Phật Thuyết Kinh Thiền đạt Ma đa La - Phần Mười Bảy - Tu Hành Quán Mười Hai Nhân Duyên

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH THIỀN ĐẠT MA ĐA LA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn  

PHẦN MƯỜI BẢY

TU HÀNH QUÁN MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN  

Đã nói các đối trị và đối tượng được đối trị rồi, sự đối trị ngu si này cần phải phân biệt. Tất cả Chư Phật tuyên thuyết pháp duyên khởi là để diệt trừ sự ngu si và làm phát sinh trí như thật cho tất cả chúng sinh.

Còn pháp sâu xa vi diệu tùy thuận công đức thì nay sẽ lược nói, khiến cho công đức của các vị hành giả càng phát triển mạnh lên. Diệt trừ mọi thứ tối tăm, nên quán sát duyên khởi, tránh xa các tưởng về nhị biên chấp thường và đoạn.

Hành giả phải biết rằng do nhân duyên hòa hợp các pháp hữu vi mới sinh, cần phải hàng phục những kẻ mê lầm theo ngoại đạo, đã dẫn dụ khiến họ thuận theo. Đệ nhất pháp không, mắt tuệ sáng, sạch, diệt trừ vô minh hắc ám.

Hành giả quán sát duyên khởi có bốn thứ: Một là liên phược, hai là lưu chú, ba là phần đoạn, bốn là sát na.

Liên phược có sáu thứ: Một là sinh, hai là phần, ba là thú, bốn là sinh môn, năm là sát na, sáu là thành hoại.

Sinh nghĩa là: Từ tử ấm dần đến trung ấm, trung ấm dần khởi lên sinh ấm. Thân trung ấm của chúng sinh bị vô minh làm hôn loạn, ngu si mờ mịt, tạo ra nghiệp hữu lậu.

Thân trung ấm của chúng sinh thấy nam nữ giao hợp, vì kích tố vô minh làm tăng lên nên sinh tưởng điên đảo. Hoặc sinh tưởng hại, hoặc sinh tưởng luyến ái, muốn cùng với người nữ kết hợp thì đối với người nam, sinh ra tâm hại, sau đấy thấy mình với người nữ giao hợp.

Lúc đó tâm dục say mê, gọi là thân ái khởi, thấy hòa hợp bất tịnh cho là mình có, đây gọi là thân mạn khởi. Nhờ thức ăn của mẹ mà được phát triển, làm cho thân lớn lên, gọi là thân thực khởi. Bốn đại cùng với Ca La La là câu sinh, được báo thân, gọi là thân bon đại khởi, kết nghiệp làm phương tiện đã qua hai chi, thứ lớp thức chủng sinh.

Đây gọi là chủng tử thức, lúc đầu ở Ca La La, tâm ấy chìm đắm một ít nơi chỗ nhận biết nên tri thức không sáng suốt, lanh lẹ, đây gọi là Ca La La sinh đắc. Vì sự nhận biết đã sáng suốt nhạy bén nên gọi là Thức. Đây gọi là sinh của liên phược.

Phần đoạn nghĩa là từ Ca La La tiếp nối khởi lên cục thịt, thành chi tiết lớn chắc, rồi thành em bé, kế đến là thanh niên, suy, già, lần lượt hiện ra. Đây gọi là phần liên phược.

Thú nghĩa là hiện khắp đến các cõi. Hành giả quán sát tướng các nẻo. Đây gọi là Thú Liên Phược.

Sinh môn nghĩa là bốn loài luân hồi liên tục không dứt. Đây gọi là Sinh môn liên phược.

Sát na nghĩa là quán năm ấm, mỗi niệm sinh diệt tương tục, không gián đoạn. Đây gọi là sát na liên phược.

Thành hoại nghĩa là tất cả sự khởi diệt, kiếp số, đầu cuối của Thế Giới, hành giả quán sự thành hoại tương tục ấy gọi là thành hoại của liên phược.

Đó chính là hành giả quán liên phược của duyên khởi.

Lưu chú nghĩa là hành giả quán sát na chuyển đến đát sát na, cho đến la bà na ma hầu lộ đố. Đây gọi là phần lưu chú Ca La La, lưu chú bảy ngày, cục thịt nổi lên rất cứng chắc, mãi cho đến phần suy già. Đây gọi là lưu chú khởi phần, trụ phần, khởi duyên phần, nhập phần, xuất phần, phương tiện phần.

Tất cả chánh thọ, khéo léo lưu chú thứ lớp khởi lên đều gọi là lưu chú. Các nẻo xoay chuyển như vòng lửa xoay tròn, gọi là lưu chú. Tất cả có vô lượng lưu chú như vậy, thế nên hành giả phải quán duyên khởi.

Phần đoạn của lưu chú nghĩa là hành giả quán sát từ phần này đến phần khác cho nên gọi là phần đoạn. Có thể biết như vậy thì mới thành tựu được duyên khởi.

Nói vô minh tăng thượng, cũng giống như người mù không thấy gì cả. Như khối đen lớn rời xa ánh sáng, hoặc ở trước không thấy, hoặc ở sau không thấy, như vậy là mù cả. Nếu trước sau không thấy thì cả hai đều mù.

Nếu lìa được hai thứ mù đó thì bỏ được tối tăm ngu si, thành mắt tuệ sáng, thanh tịnh. Như vậy là ngay cả đến Khổ, Tập, Diệt, Đạo, Phật, Pháp, Tăng, Tam Bảo mà cũng không biết thì đây gọi là mười thứ si. Khi diệt được mười thứ si này thì gọi là mười thứ tuệ.

Đức Phật nói: Vô minh là giống nhân đầu tiên gieo trồng ba thứ nghiệp.

Nếu hành giả không biết lỗi lầm của vô minh tức là gieo trồng ba thứ nghiệp, một khi nghiệp đã khởi rồi thì từ đó sinh ra thức. Các thức như huyễn, mọi thứ đều hiện ra cả. Từ thức tương tục khởi lên danh sắc, nơi một thân kia mà có hai tướng. Ví như vật bị trống rỗng, hư nát, thối rã, bên trong các loài trùng làm cho bên ngoài lay động.

Cũng như loài tằm lúc đầu tạo ra kén, hai tướng danh sắc cũng vậy. Cho đến khi các căn chưa thành thì gọi là hai tướng danh sắc. Còn lúc các căn khai mở thì gọi là lục nhập. Các căn mới mở chưa có cảnh xúc tác, vì ngu si nên đối với xúc không biết thích hợp hay không thích hợp, như giọt mưa nối nhau rơi xuống tạo thành bong bóng nổi lên.

Tình cảm sinh ra xúc cũng như vậy. Cảnh trần bên ngoài chạm mạnh vào thân, làm cho xúc từ bên trong khởi lên. Cũng như dốt đèn là nhờ có đủ dầu mới cháy. Đây gọi là hành giả quán tưởng nơi cảnh giới xúc. Tướng xúc khởi rồi, thứ đến sinh thọ, ví như bọt nước, ba thứ tướng hiện, nếu phân biệt rõ các căn thì có năm thọ.

Thọ khởi rồi kế sinh khát ái. Ví như lưỡi liếm mật dính trên dao, dao ái làm lớn các phiền não, gọi là thủ. Thủ sinh hữu, có ba thứ nghiệp, nghiệp chịu quả nơi vị lai nên gọi là hữu. Chủng đã sinh mà chưa thọ thì gọi là vị lai sinh. Khi sinh đã thành thục nên gọi là lão tử. Khi nói về hai chi nơi vị lai sinh thì tướng sinh phát triển.

Phật dạy: Khi nhận biết về phần thức vị lai sinh, gọi là sinh. Danh sắc, lục nhập, xúc, thọ gọi là lão tử. Ái, thủ, hữu của đời trước hay chiêu tập nghiệp, cho nên nay chịu nghiệp hữu, đối với sinh này là quá khứ. Ái, thủ là phiền não, nên nói là vô minh. Hữu tức là hành, ba chi hiện tại có khả năng gieo chủng tử vị lai. Hai chi quá khứ quay cuồng nơi sinh tử. Vì vô minh che lấp nên chúng sinh bị luân hồi trong đó.

Sự sai biệt của mười hai chi gom: Tám hiện tại, hai quá khứ, hai vị lai. Phân biệt rõ như vậy, hành giả nên biết khi chuyển thì tất cả đều là mười hai.

Lại nữa, có các phần nhân duyên khác, nay sẽ nói. Từ Ca La La phát triển dần thành cục thịt dày chắc, rồi tiến đến là các chi tiết, thành em bé, lớn lên là tráng niên, chuyển sang giai đoạn già, suy, chết, như vậy là mười thứ phần quán sát duyên khởi.

Lại nữa, đối với phần khởi trụ và khởi duyên phương tiện nhập xuất, cho đến tất cả phần còn lại đều quán duyên khởi. Lại nữa, việc này khởi cho nên việc kia khởi. Nghĩa là nhãn đối với sắc trần phát sinh nhãn thức. Ba việc hòa hợp xúc sinh thọ, tưởng và tư. Đây là hành giả quán dị chủng nơi duyên khởi.

Lại nữa, hành giả theo phương tiện quán duyên khởi của các nhập, dùng cảnh giới sáng, sạch, tự xoay về quán các môn nhập. Thấy như vậy rồi, đều quán về xứ của tự tướng, phá các núi nhập với vô lượng tích tụ, lúc này tướng thành thục dấy khởi, hiện bày đầy khắp mười phương tận cùng cảnh giới của trí. Đến đó hành giả quán sát, trí sáng thăng tiến, khéo trụ vào phương tiện thiện xảo, từ đấy mà văn, tư, tu tuệ, tướng thành thục, tướng hại thứ lớp khởi lên. Các nghĩa thăng tiến còn lại như đã nói nơi phần nhập xứ ở trước.

Lại nữa, việc này có nên việc kia có, việc này khởi nên việc kia khởi. Nghĩa là, hành giả quán nội thân hoại rồi quán ngoại sắc, cũng như soi gương nhờ cảnh vật mà bóng hiện ra. Như vậy, khi tướng của chỗ nương dựa khởi thì ngoại tướng cũng khởi.

Lại nữa, hành giả quán các thứ bất tịnh, duyên khởi ấy trước ở nơi phương tiện, buộc niệm cho vững chắc, sau đấy chia từng chi tiết để quán về chỗ duyên khởi của chúng. Khi minh tướng khởi lên thì tướng vô minh liền hoại. Dựa theo xương chân, xương đầu gối, xương háng, xương bả vai, xương cổ, xương đầu, tất cả đều hiện bày khắp mười phương, tướng của nghiệp hữu lậu hiện khắp, ở đưới từng bậc lần lượt khởi lên các tạp tướng bất tịnh.

Lại nữa, hành giả quán bốn nhân hay sinh ra các khổ: Nhân lần lượt mở rộng nhân gần gũi, nhân trùm khắp và nhân không cùng.

Lại nữa, hành giả quán quả là từ nhân sinh, sinh từ nhân hữu, hữu từ nhân thủ, như vậy cho đến hành từ nhân vô minh, hành là quả cũng là nhân, từ nhân suy ra quả cho đến già chết cũng lại như vậy. Nếu từ vô minh mà tìm nhân, thì tất hết sức sợ sệt, mà khởi đoạn kiến. Kẻ tối tăm vô trí dù có sáng đi nữa cũng chỉ lóe lên như ánh đom đóm, như vậy lại vẫn cầu nhân không dừng, chỉ thấy mình gắn chặt với khối hắc ám dày đặc.

Đức Thế Tôn dạy: Chúng sinh do tư duy không đúng, nếu gắn chặt với khổ thì mãi luân chuyển trong sinh tử.

Vì vô minh trói buộc cho nên luôn bị luân chuyển, vô minh là nguồn gốc, còn chỗ tạo tác của các chi khác đều có tướng hiện. Tất cả chi hữu quay vòng thì vô minh là sự chi phối bậc nhất. Sức chi phối đó đối với các chi kia như kẻ nô bộc lệ thuộc ông chủ. Vì thế, đây không nên kia không, đây diệt nên kia không chuyển. Nên biết các chi khác đều nói như vậy.

Tử có bốn thứ: Một là chết dần dần, hai là chết tức thì, ba là chết khi hành dứt, bốn là chết trong từng sát na.

Lại nói có ba thứ vô thường: Một là Sát na vô thường, hai là phần đoạn vô thường, ba là chủng loại vô thường. Hành giả khi đã hiểu rõ về vô thường này thì xa lìa được sự phá hoại của bốn ma vô minh, minh tướng hiển hiện, như đèn sáng xua tan bóng tối, cho đến lão tử diệt. Các minh tướng khởi lên cũng lại như vậy.

Phá tan các sự tích tụ của vô minh rồi thì thành tựu cảnh giới một tướng thanh tịnh vi diệu, lúc này thân sắc hành giả nhu hòa, thắm nhuần ánh sáng, thắm nhuần ánh sáng rồi, thân tướng hết sức minh tịnh, như hình bóng trong gương sáng. Như vậy là quán tưởng hiện minh tịnh rồi thì các vật trong thân mỗi mỗi tự tướng đều hiển hiện. Quán thành tựu như vậy thì gọi là từ cảnh giới mà được vượt qua.

Vì sao?

Vì có năm thứ si với năm tướng đối trị: Một là giới, hai là nhập, ba là ấm, bốn là ti tiện, năm là cấu uế, đó là năm thứ si.

Hoặc quán giới mà có thể vượt qua, hoặc quán ấm, quán nhập, quán về sức tăng trưởng của các thứ kia, quán đệ nhất nghĩa đế mà được vượt qua. Đây là năm thứ đối trị.

Lại nữa, hành giả nhập vào Tam Muội khoái tịnh lưu ly, ở trong cảnh giới minh tịnh mà quán các chi duyên khởi. Khi quán các chi duyên khởi thì liền sinh tưởng dễ thấy.

Như có chỗ nói Tôn Giả A Nan bạch Phật: Duyên khởi dễ thấy chăng?

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Mười hai duyên khởi là hết sức sâu xa không bờ đáy, khó thấy, khó biết.

Nay ông muốn hủy hoại quả vị sâu xa vi diệu, khó được trong ba A tăng kỳ kiếp của ta chăng?

Vì sao vui thích mà nói lên lời ấy?

Quán thâm diệu này nay ta đang vượt qua, vậy ông nên theo ta quán xét về cảnh giới của Phật. Biển cảnh giới của Phật mênh mông, kẻ ngoại đạo tối tăm vô trí, hạng chấp nhị biên ám độn, rời xa cảnh giới của trí đều không thể vào được. Hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật tuy có vào một ít nhưng không thể đạt đên chỗ cùng tột được.

Lúc Đức Thế Tôn nói lời đó rồi liền nhập vào cảnh giới của trí vô cùng sâu xa vi diệu, trụ nơi Tam Muội chánh thọ tự tại. Cảnh giới chánh thọ có ba Sư Tử Chúa, trên mỗi Sư Tử Chúa có bảy ao báu, trong bảy ao báu đều có bảy hoa sen báu, trên bảy hoa sen báu đều có Phật an tọa, phóng ra ánh sáng lớn, thấu đến cảnh giới Thanh Văn, sau đấy mới trụ vào các Thanh Văn ấy. Từ khi mới phát tâm cho đến thân sau cùng nơi gieo trồng căn lành và các duyên khởi, tất cả đều hiện.

Từ đó lại khởi lên ba Sư Tử Chúa, trên mỗi Sư Tử Chúa đều có bảy ao báu, trong bảy ao báu đều có bảy hoa sen báu, trên bảy hoa sen báu đều có Phật an tọa, phóng ra ánh sáng lớn tỏa chiếu thấu đến cảnh giới của Bích Chi Phật, sau đấy thì trụ vào chỗ chư vị. Từ khi mới phát tâm cho đến cứu cánh, nơi chốn gieo trồng căn lành và các duyên khởi, tất cả đều hiện.

Từ đó, lại khởi lên vô lượng Sư Tử Chúa, trên mỗi Sư Tử Chúa đều có bảy ao báu, trong bảy ao báu đều có bảy hoa sen báu, trên mỗi hoa sen đều có Phật an tọa, phóng ra ánh sáng soi thấu đến cảnh giới của Bồ Tát, sau đó mới trụ vào chư vị Bồ Tát ấy. Từ khi mới phát tâm cho đến lúc an tọa nơi tòa Kim cang, chỗ tu tập tất cả công đức của những căn lành, hoặc nghiệp, hoặc quả và các duyên khởi, tất cả đều hiện bày.

Từ đấy lại khởi lên vô lượng Sư Tử Chúa, trên mỗi Sư Tử Chúa đều có bảy ao báu, trong bảy ao báu đều có bảy hoa sen báu, trên mỗi hoa báu đều có Đức Phật an tọa, phóng ra ánh sáng lớn tỏa chiếu khắp các duyên khởi vô cùng sâu xa của pháp Phật, tất cả đều hiển hiện.

Bấy giờ, Đức Phật dùng thần lực chỉ bày cảnh giới của Phật cho Tôn Giả A Nan, rồi bảo: Trong cảnh giới của trí lại có vô lượng vô biên cảnh giới của Chư Phật.

Cảnh giới nơi nẻo hành của trí Phật là hết mực sâu xa vi diệu như vậy, sao lại vui thích cho là dễ thấy?

Trí của Tôn Giả còn cạn không thể đạt tơi mà cho là dễ thấy sao?

Cảnh giới của trí như trên với vô lượng pháp hiện ra trước rồi sau đó mới hoại, tất cả đều không, thanh tịnh, vắng lặng. Lại quán cảnh giới của trí thù thắng vi diệu, khởi lên pháp Phật, thân lớn dần lên cho đến khắp cả mười phương, vô lượng pháp bảo sung mãn nơi Pháp Thân, ánh sáng nơi Pháp Thân thì vô cùng tận.

Cảnh giới của chốn hành hóa nơi trí tuệ bất cộng, tất cả các chi duyên khởi vô cùng sâu xa của pháp Phật đều hiện ra trước, sau đấy mới hoại. Tất cả đều không, thanh tịnh, vắng lặng, không có nơi chốn. Cũng như hư không, không nương tựa vào đâu, như của báu đã vào tay mới gọi là được của báu. Tu quả như vậy gọi la tướng quyết định.

Này A Nan! Cảnh giới của Như Lai là không thể nghĩ bàn, ta nay vì ông chỉ bày một phần nhỏ thôi.

Tôn Giả A Nan thấy cảnh giới của Phật như vậy thì hết sức hoan hỷ, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật thâm diệu. Cảnh giới của trí nơi Đức Thế Tôn khó có thể đạt tới chỗ cùng tột. Nếu trước kia con biết cảnh giới của Như Lai vô cùng sâu xa vi diệu như vậy, thì dù thân con có nát vụn như hạt mè, con cũng phải đạt đến bờ kia của pháp Phật rốt ráo. Tất cả như vậy gọi là hành giả quán duyên khởi.

Phần đoạn, sát na nghĩa là ba đời nơi một sát na, một sát na nơi ba đời, pháp chưa khởi gọi là vị lai, đang khởi gọi là hiện tại, khởi rồi gọi là quá khứ. Một sát na sinh khởi tức là một sát na, khổ cùng vô thường đều có. Nên biết, các hành trong khoảng một sát na cũng không trụ, cũng không từ đâu đến và không đi về đâu.

Tuy có chuyển đổi mà cũng không chỗ đi, đi cũng không tích tụ. Một sát na khởi thì một sát na diệt. Sát na như một niệm, một niệm như sát na. Sát na trước tụ rồi diệt, lúc diệt thì cùng với sát na sau khởi, tùy thuận đủ đầy bốn duyên cùng sát na sau khởi.

Canh giới tu hành, quán thời gian của một sát na có vô lượng vi trần, vô lượng vi trần. Mỗi một sát na liên tục kế tiếp như xâu chuỗi hạt. Ví như bốn người bắn tên rất giỏi, cùng bắn ra bốn mũi tên, có một người có sưc đi bộ nhanh, khi các mũi tên chưa rơi xuống đất, đã bắt được cả bốn mũi tên ngay trên không, không cho nó rơi xuống đất.

Người đi bộ nhanh như vậy nhưng địa thần còn nhanh hơn và thần hư không còn nhanh hơn địa thần, thần nhật nguyệt thiên nhanh hơn thần hư không. Như vậy mà người đi bộ còn nhanh hơn gấp bội nhật nguyệt thiên.

Nên biết, sự nhanh chóng của các hành vô thường còn quá hơn đây nhiều, không thể ví dụ. Như vậy, hành giả quán phần Ca La La trụ nơi bảy ngày có vô lượng sát na, tất cả các phần khác cũng vậy. Quán như thế rồi nhất định lìa mọi ngu si, trí sáng phát triển vô lượng, như vậy, gọi là hành giả quán sát na duyên khởi.

Lại nữa, hành giả mới nhập vào chánh thọ gọi là cảnh giới liên phược, tăng trưởng gọi là cảnh giới phương tiện lưu chú, an trú gọi là cảnh giới phần đoạn, diệt dần dần gọi là sát na.

Lại nữa, đã nói bốn thứ biệt tướng quán duyên khởi rồi, Phật nói về tổng duyên khởi, nay sẽ nói hai chi chủng, hai chi thục, hai chi khởi, hai chi khiên dẫn dắt.

Hai chi chủng, hai chi sinh trưởng, hai chi thành tựu, hai chi thọ nhận, hai chi tác nhân, hai chi điền, hai chi dựa vào, hai chi về chỗ dựa vào. Thọ dựa vào là nói về chi hữu. Hành giả quán duyên khởi hoặc năm ấm, hoặc bốn ấm. Năm ấm là Dục Giới, Sắc Giới.

Bốn ấm là các hành ấm như vô thường, không v.v… ở cõi Vô Sắc Giới. Đối với ấm, quyết định là chân thật. Quyết định là chân thật rồi thì tướng quyết định hiện ra trước. Việc này có nên việc kia có, việc này khởi nên việc kia khởi. Việc này không nên việc kia không. Đây diệt nên kia không khởi.

Ví như có dụng cụ là bùi nhùi, có người mới dùng cách làm cho lửa phát ra, nhưng phải nhờ vào củi mới đốt được. Cũng như nhờ tàng cây mới có bóng mát, nhờ mặt trời mới có ánh sáng, nhờ đèn mới thấy sáng len. Như vậy, tất cả đều từ duyên khởi.

Vô minh không nói là ta có khả năng sinh hành. Hành cũng không nói là ta từ vô minh sinh. Nên biết tất cả chi hữu đều như vậy. Đây là pháp không, pháp tịch diệt, pháp vô sở hữu, sự tạo tác không thể nắm bắt, chỉ có vô minh cùng các hành hòa hợp sinh ra các pháp hữu lậu.

Thọ là trục xe quay tròn nơi bánh xe bị các chi hữu sinh ra các kiết phược, trong các kiết thì chi ái tăng trưởng, trong các phược thì chi thủ phát triển, trong các sử thì chi thức phát triển, trong các triền thì vô minh phát triển, vừa sinh thì kiết tăng, thọ sinh thì phược phát triển, các thức bập bềnh thì lợi sử phát triển, ở cảnh giới thì ngu si, phiền não phát triển.

Nghiệp phiền não trói buộc như vậy, có thể chuyển sinh, quả thường luân chuyển, trôi nổi, vì chúng sinh theo nghĩa mà tăng, do đấy nói có sai biệt. Nên biết, trong các phần đều có kết phược sử, trien.

Lại nữa, tu tập sáu thứ quán về mười hai duyên khởi, nơi mười hai chi thì tùy thuận theo nghĩa mà nói. Đó là niệm An ban, quán chi nghiệp, chi hữu. Thở ra, vào là thân hành, giác quán là khẩu hành, tưởng, tư là ý hành, thế nên niệm An ban là để đối trị với vô minh.

Phương tiện quán giới là quán chi thức, chi sinh, vì thức tăng trưởng nên vào thai, thức ở các giới tăng nên nói là bảy thức giới. Thế nên quán giới phương tiện là để đối trị với phần kia. Phương tiện quán ấm là quán chi danh sắc, chi lão tử. Thế nên phương tiện quán ấm là để đối trị với phần kia.

Phương tiện quán phá trừ các thứ nhập xuất là quán chi lục nhập, chi xúc, thế nên, phương tiện quán nhập là để đối trị với phần kia. Phương tiện quán duyên khởi là quán chi vô minh, chi thọ, thế nên, phương tiện quán duyên khởi là để đối trị với phần kia.

Tại sao?

Vì thọ và vô minh là nguồn gốc của các phiền não, do đấy trí tuệ là để đối trị với vô minh. Hai chi ái, thủ thì nhiễm đắm nơi tịnh, nên quán bất tịnh là để đối trị.

Lại nữa, hành giả quán mười hai duyên hoặc có lúc từ nhân mà đạt tới, hoặc có lúc từ quả mà đạt được. Hoặc từ vô minh hành cho đến lão, tử. Hoặc là quán thức cho đến lão, tử, hoặc ba việc hòa hợp sinh xúc, xúc sinh thọ, thọ sinh ái, ái sinh thủ, cho đến lão tử. Hoặc từ ái, thủ, hữu sinh lão tử. Hoặc từ lão tư cho đến vô minh, hoặc quán lão tử cho đến thức. Như Đức Phật đã nói trong Kinh Thành Dụ.

Lại nữa, hành giả từ bốn niệm xứ quán mười hai chi đều phát triển. Thân niệm xứ quán về chi lục nhập, thọ niệm xứ quán chi thọ, tâm niệm xứ quán về chi thức, danh sắc, pháp niệm xứ thì quán chung các chi.

Giảng nói này rồi là nói kệ tán:

Phương tiện trị địa hành

Cho đến chỗ rốt ráo

Pháp vô thượng thí chủ

Truyền mãi đến ngày nay

Tôi nghe thù thắng ấy

Chọn nghĩa nói thâm diệu

Hợp chương cú trang nghiêm

Muốn pháp trụ lâu dài

Phật Pháp sâu không đáy

Tu hành cũng vô biên

Tôi đem trí mọn này

Tuyên dương pháp vô lượng

Sâu xa khó lường được

Như muỗi uống nước biển

Chỉ có người vượt qua

Rồi sau mới rốt ráo.

Sáu mươi hai cõi, sáu chủng, sáu tình, sáu trần, sáu thức, sáu giới, sáu giác. Nói tham, sân, si là ba giác bất tịnh, ngược lại đấy là ba giác tịnh. Khổ vui, không khổ, không vui, ưu, hỷ, xả là sáu.

Ba Cõi là Dục, Sắc và Vô Sắc. Lại diệt Sắc Giới và Vô Sắc Giới là pháp ba đời, là pháp hạ, trung, thượng, là pháp thiện, bất thiện, vô ký. Là học, vô học, chẳng phải là học chẳng phải là vô học là bốn. Hai thứ thực, phi thực, lậu vô lậu, dựa nơi dục, dựa nơi giải thoát hữu vi, vô vi.

Ba mươi sáu thứ bất tịnh gồm có: Tóc, lông, móng, răng, da dày, da mỏng, thịt, gân, xương, tủy, lá lách, thận, tim, gan hoành cách mô, phổi, ruột non, ruột già, màng ruột, bao tử, phân, tiểu, nước mắt, nước mũi, máu, mủ, đàm vàng, đàm trắng, não, màng, nước dãi, mồ hôi, bọt, khớp, mỡ, nước mỡ.

Số lượng về sát na có một trăm hai mươi sát na là một đát sátna. Sáu mươi đát sát na là một la bà. Ba mươi la bà là một ma hầu lộ đố. Ba mươi ma hầu lộ đố là một ngày một đêm. Trong một năm chỉ có hai ngày vào hai thời là ngày và đêm, vừa đúng ba mươi mahầu lộ đố. Nghĩa là ngày mồng tám Bạch phân của tháng Yết đề, tháng tám gọi là Yết đề, nửa tháng sau gọi là Bạch phân.

Và ngày mồng tám Bạch Phân của tháng Bệ Xá Khư, tháng hai gọi là Bệ Xá Khư, nửa tháng sau gọi là Bạch Phân. Ngày và đêm của hai ngày trong hai thơi này đều có mười lăm ma hầu lộ đố. Từ đó về sau La bà lưu hoặc ngày giảm, đêm tăng, hoặc đêm giảm, ngày tăng, gọi là Lưu ngày đêm, đều có ba mươi Ma Hầu Lộ Đố.

Chú thích: Nói tháng Yết đề: Ngày mồng tám bạch phân.

Tháng Bệ xá khư: Ngày mồng tám bạch phân.

Tháng Yết đề: Ngày mười sáu tháng 07, cho đến ngày mười năm tháng 08. Đây nói tháng tám gọi nửa tháng sau là bạch phân.

Tháng Bệ xá khư: Ngày mười sáu tháng giêng cho đến ngày mười lăm tháng hai. Tháng hai này gọi nửa tháng sau là bạch phân.

Hai ngày trong khoảng hai thời ấy, ngày và đêm đều có ba mươi ma hầu lộ đố. Từ đó về sau, La Bà Lưu hoặc ngày giảm đêm tăng, hoặc đêm giảm ngày tăng, thì gọi là Lưu.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần