Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Hai - Giới độ Vô Cực - Kinh Số Hai Mươi Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

CHƯƠNG HAI

GIỚI ĐỘ VÔ CỰC  

KINH SỐ HAI MƯƠI BẢY  

Sao gọi là Giới Độ Vô Cực?

Cuồng ngu, hung ngược, ưa tàn sát mạng sống, tham lam, trộm cắp, dâm dật uế tạp, nói hai lưỡi, nói lời ác, nói dối, nói thêu dệt, lòng ganh ghét, giận dữ, ngu si, hại người thân, làm nhục Bậc Thánh Nhân, bài báng Phật, quấy nhiễu người hiền, lấy vật nơi tông miếu, mang lòng xấu ác, hủy hoại ba ngôi báu.

Độc ác như thế thà chịu phanh thây, bị băm vằm nơi chợ, rốt cuộc quyết không bao giờ làm. Chỉ dốc tin Tam Bảo, bốn ân cứu giúp khắp.

Thuở xưa, Bồ Tát làm Thanh tín sĩ. Vua của đất nước ấy làm điều chân chánh, khuyên dặn các quan và dân chúng biết đến ba ngôi báu.

Ai giữ giới, ăn chay thì được tha thuế má, miễn sưu dịch. Dân chúng lớn nhỏ đều thấy Vua chuộng hiền đức, nên phần nhiều giả lương thiện mà âm thầm làm điều tà vạy.

Nhà Vua dùng giới luật của Phật để xem xét tiết tháo nơi dân chúng, thấy lắm kẻ chỉ tốt bề ngoài mà trong lòng thì xấu, trái với sự giáo hóa trong sạch của Phật.

Nhà Vua liền giả vờ xuống sắc lệnh: Ai dám tôn trọng Đạo Phật thì bị tội chết bêu chợ. Bọn giả làm lành không đứa nào là không bỏ điều chân chánh, buông lòng quay về gốc tà ngụy của chúng.

Bồ Tát tuổi già, lòng giữ sự sáng suốt chân chánh rộng lớn, nghe lệnh Vua thì cả Kinh, nói: Bỏ chân theo tà, dù được làm Đế Vương, sống ngang Trời đất, giàu không ai hơn, sáu vui thỏa lòng, ta trọn không làm. Tuy sống chỉ trong một bữa ăn mà được thấy sự giáo hóa chân thật của Tam Bảo, ta cũng vui lòng phụng sự.

Còn ôm nhớ hàng vạn sách vở ghi chép về thế tục, thân sống trong Cung Trời, thọ mạng ngang Trời mà mờ mịt về ba ngôi báu, không nghe được Kinh Phật, thì ta không mong cầu. Vâng theo lời Đức Phật dạy, dù gặp phải họa giết chóc ta cũng cam lòng.

Kinh dạy: Chúng sinh tự lao mình vào ba đường, có những cái khó:

Được làm người là khó.

Được ở vùng giữa là khó.

Sáu căn đầy đủ là khó.

Sinh trong nước có đạo là khó.

Thân cận với Bồ Tát là khó.

Gặp được Kinh mà tin là khó.

Thấu hiểu điều sâu xa vi diệu là khó.

Gặp Sa Môn hạnh cao, tâm thanh tịnh, dốc lòng cúng dường là khó. Gặp Phật và được thọ ký là khó. Ta nhờ công đức đời trước, nay thấy Kinh Phật, được thờ Tam Bảo, nên dù gặp phải sự vô đạo tàn khốc, hoặc muối thịt, ngâm thân, hoặc nước sôi, lửa bỏng, ta trọn cũng không bỏ nẻo chánh chân để theo thứ yêu mị, độc hại kia.

Nhà Vua giao cho quan Hữu Ty truy xét những người trái lệnh thì đem giết bêu chợ. Người tra xét thấy Bồ Tát bền chí phụng thờ Tam Bảo không chuyển, lòng thành không suy giảm, liền bắt đem tâu lên Vua.

Nhà Vua phán: Đem ra chợ chém! Rồi kín đáo sai người theo nghe ngóng xem ông ấy nói gì.

Bồ Tát sắp đến chết còn dạy con: Trời đất từ lúc mới dựng, có người sống đến nay, chúng sinh ở đời do sáu tình loạn hành, cuồng say quá lắm, ít được gặp Tam Bảo dẫn dắt giáo hóa, để trở thành sáng suốt, trong sạch. Con nay may mắn biết được đạo pháp, hãy thận trọng không nên bỏ.

Ôi! Bỏ hạnh của Phật Pháp mà làm theo hành vi hư ngụy của quỷ yêu thì chắc chắn mất nước thôi. Ta thà bỏ thân mạng này, chớ không hề bỏ nẻo chân chánh. Nhà Vua nay đã sai lầm, con không được nghe theo. Người tra xét tâu lên Vua những điều được nghe.

Nhà Vua biết Bồ Tát giữ hành chân chánh, liền vui mừng mời đến, nắm tay dắt lên điện, nói: Khanh chân chánh, đáng gọi là đệ tử của Phật. Rồi Vua phong làm Tướng Quốc, giao cho việc trị nước. Còn bọn người bỏ sự giáo hóa thanh tịnh của Phật thì lại phải đóng thuế, sưu dịch. Từ đây, trong nước không ai là không ham chuộng điều thiện.

Đức Phật bảo các vị Sa Môn: Vị Quốc Vương lúc đó là Di Lặc, còn vị thanh tín sĩ là thân ta. Bồ Tát giữ chí tu hạnh độ vô cực, đã thực hành trì giới như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần