Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Năm Mươi Mốt - Phẩm Ca Tỳ Lê Trăm đầu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT KINH HIỀN NGU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tuệ Giác, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM NĂM MƯƠI MỐT
PHẨM CA TỲ LÊ TRĂM ĐẦU
Tôi nghe như thế này!
Một thuở nọ Đức Phật ở trong khu vườn Trúc, tại nước Ma Kiệt Đà.
Khi ấy Đức Thế Tôn cùng các Tỳ Kheo đi hướng về nước Tỳ Xá Ly đến bờ sông Lê Việt. Lúc đó bên bờ sông có năm trăm người chăn trâu và năm trăm người bắt cá, những người bắt cá này họ dùng ba thứ lưới, lớn nhỏ không đồng, thứ lưới nhỏ có hai trăm người kéo, thứ lưới vừa có ba trăm người kéo, thứ lưới lớn có năm trăm người kéo.
Khi ấy Đức Như Lai và các Tỳ Kheo ở cách bờ sông không xa mấy đang ngồi nghỉ ngơi, trông thấy những người đánh cá lưới được một con cá lớn năm trăm người kéo mà kéo không nổi. Họ lại kêu năm trăm người chăn trâu, hợp lại là một ngàn người ra hết sức kéo lên được một con cá thật lớn có một trăm đầu, nào là đầu lừa, ngựa, lạc đà, cọp, sói, heo, chó, khỉ, hồ ly và đủ các loại như vậy. Mọi người xem thấy rất kỳ quái họ tranh nhau đến xem.
Lúc đó Đức Thế Tôn bảo Ngài A Nan: Ở đằng kia có việc gì mà mọi người đều tụ tập vậy?
Ông hãy đi đến đó xem thử.
A Nan vâng lời liền đi đến đó trông thấy một con cá thật lớn trên mình có cả thảy một trăm đầu, trở về bạch lại với Thế Tôn như đã trông thấy.
Đức Thế Tôn lúc đó cùng các Tỳ Kheo đi đến chỗ con cá, hỏi nó: Ngươi có phải là Ca Tỳ Lê không?
Con cá đáp: Dạ phải!
Đức Thế Tôn trịnh trọng hỏi ba câu: Người là Ca Tỳ Lê chăng?
Đáp: Đúng vậy!
Lại hỏi: Kiếp sau biết về đâu không?
Đáp: Đọa trong địa ngục A tỳ.
Bấy giờ Ngài A Nan cùng đại chúng không biết duyên kiếp con cá như thế nào, bạch Thế Tôn: Bạch Đức Thế Tôn, tại sao Ngài gọi con cá trăm đầu này là Ca Tỳ Lê?
Cúi mong Thế Tôn thương xót, chỉ bày cho chúng con được rõ.
Đức Phật bảo: Này A Nan, hãy lắng nghe. Ta sẽ vì ông mà nói rõ. Trước đây, vào thời Đức Phật Ca Diếp có một vị Bà La Môn sinh được một cậu con trai đặt tên là Ca Tỳ Lê, Tần dịch là Hoàng Đầu. Cậu này thông minh tài trí, đối với các hàng đa văn thời đó thì cậu ta giỏi nhất chỉ có kém hơn các hàng Sa Môn.
Khi cha cậu sắp chết, ông ân cần dặn dò anh ta: Con nên cẩn thận chớ cùng các vị Sa Môn đệ tử của Phật Ca Diếp tranh luận đạo lý.
Tại vì sao?
Vì các Sa Môn trí tuệ sâu xa, chắc chắn con không bằng họ.
Sau khi người cha chết, mẹ anh ta hỏi: Con vốn là người cao minh, có người nào hơn con không?
Đáp: Có các Sa Môn hơn con.
Người mẹ lại hỏi: Tại sao hơn?
Hơn con như thế nào?
Đáp: Vì con có chỗ nào nghi ngờ đều phải đến hỏi các Sa Môn, họ diễn thuyết rõ ràng khiến người ta rất dễ hiểu, ngược lại nếu các vị hỏi con thì con không thể giải đáp. Vì thế cho nên con tự biết không bằng họ.
Người mẹ lại nói: Tại sao con không đi học hỏi phương pháp ấy?
Đáp: Muốn học phương pháp ấy phải làm Sa Môn.
Con là bạch y thế tục làm sao học được?
Người mẹ lại nói: Con giả làm Sa Môn, học hành thông đạt rồi thì trở về nhà.
Nghe lời bà mẹ dạy, cậu ta giả làm một Sa Môn, trải qua một thời gian thì thông suốt Tam tạng, thấu rõ nghĩa lý.
Người mẹ đến hỏi: Nay con học giỏi hơn các vị Sa Môn chưa?
Đáp: Về học vấn con hơn nhưng về tọa Thiền con không bằng.
Người mẹ nói: Tại sao con biết kém hơn họ?
Đáp: Vì con hỏi, họ đều có thể phân biệt rành rõ, họ hỏi lại con, con không thể biết. Vì thế con biết là chưa bằng họ được.
Người mẹ lại bảo: Từ nay trở đi nếu con cùng họ đàm luận, nếu như bị thua thì con hãy mắng chửi họ, sĩ nhục họ.
Ca Tỳ Lê nói: Vị Sa Môn xuất gia, không có tội gì cả, tại sao phải mắng họ?
Đáp: Chỉ có mắng chửi thì con sẽ được thắng.
Bấy giờ Ca Tỳ Lê không nỡ trái lời người mẹ, nên sau này khi tranh luận bị bẻ gãy lý thì Ca Tỳ Lê liền chửi mắng: Các ông là người ngu si, không biết gì cả, các ông là loài súc sinh đâu có biết gì.
Rồi cậu dùng các loài thú để ví dụ mà chửi các Sa Môn, chửi như vậy vô số. Do duyên đó nay thọ quả báo mang thân cá mà có cả trăm đầu thú.
Ngài A Nan hỏi Đức Phật: Đến bao giờ Ca Tỳ Lê mới thoát khỏi thân cá, thưa Thế Tôn?
Đức Phật bảo: Này A Nan, trong hiền kiếp này, một ngàn vị Phật ra đời, vị ấy cũng chưa thoát khỏi thân cá.
Khi đó A Nan và cả đại chúng nghe Đức Phật nói đều rùng mình kinh hãi, đau buồn thương xót đồng thanh nói: Nghiệp thân, khẩu, ý không thể không cẩn thận.
Lúc đó những người bắt cá và những người chăn trâu cùng chắp tay hướng về Đức Phật cầu xin xuất gia tịnh tu phạm hạnh.
Đức Phật liền hứa nhận nói: Thiện Lai Tỳ Kheo! Râu tóc của họ tự rụng, y phục mặc trên mình, trở thành Sa Môn. Lúc đó Đức Thế Tôn thuyết các diệu pháp, họ dứt lậu, sạch kết sử chứng quả A La Hán. Đức Phật lại vì chúng hội rộng nói các pháp.
Phân biệt về Tứ Diệu Đế: Khổ, tập, diệt, đạo. Có người nghe xong đắc được Sơ Quả đến Tứ Quả, có người phát tâm hướng về đạo vô thượng, số ấy rất nhiều. Bấy giờ bốn chúng nghe Đức Phật nói rồi vui vẻ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Ba - Tiểu Phẩm - Chuyện Rơm Trấu Bhusa
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Mốt - Pháp Hội Tự Tại Vương Bồ Tát - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Cao Tràng - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Mười Tám
Kinh Chú Mâu Lê đà La Ni - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Bốn Mươi Năm - Phẩm Mê Ngộ Khác Nhau