Phật Thuyết Kinh Kim Cương Trường đà La Ni - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy

PHẬT THUYẾT KINH

KIM CƯƠNG TRƯỜNG ĐÀ LA NI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Xà Na Quật Đa, Đời Tùy  

PHẦN HAI  

Văn Thù bạch Phật rằng: Thế Tôn! Thế nào là pháp môn một chữ?

Đức Phật bảo: Này Văn Thù Sư Lợi! Không có tất cả các pháp. Đây gọi là pháp môn nhất tự Đà La Ni.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: Thế Tôn! Vì sao gọi là pháp môn Đà La Ni Cú?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp trụ điều phục địa. Chính vì thế cho nên gọi là pháp môn nhập điều phục Đà La Ni.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp của thiên pháp môn gọi là pháp môn Đà La Ni.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: Thế Tôn!

Vì sao gọi Thiên Deva: Hàng Trời là pháp môn Đà La Ni?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp trụ Tu Hành Địa cho nên gọi tướng của Trời là pháp môn vào Đà La Ni.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp của long pháp môn là pháp môn Đà La Ni.

Văn Thù Sư Lợi nói: Thế Tôn!

Vì sao gọi Long Nāga: Rồng là pháp môn Đà La Ni?

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi rằng: Không có tên gọi danh tự. Tất cả pháp chặt đứt đường danh tự tên gọi. Không có chữ vô tự giả nói là chữ cho nên gọi Rồng là pháp môn vào chữ của Đà La Ni Đà La Ni Tự.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp của Dạ Xoa pháp môn là pháp môn Đà La Ni.

Vì sao gọi Dạ Xoa Yakṣa là pháp môn Đà La Ni?

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi rằng: Vì tướng cùng tận tận tướng. Tất cả các pháp xưa nay vốn chẳng sinh cho nên gọi Dạ Xoa là pháp môn Đà La Ni.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp của Càn Thát Bà pháp môn là pháp môn vào Đà La Ni.

Vì sao gọi Càn Thát Bà Gandharva là pháp môn Đà La Ni?

Do số vượt qua. Tất cả các pháp không có bờ mé, chỉ nhận lấy bờ mé của hư không cho nên gọi tướng của Càn Thát Bà là pháp môn vào Đà La Ni.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp của A Tu La pháp môn là pháp môn Đà La Ni.

Vì sao gọi A Tu La Asura là pháp môn Đà La Ni?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Không có định trụ tất cả các pháp, chẳng thể dùng tên gọi để nói, chẳng phải hình chất chẳng khác với tướng của hình chất có thể hành, chẳng phải âm thanh chẳng khác với tướng của âm thanh có thể hành, chẳng phải mùi ngửi chẳng khác với tướng của mùi ngửi có thể hành.

Chẳng phải vị nếm chẳng khác với tướng của vị nếm có thể hành, chẳng phải tiếp chạm chẳng khác với tướng của tiếp chạm có thể hành, chẳng phải ý chẳng khác với tướng của ý có thể hành, chẳng phải Phật chẳng khác với tướng của Phật có thể hành, chẳng phải pháp chẳng khác với tướng của pháp có thể hành.

Chẳng phải Tăng chẳng khác với tướng của Tăng có thể hành, chẳng phải Thanh Văn chẳng khác với tướng của Thanh Văn có thể hành, chẳng phải Bích Chi Phật chẳng khác với tướng của Bích Chi Phật có thể hành, chẳng phải phàm phu chẳng khác với tướng của phàm phu có thể hành.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp không có tướng hành, không có tướng có thể hành, không có khởi phát cho nên đó gọi là A Tu Là là pháp môn vào Đà La Ni.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp của Ca Lâu La pháp môn là pháp môn Đà La Ni.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: Thế Tôn! Vì sao Ca Lâu La Garuḍa là pháp môn Đà La Ni.

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Tất cả các pháp không có đến không có đi cho nên không có đến chẳng phải chẳng đến, không có đi chẳng phải chẳng đi, chẳng sinh chẳng diệt, chẳng chảy rỉ chẳng dính mắc, chẳng cột buộc, chẳng mở cởi, chẳng nhiễm chẳng vọng, không có chỗ nhiễm dính, trụ không có kiếp lập, xưa nay vốn không có kiếp lập.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp như hư không, không có nương dựa cho nên gọi Ca Lâu La là pháp môn vào Đà La Ni.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp của Khẩn Na La là pháp môn Đà La Ni.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: Thế Tôn! Vì sao gọi Khẩn Na La Kiṃnara là pháp môn Đà La Ni?

Đức Phật nói: Vì lìa đường lối tạo làm.

Này Văn Thù Sư Lợi! Chẳng thể tạo làm, người làm không có sở hữu cho nên đó gọi Tướng của Khẩn Na La là pháp môn vào Đà La Ni.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp của Ma Hầu La Già pháp môn là pháp môn Đà La Ni.

Văn Thù Sư Lợi nói: Thế Tôn! Vì sao là pháp môn Đà La Ni?

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Tất cả các pháp lìa dơ bẩn, xưa nay vốn trong sạch sáng tỏ. Tất cả chúng sinh đã chẳng thể đục trược, cũng chẳng thể sạch tịnh. Thanh Tịnh này là pháp môn Đà La Ni.

Tại sao thế?

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp xưa nay vốn tịch diệt, cho nên xưa nay vốn chẳng sinh.

Văn Thù Sư Lợi! Đây gọi là pháp môn vào Ma Hầu La Già Mahoraga Đà La Ni.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp của phụ nữ pháp môn là pháp môn Đà La Ni.

Văn Thù Sư Lợi nói: Vì sao là pháp môn Đà La Ni?

Đức Phật nói: Vì hư vọng.

Này Văn Thù Sư Lợi! Căn nữ, căn nam của tất cả các pháp không có định, ấy là chẳng phải vật thật cho nên gọi tướng phụ nữ là pháp môn vào Đa La Ni.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp của Nam Nhi pháp môn là pháp môn Đà La Ni.

Văn Thù Sư Lợi nói: Vì sao là pháp môn Đà La Ni?

Đức Phật nói: Văn Thù Sư Lợi! Tướng của tất cả nơi chốn không có cho nên bờ mé gốc bản tế đã đến chẳng thể được, cho đến bờ mé sau hậu tế cũng chẳng thể được, hiện tại cũng chẳng thể được.

Này Văn Thù Sư Lợi! nơi chốn của ba bờ mé không có được cho nên chốn đó không có nam không có nữ, chỉ là mượn tên nói. Tên gọi đã nói, mở rộng được tên, hình sắc của nó do bốn đại hợp thành, các pháp này không có nơi sinh, xưa nay vốn tịch diệt.

Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp gọi tướng nam là pháp môn vào Đà La Ni.

Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả các pháp của địa ngục pháp môn là pháp môn Đà La Ni.

Văn Thù Sư Lợi nói: Thế Tôn! Vì sao địa ngục gọi là pháp môn Đà La Ni?

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: địa ngục vào tướng nào?

Văn Thù Sư Lợi nói: địa ngục nhập vào tướng của hư không.

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Ý của ông thế nào?

Địa Ngục là tự phân biệt sinh hay là tự nhiên sinh?

Văn Thù Sư Lợi nói: Thế Tôn! Nhóm phàm phu đó khởi phân biệt cho nên thấy có địa ngục, quỷ đói, súc sanh… không có sự chân thật mà các phàm phu chịu nhận khổ não.

Thế Tôn! Như chỗ con thấy. Không có cái thấy của địa ngục địa ngục kiến, không có cái thấy của khổ khổ kiến.

Thế Tôn! Như người ngủ say, mộng thấy đọa vào địa ngục rồi thấy thân của mình ở trong chảo nước sôi lớn với vô lượng người chịu các đau khổ, nóng bức ép thân, sinh sợ hãi lớn.

Liền rất kinh sợ kêu la, chợt tự mình xướng lên là: Khổ quá! Khổ quá! buồn khóc mất cả âm giọng.

Cha Mẹ người ấy với các quyến thuộc hỏi rằng: Ngươi có khổ gì?

Người ấy đáp rằng: Con bị đọa vào địa ngục khiến cho con bị đau khổ.

Vì sao lại hỏi ngươi có khổ gì?

Thời Cha Mẹ với quyến thuộc nói với người ấy rằng: Ngươi đừng sợ hãi! Ngươi chỉ ngủ say mà thấy việc này thôi chứ chẳng ra khỏi nhà, vì sao đột nhiên nói chịu khổ của địa ngục người ấy liền quay trở lại, được tâm tỉnh ngộ: Việc mà ta đã thấy chỉ là mộng thôi. Do nội tâm của mình tạo ra mà thấy như vậy, thảy đều chẳng thật rồi quay trở lại được vui vẻ.

Thế Tôn! Như người nằm mộng ấy, không có thật sự thấy bị đọa vào địa ngục như vậy.

Như vậy Thế Tôn! Tất cả phàm phu vốn không có dục.

Do sinh tưởng nữ, phân biệt cộng với tướng, vui thích tự sinh ưa dính nên kẻ ấy liền niệm rằng: Ta là người nam, kẻ kia là người nữ đã sinh tâm dục liền cầu năm dục. Vì năm dục cho nên cùng nhau đấu tranh, kết các oán thù, tan mất tài vật, cùng nhau giết hại, đã khởi điên đảo, sinh oán tăng trưởng, khi chết đi vào địa ngục trải qua nhiều ngàn kiếp.

Thế Tôn! Như người nằm mộng ấy, hết thảy cha mẹ với các quyến thuộc bảo người ấy rằng: Ngươi chỉ ngủ say chứ chưa từng ra bên ngoài.

Làm sao nhìn thấy chịu khổ ở địa ngục như vậy?

Như vậy Thế Tôn! Các Phật Như Lai vì các nhóm chúng sinh bị bốn điên đão mà nói chánh pháp: Chốn đó không có nam, không có nữ, cũng không có chúng sinh, không có điều thọ nhận, không có kẻ nuôi dưỡng với không có Phú Già La Pudgala cũng không có cái ta ngã. Các pháp đó đều điên đảo, vốn không có cho nên sinh các pháp đó. Do hòa hợp cho nên sinh các pháp đó.

Do phân biệt cho nên sinh các pháp đó. Không có nơi sinh nên các pháp đó không có vật, các pháp đó chẳng tưởng dính, các pháp đó như giấc mộng, các pháp đó như Huyễn, các pháp đó như mặt trăng trong nước, các pháp đó không có chỗ dính mắc, các pháp đó không có nhiễm, không có bực bội não không có quên mất… các ngươi đừng vọng phân biệt.

Các chung sinh đó nghe pháp của Như Lai xong, liền chán ghét dục, thấy các pháp tính, xa lìa các phiền não, xa lìa các si, thấy tất cả pháp xưa nay vốn giải thoát, thấy tất cả pháp không có chướng ngại, thấy tất cả các pháp tịch diệt.

Thế Tôn! Các nhóm người ấy đã được hư không tưởng định, sau khi bỏ thân, ở trong Vô Dư Niết Bàn Nirupadhiśeṣa Nirvāṇa mà Bát Niết Bàn  Parinirvāṇa.

Thế Tôn! Con thấy tướng khổ của địa ngục như vậy.

Bấy giờ Đức Thế Tôn khen Văn Thù Sư Lợi rằng: Lành thay! Lành thay Văn Thù Sư Lợi! Như ông đã thấy, địa ngục nên thấy như vậy, cũng nên phân biệt như vậy. Như ông đã nói, thấy biết địa ngục như vậy xong sẽ được vô sinh pháp nhẫn như Văn Thù Sư Lợi đã được.

Nói lời này xong, một vạn hai ngàn Bồ Tát được vô sinh nhẫn pháp đồng thanh xướng lên rằng: Thật hiếm có! Hành xứ của Chư Phật, ấy là ở trong pháp của địa ngục được hiển các Phật Pháp.

Thời Văn Thù Sư Lợi bạch Phật rằng: Thế Tôn! Nguyện vì con nói pháp môn không hai vô nhị pháp môn. Được vào pháp môn không hai xong khiến các Bồ Tát ở trong tất cả phiền não, nói tất cả các Phật Pháp, cũng chẳng tác niệm hai tướng. Lại được biện thuyết không ngại, tất cả pháp không có hai tướng.

Thế Tôn! Thế nào là vào pháp môn không hai?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Ông hãy lắng nghe cho rõ! Hãy khéo thọ nhận! Hãy khéo nghĩ nhớ! Ta vì ông nói pháp môn bình đẳng danh tự không có hai đó. Được pháp môn xong, các Bồ Tát ở trong tất cả phiền não, trong tất cả Phật Pháp hay tạo làm bình đẳng, lại tất cả phiền não phân biệt đó gọi là pháp môn Đà La Ni. Nay ta sẽ nói.

Lại nói: Lành thay Thế Tôn! Nguyện vì con nói, khiến cho con ưa thích nghe.

Này Văn Thù Sư Lợi! vô minh Avidya là Bồ Đề Bodhi, là pháp môn Đà La Ni.

Văn Thù Sư Lợi nói: Thế Tôn! Vì sao vô minh là pháp môn Đà La Ni?

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Do không có minh vidya cho nên gọi là vô minh Avidya. Do vô minh cho nên như thế thị cho nên chẳng sinh. Do không có sinh cho nên không có phiền não.

Này Văn Thù Sư Lợi! Không có phiền não là tên gọi Bồ Đề, bản tính trong sạch, không có chỗ dính mắc, không có nơi sinh. Do nghĩa đó cho nên Văn Thù nên biết Như Lai thường ở trong Kinh tại nơi nơi, rộng nói pháp môn vô minh Bồ Đề không có hai.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ta từ xưa đến nay, chẳng được vô minh. Do nghĩa đó cho nên ta nói vô minh.

Văn Thù Sư Lợi! Đấy gọi là pháp môn vô minh Đà La Ni. Bồ Tát được trí pháp môn đó xong, được biện bác nhanh chóng, được biện bác sắc bén, được biện bác không có bờ mé, được biện bác không có trụ.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Hành Saṃskāra là Bồ Đề, là pháp môn Đà La Ni.

Văn Thù Sư Lợi nói: Thế Tôn! Vì sao các hành là Bồ Đề?

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi rằng: Các hành vượt qua số đếm, tính đếm chẳng thể được. Chính vì thế cho nên suy nghĩ nơi chẳng lành bất thiện xứ không có bờ mé, thế nên được có sinh, cũng chẳng phải nơi này đi, cũng chẳng phải bờ mé khác đến.

Do không có đến không có đi, thế nên Văn Thù Sư Lợi! Đấy gọi là pháp môn Bồ Đề nhập danh hành minh Đà La Ni.

Này Văn Thù Sư Lợi! Thức Vijñāna là Bồ Đề, là pháp môn Đà La Ni.

Văn Thù Sư Lợi nói: Thế Tôn! Vì sao thức là Bồ Đề?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Như lai thường nói thức như huyễn hóa, điên đảo cho nên sinh.

Văn Thù Sư Lợi nói: Huyễn Hóa từ phân biệt khởi, từ hòa hợp khởi, y theo không có thât phân biệt khởi, là tướng huyễn hóa của phàm phu. Bồ Đề từ phân biệt sinh, từ hòa hợp sinh, hiển bày các Phật Pháp chấp dính các pháp tướng. Chúng con ở đời vị lai sẽ làm Phật, chúng con sẽ giáo hóa các chúng sinh, chúng con sẽ được sự tối thắng của thế gian mà tướng của Bồ Đề giống như hư không, sinh phân biệt xong hủy nát nơi khác.

Này Văn Thù Sư Lợi! Ta trước kia chẳng từng ngồi dưới cây Bồ Đề, dùng pháp đã được, hoặc gọi là Phật, hoặc gọi là Bích Chi Phật, hoặc gọi là Thanh Văn, hoặc gọi là phàm phu.

Văn Thù Sư Lợi! Chính vì thế cho nên gọi thức là pháp môn Đà La Ni.

Này Văn Thù Sư Lợi! Danh sắc Nāma rūpa là Bồ Đề, là pháp môn Đà La Ni.

Văn Thù Sư Lợi nói: Thế Tôn! Vì sao danh sắc là Bồ Đề?

Đức Phật nói: Này Văn Thù Sư Lợi! Danh Nāma chỉ mượn tiếng mà nói, không có chân thật.

Văn Thù Sư Lợi! Sắc Rūpa không có người làm, không có người tạo. Trong đó chẳng thể nói có cái ta ngã, không có cái của ta ngã sở tức là Bồ Đề.

Văn Thù Sư Lợi! Đấy gọi là tướng của sắc vào pháp môn Đà La Ni.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần