Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc - Kinh Phạm Chí Mãnh Quán

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH NGHĨA TÚC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

KINH PHẠM CHÍ MÃNH QUÁN  

Nghe như vậy!

 Đức Phật trụ dưới một cội cây tại thành Ca Duy La Vệ thuộc vương thổ họ Thích cùng với năm trăm vị Tỳ Kheo đều là bậc A La Hán, đã cất gánh nặng xuống, văn nghĩa đều thông suốt, không còn phải thọ thân sau.

Bấy giờ từ mười phương Thế Giới, các vị Trời có sức thần diệu cùng vân tập xuống, đến chỗ Đức Phật mong được diện kiến Đức Thế Tôn và chư vị Tỳ Kheo Tăng.

Bốn vị Phạm thiên vương cùng bảo với Thiên Chúng: Các vị sơ học nên biết, Đức Phật đang trụ dưới một cội cây tại thành Ca Duy La Vệ thuộc vương thổ dòng họ Thích cùng với năm trăm vị A La Hán và có cả các vị Trời có sức thần diệu ở mười phương Thế Giới cùng đến để lễ Phật, muốn được chiêm ngưỡng uy thần của Đức Thế Tôn và chư vị Tỳ Kheo. Nay sao ta lại không đến đó để chiêm ngưỡng uy thần của Ngài.

Bốn vị Thiên Vương liền cùng Thiên Chúng ở Cõi Trời thứ bảy bay xuống, trong khoảng thời gian một người co duỗi cánh tay đã đến gần bên cạnh Đức Thế Tôn. Tất cả các vị Trời đều đến đảnh lễ Đức Phật và chư Tỳ Kheo, rồi mỗi vị đều ngồi xuống.

Vị Phạm thiên vương thứ nhất ngồi trên tòa nói kệ:

Nay hội lớn ở giữa rừng

Chư Thiên chiêm bái Thế Tôn

Con nay đến để nghe pháp

Và mong gặp chúng Ứng chân.

Vị Phạm thiên thứ hai cũng ngồi trên tòa nói kệ:

Học chúng này nên nhiếp ý

Học và hành theo chánh hạnh

Như xa phu khéo giữ cương

Phòng hộ mắt, tâm tỉnh giác.

Vị Phạm thiên thứ ba ngồi trên tòa nói kệ:

Tận lực đoạn bảy niệm tà

Tâm định tĩnh như gang sắt

Ý quán tịnh, xả cấu trần

Tuệ nhãn sàng, tâm thông suốt.

Vị Phạm Thiên thứ tư ngồi trên tòa nói kệ:

Dốc lòng quy mạng Thế Tôn

Chết không sinh theo tà ám

Xả thân người sau chuyển sinh

Được thân Trời lìa tai hoạn.

Lúc đó, có một vị Phạm Chí tên Mãnh Quán ngồi một chỗ trong đại chúng sinh tâm nghi các lời ấy. Đức Phật biết ý niệm nghi ngờ của Phạm Chí Mãnh Quán nên hiện ra một Đức Hóa Phật, dung tướng đẹp đẽ tuyệt trần, mọi người thấy qua đều hoan hỷ.

Ngài có ba mươi hai tướng của Bậc Đại Nhân, thân tỏa ra ánh sáng màu hoàng kim, vận đại y, trên y cũng tỏa ánh sáng như thế.

Đức Phật Hóa than hướng về Đức Phật chắp tay nói kệ khen:

Ai mong hiểu việc, cần biết

Muốn Thắng Tuệ nên tự thuyết

Người nắm rõ được pháp này

Cầu chánh hạnh, đừng hiểu sai.

Chấp như vậy sinh tranh cãi

Cho người mê, ta tuệ sáng

Bình đẳng thuyết lời thật tâm

Tất cả là lời thiện thuyết.

Không hiểu rõ pháp hữu, vô

Mê, vô tuệ, không trí sáng

Đều khổ, mê, xa tuệ rạng

Các niệm tâm đều u ám.

Bỏ niệm chấp, hành theo đó

Tuệ được tịnh, ý thiện lành,

Lầm chấp đó, tuệ suy giảm

Mọi chấp trước cần lắng tịnh.

Không chấp ngã là tối thắng

Chuyển tâm si, không bị buộc

Điều tự thấy cho chánh chân

Thân tự si, thêm ngã chấp,

Tự nói pháp độ vô cùng

Tự thân không, tham trộm lấy

Tám niệm si mãi chuyển xoay

Học điều gì cũng vô lý.

Tuệ quán suốt hữu và vô

Rõ chân lý không ngược đổi

Theo tư ý, chưa đạt lý

Nên học mãi vẫn lặng câm.

Đạt không nói là pháp gì?

Ai là bậc thuyết lý chân?

Cần theo gì đạt viên lý?

Từ đâu khởi ý thức sinh?

Tâm chưa thoát sao nói thoát?

Từ dị tưởng khởi phân suy

Mắt thấy cảnh liền bị trói

Thức dối lừa chấp thành hai.

Nghe, thấy chỉ bởi ý hành

Đắm dục, thức tạo tranh chấp

Ngưng thẩm suy phải quán gì?

Do si ấy càng chấp thủ.

Đã si mê sao thuyết lý?

Người thuyết lý nên tuệ rạng

Ta cũng tự thuyết thiện pháp

Tranh công người oán liền sinh.

Mãi tà kiến theo lầm thầy

Trí tà ác luôn lôi kéo

Thường phỉ báng không ngừng nghỉ:

Ta trì giới luôn quang minh.

Thấy chân lý, tà không thẹn

Có tự thẹn, trí sáng hiện.

Mọi chấp trí do phân biệt

Lòng si mê không trí hạnh:

Ta theo đế nên tuyên thuyết

Khiến mọi người tự tịnh pháp.

Chấp theo đó bị loạn tâm

Do niệm ấy khổ, ô nhiễm

Theo dị hành được hiểu tịnh

Tuy như thế không toàn thịnh.

Chúng dị học nghe ngồi an

Lòng tham, ngã thêm kiên cố

Tự ngã nặng nên phòng tham

Có si mê, nào được thuyết.

Tùy lời thuyết chưa tịnh thanh

Nhưng độ người thành pháp diệu

Đạt lý rồi giảng tự tại

Dù cõi trần đầy loạn suy

Rời tất cả không khởi niệm

Không diệu ngữ vẫn tuyên thuyết.

Phật Thuyết Kinh Nghĩa Túc này xong, các Tỳ Kheo đều hoan hỷ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần