Phật Thuyết Kinh Lâu Các Chánh Pháp Cam Lộ Cổ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thiên Tức Tai, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH
LÂU CÁC CHÁNH PHÁP CAM LỘ CỔ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thiên Tức Tai, Đời Tống
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Thế Tôn ở tại khu vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ, Tôn Giả A Nan Đà phát khởi tâm chân thật, đi đến chỗ Đức Thế Tôn.
Đến nơi, Tôn Giả đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, kính lễ xong, đứng sang một bên, rồi Tôn Giả A Nan Đà bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là gieo trồng thiện căn thanh tịnh?
Thế nào là tạo Mạn Noa La?
Thế nào là quy y thọ trì học giới?
Thế nào là chắp tay cúng kính Như Lai, thành tựu nghiệp thiện gì?
Bạch Thế Tôn! Thế nào là thiện căn luân hồi chẳng diệt?
Thế nào là nghiệp dứt hết, chứng đắc được Niết Bàn?
Và tạo hình tượng Như Lai thì đạt được công đức ra sao?
Phật bảo: Này Tôn Giả A Nan Đà! Hiện tại đối với năm đức phải tu tập, gìn giữ cho thanh tịnh. Lại nói dùng những gì gọi là phát tự tâm, phát tha tâm khiến Bậc Hiền Thánh được tâm hoan hỷ, nghiệp thiện hiển bày rõ ràng, mọi chỗ mong cầu đều đạt được, sau khi thân hoại mạng chung sinh về Trời Thiện Thệ.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Nếu có người phát tâm đối với Phật nên chí thành cúng dường, làm Mạn Noa La bốn phương, thì ta nói người đó về đời vị lai, ở Bắc Câu Lô Châu làm người chủ giàu sang, sau khi thân hoại mạng chung được sinh về cung Trời Đao Lợi?
Này Tôn Giả A Nan Đà! Nếu có người phát tâm đối với Phật nên chí thành cúng dường, làm Mạn Noa La như hình bán nguyệt, thì ta nói người đó vào đời vị lai, ở Đông Thắng Thần Châu làm bậc chủ giàu sang, sau khi mạng chung được sinh về Cõi Trời Dạ Ma.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Nếu có người phát tâm đối với Phật nên chí thành cúng dường, làm Mạn Noa La hình chiếc xe, thì ta nói người vào đó vào đời vị lai, ở Tây Ngưu Hóa Châu làm bậc chủ giàu sang, sau khi thân hoại mạng chung được sinh về cung Trời Đâu Suất.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Nếu có người phát tâm vì Phật mà chí thành cúng dường, làm Mạn Noa La hình tròn, thì ta nói người đó đời vị lai, ở Nam Diêm Phù Châu làm bậc chủ phú quý, sau khi thân hoại mạng chung được sinh về Cõi Trời Hóa lạc.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Nếu có người quy y Phật, Pháp, Tăng và hộ trì tịnh giới, thì ta nói thiện căn, phước đức của người đó là vô lượng, vô biên. Tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác chứng đắc tận cùng về cảnh giới Niết Bàn cũng không thể so sánh được.
Bấy giờ, Thế Tôn lại bảo Tôn Giả A Nan Đà: Tùy ý ông nên biết, hoa sen hồng kia mềm mại không nhơ. Cây Vô ưu lá sắc đỏ vi diệu. Lưỡi ta cũng như thế, dài ra phủ cả diện môn cho đến mái tóc như ông đã thấy.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Nói lời vọng ngữ, nói thêu dệt, ác khẩu, hai lưỡi thì làm gì có được điều đó?
Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác duy chỉ nói lời chân thật mới có tướng lưỡi như vậy.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Nếu có người đem thân mạng quy y, chắp tay, đảnh lễ Đức Thế Tôn Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, thì chúng sinh đó được ta cứu độ.
Vì sao?
Vì pháp giới của Như Lai luôn quyết định như vậy. Nếu có người thành tâm chắp tay lễ bái và thực hành bố thí. Lại có người như lúc rửa tay, rửa sạch những đồ đựng và trong khoảnh khắc ấy phát tâm lợi sinh và nguyện cho hết thảy chúng sinh hiện có đều được an lạc, thì ta nói người đó đã mở cửa phước đức, đóng cửa đường ác tránh khỏi ba kiếp.
Thế nào là ba kiếp?
Là kiếp đao binh, kiếp bệnh tật, kiếp đói khổ.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Lại có người trong một ngày gìn giữ giới pháp, xa lìa sự sát sinh thì người ấy không sinh vào kiếp đao binh. Nếu dùng các thứ váng sữa sống, chín, mật, dầu, đường phèn cúng dường cho Chúng Tăng, thì người ấy không sinh vào kiếp bệnh tật. Nếu đem một bát thức ăn, nước uống cúng dường cho Chúng Tăng, thì người ấy sẽ không sinh vào kiếp đói khổ.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Có ba thiện căn vô tận vô biên ở trong chốn luân hồi cũng không bị diệt tận, mà còn đến được Niết Bàn.
Những gì là ba?
Nghĩa là đối với Đức Như Lai gieo trồng thiện căn, là vô tận vô biên nên ở trong chốn luân hồi cũng không bị diệt tận, rốt cuộc là chứng đắc quả vị Niết Bàn. Đối với Pháp, đối với Tăng cũng gieo trồng thiện căn, thì cũng là vô tận vô biên, ở trong cõi luân hồi cũng không bị diệt tận và đời vị lai tất đạt đến Niết Bàn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng công đức của mình bảo Tôn Giả A Nan Đà: Ông có thấy Nam Diêm Phù Châu kia không?
Bạch Thế Tôn, con đã thấy!
Này Tôn Giả A Nan Đà! Nếu có thiện nam, tín nữ nào lấy bảy báu tạo nên Nam Diêm Phù Châu hình bánh xe dài rộng đúng bảy ngàn do tuần, đem bố thí, cúng dường cho tăng chúng tứ phương và các bậc Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, cho đến Duyên Giác…
Nếu có người, sau khi Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nhập Niết Bàn, dùng khối đất bùn làm Tháp dù chỉ lớn bằng quả Am Ma Lặc, trên đỉnh Tháp đặt hình bánh xe pháp dù nhỏ như cây kim, tạo cái lọng để che hình giống lá táo, rồi bên trong Tháp Tôn Tượng Phật như hạt lúa mạch, đặt Xá Lợi như hạt cải trắng ở phía dưới, thì ta nói phước đức người này đạt được là rộng lớn, hơn hẳn những người đã nói ở trước. A Nan Đà, hãy gác lại việc nói về Nam Diêm Phù Châu.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Nếu có thiện nam, tín nữ nào lấy bảy báu làm Đông Thắng thân châu, xung quanh, bốn mặt như hình bán nguyệt, chiều dài rộng đúng tám ngàn do tuần, bố thí, cúng dường cho Chúng Tăng ở bốn phương và các bậc Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán cho đến Duyên Giác.
Hoặc nếu có người, sau khi Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nhập Niết Bàn, dùng khối đất bùn làm tháp dù nhỏ như quả Am Ma Lặc, trên đỉnh tháp tạo hình bánh xe pháp, nhọn như cây kim, làm cái lọng che hình lá táo, bên trong an trí tượng Phật bằng hạt lúa mạch, lại đặt Xá Lợi như hạt cải trắng phía dưới, thì ta nói phước đức người này là rộng lớn hơn hẳn những người đã nói ở trước.
A Nan Đà! Hãy gác lại việc nói hai Nam Diêm Phù Châu và Đông Thắng Thân.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Nếu có thiện nam, tín nữ nào có lòng tin, lấy bảy báu làm Châu Tây Ngưu Hóa tròn như mặt trăng, dài rộng đúng chín ngàn do tuần, đem cái đó cúng dường Chúng Tăng tứ phương và các bậc Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán cho đến Duyên Giác.
Hoặc có thiện nam, thiện nữ, sau khi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nhập Niết Bàn, dùng khối đất bùn làm tháp dù chỉ như quả Am Ma Lặc, mũi tháp nhọn như cây kim, hình căm xe pháp luân, trên có lọng che như lá táo, bên trong an trí tượng Phật bằng hạt lúa mạch, phía dưới đặt Xá Lợi như hạt cải trắng, thì ta nói phước đức người này là rộng lớn hơn hẳn những người trước.
A Nan Đà! Hãy gác lại việc nói về ba châu kể trên.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Nếu có thiện nam, tín nữ nào lấy bảy báu làm Bắc Câu Lô Châu, tất cả bốn mặt đều vuông rộng mười ngàn do tuần, đem cúng dường cho Chúng Tăng bốn phương và các bậc Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán cho đến Duyên Giác.
Hoặc có thiện nam, thiện nữ, sau khi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nhập Niết Bàn, dùng khối đất bùn làm tháp dù chỉ nhỏ như quả Am Ma Lặc, đỉnh tháp nhọn như cây kim, hình pháp luân, trên có lọng che như lá táo, bên trong tháp tôn trí tượng Phật bằng hạt lúa mạch, phía dưới đặt Xá Lợi như hạt cải trắng, thì ta nói phước đức người này đạt được là rộng lớn hơn hẳn những người trước.
A Nan Đà! Hãy gác lại việc nói về bốn châu nêu trên.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Nếu có thiện nam, tín nữ nào lấy bảy báu làm thiên pháp đường của thiên chủ Đế Thích đem bố thí cúng dường cho Chúng Tăng ở bốn phương và các bậc Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán cho đến Duyên Giác.
Hoặc có thiện nam, thiện nữ, sau khi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nhập Niết Bàn, dùng khối đất bùn làm tháp dù chỉ như quả Am Ma Lặc, trang nghiêm đủ loại, làm đỉnh tháp kiểu pháp luân, lọng che ở trên, tôn trí hình tượng Phật và đặt Xá Lợi, giống như trước không khác, thì ta nói phước đức người này đạt được là rộng lớn hơn hẳn những người trước.
A Nan Đà! Hãy gác lại việc nói về bốn châu và thiện pháp đường.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Nếu có thiện nam, tín nữ nào có lòng tin, cho đến lấy bảy báu làm tam thiên đại thiên Thế Giới, đem bố thí cúng dường cho Chúng Tăng bốn phương và các bậc đã chứng đắc tứ quả, cả Duyên Giác.
Hoặc có thiện nam, thiện nữ, sau khi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nhập Niết Bàn, dùng khối đất bùn làm tháp dù chỉ như quả Am Ma Lặc, trang nghiêm đủ loại, tướng pháp luân, lọng che tôn trí hình tượng Phật và đặt Xá Lợi, giống như trước không khác, thì ta nói phước đức người này đạt được là rộng lớn hơn hẳn những người trước.
Vì sao?
Này Tôn Giả A Nan Đà! Vì Như Lai hành trì bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và nhất thiết trí là vô lượng, vô biên, cho đến mười lực, bốn trí, ba pháp bất cộng và bốn niệm xứ. Thậm chí tâm đại bi cũng vô lượng, vô biên là do Như Lai có công đức như vậy.
Này Tôn Giả A Nan Đà! Khi Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thuyết pháp thì khắp cả tam thiên đại thiên Thế Giới đều chấn động.
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan Đà bạch: Kính bạch Thế Tôn! Chánh pháp hiện được nêu giảng tên là gì?
Và thọ trì như thế nào?
Phật bảo A Nan Đà: Kinh này tên là Chánh Pháp Cam Lộ Cổ, cũng gọi là Vị Tằng Hữu Chánh Pháp, nên thọ trì như vậy.
Tôn Giả A Nan Đà với tâm hy hữu, vâng theo sự chỉ dạy của Phật tín thọ phụng hành, đảnh lễ và lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - Phẩm Mười Hai - Phẩm Hiện Hóa
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh ðoạn Giảm - Phần Ba - đoạn Giảm
Phật Thuyết Kinh đại Lâu Thán - Phẩm Tám - Phẩm Tứ Thiên Vương
Phật Thuyết Kinh Năm Giới Tướng Của ưu Bà Tắc - Phần Hai - Giới Trộm
Phật Thuyết Kinh A Tra Bà Câu Quỷ Thần đại Tướng Thượng Phật đà La Ni Thần Chú