, trong tam thiên Thế Giới là làm lợi ích an vui cho tất cả chúng sinh, tìm cách giữ gìn, phân biệt giảng nói, khiến cho lưu truyền rộng rãi khắp cả mọi nơi, khiến cho chúng sinh lìa được những giả dối. Những đắm say tình ái, không bị danh dự trói buộc.

Bấy giờ, Đồng chân Bồ Tát Diệu Cát Tường, từ tòa ngồi, đứng dậy, nghiêm trang, sửa sang y phục, quỳ gối phải sát đất, chắp tay đảnh lễ Thế Tôn, đem những thứ hoa cúng dường, chiêm ngưỡng khen ngợi, được chưa từng có, rồi bạch Phật: May thay! Bạch Thế Tôn! Như con xem xét thấy tất cả các pháp, đều không thể nắm bắt mà nguyện của con thì thích giữ gìn Vô Thượng, Chánh Đẳng Bồ Đề và tâm nguyện ưa thích ấy cũng không thể nắm giữ.

Bạch Thế Tôn! Đạo Bồ Đề này, tánh lìa phân biệt, chẳng phải ở trong, ngoài, chặng giữa. Không thấy, không nghe, không giữ, không bỏ, hoàn toàn vắng lặng, không thể tìm tướng, lìa mọi hý luận.

Lúc ấy, trong hội lại có ba trăm câu chi Bồ Tát, từ chỗ ngồi, đứng dây, đảnh lễ sát đất, cung kính ca ngợi, rồi bạch Phật: Chúng con cũng sẽ giữ gìn pháp Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, bí mật sâu xa, khó hiểu được của Đức Thế Tôn đã đạt được đó ở vô lượng A tăng kỳ na dữu đa câu chi số kiếp. Nguyện ở đời vị lai, tìm cách vì người mà lãnh nhận giữ gìn, đọc tụng, trình bày diệu nghĩa, ghi chép, cung kính cúng dường.

Khi tất cả Bồ Tát nói như thế xong, mỗi vị, đều cởi y đang mặc trên thân, để cúng dường Đức Phật. Phát nguyện xong, các vị lui sang ngồi một bên.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Di Lặc: Ông có khả năng đầy đủ, có lòng từ bi rộng lớn. Ở đời vị lai, nếu có những chúng sinh không ưa chánh pháp, thì ngay lúc ấy, ông hộ trì pháp này, để khiến cho những chúng sinh ấy, không sinh tà kiến.

Đại Bồ Tát Di Lặc ở trước Thế Tôn đảnh lễ sát đất, rồi bạch Phật: Con nguyện ở đời ác năm trược, sẽ tìm cách giữ gìn Tam Ma Địa này, không để đứt mất, khiến cho các chúng sinh còn tà kiến tán loạn, dần dần ngộ nhập vào pháp mầu tối thượng của Kinh Điển đại thừa.

Đức Thế Tôn lại bảo Bồ Tát Di Lặc: Hôm nay, ba trăm tám ngàn câu chi Bồ Tát, ở trong hội này, đều an trụ pháp, tin hiểu thọ trì, tâm sinh nguyện thích, siêng năng tu học, thề không lui bỏ.

Lại có Bồ Tát, tâm chưa vững vàng, nên đối với pháp này, không có khả năng lãnh thọ giữ gìn, cũng không yêu thích. Ở đời vị lai, trong kiếp năm trược, sẽ không đủ khả năng hộ trì pháp Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác của Như Lai đã tu ở vô lượng A tăng kỳ na dữu đa câu chi kiếp số. Ở trong pháp ấy, lại sinh tranh cãi cùng các phiền não, không thể đảm nhận, giữ gìn sự ưa thích tu học.

Bồ Tát Di Lặc lại bạch Phật: Tại sao là Bồ Tát mà không ưa thích thắng pháp tối thượng?

Nếu có Bồ Tát, có ý muốn tu tập pháp hạnh như thế, thì phải phát bao nhiêu thứ tâm mới có thể thành tựu?

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Hãy lắng nghe, này thiện nam! Do các Bồ Tát đều sinh ngã pháp, bị chướng ngại bởi ngu si ám độn. Tuy có trí tuệ mà không sáng suốt, nên đối với Bồ Đề, tâm không quyết định, mấy phen lui bỏ, phần nhiều không ưa thích. Nếu có Bồ Tát đối với Thắng Tam Ma Địa Trí Ấn thượng thừa như thế, có ý muốn cho vững vàng, mong cầu ưa thích chứng nhập thì đối với Bồ Đề phải phát bảy thứ tâm.

Những gì là bảy?

1. Như nhân địa thuở xưa của Phật Thế Tôn, thưa hỏi các bậc thiện tri thức, không tiếc thân mạng, chỉ vì cầu Phật đạo nên phát tâm bồ đề.

2. Đối với tất cả thắng pháp nhiệm mầu, thì ưa thích tu học, chuyên tâm giữ gìn vì như vậy… nên phát tâm bồ đề.

3. Hiện tại, những hữu tình có nhiều thứ khổ, sớm tối lo buồn, không khi nào giải thoát, khởi tâm đại bi muốn cứu vớt khắp. Vì như vậy… nên phát tâm bồ đề.

4. Muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, không có ý tưởng oán hay thân, tất cả đều được vui vẻ, giải thoát, tự tại. Vì như thế… nên phát tâm bồ đề.

5. Đối với khắp tất cả chúng sinh… vui vẻ bố thí, tìm cách nhiếp thọ, khiến cho họ lìa sợ hãi, đối với pháp Như Lai, không sinh khiếp nhược. Vì như vậy… nên phát tâm bồ đề.

6. Thấy các Bồ Tát phát tâm bồ đề mà sinh ưa thích, gần gũi, tu học, cùng các Bồ Tát phát tâm bồ đề.

7. Vì nghe thân tướng của Như Lai cao đẹp đặc biệt, công đức tròn đầy, thanh tịnh bậc nhất, vì cầu Thánh quả vô cấu xuất thế. Nên phát tâm bồ đề.

Này Thiện Nam! Như vậy Bồ Tát phát bảy thứ tâm mầu nhiệm tối thắng này, có thể dần dần thành tựu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, không xả bỏ chúng sinh, giữ gìn chánh pháp. Đó là bảy thứ phát tâm bồ đề.

Này Thiện Nam! Nếu các Bồ Tát, khéo có thể tu tập bốn vô lượng tâm, học tập kho tàng pháp sâu xa của Như Lai, lại có thể thành tựu năm thứ thắng pháp. Các Bồ Tát đầy đủ thắng pháp ấy, gọi là không thoái chuyển.

Bồ Tát Di Lặc, lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Năm pháp nào được không thoái chuyển?

Đức Phật đáp: Này thiện nam!

Năm pháp ấy là:

1. Đối với các chúng sinh, khởi tâm bình đẳng. Đối với quyến thuộc của mình không sinh thân thiết. Đối với các hữu tình khác cũng không chán bỏ.

2. Thấy các hữu tình được lợi dưỡng thì thật lòng vui vẻ. Khéo léo khen ngợi, không sinh tâm ganh ghét buồn phiền.

3. Đối với thắng pháp mầu nhiệm của Phật Như Lai, thì có ý mong muốn lắng nghe và muốn được trình bày. Vì muốn hộ trì tạng pháp như thế, nên không tiếc thân mạng, lưu truyền rộng khắp, liên tục không dứt.

4. Có được của cải riêng tư, hay những thứ tài sản quý báu, không có lòng bỏn sẻn đều đem ban phát cho tất cả hữu tình, đem cả thức ăn uống, thuốc thang tốt nhất bình đẳng giúp khắp, khiến họ đều đầy đủ.

5. Đối với pháp công đức thù thắng tối thượng, trí tuệ rộng lớn, tổng trì bí mật của các Như Lai thì vui vẻ, ưa thích, siêng năng tu học.

Đó là năm thứ thắng pháp của Bồ Tát, đối với thắng pháp ấy phải có sự quyết định mong cầu, tâm không thoái lui.

Đức Phật bảo Đại Bồ Tát Di Lặc: Lại có năm pháp mà tánh của chúng cứng rắn, hay ngăn cản Bồ Đề, không thể giải thoát.

Năm pháp đó là:

1. Đối với pháp ba thừa, không đủ khả năng hiểu rõ.

2. Tham cầu lợi dưỡng mà không nhàm chán.

3. Thường ôm lòng bỏn sẻn, tiếc nuối, không hề biết ban ân.

4. Dua nịnh, không thật, không khi nào dừng dứt.

5. Miệng chỉ nói không mà không rõ các tướng.

Này Bồ Tát Di Lặc! Đó là năm pháp, làm cho thói quen cứng rắn, ngăn che bồ đề không thể thành tựu quả Thánh vô thượng.

Lại có năm pháp, nếu các Bồ Tát có đầy đủ thì đối với thắng pháp Như Lai đã nói sẽ có khả năng khai bày, dẫn dắt, giảng nói vững vàng, tu tập, nhập vào địa vị Thánh tánh. Bồ Tát như thế gọi là không thoái chuyển.

Những gì là năm pháp?

1. Vô ngã, xa lìa sự trói buộc của tướng, không chấp vào mình và người.

2. Vô pháp, xa lìa sự trói buộc, sự dính mắc vào thế tục và thắng nghĩa, giữ gìn tự tánh.

3. Tánh trí và tướng trí bình đẳng không hai, không có thương ghét, vắng lặng, sáng suốt.

4. Không chấp vào bồ đề và chúng sinh, không ngu muội về sự tuần tự theo thứ lớp của nhân quả tốt xấu.

5. Biết rõ tướng sai khác về sắc thân công đức, thần thông, biến hóa, thành đạo, nhập diệt của Như Lai.

Này Thiện Nam! Biết rõ đầy đủ năm pháp như vậy gọi là không thoái chuyển, có khả năng thành Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:

Loài chúng sinh vô trí

Vọng nói pháp phi pháp

Luận bàn chuyện thế tục

Tìm kiếm việc tốt xấu.

Tự nghiệp thân, miệng, ý

Mà không thể giữ gìn

Người chuyên ý tu tập

Ưa thích sự yên lặng.

Hành trì giới, nhẫn nhục

Nói năng thường dịu dàng

Hay giữ gìn bồ đề

Như tê giác sống riêng.

Lìa bỏ nơi ồn ào

Thích sống nới vắng vẻ

Như hươu ở rừng sâu

Không có những sợ hãi.

Hành giả tu như thế

Như gió thoảng bay qua

Vì giữ gìn pháp mầu

Có thể bỏ thân mạng.

Tâm kia không chỗ muốn

Động tĩnh và hành sử

Đều làm cho lợi ích

Trí tuệ luôn sáng suốt.

Không ngu tướng các cảnh

Đời ác năm trược sau

Các hữu tình không tin

Không thể thọ pháp này.

Gặp việc sinh nghi hoặc

Không biết rõ được gì

Lừa dối hành tà hạnh

Tâm cuồng loạn, điên đảo.

Người ngu si như thế

Với pháp Bồ Đề này

Sẽ không thể giữ gìn

Cũng không ưa tu tập.

Ta nhớ thuở quá khứ

Ở chỗ Phật Đăng Minh

Nghe Tam Ma Địa này

Và phát tâm tu tập.

Lại hơn cả trăm ngàn

Câu chi kiếp số trước

Cũng có Phật xuất thế

Hiệu gọi là Kế Tràng

Vì vô lượng chúng sinh

Nói Tam Ma Địa này.

Nói pháp, hội thứ nhất

Có đến tám mươi ức

Na dữu đa Bồ Tát

Tâm đạt không thoái chuyển.

Số chúng, hội thứ hai

Bảy mươi na dữu đa

Nói pháp, hội thứ ba

Lại có bảy mươi ba

Na dữu đa Bồ Tát

Đều trụ địa không thoái.

Phật ấy thọ dài lâu

Nơi thân phóng ánh sáng

Rộng sáu mươi do tuần

Lại có Tỳ Kheo Tăng

Chín trăm ngàn câu chi

Xa lìa khổ trói buộc

Đều đắc A La Hán.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần