Phật Thuyết Kinh Kim Cang Tam Muội - Phẩm Sáu - Phẩm Chân Tánh Không

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thi Hộ, Đời Tống

PHẬT THUYẾT

KINH KIM CANG TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống  

PHẨM SÁU

PHẨM CHÂN TÁNH KHÔNG  

Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tu tập đạo Bồ Tát không có danh tướng, ba giới không có oai nghi, làm thế nào để thâu nhận vì chúng sinh nêu giảng?

Xin Đức Phật từ bi giảng rõ cho con.

Đức Phật bảo: Này thiện nam! Ông nên lắng nghe, ta sẽ giảng nói cho ông.

Này thiện nam! Pháp thiện và bất thiện từ tâm mà sinh, tất cả cảnh giới dùng ý nghĩ, lời nói phân biệt, thâu gồm lại một chỗ, đoạn dứt các duyên.

Vì sao?

Này thiện nam! Một gốc không sinh, ba dụng không bỏ, trụ nơi như lý, ngăn cửa của sáu đường, tùy thuận bốn duyên, ba giới đầy đủ.

Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Thế nào là tùy thuận bốn duyên, đầy đủ ba giới?

Đức Phật dạy: Bốn duyên.

1. Tác trạch diệt lực thủ duyên, theo giới nhiep luật nghi.

2. Bản lợi tịch căn lực sở tập khởi duyên, theo giới nhiếp thiện pháp.

3. Bản tuệ đại bi lực duyên, theo giới nhiếp chúng sinh.

4. Nhất giác thông trí lực duyên, tùy thuận nơi như an trụ.

Đó là bốn duyên.

Thiện Nam! Diệu lực của bốn đại duyên này chẳng trụ nơi sự tướng, chẳng phải không có công dụng, xa lìa một xứ thì không thể cầu.

Thiện Nam! Một việc như vậy thâu tóm được sáu hành, là biển nhất thiết trí giác ngộ của Phật.

Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Chẳng trụ nơi sự tướng, chẳng phải không có công dụng, là pháp chân không. Thường, lạc, ngã, tịnh, siêu việt nơi hai ngã, là Đại Bát Niết Bàn, tâm không bị lệ thuộc. Là đại lực quán, trong giác quán ấy gồm đủ ba mươi bảy phẩm trợ đạo.

Đức Phật dạy: Đúng vậy, đầy đủ ba mươi bảy pháp trợ đạo.

Vì sao?

Vì bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chánh đạo…, có nhiều tên gọi nhưng là một nghĩa, chẳng một, chẳng khác. Dùng nhiều tên gọi chỉ là danh tự, vì pháp không thể nắm bắt.

Pháp không thể nắm bắt được ấy không chứng một nghĩa không văn tự, nghĩa của tướng không văn tự là không tánh chân thật, nghĩa của không tánh, là như thật, như như. Lý của như như gồm đủ tất cả các pháp. Thiện nam, người trụ nơi lý như, vượt khỏi biển ba khổ.

Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Tất cả vạn pháp đều là ngôn ngữ văn tự.

Tướng của văn tự, ngôn ngữ tức chẳng phải là nghĩa, vì nghĩa của như thật, thì không thể giảng nói, nay tại sao Như Lai giảng nói pháp?

Đức Phật dạy: Ta thuyết pháp là do các chúng sinh như ông ở nơi sinh tử mà nêu bày, thuyết mà không thể thuyết giảng, đó gọi là thuyết giảng. Chỗ thuyết giảng của ta, ý nghĩa, lời nói chẳng phải là văn tự. Còn chúng sinh nêu bày thì văn tự, ngôn ngữ chẳng phải là ý nghĩa. Chẳng phải là nghĩa của ngôn ngữ vì tất cả đều là không, vô.

Ngôn ngữ của không, vô tức vô ngôn nơi nghĩa. Chẳng phải nghĩa ngôn ngữ vì đều là vọng ngữ. Như nghĩa nơi ngôn ngữ thì thật không chẳng không, không thật chẳng thật, xa lìa nơi hai tướng, trung gian chẳng giữa, pháp không chặng giữa, xa lìa ba tướng, không thấy có nơi chốn.

Như nói về như như, như không hữu vô, không có đối với không, như không hữu vô, có không đối với có, không ở nơi chỗ có hay không, vì thuyết mà không ở nơi thuyết giảng, không ở nơi như, như không có như, chẳng không như thuyết.

Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Tất cả chúng sinh từ nhất xiển đề, tâm của nhất xiển đề trụ ở bậc nào để đạt đến Như Lai, thật tướng của Như Lai?

Đức Phật bảo: Từ tâm của xiển đề cho đến Như Lai, thật tướng của Như Lai trụ trong năm vị:

1. Tín vị: Tín trong thân này là hạt giống của chân như, bị vọng tưởng che lấp. Xa lìa tâm vọng tưởng thì tâm được thanh tịnh, nhận biết các cảnh giới, ý lời phân biệt.

2. Tư vị: Tư là quán xét các cảnh giới, chỉ là ý nghĩ, lời nói. Ý nghĩ, lời nói phân biệt, tùy nơi tâm mà hiện bày, cảnh giới được nhận thấy chẳng phải là thức gốc của ngã. Nhận biết thức gốc này chẳng phải là pháp, chẳng phải là nghĩa, chẳng phải là chủ thể chấp thủ và đối tượng được chấp thủ.

3. Tu vị: Tu là thường khởi có thể dấy khởi, khởi tu đồng một lúc, trước dùng trí dẫn dắt, bỏ các chướng nạn, xa lìa mọi thứ trói buộc, che lấp.

4. Hành vị: Hành là xa lìa các cõi hành, tâm không lấy, bỏ, lợi căn thanh tịnh, tâm như không động, thật tánh quyết định, Đại Bát Niết Bàn chính là tánh lớn lao rỗng lặng.

5. Xả vị: Xả là không trụ nơi tánh không, chánh trí lưu chuyển đại bi như tướng, tướng chẳng trụ nơi như, bồ đề vô thượng, tâm rỗng lặng không chứng, tâm không biên vực, không thấy nơi chốn, là đạt đến chỗ Như Lai.

Năm vị một giác từ bản lợi nhập vào. Nếu giáo hóa chúng sinh thì từ nơi chốn căn bản này.

Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Thế nào là từ nơi bản xứ?

Phật dạy: Xưa nay vốn không gốc, xứ ở nơi chỗ không xứ, nhập vào chỗ không nơi thật tế, phát tâm bồ đề, thành tựu đầy đủ Thánh đạo.

Vì sao?

Này thiện nam! Như đưa tay nắm bắt hư không, không được cũng chẳng phải là không được.

Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Thế Tôn đã dạy, việc làm trước hết là phải giữ lấy bản lợi, là niệm về tịch diệt, tịch diệt như vậy là thâu giữ chung các đức, tất cả vạn pháp viên dung không hai, không thể nghĩ bàn, nên biết pháp này là đại trí tuệ Ba la mật, là Chú Đại Thần, là Chú Đại minh, là Chú Vô thượng, là Chú không gì hơn, không gì có thể so sánh.

Đức Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy! Tánh không của chân như, lửa của trí tánh không đốt cháy tất cả các kết sử, phiền não, bình đẳng, ba địa đẳng giác, ba thân diệu giác, ở trong chín thức, sáng tỏ thanh tịnh, không có các ảnh tượng.

Này thiện nam! Pháp này chẳng phải là nhân, chẳng phải là duyên, trí tự hoạt dụng chẳng phải động tĩnh, diệu dụng nơi tánh không nên nghĩa chẳng phải là có không, vì không có tướng không.

Này thiện nam, nếu giáo hóa chúng sinh nên khiến cho chúng sinh quán nhập vào nghĩa này, người được hội nhập nơi nghĩa ấy là thấy Như Lai.

Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Nghĩa quán của Như Lai không trụ nơi các dong, nên lìa bốn thiền, vượt khỏi Cõi Trời Hữu Đảnh.

Phật bảo: Đúng vậy! Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều là danh số. Bốn thiền cũng như vậy. Nếu người thấy Như Lai, tâm Như Lai tự tại, thường ở trong cõi diệt tận, không xuất cũng không nhập, trong ngoài bình đẳng.

Này thiện nam! Như các thiền quán kia đều là tưởng không định, như ấy chẳng phải trở lại nơi kia.

Vì sao?

Vì dùng như quán xét như, thật chẳng thấy quán, tướng như nơi các tướng là tịch diệt, tịch diệt tức là nghĩa của như. Nếu tưởng về thiền định là động, chẳng phải là thiền.

Vì sao?

Vì tánh của thiền lìa các thứ động, chẳng phải là nhiễm chẳng phải là đối tượng bị nhiễm, chẳng phải là pháp, chẳng phải là hình, lìa các phân biệt.

Này thiện nam! Định quán như vậy mới gọi là thiền.

Tôn Giả Xá Lợi Phất thưa: Thật khó nghĩ bàn! Như Lai thường dùng nghĩa như thật mà giáo hóa chúng sinh, nghĩa thật như vậy thì văn nhiều nghĩa rộng, hạng chúng sinh lợi căn mới có thể tu tập được, hạng chúng sinh căn cơ thấp kém thì khó dùng tâm ý để thực hành.

Dùng phương tiện thế nào để khiến cho hạng chúng sinh độn căn được nhập vào nghĩa chân that này?

Đức Phật dạy: Khiến cho hạng chúng sinh độn căn kia thọ trì một bài kệ bốn câu thì hội nhập được nghĩa thật này. Tất cả pháp Phật đều thâu tóm trong một bài kệ bốn câu.

Tôn Giả Xá Lợi Phất hỏi: Thế nào là một bài kệ bốn câu?

Nguyện xin Phật nói cho!

Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Nghĩa do nhân duyên sinh

Là nghĩa diệt chẳng sinh

Diệt các nghĩa sinh diệt

Là nghĩa sinh không diệt.

Lúc ấy, đại chúng nghe Đức Phật nói kệ này rồi, đều rất hoan hỷ, cùng diệt được các pháp sinh diệt, phát sinh biển trí bát nhã tánh không.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần