Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số mười Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

CHƯƠNG MỘT

BỐ THÍ ĐỘ VÔ CỰC  

KINH SỐ MƯỜI TÁM  

Thuở xưa, Bồ Tát làm thân nai chúa, thân hình cao lớn, lông có năm màu, móng sừng đẹp lạ, hàng ngàn nai khác phục tùng đi theo từng bầy.

Một hôm, Quốc Vương nước ấy đi săn, bầy nai bị phân tán, con thì lao vào hang núi, con thì rớt xuống vực sâu, húc vào cây, đâm vào gai, da nát xương gãy, tử thương và bị giết không ít.

Nai chúa thây thế, nghẹn ngào nghĩ: Ta là trưởng đàn, đáng lẽ phải sáng suốt chọn đường đất mà đi kiếm ăn. Chỉ vì cỏ non mà quanh quẩn ở đây, làm cho lũ nhỏ bị tiêu tán, lỗi này tại ta. Rồi nai chúa theo đường tắt, tự đi vào thành.

Người trong nước thấy nó đều nói: Vua ta có đức chí nhân, khiến nai thần đến tận triều.

Vì cho là điềm lành của đất nước, không ai dám động tới nai chúa nên nai chúa mới đến được trước điện Vua, quỳ xuống tâu: Loài thú nhỏ tham sống, gởi thân nơi đất nước Ngài, bởi gặp thợ săn, loài vật chúng tôi chạy trốn, hoặc sống thì lạc nhau, hoặc chết thì la liệt. Lòng nhân của Trời luôn thương yêu loài vật, thật đáng buồn đau. Chúng tôi tự chọn mỗi ngày dâng nạp thái quan, xin cho biết số lượng, không dám dối gạt.

Nhà Vua lấy làm lạ, đáp: Thái quan dùng một ngày không quá một con. Ta không biết các ngươi bị tử thương quá nhiều. Nếu quả thật như lời ngươi nói, thì ta thề không đi săn nữa.

Nai chúa về họp cả bầy nai, nói hết ý ấy, chỉ rõ chỗ họa phước. Cả bầy nai nghe rồi đều phục tùng, tự phân thứ tự, con nào phải đi trước.

Mỗi khi con nào sắp đi chịu chết đều đến từ biệt nai chúa, nai chúa đều rơi nước mắt, thương xót dặn dò: Sinh ra trên đời đều phải chết, có ai được miễn đâu. Con nên tìm đường niệm Phật, nhân hiếu từ tâm, đối với Vua kia, chớ có oán giận. Hàng ngày đều như thế cả. Một hôm, đến lượt một con nai phải ra đi, mà thân mang thai gần ngày sinh.

Nó thưa: Chết tôi không dám trốn tránh, nhưng xin được tạm miễn để sinh con.

Bèn chọn con kế tiếp để thay, con này dập đầu khóc thưa: Tôi nhất định là phải chết rồi! Nhưng hãy còn sống được một ngày một đêm nữa. Dù mạng sống chỉ giây lát, nhưng giờ đến thì mới không ân hận. Nai chúa không nỡ ép uổng các sinh mạng ấy. Rạng ngày, nai chúa bèn trốn đàn, đích thân đến thẳng chỗ thái quan. Người nhà bếp biết được liền tâu lên Vua.

Nhà Vua hỏi duyên cớ, Nai Chúa đem sự việc như trên đáp lại.

Nhà Vua bùi ngùi thương xót, rơi nước mắt: Há có loài thú mà mang lòng nhân từ như Trời Đất, giết thân mình để cứu cả đàn, đi theo hạnh từ bi rộng lớn của cổ nhân. Còn ta là Vua của con người, hàng ngày giết bao mạng chúng sinh chỉ để béo tốt cho thân mình.

Ta ưa nẻo hung ngược, chuộng nết của loài sài lang sao! Loài thú mà làm điều nhân từ như thế là tôn phụng cái đức hiếu sinh của Trời. Nhà Vua bảo nai chúa trở về chỗ cũ, rồi hạ lệnh cho cả nước, nếu có người xâm phạm đến loài nai thì coi đồng với tội giết người. Từ đó về sau Vua và Quần Thần đều cải hóa, dân chúng tuân theo nẻo nhân không sát sinh.

Ân đức thấm nhuần đến cả cỏ cây, đất nước được thái bình. Bồ Tát đời đời hy sinh thân mình để cứu giúp muôn vật. Công nên, đức lớn, trở thành Bậc Đại Hùng tôn quý.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Nai chúa thời đó chính là thân ta, còn Quốc Vương là Xá Lợi Phất. Bồ Tát từ bi thi ân, tu hạnh độ vô cực, đã thực hành bố thí như thế.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần