Phật Thuyết Kinh đại Thừa Trí ấn - Phần Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trí Cát Tường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA TRÍ ẤN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trí Cát Tường
PHẦN CHÍN
Lúc ấy, Đức Thế Tôn vì các Bồ Tát, lại nói kệ:
Thắng pháp không làm, chẳng có, không
Lìa các nói năng và phân biệt
Nếu có được pháp, chấp hai bên
Đó là phân biệt và hý luận.
Đối với pháp ấy, không tương ưng
Chỉ hay tăng trưởng với tuệ nhiễm
Pháp ấy không tướng, không ghét thương
Lìa các tìm cầu, không chỗ được.
Nếu tự nói rằng, tôi nhẫn, không
Tự sinh phân biệt và hý luận
Những tánh không ấy không thể được
Dùng tâm phân biệt, khó so lường.
Nếu với các pháp không nghi, chê
Ấy mới gọi là không thoái chuyển
Lìa dây phiền não, được giải thoát
Với thắng pháp này, tâm ấn nhẫn.
Nếu người dối, rồi sinh phân biệt
Tìm cầu vượt qua, mất chánh giải
So lường các pháp, chấp có, không
Vì tánh và tướng, vốn không hai.
Dùng trí tìm trí, không thể được
Ngoài trí, lại không trí tuệ khác
Giảng nói loanh quanh, tướng hữu vi
Trí ấy chẳng trí, lầm chân không.
Nếu nói chút ít là thât có
Vì tưởng hư dối, thành sinh diệt
Nếu chứng chân thật, liền biết được
Tất cả các pháp vốn thường trụ
Người ngu vọng tưởng, thành lưu chuyển
Vì chán sinh tử, cầu Niết Bàn
Tăng trưởng ngã kiến, có sai khác
Người trí hiểu rõ, pháp không hai.
Minh và vô minh vốn đồng thể
Do vì không hiểu, lòng sợ hãi
Người ấy chấp chặt nơi biên kiến
Tăng trưởng nói năng, các hý luận.
Nói pháp hữu vi, là Niết Bàn
Đối với chánh pháp sinh phá hoại
Tâm cùng phi tâm, không tự tánh
Mà tự tánh ấy, chẳng phải tâm.
Tất cả các pháp vốn không tướng
Không có nói năng, thật rỗng lặng
Pháp từ duyên khởi, chẳng chân thật
Các pháp diệt hết, cũng chẳng chắc
Tám Đế, Bốn Đế, rõ chân tục
Cũng gọi trí phương tiện Như Lai
Thật trí Như Lai không thể được
Các pháp nói ra, cũng như vậy.
Ví như thầy thuốc chữa các bệnh
Tùy bệnh kê đơn, không dính mắc
Nếu hay như thế, sinh giác ngộ
Đó mới gọi là con Thiện Thệ.
Niết Bàn, bản tánh đều bình đẳng
Rộng như hư không, không ngằn mé
Thánh trí ba thừa, đồng Niết Bàn
Không diệt, không tăng, không hý luận.
Pháp giới thật, không một chúng sinh
Cũng không một chữ, để nói năng
Hữu tình chấp, tự tâm phân biệt
Cho là Niết Bàn không chỗ trụ.
Vô minh, vọng niệm, kết luân hồi
Hoặc, nghiệp, sinh, khổ, thường liên tục
Nhất chân thât đế, lìa khai kiến
Hoặc nói bốn loại, cũng tùy nghi.
Vì có khổ báo, nói do tập
Diệt được lý rồi rõ đạo đế
Mạt pháp chúng sinh nhiều vọng tưởng
Không vì tịnh hạnh mà xuất gia.
Do vì danh lợi, phá oai nghi
Vì chứa phiền não, khởi tranh đấu
Các Tỳ Kheo, tu tập công đức
Với thắng pháp này, thành tựu được
Xa lìa danh tiếng và của cải
Thích sống thanh nhàn, không tìm giữ
Như lân, tê giác riêng ở núi
Suy nghĩ Tam Ma Địa như vậy.
Tám mươi câu chi Lưỡng Túc Tôn
Lòng Từ cứu giúp người tu tập
Các Trời thấy rồi cũng vui vẻ
Ẩn hình sớm tối, luôn giữ gìn.
Trí tuệ phá tối, như mặt trời
Sinh ra thắng pháp, giống cam lồ
Người ấy có thọ trí ấn môn
Trong mộng thường gặp các Đức Phật
Các người đều giữ tâm dũng mãnh
Bền vững tu tập không thoái bỏ.
Đức Thế Tôn lại bảo Đồng chân Bồ Tát Diệu Cát Tường: Này Diêu Cát Tường! Nếu các Bồ Tát và chúng sinh, ở đời mạt pháp, mà muốn thành tựu vô thượng bồ đề thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn Tam Ma Địa sâu xa ấy.
Muốn thành tựu tám mươi vẻ đẹp của Như Lai, thì phải tu học tương ưng với Trí ấn Tam Ma Địa sâu xa ấy. Muốn thành tựu mười tám Thắng pháp bất cộng của Như Lai, thì phải tu học tương ưng pháp Trí ấn Tam Ma Địa sâu xa ấy.
Muốn thành tựu mười lực của Như Lai, bốn vô sở úy, bốn tâm vô lượng, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn Tam Ma Địa sâu xa ấy. Muốn thành tựu năm loại mắt của Chư Phật, thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn Tam Ma Địa sâu xa ấy.
Muốn được thọ mạng rộng lớn và những thứ thù thắng, vi diệu, oai đức, tự tại để trang nghiêm cõi nước của Chư Phật thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn Tam Ma Địa sâu xa ấy.
Muốn thành tựu các Đại Bồ Tát, Thanh Văn lợi căn muốn được sắc thân, trí tuệ của Như Lai, với pháp môn Tổng trì vi diệu, thù thắng, rộng lớn và hiểu tâm, tánh, căn, hành, ngôn ngữ sai khác của tất cả chúng sinh. Muốn có đầy đủ thần thông, biện tài vô ngại, hiểu rõ các pháp. Thì phải tu học tương ưng với pháp Trí ấn Tam Ma Địa sâu xa ấy.
Vì sao?
Vì Đại Bồ Tát, nếu tương ưng với pháp Tam ma địa ấy, thì sẽ được đầy đủ cùng khắp mọi thứ công đức như vậy, thành tựu đại pháp bồ đề vô thượng. Chỗ nương các pháp gọi là đạo vô thượng. Trí xuất thế gian gọi là Chánh biến tri, tự tánh vắng lặng gọi là Như Lai.
Như thuyết tu hành nên không có gì bằng, vì chẳng phải ngang bằng nên không khởi không diệt. Xuất thế, rốt ráo lìa các nói năng, gọi là đệ nhất đế, là chân thật nghĩa đế. Không bị phá hoại, vững vàng điều phục đó gọi là pháp tối thắng không thể nghĩ bàn của Như Lai.
Này Diệu Cát Tường! Thuở quá khứ ta nhờ tu tập, an trụ, nơi pháp Trí ấn Tam Ma Địa ấy mới thấy Phật Nhiên Đăng, mới được vô sinh nhẫn, thọ ký bồ đề.
Bồ Tát Diệu Cát Tường bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, thấu đạt vô sinh nhẫn, được thọ ký bồ đề nhưng đối với vô lượng kiếp ở trong sinh tử thì làm thế nào tu được các hạnh khổ khó thực hành để được thành bồ đề?
Đức Phật bảo Đại Bồ Tát Diệu Cát Tường: Thuở quá khứ, ta vì cầu Phật đạo mà thành thục căn lành thanh tịnh cho tất cả các chúng sinh. Vì sức đại nguyện trải qua vô lượng thời, siêng tu khổ hạnh, hóa độ lợi lạc hữu tình, theo căn tánh cao, thấp hay ở bậc trung của chúng, khiến cho chúng thấu rõ nhập vào pháp nghĩa của ba thừa, dần dần tu hành mà có sự chứng đắc.
Này Diệu Cát Tường! Khi ấy, ta nhờ vào hạnh nguyện đó mới đắc bồ đề và cả Niết Bàn!
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Nếu muốn tương ưng với pháp ấy
Đạt được vô lượng tuệ Như Lai
Mười phương, trăm ức các Thế Tôn
Thảy đều đến giúp người tu tập.
Là cam lồ của pháp sâu xa
Nếu hiểu được hết các diệu nghĩa
Gọi là Tổng trì Đa La Ni
Người hay tu tập đều đạt được.
Hiểu rõ ngôn âm, diệt các tội
Phá hết dính mắc, cởi trói buộc
Niết Bàn không sinh cũng không diệt
Không đi, không đến, không nơi trụ
Trang nghiêm, mười lực, các tướng tốt
Thành tựu tất cả công đức Phật.
Trong sạch, tròn đầy, âm giải thoát
Ứng trong vô lượng khắp muôn loài
Âm thanh phát ra đều hiểu rõ
Tất cả người nghe đều vui mừng
Xa lìa tà kiến, không phân biệt
Thanh tịnh hơn hết không còn nhơ
Hãy học tương ưng với kinh này
Rốt ráo đạt được đạo giải thoát.
Nếu người ở trong hăm mốt ngày
Một lòng suy nghĩ pháp như thế
Không sinh biếng nhác, bỏ thân duyên
Sớm tối tu tập được tăng trưởng.
Từ bi, xa lìa các ganh ghét
Giữ gìn giới cấm, dứt cãi tranh
Đạt được bình đẳng, chánh biến tri
Thật lòng vui vẻ thường giải thoát.
Xa lìa tạo tác, các duyên khởi
Ví như hoa sen không nhiễm bùn
Bền vững, không khởi các tham, ái
Cũng như loài chim ra khỏi lồng.
Khi được pháp môn tối thắng này
Ba ngàn Thế Giới đều chấn động
Các Trời tấu vang nhạc âm hay
Rải cúng hương bột và trầm thủy.
Trăm ngàn cờ phướn và áo Trời
Tràng hoa tươi đẹp và chuỗi ngọc
Ngọc ma ni, nón và lọng báu
Chuông vàng treo khắp, rất trang nghiêm.
Tất cả các Trời đều ca múa
Các Rồng, Kim Sí, Tu La Vương
Tỳ Kheo tăng cùng Ưu Bà Tắc
Tỳ Kheo Ni và Ưu Bà Di
Mỗi vị đều cởi áp đẹp, tốt
Làm vật dâng lên cúng dường Phật
Cung kính ca ngợi, tâm suy nghĩ
Đạo vô thượng này, thệ nguyện cầu.
Ta nói pháp sâu xa như thế
Phát sinh tâm bồ đề không thoái
Hội này hà sa người tin hiểu
Rốt ráo đều được Vô sinh nhẫn
Các cõi nước khác, chúng vị lai
Xoay vần nghe pháp tâm vui vẻ.
Đức Thế Tôn nói kệ ấy xong, A tăng kỳ số các chúng sinh… đều hoan hỷ phát tâm bồ đề. Lại có tám mươi na dữu đa số các vị Đại Bồ Tát, được nghe pháp ấy đối với đạo vô thượng đạt được quả vị không thoái chuyển.
Lại có sáu vạn ba câu chi Đại Bồ Tát đạt được vô sinh pháp nhẫn. Có sáu mươi ba câu chi Đại Bồ Tát đắc Tam Ma Địa. Vô số chúng sinh đắc Thánh quả. Các Đại Bồ Tát từ mười phương đến, đều thấu tỏ được Trí ấn Tam Muội như thế.
Đức Phật nói kinh này xong, các vị Đại Bồ Tát đứng đầu như: Bồ Tát Hoan Hỷ Vương, Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Diệu Cát Tường cùng sáu mươi vị Bồ Tát không thể nghĩ bàn… và các Đại Bồ Tát trong hiền kiếp.
Các đại Thanh Văn và phu nhân Hiền Cát Tường Kim Quang, tất cả thế gian Trời, người bốn chúng, Càn Thát Bà Vương, A Tu La v.v… nghe pháp Phật nói đều rất vui mừng tin nhận và nguyện tu hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tế Chư Phật Phương đẳng Học - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Chương Năm - Chuyển Nặng Thành Nhẹ
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bảy Mươi Mốt - Kinh Vì Vợ Mắt Mù
Phật Thuyết Kinh Trì Tâm Phạm Thiên Sở Vấn - Phẩm Ba - Phẩm Phân Biệt Lời Nói Pháp
Phật Thuyết Kinh Khởi Thế - Phẩm Một - Phẩm Châu Diêm Phù
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bảy Mươi Bốn - Phẩm Biến Học