Phật Thuyết Kinh Hoằng đạo Quảng Hiển Tam Muội - Phẩm Bảy - Phẩm Chuyển Pháp Luân

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT KINH

HOẰNG ĐẠO QUẢNG HIỂN TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM BẢY

PHẨM CHUYỂN PHÁP LUÂN  

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Thái Tử: Lại nữa, này các Hiền Giả! Sao gọi là Bồ Tát chuyển?

Nếu có hiển bày Tượng Pháp như vậy, vị ấy thích nói câu nghĩa, thọ trì không quên để tu hành. Nếu các hữu tình không phát ý đại bi, vì hưng Phổ Trí, tùy thuận mong ước mọi người, nên mới thuyết pháp rộng rãi tuyên bố, chí không mệt mỏi, vất bỏ lợi dưỡng, khuyến niệm thuận thời, thọ trì gìn giữ. Ðó gọi là Bồ Tát chuyển pháp luân.

Lại nữa, nếu Đức Như Lai đã chuyển pháp luân, nhưng pháp luân của Ngài, hành tượng nhập đức, phân tích trình bày, không dùng khởi pháp cũng không diệt pháp, không dùng hành pháp của kẻ phàm phu hạ liệt, lại cũng không dùng pháp của Hiền Thánh để chuyển pháp luân.

Lại nữa, pháp luân ấy, không đoạn tuyệt nữa chừng, dứt hết thiện ác. Vị ấy nhờ vậy nên pháp luân không bị đoạn tuyệt.

Lại nữa, pháp luân ấy khởi lên do nhân duyên, chẳng khởi, không khởi, nhưng có sự chuyển vận. Vì lý do ấy nên pháp luân không sanh khởi.

Lại nữa, pháp luân ấy, không dùng mắt, sắc, tai, âm thanh, mũi, hương, lưỡi, vị, thân, cánh, tâm pháp, các tình mà chuyển, tùy theo hữu duyên chuyển, vì lý do ấy không có hai luân. Nếu có hai luân thì chẳng phải pháp luân.

Lại nữa, pháp luân ấy cũng không đắm trước. Quá khứ, đương lại, hiện tại mà chuyển. Ðó là không đắm trước luân.

Lại nữa, pháp luân ấy, không do ngã kiến chuyển, cũng không phải do nhân, mạng thọ nơi sở trụ, mà chuyển. Ðó gọi là không chuyển.

Lại nữa, pháp luân ấy, không do thức, hành tướng, diệt niệm mà chuyển. Ðó là vô tướng chuyển.

Lại nữa, pháp luân ấy, không phải mong ước đối với Dục Giới, hình và vô hình giới mà chuyển. Ðó là vô nguyện chuyển.

Lại nữa, pháp luân ấy, không chấp chúng sanh có sai khác mà chuyển. Không trụ nơi hai pháp, đó là pháp phàm nhân và pháp Thánh Giới. Là pháp Thanh Văn, là pháp Duyên Giác. Là pháp Bồ Tát, là pháp của Phật. Vì vậy gọi vị ấy là vô dị chuyển.

Lại nữa, pháp luân ấy không dùng pháp luân hữu trụ mà chuyển. Vì vậy, nên gọi là vô trụ chuyển.

Tên của pháp luân thế nào?

Này Chư Hiền! Vì pháp luân chánh chân chắc thật thường không hủy hoại vậy. Yếu nghĩa của chữ luân bình đẳng ba đời, vì luân không nơi chốn.

Vì các tập kiến xứ do bình đẳng vượt qua, tịch mịch tịnh luân, thân tâm không đắm trước, không thể thấy luân. Vì ý thức xa lìa, nên không có khe hở của luân, không ở nơi ngũ đạo, xét kẻ về luân. Không có Chân Đế hiển hiện.

luân của sự thực hành tín tâm, bình đẳng giáo hóa chúng sanh, vì không lừa dối vậy. Luân bất khả tận, vì danh tự mà vô tự vậy. Luân của pháp tánh, bởi vì các pháp đều nương pháp tánh vậy. Luân chứa Chân Đế, vốn không chứa vậy.

luân hoàn toàn không, như bổn vô vậy. Không có luân làm ra, vì không có niệm lậu hoặc. Luân vô số vì dẫn đến chí Thánh. Luân như hư không, vì thấy rõ bên trong. Luân vô tướng, vì không niệm bên ngoài. Luân bất khả đắc, tu để vượt qua.

Lại nữa, này các Hiền Giả! Ðức Như Lai dùng pháp luân này, chuyển vận các ý hành của chúng sanh. Chuyển mà không chuyển. Nó là bất khả đắc, vì pháp không có cái để xả.

Bấy giờ Đức Thế Tôn khi thuyết phẩm chuyển pháp luân này, Thiên, Long, Quỷ, người và các loại thần trong lòng hân hoan sung sướng, phát ra ánh sáng, tán dương pháp ấy của Đức Như Lai.

Ðồng thanh khen rằng: Lành thay Thế Tôn! Thật là khó gặp, Như Lai thị hiện, chuyển nói pháp luân này. Người nghe phụng hành thì phù hợp với pháp luân. Pháp tên gọi là Chuyển hư không luân. Các Đức Phật quá khứ và đương lai cùng Phật hiện tại đều thờ pháp này mà thành. Nếu ai có lòng tin thì sẽ được độ thoát.

Các ngươi thực hành pháp này, ta nói ngang bằng với Thế Tôn. Ta sẽ thay họ khuyến trợ cho các chúng sanh, để họ hưng khởi tâm này, muốn nghe phẩm pháp luân này. Người nghe nên cầu đạo yếu hạnh này, họ cũng không lâu được chuyển pháp luân.

Bấy giờ trong chúng nghe Đức Phật thuyết như vậy, có một vạn Thiên Tử đều phát đạo ý Vô Thượng Chánh Chân, năm ngàn Bồ Tát mau được pháp nhẫn.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo các vị Hiền Giả ấy rằng: Lại nữa này các Chánh Sĩ! Ai hộ chánh pháp, thọ trì chánh pháp, làm chánh pháp lớn mạnh, đó gọi là Hộ Pháp.

Vì sao?

Vì đối với vị hành giả ấy vĩnh viễn không bị hủy diệt, dù trời hay người đời, trọn không thể địch nổi vị ấy.

Bấy giờ Vô Ưu đến trước bạch Đức Phật: Lại nữa, thưa Thế Tôn! Nếu vị Chánh Sĩ ấy dùng pháp như vậy mà được thành tối giác.

Vậy vị vốn không có mê hoặc chăng?

Lại nữa hình tượng các Chánh Sĩ như vậy, nên cùng nhau ủng hộ. Sở dĩ ủng hộ là khiến cho các vị Chánh Sĩ ấy mau phù hợp với pháp Đại Thừa này, các vị ấy đều hành như vậy được chuyển pháp luân. Lại hay có thể biết được pháp đại minh.

Cho nên thưa Thế Tôn, Ngài mới vì những người ấy dạy yếu pháp chính là ủng hộ họ, khiến cho họ phát Đại Thừa. Vì để hộ họ, khiến họ phát Đại Thừa. Vì để hộ hộ cho Pháp Sư an lạc, kính lễ, thuận nghe giới cấm.

Bấy giờ Đức Thế Tôn khen ngợi con của Long Vương là vô ưu rằng: Lành thay! Lành thay! Này Chánh Sĩ vô Ưu! Các người phát Đại Thừa, vì các Pháp Sư, cho nên an tâm ủng hộ. Ðó gọi là hộ pháp. Vì các Pháp Sư làm chánh pháp lớn mạnh, hộ trì chánh pháp.

Lại nữa, này vô Ưu! Người hộ chánh pháp có mười công đức.

Những gì là mười?

Ðó là: Không có tự đại, hàng phục cống cao, thực hành cung kính, không có hạnh dối trá, siêng suy nghĩ, yêu thích pháp chí ưa tập theo pháp, chuyên ý tùy pháp, lành quán nơi pháp, ưa thích thuyết pháp, thích tu hành pháp, đến nơi nào cũng tùy thuận thuyết pháp. Ðó là mười hạnh nhờ hộ chánh pháp. Lại nữa này Vô Ưu, có mười việc phụng sự để hộ chánh pháp.

Những gì là mười?

Nếu Tộc Tánh Tử và tộc tánh nữ được nhe Pháp Sư đến, từ xa lễ bái, suy nghĩ ưa thích được phụng sự, Pháp Sư đến, liền kính yêu, cung cấp những nhu cầu ẩm thực, hộ trờ các việc, đi đến đâu cũng khiêm kính, thuận nghe theo lời Pháp Sư dạy để nói cho người đồng học, ngăn chặn người nói xấu, thường thích xưng tán, làm cho tiếng tốt của Pháp Sư được lan xa. Ðó là mười việc phụng sự để hộ chánh pháp.

Lại nữa, này vô Ưu! Có bốn điều cần thi hành để hộ chánh pháp.

Những gì là bốn?

Dùng bút mực lụa trắng cung cấp cho Pháp Sư, dùng y phục ẩm thực, giường nằm thuốc men cúng dường Chúng Tăng, nếu theo Pháp Sư để nghe thuyết pháp, dùng tâm không dối trá để ngen ngợi, nghe rồi thọ trì, rộng nói cho người khác. Ðó là bốn việc cần thi hành để hộ trì chánh pháp.

Lại nữa, này vô Ưu! Có bốn việc tinh tấn để hộ trì chánh pháp.

Những gì là bốn?

Ðó là cầu pháp tinh tấn, siêng rộng thuyết pháp, kính lễ Pháp Sư. Nếu có người hủy báng pháp, dùng chánh pháp và sự tinh tấn để hàng phục họ. Ðó là bốn sự tinh tấn để hộ trì chánh pháp.

Bấy giờ năm trăm Thái Tử của A Nậu Ðạt nghe Đức Phật dạy như vậy, vui mừng hân hoan, ưa, thích vô lượng, đồng thanh thưa rằng: Những điều Đức Như Lai đã dạy thất hay không gì bằng, đã giải trừ các hồ nghi của chúng con.

Chúng con đều dùng cung điện và quan thuộc của mình dâng lên Đức Phật, cung cấp những vật cần dùng, dùng tâm kính thuận để thưa lại rằng: Từ nay Đức Thế Tôn, ân cần thọ hóa, mãi không mệt mỏi, cho đến Đức Như Lai sau khi đã nhập vô vi. Ðiều Đức Phật đã dạy là biểu tượng của pháp báu. Chúng con phải cùng nhau kính thọ Phẩm Kinh quan trọng này, cầu mong thông đạt, khuyên nhau có gắng tu hành.

Vì vậy thưa Thế Tôn! Chúng con xin hết lòng chí nguyện. Lại nữa, nếu sau khi Đức Như Lai đã nhập vô vi, chúng con đối với đức Thánh Tôn, ở tại đất nước mình, cùng nhau đồng tâm cúng dường Xá Lợi, hộ trì phụng thờ, lễ kính đến lúc không hiện hữu.

Bấy giờ Hiền Giả Ca Diếp, bậc Kỳ túc, bảo các Thái Tử: Này các Hiền Giả, như chư vị nói là chỉ riêng mình quí vị muốn được cúng dường thân thần Xá Lợi của Đức Như Lai. Những lời nói của quý vị làm mất các gốc đức của chúng sanh, ngăn che sự thanh tịnh sáng suốt, làm mờ đạo chí hóa, nên mới nói như vậy.

Vì sao?

Vì Đức Như Lai vốn đã phát nguyện, khiến lưu bố Xá Lợi giống như hát cải, vì các chúng sanh, rủ lòng đại bi, cao quý vị lại muốn cúng dường một mình?

Các Chánh Sĩ ấy liền trả lời Hiền Giả Đại Ca Diếp: Thưa Tôn Giả Ca Diếp! Ngài đừng dùng trí hữu hạn của Thanh Văn mà hạn chế trí huệ minh đạt vô cùng sâu xa của Đức Như Lai.

Vì sao vậy?

Nếu Đức Như Lai có Phổ Trí tâm, thấy tất cả nơi, Ngài dùng thần túc, cảm động biến hóa.

Nếu Ngài khởi niệm có thể khiến cho các cung điện của Thiên, Long, Quỷ Thần ở ba ngàn Đại Thiên Thế Giới đều có thể hoàn toàn an trí Xá Lợi của Phật, khiến cho ai nấy cũng đều nghĩ rằng: Riêng ta cúng dường Xá Lợi của Đức Như Lai, người khác thì không được.

Lại nữa này Tôn Giả Ca Diếp! Nếu như Đức Thế Tôn sau khi nhập vô vi, tùy tâm chúng sanh cung trí Xá Lợi.

Lại nữa, thưa Tôn Giả Ca Diếp! Nếu Đức Như Lai ở nơi Trời A Ca Nị Tra để lại Xá Lợi, giống như hạt cải, có thể làm cho ánh sáng chiếu khắp Cõi Trời ấy. Ðó là năng lượng cảm động, oai thần biến hóa của Đức Thế Tôn vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần