Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bốn Mươi Hai - Phật Thuyết Kinh Vua Phổ Minh

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH LỤC TẬP ĐỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

PHẦN BỐN MƯƠI HAI

PHẬT THUYẾT KINH

VUA PHỔ MINH  

Nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá vệ, Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Thuở xưa, có Bồ Tát làm Đại Vương tên là Phổ Minh, lòng từ thi ân tỏa trùm khắp, mười phương đều ca ngợi, dân chúng nguyện Nhà Vua luôn được an lành như con hiền hỏi thăm cha mẹ.

Nước bên cạnh có vị Vua cai trị theo đúng phép, sức mạnh như sư tử, đuổi bắt được chim bay. Một hôm, người lo thịt ăn cho Vua bị mất thịt, nên sáng sớm đã vội đến chợ tìm mua, trên đường đi hắn thấy thây người vừa mới chết, bèn lấy thịt đó về làm món ăn, hương vị ngon hơn thịt súc vật.

Hôm sau, hắn làm đồ ăn không ngon bằng trước, Nhà Vua trách hỏi Thái quan, người phụ trách về thịt đến cúi đầu thú nhận sự việc.

Lòng Vua bẽn lẽn nói: Thịt người ngon đấy chứ!

Rồi Vua ngầm ra lệnh cho đầu bếp dùng thịt ấy làm món ăn thường ngày.

Đức Thế Tôn nói: Con người, hễ đắm sâu nơi mùi vị thì đạo nhân mỏng, nẻo nhân mỏng thì lòng lang sói dấy mạnh.

Ôi! Làm chó sói thì ham mùi vị thịt, giết hại mạng sống loài vật, nên thiên hạ oán thù.

Đầu bếp vâng lệnh, lặng lẽ đi giết người để cung phụng theo ý muốn của Vua. Thần dân xôn xao, dâng biểu xin Vua truy tầm kẻ giết người.

Nhà Vua đành phải đồng ý, nhưng mật bảo đầu bếp: Ngươi hãy cẩn thận đấy!

Một hôm, có quan chức bắt được kẻ giết người, hắn nói: Vua ra lệnh cho tôi đó.

Quần thần đến can Vua: Chúng thần trộm nghe, bậc Vua là đức theo pháp nhân từ, anh minh thì nhật nguyệt cùng tỏa sáng, đất dày thấm nhuần ân như Trời đất, ôm giữ chúng sinh như là hư không, vậy mới đáng là Vua của thiên hạ.

Nếu bỏ nhân từ theo nẻo tàn bạo tức là loài sài lang, bỏ sáng theo tối, ấy là bọn đui mù, bỏ cứu vớt để tự đắm chìm là lũ đục phá thuyền, bỏ thấm ướt ưa thích khô ráo tức là giết mình trong lửa hạn. Quay lưng với chỗ rộng thoáng để hướng về chốn ngột ngạt tức là tâm của loài người đá.

Ôi! Hành động của những kẻ lang sói tham tàn, mù tối, đắm chìm, thiêu đốt, người đá, thật không đáng làm người coi đám đầu bếp há đâu có thể làm Vua trong thiên hạ?

Nếu tôn sùng đức thì thạnh, ưa tàn hại thì vong, hai nghĩa thiện ác ấy, Vua nghĩ thế nào?

Nhà Vua nói: Trẻ sơ sinh dứt sữa được không?

Quần thần đáp: Không thể được.

Nhà Vua bảo: Ta cũng như thế.

Quần thần đều nói: Sài lang không đáng nuôi dưỡng, kẻ vô đạo không đáng làm Vua.

Thần dân một lòng đồng thanh đuổi đi.

Vua chạy vào núi thấy thần cây, bèn cúi đầu thưa: Khiến tôi được trở về lại đất nước, tôi xin dâng cho thần một trăm Vua.

Thề xong liền đi. Bèn rình chờ các Vua ra ngoài, đột kích bắt lấy, như diều cắt tóm bắt chim én, sẻ. Hắn bắt giữ được chín mươi chín vị Vua.

Thần cây hiện hình người, dung mạo đẹp đẽ khác thường, gọi A Quần bảo: Người làm việc vô đạo, nên đánh mất ngôi Vua sang quý, nay lại làm điều tàn ác lớn hơn, còn muốn trông chờ gì nữa?

A Quần chạy tới phía trước, bỗng nhiên người ấy biến mất. Vừa khi Vua Phổ Minh đi quan sát dân tình khổ, vui thế nào.

Trên đường gặp một Phạm Chí, vị ấy nói: Xin Đại Vương trở về cung, tôi có điều muốn thưa.

Nhà Vua bảo: Hôm qua đã ban lệnh rồi, nay phải thực hiện, chữ tín khó làm trái. Xin mời Đạo Sĩ đến cung ngồi, ta quay về ngay.

Rồi Vua ra đi, thì bị A Quần bắt được, ném bên gốc cây.

Nhà Vua nói: Ta không sợ mất mạng, chỉ hận vì chữ tín của ta bị hủy bỏ.

A Quần hỏi: Vì sao vậy?

Nhà Vua liền nói rõ về lời thề của mình khi gặp Đạo Sĩ và xin gặp ông ấy một lần để nhận giới trọng, đem ít của báu dâng lên, rồi trở lại chịu chết, không ân hận.

A Quần thả Nhà Vua trở về gặp Đạo Sĩ. Vua đích thân bày tòa cao mời Đạo Sĩ lên ngồi.

Đạo Sĩ liền nói bài kệ:

Số kiếp đã hết

Lửa cháy đất Trời

Tu di biển lớn

Đều ra tro rồi.

Trời Rồng hết phước

Về trong tiêu tan.

Đất Trời còn mất

Nước sao thường ngôi?

Sinh, lão, bệnh, tử

Luân chuyển không bờ.

Việc cùng nguyện trái

Buồn lo ấy hại

Dục chất họa chồng

Không ngoài bướu nhọt

Ba cõi đều khổ

Nước chỗ nào nhờ?

Có vốn từ không

Nhân duyên nên thành?

Thạnh ắt phải suy

Thật tất có hư!

Chúng sinh xuẩn ngu

Đều duyên chốn huyễn

Tiếng vang đều không

Đất nước cũng vậy

Thần thức vô hình

Xe kéo bốn rắn.

Vô mình quý dưỡng

Dùng làm xe vui

Hình, vô thường chủ

Thần, vô thường nhà

Ba cõi đều ảo

Nào có nước đâu?

Nhận bài kệ xong, Nhà Vua liền hiến cúng một vạn hai ngàn tiền vàng cho vị Phạm Chí.

Phạm chí lại dạy: Ông nên nhớ nghĩ đến bốn vô thường thì họa kia ắt tiêu diệt.

Nhà Vua đáp: Thưa vâng, không dám trái lời dạy sáng suốt.

Rồi Nhà Vua đến chỗ gốc cây đã hẹn.

Thấy Nhà Vua vừa đi vừa mỉm cười, A Quần nói: Mạng nguy đến nơi sao vui được mà cười?

Đáp: Lời dạy của Đức Thế Tôn, ba cõi ít kẻ nghe, nay ta được nghe và nhớ, sao lại còn tiếc đất nước, thân mạng?

A Quần vòi vĩnh nói: 

 Xin được nghe lời dạy quý giá. 

Nhà Vua liền đem bốn bài kệ trao cho.

A Quần vừa sợ vừa mừng, khen: 

Đức Thế Tôn lồng lộng thay!

Đã nêu bày rõ bốn vô thường.

Ôi! Ta vì không được nghe, thấy, nên đã làm những việc ngông cuồng, sai trái.

Rồi ông liền thả một trăm vị Vua, ai về nước nấy.

A Quần sám hối lỗi lầm, tự sửa đổi, lấy gốc cây làm chỗ ở, ngày ngày luôn nhớ nghỉ về bốn bài kệ. Đến khi lâm chung, hồn chuyển đến làm Vương Thái Tử.

Cưới vợ không sinh được con trai, Nhà Vua càng thêm lo buồn, nhân đó tuyển mộ con gái trong nước rồi dạy dỗ, khiến có con trai, về sau, Thái Tử trở nên dâm dật, phóng đãng, không theo đạo chân, Nhà Vua giận dữ sai phơi thây Thái Tử ở ngã tư đường, ra lệnh cho người đi đường dùng ngón tay gõ vào đầu để làm nhục.

Gõ vừa đúng chín mươi chín người thì Thái Tử mới chết. Linh Hồn ông biến hóa, luân chuyển mãi không thôi, đến khi sinh ra ở nước Xá Vệ thì gặp Phật tại thế.

Ông sớm mồ côi cha, cùng mẹ sống cô đơn theo đạo Phạm chí, tánh thuần, lời tín, sức mạnh địch cả voi, được thầy yêu, bạn kính, gần xa đều khen là hiền.

Mỗi lần đi du hóa, thầy đều giao cho ông trông coi việc nhà. Một hôm, người vợ yêu của thầy kéo tay ông, dùng lời dâm dục dụ dỗ.

A Quần từ chối: Bạn già ở đời, đàn ông là cha ta, đàn bà là mẹ ta, huống chi thầy là chỗ ta kính trọng! Bảo thiêu đốt thân mạng còn có thể làm theo, chớ loạn luân thì ta không dám thuận.

Vợ Thầy xấu hổ lui vào nghĩ kế, chồng về, vợ nói: Ông khen hắn hiền, đủ rõ là ông không biết gì về hắn cả.

Rồi mụ đặt điều nói đủ lỗi của ông. Lời yêu nữ nói ra như thật, khiến Phạm Chí tin.

Phạm chí nói với A Quần: Ngươi muốn thành Tiên không?

Thưa: Dạ muốn.

Thầy bảo: Ngươi giết một trăm người, chặt lấy một trăm ngón tay của họ là được thành tiên ngay.

Vâng lời Thầy, A Quần vác kiếm tìm gặp người là giết, thu được chín mươi chín ngón tay, mọi người đều chạy trốn hết, cả nước chấn động.

Không còn ai, hắn thấy mẹ mình, mừng rỡ nói: Mẹ nữa là đủ số, ta sẽ thành Tiên ngay thôi!

Thấy cảnh ấy, Đức Phật nghĩ: Tà đạo mê hoặc mọi người, hạng ấy có mặt ở khắp nơi. Ngài liền hóa làm một vị Sa Môn, đi ở đàng trước A Quần.

Hắn nói: A, có người này là đủ số rồi! Bèn chạy đuổi theo sau mà không kịp được.

Hắn kêu: Này! Sa Môn, hãy dừng lại.

Đức Phật đáp: Ta dừng đă lâu rồi, chỉ có ngươi là không dừng thôi.

Hắn hỏi: Dừng nghĩa là thế nào?

Đức Phật đáp: Ta, các việc ác đều dừng, còn ngươi thì các việc ác đều bừng lên.

A Quần tâm mở rộng, bỗng như mây tan, gieo năm vóc xuống đất, cúi đầu hối lỗi, chắp tay xin theo.

Đức Phật đem về tinh xá, cho làm Sa Môn, lại vì ông thuyết giảng về hạnh kiếp trước, hiện rõ bốn vô thường, ông chứng được đạo quả Câu Cảng, lui về bên gốc cây ngồi nhắm mắt chắp tay, tu luyện trừ bỏ các thú cấu nhiễm còn sót lại, tiến lên chứng được đạo quả Vô trước.

Trong khi ấy, Quốc Vương triệu tập Quân Sư, chiến sĩ vài vạn, ra lệnh tìm bắt yêu tặc giết người, chưa biết đi đâu.

Trên đường đi qua chỗ Đức Phật, thấy Vua, Đức Phật hỏi: Nhà Vua từ đâu đến mà thân lấm bụi đất?

Vua đáp: Trong nước có yêu tặc giết hại quá nhiều mạng dân, nay đi tìm bắt nó.

Đức Thế Tôn hỏi: Nếu dân chúng trước tu đức hạnh, mà sau thoái lui chuộng tà đạo thì phép trị nước xử như thế nào?

Vua đáp: Trước quý, sau hèn thì dùng phép chánh mà trị.

Đức Phật hỏi tiếp: Còn nếu trước mang lòng súc vật, sau bỏ đi mà giữ lấy đức Thánh thì chánh pháp ra sao?

Vua đáp: Trước hèn, sau quý thì dùng chánh pháp mà ban thưởng.

Đức Phật nói: Yêu tặc mà Ngài tìm, nay đã bỏ tà chuộng chân rồi, hiện đang làm Sa Môn.

Nhà Vua khen: Hay thay, Đức Như Lai Vô Sở Trước Chánh Chân Đạo Tối Chánh Giác Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư đã giáo hóa cao thượng, thần diệu đến như thế ư!

Trước là kẻ sài lang, nay là người có lòng nhân từ của Trời đất.

Nhà Vua cúi đầu dưới chân như Lai, rồi lại khen: Việc hóa độ này lạ lắm, con nguyện được một lần nhìn thấy người này.

Đức Thế Tôn nói: Được.

Vua cùng các quan đi theo kéo đến chỗ A Quần, nói: Này hiền giả đức cao! Hãy một lần mở mắt để thấy nhau được không?

Nhà Vua nói như vậy ba lần, A Quần mới đáp: Tia mắt sáng ngời của ta chiếu tỏa ra, thật khó mà đương nổi!

Nhà Vua cúi đầu nói: Ngày mai, bày một buổi tiệc nhỏ, xin được đón đến.

Đáp: Dọn nơi nhà xí thì đến, còn dọn ở cung điện thì không.

Nhà Vua nói: Xin vâng!

Trở về, Nhà Vua cho phá nhà xí, đào bỏ đất cũ, thay vào đất mới. Những thứ gỗ quý như chương tử, chiên đàn được dựng làm rường cột, nước thơm rải thấm đất.

Các thứ hương như chiên đàn, tô hợp, uất kim, hòa với nhau làm vữa, tô vách, len, dạ, lụa là, dùng làm tòa ngồi. Chạm khắc hoa văn, đem các thứ vật báu làm đẹp tăng thêm rực rỡ, huy hoàng, có khi còn hơn cả Cung Điện.

Rạng ngày đích thân Nhà Vua bưng lư hương đến đón. A Quần vào chỗ ngồi, Nhà Vua vén áo, đi gối hầu hạ. Thọ cúng dường xong, liền thuyết giảng Kinh.

Ngày trước nhà xí ô uế, há có thể dọn ăn được ư?

Đáp: Không được.

Hỏi: Nay thì dọn được ư?

Vua nói: Được vậy.

A Quần nói: Ta khi chưa gặp Phật thì tin thờ yêu quái, lòng nghĩ, miệng nói, thân làm toàn các việc tà vạy, đạo tà dơ bẩn nên chúng trở thành hôi thối càng quá hơn nhà xí.

Phân dơ còn rửa sạch còn cấu uế thì khó trừ, nhưng nhờ phúc kiếp trước nên sanh vào đời có Phật, được tắm gội bằng sự giáo hóa sạch trong, khử mùi thối, thấm hương thơm. Trong ngoài thanh tịnh như trân châu của Trời.

Ôi! Nếu không gặp được Phật, không nhận biết bốn vô thường, thì xem ra cái chí kia chẳng khác nào người cuồng dại do say rượu, không gần gũi Bậc Hiền mà nương theo mưới ác, thì hẳn cùng với sài lang cùng một bè vậy.

Nhà Vua nói: Hay thay! Lạ thay! Chỉ có sự giáo hóa của Đức Phật mới khiến cho mùi hôi thối của nhà xí hóa thành hương chiên đàn.

Nói Kinh xong, A Quần liền đi ngang qua chợ, nghe có người đàn bà sinh ngược, mạng sống chỉ trong hơi thở, liền trở về thưa rõ lên Đức Phật.

Đức Phật nói: Ngươi nhìn người sinh và nói như thế này. Ta từ khi sinh ra đến nay, đem lòng từ hướng về chúng sinh, cứu giúp thấm nhuần khắp Trời đất, mẹ con ngươi đều được an toàn.

Ông nhận lời dạy bảo rồi ra đi, đến nơi, đem lời ân đức của Phật đọc lên thì người đàn bà kia được mẹ tròn con vuông. Trên đường trở về, ông ngỡ mình có tội ác giết người mà nói là thương khắp. Bèn cúi đầu hỏi lại Đức Phật.

Đức Phật bảo A Quần: Ngày mà lòng phàm của ngươi mở ra thọ nhận đạo pháp, có thể gọi là mới sinh. Không gặp ba ngôi báu, không thọ giới trọng, như đứa trẻ còn trong thai, có mắt mà nào thấy được gì, có tai mà nào nghe được gì, nên nói là chưa sinh.

A Quần tâm mở liền chứng được đạo quả Ứng Chân.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Vua Phổ Minh thưở ấy chính là thân ta. Ta đời trước đã trao cho A Quần bốn bài kệ, một lúc đã cứu sống một trăm Vua, nay khiến đắc đạo, không chịu tội nặng.

A Quần kiếp trước đã từng làm Tỳ Kheo vác một hộc gạo đưa vào trong Chùa, làm một lưỡi dao dâng cúng, hoan hỷ, ca ngợi Đức Thế Tôn, cúi đầu mà đi.

Vác gạo nên có nhiều sức mạnh, dâng cúng dao nên được nhiều của báu, hoan hỷ nên được đoan chánh, ca ngợi Đức Thế Tôn nên được làm Vua, cúi đầu làm lễ Phật nên được người trong nước sùng bái.

Còn chín mươi chín người gõ vào đầu cho đến chết là trả oán trước đã chặt ngón tay của họ. Người đến sau muốn gõ nữa thì thấy đã chết, lại thấy Sa Môn, liền có từ tâm. Người đến sau tức là mẹ A Quần bây giờ, ban đầu có ý ác, nên A Quần ban đầu cũng có ý ác định giết mẹ, thấy Sa Môn lại có tâm từ nên thấy Phật là hiếu thuận ngay.

Gieo giống tinh thuần thì được thuần, gieo giống tạp thì được tạp, thiện ác làm ra, phước họa tìm đến, như bóng theo hình, vang ứng theo tiếng, tất cả đều có nguyên do, không phải là tự nhiên.

Các Tỳ Kheo nguyện: Khiến người gặp được Phật, đắc đạo được như sở nguyện, cúng dường ba ngôi báu, dù có ít như tơ tóc. Sa Môn đem lòng từ chú nguyện cho người bố thí, nói như lời người ấy nói thì được cả vạn mà không sót một người nào.

Bồ Tát giữ chí tu hạnh độ vô cực, đã thực hiện trì giới như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần