Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Mười - Trụ Pháp Vũ - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH DẦN ĐỦ TẤT CẢ TRÍ ĐỨC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI
TRỤ PHÁP VŨ
TẬP MỘT
Bồ Tát Kim Cang Tạng nói với Bồ Tát Giải Thoát Nguyệt: Này Phật Tử! Ý Thánh tuệ của Bồ Tát Đại Sĩ thật là cao cả khôn lường. Với hạnh nghiệp nghiêm tịnh như vậy, khi tới đạo địa thứ chín, thì Bồ Tát đã đầy đủ pháp thanh tịnh sáng suốt không ngằn mé, chứa nhóm công đức, đời đời tự nghĩ việc tạo lợi ích cho chúng sinh.
Tìm đủ cách cứu giúp ba cõi, khéo léo thâu nhận, tuệ đức vô cùng, tâm từ vô lượng, hạnh sâu rộng lớn lưu bố khắp nơi. Phân biệt hiểu rõ Thế Giới vô biên. Vào trong cõi chúng sinh, qua lại trong sự vắng lặng, trước sau như một, khai hóa đạo nghiệp tối thượng của Như Lai, niệm về sự tư duy, về lực, về vô sở úy.
Kinh Điển của Phật trống rỗng vô lượng, hết thảy các mẫn tuệ. Thành tựu đầy đủ bậc nhất sinh bổ xứ là như vậy.
Lại nữa, Phật Tử! Nhập Thánh nghiệp của Bồ Tát như vậy là gần hạnh nhất sinh bổ xứ. Vừa trụ được hạnh này thì đạt tam muội hiệu là Vô cấu. Bồ Tát tuyên thuyết pháp giới và những Đạo Tràng của Bồ Tát tên là Trang Nghiêm Tịnh, là cự hải tạng.
Lại có tên là Hải Ấn, là quảng như hư không, là nhất thiết pháp tự nhiên, là chúng sinh tâm hành… đủ các loại như vậy. Gần đạt tới trăm ngàn A tăng kỳ chánh định pháp. Vừa đạt định ý này, dùng chánh thọ lại đạt được tam muội thiện đức, thực hành các phương tiện, nhờ nhân duyên ấy và định ý này cho đến khi thông đạt nhất thiết mẫn trí, mà có sự đặc thù.
Đó mới là gần tam muội của Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ. Nhờ đạt gần được tam muội này mà mười ba ngàn cõi ở mười phương tự nhiên phát sinh vô số trân bảo kỳ lạ, hoa sen thanh tịnh đầy khắp trong nhà, báu lớn tự nhiên tràn đầy, vượt qua hết thảy các cõi pháp giới.
Phụng hành đạo nghĩa, chánh pháp chí chân, đầy đủ cội gốc đức, độ thoát chúng sinh, thành tựu rốt ráo sự mầu nhiệm tự nhiên. Lại nữa, ở pháp giới ấy việc tu tập thanh tịnh, phô diễn ánh sáng của Bậc Thánh. Cọng sen to lớn bằng ngọc minh nguyệt lưu ly gộp lại vượt các Cõi Trời.
Lá và hoa bằng vô số trân bảo chiên đàn, mã não, vàng ròng. Ánh sáng rực rỡ, không sao so lường được. Hoa sen rực rỡ ấy, đều do các trân bảo hợp thành, bay lên hư không, trải dài như tấm màn trân báu che khắp, ví như số bụi đầy trong tam thiên đại thiên Thế Giới ở mười phương, không thể kể được.
Trăm ngàn hoa sen đầy khắp trong hư không ở mười phương, hương thơm xông thấm khắp thân hình Bồ Tát Đại Sĩ đã đầy đủ nhất thiết trí. Người an trụ định tam muội Nhất sinh bổ xứ, sẽ được ngòi trên hoa sen to này. An tọa ở đây xong, lại biến hóa vô số hoa sen, không sao đếm được, các Bồ Tát quyến thuộc vây quanh, ngồi trên những hoa sen đó.
Mỗi Bồ Tát đều đạt trăm ngàn vạn tam muội, dùng chánh thọ, quán sát các Bồ Tát. Nhờ chánh thọ ấy mà vô số Cõi Phật không cùng tận, ở mười phương đều tự nhiên thanh tịnh. Các Đức Như Lai dùng giáo pháp soi rọi Đạo Tràng.
Vì sao?
Vì Bồ Tát ngồi trên hoa sen lớn này, ở dưới chân, phóng ra vô số ánh sáng, chiếu khắp mười phương, đến tận ngục A tỳ vô gián, diệt khổ não hoạn nạn cho chúng sinh. Hai đầu gối cũng phóng ra ánh sáng như vậy chiếu đến các loại ngạ quỷ, súc sanh để chấm dứt khổ đau.
Hai bên hông cũng phóng ra ánh sáng, chiếu đến cõi người, khắp mười phương đều được nương nhờ ánh sáng. Hai tâm bàn tay cũng phóng ra ánh sáng, chiếu đến cung điện Cõi Trời, A Tu Luân. Hai vai, khủy tay cũng phóng ra hai loại ánh sáng, chiếu đến các Thanh Văn. Não và lưng cũng phóng ra ánh sáng, chiếu đến tâm các Duyên Giác mười phương. Mặt, miệng cũng phóng ra ánh sáng vi diệu, chiếu đến các Bồ Tát ở địa thứ chín.
Bạch hào giữa chặng mày cũng phóng ra ánh sáng rực rỡ, chiếu soi tất cả cung ma ở mười phương, làm tan hết bóng tối. Dùng thân của Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ, bay lên hư không, chiếu soi vô số trăm ngàn Cõi Phật, vô số các Đức Như Lai, vô số chúng hội Đạo Tràng, rồi nhiễu quanh Phật mười vòng.
Trụ trong hư không, giăng thành tấm màn ngọc sáng lớn tên là Đại Quang, rực rỡ dâng cúng Như Lai, tăng thêm công đức. Nhờ sự cúng dường ấy, mà từ lúc phát tâm cho đến trụ được địa thứ chín, tùy thuận phụng sự Như Lai, tùy thời vắng lặng gấp trăm ngàn lần, không sao ví dụ được. Tấm màn ngọc sáng lớn đó, rực rỡ cao vợi, chiếu đến tất cả các cảnh giới ở mười phương.
Rải đủ các loài hoa, hương hoa, tạp hương, trù hương, y phục, cờ phướn, lọng báu, tơ lụa, trải trân báu minh nguyệt khắp các cõi ở mười phương, làm đấng Vô Thượng Chánh Chân với đầy đủ căn lành phước đức, làm mưa rải các hoa lớn, mà mỗi giọt mưa lại có bao nhiêu là vật để cúng dường hội chúng ở Đạo Tràng, cúng dường phụng hành các Đức Như Lai ở mười phương.
Chúng sinh nào thấy được, đều phát đạo tâm Vô Thượng Chánh Chân. Rải các loại hoa vi diệu như thế, ánh sáng ấy lại bao quanh các Đức Phật và hội chúng ở Đạo Tràng mười vòng, rồi nhập vào tâm bàn chân Phật. Ánh sáng hoa ấy bỗng nhiên tỏa sáng các Như Lai và Bồ Tát, khiến được thấy các Bồ Tát lập hạnh như vậy, đạt địa Nhất sinh bổ xứ, các Bồ Tát ở mười phương, các Bồ Tát trụ địa thứ chín, đều đến đông đủ không thể tính kể.
Các Bồ Tát ấy và quyến thuộc tu hạnh cúng dường. Quán sát thấy các Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ, dùng tam muội chánh thọ trang nghiêm, đứng đầu, gọi đó là thủ huyễn, vững chắc như Kim Cang, hàng phục được ma oán.
Mỗi ánh sáng ấy phóng vô số trăm ngàn ánh sáng khác, chiếu khắp các Cõi Phật ở mười phương, hiển hiện thần biến. Ánh sáng đó tự nhiên biến mất, nhập vào Thủ huyễn trang nghiêm, đứng đầu hàng Bồ Tát. Ánh sáng đó mất chưa lâu, thì các Bồ Tát nhờ oai thần uy lực soi sáng lại càng rực rỡ.
Phật Tử! Lúc ấy, lại có ánh sáng lớn, tên nhất thiết tuệ thần thông Thánh quan, từ hào tướng giữa mày của Đấng Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác phóng ra vô số những tia sáng, cùng các ánh sáng quyến thuộc chiếu sáng vô số cõi ở mười phương, nhiễu quanh các Cõi Phật mười vòng, rồi hiển hiện các Đức Như Lai, với những thần túc cảm động biến hóa và dạy bảo vô số trăm ngàn ức Bồ Tát. Các Cõi Phật chấn động sáu cách, tiêu diệt tất cả các nẻo ác, che lấp cung điện của ma.
Chư Phật nơi mười phương, đều tự nhiên hiển hiện, hiện ra các chúng hội Đạo Tràng của các Đấng Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, oai thần nghiêm tịnh, pháp giới bình đẳng, biến khắp hư không, chiếu khắp cả các cõi ở mười phương, ánh sáng xoay quanh rồi bay lên hư không, vây quanh từ bên phải tất cả Bồ Tát, thể hiện sự nghiêm tịnh lớn.
Các ánh sáng đó biến mất, tự nhiên từ trên cao nhập vào đỉnh đầu của Bồ Tát. Ánh sáng đó biến mất, các Bồ Tát từ trước đây chưa đắc định, nay nương theo oai quang của Phật, liền được trăm vạn tam muội. Ánh sáng đó cùng lúc chiếu trên các Bồtát, như tất cả các Đức Như Lai, không có gì khác. Ánh sáng biến mất, các Bồ Tát thành bậc Nhất sinh bổ xứ, đó gọi là cảnh giới chí chân của Như Lai, có đầy đủ mười Lực, bình đẳng Chánh Giác, bình đẳng như hư không.
Phật Tử! Ví như Thái Tử thứ nhất của Chuyển luân Thánh Vương, được hoàng hậu tôn quý, hoài thai sinh ra đầy đủ tướng xứng đáng làm Thánh Vương.
Lúc ấy, Chuyển Luân Vương ngồi tòa vàng ròng trên mình voi báu, nước bốn biển được lấy đem về để trong bình tắm bằng vàng, trang trí lọng báu, cờ phướn, trổi kỹ nhạc và lấy nước đó rưới lên đầu và thân thể Thái Tử. Rưới xong là thành Thánh đỉnh cái vương.
Chuyển Luân Vương ấy đủ mười nghiệp lành vì thế gọi Thần đế là Chuyển Luân Thánh Vương.
Phật Tử! Bồ Tát Đại Sĩ cũng vậy, thành tựu trí tuệ lớn, là Bồ Tát phải thực hành đầy đủ vô số trăm ngàn khổ hạnh, công đức trí tuệ ngày càng tăng trưởng thì mới an trụ trong Đạo Địa Mưa pháp.
Bồ Tát trụ địa Mưa pháp, hiểu thấu cõi dục, xét nó từ hữu tạo ra sắc giới, vô sắc giới, cõi chúng sinh, cõi vô thức, cõi hữu vi vô vi, cõi hư không. Tu tập trong pháp giới, hiểu rõ Niết Bàn, biết rõ từ hữu, hiểu rõ các tà kiến, vọng chấp, trần lao, năm thú. Tu tập sinh diệt. Các hạnh Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Mười Lực, bốn Vô sở úy của Như Lai.
Sắc thân, Pháp Thân, nhất thiết trí, thành đấng Tối Chánh Giác, chuyển bánh xe pháp, thị hiện sự diệt độ. Thường dùng pháp bình đẳng, thâm nhập tất cả pháp, phân biệt vượt qua, hiểu rõ tập khí, xét nó từ đó phát sinh. Vì nhập trí tuệ này nên ý càng tăng trưởng, làm cho chúng sinh, nhưng kẻ không có nghiệp lớn mà suy xét kỹ, lại được độ thoát khỏi nguồn gốc trần lao.
Không kiêu mạn ở trong pháp thế tục. Không lo sợ, dù ở trong đạo pháp. Cũng không tự đại, không bỏ tâm từ lớn, dù đạt pháp Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Như Lai. Cũng không tự đại, không có sự thêm bớt trong vui vẻ sân hận. Đạt được bậc Chí chân, cũng phải luôn xét kỹ Kinh Điển sự nghiệp của Phật đã kiến tạo.
Lúc ở cõi trần, tùy thời mà lập nguyện, tu các hạnh cúng dường tư duy nhiều kiếp, kiến lập Thánh tuệ, suy xét để thông đạt tất cả. Các Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Giác ấy, sự thể nhập là huyền diệu, là biết trí tuệ cao xa, sinh tử xoay vần, hiểu rõ sự mầu nhiệm. Lúc thị hiện thọ sinh, bỏ nước, bỏ ngôi Vua, thành bậc Tối Chánh Giác, biến hóa chỉ dạy độ thoát, hiểu rõ tuệ vi diệu.
Chuyển được bánh xe pháp, tuổi thọ dài ngắn, sự tạo lập cho đến khi diệt độ của tâm, pháp tạo ra nhiều ít, đều từ tuệ vi diệu. Lại hiểu rõ các pháp bình đẳng Chánh Giác, tạng xứ Phật Pháp, nơi ở của thân, khẩu, ý, hữu thời vô thời, hạnh nghiệp bí mật, Bồ Tát lãnh thọ, ban ân, cứu độ chúng sinh.
Có chúng sinh bị ngu muội che đậy, các sự mê mờ làm tăm tối, các bộ phận chính của căn tánh phải chấp giữ mà tạo nghiệp. Có chúng sinh, hiểu rõ hạnh của Chánh Giác, nên đủ oai thần Thánh tạng, hiểu biết trong kiếp số này ra vào nhiều ít. Một kiếp, trăm kiếp, vạn kiếp, vô số kiếp cũng đều biết rõ.
Làm cho vô số kiếp nhập trong một kiếp. Biết cả số vô số không thể tính đếm và biết cả số hạng của kiếp số nhàn tĩnh. Kiếp số nhàn tĩnh, có kiếp không kiếp cũng không niệm. Có kiếp có niệm. Niệm có hay không thảy đều biết. Thành Chánh Giác, Vô Chánh Giác, Tối Chánh Giác đều biết rõ, biết quá khứ, hiện tại, vị lai. Biết mọi việc trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Biết hết quá khứ, hiện tại, vị lai kiếp số dài ngắn và các việc bình đẳng.
Thấu đạt hết tất cả các kiếp, năm tháng, xa gần, Trời đất thành bại, không thể xưng kể cũng đều biết rõ hết. Các Đức Như Lai đều cảm ứng đến những việc rất nhỏ như nắm lấy sợi lông. Lại có các cõi nước thân hình nhiều như vi trần, trí tuệ Chánh Giác Tối thắng.
Thân tâm của chúng sinh, trí tuệ là do giác ngộ, tất cả đều nhập vào trí tuệ Chánh Giác tối thắng, hiện ra rốt ráo. Trí tuệ nhu thuận xuất hiện, biết cái nghĩ bàn được, cái không nghĩ bàn được, cảnh giới của Chư Phật, sự hiểu biết của Thanh Văn, Duyên Giác, sự thông đạt của Bồ Tát và đạo minh Thánh tuệ của Như Lai chưa hiểu đạt được cũng đều biết hết.
Phật Tử! Trí tuệ của các bậc Chánh Đẳng Chánh Giác rộng lớn khôn cùng. Bồ Tát an trụ Đạo Địa khôn lường này sẽ nhập tuệ vô cùng.
Này Phật Tử! Bồ Tát vì nhập Đạo Địa như vậy nên được nhập vào pháp, sự tạo lập giải thoát không thể nghĩ bàn của Bồ Tát có tên là pháp môn không che đậy, pháp môn Thanh tịnh cảnh giới, pháp môn chiếu khắp.
Lại có hiệu Như Lai tạng, tạng không thể chống cự, tạng thâm nhập ba đời, pháp giới tạng lại có hiệu là Đạo Tràng giải thoát ánh sáng thấu đạt, là nhập khắp pháp môn vô dư của Bồ Tát. Đó là mười pháp môn giải thoát mà Bồ Tát kiến tạo, cho đến trăm ngàn a tăng kỳ pháp môn như vậy mà không thể xưng kể.
Bồ Tát nào trụ nơi Đạo địa thứ mười, sẽ đạt được tam muội như vậy, cho đến trăm ngàn môn Tổng trì thần thông vô hạn. Dùng trí tuệ này hiểu biết thâm nhập khắp mọi nơi không hạn lượng, suy nghĩ phương tiện chuẩn bị đầy đủ phước đức, cùng lúc lãnh thọ đạo nghĩa mà vô lượng Chư Phật trong mười phương đã thuyết giảng.
Phóng ra ánh sáng Thánh pháp không thể lường, làm sáng rỡ pháp điển, làm mưa pháp thấm ướt, để được thọ trì.
Phật Tử! Ví như khi các con rồng làm mưa, những chỗ khác không thể chứa được, chỉ có biển lớn mới chứa được.
Cũng thế, Phật Tử! Nếu thâm nhập tạng bí mật của Như Lai, cũng lãnh thọ mưa pháp lớn, các chúng sinh khác không thể lãnh thọ, sẽ có duyên báo ứng, giữ gìn được các hạnh, Bồ Tát với hạnh nghiệp ở địa thứ chín cũng không thể thọ trì. Bồ Tát trụ địa thứ mười tức thấm nhuần đạo địa mưa pháp, hiểu rõ và nắm giữ được tất cả tâm ý của chúng sinh.
Phật Tử! Ví như trong biển lớn có mây mưa lớn, tên là Thắng đế vô cực trùm khắp Nhị thừa, cùng lúc làm mưa cam lồ, khắp các cõi nước, làm cho khắp nơi châu thành lớn nhỏ trên dưới đều thấm nhuần.
Vì sao?
Vì biển lớn ấy, không thể đo lường được.
Phật Tử! Bồ Tát cũng thế, trụ đại Mưa pháp, giữ gìn mưa pháp của Như Lai, giáo hóa nhị thừa, cho đến trí tuệ vô hạn của các Đức Như Lai, dù trải qua vô số kiếp cũng không thể bàn luận, không thể nêu, không thể đo lường được. Nó vô cùng vô tận, siêu vượt không thể đo đạt được, không thể ví dụ được. Các Đức Như Lai cùng lúc phóng ra ánh sáng lớn, làm mưa pháp Thánh, thấm ướt khắp mười phương.
Ai có thể tính đếm được số hạt mưa ấy?
Lại hỏi: Lẽ nào thể tính đếm được hạnh của Bồ Tát ở trong các Cõi Phật luận bàn mưa pháp nhiều ít sao?
Có thể hiểu được chút ít sao?
Đáp: Không thể nào tính kể ví dụ, đo lường được.
Phật Tử! Ví như không thể tính đếm được số chúng sinh nhiều như bụi trần trong vô số trăm ngàn Cõi Phật ở mười phương. Số lượng kia cũng vậy, như bụi trần, không thể giảm ít.
Mỗi chúng sinh, nếu có thể nghe và đạt được tổng trì, đều là thị giả đứng đầu của Phật, là đệ tử lớn, rất tôn quý, học rộng, giống như Tỳ Kheo Đại Minh đứng đầu ở hội Đức Như Lai Kim Cang Thượng Liên Hoa Chí chân, học rộng nghe nhiều, đủ phương tiện, uy lực mạnh mẽ. Giả như tất cả chúng sinh ở khắp mười phương đều có trí tuệ như vị này. Với công đức trí tuệ cao vời khôn lường, ai nấy đều thọ trì tất cả pháp môn.
Phật Tử! Ý ông thế nào?
Chúng sinh học rộng này có nhiều không?
Đáp: Vô hạn.
Bồ Tát Kim Cang Tạng nói: Ta ân cần chỉ dạy, phó chúc cho các ông. Bồ Tát được trụ địa mưa pháp này tức trụ địa Đạo Bồ Tát, cùng lúc lãnh thọ thân Như Lai, ban mưa pháp khắp pháp giới, diễn nói đạo pháp ba đời vi diệu của Như Lai.
Ánh sáng pháp này giống như trước. Vị ấy học rộng, đủ phương tiện gấp trăm ngàn vạn ức lần, không thể ví dụ được. Một Đức Như Lai trong cõi mười phương là vậy, vô số Đức Như Lai đầy khắp Thế Giới như bụi trần cũng vậy.
Các Phật Tử! Có vô số Đức Như Lai không thể kể được, đồng thời phát ra ánh sáng rực rỡ của đại mưa pháp, pháp ấy thấm ướt khắp cả mà không thể so sánh, không thể ví dụ.
Lại nữa Phật Tử! Bồ Tát trụ địa mưa pháp này, ở Cõi Trời Đâu Suất cho đến khi đạt đại diệt độ, đều là do thệ nguyện của Như Lai, oai thần uy lực, phát tâm từ bi lớn, thuyết pháp không cùng, phóng ra ánh sáng pháp, nổi sấm Thánh Kinh, nương sáu thần thông, có trí ba đạt và bốn vô sở úy, chiếu soi cùng cực, diệt trừ u tối trần cấu.
Dùng ánh sáng công đức trí tuệ lớn phá tan lưới nghi, tùy các loại thân hình mà thị hiện thân hình, diễn nói pháp lớn, không bỏ chúng hội, trừ các ấm cái, dập tắt lửa hừng trong mười phương như đã nói ở trước.
Thế Giới Chư Phật như số bụi trong các cõi trần, trụ trong vô số trăm ngàn Cõi Phật mà làm mưa cam lồ lớn, rồi tùy tâm tánh, hạnh nghiệp chúng sinh, mà tiêu diệt trần cấu, dập tắt lửa hừng. Nhờ nước pháp này mà ai nấy cũng đều vĩnh viễn an ổn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bất Tư Nghị Công đức Chư Phật Sở Hộ Niệm - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Hai - Phẩm đà La Ni Hộ Trì Quốc Giới
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Niên Thiếu - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Ta Miệt Nẵng Pháp Thiên Tử Thọ Tam Quy Y Khỏi Sinh Vào ác đạo
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba - Phẩm Thiện Hiện - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba - Phẩm Không Buông Lung - Tập Ba