Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Bốn Mươi Hai - Phẩm Thái Tử Thiện Sự đi Biển
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BỐN MƯƠI HAI
PHẨM THÁI TỬ THIỆN SỰ ĐI BIỂN
Tôi nghe nói như thế này!
Một lúc nọ, Đức Phật ở nước La Duyệt Kỳ, trong núi Kỳ Xà Quật, các đại Tỳ Kheo vây quanh nghe Ngài thuyết pháp. Bấy giờ A Nan thấy Đề Bà Đạt Đa đối với Như Lai thường ôm lòng tật đố, ông xua đuổi voi uống rượu say để giẫm Phật và xô đá để đè Phật, dùng mọi thứ để hại.
Nhưng Đức Phật từ bi, thương xót coi Đề Bà Đạt Đa như La Hầu La không có sai khác. A Nan thấy ông ta làm như vậy, thường ôm lòng oán hận, suy nghĩ trong lòng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch y bày vai phải, chắp tay quỳ thưa, than nói về việc đó.
Đức Phật bảo: Này A Nan, ông Đề Bà Đạt Đa không chỉ ngày nay có lòng ác đối với ta mà ở đời quá khứ cũng từng làm thương hại đến ta, nhưng ta thường đối xử từ bi với ông.
Ngài A Nan liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn, ở đời quá khứ Đề Bà Đạt Đa thường làm tổn hại Ngài, khi đó Ngài khởi lòng từ đối với ông ta, việc đó như thế nào?
Xin hãy nói cho chúng con được nghe.
Đức Phật bảo: Này A Nan, đời quá khứ lâu xa, vô số vô lượng, không thể nghĩ bàn A tăng kỳ kiếp, ở Cõi Diêm Phù Đề này, có một vị Quốc Vương tên Lặc Na Bạt Di Tần dịch là Bửu Khải thống lãnh năm trăm tiểu Quốc Vương. Ông có năm trăm phu nhân, thể nữ, đều không có con. Vua bèn cầu tự các vị Trời, mặt trời, mặt trăng, sông núi, thọ thần… trải qua mấy năm, vẫn không được con.
Vua rất đau buồn, tự nghĩ: Ngày nay ta không con, một khi băng hà, nước không người nối dõi, thiên hạ ắt loạn, do đó phải làm sao?
Năm trăm chư hầu không phục tùng sẽ ra sức tranh đấu, mạnh yếu cùng giết hại lẫn nhau, tiêu dân mất nước đều do không người kế nghiệp cả. Nghĩ như thế rồi, Vua càng thêm lo buồn.
Khi đó có một Thiên thần biết được ý của Vua, báo mộng rằng: Khu rừng ngoài thành có hai ông Tiên, ông thứ nhất thân có màu sắc vàng có phúc đức thông minh, hùng biện không ai có thể bì kịp, nếu ông cần con hãy đến đó cầu thỉnh, ắt ông ta sẽ hồi ý đến sinh vào vương gia.
Vua tỉnh giấc, vui mừng liền ra lệnh xa giá, dẫn theo vài người, đi khắp nơi tìm kiếm thì gặp được Tiên Nhân, Vua cầu xin than vãn: Nước không người nối nghiệp, đau buồn không yên, ngưỡng cầu đại Tiên sinh vào vương gia để nối dòng trị nước, cúi mong giáng lâm. Khi đó Tiên Nhân thấy Vua ân cần không nỡ nghịch ý bèn nhận lời.
Vị Tiên Nhân thứ hai lại nói với Vua: Ta cũng muốn sinh vào nhà vương gia. Vua rất vui mừng rồi từ tạ về cung. Trải qua một thời gian, Tiên Nhân sắc vàng liền mạng chung thì phu nhân của Đại Vương liền cảm biết thọ thai.
Bà tên Tô Ma, là phụ nữ rất thông minh, có thể biết được thai nhi là trai hay gái và bà tự nói: Tôi mang thai chắc chắn là con trai. Đức Vua và người trong cung nghe bà nói thế đều rất vui mừng. Vua ra lệnh thể nữ trong cung hết lòng lo lắng cho phu nhân được chu đáo, nào giường, chăn, ăn uống… đều là những thứ mịn mềm, ngọt ngon, dìu đỡ lúc đi lại không để cho xảy ra nguy hiểm.
Đến ngày khai hoa, đại phu nhân sinh được một hoàng nam tướng mạo đoan chính lạ thường, thân vàng, tóc xanh mươn mướt, đầy đủ nhân tướng, nhà Vua và bá quan nội ngoại thành nhìn hoài không chán, nhân đó mời thầy tướng đến xem.
Thầy tướng quan sát khắp nơi vui mừng tâu Vua: Hoàng tử này tướng rất tốt, trong nhân gian khó có được. Đây là một người thông minh không ai có thể bì kịp. Vua nghe rồi rất vui mừng, bèn nhờ thầy tướng đặt tên.
Thầy tướng hỏi Vua: Nay Thái Tử này thọ thai đến nay có điều gì thay đổi không?
Vua liền đáp: Hoàng hậu này tánh tình hung dữ, quá ham vui, vọng cử gian phi, thấy người thiện tâm sinh không vui, từ mang thai đến nay, tánh tình thay đổi khác, bà rất nhân từ thương người ngu, mến kẻ trí, ham tu bố thí.
Thầy tướng nghe xong, khen rằng: Lành thay! Đứa trẻ này gá tình thức nơi người mẹ. Bèn đặt tên là Ca Lương Na Già Lê Tần dịch là Thiện Sự. Bà phu nhân thứ hai tên Phất Sắc được vị Tiên thứ hai nhập thai, đến ngày cũng sinh được một người con trai, dung mạo đẹp đẽ lạ thường, lại cũng mời Thầy đến xem tướng.
Thầy tướng trông thấy nói: Vị Thái Tử này là người đầy đủ phước đức, trí năng.
Vua nhờ đặt tên, thầy tướng hỏi: Khi mang thai người mẹ tính tình có gì khác không?
Vua nói: Mẹ Thái Tử này tính tình trung thực hiền lành, có lòng từ thích làm việc thiện, nhưng từ khi mang thai đến nay thì ngược lại rất thích việc ác, ghen ghét người hiền tài, thấy việc thiện thì không vui.
Thầy tướng lại nói: Đây cũng là đứa trẻ gá thai nơi mẹ.
Nhân đó đặt tên là Ba Bà Gia Lê, Tần dịch là Ác Sự. Bấy giờ nhà Vua rất chú tâm yêu mến Ca Lương Na Già Lê Thiện Sự bảo xây cung điện ba mùa, để khi mùa đông ở cung điện ấm áp, mùa xuân, thu ở trong nội điện, mùa hạ ở cung điện mát mẻ, sắp xếp kỹ nhạc giúp vui cho Thái Tử.
Thái Tử lớn lên thông minh lanh lẹ lại thường học các sách vở thế gian cả mười tám bộ đọc thuộc rành rẽ, khéo giải nghĩa lý tường tận. Một hôm Thái Tử xin ra ngoài thành dạo chơi, đức Vua cho phép và ra lệnh dọn dẹp quét sạch đường xá.
Thái Tử cỡi voi trắng lớn, cầm roi bạc, có cả ngàn người theo sau, tất cả nhân dân chen đứng hai bên đường, trên lầu gác, người xem đông vô số kể, đều khen Thái Tử tướng giống như Phạm Thiên, uy nghi dung mạo, trong nhân gian ít có. Khi đó Thái Tử trông thấy người ăn xin, thân thể gầy xấu, áo quần rách rưới dơ bẩn, tay trái cầm chiếc thau bể, tay phải cầm cây gậy, nói lời cầu xin thương xót.
Thái Tử hỏi tùy tùng: Đây là người gì thế?
Quần Thần thưa: Những người này côi cút cô đơn hoặc không có cha mẹ, không chỗ nương tựa, đau bệnh điên cuồng… không thể làm lụng, không có được một đồng tiền, xin người qua đường để nuôi thân miệng như vậy. Khi ấy Thái Tử thương xót, lòng càng đau đớn. Lại đi tới một đỗi thì trông thấy những người đồ tể giết hại súc sinh, xẻ cắt để cân bán.
Thái Tử hỏi: Tại sao làm việc này?
Họ nói: Từ đời ông nội của chúng tôi đến nay đều sống bằng nghề này, nếu bỏ nghề này thì không thể tự nuôi sống được. Thái Tử nghe rồi than thở dài mà đi, đi tới trước Thái Tử trông thấy nông dân cày ruộng đất tung ra, côn trùng, cua ếch bắt nuốt ăn, lại có những con rắn rình bắt lấy cua ếch mà ăn. Trên Trời có chim khổng tước bay đến mổ lấy con rắn ấy ăn.
Thái Tử hỏi họ: Tại sao làm việc này?
Nông phu đáp: Đây là nghề nghiệp của chúng tôi, nơi đất này gieo giống, sau này sẽ thu được lúa thóc để cung cấp lương thực cho mình và đóng thuế cho vương gia.
Thái Tử than: Người ta do ăn uống mà giết hại chúng sinh, làm lụng thân thể cực khổ như vậy.
Rồi lại đi tới trước nữa, trông thấy những thợ săn đang giương cung nhắm bắn bầy chim và lại thấy họ giăng bẫy lưới bắt được các con cầm thú để nằm trên mặt đất la hét rất kinh sợ, giẫy giụa mà không thể thoát ra được, Thái Tử hỏi: Tại sao làm như vậy?
Họ đều nói: Chúng tôi bắt các cầm thú để bán mà nuôi sống thân mình. Thái Tử nghe thế than thở rồi đi đến bên bờ sông, thấy các ngư phủ giăng lưới bắt cá, họ để trên mặt đất cá nhảy lung tung, còn cá chết nhiều vô số.
Thái Tử lại hỏi, họ đều đáp: Chúng tôi nhờ nghề bắt cá này để mua y áo và thức ăn nuôi sống thân mình.
Thái Tử thở dài, thương xót cho quần sinh vì miếng ăn manh áo mà phải giết hại chúng sinh như thế, vì để cung cấp cho thân miệng mà gây tội lỗi, quả báo sau này sẽ thế nào?
Rồi Ngài quay lại trở về cung buồn bã không vui, đến tâu Vua cha xin ban cho một điều.
Vua nói: Con muốn gì trẫm không ngăn cản.
Thái Tử thưa: Vừa rồi, con ra ngoài thành dạo chơi trông thấy những người dân vì miếng ăn áo mặc mà phải giết hại, dối trá, gây tội ngày càng tăng, lòng rất đau xót, con muốn được giúp cho họ, mong phụ hoàng lấy của trong kho bố thí cho họ để họ khỏi phải chịu thiếu thốn. Đức Vua nghe Thái Tử nói thế càng thương mến gấp bội, không thể trái ý, bèn hứa cho.
Lúc đó Thái Tử liền bảo đi tuyên bố cho dân chúng hay: Thái Tử Ca Lương Na Già Lê bố thí cho người nghèo thiếu… ai cũng cho cả, nếu người muốn cần vàng bạc, châu báu hoặc y phục, các thứ ăn uống, hãy đến cửa thành hoặc trong chợ, ai cần gì đã sắp xếp có người cung cấp cho tất cả.
Bấy giờ trong nước, các Sa Môn, Bà La Môn, người nghèo khổ, neo đơn, già cả, bệnh tật…, người mạnh dìu kẻ yếu lần lượt đi đến, cần áo quần cho áo quần, cần thức ăn cho thức ăn, cần vàng bạc, châu báu… tùy ai thích gì thì cho nấy. Khi đó nhân dân truyền miệng với nhau khắp cả Diêm Phù Đề đều vân tập đến, đem kho báu nhà Vua ra bố thí hết hai phần ba.
Bấy giờ, quan giữ kho vào tâu Vua: Đại Vương đã ra lệnh phải dự trữ lương thực để thường tiếp đãi năm trăm nước nhỏ và các sứ giả tới lui, các vật báu cần dùng cùng dự trữ, nay Thái Tử đem của trong kho ra cho dân chúng đã hết hai phần ba, vì thế mong Đại Vương suy xét lại, để sau này khỏi hối hận.
Vua nghe quan giữ kho nói thế bảo: Thái Tử của ta đây ham thích bố thí rất là mãnh liệt không thể lay chuyển, nếu ta ngăn cấm ý Thái Tử khiến Thái Tử đau buồn, vậy phải nên làm thế nào để vui ý Thái Tử mà không trái nghịch ý của Thái Tử.
Quan giữ kho tâu: Các đồ vật trong kho trước đây hàng ngày đem bố thí trong ba phần đã dùng hết hai. Còn một phần nên để lại, không thể cho hết, mong Đại Vương suy xét chín chắn, sau này đừng đổ lỗi cho hạ thần.
Vua bèn suy nghĩ mà bảo quan giữ kho: Ta rất yêu thương con ta, không muốn làm trái ý của nó. Vậy khi Thái Tử đến lấy bố thí, khanh nên tránh chỗ khác để Thái Tử không lấy của ra cho được, như vậy lương thực trong kho có thể giữ được lâu dài. Khi đó quan giữ kho được lệnh Vua dạy rồi, hôm sau lúc Thái Tử đến lấy của cải thì ông đi tránh mặt nơi khác, đôi lúc lấy được, đôi khi không lấy được, chứ không nhất nhất đều lấy được.
Thái Tử cảm thấy thế mà thầm nghĩ: Nay quan giữ kho này có lẽ nào dám trái ý của ta, có lẽ vâng theo lệnh Vua, nên hắn làm như thế.
Lại nữa, người con có hiếu thì không nên làm hết của cải cha mẹ. Nay trong kho này của cải không còn được bao nhiêu, ta phải nên làm thế nào để được của cải châu báu để bố thí cho dân chúng không bị thiếu thốn.
Nghĩ thế rồi liền hỏi hầu cận: Ở thế gian này làm việc gì có thể được nhiều tiền bạc để tiêu dùng như ý?
Có người nói: Không sợ tai nạn, đi xa mua bán có thể được nhiều tiền bạc.
Có người nói: Chịu đựng nóng lạnh, cày xới ruộng đất, gieo nhiều ngũ cốc thì có thể được nhiều tiền của.
Lại có một người nói: Nuôi nhiều súc vật, tùy thời tiết chăm sóc nó sẽ có được nhiều tiền của.
Có một người nói: Không tiếc thân mạng đi vào biển đến Long Cung, cầu xin ngọc Như Ý, việc này mà thành tựu, thì được nhiều tiền bạc nhất.
Lúc đó Thái Tử nghe mọi người nói thế thì tự nghĩ: Mua bán, làm ruộng, nuôi súc vật thì không nên, được lợi không bao nhiêu. Chỉ có vào biển tìm đến Long Cung, việc này hợp ý ta.
Nghĩ như vậy rồi, Thái Tử đến tâu Vua cha rằng: Con muốn vào biển tìm kiếm châu báu để về bố thí cho dân chúng, cúi mong phụ hoàng, mẫu hậu cho phép con được ra đi.
Vua và hoàng hậu nghe Thái Tử nói, rất đau buồn, hỏi Thái Tử: Con có ý gì mà muốn vào biển?
Vả lại muốn bố thí theo ý con, trong kho hoàng cung có nhiều của cải sẽ cho con hết để con dùng bố thí, tại sao lại tự bỏ mạng nơi biển cả. Lại nữa, nghe ở trong biển có nhiều nạn dữ, gió độc, La Sát, sóng to nước xoáy, cá Đại Ma Kiệt, chỉ có nước Trời một màu xanh thẳm, các tai nạn như thế, sự an toàn rất ít, trăm người ra đi chỉ có một kẻ trở về.
Nay con vội gì mà dấn thân đến chốn nguy hiểm, trẫm và mẹ con sao chẳng lo buồn. Các Vua, thần dân đều buồn rầu lo sợ, con nên bỏ ý nghĩ này chớ có vấn vương. Khi đó Thái Tử nghe Vua nói, trong lòng còn lo tính, ý vẫn muốn cứu giúp, tuy Vua ngăn cản nhưng ý chí không dao động, quyết đem thân mạng hết lòng làm việc này.
Cúi mình nằm xuống đất trước Vua tâu: Cúi mong thương xót chìu theo tâm con, nếu như trái nghịch không cho phép, con sẽ nằm mãi không đứng dậy. Vua, hoàng hậu và các quan, tất cả mọi người đều thấy ý Thái Tử không chịu xoay chuyển, tự thệ nằm dưới đất cho đến chết, mọi người đều khuyên giải để Thái Tử đứng dậy, nhưng ý chí Thái Tử như lúc ban đầu không thay đổi.
Từ một ngày đến hai ngày, rồi đến sáu ngày, Vua và hoàng hậu cùng bàn với nhau: Thái Tử không ăn đã trải qua sáu ngày rồi, đến ngày mai là bảy ngày, mạng sống ắt không an toàn, đứa con này trước sau gì cũng muốn làm theo ý nó không thay đổi ý chí. Nếu như để nó đi biển thì còn có ngày trở về, chứ nay ngăn cản ý nó thì sẽ chết, hết trông mong còn sống. Thôi hãy cho phép đi để khỏi sau này hối hận.
Vua và hoàng hậu đã bàn bạc xong, đồng đến bên Thái Tử cầm tay khóc lóc nói: Phụ hoàng và mẫu hậu cho phép con đi biển, hãy đứng dậy ăn cơm đi con!
Lúc đó Thái Tử nghe Vua nói rồi vui mừng đứng dậy nói: Con chỉ đi biển không bao lâu sẽ trở về, chỉ mong chớ quá lo lắng cho con.
Rồi bày dọn các thức ăn ngon lạ, ăn xong đi ra ngoài thành tuyên bố: Thái Tử Ca Lương Na Già Lê muốn đi biển, ai có muốn đi hãy cùng đến. Bấy giờ trong nước có năm trăm thương buôn vân tập để xin đi. Khi ấy trong nước có một người mù, ông từng là người hướng dẫn đường đi biển mấy lần. Thái Tử nghe tin liền đi đến bên ông ân cần mời ông cùng đi vào biển. Chỉ bày sự lợi hại khi ra biển khơi.
Đạo Sư mù nói: Tôi đã già, lại mù lòa không trông thấy, tuy muốn đi nhưng e sợ khó khăn. Đức Vua rất yêu quý Thái Tử vô cùng, nay trong chốc lát vắng đi Thái Tử thì ôm lòng chờ đợi trông mong, nay lại nghe cùng lão già này đi vào biển cả chắc là kháng cự thì lỗi cho già này không ít đâu.
Lúc đó Thái Tử nghe nói thế rồi bèn trở về cung, tự tâu Vua cha: Tâu phụ hoàng, nay trong nước này có một Đạo Sư mù, trước kia từng ra vào biển cả mấy lần, mong phụ hoàng cho phép ông đi cùng con.
Vua nghe nói thế bèn đến chỗ vị Đạo Sư mù nói: Thái Tử con ta đây giữ ý chí muốn đi biển, trẫm dùng mọi thứ khuyên ngăn nhưng vẫn kiên quyết không lay chuyển, sự việc bất đắc dĩ nay cho phép Thái Tử đi, nghĩ vì Thái Tử tuổi trẻ, chưa từng nếm mùi cay đắng, nghe ông trước kia đã từng vào ra biển cả, mong ông nhọc nhằn cùng đi và trợ giúp.
Bấy giờ vị Đạo Sư mù nghe Vua nói thế, liền tâu: Đáng tiếc lão đây tuổi già mù lòa không trông thấy gì cả. Đại Vương đã ra lệnh, há dám trái lại. Vua nghe nói thế, liền trở về cung. Lúc bấy giờ Thái Tử cùng Đạo Sư bàn bạc định ngày xuất hành.
Nói về đức Vua trở về cung hỏi quần thần tả hữu rằng: Ai thương mến ta, có thể cùng Thái Tử tìm kiếm châu báu.
Thái Tử Ba Bà Già Lê tức Ác Sự liền thưa: Xin cho con cùng đại huynh đi biển.
Vua nghe nói, tự nghĩ: Nay có em cùng đi, trong gian nan nguy hiểm có thể giúp đỡ lẫn nhau còn hơn là người khác. Nghĩ thế rồi liền cho phép ác sự cùng đi. Bấy giờ Thái Tử xuất ba ngàn lượng vàng, một ngàn lượng để mua lương thực, một ngàn lượng dùng để đóng thuyền, còn một ngàn lượng để mua sắm các thứ cần thiết. Mọi việc lo xong xuôi, đến lúc xuất phát, Vua và hoàng hậu, các quan, dân chúng khóc lóc tiễn biệt xuất dương.
Lúc ấy Thái Tử Thiện Sự Ca Lương Na Già Lê cùng các đồng bạn lên đường đến bờ biển, đợi thời tiết đẩy thuyền xuống nước, dùng bảy sợi dây thừng lớn buộc ở bờ biển, lắc linh xướng lớn với mọi người: Các ngươi đều đã biết, trong biển cả có rất nhiều nạn, nào là sóng to gió lớn, rồng dữ, La Sát, cá Ma Kiệt lớn, Trời nước một màu xanh thẳm và còn các nạn khác nữa rất nhiều.
Xưa nay, người ra biển gặp việc tốt trở về rất ít, nếu ai còn nghi ngờ sợ sệt thì có thể ngay lúc này nên trở về, còn ai có thể vững vàng ý chí, xả bỏ thân mạng, không bận lo cho cha mẹ, không lưu luyến vợ con thì nên cùng ra biển cả, tìm đến chỗ của báu, như gặp được châu báu an ổn trở về thì con cháu dùng bảy đời cũng không hết.
Mỗi khi xướng lệnh như vậy thì cắt đứt một sợi dây thừng, ngày ngày như thế đến bảy ngày, xướng lệnh xong xuôi, cắt sợi dây thừng thứ bảy, trương buồm xuôi gió, thuyền chạy như tên bắn, cùng các đồng bạn đến nơi có của báu.
Thái Tử là một người rất thông minh, thông đạt các sách thế gian, biết phân biệt màu sắc giá trị của châu ngọc, chỉ bày cho mọi người biết các thứ ngọc thạch xấu tốt, để họ tùy ý chọn lấy, lại còn dặn dò với họ lấy của báu nhiều ít để thuyền không quá tải, e sợ đắm thuyền, nếu lấy ít thì uổng công đi cực nhọc. Dặn dò xong, một mình cùng Đạo Sư dùng riêng thuyền nhỏ cùng vài người khác, đi thêm về phía trước.
Đạo Sư hỏi: Phía trước đây có phải Thái Tử thấy có núi màu trắng không?
Thái Tử đáp: Thấy!
Đạo Sư nói: Đấy là núi bạc.
Lại tiến tới trước nữa, Đạo Sư lại hỏi: Ở trước là núi màu cam, Ngài có thấy không?
Thái Tử đáp: Đã thấy!
Đạo Sư nói: Đó là núi lưu ly cam.
Lại đi tới trước nữa, ông lại hỏi Thái Tử: Ở đây có nhìn thấy núi màu vàng không?
Thái Tử nói:Thấy!
Đạo Sư nói: Đấy là núi vàng, đến núi vàng ngồi trên cát vàng. Ta nay yếu ớt chắc không thể giúp Ngài về phương diện này, con đường đến và lui, Ngài tự đi, phía trước có một cái thành, thành ấy rất đẹp, làm bằng bảy báu.
Đến cổng thành, nếu như cổng đóng cửa thì bên cổng thành ấy có chùy kim cương vàng, Ngài lấy chùy này đập vào cửa thành đó. Trong thành sẽ có năm trăm Thiên Nữ đều bưng châu báu đến để dâng cho ngài, lại có một người con gái đặc biệt tôn quý nhất không ai bằng, nàng cầm một viên ngọc báu màu cam tên Chiên Đà Ma Ni tức ngọc Như Ý. Đây là châu Như Ý nên gìn giữ đừng để mất đi. Ngoài ra họ cho những thứ khác cũng có thể lấy được cả, nên khéo giữ các căn.
Tôi nay rất yếu, còn lại chút mạng thừa, nếu sau khi mạng chung, nhớ nghĩ đến ân của tôi thì hãy chôn tôi tại bãi cát vàng này. Đạo Sư nói xong, dứt thở, mạng chung. Mọi người đối với ông đau buồn thương tiếc, mai táng tại nơi ấy rồi theo lời dạy của ông mà tiến tới.
Đi đến thành bằng bảy báu, cổng thành đang đóng chặt, thấy cái chùy kim cang bên cạnh cánh cửa, như lời Đạo Sư nói, Thái Tử lấy chùy kim cang đập vào cổng thành, cánh cửa bèn mở ra, có năm trăm Thiên Nữ đều cầm châu báu dâng lên cho Thái Tử. Trước nhất có một cô gái tay cầm hạt châu màu cam, Thái Tử lần lượt nhận lấy để trong chéo áo, rồi quay trở về.
Trước khi Thái Tử từ biệt, Ba Bà Gia Lê lại nói với mọi người: Đi đến đây không phải dễ dàng phải nên lấy nhiều.
Mọi người tham châu báu lấy nhiều, Thái Tử trở về, thuyền bị đắm chìm, những người thương buôn thoạt chìm thoạt nổi. Thái Tử Ca Lương Na Già Lê đã có ngọc Như Ý nên thân không chìm, Ba Bà Già Lê kêu gọi Thái Tử nên tìm cứu giúp chớ có bỏ mọi người. Thái Tử Ca Lương Na Già Lê bèn cố gắng kéo vớt những người đang trôi nổi vào bờ.
Đến bờ biển, các anh em nói: Anh em chúng tôi khi từ biệt cha mẹ đi biển đến nay, mong là không về tay không, trừ khi gặp việc không tốt, mất hết của cải, một mình về tay không thật rất xấu hổ. Ca Lương Na Già Lê vốn tính trung trực, liền nói với người em: Anh có được của báu.
Người em nói với anh: Anh hãy đem ra cho xem.
Người anh liền mở chéo áo đưa hạt châu Như Ý cho em xem.
Người em thấy được hạt châu, nhân đó mà ôm lòng nhớ lại rằng: Phụ Vương ta, ân từ không rộng rãi, yêu mến anh nhiều hơn ta, nay hai người đều đi biển, anh được ngọc báu lạ, còn mình thì tay không trở về.
Từ đó về sau sẽ coi thường ta, ta nên làm thế nào?
Nhân lúc Thiện Sự Ca Lương Na Già Lê ngủ, ta ngầm giết bỏ, chiếm đoạt ngọc Như Ý, về tâu Phụ Vương rằng anh Thiện Sự bị chìm chết ngoài biển, lúc đó Phụ Vương sẽ không làm gì khác hơn là yêu mến ta.
Nghĩ thế rồi, hắn tự ngầm mưu tính, nói với người anh: Sắp đến gần thôn, anh em chúng ta không nên cùng ngủ, nên ngồi canh giữ châu báu.
Người anh liền đồng ý thường cùng canh giữ. Ba Bà Già Lê ngủ nghỉ trải qua thời gian lâu rồi thức dậy, kế đến người anh nằm ngủ, do ngồi thức canh giữ lâu, nên nằm xuống đã ngủ thiếp đi. Ba Bà Già Lê đi vào trong rừng tìm cây có gai thật nhọn, liền lấy hai cây dài năm tấc, cầm đến bên người anh, cầm gai đâm vào mắt rồi ôm châu báu mà chạy đi.
Thái Tử Ca Lương Na Già Lê đau đớn la to: Ba Bà Già Lê! Ba Bà Già Lê ơi! Ở đây có cướp! La lớn như vậy mấy lần nhưng không có ai ứng đáp.
Khi đó Thọ thần hiện ra nói với Thái Tử: Ba Bà Già Lê là kẻ cướp của ngài, đã đâm vào mắt ngài, ôm châu báu đi rồi.
Thái Tử đau đớn quằn quại đau khổ tìm đường về nước Lê Sư Bạt Đà. Đi đến được một cái đầm nước, gặp lúc năm trăm con trâu cũng đến bên bờ đầm, có một con trâu chúa trông thấy Thái Tử thương kính le lưỡi ra liếm nơi mắt Thái Tử, các con trâu khác đứng nhìn kinh ngạc vô cùng.
Khi ấy người chăn trâu đến xem thử thì mới thấy có một Thái Tử đang nằm trên mặt đất, còn nơi hai mắt là hai cây gai dài, trông thấy hình tướng biết là phi phàm, liền rút cây gai ra, cõng về nhà, rồi lấy sữa tô đắp lên vết thương, lo cho ăn uống, săn sóc chu đáo. Trải qua một thời gian, đôi mắt đã lành.
Lúc đó Thái Tử hỏi người chăn trâu: Anh ở nơi đây có cơ nghiệp gì?
Người chăn trâu đáp: Tôi ở đây không có cơ nghiệp gì cả, chỉ nương nhờ sữa bò đem bán để nuôi sống.
Thái Tử tự nghĩ: Ta gặp ách nạn làm phiền chủ nhà, thường phải săn sóc phụng dưỡng ta, nay vết thương đã bớt dần, có thể đi lại được, nên đi tìm nơi khác.
Nghĩ thế rồi, Thái Tử nói với chủ nhà: Thời gian tôi ở đây đã lâu, phiền chủ nhân lo lắng, cảm niệm chủ nhân rất nhiều, ân sâu này khó mà đáp đền. Tôi muốn đi đến trong thành, từ từ xin ăn để tự nuôi sống.
Người chủ trại trâu nghe Thái Tử nói tự nghĩ: Chắc là vợ con, nô tỳ trong nhà này chán ghét nên muốn ra đi, nếu không phải vậy tại sao lại từ biệt, nghĩ vậy rồi vào nhà hỏi: Các ngươi có làm việc gì chẳng tôn trọng mà khiến quý khách muốn từ biệt ra đi?
Mọi người trong nhà đều nói: Chúng tôi đây coi anh ta như tình anh em, không biết duyên sự gì mà anh ta muốn ra đi?
Lúc đó chủ nhà nói với Thái Tử: Tôi hầu hạ lo lắng cho Ngài chưa từng thất lễ, vì thế Ngài không thể bỏ chúng tôi mà ra đi ăn xin. Khi đó Thái Tử nghe người chủ nhà nói có ý ân cần lo lắng nên ở lại.
Trải qua một thời gian, Ngài lại nói với chủ nhà: Anh hầu hạ lo lắng cho ta lúc nào cũng không có thiếu thốn, mọi người trong nhà cũng đối xử với ta rất trọng hậu, mong anh sai một người dẫn đường cho ta.
Khi đó người chủ trại trâu thấy Thái Tử năn nỉ sợ làm phật ý khiến Thái Tử buồn rầu, bèn tự mình dẫn đến trong thành rồi từ biệt Thái Tử trở về.
Thái Tử nói: Anh thương xót tôi thì hãy mua cho tôi một cây đàn cầm để tôi tự làm vui.
Bấy giờ người chủ trại trâu mua một cây đàn cho Thái Tử rồi từ tạ ngay khi đó. Thái Tử Ca Lương Na Già Lê vốn có nhiều tài năng, ca tụng văn từ rất khéo giỏi, liền ca hát dùng đàn cầm hòa tấu, âm thanh rất thanh nhã, người dân trong thành, ai nghe được âm thanh đều cũng thích, đến nghe xem không biết chán. Họ đem thức ăn, thức uống tranh nhau đến cho Thái Tử. Trong thành ấy hiện có năm trăm người ăn xin đều rủ nhau đến sống nhờ Thái Tử mà được no ấm.
Vua nước Lê Sư Bạt có một quan trông coi vườn, ông thấy trong vườn có quả táo chín, chim Anh Vũ thường tới ăn, tìm cách đuổi mà nó vẫn không sợ. Lúc đó quan coi vườn gánh táo đem về cho Vua, trong đó có quả táo ngon nhưng đã bị chim Anh Vũ mổ ăn đôi chút. Vua trông thấy nổi giận muốn gia hình quan coi vườn.
Ông hoảng sợ tự trình bày với nhà Vua: Vì nhà hạ thần thiếu nhân lực nên mới khiến sự trông coi không chu đáo, chỉ mong Bệ Hạ khoan thứ xin đừng bắt hạ thần hình phạt.
Bấy giờ Vua bèn tha thứ không hỏi tội ông nữa, quan coi vườn được thoát chết. Vua sai tìm người khác thay thế.
Một hôm ông trông thấy Thái Tử Ca Lương Na Già Lê ở bên đường, nhìn xem tướng mạo trung thực bèn hỏi: Ông có thể vì tôi trông coi vườn không?
Nếu làm được tôi sẽ cung cấp không để cho ông thiếu thốn.
Thái Tử đáp: Mắt tôi không trông thấy làm sao giữ vườn được.
Quan giữ vườn nói: Nếu ông muốn giữ vườn, dù không trông thấy thì nên dùng phương tiện, làm nhiều dây thừng buộc cái linh ở ngọn cây, rồi lần lượt nắm đầu sợi dây mà kéo. Nếu nghe tiếng linh, chim Anh Vũ sợ hãi không dám đến ăn trái.
Thái Tử nghe nói thế đáp: Nếu thế thì tôi có thể nhận làm được. Cùng bàn bạc xong xuôi rồi đi đến đó giữ vườn. Nói về Thái Tử Ba Bà Già Lê Ác Sự về đến nước, Vua ngạc nhiên thấy trở về một mình liền hỏi thăm tin tức.
Thái Tử Ba Bà Già Lê nói với Vua: Tâu Phụ Vương, chúng con không may thuyền chở nặng bị chìm, Ca Lương Na Già Lê và các thương buôn và các của báu đều chìm ngoài biển cả. Riêng con cố gắng bơi mới được an toàn vào bờ.
Đức Vua và hoàng hậu nghe nói xong đau buồn vô cùng, lúc nào cũng nước mắt chảy ràn rụa đầy mặt. Trong cung nội, thần dân hay tin việc này, không ai chẳng đau buồn, sớm chiều than khóc, luyến tiếc như tang cha mẹ.
Nói về Thái Tử Ca Lương Na Già Lê bình thường có yêu mến một con chim nhạn.
Vua bảo chim nhạn: Thái Tử nuôi nấng mày, nay Thái Tử đi biển chìm mất không thấy trở về, tại sao mày không đi tìm kiếm?
Vua viết một phong thư buộc vào cổ chim nhạn. Nhạn liền tung cánh bay khắp nơi tìm kiếm, bay khắp vườn, biết tiếng đàn của Thái Tử liền hạ cánh xuống xem thì gặp Thái Tử, tiếng kêu vừa mừng vừa buồn không thể tả nổi.
Thái Tử nghe biết, liền mở cổ lấy phong thư, nhưng mắt không trông thấy nên không thể đọc được, không thể dùng bút giấy viết thư cho Vua. Nói về Thái Tử Ba Bà Già Lê đâm mắt Thái Tử Ca Lương Na Già Lê rồi trải qua mọi cực nhọc về đến cung Vua và chuyện buộc phong thư trên cổ chim nhạn bay đi…
Bấy giờ tại cung Vua Lê Sư Bạt, có một người con gái dung mạo đoan chính đẹp đẽ khác thường, ở thế gian rất ít có, Vua rất yêu quý, không bao giờ làm trái ý cô.
Khi đó cô gái xin đức Vua đi ra ngoài thành tham quan vườn cảnh, Vua bèn cho đi. Cô gái vào trong vườn thấy Thái Tử Ca Lương Na Già Lê, đầu tóc rối tung, mặt mũi dơ dáy, mắt không nhìn thấy gì, mặc bộ đồ rách xấu, ngồi ở giữa khu vườn.
Cô gái quan sát thấy dáng điệu cũng có phong thái bèn ngồi bên cạnh cùng trò chuyện. Đến giờ ăn cơm, Vua sai người kêu gọi cô gái trở về, cô sai gia nhân về tâu đức Vua là cô muốn mang cơm đến nơi đây ăn.
Tức khắc họ mang cơm đến, cô gái nói với Thái Tử: Tôi muốn ngồi đây cùng ăn cơm với chàng.
Thái Tử đáp: Tôi là người ăn xin, còn cô là vương nữ, làm sao có thể cùng ăn chung được. Nếu đức Vua hay được, thì tội tôi không phải nhỏ.
Cô gái ân cần năn nỉ Thái Tử: Nếu chàng không chịu thì em không ăn. Cứ như thế nói mãi mấy lần ép bức không thôi, Thái Tử mới chịu cùng ăn. Mặt trời đã nghiêng bóng sắp tối, Vua sai người gọi cô gái về.
Cô sai gia nhân về tâu với Vua: Ta nguyện làm vợ người giữ vườn này, ngoài ra không muốn lấy Quốc Vương, Thái Tử.
Nay ta một lòng ân cần như thế, cúi mong Phụ Vương chớ trái ý con, Nàng bảo họ tâu Vua đầy đủ mọi việc.
Vua nghe rồi, không thể trái ý con, tự nói rằng: Việc này tai ương, thương yêu nó quá, nó mới làm như thế.
Đại Vương Bảo Khải vì Thái Tử thứ nhất là Ca Lương Na Già Lê đến cầu hôn nó rồi, nay Thái Tử ấy đi biển chưa trở về, lại muốn làm vợ người ăn xin, làm nhục tên tuổi con người thật không ít, ta còn biết che giấu mặt mũi nơi nào?
Nói thế rồi lại sai người đến kêu con gái về. Cô gái giữ vững ý chí như ban đầu không thay đổi, Vua yêu mến nên không trái ý con, bèn kêu dẫn về cung để mở tiệc thành vợ chồng. Lại trải qua vài ngày, người vợ cứ hàng ngày bỏ đi, thật tối mới trở về.
Người chồng lấy làm lạ hỏi: Em cùng anh đã là vợ chồng, sáng nào cũng bỏ đi đến tối mới trở về, tấm lòng không ở đây chắc vì người nào khác nên mới khiến làm như vậy chăng?
Người vợ nhân đó tự thề: Em nay một lòng tôn trọng cùng nhau không dối thì khiến một con mắt chàng bình thường như cũ. Vừa nói xong thì một con mắt sáng lại bình thường như xưa.
Nàng lại hỏi Thái Tử: Cha mẹ chàng ở nước nào?
Thái Tử nói với vợ: Em có nghe tên Đại Vương Lặc Na Bạt Di không?
Đáp: Dạ! Có nghe.
Thái Tử nói: Đấy là cha ta.
Thái Tử con Vua đó là Ca Lương Na Già Lê, em có nghe không?
Đáp: Dạ! Có nghe.
Thái Tử nói: Người đó chính là ta!
Người vợ ngạc nhiên hỏi: Tại sao chàng lại khổ cực đến như vậy?
Nhân đó Thái Tử kể lại đầu đuôi câu chuyện, người vợ nghe xong than thở nói với Thái Tử: Ba Bà Già Lê ôm lòng hại chàng, từ nào đến giờ chưa đến xứ này.
Nếu chàng tìm được hắn, sẽ trừng trị như thế nào?
Thái Tử nói: Ba Bà Già Lê tuy hại ta nhưng ta đối với hắn mãi không sâ hận.
Người vợ lại nói: Việc này khó tin quá.
Làm cho chàng khốn đốn như thế làm sao mà không sân?
Nhân đó Thái Tử Ca Lương Na Già Lê tự thệ rằng: Nếu ta đối với Ba Bà Già Lê không có chút sân hận mảy may như tơ tóc, ta chí thành không có dối, thì hãy khiến cho một mắt của ta bình phục như cũ. Tự thệ xong thì con mắt sáng lại.
Vợ thấy người chồng hai mắt đều sáng, tướng mạo đoan chánh, thật chưa từng thấy, vui mừng không kể xiết liền đến tâu Vua cha: Thái Tử Ca Lương Na Già Lê, Phụ Vương có biết không?
Vua đáp: Cha biết!
Cô gái liền nói: Nay cha có muốn gặp không?
Vua nói: Hiện Thái Tử ở đâu?
Cô gái nói: Chồng con hiện nay chính là người ấy.
Vua cười nói: Đứa con gái này cuồng si, đầu óc hỗn loạn, Thái Tử Ca Lương Na Già Lê đi biển chưa trở về, người mù ăn xin làm sao có tên như vậy.
Cô gái thưa: Xin Phụ Vương hãy đến đó xem.
Vua liền đi đến đó trông thấy biết là Thái Tử, lông tóc dựng ngược, xấu hổ, lo sợ.
Vỗ ngực đến trước Thái Tử sám hối, nói: Thật sự trẫm không biết, xin Thái Tử bỏ qua cho.
Vua bèn âm thầm đem Thái Tử về biên giới rồi truyền rao rằng: Thái Tử Ca Lương Na Già Lê đi biển trở về, bày các thứ dụng cụ, xe voi ngựa cùng Quần Thần và đích thân nhà Vua ra nghênh đón về đến hoàng cung, trang điểm cô gái, mới nói rằng: Từ lâu đã muốn phối ngẫu cô gái này.
Khi đó chim nhạn bay về, mang thư về nước, Đại Vương trông thấy chim nhạn, mở thư nơi cổ chim ra đọc, mới hay biết được tin tức Thái Tử còn sống và biết rõ mọi việc khổ nhọc, cay đắng.
Vua và phu nhân thoạt mừng, thoạt buồn, trong cung, ngoài cung không ai chẳng đau buồn và phẫn hận, bắt Thái Tử Ba Bà Già Lê gông cùm lại nhốt ở trong ngục tối và sắc lệnh cho Vua Lê Sư Bạt: Tại sao Thái Tử sống ở nước ông mà ông im lặng không cho hay. Khi thư đến đó thì voi, ngựa hầu tống, nếu trái lại thì ta sẽ đến chinh phạt. Sứ giả mang thư đến nước của Vua Lê Sư Bạt, Vua mở ra đọc.
Khi đó Thái Tử nói với Vua Lê Sư Bạt: Trước đây người chăn trâu là ân nhân của tôi, nay tôi thương nhớ muốn đến đó gặp anh ta, có thể sai sứ kêu anh ta đến đây chăng?
Vua liền triệu đến.
Thái Tử nói với Vua: Khi mắt tôi bị gai đâm, nhờ người này cung cấp, lo lắng cho tôi như cha mẹ tôi, xin đức Vua hãy vì tôi mà báo ân giùm. Vua rất vui mừng tức thời ban cho y phục, voi ngựa, xe cộ, ruộng vườn, nhà cửa, vàng bạc châu báu, nô tỳ gia bộc cho người chăn trâu. Người chăn trâu rất vui mừng, được giàu sang hưởng suốt cuộc đời.
Nhân đó bày tỏ sự tình: Thái Tử ở đây mà thật sự thảo dân này không biết, cúi xin xá tội. Nay Thái Tử được sáng mắt lại, cưới vợ, trang hoàng các thứ đầy đủ, kẻ hèn này xin được đưa tiễn.
Vua đã chuẩn bị trang hoàng năm trăm voi trắng, trang sức vàng bạc, rất đẹp lạ, chọn năm trăm người hầu hạ Thái Tử. Lại chọn năm trăm thị nữ rất đoan chính, tài năng khéo léo, dùng các báu vật trang sức ngồi năm trăm chiếc xe cũng trang hoàng vật báu, rất đẹp lạ để tiễn cô gái ấy.
Vua Lê Sư Bạt và quần thần có cả trăm ngàn xe cũng cùng đưa tiễn, kỹ nhạc ca tụng vây quanh trước sau, tiếng chúc mừng vang dội tiến về nước nhà. Bấy giờ người sứ ấy đã mang thư đến, Vua mở thư xem, càng thêm vui mừng bảo các Vua vân tập, trang nghiêm voi ngựa, quần thần trăm cung, phu nhân thể nữ ra nghênh đón Thái Tử.
Đến biên giới hai nước, khi đó Thái Tử trông thấy Phụ Vương đi xe đến, cúi đầu lễ bái hỏi thăm cha mẹ. Vua và phu nhân cũng ôm Thái Tử, thương nhớ vừa mừng vừa khóc, từ biệt đã lâu nay mới gặp lại con. Các quan, dân chúng trông thấy thế cũng vui mừng không thể tả xiết. Nói chuyện xong xuôi thì lên xe trở về. Đánh trống, gióng chuông, bày các thứ kỹ nhạc, vui mừng hướng về thành nội.
Đến ngoài cổng thành, Thái Tử tâu Vua: Ba Bà Già Lê hiện đang ở đâu?
Vua đáp: Người ác như vậy, thiên hạ không che chở, ta không nỡ thấy, đang bị giam trong ngục tối.
Thái Tử tâu Vua: Con nay đã về rồi, xin hãy thả hắn ra đi.
Vua nói: Tội của hắn rất sâu nặng, chưa được kiểm xét làm sao mà thả ra.
Thái Tử lại nói: Nếu Phụ Vương không thả Ba Bà Già Lê ra thì con trọn đời không vào trong thành.
Vua liền sắc lệnh phóng thích Ba Bà Già Lê. Được thoát ra đến gặp Thái Tử, Thái Tử ôm lấy an ủi vỗ về, rồi sau đó mới vào thành.
Bấy giờ Vua và phu nhân, các quan, dân chúng trai gái già trẻ trông thấy Thái Tử đối xử oan gia coi như con đỏ, dù Ba Bà Già Lê dùng gai nhọn đâm vào mắt mà không có một chút oán giận, lại còn thương yêu hơn trước nữa, tất cả mọi người đồng tán thành khen ngợi, rất là đặc biệt trên Trời nhân gian thật không ai có thể sánh bằng. Thái Tử vào cung cùng Ba Bà Già Lê tình thân mật như cũ mới hỏi về châu Như Ý hiện đang ở đâu.
Ba Bà Già Lê nói: Hiện đang cất giấu dưới đất bên đường. Thái Tử cùng đến tìm kiếm mang về.
Trở về hoàng cung lấy năm trăm châu báu cho các quan, chỉ còn hạt châu Như Ý tự mình giữ lại, tay cầm hạt châu cầu nguyện: Nếu thật sự là ngọc Như Ý thì hãy khiến nơi cha mẹ tôi đang ngồi thành tòa bảy báu, trên đầu có tán che bằng bảy báu. Thái Tử nói xong thì biến thành giống như lời nói.
Lại cầm hạt châu lên cầu nguyện: Hãy khiến cho các kho trong cung Vua, của thần dân, trước đây tôi đã đem bố thí được đầy trở lại như cũ,tức thời hạt châu xoay bốn hướng thì tất cả các kho đều đầy lại như cũ.
Lại bảo các quan báo cho các nước biết, Thái Tử Ca Lương Na Già Lê nói bảy ngày nữa sẽ có trận mưa châu báu, liền thông báo cho thiên hạ đều hay.
Đến hôm đó, Thái Tử tắm gội sạch sẽ, dựng tràng phan lớn, buộc viên ngọc trên đầu cây, mặc y phục mới, tay cầm lư hương, đảnh lễ bốn phương, miệng tự nói: Nếu đúng thật là hạt châu Như Ý thì nên mưa mọi thứ cần dùng khắp nơi.
Cầu nguyện xong, bốn phương mây đen kéo đến, gió thổi mạnh bay đi các thứ bụi bặm ô uế, kế đến mưa lâm râm cho nén sạch bụi đất rồi lại mưa xuống các thức ăn thức uống ngon lạ, kế đến mưa ngũ cốc, rồi mưa y phục, mưa bảy báu đầy cả thiên hạ. Bấy giờ nhân dân khen ngợi vui mừng khôn lường, của báu quá nhiều nên nhìn thấy châu ngọc cũng như gạch ngói.
Khi đó Thái Tử tuyên bố khắp nơi: Các người đã được mọi thứ cần dùng đầy đủ, không có gì thiếu thốn cả, nếu cảm biết được ân đức như vậy, thì hãy nên giữ gìn thân, khẩu, ý, tu thập thiện đạo. Khi ấy mọi người trong Châu Diêm Phù Đề cảm niệm ân Thái Tử bố thí vô cùng, họ nghe lệnh Ngài chỉ dạy siêng năng khắc phục tâm mình, tuân hành thập thiện, không phạm các thức, việc ác, sau khi mạng chung họ đều sinh lên Cõi Trời.
Nói đến đây, Đức Phật bảo: Này A Nan, nên biết Thái Tử Ca Lương Na Già Lê kiếp trước chính là Ta đây. Phụ Vương Lặc Na Bạt Di nay chính là Phụ Vương Tịnh Phạn. Người mẹ trước đó nay cũng chính là Ma Ha Ma Da, mẫu hậu của ta.
Vua Lê Sư Bạt thuở đó nay là Ma Ha Ca Diếp, người vợ nay là Đàm Di, còn Ba Bà Già Lê nay chính là ông Đề Bạt Đạt Đa. Người Châu Diêm Phù Đề nhờ ân đức của ta tức là tám vạn Chư Thiên và các đệ tử ta, những người được thọ ký.
Này A Nan, khi đó họ làm hại ta cay đắng cực nhọc ta còn lấy lòng từ bi thương xót họ huống là ngày nay đã thành Phật đạo, mọi phiền não đều trừ sạch, từ bi rộng khắp, bị người khác hại chút ít, lẽ nào chẳng xót thương.
Đức Phật nói xong, bấy giờ trong chúng hội nghe Thế Tôn nói thế cảm ân Ngài vì quần sinh trải qua bao gian lao cực khổ mà không thoái lui, đều khen ngợi chưa từng có, vui buồn lẫn lộn, ghi lòng siêng năng, suy xét diệu pháp, có người nghe xong đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, có người gieo trồng căn lành Bích Chi Phật, có người phát tâm vô thượng bồ đề, thảy đều cung kính, vui vẻ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba