Phật Thuyết Kinh Tế Chư Phật Phương đẳng Học - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

TẾ CHƯ PHƯƠNG ĐẲNG HỌC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN BA  

Phật nói: Này A Dật! Kẻ ấy nương vào dòng họ sang, địa vị giàu có thì Phật chẳng cho đó là trong sạch vậy. Người ấy có truyền bá hai thứ Kinh nghĩa, lời nói việc làm khác nhau thì Phật chẳng cho rằng đó sẽ được giải thoát, nhất định họ phải đọa vào địa ngục, giả sử có người chuyên giảng nói một phẩm, cho là nghĩa thú ấy không gì có thể vượt qua.

Phật chẳng cho rằng người này vượt qua được đường ác và các hoạn nạn. Họ nói nhiều lời, thích ở chỗ đông người, huyên náo, Phật chẳng cho là người này thích hợp với hạnh trong sạch.

Phật bảo Văn Thù: Các lý điên đảo mà Phật đã giảng nói, pháp môn tới lui nhiều như cát trong sông. Phật giảng nói pháp môn cho kẻ ưa chuộng không, số đó ít nhiều cũng như cát sông. Vì có vọng tưởng mà chấp có người, giảng nói giáo lý pháp môn. Số pháp ấy ít nhiều cũng như cát sông.

Chúng sinh cũng như nghiệp vô tướng, có các nguồn tướng, nghiệp vô nguyện, có các gốc nguyện, vì họ ta giảng nói pháp môn cũng nhiều như cát sông. Có người, không người, có mạng không mạng, có tuổi thọ, không tuổi thọ sống lâu, có dục, không dục, có tham không tham, hữu vi vô vi, người ấy ân cần thuận theo chấp thường, người ấy không ân cần, chỉ nghĩ đoạn diệt. Đó là vui theo thế tục, đó là độ thế.

Người ấy tham dục môn, người ấy sân nhuế môn, người ấy ngu si môn, Như Lai đều giúp họ dứt bỏ hết các môn này, cho nên nói pháp môn vậy.

Phật bảo Văn Thù: Nếu có tu hành theo pháp bình đẳng thì phải vĩnh viễn không còn chấp đắm, tất cả đều phù hợp với giáo pháp Bát Nhã ba la mật. Nếu có người giảng nói về tuệ mỗi mỗi đều khác, tâm vẫn thấy nghe thì giảng nói chẳng đúng trí tuệ, đó là hủy báng Như Lai vậy.

Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Những hạng người này vì theo bạn xấu, nên lãnh thọ giáo pháp sai lầm, cho nên dấy lên sự chê bai, phỉ báng như vậy.

Ở đời hiện tại phải dùng phương tiện gì để tự trách mà cóthể dứt được tội lỗi?

Đức Thế Tôn liền bảo Văn Thù Sư Lợi: Giả sử người này trong bảy năm, ngày ba thời, đêm ba thời hối lỗi, tự trách, thì mới dứt được tội phỉ báng đã gây ra, dần dần tiêu trừ. Rồi lại phải trải qua mười lăm kiếp tu hành mới đạt được pháp nhẫn.

Phật dạy: Này Văn Thù! Bồ Tát tu tập cốt yếu của Kinh này, không hiểu rõ mà truyền bá sai lầm, muốn hiểu việc ấy thì rất khó được độ. Phép văn tự nghĩa rộng không thấu suốt, cho nên Bồ Tát trước phải khéo học tập kỹ càng rồi sau mới giảng nói được. Người học đạo như vậy thì chẳng tự làm thương tổn.

Phật dạy: Này Văn Thù! Bồ Tát có bốn pháp để hiểu rõ các hạnh.

Bốn pháp ấy làm gì?

1. Tâm bình đẳng thương xót chúng sinh.

2. Hiểu bình đẳng đối với các pháp, mà không thiên lệch.

3. Bình đẳng đối với đạo nghĩa, chẳng cậy chính tà.

4. Lời nói ra bình đẳng không có vọng tưởng.

Đó là bốn pháp.

Nếu không hiểu bốn pháp bình đẳng này mà nói ra lời gì là tự làm thương tổn.

Nếu những người nam và những người nữ trong dòng họ cao quý an trụ trong bốn pháp thì chẳng tự làm thương tổn.

Bốn pháp ấy là gì?

1. Không có tâm làm hại chúng sinh.

2. Không tranh chấp với Pháp Sư.

3. Bản thân mình ít sáng suốt thì không nên hủy báng người thông thái, trí tuệ khác.

4. Tâm mình tự nghĩ: Tất cả nghĩa này đều là những điều do Phật nói cho nên phải kính thờ, khiêm hạ, thuận theo. Đó là bốn pháp không tự làm thương tổn.

Đức Phật nói: Này Văn Thù! Nếu có Bồ Tát ở trong các Cõi Phật nhiều như cát sông, trong các Cõi Phật ấy đầy bảy thứ báu. Rồi trải qua số kiếp nhiều như cát sông, người ấy đem cúng dường tất cả cho các Đức Phật trong mười phương. Ngày ngày đều như vậy, người ấy bố thí thờ phụng Phật không ngừng nghỉ.

Nếu lại có người nhận được chỗ cốt yếu của Kinh Tế Chư Phương Đẳng Học này, chép sách ấy vào tre, lụa, hoặc một lần giảng nói thì phước đức ấy hơn cả việc cúng dường các Đức Phật nói trên. Sở dĩ như thế là vì bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ đều chẳng thể bằng được nghiệp thiện của người ấy.

Yếu nghĩa của Kinh Tế Chư Phương Đẳng Học mà Bồ Tát học được thì công đức này không gì sánh bằng, đi lại một mình, không ai bạn cùng.

Khi Đức Phật giảng nói Kinh này, có số Bồ Tát nhiều bằng ba mươi lần cát sông đều đạt được vô sinh pháp nhẫn. Số Bồ Tát nhiều bằng bảy mươi lần cát sông đều an trụ trong địa vị không còn thoái chuyển, sẽ thành đạo vô thượng chánh chân, sáu mươi ức vạn trăm ngàn chúng sinh sống trong tam thiên đại thiên Thế Giới này được nghe Kinh Điển đó đều khuyến khích giúp đỡ nhau phát tâm đạo, điềm nhiên ý được cởi mở, vượt khỏi tám mươi kiếp sinh tử, cũng đều cùng một lúc chứng được pháp không lui sụt.

Lúc Đức Phật nói như vậy, các Tỳ Kheo và Bồ Tát, tất cả chúng hội, Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Nhân Dân ở thế gian nghe lời Đức Phật nói, đều vui mừng làm lễ rồi ra về.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần