Phật Thuyết Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bản Nguyện Công đức - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH
DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG THẤT
PHẬT BẢN NGUYỆN CÔNG ĐỨC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nghĩa Tịnh, Đời Đường
PHẦN HAI
Nguyện lớn thứ ba: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào đánh chiếm lẫn nhau, hoặc là kẻ thù, hiềm khích thù oán, nếu được nghe danh hiệu của tôi hoặc chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, mọi người đều khởi tâm từ giống như cha mẹ, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ tư: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào bị tham dục, sân hận, ngu si trói buộc, hoặc bảy chúng nam nữ xuất gia, tại gia… hủy phạm giới cấm mà Như Lai đã chế ra, tạo các nghiệp ác, sẽ bị đọa vào địa ngục, chịu các quả báo khổ.
Nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, nghiệp ác của người ấy đều được tiêu trừ, dứt sạch các phiền não, tôn trọng, giữ gìn giới luật, luôn khéo léo giữ gìn thân, lời nói và tâm không bao giờ thoái chuyển, cho đến chứng đắc đạo quả bồ đề.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Đó là bốn nguyện lớn vi diệu của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác đã phát nguyện khi còn thực hành đạo Bồ Tát.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Lại nữa, cõi nước của Đức Phật ấy rộng lớn, trang nghiêm, thanh tịnh, đất bằng phẳng như lòng bàn tay, đều được làm bằng châu báu, thường thoảng hương thơm như hương Chiên đàn quý.
Lại có cây thơm xếp thẳng hàng, các loại ngọc báu, chuỗi ngọc quý đẹp đẽ của Cõi Trời rũ xuống khắp nơi, có nhiều ao tắm được trang hoàng bằng báu Cõi Trời, nước thơm tràn đầy, có đủ các công đức, tơ lụa đẹp đẽ giăng khắp bốn phía, khắp các nẻo đường đều trang nghiêm.
Hết thảy chúng sinh không có phiền não và lo buồn, đau khổ, cũng không có người nữ, phần đông là chúng Bồ Tát an trụ nơi các địa, các nhạc cụ thù thắng không gõ mà tự tấu lên, giảng nói pháp đại thừa vi diệu, sâu xa. Chúng sinh nào được nghe âm thanh này thì không hề thoái chuyển nơi quả vị bồ đề vô thượng.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Do nguyện lực thuở xưa theo các phương tiện thiện xảo nên đã thành tựu cõi nước đều đầy đủ, trang nghiêm, Đức Như Lai ấy ngồi nơi tòa bồ đề, suy nghĩ như vậy: Đời vị lai, có chúng sinh nào bị tham, sân, si trói buộc, các bệnh tật bức bách, bị oán thù làm hại, hoặc bị chết oan.
Hoặc do nghiệp ác phải đọa vào địa ngục, vô cùng khổ sở, Đức Phật ấy thấy chúng sinh khổ đau như vậy, vì muốn diệt trừ nghiệp chướng cho họ nên đã nói Thần Chú này, khiến cho chúng sinh thọ trì, trong đời này được lợi ích lớn, không còn khổ đau.
An trụ nơi quả vị bồ đề:
Đát điệt tha tất đệ tất đệ, tô tất đệ, mô chiết nễ mộc sát nễ, mang yết lệ, tứ lan nhã yết bính hạt thứ đát na, yet bính, tát bà át tha bà đãn nễ, bát la ma át tha, bà đãn nễ mạt nại tế, mạc ha mạt nại tế, át bộ đế át thất bộ đế, tỳ đa bà duệ, tô bạt nê khứ, bạt la ham ma, cù hiệp khứ, bạt la ham ma trụ hiệp đế, tát bà át thế số, a bát la tráp đế tát bạt đát la, a bát sát để hiết đế, chiết đổ sát, sắt trí bột đà câu chi, bà hiệp đế, nạp ma sa bà, đát tha yết đa nam, sa ha.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói Thần Chú có oai lực lớn này xong, trong chúng có các bậc Đại Bồ Tát, bốn vị Thiên Vương, Đế Thích, Phạm Vương… đều khen ngợi: Lành thay! Lành thay!
Đức Thế Tôn có tâm từ bi lớn mới có thể giảng nói về Thần Chú có năng lực lớn của Đức Như Lai đời quá khứ như vậy, vì muốn tạo lợi ích cho vô lượng chúng sinh, làm khô cạn biển phiền não, đạt đến bờ Niết bàn, diệt trừ tật bệnh, mọi mong cầu của chúng sinh đều được đầy đủ.
Đức Phật bảo đại chúng: Nếu thiện nam, thiện nư nào có lòng tin thanh tịnh, hoặc Quốc Vương, Vương Tử, Đại Thần, tể tướng, các thể nữ trong cung… mong cầu phước đức, thì đối với Thần Chú này, nên khởi tâm kính tin, hoặc đọc tụng, giảng nói ý nghĩa của Thần Chú cho người khác.
Luôn khởi tâm từ bi lớn đối với các chúng sinh, suốt ngày đêm dùng hương hoa, đèn đuốc ân cần, tôn trọng cúng dường, nên tắm rửa sạch sẽ, giữ gìn tám giới, chí tâm nhớ nghĩ, đọc tụng, thì những nghiệp chướng cực nặng nhiều vô lượng của người ấy đều được tiêu trừ, hiện tại không còn phiền não, lúc sắp lâm chung được Chư Phật hộ niệm, liền được sinh về cõi nước ấy, từ hoa sen hóa sinh.
Lại nữa, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Về phương Đông, cách đây bằng số Cõi Phật nhiều như số cát trong bảy Sông Hằng, có Thế Giới tên là Vô ưu, Đức Phật ở đấy hiệu là Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường, đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác… hiện đang thuyết pháp cho chúng sinh.
Lại nữa, Cõi Phật của Đức Như Lai ấy cư trú rộng lớn, trang nghiêm, thanh tịnh, đất bằng phẳng như lòng bàn tay, đều do châu báu làm thành, mịn màng, mềm mại, thường thoảng hương thơm, không lo buồn, không có những âm thanh đau khổ, xa lìa phiền não, cũng không có các cõi ác và tên gọi người nữ.
Khắp nơi đều có thềm bằng vàng ròng, ao tắm thì có nước thơm tràn đầy, cây báu thẳng hàng, hoa trái sum sue, các nhạc cụ thù thắng vi diệu không gõ mà tự trổi lên, công đức trang nghiêm giống như cõi nước vô lượng thọ nơi Thế Giới Cực lạc ở phương Tây.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Đức Thế Tôn ấy lúc còn thực hành đạo Bồ Tát có phát ra bốn nguyện lớn.
Những gì là bốn?
Nguyện lớn thứ nhất: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào thường bị lo buồn, khổ đau trói buộc, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, những lo buồn, khổ đau của người ấy đều được tiêu diệt, lại được sống lâu, an ổn, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ hai: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào tạo các nghiệp ác, bị đọa vào những nơi tối tăm như địa ngục vô gián, hoặc trong các địa ngục lớn, chịu đủ sự thống khổ, nhưng do thân đời trước, người ấy được nghe danh hiệu của tôi, khi đó.
Từ thân tôi phóng ra ánh sáng chiếu đến người đang chịu khổ, nhờ thần lực này, nên lúc người ấy thấy ánh sáng thì các nghiệp chướng đều tiêu diệt, được thoát khỏi khổ đau, sinh trong loài người, Cõi Trời, theo ý muốn mà được an lạc, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ ba: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào tạo các nghiệp ác như sát sinh, trộm cắp, tà dâm… ngay trong đời này phải chịu khổ về đao, gậy đánh đập, sẽ bị đọa vào cõi ác, nếu được làm thân người thì mạng sống ngắn ngủi, nhiều bệnh tật, sinh vào nhà nghèo hèn.
Luôn thiếu thốn y phục, thực phẩm, thường bị các sự khổ sở như lạnh, nóng, đói khát… thân thể không được sạch sẽ, nếu có quyến thuộc thì đều là những người không hiền lương, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, tất cả sự nguyện cầu của người ấy về thực phẩm, y phục… đều được đầy đủ, được thân sáng tươi, đẹp đẽ như thân Chư Thiên, gặp được quyến thuộc tốt, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ tư: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào thường bị Dạ Xoa và các quỷ thần ác quấy nhiễu, hoặc bị đoạt hết tinh khí, phải chịu các khổ đau, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm nhớ nghĩ đến thì nhờ thần lực này, các Dạ Xoa… thảy đều tránh xa và chúng đều khởi tâm từ, người ấy được thoát khỏi các khổ, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Đó là bốn nguyện lớn vi diệu mà Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác ấy đã phát nguyện.
Chúng sinh nào được nghe danh hieu của Đức Phật ấy, suốt ngày đêm xướng lên danh hiệu cho đến lễ bái, kính trọng, chí tâm cúng dường thì chúng sinh ấy được phát khởi tâm từ bi, tiêu trừ nghiệp chướng, thoát khỏi lo buồn, khổ đau, không bệnh tật, được sống lâu, đạt được trí túc mạng, ở cõi Chư Phật, từ hoa sen hóa sinh, thường được Chư Thiên ủng hộ.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Trì niệm danh hiệu của Đức Phật ấy thì có thể sinh khởi phước đức vô lượng như vậy. Công đức thù thắng trang nghiêm nơi cõi nước và nguyện lực của Đức Phật ấy, hàng Thanh Văn, Độc giác đều không thể biết được, chỉ trừ Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác.
Lại nữa, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Về phương Đông, cách đây bằng số Cõi Phật nhiều như số cát trong tám Sông Hằng, có Thế Giới tên là Pháp tràng, Đức Phật ở đấy hiệu là Pháp Hải Lôi Âm, đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác… hiện đang thuyết pháp.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Cõi nước của Đức Phật ấy thanh tịnh, không nhơ uế, đất đai bằng phẳng do pha lê làm thành, thường phát ra ánh sáng, tỏa hương thơm ngào ngạt, dùng ngọc báu đế thanh làm thành quách, khắp các nẻo đường, các bậc thềm đều làm bằng vàng bạc.
Lâu đài, cung điện, nhà cửa, cửa ngõ, cửa sổ, lan can… đều được trang hoàng bằng đủ loại báu, hương thơm Cõi Trời, cây báu thẳng hàng khắp chốn, trên các cành cây treo tơ lụa Cõi Trời, khắp nơi lại có linh báu rũ xuống, gió nhẹ thổi đến khiến phát ra âm thanh cực hay, diễn nói về vô thường, khổ, không, vô ngã, chúng sinh nghe rồi, không còn sự trói buộc của tham dục, dần dần trừ được tập khí, đạt được định sâu xa.
Lại có hương hoa đẹp đẽ, thơm lừng ở Cõi Trời đan xen rưới xuống, bốn phía của cõi ấy có tám ao tắm, đáy ao được trải cát bằng vàng, nước thơm tràn đầy.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Cõi nước của Đức Phật ấy không có các nẻo ác, cũng không có người nữ, đều từ hoa sen hóa sinh ra, không có phiền não. Đức Như Lai ấy lúc thực hành đạo Bồ Tát có phát ra bốn nguyện lớn.
Những gì là bốn?
Nguyện lớn thư nhất: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào sinh vào nhà tà kiến, không có lòng tin thanh tịnh đối với Phật, Pháp, Tăng, xa lìa tâm bồ đề vô thượng, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, đêm tối vô minh tà kiến của người ấy được tiêu trừ, phát khởi niềm tin chân chánh, sâu xa nơi ngôi Tam Bảo, không hề thoái chuyển cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ hai: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào sinh vào nơi biên địa, do gần gũi bạn ác nên tạo ra các nghiệp dữ, không tu điều thiện, chưa từng được nghe danh tự Tam Bảo, sau khi lâm chung bị đọa vào ba đường ác.
Các chúng sinh ấy nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, được tiêu trừ nghiệp chướng, gặp tri thức thiện, không bị đọa vào cõi ác, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ ba: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào thiếu thốn về y phục, thực phẩm, giường chiếu, thuốc thang và các vật dụng cần thiết, do đó, họ rất lo buồn, khổ sở, vì muốn tìm kiếm nhưng thứ ấy nên tạo ra các nghiệp ác, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, người ấy có thiếu thốn điều gì đều được đầy đủ theo ý muốn, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ tư: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào do nghiệp ác đời trước mà tranh giành, không giúp đỡ nhau, dùng cung tên, đao, gậy làm thương tổn lẫn nhau, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, tất cả đều khởi tâm Từ, không còn hại nhau, các ý nghĩ ác còn không sinh khởi huống nữa là muốn giết hại người khác, thường thực hành hỷ, xả, cho đến chứng đắc đạo quả bồ đề.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Đó là bốn nguyện lớn vi diệu của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác ấy đã phát nguyện khi thực hành đạo Bồ Tát.
Nếu thiện nam, Thiện Nữ nào có lòng tin thanh tịnh, được nghe danh hiệu của Đức Phật ấy mà chí tâm cung kính, lễ bái, ân cần cúng dường, thọ trì, tụng niệm thì người ấy được tiêu trừ nghiệp chướng, tâm không hề thoái chuyển nơi quả vị bồ đề.
Đầy đủ trí túc mạng, sinh ở chỗ nào cũng thường được gặp Phật, không bệnh tật, sống lâu, sau khi lâm chung được sinh về cõi nước của Đức Phật ấy, không bao giờ thiếu thốn về y phục, thực phẩm và những vật dụng cần thiết, mà vừa suy nghĩ liền có.
Này Bồ Tát Mạn thù thất lơi! Đức Thế Tôn ấy đầy đủ vô lượng công đức như vậy. Cho nên, chúng sinh thường nên nhớ nghĩ đến Ngài, chớ để quên mất.
Lại nữa, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Về phương Đông, cách đây bằng số Cõi Phật nhiều như số cat trong chín Sông Hằng, có Thế Giới tên là Thiện trụ bảo hải, Đức Phật ở đấy hiệu là Pháp Hải Thắng Tuệ Du Hý Thần Thông, đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác… hiện đang thuyết pháp.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Đức Như Lai ấy lúc còn thực hành đạo Bồ Tát, có phát ra bốn nguyện lớn.
Những gì là bốn?
Nguyện lớn thứ nhất: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào tạo các nghiệp ác, gieo trồng cày cấy làm hại chúng sinh, hoặc khinh dể, lừa dối người khác, dùng binh khí ra chiến trận để giết hại, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, người ấy được đầy đủ của cải, không còn tìm cầu, thảy đều đủ đầy theo ý muốn, thường làm các việc thiện, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ hai: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào tạo mười nghiệp ác như sát sinh… do nhân này nên bị đọa vào địa ngục, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì người ấy được thành tựu mười hạnh thiện, không đọa vào cõi ác, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ ba: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào không được tự tại, phải lệ thuộc vào người khác, hoặc bị bắt giam, xiềng xích, gông cùm, roi gậy đánh đập cho đến bị cực hình, nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trì niệm, thì nhờ thần lực này, người ấy được thoát khỏi những tai nạn nguy hiểm, cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Nguyện lớn thứ tư: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào tạo các nghiệp ác, không tin Tam Bảo, theo những kiến chấp sai lầm, quay lưng với giáo lý chân chánh, ưa thích các đường tà, chê bai Kinh Phật, nói sai lời Bậc Thánh.
Cung kính thọ trì theo sách vở ngoại đạo, tự mình làm rồi dạy cho người khác, nên tất cả đều mê lầm, sẽ bị đọa vào địa ngục, không lúc nào thoát khỏi, nếu được làm người thì sinh vào nơi tám nạn, xa lìa đạo chân chánh, luôn tối tăm không có mắt trí tuệ.
Những người như vậy nếu được nghe danh hiệu của tôi, chí tâm trừ niệm, thì nhờ thần lực này, lúc lâm chung, luôn được chánh niệm, thoát khỏi các tai nạn, thường sinh vào những vùng đất văn minh, được niềm vui thù thắng, vi diệu cho đến chứng đắc quả vị bồ đề.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Đó là bốn nguyện lớn vi diệu của Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác ấy đã phát nguyện lúc còn thực hành đạo Bồ Tát. Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Cõi nước của Đức Phật ấy có đủ các công đức trang nghiêm giống như cõi nước của Đức Như Lai Diệu Bảo ở trên.
Lại nữa, này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Về phương Đông, cách đây bằng số Cõi Phật nhiều như số cát trong mười Sông Hằng, có Thế Giới tên là Tịnh lưu ly, Đức Phật hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang đầy đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác… hiện đang thuyết pháp.
Này Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi! Đức Thế Tôn ấy từ lúc mới phát tâm đến khi thực hành đạo Bồ Tát, đã phát mười hai nguyện lớn.
Những gì là mười hai?
Nguyện lớn thứ nhất: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, ánh sáng nơi thân tôi chiếu khắp vô biên Thế Giới, có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân tướng, khiến cho hết thảy chúng sinh cũng giống như tôi.
Nguyện lớn thứ hai: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, thân như lưu ly, trong ngoài đều thanh tịnh, ánh sáng rộng lớn chiếu soi khắp nơi, tia sáng tỏa như lưới và trang nghiêm hơn cả Mặt Trời, Mặt Trăng, khiến cho chúng sinh ở các nơi tối tăm trong núi Tu Di đều được thấy nhau, hoặc những người đang đi nơi đêm tối ở cõi này thấy được ánh sáng của tôi thì tất cả đều được sáng suốt, làm mọi việc theo ý muốn của mình.
Nguyện lớn thứ ba: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, dùng vô lượng, vô biên phương tiện trí tuệ, khiến cho tất cả chúng sinh đều được đầy đủ vật dụng, không thể cùng tận.
Nguyện lớn thứ tư: Nguyện ở đời sau, khi tôi chứng đắc đạo quả bồ đề, có chúng sinh nào đi theo đường tà thì làm cho họ thực hành theo nẻo bồ đề chân chánh, nếu người thực hành theo thừa Thanh Văn, Duyên Giác thì cũng khiến cho họ được an trụ trong pháp Đại Thừa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Mốt - Pháp Hội Tự Tại Vương Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Năm Mươi Năm - Phẩm đàn Di Ly
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Bốn Mươi Bảy - Phẩm Nhân Duyên Của đại Ca Diếp - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Sakuludayi - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Sáu Mươi Tám - Phẩm Vô Tận