Phật Thuyết Kinh Hiền Nhân - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Ngô Nguyệt Chi, Đời Hán
PHẬT THUYẾT KINH HIỀN NHÂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Ngô Nguyệt Chi, Đời Hán
PHẦN MỘT
Sau khi Phật nhập diệt, Ngài Ca Diếp triệu tập đại hội kiết tập Kinh Điển. Ông A Nan lên pháp tòa thuật lại tất cả lời của Phật. Đây cũng là một thứ Kinh Phật nói và là lời ông A Nan thuật lại.
Tôi đã nghe: Hồi ấy, Phật còn lưu trú tại nước Xá Vệ với một ngàn hai trăm năm mươi vị Khất Sĩ. Cư Sĩ Tu Đạt ngày ngày thân hành phụng sự Phật.
Ông vâng lời Ngài giữ năm giới: Không sát hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu. Vốn là một người hiểu đạo đúng đắn, ông hay ưa bố thí, cứu giúp kẻ bần cùng khốn khổ, nên người ta tặng cho ông cái tên Cấp Cô Độc, nghĩa là nuôi giúp những kẻ cô độc, khốn cùng.
Cư Sĩ muốn lập một nhà Tịnh Xá để Phật ở. Ông đi tìm một khoảng đất để cất Tịnh Xá, nhưng tìm mãi chỉ thấy có khoảnh vườn của Thái Tử họ Kỳ là hợp địa thế hơn cả.
Khoảng vườn ấy bằng phẳng, rộng có hơn tám mươi khoảng, cách Thành không xa mấy. Trong vườn trồng nhiều cây có quả, đây đó đều có suối chảy, ao tắm rất tiện lợi, sạch sẽ, không còn kiến bọ muỗi ruồi. Nhận thấy chỗ đất ấy có thể lập Tịnh Xá, Cư Sĩ Tu Đạt liền đến năn nỉ Thái Tử Kỳ để mua lại.
Thái Tử mỉm cười đáp: Nếu ông có thể đem vàng ròng lát cho đầy không chừa một khoảng đất nào trong vườn thì, với giá ấy, tôi sẽ bán khu vườn này cho ông.
Cư Sĩ Tu Đạt vui vẻ gật đầu: Xin vâng, sẽ trả theo giá Ngài đã định.
Thấy mình nói chơi người ta mua thiệt, Thái Tử vội lắc đầu: Nói chơi thế thôi, chứ tôi không bán đâu. Cư Sĩ Tu Đạt không chịu. Hai người một bên nói chơi, một bên mua thực, nên cãi cọ lung tung và định đem vụ ấy lên tòa.
Có một lão Thần thấy thế, can gián Thái Tử: Điện hạ đã nói ra, phải giữ lấy lời, đừng nên trái hẹn. Thái Tử nghe lão thần nói thế, cũng đành chịu bán.
Nhưng thấy Cư Sĩ Tu Đạt đứng ngẫm nghĩ hồi lâu, Thái Tử tưởng là ông không muốn mua nữa, liền nói: Thôi, ông có chê đắt thì thôi.
Cư Sĩ Tu Đạt cười: Không, không phải tôi chê đắt. Tôi đang nghĩ xem bây giờ nên lấy vàng ở kho vào mà lát cho đủ khoảnh vườn mà thôi. Liền khi ấy, Cư Sĩ sai người đem voi chở vàng trong kho của mình ra và xúm xít lát, trong giây phút đã hơn bốn mươi khoảnh đất.
Thái Tử họ Kỳ đứng nhìn, ngẫm nghĩ: Chắc Phật có đạo lý gì cao thâm lắm nên mới khiến cho ông này trọng đạo khinh tài đến thế.
Liền bảo rằng: Thôi đủ rồi, đừng chở vàng ra nữa.
Bây giờ thì thế này nhé: Vườn đất thuộc về ông, ông lập Tịnh Xá cúng Phật. Còn tôi thì tôi xin cúng cho Phật và giáo hội tất cả những cây trái trong vườn. Cư Sĩ ưng thuận. Hai người đồng lòng cùng lập Tịnh Xá và đồng đi rước Phật dâng cả vườn nhà cây trái cho Ngài.
Đức Phật nhận lời, cùng một ngàn hai trăm năm mươi vị Sa Môn đều tập chúng trong ấy. Nên từ đó về sau, chỗ ấy gọi là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên.
Lúc ấy Vua trong nước là Ty Tiên Nặc với mọi người trong cung và tất cả nhân dân xứ ấy đều phụng sự Phật, cúng dường y thực, giường, chiếu, thuốc thang cho Ngài và các vị Sa Môn, cung cấp tất cả những vật cần dùng.
Thực là khi chưa có Phật ra đời, bọn tà sư ngoại đạo thạnh hành và kiêu hãnh, cũng như khi mặt trời chưa lên thì đuốc đèn khoe sáng.
Nhưng khi Phật đã xuất hiện với ánh sáng tuyệt diệu, ngoại đạo đều khuất phục lặng yên, cũng như đuốc đèn mất hết cả ánh sáng khi mặt trời đã lên, huy hoàng và rạng rỡ. Trưới kia, trong nước có đến năm trăm tà Sư ngoại đạo, nhưng bây giờ bọn ấy đều bị bỏ phế cả.
Vì thế, một nhóm tà đạo mới sinh lòng oán ghét, cùng nhau lập mưu hủy nhục Phật để mọi người quay lại cung kính và lễ bái mình.
Trong bọn, có nàng Tôn Đà Li là đệ tử của chúng, bảo rằng: Các thầy không cần buồn rầu nữa. Tôi sẽ có cách làm cho mọi người không còn cung kính Phật nữa và sẽ trở lại thờ quý thầy như xưa. Bắt đầu từ hôm nay, ngày ngày tôi trang điểm và qua lại chỗ Phật và các vị Sa Môn ở. Sau một tháng các thầy cứ âm thầm giết tôi đi và làm thế nào để chôn giấu trong vườn Thái Tử họ Kỳ.
Rồi các thầy giả cách tìm kiếm, mọi người sẽ nói: Tôi thường thấy người con gái ấy qua lại Tịnh Xá luôn?
Liền đó, các thầy đến xin Vua cho người đi tìm, tiện dịp vào moi xác tôi lên, vu oan cho chúng nó.
Các thầy sẽ bảo cho mọi người nghe: Cái đạo gì mà dâm loạn. Cái đạo gì mà không có giới hạnh chi cả. Người trong nước nghe thế, quyết sẽ bỏ Phật và trở về phụng sự cho các thầy.
Bọn ngoại đạo nghe nàng nói thế, khen: Hay lắm! Nàng cứ làm như thế đi! Nàng Tôn Đà Li liền làm theo kế ấy. Nàng trang điểm cực kỳ mỹ lệ và mỗi ngày đều qua lại Tịnh Xá viếng Phật và Sa Môn. Một tháng sau, bọn ngoại đạo thuê bốn người lén giết nàng và chôn nàng trong vườn Kỳ Thọ.
Chôn xong, bọn đó đến cung Vua kêu lạy: Tâu Bệ Hạ, chúng tôi có mất sống một người con gái. Nàng thường hay qua viếng Tịnh Xá Phật và Sa Môn luôn. Xin Bệ Hạ thương chúng tôi, cho quân đi tìm thì chúng tôi được mong ơn Bệ Hạ lắm.
Vua Ty Tiên Nặc liền cho các quan bộ lại phải cùng bọn tà sư đi tra xét tìm nả cho ra. Bọn tà sư giã cách đi lại bốn năm vòng rồi moi xác nàng Tôn Đà Li lên. Chúng vừa khóc vừa để xác ấy lên xe chở đi khắp thành cho công chúng thấy.
Vừa đi bọn đó vừa kêu la khóc lóc cho mọi người nghe: Cái phép của Sa Môn là giữ giới hạnh cho trong sạch mới phải. Chớ sao các ông lại hãm hiếp đàn bà rồi lại sợ bị tiết lộ mà đem chôn đi.
Trời ơi có đạo nào lạ lùng như thế. Nhân dân nghe vậy, nhiều người tin ngay là thật. Chỉ có các bậc đắc đạo mới biết đó là gian dối.
Lúc ấy Phật dạy các thầy Sa Môn: Các ngươi đừng vào thành vội. Để bảy ngày nữa, sự thực hư thế nào sẽ rõ ràng.
Đến hôm thứ tám, Phật sai ông A Nan vào trong xóm truyền rằng: Kẻ nói dối chê người, sẽ bị quả báo, kẻ vu oan cho người trong sạch, chết sẽ đọa địa ngục, chịu khổ mãi mãi, khi ấy mới trách mình ngu si bạo ngược.
Mọi người nghe vậy, bảo nhau: Chắc các vị Sa Môn trong sạch nên Phật mới nói thế. Vua cũng nghe phong phanh tin ấy, nên cho người đi dò xét. Thám tử bắt được quả tang bọn ngoại đạo đang ăn mừng được thành công, đang ban thưởng cho bốn người hung phạm. Theo lệ, người nào học được nhiều Kinh thì được chia nhiều phần thưởng.
Trong bốn người, có một người dốt được phần ít hơn cả, liền nổi giận và nói: Tôi sẽ phản cho các anh xem. Đã chung nhau giết người vu oan cho Phật lại chia cho tôi phần quá ít. Thám tử của Nhà Vua đứng ngoài nghe được, liền vào bắt người ấy giải lên Vua. Nhà Vua phán hỏi thì người ấy cứ thực mà khai tất cả.
Sau khi rõ âm mưu của ngoại đạo, Vua với quần thần liền đi đến ra mắt Phật. Lúc bấy giờ Cư Sĩ Cấp Cô Độc cùng các vị thanh tín và nhân dân trong nước đều đến hầu Phật. Làm lễ xong, mỗi người đều ngồi ra một bên.
Nhà Vua đứng dạy chắp tay thưa: Bạch Thế Tôn, khi nghe lời vu oan của ngoại đạo, ai cũng lấy làm ngạc nhiên cả. Thực chỉ có Phật là bậc chân thật hoàn toàn, thanh tịnh không lường.
Bạch Ngài, xong chẳng hay vì nhân duyên gì mà xảy ra việc không hay như thế?
Phật bảo Vua Ty Tiên Nặc: Này Đại Vương! Những sự vu khống ấy đều do lòng tham lam tật đố mà ra cả. Song việc ấy đã xảy ra lâu đời rồi, chớ chẳng phải mới đây mà thôi.
Vua cúi đầu: Bạch Ngài chúng con muốn được nghe việc hồi đời ấy.
Phật dạy: Này Đại Vương! Ta đã từng trải qua bao nhiêu kiếp tu hành, nhiều vô số, vì đạo Bồ Tát, đem lòng từ bi độ thoát cho mọi loài. Thời xưa, có một nước tên Bồ Lân Nại, nhân dân đông đúc, sự sinh hoạt thực là phồn thịnh.
Trong nước có một người Phạm Chí tên Cù Đàm, tài trí thông minh bậc nhất. Ông có ba người con, mà đứa út có một thân hình đoan chính đẹp đẽ không ai bằng.
Ông rất yêu chuộng nó, vì thế lập một đại hội mời các Đạo Sĩ và các thân thích trong ngoài đến dự và ẩm đứa nhỏ ra cho mọi người xem.
Một Đạo Nhân nhìn đứa bé, gật đầu: Đứa bé này rất mến đạo, có tướng Thánh Nhân, sau này sẽ thành đến chức Quốc Sư. Nhân đó, người ta đặt tên đứa bé là Hiền Nhân. Hiền Nhân thuở nhỏ rất chăm chỉ học hành. Lớn lên, tài nghệ hơn người, lão thông được các việc Kinh sử và biết được chín mươi sáu món đạo thuật.
Hiền Nhân lại rõ được việc tai nạn họa phúc, bào chế thuốc men, không gì không biết. Tánh từ bi, Hiền Nhân lại diệt được cả dâm tâm, tài nghệ đầy đủ, Hiền Nhân hàng phục được cả loài cổ độc. Nhưng sau khi ông Cù Đàm qua đời, thì hai người anh ganh ghét xin mẹ chia gia tài.
Họ bảo: Hiền Nhân thuở bé ham học nên tiêu phí đối thầy học rất nhiều. Bây giờ phải chia cho Hiền Nhân phần ít. Bà mẹ thương Hiền Nhân quá, hằng khuyên nhủ hai người con lớn, nhưng họ không nghe.
Hiền Nhân thấy ý hai anh quyết chắc, nghĩ rằng: Người đời đều do lòng tham mà phải chịu bao nhiêu cảnh khổ ép bức. Nếu ta không đi thì bao giờ hai anh ta mới hết khổ.
Bèn xin mẹ đi học đạo. Bà bằng lòng. Hiền Nhân đi, ròng rã tìm được bậc minh sư xin làm Sa Môn, vào núi tu hành.
Chẳng bao lâu, Hiền Nhân tự ngộ được ý:
Thương xót chúng sanh như mẹ thương con.
Muốn độ thoát cho thế gian khốn khó.
Dứt trừ được tâm niệm ngu si.
Gặp vui không mừng mà gặp khổ cũng không lo ngại.
Hiểu được ý đạo, tâm thường vui vẻ.
Giữ gìn không phạm một tội lỗi nào.
Dứt trừ được tham, dâm.
Dứt trừ được sự giận dữ.
Người lại còn trừ được năm món dục lạc.
Mắt không còn tham đắm hình sắc trần gian.
Tai không còn tham đắm âm thanh vi diệu.
Mũi không nhiễm mùi hương ngây ngất.
Lưỡi không ưa thích vị ngon và thân không còn ưa lụa là và cảm giác êm dịu.
Hiền Nhân hay dùng trí huệ phương tiện tùy thuận giáo hóa thiên hạ, khuyên người làm mười điều lành, thảo thuận cha mẹ, vâng thờ Sư Trưởng.
Những ai lòng hay nghi hoặc, Hiền Nhân đều giáo hóa cho tin tưởng đạo đức.
Người dạy cho họ rõ rằng: Có sanh ắt có tử, làm lành gặp lành, làm dữ mắc họa, tu đạo đắc đạo là lẽ dĩ nhiên. Thấy người nào bị nguy ách, Hiền Nhân độ cho thoát khỏi. Ai bị bệnh tật thì được giúp thuốc thang.
Ai nghe lời Hiền Nhân dạy, chết sanh lên cõi Trời. Ở đâu có nạn nước lụt, cháy nhà, nắng hạn nguy hiểm, nếu có Hiền Nhân đến, đều được bình an. Bao nhiêu độc hại đều bị tiêu diệt.
Khi bấy giờ có một nước lớn, nhân dân giàu có đông đúc yên vui. Vua nước ấy tên Lâm Đạt thường giao trách nhiệm triều chính cho bốn ông quan cận thần.
Nhưng bốn ông quan cận thần ấy chuyên làm những việc tà siểm dâm ô, gian dối và bóc lột đủ điều. Dân chúng thiệt hại, ta thán mà Vua không hề hay biết.
Hiền Nhân thấy thế lấy làm thương xót, Người cầm bát đến ngoài thành ở trọ lại nhà của Đạo Nhân Sa Đà bảy ngày. Qua ngày thứ tám Hiền Nhân mới vào thành khất thực.
Khi đó, Nhà Vua đứng trên thành trông thấy Hiền Nhân tuổi còn trẻ mà đã có cái phong vị đoan chính ung dung, dáng đi có vẻ phi thường, liền sinh lòng kính mến. Ngài liền bước xuống và chạy ra thưa hỏi.
Vua phán: Xin Đạo Nhân lưu trú tại đây. Tôi có Tịnh Xá ngoài thành, Đạo Nhân nên ở lại trong ấy. Tôi sẽ xin cung cấp những thứ cần dùng.
Hiền Nhân đáp: Xin vâng lời Ngài.
Thấy Hiền Nhân nhận lời, Vua sung sướng: Ý tôi muốn thỉnh Ngài mỗi buổi sớm mai đến cung thọ thực.
Hiền Nhân nhận lời.
Vua từ giã về cung, bảo phu nhân: Vị Đạo Sĩ ấy không phải là người thường, sáng ngày, khanh nên đến ra mắt Ngài. Phu Nhân lấy làm vui vẻ và con chó của Vua tên Tân Kỳ nằm dưới gậm giường cũng mừng rỡ ngoắc đuôi.
Sáng ngày mai, Hiền Nhân vào cung. Nhà Vua và phu nhân ra nghênh tiếp làm lễ, dâng cúng cho người giường gấm chiếu bông, khảm nỉ.
Hiền Nhân vừa ngồi xuống thì con chó Tân Kỳ chạy đến liếm chân mừng rỡ. Vua thân hành múc nước rửa chân cho Hiền Nhân và hết lòng thành kính dâng đồ ăn uống.
Thọ thực xong, Vua mời người ra Tịnh Xá. Hiền Nhân tiện dịp nói cho Nhà Vua hiểu phép tắc trị nước an dân. Nhà Vua vui mừng quá, nhân đó thỉnh người phụ lực cùng bốn vị Đại Thần cùng chung lo việc nước. Hiền Nhân nhận lời.
Bốn ông quan cận thần vốn là người ngu tối, khiếp nhược, không chịu tập chiến trận, chỉ biết tham ô bóc lột của dân chúng.
Một ông thường nói: Sau khi người chết, hồn thần sẽ diệt mất không sinh trở lại nữa.
Ông thứ hai chủ trương: Nghèo giàu vui khổ cũng đều do Trời định.
Một ông lại nói: Làm lành không được phúc, cũng như làm ác không bị tai họa gì. Ông thứ tư lại tự ỷ mình biết xem tinh tú. Không ông nào biết việc triều chính, ông nào cũng tham lam, siểm nịnh. Còn Hiền Nhân từ khi giúp nước, làm được nhiều lợi ích.
Hiền Nhân rất thông minh, tài cao, sức mạnh, lại có lòng nhân nghĩa, cung kỉnh. Hiền Nhân ít nói, mà hễ nói gì thì miệng lại nở thêm một nụ cười, nên trong khi đối đãi, người không làm phật ý ai cả.
Ông thực là trong sạch và thiểu dục không tham sắc, giản dị, phép trị dân không làm phiền ai. Ông lại biết được cả tai nạn cứu người khỏi chết, thương dân như con.
Ông lấy đạo đức dạy dân, khuyên họ không nên say sưa săn bắn, chài lưới chim cá và loài dã thú, đừng sát sanh, trộm cắp, dâm ô dối trá, gièm siểm hỗn ẩu, gian nịnh, ganh ghét, gây sự kinh lộn, giận dữ, yêu nghiệt và nghi nan.
Bấy giờ nhân dân trong nước nhờ Hiền Nhân giáo hóa đều trở nên hiền lương. Từ khi ông làm chính trị đến nay, nước nhà yên ổn, mưa thuận gió hòa, mùa màng trúng tiết, các quan đều thừa hành pháp luật không dám nhiễu hại nhân dân nữa.
Hiền Nhân thể theo đạo vô vi, quý trọng Phật Pháp, kính thờ bốn đạo Sa Môn, sáng chiều thường tụng tập với người cháu kêu người bằng cậu.
Đứa cháu ấy rất hiền lành, lại có chí thương thờ Hiền Nhân như thầy. Những bậc Trí Giả trong nước phần nhiều xu hướng theo Hiền Nhân cả. Nhà Vua không còn lo điều gì, mọi việc đều phù thác cho ông.
Cũng vì thế nên bốn quan cận thần sợ nể không dám tung hoành như trước nữa. Họ đem lòng ganh ghét, toan lập mưu hại Hiền Nhân.
Bốn người cùng nhau góp của cải mỗi người có đến ức vạn, chờ khi Vua ngự giá ra ngoài, liền đem đồ lễ vật ấy dâng lên phu nhân Hoàng Hậu.
Bốn quan tự trần: Thưa lệnh bà, chúng tôi khi nào cũng hết lòng cung kính lênh bà. Nay có vật của nhà xin đem dâng lệnh bà. Vợ con chúng tôi sẽ là kẻ hầu hạ lệnh bà suốt đời. Chúng tôi muốn lệnh bà cho phép chúng tôi thưa một câu chuyện.
Phu Nhân sẵn tính tham, muốn nhận những vật quý giá ấy, vội vã đáp tạ bốn vị cận thần: Các quan muốn gì thì cứ nói đi.
Bốn vị cận thần đồng thưa: Tâu lệnh bà, nay Đức Vua quá tin cậy Hiền Nhân, mà hắn là người thô lậu, ăn mặc xấu xa như hành khất. Vua trọng đãi quá mà hắn không nghĩ gì đến ơn Vua lộc nước, hằng ngày lại nói xấu lệnh bà và khuyên Vua đừng lại gần phòng lệnh bà, phải xa tránh lệnh bà.
Chúng tôi trộm nghĩ: Lệnh bà còn trong thời trẻ trung cần phải có Thái Tử để lập Đông Cung, nếu lỡ thời thì sẽ tuyệt dòng tuyệt giống, lấy ai nối ngôi Vua trị nước.
Lệnh bà nghĩ kỹ: Nếu không lo sớm trừ Hiền Nhân đi, thì sợ sau này ăn năn không kịp.
Phu Nhân nghe nói nổi giận: Vua tin người ấy mà không biết mưu ác của hắn, thôi các quan hãy về đi, để tôi tự lo liệu việc này. Ngày mai các quan không còn thấy Hiền Nhân nữa. Sau khi bốn vị cận thần ra về, phu nhân liền lấy trái chi tử xoa khắp mặt cho da vàng, xổ tóc rối tung và nằm sóng soài trên giường.
Khi Đức Vua trở về, một thị nữ đến báo cho Vua hay: Tâu Bệ Hạ, lệnh bà hôm nay có vẻ không vui. Vua rất thương mến Hoàng Hậu, nên lật đật qua thăm, nhưng hỏi đến đôi ba phen mà phu nhân cũng không lên tiếng trả lời.
Nhà Vua nổi giận, quát: Đứa nào có tội đáng chém thế?
Khanh muốn trẫm bắt tội đứa nào nói đi.
Phu Nhân khóc lóc tâu Vua: Bệ Hạ không nghe lời thần thiếp.
Vua dịu giọng: Khanh muốn nói gì thì nói đi, trẫm sẽ nghe lời.
Phu Nhân được nước, tâu Vua: Hồi sáng khi Bệ Hạ đi khỏi, Hiền Nhân đến nói với thiếp rằng: Nay Vua đã già yếu không có thể chấp chính được nữa mà quan dân trong nước đều tùng phục theo tôi. Vậy lệnh bà hãy tính sao để hai ta cùng nhau hưởng ngôi Trời lộc nước.
Thiếp nghĩ: Thằng ăn xin, nhờ hồng phúc Bệ Hạ được sung sướng như thế mà nay âm mưu phản bội như vậy, nên thiếp rầu lắm. Đức Vua nghe, dường như người mắc nghẹn, nuốt vào đã không được mà khạc ra cũng chẳng xong.
Ngài nghĩ: Nếu không dùng Hiền Nhân thì sau này sợ ân hận, mà dùng sợ trong nước rối loạn.
Vua lại nghĩ: Từ khi Hiền Nhân giúp ta đến nay đã được mười hai năm Trời, thường đem lòng trung chính lo việc nước, diệt trừ tai hoạn cho nhân dân. Kẻ xa người gần đều biết và quý trọng như của báu trong nước. Như vậy, rất không nên trừ Hiền Nhân.
Nghĩ vậy Đức Vua bảo phu nhân: Nếu trừ Hiền Nhân, trong nước sẽ rối loạn. Thôi, Khanh hãy vì muôn dân nên cùng trẫm nhẫn sự này đi.
Nghe Vua nói, phu nhân gieo mình xuống đất khóc to lên mà rằng: Nếu Bệ Hạ không trị Hiền Nhân đi, thì thiếp sẽ nhảy xuống lầu tự tử cho Bệ Hạ xem. Bệ Hạ sẽ không còn thấy mặt thần thiếp nữa.
Nhà Vua lật đật chạy đến đỡ phu nhân dậy và khuyên dỗ: Khanh cũng hiểu phép chứ. Việc này không phải là chuyện nhỏ. Thôi, hãy ngồi dậy để cùng trẫm bàn luận.
Phu Nhân lại chỗ ngồi, Vua tiếp: Ta không nên dùng dao gậy trị kẻ tu hành, phải dùng phương kế mà đuổi đi mới được.
Thế này: Ta bớt phần cúng dường, sáng mai Hiền Nhân đến ta không cần làm lễ nữa, chỉ vòng tay cũng đủ. Cho ông ngồi giường tre nhà dưới, ăn cơm gạo lức đựng trong chén sành. Như vậy ông sẽ xấu hổ bỏ đi.
Nghe Vua nói thế, con Tân Kỳ ở dưới gầm giường gầm gừ ra vẻ không vui, chỉ có phu nhân lấy làm vui sướng.
Sáng ngày phu nhân làm theo lời Vua phán, bảo quan giám trù cứ thế mà thi hành.
Lúc bấy giờ Hiền Nhân đến, đi vào cung thì con chó chạy ra gầm gừ sủa. Hiền Nhân thấy phu nhân chỉ chắp tay chào sơ sài và thấy cách bày biện có khác mọi ngày thì biết ngay là có mưu kế gì đây.
Người suy nghĩ: Mình không muốn hại ai, mà nay người ta trở lại hại mình như vậy thì chi bằng phải lánh vào núi tu hành cho xong. Oán nhỏ sẽ sinh thù lớn, ta không nên khinh thường. Họ sẽ âm mưu, ta phải cẩn thận.
Ta đã độc thân, lại yếu đuối, lấy thế lực chánh trị pháp lực mạnh hơn. Nay đã sẵn có bát đựng cơm, bình đựng nước với dày cơ, đãy da, nón lá cũng đủ dùng rồi.
Mấy ai biết nghĩ sự đời,
Nắng thời giúp nón, mưa thời giúp tơi!
Nghĩ thế, thọ trai xong, sửa sang hành lý, sắp sửa lên đường.
Nhà Vua kinh hãi thưa rằng: Ngài đi đâu gấp thế?
Bối rối, Vua quay lại chỉ phu nhân và bảo: Chính phu nhân làm cho ta trái ý Ngài...
Rồi Nhà Vua lại nắm tay Hiền Nhân hỏi: Ngài đi đâu?
Hiền Nhân đáp: Tôi vì Vua trị nước đã mười hai năm, chưa từng thấy con chó Tân Kỳ ngầu ngừ tru sủa như hôm nay. Thấy nó sủa tôi biết chắc có âm mưu chi đây, nên tôi muốn đi gấp.
Vua tạ lỗi:
Thực có như vậy. Ngài thực là người thông minh, biết những việc người chưa từng biết. Xin Ngài ở lại để tôi ra lệnh bắt kẻ ác. Ngài chẳng cần đi nữa.
Hiền Nhân lắc đầu: Trước kia hậu đãi, mà nay bạc bẽo, vả lại tôi cũng không có lỗi gì, lúc này tôi nên đi là phải.
Ở đời, có thịnh ắt có suy, có hội họp ắt có ly tán, lành dữ vô thường, họa phúc tự mình chuốc lấy.
Kết bạn mà không bền chắc thì không nên thân. Thân mà không có chừng độ, thân lâu sẽ có khinh lờn. Ví như múc nước giếng, múc sâu thì nỗi cặn. Gần người hiền được thêm trí huệ ở với kẻ dốt càng thêm ngu si. Thường thấy thì hay khinh lờn, xa nhau thì sanh oán giận.
Giao tiếp người lành nên qua lại có chừng độ, thân mà có cung kỉnh thì thân lâu càng có hậu. Giao thiệp với kẻ bất lương, họ ăn ở không thật thà, lời ngon tiếng ngọt chẳng qua là để lợi dụng mình, dù cho có kết hợp cũng không nên tin.
Vua lấy lễ độ tiếp tôi, tôi cung kính đáp lại. Nay Vua đối đãi khinh dể thì tôi phải cách xa.
Thương yêu nhau rồi có sự giận ghét nhau, khi thương thì muốn nhờ cậy, lúc ghét thì chẳng muốn gần.
Lấy sự cung kỉnh nhau để cầu thân thiện, lấy sự răn dạy lẫn nhau để tránh xa điều ác. Mà nay có người chẳng phân biệt cái nào là ác, cái nào là thiện, ấy chẳng phải là đạo an thân.
Người không có lỗi với mình, thì mình không nên bày đặt sự sai lầm mà vu oan cho họ. Người ác tôn thờ mình, mình không nên nhận lãnh. Người muốn xa ta thì ta không nên miễn cưỡng gần họ. Sự thương yêu đã xa lìa thì không nên nghĩ đến.
Con chim đậu gãy nhánh còn biết đi tìm nhánh khác để đậu, huống chi làm người qua lại có pháp độ, hà tất phải thủ thường. Cành mục ta không nên vịn nắm, người loạn ý ta chẳng phạm nhằm họ.
Người muốn đem việc xấu cho nhau, dù thấy nhau cũng không vui, ta xướng mà người không phụ họa theo, nên biết đó là người ở bạc.
Người muốn đem việc lành cho nhau thì chậm dù gấp cũng phải đi, đem lời trung chính nhắc nhở nhau, thì cũng đủ biết người ấy là người hậu.
Mà nay lại có người không chịu gần người hiền, chẳng lánh xa kẻ ác, trước kính sau khinh, không phân biệt kẻ hiền người ngu, thì nếu ta không đi còn đợi đến bao giờ mới đi!
Phu Nhân ban đầu lễ lạy mà nay chỉ vòng tay, nếu ta không đi để đợi đến chừng mắng đuổi rồi mới đi hay sao?
Ban đầu thì giường vàng, nay giường tre, ban đầu đũa ngà chén ngọc, mà nay chén sành đũa tre, ban đầu thì cơm ngon canh ngọt, mà nay cơm hẩm gạo tấm, vậy nếu ta không đi, đợi đến khi cơm đổ dưới đất mới chịu đi hay sao?
Bạn tri thức gặp nhau, chủ đãi khách, đêm đầu thì quý như vàng, đêm thứ hai thì làm lơ như bạc, đêm thứ ba lạt nhách như đồng, chứng cớ rõ ràng như vậy, nếu tôi không đi, đợi đến chừng nào mới đi?
Vua thưa: Nước trẫm mà được giàu có, thịnh vượng là nhờ Ngài. Nếu nay Ngài bỏ đi, sau này nước nhà ắt sẽ hại.
Hiền Nhân đáp: Trong thiên hạ có bốn điều tự hoại:
Một là cây có nhiều hoa trái thì nặng sẽ gẫy nhánh.
Hai là rắn độc ngậm nọc độc, nọc sẽ trở lại hại nó.
Ba là người làm tôi không hiền thì sẽ hại nước nhà.
Bốn là người làm việc bất thiện thì khi chết sẽ đọa vào địa ngục.
Ấy là bốn điều tự hoại.
Vậy nên trong Kinh dạy rằng: Sự độc ác do tâm sinh ra và sẽ trở lại tự hại tâm mình, cũng như sắt sinh ra chất sét, chất sét ấy sẽ trở lại tiêu hình của sắt.
Nhà Vua thưa: Trong nước không có tôi hiền, mọi việc đều nhờ nơi Ngài, nếu Ngài bỏ trẫm mà đi thì nước nhà sau này sẽ nguy ngập.
Hiền Nhân đáp: Làm người có bốn điều tự nguy:
Một là gánh vác việc nhà người.
Hai là làm chứng việc nhà người.
Ba là mai mối vợ chồng người.
Bốn là tin theo lời tà siểm.
Ấy là bốn điều tự nguy.
Vậy nên trong Kinh dạy rằng: Người ngu chuyên làm việc ác, tự rước lấy sự tai họa vào thân. Đời nay vui lòng, lung ý, đời sau mang tội rất nặng.
Nhà Vua thưa: Trẫm trọng Ngài như người bạn quý, thường ở với nhau không khinh dễ, Ngài chớ bỏ mà đi.
Hiền Nhân đáp: Bạn có bốn thứ:
Một là kết bạn như hoa.
Hai là kết bạn như cân.
Ba là kết như núi.
Bốn là kết bạn như đất.
Sao gọi là kết bạn như hoa?
Khi bông hoa còn tươi tốt thì giắt trên đầu, khô héo rồi bỏ đi.
Kết bạn cũng thế: Hễ thấy giàu sang thì xu phụ theo, thấy nghèo nàn lại bỏ làm lơ.
Sao gọi là kết bạn như cân?
Khi để vật nặng thì đầu gục xuống, vật nhẹ thì đầu vổng lên, có qua lại thì cung kính nhau, không qua lại thì khi dễ nhau.
Sao gọi là kết bạn như núi?
Hòn núi vàng, loài chim thú tụ về, lông cánh được chói màu vàng rực.
Kết bạn cũng thế: Khi sang thời sang với nhau, khi vui đồng vui.
Sao gọi là kết bạn như đất?
Tất cả mọi vật đều dựa đất mà sinh. Làm bạn để nuôi dưỡng, ủng hộ, ân hậu không quên...
Nhà Vua thưa: Nay trẫm biết cái trí suy nghĩ của trẫm còn cạn hẹp, tin theo lời tà siểm, khiến Ngài Hiền Nhân phải ra đi.
Hiền Nhân đáp: Người có trí biết bốn việc không tin:
Một là bạn tà ngụy.
Hai là bề tôi nịnh siểm.
Ba là vợ yêu nghiệt.
Bốn là con bất hiếu.
Ấy là bốn cái không nên tin theo.
Vì thế Kinh dạy: Bạn tà hại người, tôi nịnh loạn triều, vợ yêu nghiệt phá nhà, và con bất hiếu hại cả cha mẹ.
Nhà Vua thưa: Trước kia trẫm yêu quí hậu trọng Ngài, xin Ngài nghĩ lòng tốt của trẫm không nên bỏ đi vậy.
Hiền Nhân đáp:
Có mười trạng thái tỏ cho biết là có yêu quý hậu trọng:
Một là xa nhau lâu không quên.
Hai là thấy nhau thì vui mừng.
Ba là có món ngon vật lạ san sẻ cho nhau.
Bốn là khi có lỡ lời không chấp trách nhau.
Năm là nghe điều lành càng thêm vui vẻ.
Sáu là thấy việc dữ đem lời trung chính mà can gián.
Bảy là làm được những việc khó làm.
Tám là không đem chuyện riêng nói với người.
Chín là khi gặp việc bối rối phải giải quyết cho nhau.
Mười là đến lúc nghèo khổ không rời bỏ nhau.
Ấy là mười sự yêu quý hậu trọng.
Nên trong Kinh có dạy: Bỏ dữ làm lành tu tập đúng như pháp, đem lời trung chánh dạy dỗ, nghĩa hiệp, có đạo.
Nhà Vua nói: Vì tội ác của bốn quan cận thần, nên Ngài không ưa trẫm nữa.
Hiền Nhân tiếp:
Có tám việc biết là không ưa nhau:
Một là thấy mặt đổi sắc.
Hai là liếc ngó không thẳng thắn.
Ba là lời nói không ôn hòa.
Bốn là nói phải cho là quấy.
Năm là nghe người nguy hại thì vui thích.
Sáu là nghe người hưng thịnh thì không vui.
Bảy là hủy bỏ chê bai việc tốt đẹp của người.
Tám là tán thành việc ác của người.
Vậy nên trong Kinh dạy rằng: Lỡ đánh chết người, tội ấy còn có thể dung thứ. Dùng tâm độc âm mưu để hại người, tâm niệm ấy rất không nên gần.
Trẫm là người ngu si, không biết phân biệt kẻ trí người ngu, nên nghe lời tà siểm làm trái mất ý Thánh Nhân.
Có mười sự chứng tỏ đó là người trí:
Một là biết kẻ hiền người ngu.
Hai là biết kẻ sang người hèn.
Ba là biết kẻ giàu người nghèo.
Bốn là biết việc nào khó việc nào dễ.
Năm là biết việc nào đáng bỏ việc nào nên làm.
Sáu là biết nhiệm vụ của mình.
Bảy là vào nước nào biết được phong tục của nước đó.
Tám là biết được chỗ trở về.
Chín là học rộng hiểu nhiều.
Mười là biết được túc mạng.
Mười việc đó chứng tỏ người có trí.
Kinh dạy: Khi tai nạn gấp rút mới biết được lòng bạn, có đánh nhau mới biết kẻ yếu người mạnh, có luận nghị mới biết được người trí, lúc cơm thua gạo kém mới biết người có lòng nhân.
Nước trẫm từ khi được Ngài giúp đỡ, trong ngoài đều được an ổn. Nếu nay Ngài bỏ ra đi thì trẫm còn biết nương nhờ nơi ai.
Có tám điều kiện để an ủi:
Một là được của cha mẹ để lại.
Hai là có nghề nghiệp bảo đảm lấy sự sống của mình.
Ba là học thức cao.
Bốn là có bạn hiền.
Năm là được người vợ trinh lương.
Sáu là được người con hiếu thảo.
Bảy là tôi tớ được hòa thuận.
Tám là lìa xa việc ác.
Đó là tám điều kiện để được an ổn.
Kinh dạy: Sinh ra sẵn có của cha mẹ để lại và gặp được bạn hiền, rất thiết. Các việc ác không phạm đến và có phước thừa rất thích. Lời của Thánh Nhân thật không một ai nghe mà không thích.
Có tám cái thích:
Một là cùng làm việc với người hiền.
Hai là được học với bậc Thánh Nhân.
Ba là tánh thể được nhân từ và ôn hòa.
Bốn là sự nghiệp mỗi ngày mỗi hưng thịnh.
Năm là diệt được tánh giận dữ.
Sáu là biết lo phòng ngừa tai nạn.
Bảy là biết nương gần đạo pháp.
Tám là bạn bè không dối gạt nhau.
Kinh chép rằng: Có Phật ra đời rất thích. Diễn giảng đạo pháp rất thích, chúng tăng nhóm hợp và hòa thuận rất thích. Hòa thuận thì thường an vui. Ngài Hiền Nhân thường khi dễ khuyên can mà nay sao lại khó cầm lắm thế.
Có mười trường hợp mình không thể khuyên can:
Một là tham lam che mất lương tri.
Hai là tham đắm sắc đẹp.
Ba là Kinh in thiếu đoạn này
Bốn là kẻ ngang tàn bạo ngược.
Năm là kẻ nhút nhát.
Sáu là kẻ khờ khạo lừ đừ.
Bảy là kẻ kiêu ngạo buông lung.
Tám là người ưa đấu tranh.
Chín là người chấp tập tục si mê.
Mười là kẻ tiểu nhân.
Ấy là mười trường hợp ta không thể khuyên can.
Kinh chép: Nói pháp cho người ngu nghe cũng như nói với kẻ điếc, những ai khó hóa độ thì không thể khuyên can.
Trẫm là kẻ kiêu ngạo lại là buông lung, chưa thể xa lìa được sắc đẹp, còn Ngài là chứng pháp vô vi, lẽ nào không nói với trẫm nữa sao?
Có mười trường hợp mình không nên nói với người:
Một là kẻ ngạo mạn.
Hai là kẻ ngu độn.
Ba là kẻ hay lo sợ.
Bốn là kẻ ham vui chơi.
Năm là kẻ hay e lệ.
Sáu là kẻ câm ngọng.
Bảy là kẻ cừu hận.
Tám là kẻ đói lạnh.
Chín là kẻ mắc nhiều việc.
Mười là người đang tham thuyền tịnh lự.
Đó là mười trường hợp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cam Lộ
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Mười Chín - Phẩm Chú Sư Tự Trước Chú Tác
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thất đạo Phẩm - Phần Hai