Phật Thuyết Kinh Khởi Thế - Phẩm Tám - Phẩm Tam Thập Tam Thiên - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT KINH KHỞI THẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẨM TÁM

PHẨM TAM THẬP TAM THIÊN  

TẬP HAI  

Trong bốn vườn Hoan Hỷ… ấy, mỗi vườn đều có ba luồng gió, đó là khai, tịnh và xuy… như trước… mở cửa, làm cho sạch đất và thổi tung các hoa… Chư Tỳ Kheo, trong các vườn ấy, gió thổi hoa bay rải khắp mặt đất, dày ngập đến gối, hương thơm hoa ấy xông tỏa nơi nơi.

Trời Đế Thích cùng với các Tiểu Thiên Vương và chúng Trời Ba Mươi Ba vây quanh sau trước đi vào các vườn Tạp Sắc Xa, Hoan Hỷ… vui chơi, tận hưởng mọi sự vui thú, tùy ý dạo chơi, hoặc ngồi, hoặc nằm.

Trời Đế Thích muốn có chuỗi Anh Lạc liền nghĩ đến Thiên Tử Tỳ Thủ Yết Ma. Lúc đó vị Thiên Tử ấy liền biến ra các loại Anh Lạc báu dâng lên Thiên Vương. Nếu Trời Ba Mươi Ba và các quyến thuộc, vị nào muốn có chuỗi Anh Lạc, Tỳ Thủ Yết Ma cũng đều biến hóa ra để cung cấp. Ai muốn nghe âm thanh kỹ nhạc thì có các loài chim hót phát ra âm thanh.

Âm thanh ấy luôn dịu dàng, hòa nhã khiến Chư Thiên ưa nghe. Bấy giờ Chư Thiên tận hưởng mọi sự vui thú như vậy trong một ngày cho đến bảy ngày, một tháng cho đến ba tháng, đủ các thứ dạo chơi, tắm rửa, vui đùa, đi đứng, ngồi nằm ung dung, thỏa thích.

Chư Tỳ Kheo, Vua Trời Đế Thích có mười vị Thiên Tử luôn theo hộ vệ: Vị thứ nhất tên Nhân Đà La Ca, vị thứ hai tên Cù Ba Ca, vị thứ ba tên Tần Đầu Ca, vị thứ tư tên Tần Đầu Bà Ca, vị thứ năm tên A Cu Tra Ca, vị thứ sáu tên Tra Đô Đa Ca, vị thứ bảy tên Thời Bà Ca, vị thứ tám tên Hồ Lô Kỳ Na, vị thứ chín tên Nan Trà Ca, vị thứ mười tên Hồ Lô Bà Ca. Chư Tỳ Kheo, Vua Trời Đế Thích có mười vị Thiên Tử như vậy thường theo hai bên để hộ vệ chẳng hề rời xa.

Chư Tỳ Kheo, cõi Diêm Phù Đề, vì tất cả mọi người nên có các loài hoa sinh ra từ nước hết sức tinh khiết, đẹp đẽ, cực kỳ dễ ưa. Đó là hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Mâu Đầu, hoa Bôn Trà Lợi. Các loại hoa này thơm ngát, mềm mại, đẹp đẽ.

Có các loại hoa sinh từ đất liền cực kỳ đẹp đẽ là hoa Đề Mục Đa Ca, hoa Chiêm Bà Ca, hoa Ba Tra La, hoa Tô Ma Na, hoa Bà Lợi Sư Ca, hoa Ma Lợi Ca, hoa Ma Đầu Kiền Đề Ca, hoa Tao Kiền Đề Ca, hoa Du Đề Ca, hoa Thù Đê Sa Ca Lợi Ca, hoa Đà Nô Sa Ca Nị Ca…

Chư Tỳ Kheo, người ở cõi Cù Đà Ni có các thứ hoa sinh từ nước cực kỳ xinh đẹp như hoa Câu Mâu Đầu, hoa Bôn Trà Lợi Ca, hương thơm ngào ngạt xông khắp mọi nơi. Có hoa sinh nơi đất, cực kỳ xinh đẹp là hoa A Đề Mục Đa Ca, hoa Chiêm Ba Ca, hoa Ba Tra La, hoa Tô Ma Na, hoa Bà Lợi Sư Ca, hoa Ma Lợi Ca, hoa Ma Đầu Kiền Đề Ca, hoa Tao Kiền Đề Ca, hoa Du Đề Ca, hoa Thù Đê Sa Ca Lợi Ca, hoa Đà Nô Sa Ca Nị Ca…

Chư Tỳ Kheo, người ở cõi Phất Bà Đề có các loài hoa sinh từ nước hết sức tươi đẹp là hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Mâu Đầu, hoa Bôn Trà Lợi Ca, màu sắc thật tươi sáng, trong lành, hương thơm ngào ngạt. Có các thứ hoa sinh từ đất cực kỳ xinh đẹp là hoa A Đề Mục Đa Ca, hoa Chiêm Ba Ca, hoa Ba Tra La, hoa Tô Ma Na, hoa Bà Lợi Sư Ca, hoa Ma Lợi Ca, hoa Ma Đầu Kiền Đề Ca, hoa Tao Kiền Đề Ca, hoa Du Đề Ca, hoa Thù Đê Sa Ca Lợi Ca, hoa Đà Nô Sa Ca Nị Ca…

Chư Tỳ Kheo, người ở cõi Uất Đơn Việt, có các loài hoa sinh từ nước vô cùng tươi đẹp, đó là hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Mâu Đầu, hoa Bôn Trà Lợi Ca, hương thơm êm dịu, xông tỏa khắp chốn. Có các thứ hóa sinh từ đất, cực kỳ đẹp tươi là hoa A Đề Mục Đa Ca, hoa Chiêm Ba Ca, hoa Ba Tra La, hoa Tô Ma Na, hoa Bà Lợi Sư Ca, hoa Ma Lợi Ca, hoa Ma Đầu Kiền Đề Ca, hoa Tao Kiền Đề Ca, hoa Du Đề Ca, hoa Thù Đê Sa Ca Lợi Ca, hoa Đà Nô Sa Ca Nị Ca…

Chư Tỳ Kheo, nơi ở của tất cả loài Rồng và Kim Sí Điểu đều có các loài hoa sinh ra từ trong nước cực kỳ xinh đẹp là hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Mâu Đầu, hoa Bôn Trà Lợi Ca, hương thơm lan tỏa, êm dịu tuyệt vời.

Có các thứ hoa sinh ra nơi đất liền cực kỳ xinh đẹp là hoa A Đề Mục Đa Ca, hoa Chiêm Bà Na, hoa Ba Tra La, hoa Tô Ma Na, hoa Bà Lợi Sư Ca, hoa Ma Lợi Ca, hoa Ma Đầu Kiền Đề Ca, hoa Tao Kiền Đề Ca, hoa Du Đề Ca, hoa Thù Đê Sa Ca Lợi Ca, hoa Yết Ca La Lợi Ca, hoa Ma Ha Yết Ca La Lợi Ca…

Chư Tỳ Kheo, loài A Tu La cũng có các loài hoa sinh từ trong nước cực kỳ xinh đẹp là hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Mâu Đầu, hoa Bôn Trà Lợi Ca, hương thơm xông khắp, rất dễ ưa thích.

Có các thứ hoa sinh ra nơi đất liền cực kỳ xinh đẹp là hoa A Đề Mục Đa Ca, hoa Chiêm Ba Ca, hoa Ba Tra La, hoa Tô Ma Na, hoa Bà Lợi Sư Ca, hoa Ma Lợi Ca, hoa Ma Đầu Kiền Đề Ca, hoa Tao Kiền Đề Ca, hoa Du Đề Ca, hoa Thù Đê Sa Ca Lợi Ca, hoa Đà Nô Sư Ca, hoa Yết Ca La Lợi Ca, hoa Ma Ha Yết Ca La Lợi Ca, hoa Tần Lân Đàm, hoa Ma Ha Tần Lân Đàm, hoa Mạn Đà La Phạm, hoa Ma Ha Mạn Đà La Phạm…

Chư Tỳ Kheo, Chư Thiên của Cõi Trời Tứ Thiên Vương có các thứ hoa sinh từ trong nước cực kỳ đẹp đẽ, rất dễ ưa thích là hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Mâu Đầu, hoa Bôn Trà Lợi Ca, mùi hương rất thơm, chất rất mềm mại.

Có các thứ hoa sinh từ nơi đất liền xinh đẹp tuyệt vời là hoa A Đề Mục Đa Ca, hoa Chiêm Ba Ca, hoa Ba Tra La, hoa Tô Ma Ca, hoa Bà Lợi Sư Ca, hoa Ma Lợi Ca, hoa Mađầu Kiền Đề Ca, hoa Tao Kiền Đề Ca, hoa Du Đề Ca, hoa Thù Đê Sa Ca Lợi Ca, hoa Đà Nô Sa Ca, hoa Yết Ca La Lợi Ca, hoa Ma Ha Yết Ca La Lợi Ca, hoa Tần Lân Đàm, hoa Ma Ha Tần Lân Đàm…

Chư Tỳ Kheo, Trời Ba Mươi Ba có các loại hoa sinh từ trong nước cực kỳ xinh đẹp, rất dễ ưa thích là hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Mâu Đầu, hoa Bôn Trà Lợi Ca, mùi hương thơm dịu, thân rất mềm mại.

Có các thứ hoa sinh từ nơi đất liền xinh đẹp tuyệt vời là hoa A Đề Mục Đa Ca, hoa Chiêm Ba Ca, hoa Ba Tra La, hoa Tô Ma Na, hoa Bà Lợi Sư Ca, hoa Ma Lợi Ca, hoa Ma Đầu Kiền Đề Ca, hoa Tao Kiền Đề Ca, hoa Du Đề Ca, hoa Thù Đê Sa Ca Lợi Ca, hoa Đà Nôsa Ca Lợi Ca, hoa Yết Ca La Lợi Ca, hoa Ma Ha Yết Ca La Lợi Ca, hoa Tần Lân Đàm, hoa Ma Ha Tần Lân Đàm, hoa Mạn Đà La Phạm, hoa Ma Ha Mạn Đà La Phạm…

Giống như Trời Ba Mươi Ba có các thứ hoa, các Cõi Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất Đà, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại, Trời Ma Thân… cũng có tất cả các loại hoa theo thứ lớp như vậy, không có sai khác.

Chư Tỳ Kheo, các loài hoa ở nhân gian có bảy màu. Đó là màu lửa tỏa ánh sáng lửa, màu vàng ròng tỏa ánh sáng vàng ròng, màu xanh tỏa ánh sáng xanh, màu đỏ tỏa ánh sáng đỏ, màu trắng tỏa ánh sáng trắng, màu vàng tỏa ánh sáng vàng, màu đen tỏa ánh sáng đen, ví như màu sắc thường hiện của Ma phạm.

Chư Tỳ Kheo, nhân gian có các loài hoa với bảy màu ấy, A Tu La cũng có các loài hoa với bảy màu như vậy. Tất cả Thiên Chúng cũng lại có bảy loại màu sắc ánh sáng ấy, ví như màu sắc thường hiện của Ma phạm.

Chư Tỳ Kheo, tất cả Chư Thiên có mười pháp cá biệt. Chư Tỳ Kheo, một là khi Chư Thiên đi, tới lui không giới hạn.

Hai là khi Chư Thiên đi, tới lui không bị chướng ngại.

Ba là khi Chư Thiên đi, không có mau chậm.

Bốn là khi Chư Thiên đi không có dấu chân.

Năm là thể lực của Chư Thiên không có bệnh hoạn.

Sáu là thân của Chư Thiên có hình không bóng, bảy là tất cả Chư Thiên không đại tiểu tiện.

Tám là tất cả Chư Thiên không có hỉ mũi, khạc nhổ.

Chín là thân của Chư Thiên trong sạch vi diệu, không da thịt, gân mạch, mỡ máu, xương tủy.

Mười là thân của Chư Thiên tùy theo ý muốn hiện ra cao thấp, xanh, vàng, đỏ, trắng, lớn nhỏ, thô tế đều được, tất cả đều đẹp đẽ trang nghiêm tuyệt vời, khiến người ưa thích.

Thân của tất cả Chư Thiên đều có mười đặc tính bất khả tư nghì như vậy.

Chư Tỳ Kheo, lại nữa, thân của Chư Thiên đầy đặn to lớn, răng trắng vuông kín, tóc xanh đều đặc, mềm mại, óng ả, thân có ánh sáng và thần lực, bay đi trên không, mắt nhìn không chớp, có chuỗi báu Anh lạc tự nhiên, y phục không cáu bẩn.

Chư Tỳ Kheo, người ở cõi Diêm Phù Đề thọ mạng trăm năm, trong đó có người chết yểu. Người ở cõi Cù Đà Ni thọ mạng hai trăm tuổi, cũng có người chết yểu. Người ở cõi Phất Bà Đề thọ mạng ba trăm tuổi, cũng có người chết yểu.

Người ở cõi Uất Đơn Việt thọ mạng nhất định là một ngàn năm, không có người chết yểu. Các chúng sanh ở cõi Diêm Ma La, thọ bảy vạn hai ngàn năm, cũng có người chết yểu. Các Rồng và Kim Sí Điểu, thọ mạng một kiếp, cũng có chết yểu.

Các A Tu La thọ mạng một nghìn tuổi bằng với Trời Ba Mươi Ba nhưng cũng có chết yểu. Trời Tứ Thiên Vương thọ năm trăm tuổi, cũng có chết yểu.

Trời Ba Mươi Ba thọ một ngàn tuổi, Chư Thiên Dạ Ma thọ hai ngàn tuổi, Trời Đâu Suất Đà thọ bốn ngàn tuổi, Chư Thiên Hóa Lạc thọ tám ngàn tuổi, Trời Tha Hóa Tự Tại thọ một vạn sáu ngàn tuổi, Trời Ma Thân thọ ba vạn hai ngàn tuổi.

Trời Phạm Thiên thọ một kiếp, Trời Quang Ức Niệm thọ hai kiếp, Chư Thiên Biến Tịnh thọ bốn kiếp, Chư Thiên Quảng Quả thọ tám kiếp, Chư Thiên Vô Tưởng thọ mười sáu kiếp, Chư Thiên Bất Thô thọ một ngàn kiếp, Chư Thiên Vô Não thọ hai ngàn kiếp.

Chư Thiên Thiện Kiến thọ ba ngàn kiếp, Chư Thiên Thiện Hiện thọ bốn ngàn kiếp, Trời Sắc cứu cánh thọ năm ngàn kiếp, Trời Hư không xứ thọ mười ngàn kiếp, Trời Thức Xứ thọ hai vạn một ngàn kiếp, Trời Vô Sở Hữu Xứ thọ bốn vạn hai ngàn kiếp, Trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ thọ tám vạn bốn ngàn kiếp, Chư Thiên ấy đều có sự chết yểu.

Chư Tỳ Kheo, người ở cõi Diêm Phù Đề, thân cao ba khuỷu rưỡi tay, áo dài bảy khuỷu tay, rộng ba khuỷu rưỡi tay. Người ở cõi Cù Đà Ni, người ở cõi Phất Bà Đề, thân và áo bằng với người ở cõi Diêm Phù.

Người cõi Uất Đơn Việt, thân cao bảy khuỷu tay, áo dài mười bốn khuỷu tay, phần trên và phần dưới bảy khuỷu tay. Thân A Tu La cao một do tuần, áo dài hai do tuần, rộng một do tuần, nặng nửa lạng. Trời Tứ Thiên Vương thân cao nửa do tuần, áo dài một dotuần, rộng nửa do tuần, nặng một lạng.

Trời Ba Mươi Ba, thân cao một do tuần, áo dài hai do tuần, rộng một do tuần, nặng nửa lạng. Trời Dạ Ma, thân cao hai do tuần, áo dài bốn do tuần, rộng hai dotuần, nặng một phần tư lạng.

Trời Đâu Suất Đà, thân cao bốn dotuần, áo dài tám do tuần, rộng bốn do tuần, nặng một phần tám lạng. Trời Hóa Lạc, thân cao tám do tuần, áo dài mười sáu do tuần, rộng tám do tuần, nặng một phần mười sáu lạng.

Trời Tha Hóa Tự Tại, thân cao mười sáu do tuần, áo dài ba mươi hai do tuần, rộng mười sáu do tuần, nặng một phần ba mươi hai lạng. Chư Thiên Ma Thân, thân cao ba mươi hai do tuần, áo dài sáu mươi bốn do tuần, rộng ba mươi hai do tuần, nặng một phần sáu mươi bốn lạng. Chư Thiên từ đây trở lên, độ cao thấp của thân và áo bằng nhau không khác.

Chư Tỳ Kheo, người ở cõi Diêm Phù Đề có chợ, hoặc dùng tiền, vật báu, hoặc dùng ngũ cốc, lụa, hoặc dùng súc vật để trao đổi. Người ở cõi Cù Đà Ni có chợ, hoặc dùng trâu dê, hoặc dùng ngọc báu Ma ni để trao đổi. Người cõi Phất Bà Đề có chợ, hoặc dùng của cải, lụa, hoặc dùng ngũ cốc, hoặc dùng ngọc báu Ma ni để trao đổi. Người ở cõi Uất Đơn Việt không có chợ để trao đổi, theo nhu cầu tự nhiên có.

Chư Tỳ Kheo, người ở cõi Diêm Phù Đề, người ở cõi Cù Đà Ni, người ở cõi Phất Bà Đề đều có phép dựng vợ gả chồng giữa nam và nữ. Người cõi Uất Đơn Việt không có ngã và đối tượng của ngã, cành cây nếu rũ xuống, nam nữ bèn giao hợp, không có việc hôn phối.

Chư Tỳ Kheo, các Rồng, Kim Sí Điểu, A Tu La… đều có hôn phối, pháp thức giữa nam nữ, đại khái như nhân gian. Trời Tứ Thiên Vương, Trời Ba Mươi Ba, Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất Đà, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại, Trời Ma Thân… đều có hôn phối… như trên. Từ Cõi Trời này trở lên, không có hôn phối, vì không có sự khác biệt giữa nam nữ.

Chư Tỳ Kheo, người ở cõi Diêm Phù Đề khi hành dục, hai căn giao nhau, lưu xuất bất tịnh. Người ở cõi Cù Đà Ni, người ở Cõi Phất Bà Đề, người ở cõi Uất Đơn Việt cũng đều như vậy. Tất cả các Rồng, Kim Sí Điểu khi hành dục, hai căn cũng giao nhau, nhưng chỉ xuất ra hơi gió, liền đạt được khoái lạc, không có bất tịnh.

Các A Tu La, Trời Tứ Thiên Vương, Trời Ba Mươi Ba khi hành dục, căn được khoái lạc cũng xuất ra hơi gió, giống như các Rồng và Kim Sí Điểu không khác.

Chư Thiên Dạ Ma nắm tay thành dục, Trời Đâu Suất Đà nhớ nghĩ nhau thành dục, Chư Thiên Hóa Lạc nhìn kỹ nhau thành dục, Trời Tha Hóa Tự Tại cùng nói chuyện thành dục, Chư Thiên Ma Thân cùng nhìn nhau thành dục, tất cả đều được khoái lạc, xong việc hành dục.

Chư Tỳ Kheo, về ánh sáng ở nhân gian thì ánh sáng của đom đóm không bằng ánh sáng của lửa đèn, ánh sáng của lửa đèn lại không bằng ánh sáng của cây đuốc, ánh sáng của cây đuốc không bằng ánh sáng của đống lửa.

Ánh sáng của đống lửa không bằng ánh sáng của các vì sao, ánh sáng của vì sao không bằng ánh sáng của mặt trăng, ánh sáng của mặt trăng không bằng ánh sáng của mặt trời, ánh sáng của mặt trời chói lọi rực rỡ còn chẳng bằng ánh sáng từ chuỗi báu Anh lạc trên tường vách quanh cung điện của Trời Tứ Thiên Vương.

Ánh sáng của Trời Tứ Thiên Vương lại chẳng bằng ánh sáng của Trời Ba Mươi Ba. Ánh sáng của Trời Ba Mươi Ba lại chẳng bằng ánh sáng từ chuỗi báu Anh lạc trên tường vách của cung điện Chư Thiên Dạ Ma.

Các ánh sáng có trong Trời Dạ Ma chẳng bằng ánh sáng của Trời Đâu Suất Đà. Các ánh sáng của Trời Đâu Suất Đà chẳng bằng ánh sáng của Trời Hóa Lạc. Ánh sáng của Trời Hóa Lạc chẳng bằng ánh sáng của Chư Thiên Tha Hóa Tự Tại.

Ánh sáng của Trời Tha Hóa Tự Tại chẳng bằng ánh sáng của Trời Ma Thân. Ánh sáng từ chuỗi báu Anh lạc trên tường vách cung điện của Chư Thiên Ma Thân so với các Cõi Trời dưới, rất thù thắng tuyệt diệu, đặc biệt không gì vượt qua được.

Chư Tỳ Kheo, tuy nhiên, ánh sáng của Trời Ma Thân này so với ánh sáng của Trời Phạm Thiên lại chẳng bằng. Ánh sáng của Trời Phạm Thiên kia so với ánh sáng của Trời Ức niệm lại chẳng bằng. Ánh sáng của Trời Ức niệm so với ánh sáng của Trời Biến Tịnh thì chẳng bằng.

Trời Biến Tịnh so với Trời Quảng Quả thì chẳng bằng… y như vậy, Trời Vô Não Nhiệt, Trời Thiện Kiến, Trời Thiện Hiện, Trời A Ca Nị Trá… chỉ trừ Anh lạc… ngoài ra đều như trước đã nói, nên biết như vậy.

Chư Tỳ Kheo, ánh sánh có trong thế gian, hoặc của Thế Giới Chư Thiên, hoặc Ma, hoặc Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, người… muốn so với hào quang của Như Lai, A La Ha, Tam Miệu Tam Phật Đà thì dù với số trăm ngàn vạn ức hằng hà sa đi nữa cũng chẳng thể sánh được. Hào quang ấy của Như Lai rất thù thắng tuyệt diệu, đặc biệt bậc nhất.

Vì sao?

Chư Tỳ Kheo, vì thân của Như Lai là giới hạnh vô lượng, thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, thần thông và sự thể hiện thần thông, giáo hóa và sự chuyển biến của giáo hóa, nơi chốn thuyết giảng và sự chuyển biến của nơi chốn thuyết giảng đều vô lượng. Chư Tỳ Kheo, Như Lai có vô lượng công đức như vậy, tất cả các pháp đều đầy đủ. Do ý nghĩa ấy nên hào quang của Như Lai là tối thắng, vô thượng, cần phải hiểu rõ như thế.

Chư Tỳ Kheo, tất cả chúng sanh có bốn thứ thức ăn dùng nuôi các đại để tự tồn tại, có được các hữu, để gồm thâu, thọ nhận.

Một là thô đoàn và vi tế thực, hai là xúc thực, ba là ý tư thực, bốn là thức thực.

Nghĩa là:

1. Ăn bằng thức ăn thô cứng và nhỏ mịn.

2. Ăn bằng sự xúc chạm.

3. Ăn bằng sự tư duy.

4. Ăn bằng thức.

Những chúng sanh nào ăn bằng thức ăn thô cứng và nhỏ mịn?

Chư Tỳ Kheo, người ở cõi Diêm Phù Đề ăn lúa gạo, đậu, cá thịt… những thứ này gọi là thức ăn thô cứng. Đậy che, xoa sờ, tắm rửa lau chùi, phấn sáp thoa chà, những thứ này gọi là thức ăn vi tế.

Người ở cõi Cù Đà Ni, ở cõi Phất Bà Đề, thức ăn thô cứng và vi tế đại khái như người ở cõi Diêm Phù Đề… người ở cõi Uất Đơn Việt, thân không cày cấy, tự nhiên có loại gạo thơm chín làm thức ăn thô cứng, đậy che, tắm rửa và xoa sờ… làm thức ăn vi tế.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần