Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

CHƯƠNG MỘT

BỐ THÍ ĐỘ VÔ CỰC  

KINH SỐ BA  

Xưa có vị Bồ Tát nghèo cực khốn khó, cùng với các thương nhân đi sang nước khác. Những người này đều có lòng tin Phật, bố thí kẻ nghèo thiếu, cứu giúp chúng sinh.

Mọi người đều nói: Chúng tôi đều có lòng thương xót, giúp cho, còn ông thì lấy gì để bố thí?

Bồ Tát đáp: Ôi! Thân mạng là thứ mượn tạm, không gì là chẳng thể từ bỏ. Tôi thấy cá dưới biển, lớn bé ăn nuốt lẫn nhau, nên lòng ngậm ngùi thương xót. Vậy tôi sẽ đem thân này thay cho đám cá nhỏ, để chúng được sống trong chốc lát.

Nói rồi liền tự gieo mình xuống biển, cá lớn nhờ đấy được no, cá nhỏ được sống. Hồn linh của Bồ Tát hóa làm Vua Cá Chiên, thân dài đến mấy dặm. Bên bờ biển có một đất nước đang bị hạn hán, dân chúng đói khát nên ăn thịt lẫn nhau.

Vua cá thấy vậy, rơi nước mắt, nói: Chúng sinh hỗn loạn, nỗi khổ ấy thật bức bách!

Thân ta thịt nhiều đến mấy dặm, có thể cung ứng cho sự túng thiếu của lê dân trong mười tháng. Cá bèn tự phơi thân lên bãi biển của đất nước đang bị khô hạn. Cả nước nhờ ăn thịt cá mà bảo tồn được sinh mạng. Dân chúng lấy thịt ăn đến mấy tháng mà cá vẫn sống. Thiên Thần xuống nói với cá.

Người có thể kham chịu nỗi khổ đến thế sao?

Sao không chết đi để khỏi phải chịu nỗi đau đớn như vậy?

Cá đáp: Nếu ta chết đi thì hồn lìa thân nát, sau này dân chúng đói khát, sẽ lại ăn thịt lẫn nhau. Ta chẳng nỡ nhìn, vì lòng thương cảm.

Thiên Thần nói: Lòng từ bi của Bồ Tát thật khó sánh.

Thiên Thần vì thế càng đau lòng, nói: Ngài ắt thành Phật để cứu độ chúng sinh thoát khổ. Có người dùng búa chặt lấy đầu, nên cá chết, hồn linh của cá liền thác sinh làm Thái Tử con Vua. Vừa sinh ra, Thái Tử đã có trí sáng của bậc Thượng Thánh.

Lòng từ tỏa rộng, bốn ân nhuần thấm khắp Trời Đất, thương dân khôn cùng, nói năng hiền hòa. Thế nhưng đất nước vẫn còn hạn hán.

Vua tịnh tâm trai giới, từ chối mọi sự ăn uống, dập đầu hối lỗi nói: Dân tình không gặp điều tốt đẹp, lỗi tại thân ta!

Nguyện bỏ thân mạng này, cho muôn dân được hưởng mưa móc nhuần thấm. Tháng ngày buồn thương, Vua như người con chí hiếu gặp phải tang cha lành lòng chí thành lan xa, liền có Chư Phật gồm năm trăm vị đi đến nước ấy. Nhà Vua nghe tin lòng vui mừng như quên mình, cung kính nghinh đón, rước về chánh điện. Hoàng Hậu, Thái Tử… ai ai cũng thành khẩn.

Món ngon, pháp phục đẹp, đều cúng dường đầy đủ, năm vóc gieo xuống đất, cúi đầu khóc mà thưa: Con tâm hạnh uế trược, chẳng vâng theo lời dạy về bốn ân của tam Tôn, gây khổ cho nhân dân, tội thật đáng chém, hoặc đày nơi hèn khốn. Nhiều năm khô hạn, muôn dân đói khát, oán giận, thống khổ, thương tâm, nguyện xin dứt trừ tai ách cho dân, dồn tội họa cho con.

Đức Phật nói: Ông là vị Vua biết thương người, có lòng nhân từ, luôn ban phát ân huệ, đức ngang với Trời Đế Thích, Chư Phật đều biết. Nay trao cho nhà Vua hạnh phúc này, chớ có lo lắng, mau chỉ dạy dân gieo trồng lúa thóc. Vua liền vâng theo lời dạy.

Nam nữ có nghề, dân chúng thảy đều làm việc. Lúc lúa đã kết hạt, quan coi về nông nghiệp tâu lên Vua.

Vua nói: Phải để thật chín. Kết quả khắp nước đều có lúa gạo, mỗi nhà mấy hộc, vị gạo thơm ngon, hương lan khắp chốn. Cả nước vui mừng, ngợi khen công đức của Vua. Các nước bốn phía vốn thù địch nay đều đến xưng thần.

Dân chúng thêm đông đúc, bờ cõi ngày một mở rộng, khắp nước đều giữ giới, quy kính Tam Bảo. Vua và dân chúng sau khi lâm chung đều sinh lên Cõi Trời.

Đức Phật dạy: Người nghèo thuở ấy chính là thân ta, vì nhiều kiếp thực hiện nhân từ bố thí, cứu vớt chúng sinh, công đức không hề bị hủy hoại, nên nay đắc quả Phật, hiệu Thiên Trung Thiên, là bậc Đại Hùng trong ba cõi. Bồ Tát từ bi thi ân, tu hạnh độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần