Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Bảy - Phẩm Bảo Tích - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA BẢO VÂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Mạn Đà La Tiên, Đời Lương
PHẨM BẢY
PHẨM BẢO TÍCH
TẬP BA
Thiện nam! Ví như Chuyển Luân Thánh Vương có đại phu nhân mang thai bảy ngày, đứa nhỏ ấy có đủ tướng Chuyển Luân Vương, được Chư Thiên tôn trọng hơn những đứa con của người khác, dù thân lực đầy đủ.
Vì sao?
Vì thai Vương Tử này chắc chắn tiếp nối ngôi vị dòng Thánh Vương tôn quý.
Thiện nam! Bồ Tát sơ tâm cũng lại như vậy, tuy chưa đầy đủ các tướng Bồ Tát, nhưng Chư Thiên, các thần đều hết lòng tôn trọng như thai Vương Tử.
Vì sao?
Vì Bồ Tát như vậy là chắc chắn nối tiếp ngôi vị tôn quý, không đoạn hạt giống Phật.
Thiện nam! Ví như một hạt ngọc lưu ly tối thắng hơn thủy tinh. Bồ Tát cũng vậy, từ sơ phát tâm liền tối thắng hơn tất cả các loại chúng sinh.
Thiện nam! Ví như ngày phu nhân của Đại Vương sinh con, tiểu Vương, quần thần đều đến bái kiến. Bồ Tát cũng vậy, lúc mới phát tâm, Chư Thiên, người đời đều kính cẩn lễ bái.
Thiện nam! Ví như trên Tuyết Sơn Vương, các cây có thuốc hiện bày, không có chỗ nào chen chúc, không có chỗ phân biệt. Tùy theo mỗi bệnh đều có thể trừ khỏi. Bồ Tát cũng vậy, tích tập trí được không có chỗ phân biệt, rộng vì chúng sinh mà cứu hộ bình đẳng.
Thiện nam! Như trăng mới mọc, chúng sinh ái kính còn hơn cả trăng tròn.
Thiện nam! Chúng sinh như vậy tin điều Như Lai nói, ái kính Bồ Tát còn hơn Như Lai.
Vì sao?
Vì các Bồ Tát sinh ra Như Lai.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Đại Bồ Tát Bảo Tích: Này thiện nam! Đại Bồ Tát thường vì tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh mà tu tập phạm hạnh công đức thanh tịnh, thiện căn vô thượng. Dùng tâm bình đẳng thí cho chúng sinh được trí dược cùng khắp mười phương, trị liệu tất cả bệnh khổ, phiền não, khiến cho rốt ráo không còn tái khởi.
Thế nào gọi là trí dược của Bồ Tát?
Đó là:
Quán Bất tịnh trị bệnh tham dục.
Dùng tâm từ trị bệnh sân hận.
Dùng quán nhân duyên trị bệnh ngu si.
Dùng quán không trị các vọng kiến.
Dùng quán vô tướng trị các ức tưởng phân biệt cảnh giới.
Dùng quán vô nguyện trị tất cả nguyện sinh nơi tam giới.
Dùng bốn phi điên đảo trị bốn điên đảo.
Dùng quán vô thường trị bệnh chấp thường, điên đảo trong vô thường.
Dùng quán khổ trị bệnh chấp vui điên đảo trong các khổ.
Dùng pháp vô ngã trị bệnh chấp ngã điên đảo trong vô ngã.
Dùng Niết Bàn tịch diệt trị bệnh chấp tịnh điên đảo trong bất tịnh.
Dùng quán bốn niệm xứ: Thân, thọ, tâm, pháp, để đối trị bốn loại điên đảo: Thuận quán tướng thân, không rơi vào ngã kiến. Thuận quán tướng thọ, không rơi vào ngã kiến. Thuận quán tướng tâm, không rơi vào ngã kiến thuận quán tướng pháp, không rơi vào ngã kiến. Bốn niệm xứ này có khả năng trị tất cả bệnh về thân, thọ, tâm, pháp, mở cửa Niết Bàn.
Dùng bốn Chánh cần có thể đoạn trừ các pháp bất thiện đã sinh. Các pháp bất thiện chưa sinh thì không cho sinh. Pháp thiện chưa sinh, làm cho sinh. Pháp thiện đã sinh, làm cho tăng trưởng. Nói tóm lại, những điều này có khả năng đoạn trừ tất cả các pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện.
Dùng bốn Như ý túc sửa trị tướng thân tâm hiệp nhất, khiến được thần thông tự đại như ý.
Dùng năm Căn sửa trị vô tín, biếng nhác, thất niệm, loạn tâm, vô tuệ của tất cả chúng sinh.
Dùng năm Lực diệt sạch các phiền não.
Dùng bảy Giác phần sửa trị nghi, hối, sai lầm trong các pháp.
Dùng tám Chánh đạo sửa trị các tà đạo của tất cả luận sư.
Thiện nam! Đó là trí tuệ diệu dược rốt ráo, Bồ Tát thường phải tu tập, ân cần thực hành.
Thiện nam! Trong Cõi Diêm Phù Đề, Y Vương Kỳ bà là tối thắng đệ nhất, Bồ Tát có khả năng làm cho tất cả chúng sinh trong tam thiên đại thiên Thế Giới đều như Kỳ bà. Nhưng nếu có người hỏi về bệnh, mà còn nghi, hối, tà kiến, phiền não, kết sử trong tâm thì thuốc còn chẳng thể đáp ứng, huống nữa là có thể trị.
Do vậy, Bồ Tát trong lòng phải nên suy nghĩ: Ta không nên dùng thuốc thế gian cho là đủ. Ta phải tu tập trí dược xuất thế, cũng tu tất cả phước đức thiện căn. Như vậy, Bồ Tát đã được trí dược biến khắp mười phương, trị các bệnh phiền não cho tất cả chúng sinh một cách rốt ráo.
Sao gọi là trí dược xuất thế gian của Bồ Tát?
Là tin, biết các pháp từ duyên hợp sinh ra, tin tất cả pháp là vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ mạng, vô trí kiến, không tác giả, cũng không kẻ thọ nhận, tin hiểu thông đạt không ngã và ngã sở. Đối với pháp không này, không có chỗ sở đắc, không kinh, không sợ, chuyên cần tinh tấn mà tìm tướng của tâm.
Đại Bồ Tát tìm tâm như vậy, tâm này là gì?
Hoặc tâm tham dục chăng?
Hoặc tâm sân hận chăng?
Hoặc tâm ngu si chăng?
Hoặc tâm quá khứ, vị lai, hiện tại chăng?
Nếu tâm quá khứ thì quá khứ đã diệt.
Nếu tâm vị lai thì vị lai chưa đến.
Nếu tâm hiện tại thì hiện tại không dừng.
Tâm này chảng phải trong, chẳng phải ngoài, cũng chẳng phải ở giữa.
Tâm này không màu sắc, không phân biệt, không hình tướng, không kiến, không tri, không có trụ xứ.
Tâm như vậy, mười phương ba đời tất cả Chư Phật chẳng phải đã thấy, chẳng phải đang thấy, chẳng phải sẽ thấy.
Nếu tất cả Chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều không thấy thì tại sao nó đang hiện hữu?
Chỉ vì nhân duyên vọng tưởng điên đảo nên sinh tâm các pháp mỗi mỗi sai khác.
Thiện nam! Tâm ấy như huyễn, nghĩ tưởng phân biệt, tạo các loại nghiệp, thọ các loại thân.
Thiện nam! Tâm đi như gió nơi phi cảnh giới, đi xa khó bắt.
Tâm như nước chảy, sinh diệt không dừng.
Tâm như đèn sáng, duyên hợp không có.
Tâm này như ánh chớp, sát na không dừng.
Tâm như hư không, bị nơi phiền não khách trần ngăn che.
Tâm như khỉ vượn, luôn chuyền từ cành này sang cành khác khắp các cảnh giới.
Tâm như thợ vẽ, khéo tạo các loại nhân duyên nghiệp.
Tâm không tạm dừng, đeo đuổi các loại phiền não.
Tâm chỉ có một, không có hai.
Tâm như Đại Vương, làm chủ, tăng thượng tất cả các pháp.
Tâm thường độc hành, không bạn lữ.
Tâm như oan gia, hay tạo các khổ não.
Tâm như voi điên dẫm đạp trẻ con và các nhà đất.
Tâm hay hủy hoại tất cả các thiện căn.
Tâm này tham vướng như cá mắt câu, ở trong thọ khổ mà sinh tưởng vui.
Tâm này như mộng, ở trong vô ngã mà sinh tưởng ngã.
Tâm như ruồi xanh, ở trong bất tịnh mà khởi tưởng tịnh.
Tâm như kẻ nợ chủ, luôn sinh khổ sở.
Tâm như quỷ ác tìm chỗ sơ suất của người.
Tâm thường cao thấp, tham sân, bức não…
Tâm như trộm cướp đoạt mất thiện căn.
Tâm thường tham sắc, như con thiêu thân gieo mình vào lửa.
Tâm thường tham tiếng, như âm vang của trống trận.
Tâm thường tham hương, như heo ưa chỗ nhơ nhớp.
Tâm thường tham vị, như lạc đà thích mật.
Tâm thường tham xúc, như ruồi thích dầu.
Thiện nam! Bồ Tát cầu hướng tâm như vậy, nhưng chẳng thể đạt được.
Nếu chẳng thể đắc thì phi quá khứ, hiện tại, vị lai.
Nếu phi quá khứ, hiện tại, vị lai thì ra khỏi ba đời.
Nếu ra khỏi ba đời thì phi hữu, vô.
Nếu phi hữu vô thì không khởi.
Không khởi tức là không tánh.
Nếu không tánh thì không sinh.
Nếu không sinh thì không diệt.
Nếu không diệt thì không lìa.
Nếu không lìa thì không đến, không đi, không lui, không sinh.
Nếu không đến, không đi, không lui, không sinh thì không có các hành.
Nếu không có các hành thì tức là vô vi.
Nếu được vô vi thì tức là làm tất cả các việc căn bản của chư Thánh. Trong ấy không có trì giới, phá giới.
Nếu không có sự trì giới và phá giới thì không làm, cũng không có gì là không làm.
Nếu không làm và không có gì là không làm thì không có tâm và tâm số pháp.
Nếu không có tâm và tâm số pháp thì không có nghiệp, cũng không có nghiệp báo.
Nếu không có nghiệp và báo thì không có khổ, vui.
Nếu không có khổ vui thì là tánh Thánh. Trong ấy không có nghiệp, cũng không khởi nghiệp. Không có thân nghiệp, cũng không có ý nghiệp. Trong ấy, không có trên, dưới, sai khác. Tánh Thánh bình đẳng giống như hư không. Tánh này bình đẳng, không có hơn, kém. Tất cả các pháp đồng một vị.
Tánh này bình đẳng, lìa xa tất cả tướng thân tâm. Tánh này lìa xa tất cả các pháp, thuận theo Niết Bàn. Tánh này thanh tịnh, lìa xa tất cả phiền não cấu uế. Tánh này không có ngã, ngã sở. Tánh này chân thật, thuận theo như như. Tánh này tịch tĩnh, thường an lạc. Tánh này không có cao thấp, xuất ra từ bình đẳng.
Tánh nay chân thật là đệ nhất nghĩa. Tánh này vô tận, rốt ráo không sinh. Tánh này thường trụ, các pháp thường như vậy. Tánh này an lạc, là Niết Bàn đệ nhất. Tánh này thanh tịnh, lìa tất cả tướng. Tánh này vô ngã, cầu chẳng thể được.
Thiện nam! Các ông nên khéo quán sát bên trong, chớ chạy theo bên ngoài.
Thiện nam! Trong vị lai, Sa Môn như chó theo vật.
Sao gọi là như chó theo vật?
Ví như có một người dùng một vật ném trước mặt chó, nó liền bỏ người mà đuổi theo vật.
Như vậy, thiện nam! Có các Sa Môn, Thanh tín sĩ, Thanh tín nữ kinh sợ sắc, thanh, hương, vị, xúc, tuy trụ nơi A Lan Nhã thanh vắng, một mình không bè bạn, lìa mọi sự ồn náo, thân lìa năm dục nhưng tâm không xả bỏ.
Người này vẫn nhớ về sắc, thanh, hương, vị xúc… tâm tham vướng nơi vui, không quán sát bên trong, không biết làm sao để lìa năm trần. Do không biết nên có lúc đi vào làng xóm, thành ấp, ở giữa mọi người bị năm dục trói buộc. Hoặc ở chỗ thanh vắng, trì giới hữu lậu, chết được sinh Thiên.
Lại bị năm dục nơi Cõi Trời trói buộc, từ trên trời mạng chung, chẳng thoát khỏi ba đường ác: Địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Đó gọi là Sa Môn như chó theo vật.
Thiện nam! Thế nào là Sa Môn không như chó kia theo vật?
Nếu có Sa Môn bị người mắng chửi mà không báo thù, chỉ tự trách lòng, tìm cách hàng phục tâm, nghĩ quán như vậy: Người mắng là ai?
Người thọ là ai?
Người đánh là ai?
Người hại là ai?
Người hủy báng là ai?
Người sân là ai?
Đó là Sa Môn không như chó si kia theo vật.
Thiện nam! Như người điều phục ngựa, nếu ngựa cứng đầu liền bị chế phục. Hành giả cũng vậy, tùy chỗ tâm hướng đến mà khéo thu nhiếp, không để phóng dật.
Thiện nam! Ví như người yết hầu bế tắt, liền có thể bị chết.
Cũng vậy, thiện nam! Tất cả các kiến chỉ có ngã kiến mới hay đoạn dứt mạng căn trí tuệ.
Thiện nam! Ví như có người tùy theo chỗ trói buộc mà cầu giải thoát. Cũng vậy thiện nam, tùy theo chỗ tâm đắc nhiễm mà cầu giải thoát.
Thiện nam! Người xuất gia có hai loại tâm ô nhiễm bất tịnh.
Những gì là hai?
1. Đọc tụng các chú thuật ngoại điển, văn chương thế gian.
2. Chứa nhiều các loại phục sức, y bát tốt.
Lại người xuất gia bị trói chặt do hai loại.
Những gì là hai?
1. Bị trói buộc do chấp trước.
2. Bị trói buộc vì sự cúng dường.
Lại người xuất gia có hai loại chướng pháp.
Những gì là hai?
1. Thân cận với hàng bạch y.
2. Oán ghét bạn lành.
Lại người xuất gia có hai loại cấu uế.
Những gì là hai?
1. Nhận chịu phiền não.
2. Mong cầu nơi các đàn việt.
Lại người xuất gia có hai loại mưa gây hại.
Những gì là hai?
1. Hủy hoại thiện căn, trái nghịch chánh pháp.
2. Thân phá giới mà thọ nhân tín thí.
Lại người xuất gia có hai loại ung nhọt.
Những gì là hai?
1. Ưa bày lỗi tội.
2. Tự che tội mình.
Lại người xuất gia bị hai loại thiêu đốt.
Những gì là hai?
1. Dùng tâm cấu uế, ái chấp nơi pháp phục.
2. Giả làm người trì giới để nhận sự cúng dường.
Lại người xuất gia có hai loại bệnh.
Những gì là hai?
1. Ôm giữ tâm thượng mạn mà điều phục tâm.
2. Phá hoại người khác phát tâm Đại Thừa.
Thiện nam!
Phàm là Sa Môn có bốn loại.
Những gì là bốn?
1. Sa Môn trá hiện hình tướng.
2. Sa Môn oai nghi giả dối.
3. Sa Môn cầu danh.
4. Sa Môn hành hạnh chân thật.
Sao gọi là Sa Môn trá hiện hình tướng?
Đó là Sa Môn hình tướng đầy đủ pháp phục Tăng già lê, cạo bỏ râu tóc, mang bát, thành tựu tướng Sa Môn, nhưng nghiệp thân bất tịnh, không khéo hộ thân, xan tham, bê trễ, lòng ác phá giới… đó gọi là Sa Môn trá hiện hình tướng.
Sao gọi là Sa Môn oai nghi giả dối?
Đó là Sa Môn bốn oai nghi về thân đầy đủ: Đi, đứng, ngồi, nằm nhất tâm an tường, đoạn các mỹ vị, tu bốn Thánh chủng, lìa xa các chỗ ồn ào, nói năng mềm mỏng. Đức hạnh như vậy chỉ muốn dối trá, chẳng vì tịch tĩnh, đối với pháp không thấy có sở đắc, nơi không sở đắc mà sinh lo sợ như tưởng bị Sa hầm. Đối với người thuyết pháp, sinh phẫn nộ như tưởng oán tặc. Đó gọi là Sa Môn oai nghi giả dối.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba