Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Ba Mươi Bốn - Phẩm Phú Na Kỳ

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT KINH HIỀN NGU

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA MƯƠI BỐN

PHẨM PHÚ NA KỲ  

Tôi nghe như thế này! 

Thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Thuở ấy nước Phóng Bát có một vị trưởng giả tên Đàm Ma tiện Tần dịch là Pháp Quân, giàu có nhất trong nước.

Khi đó vợ vị trưởng giả sinh được một đứa con trai, gặp lúc nhà Vua xuất quân đi chinh phạt nước khác, nhân đó đặt tên đứa trẻ là Tiện Na Tần dịch là Quân. Sau bà lại sinh được một đứa con trai, gặp lúc Vua xuất chinh được thắng, lại đặt tên con là Tỷ Kỳ Đà Tiện Na Tần dịch là Thắng Quân. Hai đứa con lớn lên, mỗi người đều có vợ.

Khi ấy vị trưởng giả mắc bệnh, mời các danh y đến trị bệnh cho ông. Trông thấy y sư, ông lo lắng tiếp đãi rất trọng hậu, các thức ăn uống đàng hoàng. Y sư tham lợi dưỡng, ôm lòng gian trá, muốn làm cho bệnh nặng thêm, cho thuốc khác, khiến bệnh còn hoài không hết.

Vị trưởng giả có một nô tỳ, hàng ngày lo ăn uống thuốc thang cho trưởng giả, biết việc ấy nên thưa với trưởng giả: Từ nay trở đi, các y sư này, họ có ác ý nên bệnh mãi không hết, nay tôi tự lo, cứ như lần trước theo cách điều trị thì bệnh sẽ khỏi. Vị trưởng giả bèn không kêu y sư mà để cho nữ tỳ trông dưỡng, trưởng giả hết bệnh.

Lúc đó nữ tỳ thưa với vị trưởng giả: Đại gia, tôi chăm sóc lo lắng cho đại gia, bệnh đã trừ khỏi, xin hãy thương xót ban cho tôi một điều.

Vị trưởng giả nói: Ngươi cần việc gì?

Vị nữ tỳ bèn nói: Muốn được đại gia cùng tôi thông dâm, xin theo ý tôi, đừng từ chối. trưởng giả không trái nghịch, liền theo ước muốn của cô gái. Sau khi cùng trưởng giả giao dâm, bèn cảm thấy có thai, mười tháng đã mãn sinh được một cậu con trai, cô đã mãn nguyện nên nhân đó đặt tên con là Phú Na Kỳ Tần dịch là Mãn Nguyện.

Cậu bé có đức tướng đoan chính, lớn lên khéo buôn bán, trồng trọt, chăn nuôi, được lợi bội phần, đến đâu cũng gặp sự tốt lành. Tuy bẩm thọ di thể trưởng giả, tài nghệ trí lượng hơn người nhưng là do con gái tiện tỳ sinh ra nên liệt vào hạng hèn hạ không được coi như con của các bà lớn.

Bấy giờ trưởng giả lại mắc bệnh, biết mình sắp chết, kêu hai đứa con nói: Sau khi cha chết chớ có chia gia tài và sống riêng với nhau. Trưởng giả bị bệnh dù được trị thuốc nhưng không thể cứu tế, vài hôm thì qua đời.

Khi đó hai người con vâng lời cha dạy, cùng sống chung trải qua mấy năm, gặp lúc có duyên sự muốn đến nước khác buôn bán. Các thứ nhà cửa, vợ con đều giao cho Phú Na Kỳ trông coi mọi việc. Lúc từ biệt, Phú Na Kỳ phải nghe theo lời dạy quản lý gia nghiệp.

Một hôm con của hai anh muốn cần ăn uống nhờ Phú Na Kỳ cho tiền để mua, gặp lúc ngày không tiền, đứa trẻ con Thắng Quân thưa Phú Na Kỳ: Con nay đói khát, cho con được ăn uống. Trong tay không có tiền nên không mua được gì.

Đứa nhỏ nổi giận về mách với mẹ: Chú Phú Na Kỳ lòng không rộng rãi thấy bá phụ xin gì cũng cho, hôm nay con xin tiền mua quà ăn mà chú không cho.

Người mẹ nghe đứa con nói sinh hận trong lòng, cho rằng: Con của đứa ở mà dám có tâm thiên lệch như vậy. Thắng Quân trở về nhà. Vợ và đứa con của ông lòng sân chưa nguội, đem mọi chuyện thưa với Thắng Quân.

Nghe xong, ông nổi giận bội phần, nói: Đây là con của đứa ở mà dám trái lời ta dạy, đối xử tệ bạc với con ta, nên giết bỏ đi.

Trong lòng đã quyết bèn xin người anh sống riêng. Người anh vâng lời cha dạy, không cho phép ra riêng. Thắng Quân buồn rầu, xin mãi không thôi. Người anh xét thấy ý của em ôm lòng sân hận, bất đắc dĩ phải cho sống riêng, tất cả của cải, ruộng vườn chia cho một phần.

Phú Na Kỳ cũng được một phần, còn anh cả hai phần. Của người anh thì người anh lấy, của Phú Na Kỳ Để người em giữ. Người anh biết Thắng Quân muốn hại Phú Na Kỳ, lòng từ thương xót, khéo léo sắp xếp bảo Phú Na Kỳ ở nhờ nhà khác.

Khi ấy Phú Na Kỳ hỏi chị dâu rằng: Cho em ít tiền để mua củi.

Chị dâu nói: Chỉ có năm đồng, liền lấy ra cho. Phú Na Kỳ lấy năm đồng ấy ra chợ mua củi, thấy một bó củi giá năm đồng, Phú Na Kỳ liền mua.

Nhìn thấy trong bó củi có gỗ ngưu đầu và gỗ chiên đàn hương, trong lòng rất vui mừng, vác củi về nhà, lấy gỗ hương chặt làm mười đoạn, gặp lúc hoàng hậu mắc bệnh nhiệt dữ dội rất cần gỗ ngưu đầu và đàn hương dùng để xoa trên mình mới trừ được bệnh ấy, ra lệnh cả nước tìm kiếm thứ ấy: Ai có gỗ hương một lạng sẽ cho hai ngàn lượng vàng.

Bấy giờ Phú Na Kỳ Đem một đoạn nhỏ dâng lên cho Vua. Được Vua thưởng cho một ngàn lượng vàng, cứ như thế dâng Vua hết mười đoạn gỗ hương, được ban cho vạn lượng. Nhân đó chàng tậu ruộng vườn, cất nhà, voi ngựa, xe cộ, nô tỳ, súc sinh, gia nghiệp lúc đó giàu có đầy đủ còn hơn lúc trước gấp bao nhiêu lần.

Bấy giờ lại có năm trăm lái buôn kết giao bạn bè với Phú Na Kỳ rủ ra biển đi buôn bán. Phú Na Kỳ thưa với anh cả là muốn cùng mọi người ra biển tìm châu báu. Anh cả liền nhận lời, cấp cho ít đồ cần dùng và một người bạn đi theo ra  biển, dặn dò ra đi bảo trọng để được trở về. Đi ra biển vào đến một nơi hiểm nạn, mọi người nhìn thấy cả ba mặt trời xuất hiện.

Kỳ lạ, họ hỏi người dẫn đường: Hôm nay có ba mặt trời xuất hiện là điềm ứng thế nào?

Người dẫn đường nói: Các ông nên biết, một là chánh nhật, hai là mắt cá, khoảng giữa là răng cá. Bây giờ nước đang rút chảy vào nơi tối tăm là miệng cá vậy, rất là đáng sợ. Hôm nay chúng ta không có con đường sống, sắp đến miệng cá rồi, chắc chắn là chết.

Có một Hiền Giả, kính tin Phật đạo, nói với các lái buôn: Các anh nên thành tâm niệm Nam Mô Phật, bậc đức lớn trong ba cõi, không ai hơn Phật, cứu tai nạn cấp bách, hay cứu khổ tai nạn chúng sinh. Chỉ mong Phật thánh nguyện cứu hiểm ách, giúp những người mạng sống mong manh này. Khi ấy, cá Ma Kiệt nghe xưng danh hiệu Phật liền ngậm miệng lại, lặn xuống đáy biển. Các người lái buôn nhờ vậy mà về nước an ổn.

Về đến nhà, Phú Na Kỳ lấy mâm vàng lớn, đem các của báu, châu ma ni… đựng đầy mâm dâng cho người anh cả, thưa: Em đã vì anh, chứa nhiều của báu, nhà cửa tất cả vật dụng đầy đủ, con cháu bảy đời tiêu dùng cũng không hết, xin biếu anh cả, xin anh cho em được xuất gia.

Tiện Na nói: Ta không muốn trái ý, nhưng em tuổi nhỏ, chưa hiểu rõ nhân luân, sự quan trọng của Phật Pháp, thực hành rất khó, hãy chậm lại vài năm nữa.

Phú Na Kỳ nói: Đại huynh nên biết mạng người vô thường, sớm còn tối mất, khó bảo đảm được, trước đây ở ngoài biển gặp cá Ma kiệt hút thuyền vào miệng suýt chết, nhờ ân Đức Phật cứu sống mạng này, xin anh cho phép, nghe em lần này. Anh cả liền nhận lời, khi đó Phú Na Kỳ cùng năm trăm người lái buôn tới nước Xá Vệ, đến chỗ Phật đảnh lễ, thăm hỏi, nhân đó bạch Phật cầu xin xuất gia.

Phật liền hứa khả cho nhập đạo, khen ngợi: Thiện Lai! Họ liền biến thành Sa Môn. Đức Phật vì họ thuyết các thứ khổ, năm trăm Tỳ Kheo ấy tâm khai ý giải, dứt hết các khổ thành A La Hán, chỉ có Phú Na Kỳ kết sử sâu nặng, nghe Phật thuyết pháp chưa thể thông đạt liền tinh tấn kiền thành lập chí mới chứng được Sơ Quả, từ đó siêng năng tu tập, không dám lười biếng.

Bấy giờ ngày an cư của các Tỳ Kheo sắp tới, Đức Phật bảo các vị tùy ý an cư.

Khi ấy Phú Na Kỳ tới trước bạch Phật: Đệ tử muốn đến nước Phóng Bát an cư ba tháng, cúi xin Đức Phật từ bi hoan hỷ.

Lúc đó Thế Tôn bảo Phú Na Kỳ: Nước đó người ta hung ác, tin theo tà đạo, kiến thức điên đảo.

Con nay mới học, ở trong Phật Pháp chưa có thể đầy đủ Phật Pháp thánh hạnh, giả sử bị người ta hủy nhục th́ biết làm thế nào?

Phú Na Kỳ nói: Giả sử bị người hết sức hủy nhục đi nữa, nhưng họ không làm hại con.

Đức Thế Tôn lại nói: Giả sử có người gian ác làm hại thì phải làm sao?

Phú Na Kỳ thưa: Bạch Thế Tôn, giả sử như bị người hủy nhục gia hại, nhưng họ không giết con, con cũng còn mang ân họ.

Đức Phật lại bảo: Con đến đó, lỡ gặp người ác giết hại mạng con, không được ích lợi gì cho con.

Thì con phải làm thế nào?

Phú Na Kỳ nói: Bạch Thế Tôn, tất cả vạn vật có hình tướng rồi cũng hoàn không, nếu họ giết con thì con chịu chết.

Lúc đó Thế Tôn bảo Phú Na Kỳ: Các người ác kia hủy nhục gia hại mà chưa giết con, con có sân không?

Phú Na Kỳ thưa: Bạch Thế Tôn, không. Như người đó không có căn cứ vô cớ chê bai hủy nhục, hoặc dùng đao trượng đánh đập giết con mà chưa chết hẳn, cho đến lúc mạng chung, con cũng không có một niệm sinh khởi tâm sân.

Đức Phật liền khen ngợi: Hay thay! Hay thay! Đệ tử thực hành được như vậy là rất hay. Lúc đó Phú Na Kỳ lễ Phật cầm y bát ra đi, tới nước Phóng Bát.

Sáng sớm ngày mai, Phú Na Kỳ vào thành khất thực, đến nhà một Bà La Môn giàu có. Lúc đó vị Bà La Môn thấy vị Tỳ Kheo liền ôm lòng ác, đi theo chửi mắng. Phú Na Kỳ Đi qua nhà khác khất thực, vị Bà La Môn ấy cũng đi theo dùng tay đánh đập. Phú Na Kỳ cũng vui vẻ không thay đổi sắc mặt.

Lúc đó vị Bà La Môn trông thấy vị Tỳ Kheo bị hủy nhục, bức bách như vậy mà không tỏ chút oán hận, bèn tự trách, xin lỗi việc làm vừa rồi. Phú Na Kỳ ở trong nước đó, siêng năng tu hành không giải đãi, dứt hết kết sử, tâm bỗng khai mở, chứng được vô lậu.

Sau ba tháng an cư, bèn từ giã các đàn việt và trở về nhà dặn người anh cả rằng: Anh cẩn thận chớ có ra biển, ngoài biển có rất nhiều nguy hiểm, tiền bạc của anh đủ dùng cho bảy đời cũng không hết. Dặn dò xong, Phú Na Kỳ trở về chỗ Phật ở, đảnh lễ thăm hỏi xong, rồi đi nghỉ.

Người anh Tiện Na không nghe lời Phú Na Kỳ, một hôm có các lái buôn rủ đi ra biển. Tiện Na nghe theo và cùng đi ra biển, tùy ý chọn lấy của báu rất nặng, chỉ có Tiện Na lấy ra rất nhiều gỗ ngưu đầu, chiên đàn hương, thuyền đầy trở về gặp con rồng có tánh xan tham, ham tiếc gỗ hương ấy, liền nắm thuyền, nhổ cột buồm, thuyền không đi được. Những người lái buôn coi chết là chắc.

Lúc đó Tiện Na một lòng gọi tên Phú Na Kỳ nói: Nay anh gặp nạn, xin em cứu giúp. Khi đó Phú Na Kỳ ở nước Xá Vệ tại Tinh Xá Kỳ Hoàn, tọa thiền tư duy, do thiên nhĩ thông, nghe anh Tiện Na đang bị tai nạn ở xứ nọ.

Chí tâm tự trần thuật, một lòng đau đớn kêu: Phú Na Kỳ! Phú Na Kỳ.

Ngài liền dùng thần túc La Hán, cũng như lực sĩ co duỗi cánh tay, biến hóa thân làm chim Kim Sí Điểu bay vào trong biển khủng bố con rồng ấy. Con rồng thấy bóng chim sợ hãi lặn xuống đáy biển, các người lái buôn được an ổn, trở về nhà.

Khi ấy Phú Na Kỳ giáo hóa người anh xây dựng cho Thế Tôn một cái nhà nhỏ lợp che thuần bằng gỗ chiên đàn, làm xong ngôi nhà rồi giáo hóa người anh thỉnh Phật.

Tiện Na nói: Việc thỉnh Phật phải dùng vật gì?

Thỉnh như thế nào?

Khi đó Phú Na Kỳ cùng người anh cả bày các thứ cúng dường xong, đốt lư trầm hương, cùng đốt đèn trên lầu cao, hướng về Tinh Xá Kỳ Hoàn đốt hương quy mệnh Phật và Thánh Tăng, khấn nguyện: Cúi mong Đức Phật ngày mai đến nước hèn mạt này khai ngộ những chúng sinh ngu muội mê mờ này. Nguyện xong, khói hương bay tới trên đỉnh đầu Đức Thế Tôn, quyện kết thành một cái lọng bằng khói hương, sau đó phóng nước từ hư không đến rửa chân Thế Tôn.

Bấy giờ A Nan trông thấy sự việc kỳ lạ như vậy, bèn hỏi Đức Phật: Bạch Thế Tôn, ai phóng nước và khói tới đây thế?

Đức Phật bảo A Nan: Là vị A La Hán Tỳ Kheo Phú Na Kỳ ở nước Phóng Bát khuyên anh Tiện Na thỉnh Đức Phật và Tăng, cho nên phóng nước và khói để làm tín thỉnh.

Nhân đó Ngài bảo A Nan đến trong Tăng Chúng, phát thẻ những vị Tỳ Kheo có thần túc, ngày mai đều đến, đáp lời thỉnh của Tiện Na, hiện biến hóa đi khắp nước đó. A Nan tôi phụng lệnh phát thẻ hợp Tăng, những vị có thần túc ngày mai đến thọ thỉnh.

Bấy giờ các Tỳ Kheo đều đã nhận thẻ xong, sáng sớm ngày mai, người làm cơm tên Kỳ Kiền Trực Kỳ Tần dịch Tục Sinh, ông đã đắc quả A Na Hàm, hàng ngày làm cơm cúng dường tất cả Chúng Tăng, lúc ấy ông ngồi kiết già phu, thân phóng ánh sáng soi rọi bốn phương, đem dụng cụ đựng thức ăn, cái muôi, thìa, trăm cái hộc, cái búa lớn… theo ông cỡi hư không đi đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: Đây là thầy em phải không?

Đáp: Không phải, là một vị Tỳ Kheo làm cơm hàng ngày đến giúp bữa trai hôm nay.

Khi ấy Tiện Na liền đem hương hoa âm nhạc cúng dường, cúng dường xong rồi vào nhà. Sau đó lại có mười sáu vị Sa Di, trong đó có Sa Di Quân đề, mỗi vị đều dùng thần túc biến hóa ra rừng cây, hái hoa quả. Các thứ biến hiện, thân phóng ánh sáng chói lọi Trời đất, vút trên hư không kéo tới nườm nượp.

Tiện Na lại hỏi: Đây là thầy của em phải không?

Đáp: Không phải. Các vị này là đệ tử cùng thầy với em mới bảy tuổi đã đắc quả A La Hán, dứt sạch các lậu, đầy đủ thần túc. Hôm nay đến trước hái hoa quả cúng dường. Tiện Na liền đem hương hoa, âm nhạc ra cúng dường. Cúng xong các vị Sa Di ấy đáp xuống đi vào nhà.

Kế đến lại có các Trưởng Lão đại A La Hán hóa ra ngàn con rồng, kết thân làm tòa ngóc đầu ra bốn bên, tiếng hát vang Trời, miệng của các con rồng phun ra mưa bảy báu, đặt lên tòa ấy thành tòa báu lớn, rồi bay bổng trên hư không, thân phóng ra ánh sáng, chiếu khắp thiên hạ, rồi đến nước Phóng Bát.

Tiện Na lại hỏi: Đây là thầy của em phải không?

Đáp: Không phải, là đệ tử của thầy em tên Kiều Trần Như. Lúc Phật mới thành đạo, thuyết pháp tại vườn Lộc Uyển, rộng độ chúng sinh, là năm vị này được độ đầu tiên. Trong hàng đệ tử Phật là bậc đệ nhất thượng thủ, đầy đủ thần thông vô ngại.

Tiện Na nghe nói càng thêm cung kính, liền đem hương hoa âm nhạc ra để cúng dường, cúng dường xong liền mời vào nhà. Kế đến lại có Ma Ha Ca Diếp hóa làm giảng đường bảy báu, thân phóng ánh sáng chiếu khắp bốn phương, đi đến nước đó.

Tiện Na trông thấy, hỏi Phú Na Kỳ: Đây là thầy của em phải không?

Đáp: Là đệ tử của thầy em, tên Ma Ha Ca Diếp, thanh kiệm tri túc thường hành đầu đà, thương kẻ ty tiện, giúp người nghèo khó. Tiện Na liền đem hương hoa âm nhạc ra cúng dường, cúng dường xong liền mời vào nhà.

Khi ấy Xá Lợi Phất cỡi tòa ngàn con Sư Tử, đầu xoay bốn phía, miệng phun mưa bảy báu, gầm thét chấn động Trời đất, trên tòa Sư Tử trải giường báu lớn, trang hoàng đẹp đẽ, đứng trên tòa ấy, thân phóng ra ánh sáng, chiếu khắp bốn phương, bay lên hư không, lượn lướt mà đến.

Tiện Na hỏi: Đây là thầy của em chăng?

Đáp: Không phải, người cỡi hư không bay đến đó là vị đại đệ tử của thầy em, trí tuệ rộng lớn, tên Xá Lợi Phất. Tiện Na nghe rồi, vui mừng gấp bội, liền đem hương hoa âm nhạc cúng dường. Cúng dường xong liền mời vào nhà.

Bấy giờ Đại Mục Kiền Liên đến sau cùng hóa làm ngàn con voi, quay đầu ra bốn bên, mỗi con có sáu ngà, mỗi đầu ngà có bảy ao nước tắm, trong mỗi ao có bảy hoa sen, trên mỗi bông sen có bảy ngọc nữ. Ngoài ra còn biến hiện rất nhiều, phóng hào quang sáng lớn, cảm động cả bốn phương Trời, lại trên đầu voi đặt cái tòa báu, tự ngồi trên đó, cỡi hư không đi.

Tiện Na hỏi: Đây là thầy em phải không?

Đáp: Không phải, đó là đệ tử của thầy em, tên là Đại Mục Liên, thần túc đệ nhất, đức hạnh thuần bị. Tiện Na nghe nói vui mừng kính ngưỡng, đem hương hoa âm nhạc để cúng dường, cúng xong rồi mời vào nhà.

Kế tiếp sau có Ngài A Na Luật Đề hóa ra ao tắm bảy báu, trong ao có mọc hoa sen sắc vàng, lá cọng đu bằng bảy báu hợp thành, Ngài ngồi kiết già trên hoa sen ấy, cổ đeo chiếc bội nhật quang, chiếu sáng khắp thiên hạ, chỗ ánh sáng chiếu đến đều là màu vàng, bay trên hư không mà đến nước đó.

Tiện Na lại hỏi: Đây là thầy của em chăng?

Đáp: Không phải, là đệ tử của thầy em, tên A Na Luật Đề. Ở trong đại chúng, Ngài có thiên nhãn đệ nhất. Tiện Na nghe xong vui mừng, cung kính đem hương hoa cúng dường rồi tự Ngài đi vào nhà. Kế tiếp sau có em của Phật là Nan Đà, hóa làm ngàn cỗ xe ngựa bằng bảy báu, trên xe che tán bảy báu phóng ánh sáng chiếu soi bốn phía, cỡi hư không mà đến nước Phóng Bát.

Tiện Na trông thấy hỏi Phú Na Kỳ: Đây là thầy của em chăng?

Đáp: Không! Là em của Thế Tôn, tên Nan đà, tướng mạo và đức hạnh đầy đủ. Tiện Na bèn đem hương hoa ra cúng dường, cúng xong mời vào nhà. Bấy giờ Ngài Tu Bồ Đề đến sau cũng hóa ra bảy báu, ngồi trong hang lưu ly, thân phóng ra nhiều sắc ánh sáng lẫn nhau, chiếu khắp Trời đất, bay đến nước đó.

Tiện Na hỏi: Đây là thầy em phải không?

Đáp: Không phải, đó là đệ tử thầy em tên Tu Bồ Đề, quảng trí đa văn, giải không đệ nhất. Tiện Na liền vui mừng đem hương hoa ra cúng dường xong rồi Ngài tự vào nhà. Kế đến có Ngài Phân Nậu Văn Đà Ni Tử hóa làm một ngàn Ca Lầu La Vương, kết thân làm tòa, ló đầu bốn phía, miệng ngậm các thứ báu, phát ra những tiếng hòa nhã, lại ngồi trên tòa báu lớn cỡi hư không mà đến.

Tiện Na trông thấy hỏi: Đây là thầy em chăng?

Đáp: Không phải! Là bạn cùng thầy với em tên Phan Nậu Văn Đà Ni Tử là một vị biện tài ứng đối đệ nhất. Tiện Na liền đem hương hoa cúng dường và mời vào nhà. Tiếp theo là Ngài Ưu Ba Ly hóa thân làm ngàn chim nhạn dụm đầu vào nhau đầu quay ra ngoài kêu, phát ra những âm thanh hòa nhã, miệng ngậm các thứ báu, bay liệng trên hư không, trên mình bày tòa quý báu, phóng ánh sáng chiếu soi bốn phía, thân cỡi trên đá bay đến.

Tiện Na hỏi: Đây là thầy em chăng?

Đáp: Không phải! Là đệ tử của thầy em tên Ưu Ba Ly là một vị trì luật đệ nhất trong hàng Tỳ Kheo. Tiện Na nghe rồi bèn đem hương hoa ra cúng dường, cúng xong Ngài từ từ hạ xuống vào nhà. Kế tiếp sau có Sa Môn Nhị Thập Ức hóa làm hàng cây ở trên hư không, dùng ngọc lưu ly xanh làm lối đi kinh hành giữa hai hàng cây giáp nhau làm bằng bảy báu, bên lề đường cũng làm bằng các thứ báu đẹp, đi kinh hành trong đó dần dần đến nước Phóng Bát.

Tiện Na lại hỏi: Đây là thầy em chăng?

Đáp: Không phải! Là đệ tử của Phật tên Sa Môn Nhị thập ức, trong các hàng Tỳ Kheo là tinh tấn nhất. Tiện Na đem hương hoa âm nhạc ra cúng dường và các Ngài từ từ vào nhà. Kế tiếp lại có Đại Kiếp tân ninh hóa làm bảy hàng cây báu, trên cây có rất nhiều hoa quả, dưới gốc cây đều có tòa cao bảy báu, Ngài ngồi trên đó, phóng ánh sáng lớn cỡi hư không bay đến.

Tiện Na hỏi: Đây là thầy của em chăng?

Đáp: Không phải. Đấy là đệ tử Phật tên Đại Kiếp tân ninh, oai nghi đĩnh đạc, dũng mãnh đệ nhất. Tiện Na nghe xong, vui mừng đem hương hoa âm nhạc cúng dường. Cúng xong, Ngài từ từ vào nhà. Kế tiếp có Ngài Tân Đầu Lô Đỏa xà ngồi trên hoa sen báu, cổ đeo ngọc bội nguyệt quang, phóng ra ngàn ánh sáng, chói đỏ Trời đất, bay lên hư không mà đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: Đây là thầy em phải không?

Đáp: Không phải, là đệ tử thầy em tên Tân Đầu Lô Đỏa Xà là một vị tọa thiền nhập định giỏi nhất. Tiện Na liền đem hương hoa cúng dường xong, Ngài từ từ vào nhà. Kế đến là La Hầu La tự hóa làm Vua Chuyển Luân, có ngàn người con, bảy báu, dẫn đến nước đó.

Tiện Na hỏi: Đây là thầy em chăng?

Đáp: Không phải! Là con của Phật, tên La Hầu La, nếu còn ở hoàng cung sẽ thống lãnh bốn thiên hạ, bảy báu tự nhiên đầy đủ, không cần dùng binh lính và khí giới mà hàng phục được giặc.

Nay đã bỏ ngôi vị ấy, xuất gia học đạo, tu chứng quả A La Hán, đầy đủ sáu pháp thần thông, không có chướng ngại, giờ đây biến hiện thân hình ngôi vị đó. Tiện Na nghe xong đem hương hoa cúng dường, rồi mời vào nhà. Năm trăm vị đệ tử Phật có thần túc mỗi vị đều biến hiện không thể kể xiết.

Khi đó Đức Thế Tôn biết các đệ tử đều đã đến nước đó, Ngài bèn phóng hào quang chiếu sáng Trời đất đều một màu vàng.

Bấy giờ Phú Na Kỳ nói với người anh: Hiện nay Đức Thế Tôn khởi ý muốn đến đây, nên phóng quang báo điềm trước.

Bấy giờ Thế Tôn ngồi trên tòa bước chân xuống đất, thời Trời đất sáu lần chấn động.

Phú Na Kỳ nói với người anh: Đức Thế Tôn đang rời tòa ngồi bước chân xuống đất nên Trời đất chấn động như thế.

Khi ấy Thế Tôn vừa rời khỏi Tinh Xá đứng ở bên ngoài, thì tám thần Kim cang đứng ở tám phía, có Tứ Thiên Vương dẫn đường đi trước, Vua Đế Thích và các vị Thiên Tử Cõi Dục trăm ngàn vạn người thị vệ bên trái. Đại Phạm Thiên Vương và các Trời Cõi Sắc với vô số chúng đứng bên phải. A Nan đứng ở sau Phật, đại chúng vây quanh, phóng quang minh chiếu khắp Trời đất, bay lên hư không đến nước Phóng Bát.

Bay được giữa đường, gặp năm trăm nông phu đang dùng trâu cày ruộng, các con trâu thấy Phật bay trên hư không, phóng ánh sáng sắc vào khắp cả thế giới, các con trâu chí tâm ngước lên nhìn Thế Tôn rất là cung kính, đứng lại không kéo cày nữa.

Nông phu thấy trâu ngước lên nhìn Trời làm lạ, họ cũng trông nhìn lên thấy Phật, bèn quỳ xuống bạch: Cúi mong Như Lai thương xót chúng con tạm dừng một chút để giáo hóa, khiến chúng con được lìa sinh tử. Đức Phật lấy lòng từ bi biết họ có thể hóa độ, liền hạ xuống thuyết diễn diệu pháp cho họ nghe. Năm trăm người, tâm ý khai ngộ, dứt được hai mươi ức tội ác, chứng quả Tu Đà Hoàn, còn những con trâu sau khi mạng chung được sinh lên Cõi Trời, ai nấy đều rất vui mừng.

Lúc đó Như Lai lại bay lên hư không mà đi, chưa được bao xa thì có năm trăm đồng nữ chơi giỡn ngoài đồng trống, thấy mặt đất sắc vàng, ngước nhìn trông thấy Phật biến hiện cỡi hư không bay đi, trong lòng vui mừng chắp tay bạch: Ngưỡng mong Thế Tôn rủ lòng thương xót tạm dừng để tế độ chúng con.

Đức Phật biết những đứa trẻ này có túc duyên có thể hóa độ, liền hạ xuống đến chỗ đó, thuyết pháp cho chúng. Nghe xong chúng đều khai mở trí tuệ, chứng quả Tu Đà Hoàn. Cảm hóa xong Đức Phật bèn đi bộ trên hư không.

Lại có năm trăm Tiên Nhân, sống trong đầm rừng thấy ánh sáng khắp mặt đất sắc vàng, ngước trông thấy Như Lai và đại chúng đi trên hư không, trong lòng vui mừng, cung kính gấp bội, ngưỡng bạch Phật: Cúi mong Đại Thánh tạm dừng lại, nhân thấy Ngài đi qua, xin giảng đạo cho chúng con nghe.

Đức Phật quán thấy duyên trước của họ, biết có thể độ được, Ngài hạ xuống, họ cầu xin làm Sa Môn, Đức Phật nhận lời nói: Thiện Lai Tỳ Kheo! Họ trở thành Sa Môn. Nhân đó Đức Phật thuyết pháp, tâm họ sáng tỏ, dứt hết các lậu, chứng A La Hán, cũng đi theo Phật, cỡi hư không mà đi.

Bấy giờ Phú Na Kỳ trông thấy Đức Phật từ xa đến, ánh sáng chói cả Trời đất, đại chúng cũng từ trên hư không mà đi, liền gọi anh Tiện Na: Đức Thế Tôn và đại chúng sắp đến.

Đức Phật đến nước đó, Tiện Na vui mừng đem hương hoa âm nhạc ra cúng dường. Cúng dường xong cùng đến trai đường. Đức Phật và đại chúng đã như pháp an tọa rồi, Tiện Na và cả nhà sửa soạn cỗ bàn, tự bưng thức ăn uống dâng cúng. Đức Phật dùng cơm xong, thuyết pháp cho cả nhà Tiện Na và dân chúng nghe.

Xong buổi thuyết pháp, cả nhà Tiện Na đắc quả Tu Đà Hoàn, có người chứng đủ hai đạo ba quả, lại có người phát tâm cầu đạo đại thừa, lại có người trụ vững chắc Bất thoái địa. Phật thuyết pháp xong, nam nữ cả nước, người đắc đạo không thể kể xiết.

Thấy thế, A Nan quỳ bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn, Phú Na Kỳ đây ở đời quá khứ tạo nghiệp ác gì mà sinh làm người hạ tiện, con của người nô tỳ?

Lại có phúc gì mà gặp Phật được độ thoát sinh tử?

Đức Phật bảo A Nan: Ông muốn biết về Phú Na Kỳ, hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì ông mà nói.

Đáp: Vâng! Chúng con chú ý lắng nghe.

Đức Phật bảo: Này A Nan, ở đời quá khứ thời Phật Ca Diếp, có một vị trưởng giả giàu có, ông xây một ngôi Già Lam cho Phật và Chúng Tăng, cúng dường y phục, thức ăn, thuốc thang tứ sự…, cúng dường tất cả không để thiếu thốn. Sau khi vị trưởng giả qua đời, đứa con trai của ông xuất gia học đạo, nên sau khi người cha mất, sự cúng dường thiếu hụt, Chúng Tăng phải tản đi nơi khác, chùa chiền bỏ hoang, mục nát, không có người ở.

Người con xuất gia thành một vị Tỳ Kheo, ra sức kêu gọi đànviệt tri thức gom góp tiền tài tu bổ ngôi chùa, mời Chúng Tăng trở về, cúng dường lại như xưa. Bấy giờ Chúng Tăng về trụ Chùa ấy rất đông, tinh tấn chuyên tu, phần nhiều những vị cao tăng đức hạnh đầy đủ, đạt được tự tại. Khi ấy có một vị La Hán đạo nhân, tới phiên trực nhật, quét cỏ rác gom thành một đống trước sân, chưa kịp hốt đem bỏ.

Lúc đó vị Tỳ Kheo con vị trưởng giả xuất gia ác tâm la mắng vị Tỳ Kheo kia như nô tỳ không khác, trách móc tại sao quét rác không đem đổ bỏ… A Nan nên biết, vị Tỳ Kheo đó nay chính là Phú Na Kỳ. Do có tâm ác mắng vị đạo nhân tựa như nô tỳ và do một lời nói ấy mà trong năm trăm đời thường phải làm thân nô tỳ.

Lại do tạo lập chùa khuyên người cúng dường Chúng Tăng, đền tội đã xong, nay được gặp ta đắc quả giải thoát. Hôm nay những người trong nước này được thọ hóa đều là những người kiếp xưa trợ giúp làm chùa, gieo duyên như thế đều được độ thoát.

Khi đó Ngài A Nan và cả đại chúng nghe Đức Phật thuyết xong, vui mừng phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần