Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Ba - Nhẫn Nhục độ Vô Cực - Kinh Số Năm Mươi Bốn - Kinh Nhà Họ Thích Hết Tội
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
CHƯƠNG BA
NHẪN NHỤC ĐỘ VÔ CỰC
KINH SỐ NĂM MƯƠI BỐN
KINH NHÀ HỌ THÍCH HẾT TỘI
Thuở xưa có Bồ Tát giữ giới hạnh thanh tịnh, tích lũy công đức, nên mới chứng được đạo quả Như Lai, Vô Sở Trước, Chánh Chân Giác, Đạo Tối Chánh Giác.
Khi đi du hóa ở nước Xá Vệ, Trời, Rồng, quỷ thần, Vua chúa, thần dân, không ai là không theo về với Ngài. Đạo tà, thuật quấy gặp thời Phật hưng thịnh, giống như trước ánh Mặt Trời thì lửa đom đóm phải tàn lụi.
Tham lam ganh ghét nổi lên, không thấy lửa cháy đốt mất thân, bàn mưu kết với bọn xấu xúi giục nữ đệ tử, tên là Hảo Thủ đến hủy hoại Đấng Thiên Tôn. Người trong nước những kẻ chưa hiểu được lẽ thật, có vẻ trầm ngâm ngờ vực, lòng nghi các vị Sa Môn, Vua cũng lấy làm dạ. Bọn đạo tà tham bẩn, tranh của cải tố cáo nhau.
Uế trược hiện ra, tai họa theo ngay, tức thời bị phế bộ. Trinh chân chiếu rõ, người Trời ngợi khen. Nhà Vua đến Tinh Xá cúi đầu hối lỗi, do đó có lòng hổ thẹn, nên nhờ mai mối, thưa hỏi xin được kết hôn với cô em gái Đức Phật để dứt tuyệt mối oán hờn với dòng họ Thích.
Đức Thế Tôn nói: Ta đã bỏ nhà làm Sa Môn, không can dự vào việc đời, mọi chuyện cưới xin nhất nhất đều do phụ Vương Ta. Nhà Vua sai sứ giả đem lời kết thân đến kính báo. Mọi người trong họ Thích đều không chấp thuận.
Vua họ Thích nói: Đức Phật đang ở xứ ấy, do vậy các ông qua lại, người sáng suốt thì không nên oán, chỉ kẻ ngu mới kết thù.
Con gái ta chẳng qua là con của người thiếp hèn mọn, làm sao đủ để gây oán hận?
Rồi nhà Vua hứa: Được! Sau đó, cuộc hôn nhân liền thành, sinh được một người con trai nối dòng. Một hôm, người con ấy xin được gặp các cậu của mình, nên đi về nước của họ Thích. Họ Thích mừng rỡ lo xây dựng Tinh Xá cho Phật.
Họ đào đất sâu ba thước, đem hương Chiên Đàn lấp đầy vào đó, gom góp các vật báu trong nước làm Tinh Xá cho Phật, nguy nga rực rỡ như là Thiên Cung, tiếng đồn vang khắp các nước láng giềng, không ai là không náo nức, tò mò Đức Phật chưa vào ngồi trên tòa ở Tinh Xá, thì Thái Tử nhân dịp về thăm các cậu vào xem và nói: Tinh Xá này đẹp, các thứ báu lộng lẫy, chỉ có cung Vua Trời mới sánh được thôi.
Lại nói: Đức Phật chưa đến đây, ta được một lần ngồi lên tòa này, dù có mất mạng cũng không ân hận.
Thái Tử có một người bạn thân tên là Đầu Khư Ma, đáp: Ừ có mất gì đâu! Thái Tử liền lên tòa ngồi.
Các hùng sĩ họ Thích lớn tiếng mắng: Chỗ Đức Thế Tôn ngồi, Vua Trời còn không dám, con của kẻ hèn mọn sao dám lên tòa ngồi?
Bèn phá đi để làm lại.
Thái Tử đi ra gọi người bạn, nói: Nhục này không gì hơn. Nếu ta được làm Vua, người đừng quên đây nhé.
Người bạn đáp: Hẳn nhiên. Trở về nước mình, đòi mẹ muốn được làm Thái Tử. Người mẹ dùng lời yêu mị cầu Vua, theo sở nguyện của con.
Nhà Vua nói: Chuyện này xưa nay ta chưa từng nghe, không nên bày đặt lời rồ dại, chỉ chuốc lấy điều xấu hổ. Yêu độc ở bên trong, nịnh thần dùng lời lẽ khéo léo, nhà Vua bèn lập hai con, chia dân để cai trị.
Vua cha băng hà, hai Thái Tử lên ngôi lập thành hai nước, dân theo sở thích nhân từ hoặc hung bạo mà chia dòng. Người nhân từ liền theo phụng sự người anh, kẻ hung bạo thì vội tìm đến người em. Người bạn được Vua em phong làm Tướng Quốc, sửa soạn chiến tranh, chuẩn bị quân đội, rồi đem chuyện cũ tâu lên.
Vua nói: Được! Rồi họ chọn binh hùng tướng mạnh xuất phát. Thấy Phật ngồi bên đường, cạnh gốc cây nửa khô nửa tươi, nhà Vua đến cúi đầu.
Thưa: Đức Phật sao Ngài không ngồi dưới bóng cây thuần tươi tốt, mà lại ở bên gốc cây nửa khô nửa tươi như thế?
Đức Phật đáp: Cây này tên là Thích, ta yêu tên ấy, nên đem lòng nhân cứu nạn cho nó, làm cho phần khô được tươi lại, cho nó sự sống trọn vẹn.
Nhà Vua bùi ngùi, trong lòng hổ thẹn, nói: Lòng nhân từ của Phật rộng khắp, ban đến cả cỏ cây, huống chi là người. Thế là nhà Vua cho quân quay về. Tướng Quốc ngửa mặt xem Thiên văn, thấy họ Thích phước xưa đã hết, tai họa đang lên, bèn đem việc này tâu lên.
Nhà Vua lại xuất quân, đi chưa đến thành họ Thích, thì nghe tiếng cung nỏ tên đạn trong thành kêu vang như gió mưa, cờ phướn dù lọng gãy cán, cột đứt, giáp rách, dàn ngựa rời ra… binh sĩ ngựa nghẽo tuôn chạy, không ai là không sợ hết hồn. Nhà Vua lại thâu binh chạy trở về.
Người họ Thích hỏi Phật phải chống giặc ấy như thế nào?
Đức Phật bảo: Giữ chặt cửa ải, phế bỏ cầu hào. Nhà Vua kia lại xuất quân.
Tôn Giả Mục Liên thưa Phật: Con muốn đem uy lực của La Hán hóa làm lưới Trời che phủ mặt thành bốn mươi dặm, Vua làm gì được người họ Thích?
Đức Phật nói: Không làm sao khỏi tội được.
Tôn Giả Mục Liên lại nói: Hay là chạy trốn sang nước khác.
Đức Phật nói: Không làm sao khỏi tội được.
Mục Liên thưa: Con có thể cứu việc hữu hình, chứ không thể làm gì để cứu tội vô hình sao?
Đức Phật nói: Gieo ác thì họa sinh, ai có thể cứu được. Hãy lấy một người con của họ Thích đặt dưới bát của ta, để chứng thật điều ấy. Tôn Giả Mục Liên làm y theo lời. Các hàng kỳ lão họ Thích vâng lời, lo giữ cửa.
Ma hóa làm kẻ quen đức độ, đến la rầy người họ Thích: Giả như nhà Vua mượn đường đi qua, các ngươi lại tuyệt đường ông ấy, cái ác về sau sẽ thêm nặng.
Đệ tử của Đức Phật đi có được chăng?
Ma thừa thế rút khóa mở cửa, binh sĩ tràn vào như nước ùa đê vỡ.
Thích Ma Nam làm đại tướng quân, từng cùng với tiên Vương của nhà Vua học một thầy, đã có ước thề làm bạn sinh tử có nhau, gọi Vua lại nói: Hãy dừng binh sĩ hung bạo của ông trong chốc lát, để người trong thành đi ra được toàn mạng.
Nhà Vua nói: Được!
Đại tướng quân đến bên bờ hào, hướng về Đức Phật, cúi đầu rơi nước mắt, nói: Đem cái mạng nhỏ của con, xin người trẻ tuổi kia, nguyện cho quần sinh trong mười phương vâng lời Phật dạy, quên mình cứu người, nhuần thấm cả Trời Đất, không làm điều độc ác của loài chó sói, rắn hổ mang, giết người chúng sinh như ông Vua vô đạo này.
Rồi ông nhảy xuống nước, lấy tóc cột vào rễ cây, trong giây lát thì chết. Vua sai sứ giả vào xem, sứ trở về tâu lên việc đã thấy đúng như thế.
Binh sĩ vào thành đào đất chôn nửa người họ Thích, rồi đặt cây ngang cho voi kéo giết sạch hết, rồi hoặc cho ngựa giẫm, hoặc cho binh sĩ dùng dao chém.
Trong khi ấy thì Đức Phật nhức đầu, nỗi đau đớn khó mà kể xiết. Phạm Vương, Đế Thích, Tứ Đại Thiên Vương đều chắp tay đứng hầu, thấy vậy lòng càng đau đớn.
Người dòng họ Thích, có người tự quy mạng ba ngôi báu, có người tụng Kinh, có người khởi tâm từ… Họ Thích có ba thành, việc chinh phạt chưa hết, nhà Vua nhớ lại việc Thích Ma Nam sát thân để xin cứu mạng cho mọi người, nên lấy làm buồn bã, bèn bãi binh quay trở về.
Sai sứ đến kính thưa với Phật: Quân mệt nhọc, xin quay về nước nghỉ binh. Một ngày khác sẽ xin kính cẩn đến cúi đầu lễ dưới chân.
Đức Phật dạy: Cảm tạ nhà Vua đã tự thương mình. Sứ giả lui về. Đức Phật nhìn theo.
Tôn Giả A Nan sửa lại pháp nhục, cúi đầu bạch: Phật không hề nhìn suông, ắt có nguyên do gì chăng?
Đức Phật nói: Họ Thích đã hết tội, còn nhà Vua thì tội đang đến. Sau đó bảy ngày, quỷ của địa ngục Thái Sơn dùng lửa thiêu đốt ông và thần dân nước ấy. Tội Vua đó khó cứu như họa của họ Thích khó trừ. Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan nâng bát, người dưới bát cũng đã chết.
Đức Phật dẫn các Sa Môn đến giảng đường của Phạm chí. Đường đi qua chỗ đất các người họ Thích chết, có người đã chết, có người gãy đứt chân, tay. Thấy Đức Phật đến, họ tự vả vào má ngậm ngùi.
Chúng con xin quy mạng Phật, quy mạng Pháp, quy mạng Thánh Chúng, nguyện cho mười phương chúng sinh được an lành mãi, không như bọn chúng con. Lúc ấy, tự nhiên giường từ dưới đất hiện ra, đất không kẽ hở, các Sa Môn đều ngồi xuống.
Đức Phật nói: Vua này bội nghịch, gây nên tội to lớn như thế!
Lại hỏi các Sa Môn: Có ai thấy các người đồ tể, thợ săn, người chài lưới mà làm Phi hành Hoàng Đế không?
Các thầy đáp: Thưa không thấy. Đức Phật nói.
Hay thay! Ta cũng không thấy. Do vì họ không có bốn thứ tâm rộng lớn, thi ân cứu giúp quần sinh. Nhà Vua đến bên bờ hồ, quân sĩ vào hồ tắm, thần hồ hóa làm rắn độc cắn bọn họ. Chất độc làm cho thân thể bị thâm đen, hoặc có người chết ngay trong nước, hoặc có người đi được trăm bước, được một dặm rồi mới chết. Còn được một nửa số lượng về đến nước.
Quỷ dữ tụ tập ở trong Cung, đêm đến tiếng người la, tiếng vật kêu, tụ lại giữ nhau, đợi sáng làm theo lệnh. Nhật nguyệt ăn nhau nên mịt mờ, tinh tú mất độ, đầu cuối khắp nước đều quái dị, không ai là không oán Vua.
Nhà Vua nghe Phật dạy về cái kỳ lạ của lửa biến, trong lòng nóng như nước sôi đốt, bèn sai sứ giả đến hỏi việc ấy. Đức Phật cũng nói như trên, sứ trở về tâu lại đầy đủ, cả nước chấn động, ngói gạch vỡ tan.
Nhà Vua hội các quần thần bàn nói: Hoặc ở núi, hoặc ở cả nước. Họ liền quyết định ngồi thuyền vào biển, người mạnh, người giàu được đi theo, còn người nghèo, người ốm phải ở lại trong nước. Người trong Cung Vua mặc áo đẹp lên thuyền, trông xa thấy lửa bèn cởi áo, cởi viên ngọc dương toại gắn trên quần áo.
Ngày hôm đó mây nổi ùn ùn, trời tối mù mịt, gió mưa lớp lớp, bè đứt thuyền trôi, thần dân đều nói: Vua tối tăm làm việc bạo ngược mới bị cái họa dữ như vậy. Đến giữa trưa, mặt trời xuất hiện, đun nóng viên ngọc dương toại, làm phát ra lửa, bắt đầu cháy từ thuyền của Vua. Quỷ thần của ngục Thái Sơn nhóm hợp ầm ĩ như tiếng sấm sét liên hồi.
Cả nước còn sống mà sinh vào địa ngục Thái Sơn. Người còn ở lại trên bờ tuy có chút sợ hãi mà an toàn. Vào ngày hôm ấy Đức Phật khởi pháp định tâm từ.
Các vị Sa Môn hỏi Tôn Giả A Nan: Đức Phật không ra sao?
Tôn giá đáp: Nước có tang lớn, nên Phật khởi pháp định tâm từ bi nên không ra. Sáng sớm hôm sau, Đức Phật xuất hiện, các vị Sa Môn đều cúi đầu đảnh lễ. Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương, các Rồng, thần, quỷ, Đế Vương thần dân đều cung nghinh đảnh lễ rồi an tọa.
Tôn Giả A Nan sửa lại y phục, hỏi Đức Phật nguyên nhân họa biến của hai nước, xin Đức Phật cởi bỏ mối nghi của mọi người, để cho quần sinh hiểu rõ căn do của họa phước.
Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Thuở xưa có ba Vương quốc gần nhau. Thời đó Phật nhập diệt đã lâu, Kinh Điển không người tu tập, học hỏi. Nước thuận chỗ Bồ Tát sinh sống, đến chỗ có nhiều ao hồ đánh bất được vô số cá.
Nước ở bên cạnh nghe được thì vui mừng, đem tiền đến mua, nhìn cá đã hết nên buồn bã trở về, còn Quốc Gia ở xa thì không hay biết, cũng không có ý muốn mua.
Các người đánh bắt cá đó nay là ba ức người họ Thích bị chết. Còn nước vui mừng mua cá ấy nay là những người họ Thích trong một thành sợ lính bỏ chạy mất hết của cải.
Nước ở xa không nghe bắt được cá, nay là những người họ Thích trong một thành không biết Vua đến. Còn ta khi đó, nhìn thấy đạp đầu cá mà không một lời can ngăn, nên nay dù đã thành Phật, làm Đấng Chí Tôn của ba cõi cũng còn không khỏi cái nạn bị đau đầu, huống gì người phàm.
Này các đệ tử, hãy giữ lòng mình luôn đoan chánh, dấy lên đức từ bi đem lại mọi an ổn cho quần sinh, quên mình cứu người, cẩn thận không sát sinh, không trộm cắp của người ta, khổng gian dâm với vợ người khác.
Không nói dốì, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói lời ắc độc ganh ghét, sân si, bài báng Tam Bảo, họa lớn nhất không gì hơn mười điều ác, cái tôn quý nhất của phước báu chỉ có mười điều lành. Giết hại vật là giết mình, cứu vật là cứu mình.
Nhọc lòng nghĩ ác, miệng nói lời ác, thân làm việc ác không bằng nhọc lòng nghĩ về đạo, miệng nói lời đạo, thân làm việc đạo.
Làm thiện phước theo, làm ác họa tìm, như vang đáp tiếng, như bóng đuổi hình. Thấy những biến hóa như thế, nên thận trọng chớ có trái với lòng nhân từ của Trời đất mà chuộng thói hung tàn của loài lang sói.
Đức Phật nói Kinh xong, bốn chúng đệ tử, Trời, Rồng, Quỷ, Thần, muôn loài đều rất vui mừng, cúi đầu đảnh lễ và lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Một - Kinh Tiểu Tụng - Chương Năm - Kinh ðiềm Lành
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Sư Tử Hống - Phần Năm - Bốn Loại Sanh
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tỳ La - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Tám Mươi Tám - Kinh Khỉ Nắm Nắm đậu
Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Mười Chín
Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái - Phẩm Mười Một - Phẩm Biết Ba đời