Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Sáu - Minh độ Vô Cực Trí Tuệ Ba La Mật - Kinh Số Tám Mươi Chín - Kinh Vua Kính Diện
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Khương Tăng Hội, Đời Ngô
CHƯƠNG SÁU
MINH ĐỘ VÔ CỰC
TRÍ TUỆ BA LA MẬT
KINH SỐ TÁM MƯƠI CHÍN
KINH VUA KÍNH DIỆN
Tôi nghe như vậy!
Một thời Đức Phật ở trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ.
Đến giờ ăn, chúng Tỳ Kheo mang bình bát vào thành khất thực, mà Trời chưa đứng bóng nên lòng đều nghĩ nói: Vào thành sớm quá, chúng ta nên đến giảng đường của Phạm Chí đạo khác ngồi nghỉ chốc lát.
Mọi người đều nói: Được! Rồi họ liền kéo đến chỗ đó, cùng các Phạm Chí hỏi thăm nhau, rồi ngồi vào chỗ.
Khi ấy, các Phạm Chí cùng nhau tranh cãi về Kinh Điển, phần khúc mắc không giải được, chuyển sang oán giận, bài bác nhau, nói: Ta biết pháp ấy, ông biết pháp nào?
Điều ta biết là hợp với đạo, còn chỗ ông biết thì không hợp đạo. Đạo pháp của ta nên thi hành, còn đạo pháp ông thì khó gần gũi được, điều đáng nói trước thì đem nói sau, điều đáng nói sau lại đem nói trước. Nhiều pháp nói sai, như gánh nặng không thể cất lên nổi. Tôi vì ông giảng giải nghĩa lý mà ông không thể hiểu.
Ông chẳng biết, ông thật không có được gì cả?
Sao lại bức bách ta?
Trả lời thì dùng lưỡi sỉ vả, thành ra hại nhau, bị một lời độc thì đáp lại bằng ba. Các vị Tỳ Kheo nghe họ nói những lời dữ như vậy, cũng không đồng tình với lời nói kiểu ấy, nhưng cũng không chứng minh được chúng phải. Các vị Tỳ Kheo đều đứng dậy, đi vào thành Xá Vệ khất thực.
Thọ trai xong, cất bát, trở lại khu lâm viên Kỳ Đà, làm lễ Đức Phật, xong đều ngồi sang một bên, đem sự việc trên bạch với Đức Phật, nghĩ rằng đám Phạm Chí ấy tự làm khổ với cái học như thế.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Không biết tới khi nào hiểu được?
Đám dị học đó không phải chỉ ngu tối một đời. Này các Tỳ Kheo, vào thời quá khứ xa xưa, ở cõi Diêm Phù Đề này có vị Vua tên là Kính Diện, thường đọc tụng các Kinh quan trọng của Phật, trí tuệ như cát sông Hằng, đa số thần dân không tụng đọc, lại ưa thích sách nhảm, tin theo vết sáng của đom đóm mà nghi ngờ cái thấy xa của mặt trời, mặt trăng.
Bèn đem người mù để dẫn dụ, muốn họ từ biệt vũng nước nhỏ mà đi vào biển lớn. Liền lệnh sứ giả đi khắp trong nước, bắt những người mù bẩm sinh đem về cửa Cung Vua.
Sứ giả phụng mệnh thi hành, đem hết cả những người mù trong nước về Cung, rồi tâu lên Vua: Chúng Thần đã bắt được những người mù mắt, hiện đang chờ dưới điện.
Nhà Vua nói: Đem họ đi xem voi. Quan phụng mệnh Vua, dẫn những mù ấy đến chỗ voi, dắt tay chỉ voi cho họ xem. Trong bọn họ có người sờ được chân voi, có người sờ được phần ngọn của đuôi voi, có người sờ được bụng, có người sờ bên sườn, có người sờ lưng, có người sờ tai, sờ đầu, sờ ngà, sờ mũi… bọn người mù ở chỗ voi tranh cãi nhau om sòm.
Ai cũng cho rằng mình đúng, còn người khác sai. Sứ giả dẫn họ trở về, đem đến chỗ của Nhà Vua.
Vua hỏi: Các ngươi thấy voi chưa?
Họ tâu: Chúng tôi đều thấy cả.
Nhà Vua hỏi: Voi giống như cái gì?
Người sờ được chân, tâu: Thưa Minh Vương nó giống như cái thùng sơn.
Người sờ được phần cuối đuôi, tâu: Voi như cái chổi quét rác.
Người sờ gốc đuôi, tâu: Voi như cây gậy.
Người sờ bụng, tâu: Voi như cái trống.
Người sờ hông, tâu: Voi như bức vách.
Người sờ được lưng, tâu: Voi như cái ghế cao.
Người tóm được tai, tâu: Voi như cái nia để gạo.
Người sờ đầu, tâu: Voi như cái đâu lớn.
Người nắm phải ngà tâu: Voi như cái sừng.
Người sờ được vòi voi, tâu: Thưa Minh Vương, voi như sợi dây kéo lớn.
Rồi chúng lại ở trước mặt Vua cùng tranh cãi nhau, ai cũng bảo: Voi đúng như lời con thưa.
Vua Kính Diện cười, bảo chúng: Những kẻ mù kia ơi! Những kẻ mù kia ơi! Lũ ngươi cũng như người không hiểu Kinh Phật vậy.
Bèn nói bài kệ:
Nay bọn đui mù này
Cãi suông, tự cho đúng
Thấy một cho khác sai
Ngồi một voi cùng oán.
Nhà Vua lại nói: Phàm chuyên chú vào đám sách vở nhảm bậy thì không thấy được Kinh Phật mênh mông, không gì hơn, chân chánh ngất Trời, không gì che phủ, khác nào bọn người không mắt. Từ đấy, cả nước trên dưới lớn nhỏ đều đọc tụng Kinh Phật.
Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Vua Kính Diện ấy là thân ta, còn những người mù mắt kia là đám Phạm Chí ở giảng đường. Lúc ấy, bọn họ vô trí, mù nên tranh cãi nhau, nay cãi nhau cũng vì mờ tối, ngồi tranh cãi nhau một cách vô ích. Bấy giờ, Đức Phật kiểm đầy đủ sách ấy, khiến các đệ tử giải thích, vì đời sau làm rõ ràng, để cho Kinh Đạo được trụ thế lâu dài.
Đức Phật bèn nói Kinh đủ nghĩa này:
Mình mù, nói họ chẳng bằng ta
Ngày một nặng si, lúc nào rõ
Mình không đạo, bảo là học hết
Đảo loạn không tu, bao giờ tỏ?
Hạnh quý thường làm tự biết
Hạnh tự thấy nghe khó sánh
Đã đọa năm nhà đời buộc
Thêu dệt há thắng người ngay!
Ôm si đứng ngóng nẻo thiện
Học tà mà mong được độ
Chân lý thấy nghe, suy nghĩ
Tuy giữ giới chớ chấp trước.
Thấy việc đời chớ thuận làm
Chỉ tuệ, niệm mới nên ham
Với bốn đẳng nên kính giữ
Chớ sinh tưởng không kịp người.
Dứt thế, đời sau nghiệp dứt
Bỏ vọng tưởng đi riêng mình
Chớ tự biết cho rằng sáng
Tuy thấy nghe, chỉ dốc quán.
Cả hai mặt đều vô nguyện
Thai, không thai cũng xa lìa
Hai chốn cũng vô sở trụ
Dốc quán chỉ đạt các pháp.
Chỗ thấy, nghe, ý thọ hành
Nẻo niệm tà chớ hề tưởng
Tuệ quán pháp ý cùng hợp
Từ đấy buông xả, đời không xa.
Tự không có, chỗ nào đợi?
Hạnh gốc, cầu mong phép mầu
Dốc giữ giới, chưa phải tuệ
Vượt bờ chẳng lại qua mau.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba