Phật Thuyết Kinh Gián Vương
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tự Cừ Kinh Thanh, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT KINH GIÁN VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tự Cừ Kinh Thanh, Đời Lưu Tống
Nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật ở tại vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Lúc ấy, Vua nước đó tên là Bất Ly Tiên Nê đi ra khỏi đất nước, đến chỗ Phật, thân dính đầy bụi, cởi kiếm, hạ lọng, đảnh lễ Đức Phật.
Thế Tôn bảo: Hãy ngồi xuống.
Vua vâng lời.
Đức Phật hỏi Vua: Vua từ đâu đến mà thân dính đầy bụi vậy?
Vua liền đứng dậy cúi đầu thưa: Con đi từ cõi nước có tai nạn khác lạ.
Đức Phật bảo Vua: Vua trị nước nên dùng chánh phap thì không mất phép tắc, thường dùng tâm từ bi chăm sóc muôn dân, sở dĩ được làm Vua cai trị đất nước là do thực hành việc thiện đời trước mà được, việc quản lý dân chúng không thể thiện lệch.
Nếu không thì các công thần quan lại, cho đến dân chúng đều có lời oán trách, Vua cai trị không bình đẳng, người trong nước đều căm giận, thân chết rồi thì thần thức sẽ nhập vào địa ngục núi lớn, sau đó tuy có hối hận nhưng không kịp nữa. Vua cai trị nước đúng đắn bình đẳng theo phép tắc thì thần dân khen ngợi công đức, bốn biển đều quy thuận.
Trời, rồng, quỷ thần đều nghe Vua lành, băng hà được sinh cõi trời, sau đó cũng không ân hận. Vua không nên ham mê phóng túng, dâm dục, mà bỏ bê việc nước, không dùng tâm sân giận để giết hại giặc, phải nghe lời can gián đúng đắn của trung thần, phàm nói với người thường dùng lời nói khoan hồng, không có nóng giận, phải dùng bốn ý đối với muôn dân trong nước.
Những gì là bốn?
Đó là: Tùy thời ban phát, ý và lời tương ưng, có ngọc quý ban cho toàn dân, thăm hỏi người già bệnh và đơn độc. Vua như vậy, trong nước hòa bình thì được phước đức, sau khi băng hà được sinh lên cõi trời, mong cầu được như ý. Vua không phải lo, thường được tự tại, mọi người đều cung kính, nể sợ, lấy đó làm vui.
Còn các thứ như voi giỏi, ngựa hay, xe quý, quan hiền, quần liêu, trăm quan tùy tùng trước sau, châu báu cất giấu, trăm vật trong kho, đều sẽ hủy hoại không tồn tại lâu dài, tuổi trẻ đến già, mạnh khỏe rồi bệnh, các loài chúng sinh đều đi đến chỗ chết, châu báu, vợ con, nhà cửa trong ngoài không thể tồn tại.
Như người nằm mộng thấy cung điện, nhà cửa, vườn đẹp, cây lớn, hoa quả, hồ nước, suối chảy, vui chơi ở trong đó thú vị vô cùng, nhưng khi tỉnh dậy bỗng nhiên chẳng biết ở đâu, thấy những vật hiện có ở đời cũng như người thấy cảnh trong mộng.
Vua dù thấy cây có hoa quả, nhưng hoa quả không thể dính mãi trên cây, lá xanh sẽ bị vàng rụng, áo lễ, khăn, mão trang phục của Vua không thể đẹp lâu dài, nước chảy không thể thường đầy, phóng lửa nơi hoang dã lửa cháy bỏ hừng hực nhưng chẳng bao lâu thì tắt, gió mạnh, mưa tuôn, sấm sét ầm ầm, chỉ trong chốc lát bỗng nhiên không còn, khi mặt trời xuất hiện thì ánh sáng của vì sao biến mất, mặt trời chiếu sáng rực rỡ khắp thiên hạ chẳng bao lâu lại tối. Thế gian vô thường cũng lại như vậy.
Ví như bốn bên có núi đá lớn, trên dưới đều có sáu ngọn núi, cùng đến một lúc hợp lại, các loài chúng sinh ở trong đó, không kể giàu sang, hay thấp hèn đều sẽ tan nát. Con người có bốn việc không thể dừng lại, già đến thân thể khô gầy, bệnh đến tâm khổ não, thân chết thần thức biến đi, dù có châu báu, cũng vất bỏ không thể mang theo.
Bốn việc này chắc chắn không thể từ bỏ, không thể tránh xa, chẳng phải miệng có thể bảo vệ yêu cầu, không thể đem tiền của mua chuộc, van xin mà thoát được.
Khi ấy, dù có voi tốt, ngựa hay châu báu, quần thần, tráng sĩ trăm quan trước sau, dẫn đường hộ vệ nhưng ai có thể làm cho chúng rút lui. Vua có thấy sư tử là loài mạnh nhất trong loài thú, từ xa nhìn thấy bầy nai muốn bắt, bèn nhảy tới trước vồ bắt, xẻ từng miếng thịt để ăn.
Đau đớn như vậy, đâu có kể xiết! Mạng sống như sư tử khi bắt bầy nai, thân người lúc sắp chết không an ổn, máu huyết tiêu hao, sắc mặt biến đổi, mạng sống ngày càng ngắn ngủi, ngũ tạng không điều hòa, không màng ăn uống, tuy có thần chú, Thầy giỏi, thuốc hay cũng không thể làm cho lành bệnh.
Miệng vì nói dối theo đòi hỏi của nó mà nhà cửa tan nát, thân thể đau đớn như bị đánh đòn, tay chân run rẩy, gân cốt muốn rã rời, miệng khô, hơi thở rất yếu, suy nhược gầy ốm, không thể đi đứng ngồi nằm như người thường.
Nếu có thuốc tốt, cơm cháo ngon ngọt, có thể dùng chút đỉnh nhưng rất khổ cực, gân mạch muốn tan rã, chỉ có đem hơi ra mà không vào lại, môi khô nứt, chánh khí khô cạn, chỉ còn tà khí, lưỡi co rút, mặt nhăn, mắt không còn sắc, tai mũi tắt ngẹt, không nghe âm thanh, mùi hương, tay chân co quắp, gân rút, miệng câm, muốn nói không được.
Tay nam lấy hư không, quờ quạng hơi bên, mồ hôi toát, nước mắt chảy tương tục, tâm ý đau buồn, ý thức lần lần tiêu diệt, không còn biết gì nữa, hơi ấm mất, thân lạnh, thần hồn lìa xác, ngọc ngà châu báu, cha mẹ, anh em, vợ con, nội ngoại, bạn bè, người giúp việc đều bỏ hết, chỉ đi một mình không biết đến đâu. Thế gian tuy vui thích nhưng không được lâu dài.
Ngay bây giờ, Vua nên nương tựa vào đâu?
Chỉ có hiếu thuận thương yêu phụng dưỡng cha mẹ, cúng dường các vị Sa Môn thanh tịnh phạm hạnh, gặp người già cả phải tôn kính, có tiền tài châu báu cho đều muôn dân, phải đem lòng thương yêu ban bố cho dân, không nghe lời gièm pha mà hãm hại mọi người, pháp của Vua nên tuyên dương Thánh đạo, dạy bảo dân chúng làm thiện, chỉ nhất tâm đối với Tam Bảo.
Vua làm đúng như vậy thì được các Bậc Thánh khen ngợi, trời, rồng, quỷ thần đều ủng hộ đất nước, sống được cao quý giàu sang, chết lại sinh lên cõi trời.
Thân chết, thần thức ra đi sẽ nương tựa vào đâu?
Chỉ nhờ vào điều thiện mà thôi. Lửa cháy hừng hực thì dựa vào nước mà dập tắt. Con người đói khát chỉ nhờ cơm nước, già yếu nương vào cây gậy, người mù nhờ người có mắt, bóng tối nhờ đèn đuốc, bệnh tật nguy cấp nhờ thầy thuốc giỏi, thuyền vượt qua biển lớn sóng gió dữ dội nhờ vào người chèo lái, đường có giặc cướp nhờ có chỗ ẩn núp.
Thân chết, thần thức thoát đi chỉ nhờ vào sự tu tập điều thiện, giống như gặp những nạn kia đều dựa vào những việc như vậy. Nhờ mình cứu giúp mà dòng họ được an ổn. Vua không vì thú vui, ăn uống ngọt ngon, việc đi ở tự tại không thể luôn được, ăn no thì sẽ tiêu hóa, không thể no hoài.
Hương thơm xoa thân mùi thơm bay đến mũi, ngọc trai, chuỗi ngọc sáng láng chói mắt, hoa đẹp dưới nước trên bờ dùng để trang sức, chỉ vàng may thành gọi là y phục, y bằng tơ trắng, y thêu hoa, y đủ màu, y rất quý, y nhiều điều, y mịn dày, y gấm lụa, những thứ này đều vô thường chẳng thể bảo tồn lâu dài.
Cung đình, lâu đài, cung điện, phòng xá, bảy báu, vàng, bạc, giường niệm, thảm trải đất quanh co mềm mại dùng để che thân thể, do bảy báu dệt thành. Gấm hoa lụa là dùng làm màn trướng, cột, cửa cung điện, đều được điêu khắc chạm trổ hoa văn, đốt các thứ hương, vui chơi ở trong đó, những thứ ấy đều là vô thường không thể bảo tồn lâu dài.
Các thứ khí cụ âm nhạc: Đàn cầm, đàn sắt, đàn tranh, sáo, các thứ âm thanh ca vũ kỹ nhạc vang dậy nghe thật là thích thú, không thể diễn tả. Những thứ ấy cũng vô thường như huyễn, như mộng, không thể duy trì lâu dài.
Nhìn thấy mỗi lần Vua đi có voi, ngựa, xe quý, đánh chuông trống vang lên, người bảo vệ đi trước sau, Vua ngồi ở trong xe có che lọng bằng lông chim, người hầu cầm cờ chim lông màu xanh, cán chạm trổ hoa văn, dùng để quét bụi, sửa sang đường đi, vẽ lan can màu đỏ, mọi người thấy đều tôn kính, hoa đẹp hương thơm đều đem dâng Vua, chúc thọ vạn tuế. Những điều này cũng khó tồn tại lâu dài.
Vua thấy con người sắp chet chăng?
Bà con nội ngoại tập họp lại bên người ấy, vỗ ngực kêu trời, đều nói làm sao! Nghẹn ngào nức nở lệ rơi ràn rụa, kêu than khổ thay thần thức lẻ loi, bỏ ta như vậy sao! Nghe những lời này thật đáng thương, thấy vậy càng thêm bi ai, đưa thi hài ra khỏi thành bỏ nơi hoang vắng, chim bay thú chạy xông vào ăn thịt, trong thân có trùng lại ăn thịt tử thi, nắng cháy, gió thổi, xương cốt đều bị khô kiệt.
Trước kia các Vua tôn vinh phú quý, kho tàng đầy ấp cũng như Đại Vương. Ngày nay bỗng nhiên không thấy gì cả. Những điều này vô thường tự chứng nghiệm biết. Xưa còn như vậy huống gì ngày nay.
Vua suy nghĩ kỹ không còn nhớ nghĩ dâm dục, không nghe lời nịnh ghép nhầm tội người, thu nhận lời can gián, cai trị khoan dung, sẽ sợ nỗi khổ trừng trị tàn khốc ở địa ngục. Muôn loài chúng sinh đều ham sống, không nên giết hại.
Đức Phật thuyết giảng kinh này xong, Vua lãnh hội, phát nguyện làm đệ tử thọ trì năm giới, thành kính đảnh lễ Phật sát đất rồi lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Tiểu Kinh Khổ Uẩn
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Chín - Chín Pháp - Phẩm Bốn - ðại Phẩm - Phần Bốn - Thiền
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Kẻ Chiến Sĩ - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Hai Mươi - Phẩm đà Lân Ni