Phật Thuyết Kinh Hưng Khởi Hạnh - Phật Thuyết Kinh Nhân Duyên Bà La Môn Nữ Tên Là Chiên Sa Hỷ Báng Phật

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH HƯNG KHỞI HẠNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khang Mạnh Tường, Đời Hậu Hán  

PHẬT THUYẾT KINH NHÂN DUYÊN

BÀ LA MÔN NỮ TÊN LÀ

CHIÊN SA HỶ BÁNG PHẬT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở tại con suối lớn A Nậu cùng với chúng Đại Tỳ Kheo gồm năm trăm vị, đều là bậc La Hán, lục thông, thần túc đầy đủ, chỉ trừ một Tỳ Kheo là Tôn Giả A Nan.

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ngày xưa, vô số kiếp về trước, bấy giờ có Đức Phật là Tận Thắng Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, là bậc Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Lúc bấy giờ ở nước Ba La Nại, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo gồm sáu vạn tám ngàn người đều là bậc La Hán.

Này Xá Lợi Phất! Bấy giờ Đức Như Lai Tận Thắng có hai vị Tỳ Kheo: Một là Tỳ Kheo Vô Thắng, hai là Tỳ Kheo Thường Hoan. Tỳ Kheo Vô Thắng thì có lục thông thần túc. Còn Tỳ Kheo Thường Hoan thì kết sử chưa trừ.

Bấy giờ ở thành Ba La Nại có một Trưởng Giả tên là Đại Đa, có voi, ngựa, bảy báu, của cải vô số. Trưởng Giả có một người vợ tên là Thiện Huyễn, đoan chánh không ai bằng.

Hai vị Tỳ Kheo này thường hay lui tới nhà ông ta để thọ ân cúng dường. Vợ của ông cúng dường cho Tỳ Kheo Vô Thắng y phục, đồ ẩm thực, giường nằm, thuốc men, tứ sự cúng dường không thiếu thứ gì. Còn bà cúng dường cho Tỳ Kheo Thường Hoan thì rất ít.

Vì sao?

Vì Tỳ Kheo Vô Thắng đã đoạn hết các lậu, lục thông cụ túc. Còn Tỳ Kheo Thường Hoan chưa hết kiết sử, chưa thành đạo vậy.

Tỳ Kheo Thường Hoan thấy Tỳ Kheo Vô Thắng thọ sự cúng dường một cách thiên lệch nên sanh lòng đố kỵ, phỉ báng ngang ngược rằng: Tỳ Kheo Vô Thắng tư thông với Phu Nhân Thiện Huyễn nên không cúng dường theo đạo Phật Pháp mà tự đem sự ân ái để cúng dường.

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ngươi có biết Thường Hoan đệ tử của Đức Như Lai Tận Thắng là ai chăng?

Đó chính là Thân của ta, còn muốn biết Phu Nhân Thiện Huyễn là ai thì nay là con gái của Bà La Môn, tên là Chiên Sa.

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Lúc ấy ta phỉ báng vô cớ vị La Hán Vô Thắng. Vì tội ác ấy, nên trải qua vô số trăm ngàn năm ở địa ngục chịu các thống khổ.

Nay ta được thành Phật, đối với Lục Sư… các chúng Tỳ Kheo, kẻ lậu tận, người lậu chưa tận, và các vị Vua, thần dân, thanh tín sĩ và thanh tín nữ, khi ta đang thuyết pháp, vì oan xưa còn sót lại, nên bị đồng nữ Đa Thiệt độn bình đựng nước vào bụng, đến trước ta nói rằng: Này Sa Môn! Sao không tự nói chuyện nhà cửa mà nói toàn chuyện đâu đâu!

Nay riêng một mình ông vui sướng mà không biết sự thống khổ của tôi sao?!

Vì sao vậy?

Vì trước đây ông tư thông với tôi, khiến cho tôi phải có mang. Nay sắp đến tháng sinh sản, tôi cần có bơ, dầu để nuôi đứa bé.

Ông hãy cung cấp những thứ ấy cho tôi!

Bấy giờ chúng hội đều im lặng, cúi đầu. Khi ấy Đức Đề Hoàn Nhân đứng hầu quạt phía sau Đức Phật, dùng thần lực hóa làm con chuột, chạy vào trong áo nàng Đa Thiệt, cắn đứt sợi dây buộc cái bình, làm cho nó tự nhiên rơi xuống đất.

Bấy giờ bốn chúng đệ tử và các học trò của lục sư đều hết sức vui mừng, cất tiếng khen là thật hay, hân hoan vô lượng, đều đồng thanh chửi đồng nữ kia rằng: Này đồ chết tiệt!

Sao lại đem cái vật tội lỗi, với ác ý, hồng phỉ báng sự thanh tịnh, vô thượng chánh chơn?

Mặt đất này vô tri, há có thể chứa con người tội ác đến như vậy sao?!

Mọi người đề nói như vậy, tức thì mặt đất nứt ra, lửa từ lòng đất phun lên, cô gái liền rơi vào trong đó, đi thẳng đến địa ngục lớn A tỳ. Đại chúng thấy cô gái thân đang còn sống mà đã rơi vào địa ngục.

Lúc ấy Vua A Xà Thế cảm thấy kinh khủng, lông tóc trong người dựng đứng, đứng dậy, chắp tay, quỳ dài, bạch Đức Phật: Hiện nay cô gái này đang đọa nơi nào?

Đức Phật trả lời: Này Đại Vương! Hiện nay cô gái này đang đọa vào địa ngục A tỳ.

Vua A Xà Thế lại hỏi Đức Phật: Cô gái này không giết người, không trộm cắp, chỉ vì vọng ngữ mà dọa vào địa ngục A tỳ sao?

Đức Phật bảo Vua A Xà Thế: Ta đã nói duyên pháp có hành động thượng, trung, hạ của thân, khẩu, ý.

Vua A Xà Thế lại hỏi: Sao gọi là nặng?

Sao gọi là vừa?

Sao gọi là nhẹ?

Đức Phật bảo Vua A Xà Thế: Hành động của ý là nặng, hành động của thân là vừa, hành động của thân là nhẹ.

Vua A Xà Thế lại hỏi: Vì sao vậy?

Đức Phật trả lời: Hành động của thân hiện ra một cách thô sơ, việc ấy có thể thấy được. Hành động của miệng thì tai có thể nghe được. Hai loại hành động ấy thế gian có thể thấy, nghe được.

Đức Phật bảo: Này Đại Vương!

Về hành dộng của ý, giả sử nó khởi lên ý niệm thì không thể thấy nghe được. Đó là hành động ở bên trong do ý quyết định trói buộc.

Nhà Vua lại hỏi: Ý không thể thấy, sao lại buộc ý quyết định?

Đức Phật trả lời Nhà Vua: Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, giả sử hành động của họ muốn sát sanh, trộm cắp, tà dâm, thì trước tiên họ phải suy nghĩ, rồi trong tâm quyết định khi nào nên hành động, suy nghĩ nên đến chỗ nào.

Đức Phật lại bảo Nhà Vua: Phàm con người khi hành động trong tâm suy tính, sau đo mới hành động. Cho nên ý là quang trọng, chứ không phải thân và miệng.

Đức Phật bảo lại Nhà Vua: Nếu miệng phát ngôn, khi miệng muốn phát ngôn, trước tiên ý phải suy nghĩ, hoặc trong đại hội, khi giảng luận pháp, hoặc khi cùng ngồi xử đoán luật hiện hành. Hoặc có người hỏi ta phải phản bác luận thuyết kẻ ấy. Trong khi đó chẳng phải là việc đã xong.

Nếu có lời nói này, ta liền phản bác. Điều đó là ý khí của người khác nên nói lên lời ấy vậy. Nếu thực ba đều đo thì nên đừng đắm trước.

Lại còn nghĩ kế: Nên đến đó để đánh nhau.

Rằng: Muốn giết tôi, phá tôi, hoại tôi. Anh phải theo lời tôi, đừng nên tin người kia. Nếu nói lời hai lưỡi ấy thành ra lời hư ngụy, giảm mất chánh pháp của mình, sau khi mạng chung bị đọa vào địa ngục.

Đức Phật bảo Nhà Vua: Cho nên miệng phát ngôn là do ý đã nghĩ, không phải quan trọng ở thân và miệng.

Nhà Vua lại hỏi Đức Phật: Vì sao vậy?

Đức Phật bảo Nhà Vua: Thân có ba lỗi, miệng có bốn lỗi đều do ý định. Nếu không suy nghĩ thân không thể tự mình làm được. Cho nên thân và miệng phụ thuộc vào ý định.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Trong ý suy nghĩ kỹ

Thân miệng mới hành động

Thân miệng giả xấu hổ

Ý nào biết xấu hổ

Ý phải xấu hổ trước

Thân, miệng xấu hổ sau

Thân miệng không lìa ý

Không thể tự hành động.

Bấy giờ Vua A Xà Thế nghe Đức Phật thuyết pháp, buồn thương rơi lệ.

Đức Phật hỏi Nhà Vua: Vì sao Vua khóc?

Nhà Vua thưa: Vì chúng sanh không có trí tuệ, không hiểu ba việc này, nên mãi bị tổn hại, cho nên con thương sót họ. Bọn chúng sanh chỉ cho rằng thân, khẩu là lớn mà không biết ý thâm độc.

Bạch Thế Tôn, con vốn cho rằng thân, khẩu là lớn, còn ý là nhỏ. Nay theo Phật nghe pháp mới biết ý là to lớn. Thân, khẩu là nhỏ.

Đức Phật hỏi Nhà Vua: Xưa sao Vua cho là thân, khẩu là lớn, ý là nhỏ.

Nay mới biết ý là lớn mà thân, khẩu là nhỏ?

Nhà Vua lại bạch Đức Phật: Phàm người sát sanh, mọi người đều thấy được, hoặc trộm cắp, dâm dật thì mọi người cũng thấy được. Ba việc này của thân, thiên hạ đều thấy biết. Miệng nói lời vọng ngữ, ác khẩu, hai lưỡi, lời nói không thành thật, bốn việc này của miệng, thiên hạ cũng đều nghe được.

Còn ba việc của ý thì tai không thể nghe, mắt không thể thấy, vì vậy mà chúng sanh lấy việc mắt thấy tai nghe thì cho là lớn. Nay con nghe Phật dạy mới biết tâm ý là lớn, mà thân khẩu là nhỏ. Vì vậy hành động của thân khẩu lệ thuộc với ý định.

Đức Phật lại hỏi Nhà Vua: Vì sao biết ý là lớn, hành động của thân và khẩu lệ thuộc nơi ý định?

Vua bạch Đức Phật: Cô gái Đa Thiệt muốn lập mưu huỷ báng Đức Phật, trước tiên tâm phải suy nghĩ, mới lấy cái bồn đựng nơi bụng, rồi ở trong đại chúng mới vu khống như vậy. Con nghe lời Đức Phật dạy cho nên con biết ý là lớn mà thân khẩu là nhỏ.

Đức Phật bảo: Này Đại Vương! Vì sao bây giờ Vua hiểu được ý là lớn mà thân, khẩu là nhỏ?

Nhà Vua thưa: Giả sử khi muốn làm việc gì, trước hết tâm phải suy nghĩ, sau đó thân, khẩu mới hành động, cho nên con biết ý là lớn mà thân, khẩu là nhỏ.

Đức Phật nói: Lành thay! Lành thay! Này Đại Vương!

Vua đã hiểu rõ việc này, vậy phải thường học như vậy: ý là lớn mà thân, khẩu là nhỏ.

Khi Đức Phật nói xong, tám mươi vị Tỳ Kheo ở trong chúng được lậu tận, ý giải, hai trăm vị Tỳ Kheo được đạo A Na Hàm, bốn trăm vị Tỳ Kheo được đạo Tư Đà Hàm, tám trăm vị Tỳ Kheo được đạo Tu Đà Hoàn, tám vạn vị Thiên và người đều được pháp nhãn thanh tịnh, mười vạn người và chẳng phải người đều thọ năm giới, hai mươi vạn quỷ, thọ Thần Tam Tự Quy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói bài kệ về nhân duyên quá khứ:

Lúc Như Lai Tận Thắng

Ta, Tỳ Kheo Đa Hoan

Huỷ báng Ngài Vô Thắng

Mãi đoạ vào địa ngục

Do nhân duyên sót lại

Đồng nữ Đa Thiệt đến

Ở trong đại chúng này

Tới trước huỷ báng ta

Oan xưa không thể mất

Cũng chẳng thành hư không

Phải giữ ba nhân duyên

Đừng phạm thân, khẩu, ý

Nay ta thành Phật Đạo

Lại làm tướng ba cõi

Trong suối lớn A Nậu

Tự nói chuyện đời trước.

Đức Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất: Ngươi xem Đức Như Lai, các điều ác đã hết, các điều thiện đầy đủ. Với các Trời, Rồng, Quỷ Thần, Vua Trời Đế Thích, quần thần nhân dân và chúng sanh, Ngài đều muốn độ thoát.

Vậy mà vẫn không tránh khỏi nhân duyên kiếp đời trước này, huống chi bọn ngu si chưa đắc đạo?!

Này Xá Lợi Phất! Phải phòng hộ thân, khẩu, ý. 

Đức Phật dạy như vậy xong, Tôn Giả Xá Lợi Phất và năm trăm vị La Hán, Đại Long Vương A Nậu, tám bộ Quỷ Thần nghe Đức Phật dạy xong hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần